CÔNG NỢ VIỆT NAM TỚI MỨC BÁO ÐỘNG
(tiếp theo)

III. CÔNG NỢ hay NỢ QUỐC GIA.

Đó là tổng giá trị các số tiền mà chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đi vay, được dùng để san bằng các sự thâm hụt ngân sách. Để nhận định quy mô công nợ, chúng ta có thể so sánh khoản nợ này với Tổng sản lượng quốc nội (GDP), tính bằng số bách phân (%).

1. Các khoản tín dụng này được phân loại như sau:

- Nợ trong nước (vay từ tư nhân hay pháp nhân ở Việt-Nam) và nợ nước ngoài (vay từ tư nhân hay pháp nhân ở ngoài Việt-Nam).

- Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm) và nợ dài hạn (trên 10 năm).

2. Các hình thức vay nợ của chính phủ:

a. - Phát hành trái phiếu chính phủ. Chính phủ có thể phát hành Trái phiếu chính phủ để vay từ các tổ chức, cá nhân. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ được coi là không có rủi ro tín dụng vì Chính phủ có thể tăng thuế thậm chí in thêm tiền để thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đáo hạn. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng ngoại tệ (thường là các ngoại tệ mạnh có cầu lớn) có rủi ro tín dụng cao hơn so với khi phát hành bằng nội tệ vì chính phủ có thể không có đủ ngoại tệ để thanh toán và ngoài ra còn có rủi ro về tỷ giá hối đoái.

b. - Vay trực tiếp. Chính phủ cũng có thể vay tiền trực tiếp từ các ngân hàng thương mại, các định chế siêu quốc gia (ví dụ: Quỹ Tiền tệ Quốc tế)... Hình thức này thường được chính phủ của các nước có độ tin cậy tín dụng thấp áp dụng vì khi đó khả năng vay nợ bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ của họ không cao.

Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28.12.2006 qui định về việc ‘Vay, trả nợ nước ngoài’: của Chính phủ (điều 20), của người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng (điều 21), của người cư trú là cá nhân (điều 22) và việc ‘Mua ngoại tệ trả nợ nước ngoài’ (điều 23).

3. Quản lý công nợ.

a. Tổng công nợ Việt-Nam cần phải được quản lý làm sao để luôn nằm trong tầm kiểm soát, ở mức an toàn, không có gì đáng lo...

Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17.06.2009 có hiệu lực từ đầu năm 2010 định nghĩa công nợ bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Đó là các khoản vay như phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình đô thị, hay một tập đoàn kinh tế vay nợ nước ngoài được chính phủ bảo lãnh, vay vốn ODA (Official Development Assistant hổ trợ phát triển chính thức).

‘Nợ nước ngoài của quốc gia’ là tổng số các khoản nợ vay ở nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp và tổ chức khác vay theo phương thức tự vay, tự trả.

b. Quan niệm như vậy, tổng công nợ của Việt-Nam đã vượt trần báo động ?

Hiện nay, mức trần an toàn tổng công nợ được ấn định là bằng hay dưới mức 50% TSLQN. Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào thượng tuần tháng 05.2010, một báo cáo cho thấy nợ chính phủ đang tăng cao: bằng 33,8% TSLQN năm 2007, 36,2% TSLQN năm 2008, 41,9% TSLQN năm 2009 và dự báo lên đến 44,6% vào cuối năm 2010. Dựa vào các con số này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cảnh báo mức nợ chính phủ đã tăng sát mức trần cho phép. Như vậy, nếu cộng thêm các khoản nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, tổng công nợ Việt-Nam đã vượt trần an toàn 50% TSLQN.

