Gần đây chúng tôi có dịp tới thăm gia đình ông Liên ở Quận 9. Gia đình ông di cư từ Huế vào Sài Gòn năm 1968. Hai vợ chồng ông sinh được 3 người con và hy vọng vào những người con đó. Cuộc sống lam lũ nơi đất khách quê người, ông bà sẽ dễ dàng vượt qua để nuôi niềm hy vọng vào những người con. Nhưng đau khổ thay ba người con của họ lại bị tâm thần từ nhỏ. Nó như một “đòn” đau khổ giáng lên gia đình ông. Cuộc sống của họ đã khó khăn lại càng khó khăn và bi đát hơn. Chưa dừng lại ở đó, khi bước sang tuổi 75 ông chồng lại bị bại một chân không thể tiếp tục làm việc để nuôi con; bà vợ cũng bị đau cột sống, còng lưng đi lại rất khó khăn, không thể cầm xấp xé số để đi bán được. Cuộc sống của 5 con người rơi vào bế tắc, chỉ trông chờ vào sự hảo tâm của người khác. Đau khổ thể xác và tinh thần đang ngày đêm gặm nhấm những tấm thân gầy yếu của họ. Chúng ta có thể (tạm chấp nhận) gia cảnh này giả như họ đã ăn ở thất đức, ác độc. Nhưng ngược lại, gia đình ông bà lại rất đạo hạnh, có lòng tin vào Chúa và Rước Lễ hàng tuần. Hơn nữa, các người con của ông Liên trước đây là những đứa trẻ có tội tình gì? Trong khi đó, có biết bao người sống gian ác, tham nhũng, bóc lột người khác…vẫn sống nhởn nhơ trên nước mắt mà mồ hôi của dân lành.

Vậy tại sao những tai họa khổ đau luôn dáng xuống trên những con người vô tội này, chứ không phải là những người độc ác kia? Các đau khổ đến từ đâu, phải chăng nó đến từ Chúa, Chúa thử thách họ, nếu thế thì Thiên Chúa quá độc ác vì Ngài đã vô tâm trước đau khổ của con người? Đây là vấn nạn không chỉ mới xẩy đến cho gia đình ông Liên và con người thời nay mà thôi, nhưng nó đã là một vấn nạn trong thời đại của ông Gióp, tiền bán thế kỷ thứ V trước Công Nguyên.

Giáo Hội đang hướng tới Tuần Thánh, thời gian tưởng niệm cách “đậm đặc” biến cố Tữ nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu; chúng ta thử trở về với sách Gióp để xem xét lại vấn nạn đau khổ của sách Gióp và đối chiếu với sách Khôn Ngoan, nhất là với đau khổ của Đức Giêsu, hầu đi tìm câu trả lời cho cho các đau khổ của con người trong đời sống đức tin hôm nay.

1.Những vấn nạn của sách Gióp

Trước khi đi tìm câu trả lời về vấn nạn nêu trên, chúng ta trở lại sách Gióp, để xem xét vấn đề đau khổ của nhân vật Gióp và những giới hạn của sách này về câu trả lời cho vấn đề đau khổ..

1.1.Vấn đề đau khổ của ông Gióp

Sách Gióp trình bày vấn đề đau khổ của người công chính. Điều này được thể hiện qua cuộc đời của ông Gióp. Ông là một người công chính, nhưng lại chịu thử thách và bất công. Ông đau khổ, dù ý thức ông vô tội. Tác giả đã nêu lập trường cổ điển để giải thích trường hợp này. Ba người bạn ông Gióp trong tư cách bảo vệ giáo lý chính thống, chấp nhận giáo huấn cổ truyền, đã cho rằng sự đau khổ là hình phạt đối với tội lỗi (Lm Vũ Phan Long, OFM, Nền văn chương khôn ngoan, Lư hành nội bộ, tr.75). Theo quan niệm này thì đau khổ hay sung sướng là do hậu quả của đời sống đạo đức của cá nhân ngay tại thế. Quan điểm này được gọi là “Báo oán tại thế” của người Do thái (Thiên Chúa thưởng phạt ngay ở đời này”.

Tuy vậy, qua sách Gióp, chúng ta thấy ông Gióp đã không chấp nhận quan điểm đạo đức truyền thống này, vì ông và gia đình ông sống công chính. Vậy tại sao Thiên Chúa lại giáng tai họa xuống trên gia đình ông? Gióp biết mình vô tội hay ít ra mình không làm gì để đáng phải chịu thử thách quá lớn như vậy. Ông không tìm ra giải pháp cho vấn đề của cá nhân ông: “Sự an lành của kẻ xấu và người công chính đau khổ là chính ông, đấy chính là điều ông Gióp thấy và ông đặt lại vấn đề cho nền công lý của Thiên Chúa trong tương quan với loài người và thậm chí là sự tốt lành, thánh thiện và khôn ngoan của Người”( Sđd, tr 75).

Để rồi, qua cuộc đấu tranh và phản kháng sau đó, Gióp đã tẩy bỏ thanh luyện tâm trí ông hình ảnh của một Thiên Chúa xa bị méo mó theo quan điểm truyền thống cho rằng mọi đau khổ của ông là đến từ Thiên Chúa và Thiên Chúa phải chịu trách nhiệm về đau khổ của ông. Qua sự phản kháng này chúng ta thấy ông Gióp vẫn kiên trì mở lòng ra với Thiên Chúa bằng một niềm tin mãnh liệt và cho dù bị tổn thương bởi đau khổ để mong được gặp Thiên Chúa, được cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa trong đời sống đức tin của mình” ( Lm Nguyễn Tiến Dũng, OFM, Tập bài giảng ngôn các Sách Giáo Huấn).

