Siêu hình học hỗ trợ tích cực cuộc sống

Phải chăng siêu hình học, một khoa học mà triết gia Immanuel Kant đã coi là nữ hoàng của tất cả mọi hoa học, đã thực sự đánh mất giá trị bất khả nhượng hay vị trí thượng đẳng của nó trong khung cảnh khoa học toàn cầu hóa ngày nay? Phải chăng ngày nay người ta còn có thể giữ vững được personale recta ratio, còn giữ vững được lý trí ngay thẳng của con người theo chiều hướng siêu hình học Hy Lạp-Roma hay Kitô giáo-kinh viện, vốn đã được thiết lập ngày từ thời Socrate, mà chính trên nền tảng vững chắc đó sự huy hoàng tráng lệ của nền văn hóa Tây phương, và qua nền văn hóa Tây phương, cả nền văn hóa thế giới cũng đã được xây dựng lên? Và phải chăng khi phải đối mặt với tinh thần thời đại tân tiến ngày nay đang xâm chiếm hầu như tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống, sự quay trở lại với siêu hình học còn là một điều khả dĩ?

Những câu hỏi vừa được nêu lên thực sự là những vấn nạn mà hiện nay nhiều nhà khoa học thời danh đang nổ lực tìm kiếm những câu trả lời thích đáng từ viễn tượng triết học, văn hóa, khoa học, pháp lý, xã hội và nhất là từ viễn tượng thần học.

Sau chiến tranh, trong các nước Tây phương và khối các nước Đông Âu theo chế độ xã hội trước kia, một quan điểm duy tự nhiên trong phạm vi khoa xã hội học đã tỏ ra thắng thế

Giữa những chủ đề thần học và triết học, giáo sư Tadeusz Guz, khoa trưởng tại đại học Công Giáo „Gioan Phaolô II“ ở Dublin (Ái Nhĩ Lan), đã trình bày trong bài thuyết trình của ông về „Tình yêu đối với Logos(1) Thiên Chúa và Logos hữu hạn - Bản chất và mục đích của khoa học“ (Die Liebe zum göttlichen undendlichen Logos – Wesen und Ziel der Wissenschaft). Ông nhìn thấy trong lịch sử sự hiểu biết về Logos Thiên Chúa, vốn đã từng được loan báo trong Cựu Ước và được mặc khải ra trong Tân Ước như là chân lý và tình yêu vĩnh cửu, ý nghĩa thực sự đối với khoa học của chúng ta. Giáo sư Guz trích dẫn lời thơ của cựu giáo sư Karol Wojtyla(2) mà ông hy vọng có thể làm sáng tỏ được tư tưởng của ông:

„Der allmächtige Bildhauer! Das Wortes Anfang/

Der wunderbarste in strahlender Kraft –/

Und das Wort des Vaters ist das Geliebtsein,/

Das höchste Wunder der allmächtigen Augen,/

Und das dauerhafte Sich-Erkennen,/

Das Licht der Liebe – das goldene Dia./

Das Wort ist Fleisch geworden – Verwirklichtsein,/

Der paradiesischen Verheißungen irdischer Same.“


Tạm dịch:

„Nhà điêu khắc toàn năng! Khởi đầu của Ngôi Lời/

Vô cùng tuyệt vời trong sức mạnh ngời sáng –/

Và Ngôi Lời của Cha là tình yêu vĩnh cửu,/

Phép lạ cao tột đỉnh của con mắt toàn năng,/

Và hằng nhận biết mình trong muôn đời muôn thuở,/

Ánh sáng tình yêu – hình ảnh vàng ròng tinh khiết./

Ngôi Lời đã trở thành xác phàm – một thực tại rõ ràng,/

Của những lời hứa Thiên đàng cho hạt giống trần thế“.