Một báo cáo cuối năm rồi của Bộ Tài chính cho thấy tổng công nợ Việt-Nam vào cuối năm 2009 đã là 44,7% TSLQN (trong đó nợ chính phủ bằng 35,4% TSLQN, nợ được Chính phủ bảo lãnh bằng 7,9% TSLQN và nợ chính quyền địa phương là 1,4% TSLQN). So sánh hai số bách phân 41,9% và 35,4% TSLQN về nợ chính phủ năm 2009 theo báo cáo của Bộ Tài chính đã có sự sai lệch rất lớn. Bước vào năm 2010, Bộ Tài chính đã phát hành trái phiếu bằng tiền đồng và 1 tỷ mỹ kim, vay từ các định chế tài chính quốc tế (như 500 triệu mỹ kim từ Ngân hàng Thế giới...) đưa bách phân công nợ so với TSLQN chắc chắn còn lên cao hơn nhiều.

c. Luật Quản lý nợ công đã có hiệu lực từ đầu năm nay qui định Bộ Tài chính phải công khai thông tin về nợ công, ‘bao gồm tổng số dư nợ, cơ cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ hàng năm, các chỉ tiêu giám sát nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia’. Tuy nhiên, khi chúng ta đi vào http://www.mof.gov.vn/Default.aspx?tabid=5991&ItemID=67219, mạng lưới của Bộ Tài chính. Đáng tiếc cho đến nay bản tin công khai này chỉ mới dừng lại ở các khoản nợ nước ngoài chứ chưa phải toàn bộ nợ công và các thông tin chỉ mới cập nhật đến 30.06.2009.

Định kỳ công khai nợ công. Điều 47 Luật Quản lý nợ công quy định: ề Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin về nợ công. Thông tin về nợ công được công khai bao gồm tổng số dư nợ; cơ cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ của chính quyền địa phương; số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ hằng năm; các chỉ tiêu giám sát nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Thông tin về nợ công được Bộ Tài chính công bố định kỳ theo quy định của pháp luật Ừ.

d. Dư nợ nước ngoài của chính phủ và được chính phủ bảo lãnh là 21.816,50 triệu mỹ kim (hay 359.3841,20 tỷ đồng) vào ngày 31.12.2008 và 23.622,72 triệu mỹ kim (hay 400.121,65 tỷ đồng) vào ngày 30.06.2009. Ngoài ra, chúng ta cũng được biết những số đáng lưu ý khác là Tổng chi trả lãi và phí trong năm 2008 là 424,39 triệu mỹ kim (hay 6.900,28 tỷ đồng) và 234,07 triệu mỹ kim (hay 3.936,35 tỷ đồng).

Các loại ngoại tệ chính nợ nước ngoài của Chính phủ vào ngày 30.06.2009 như sau (tính theo triệu mỹ kim):
- SDR: 5.680;
- Mỹ kim: 3.202;
- Yen: 8.046;
- Euro: 2.312;
trong tổng số 19.945 triệu mỹ kim.

SDR (Special Drawing Rights, tiếng Anh, quyền rút vốn đặc biệt) là đơn vị tiền tệ quốc tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành, phân phối cho các nước thành viên một lượng theo tỉ lệ phần đóng góp vốn của mình vào IMF. Lúc đầu nó có giá trị 0,888671 gr vàng, chỉ là một đơn vị tính toán.

Năm 1974, SDR không được xác định bằng vàng nữa, mà căn cứ vào giá trị một số ngoại tệ mạnh của 16 nước. Đến năm 1980, giảm xuống còn ngoại tệ mạnh của 5 nước (Hoa kỳ, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản). Sau đó, vì việc bãi bỏ tỉ giá hối đoái cố định và áp dụng tỉ giá thả nổi, cho nên tỉ giá của các đồng tiền thường xuyên biến động. Nên, ngày nay, mỗi ngày, IMF công bố tỉ giá hối đoái của từng đồng tiền quốc gia với SDR. IMF mở cho mỗi nước thành viên một tài khoản để ghi các khoản SDR được giao và để hạch toán các khoản thu chi bằng SDR giữa ngân hàng trung ương các nước trong việc thực hiện theo cán cân thanh toán của các nước. Nó không phải đồng tiền mà tư nhân có thể có và sử dụng như các loại tiền quốc gia của từng nước.

e. Dự toán ngân sách nhà nước năm 2010:
- dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2010 là 461.500 tỷ đồng, tăng 18,1% so ước thực hiện năm 2009;
- dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2010 là 582.200 tỷ đồng, tăng 90.900 tỷ đồng, tức 18,5% so ước thực hiện năm 2009.
- dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2010: 461.500 - 582.200 = 119.700 tỷ đồng.
Nguồn bù đắp bội chi: chính phủ sẽ vay trong nước 98.700 tỷ đồng và vay ưu đãi ngoài nước 21.000 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, trường hợp có thêm các khoản vay ưu đãi ngoài nước, thực hiện tăng vay ngoài nước, giảm vay trong nước tương ứng, đảm bảo nguồn cho cân đối chi ngân sách nhà nước theo dự toán.

Ngoài ra, chúng ta được biết: với dự kiến vay nợ, trả nợ và huy động trái phiếu chính phủ trong năm 2010 như trên, đến 31.12.2010 dư nợ chính phủ bằng 44,3% TSLQN, ở mức đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Ghi chú: Mục ‘Dự toán chi trả nợ, viện trợ’ chi ghi: Bố trí 70.250 tỷ đồng, tăng 19,5% (11.450 tỷ đồng) so dự toán 2009, chiếm 12,1% tổng chi ngân sách nhà nước. Rất tiếc, tài liệu không phân tách để cho thấy số vốn vay gốc (không phải là chi phí) và chi phí về lãi. Chi viện trợ là một loại chi phí khác.

4. Nợ nước ngoài.

A. Phát hành trái phiếu quốc tế.

Nghị định số 53/2009/NĐ-CP ngày 04.06.2009 của Chính phủ qui định về việc
hoạt động vay, trả nợ nước ngoài thông qua hình thức phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong lịch sử tài chính công, Việt-Nam đã phát hành trái phiếu quốc tế qua 4 đợt:

a. Đợt phát hành thứ nhất vào ngày 28.10.2005, các nhà đầu tư quốc tế đã đặt mua với số tiền lên tới 4,5 tỷ mỹ kim, cao gấp 9 lần trị giá chào là 500 triệu mỹ kim tại thị trường chứng khoán New York (Hoa kỳ). Do đó, Việt-Nam đã tăng gấp rưỡi lượng trái phiếu phát hành, với trị giá lên 750 triệu mỹ kim. Sự thành công không phải là điều đáng ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng Chính phủ đã đồng ý trả lãi suất trái phiếu đợt này là 7,125%/năm, sau khi đã điều chỉnh xuống từ mức 7,250%, như dự tính ban đầu. Trong cùng lúc, lãi suất Trái phiếu 10 năm Ngân khố Hoa kỳ chỉ ở mức 4,561%/năm. Mức lãi suất Việt-Nam cũng rất cao so với các trái phiếu khác trên thị trường quốc tế. Sự cách biệt đó là cái giá phải trả cho sự rủi ro để cho Việt-Nam vay vì khả năng trả nợ của Hoa kỳ cao hơn Việt-Nam.

Sự rủi ro này được ấn định bởi các cơ quan thẩm lượng (rating agency, tiếng Anh, và agence de notation, tiếng Pháp, như Fitch, Standard & Poor's hay Moody). Sự rủi ro về kinh tế Hoa kỳ về mặt lý thuyết xét bằng 0 vì Chính phủ thật sự dân cử bảo đảm trả nợ những trái phiếu kho bạc Mỹ, nên Hoa kỳ được xếp hạng AAA, với lãi suất chỉ là 4,561%. Độ rủi ro hoàn trái của Việt-Nam khá lớn, nên Đất nước chúng ta chỉ là BB bởi Standard & Poor's, Ba3 bởi Moody và BB- bởi Fitch. Độ rủi ro cao hơn thì lãi suất phải cao hơn, nên người nào nắm giữ được hưởng lãi suất cao hơn nhiều là 7,125%/năm.