Tiếp đến, trong bài diễn thuyết của ông với tựa đề: „Siêu hình học truyền thống là nền tảng của thần học“ (Zur traditionellen Metaphysik als Grundlage der Theologie), giáo sư Horst Seidl thuộc đại học Lateran ở Roma đã khởi đầu từ thánh danh Thiên Chúa „Jahwe“ mà Sách Xuất Hành của Cựu Ước đã trình thuật (3,14). Đó là Thiên Chúa, Đấng đã hiện ra với Mô-sê qua một vị Thiên thần trong một bụi cây có lửa cháy, mặc khải cho ông biết „Người là Thiên Chúa của các Tổ phụ, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác và Thiên Chúa của Gia-cóp“. Còn khi Mô-sê hỏi tên Người là gì, Thiên Chúa đã trả lời: „Ta là chính Ta“, hay: „Ta là Đấng hằng hữu“. Còn bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ: „Ta là Đấng hiện hữu“ đã làm nổi bật phương diện siêu hình học. Và sau này, kiểu nói „Thầy là“, hay: „Tôi là“ của Đức Kitô trong các sách Phúc Âm, cho thấy là rõ ràng được xây dựng trên kiểu nói Thiên Chúa Jahwe của Ít-ra-en trong sách Xuất Hành. Truyền thống về Thiên Chúa Jahwe của Ít-ra-en này đã được nhắc đến ở nhiều chỗ trong Tân Ước, chẳng hạn trong bài ca „Ngợi Khen“ Magnificat của Đức Maria: „Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người“ (Lc 1,54), hay trong bài ca „Chúc Tụng“ Benedictus của Thầy Tư tế Da-ca-ri-a: „Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Ít-ra-en“ (Lc 1,68). Giáo sư Seidl đã trình bày vai trò hết sức quan trọng của nền tảng siêu hình học đối với giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi, một giáo huấn mà trong tác phẩm nổi danh của ngài „De Trinitate“, thánh Augustinô đã mạnh mẽ bênh vực chống lại các triết gia ngoại giáo vào thời bấy giờ.

Có lẽ chính đây cũng là chỗ đã nói lên sự nối kết giữa siêu hình học (Metaphysik) và nhân loại học (Anthropologie) tân thời, mà chính Đức Gio-an Phao-lô II cũng đã trình bày, khi ngài coi gia đình như là tấm gương phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo giáo sư Seidl, ý niệm „nhân vị“ (Person) vốn được dựa trên nền tảng siêu hình học đã bổ túc đầy đủ „siêu hình học“.

Cũng tương tự như giáo sư Seidl, giáo sư Erik M. Morstad, đại học Oslo (Na Uy), với bài thuyết trình „Luther và siêu hình học (Luther und Metaphysik):, cũng đi từ danh Thiên Chúa trong Cựu Ước „Ich bin, der ich bin“: Ta là Ta, hay: Ta là Đấng Hiện Hữu“ và trình bày sự đoạn tuyệt với siêu hình học về Kinh Thánh và Kitô giáo của nhà cải cách Martin Luther. Một cách vắn tắt, giáo sư Morstad đã trình bày rõ ràng và gãy gọn sự tóm lược siêu hình học về Kinh Thánh và Kitô giáo. Ông trình bày nền tảng Kinh Thánh và Kitô giáo của siêu hình học theo quan niệm của Cựu Ước, của Tân Ước và của Giáo Hội cũ.

Đến lượt ông, giáo sư Heinz-Georg Kuttner (Weilheim) cũng đưa ra những quan điểm gay cấn tương tự. Trong bài thuyết trình „Xã hội học như là khoa học của thực tại trong sự giới hạn xã hội học như là khoa học của luật pháp“ (Die Soziologie als Wirklichkeitswissenschaft in Abgrenzung zur Soziologie als Gesetzeswissenschaft) của ông, giáo sư Kuttner đã trình bày một „phân tích về hình ảnh vũ trụ và hình ảnh con người trong khoa học nhân bản và xã hội tân thời“. Theo ý kiến giáo sư Kuttner, sau thế chiến II, ở các nước Tây Âu cũng như ở các nước Đông Âu theo chế độ xã hội, một quan điểm tự nhiên hay duy vật trong lãnh vực khoa xã hội học đã thắng thế một cách hiển nhiên hay tiềm tàng, và đã làm thay đổi một cách sâu xa hình ảnh về vũ trụ của con người. Ông nhìn thấy song quan luận (Dillema) của khoa xã hội học, một khoa học được hiểu như một hình thức mới của sự ngộ đạo (Gnosis), khi tất cả những phạm trù hình thức của sự ngộ đạo lại tái xuất hiện và mang tới một trào lưu tục hóa, một hiện tượng không gì khác hơn là sự vùng dậy của sự ngộ đạo theo quan điểm Kitô giáo và rồi cùng sụp đổ với „thuyết nội tại) (Immanentismus) hay tự nhiên chủ nghĩa (Naturalismus).

Cách thức suy tư siêu hình học là điều kiện tiên quyết cho một thái độ đối xử quân bình và hợp lý với thực tại, và nhờ thế tránh được cạm bẩy của ý thức hệ“.

Sự phủ nhận siêu hình học là một thái độ có tương quan mật thiết với „sự độc đoán của chủ nghĩa tương đối“. Giáo sư Kuttner loại bỏ một cách khéo léo sự suy tư theo chủ nghĩa tương đối và ông nhìn thấy bên kia biên giới chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa hoài nghi là khoa xã hội học và nhân bản học được bám rễ sâu trong siêu hình học. Bài thuyết trình của ông quả thực vừa sâu sắc bao quát và vừa mang tính cách dẫn đường.

Trong khi đó, ngược lại, giáo sư Joseph Schumacher thuộc đại học Freiburg im Breisgau (Đức) lại chọn một lộ trình hoàn toàn khác hẳn để đến với việc suy tư siêu hình học. Ông nghiên cứu cặn kẽ một trong những chủ đề đầy tranh cãi hiện nay về việc đánh giá của siêu hình học và đồng thời của luân lý, đó là: „Việc cống hiến và cấy trồng các cơ quan thuộc thân thể con người. Sự đánh giá các hành động mổ xẻ này dưới ánh sáng luân lý Kitô giáo“. Vấn đề khúc mắc và cần phải được lý giải trong việc cấy trồng các cơ quan trên thân thể con người là ở chỗ: „Điều quan trọng cần phải quan tâm là chính thời điểm mà người ta lấy đi một cơ quan nào đó trong thân thể của một người để cấy trồng vào thân thể của một người khác“. Trong lãnh vực này, một điều đã quá hiển nhiên đối với giới y khoa, đó là một cơ quan đã chết thì hoàn toàn bất khả sử dụng được nữa, tức không thể cấy trồng vào thân thể của một người khác được nữa. Và tiếp đến, một vấn đề khác cũng quá rõ ràng tương tự như thế, đó là từ thân thể một người đã chết thì người ta không thể có được những cơ quan sống động. Như vậy, người ta phải căn làm sao cho đúng lúc để có được cơ quan cần tới còn sống động, và điều đó có nghĩa là phải tuyên bố một người đã chết sớm hơn, tức phải sử dụng ý niệm „não bộ đã chết“, mà theo sự định nghĩa cũ thì một người đã chết về não bộ thì chưa có nghĩa là ngưới ấy đã chết hẳn, nhưng chỉ có nghĩa là người đó đang trong một „cơn hôn mê bất khả hồi tỉnh lại“. Nhưng nếu từ một người đã được coi là chết về não bộ, tức đang hấp hối, mà người ta mổ lấy đi một cơ quan trọng yếu đối với sự sống của người ấy, thì cái chết tiếp liền sau đó của người ấy hoàn toàn không phải là cái chết tự nhiên nữa.

Nếu vậy, người ta có thể nói được rằng vấn đề được đề cập đến ở đây là một hình thức trợ tử (Euthanasie), tức dùng thuốc để kết thúc sự sống một cách nhẹ nhàng và không đau đớn. Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm và vô cùng quan trọng, mà Đức Gio-an Phao-lô II đã trình bày trong thông điệp „Evangelium vitae“: Phúc Âm sự sống của ngài. Trong đó Đức Giáo Hoàng đã nói một cách thẳng thắn, không úp mở về một sự cám dỗ trợ tử trong khuôn khổ cấy trồng các cơ quan, và nay giáo sư Schumacher lại đề cập tới. Như vậy, trong tình huống này, „để có được các cơ quan cho công việc cấy trồng“ Đức Giáo Hoàng nói đến „sự trợ tử“, nghĩa là „trở về cùng Thiên Chúa băng qua cái chết, khi người ta làm cho sự chết xảy ra trước thời hạn“.