b. Đợt thứ hai vào năm 2007, Việt-Nam phát hành 1 tỷ mỹ kim trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với kỳ hạn mở rộng 10-30 năm cũng khá thành công vì lãi suất được ấn định là khoảng gần 7%/năm với thời hạn 10 năm. Số tiền thu được dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt-Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt-Nam, Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Lắp máy Việt- Nam vay lại để thực hiện đầu tư các dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án mua tàu vận tải, Dự án Thủy điện Xê Ca Mản 3 và Nhà máy thủy điện Hủa Na.

c. Đợt thứ ba vào năm 2009, việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được chia làm 3 lần đấu thầu:

- Lần thứ nhất vào tháng 03.2009 chỉ huy động được 230,11 triệu USD trong tổng số 300 triệu mỹ kim giá trị trái phiếu được đưa ra đấu thầu.

- Lần thứ hai vào tháng 08.2009 với ba loạt trái phiếu huy độâng được: 100 triệu mỹ kim/100 triệu mỹ kim trái phiếu chào bán kỳ hạn 1 năm, 47 triệu mỹ kim/100 triệu mỹ kim trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 triệu mỹ kim/50 triệu mỹ kim trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

- Lần thứ 3 vào ngày 29.12.2009, kết quả chỉ huy động được 73 triệu mỹ kim trong tổng số 200 triệu mỹ kim giá trị trái phiếu gọi thầu, tức 36,5%. Tỷ lệ thành công việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế có xu hướng giảm dần theo từng lần phát hành kể từ đầu 2009 tới nay.

d. Đợt thứ tư vào năm 2010.

Việc chào bán trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế bắt đầu hôm 18.01.2010 tại Hương cảng và đã chấm dứt ở New York (Hoa kỳ) ngày 21.01.2010, để huy động vốn hoàn trả ngân sách và đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp, năng lượng và vận tải biển và dự án lọc dầu Dung Quất.

Trong cuộc họp báo ngày 01.02.2010, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần xuân Hà cho biết đã bán một tỷ trái phiếu chính phủ vừa phát hành trên thị trường quốc tế và tiền đã về đến tài khoản Việt-Nam. Đây là loại trái phiếu 10 năm, kể từ
ngày 25.01.2010 với lãi suất 6,95%/năm, tức cao hơn hai nước láng giềng Philippines và Indonesia khoảng 1%.

Việt-Nam phải đi vay ở nước ngoài vì lãi suất vay tiền đồng trong nước cao đến 10 hay 11% (lãi suất tiền gởi ở ngân hàng cũng có lời 10% rồi). Chánh phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước đi vay ở nước ngoài với mong muốn, nhờ lãi suất rẽ hơn, các xí nghiệp này có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài nhưng, thực tế, hầu hết đã không thành công. Bao nhiêu tập đoàn xây dựng với công nghệ xi măng lò đứng đều phá sản, bao công ty sản xuất đường cũng vậy và phải đóng cửa hết. Riêng về ngành đường, chính phủ đã đầu tư hết khoảng một tỷ mỹ kim. Nhà nước không có biện pháp kiểm soát, đến khi họ không trả nợ được, chánh phủ bảo lãnh phải trả thế.

Kết quả, hiện nay, nhiều tập đoàn nhà nước lớn đang xin phép Chính phủ được phát hành trái phiếu quốc tế có giá trị tổng cộng lên tới nhiều tỷ mỹ kim để cân đối vốn cho các dự án đầu tư của họ. Trong đó, chúng ta có thể kể đến: Tập đoàn Dầu khí Việt-Nam (từ 500 triệu đến 1 tỷ mỹ kim), Tập đoàn Điện lực Việt-Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt-Nam cũng có nhu cầu tương tự, nhà máy điện Nhơn Trạch II, Thái Bình 2, Long Phú 1, nhà máy sơ xợi Đình Vũ, dự án đường ống dẫn khí lô B-Ô Môn, khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, v.v...