Giáo sư Schumacher đi tới kết quả là: „Nếu được nhìn ngắm một cách quân bình thì những người chết về não bộ là những người đang chết (Sterbende), chứ chưa phải là những người đã chết (Gestorbene). Những người ấy đang trong diễn tiến của sự chết, (hay đang trong giờ hấp hối), trong diễn tiến mà người ta không được phép can thiếp một cách trực tiếp vào, và là một diễn tiến mà người ta không được phép chấm dứt một cách quyết định được. Lý do là vì phẩm giá con người và vì các quyền tống quát của con người, tức những quyền lợi phát xuất từ địa vị đặc biệt của con người trong vũ trụ“. Nếu „cái chết tự nhiên của một người đã chết về não bộ bị phá hủy“, nghĩa là người ấy không được chết một cách tự nhiên, thì bấy giờ chắc chắn rằng vấn đề được đề cập tới là công việc thuộc lãnh vực siêu hình học. Và trong Thông điệp nói trên, Đức Gio-an Phao-lô II đã khẳng định: „Sự trợ tử là một xúc phạm nặng nề đến Luật tối thượng của Thiên Chúa“.

Đây cũng là quan điểm mà giáo sư Schumacher luôn quan tâm tới, khi ông đặt định đề là: „Người ta định hướng theo những tiêu chuẩn hiện tượng đối với thời điểm sự chết, người ta qui định thời điểm sự chết theo những hiện tượng thay đổi bên ngoài của thân thể con người“. Và „con người không được phép làm tất cả những gì mình có thể làm. Hành động con người bị giới hạn bởi Ethos, bởi luân lý đạo đức“.

Nếu từ công trình sưu tập các bài thuyết trình trên đây người ta chỉ có thể trích dẫn ra được một số điểm nào đó mà thôi, thì đó là điều dễ hiểu. Bởi vì sắc thái các bài thuyết trình rất khác biệt nhau, chúng chỉ cho thấy một cách tổng quát mục đích thực sự của quan điểm siêu hình học, tức làm xuất hiện – đúng với chữ „Meta“: „ở giữa“, „sau“ hay „với“ – nghĩa là „ngay ở giữa“ vũ trụ hữu hình, „giữa hai bên“, „đàng khác“, vâng, „vượt xa lên trên“ tất cả, luôn hiện hữu một thực tại rộng mở. Còn con người là một thực thể có thể bắc lên nhịp cầu ấy, vâng, tự bản chất nội tại của mình, con người là chính nhịp cầu ấy.

Cách thức suy tư siêu hình học là điều kiện tiên quyết cho một thái độ quân bình và hợp lý đối với thực tại, qua đó nó cống hiến một sự bảo vệ hiệu nghiệm trước ý thức hệ, đồng thời nó cũng cống hiến một định hướng và là một cách thức hỗ trợ cuộc sống. Đây là một điều mà người ta luôn mang ơn đối với giáo sư Tadeus Guz và các cộng sự viên của ông.

_____________________

1. Logos: trong văn minh Hy-lạp có nghĩa là ngôn ngữ, lời nói, hóa đơn, sự cân xứng, nguyên tắc, lý do, lý trí con người, khả năng suy tư; còn trong Kinh Thánh có nghĩa là lời, mệnh lệnh hay lệnh truyền của Thiên Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Kitô.

2. Karol Wojtyla là tên đời của Đức Gioan Phaolô II (1979-2005).

Sách tham khảo:

Tadeus Guz/Elzbiata Szcurko/Leszek Brusniak: Metaphysik heute. Nhà xuất bản Peter Lang, Frankfurt am Main, 2009, 647 trang.