Vì thế, dù không hiểu được mầu nhiệm sự quan phòng của Thiên Chúa, Gióp cũng phải cúi đầu tin tưởng và chấp nhận (G 42,1-6), và câu trả lời của sách Gióp về đau khổ của người lành vẫn còn bỏ ngỏ.

1.2. Những giới hạn của sách Gióp

Thứ nhất, nguồn gốc của đau khổ vẫn là một vấn nạn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Qua các diễn từ mà Chúa đã phán dạy ông Gióp, ta thấy Ngài chưa trực tiếp đưa ra câu trả lời về vấn đề này. Về phần Gióp, ông đã chấp nhận sự trả lời của Thiên Chúa và rút lại những lời trách móc của ông: “Vì thế, điều đã nói ra con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42,6). Nhưng tác giả không cho ta biết ông Gióp đã chứng kiến điều gì và tại sao ông lại khân phục Thiên Chúa? (X.Sđd).

Thứ hai, vấn đề thưởng phạt hay đền bù được thực hiện ngay ở đời này vẫn còn vô lý. Chúng ta thấy ông Gióp nhờ kiên trì trong đức tin, cuối cùng Thiên Chúa đã ban lại tài sản gấp đôi cho ông. Ông sinh được bảy con trai và ba con gái (G 42,13). Nhưng ở đây chúng ta thấy, vấn đề của cải Thiên Chúa ban thì có thể chấp nhận. Nhưng những người con của ông thì đâu có thể thay thế được. Những đứa con mà ông hằng thương yêu đã chết không có cách gì bù đáp nỗi. Sự mất mát tinh thần sẽ theo ông suốt cả cuộc đời? Hơn nữa, những nỗi đau khổ của những người con ông mà họ đã chết vì Thiên Chúa thử thách ông thì họ phải làm những vật hy sinh hay sao? Làm thế nào có thể hiểu được một vị Thiên Chúa công minh, yêu thương mà dùng cái chết của con người để đùa vui được?

Thực vậy, cách trả lời của sách Gióp về vấn đề người lành bị khổ và người ác lại sung sướng vẫn còn những giới hạn vì mặc khải của sách Gióp chưa đầy đủ. Nhưng cách thế sách Gióp đặt vấn đề đã là một chặng cho mặc khải tiến triển thêm. Phải đợi đến vài thế kỷ nữa, niềm tin về sự sống lại và linh hồn bất tử, thưởng phạt ở đời sau mới rõ rệt và đưa ta gần đến giải đáp. Chúng ta tìm thấy câu trả lời tương đối rõ nét trong sách Khôn Ngoan.

2.Câu trả lời trong sách Khôn Ngoan

Sách Khôn Ngoan ra đời muộn thời hơn vào thế kỷ 1 tr. CN, tức sau sách Gióp 4 thế kỷ, nên đã có một viễn ảnh về linh hồn bất tử và vấn đề thưởng phạt, những vấn đề từng cật vấn và làm ray rứt ám ảnh bao hiền nhân, nay đã gặp được câu giải đáp. Sách đã trình bày cho con người một viễn ảnh cánh chung, một nền thần học về đời sống mai sau: “Sách Khôn ngoan có công lần đầu tiên nói rõ về đời sống sau cái chết” (Lm. I-nha-xi-ô Nguyễn Ngọc Rao,OP, Tìm Hiểu Các Sách Giáo Huấn, tr.56). Đó cũng là câu trả lời cho các đau khổ mà người công chính phải gánh chịu ở đời này cũng như những công trạng của họ trong đời sống đức tin mà sách Gióp chưa giải quyết.

2.1. Linh hồn bất tử

Chiều kích cánh chung mà sách Khôn Ngoan đề cập đến trước tiên được hàm chứa trong khái niệm “linh hồn con người bất tử” vì do chính Thiên Chúa dựng nên và giống hình ảnh của bản tính Ngài, cũng như sự chết và tội lỗi do chính con người chọn lựa vì thiếu sự khôn ngoan đích thực từ Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên, làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2,23).

Sự bất tử của con người không hệ tại ở chọn lựa của cá nhân con người cho bằng đó là chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người sống trong niềm hạnh phúc không cùng trước mặt Ngài: “Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật. Những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương, và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc. Và xót thương những ai Người tuyển chọn”. (Kn 3,9).

Riêng đối với người công chính thì “linh hồn họ ở trong tay Chúa” (Kn 3,1). Theo một số nhà chú giải thì: “Đây là điều quả quyết của sách này. Trong các sách trước của Kinh Thánh, linh hồn chỉ có nghĩa là hơi thở, thực tế là sự sống của một các nhân, mà khi người này chết thì nó biến mất. Bây giờ linh hồn chỉ cái trong thân xác con người mà không chết đi cùng thân xác” (x.Lời Chúa cho mọi người, Bản dịch của nhóm CGKPV, phần chú giải, tr 1062).

Đối với người lành thì đau khổ chỉ là một giai đoạn thử thách chóng qua, nhằm thanh lọc tâm hồn họ, làm cho họ đáng hưởng ơn bất tử hạnh phúc hơn (Kn 3,1-4;19; 5,15-16; 6, 15-21) (Lm Nguyễn Ngọc Rao, Sđd tr 44). Vì vậy, các thử thách và cái chết không phải là hình phạt của Thiên Chúa dành cho người công chính. Tư tưởng này đã giải quyết được vấn nạn của sách Gióp về vấn đề đau khổ mà người công chính phải chịu và công trạng của họ trong việc thực hành nhân đức trong đời sống đức tin. Từ đó, sách Khôn Ngoan mở ra cho con người một chân trời mới về một cuộc sống mai hậu tuỳ vào sự thưởng phạt của Thiên Chúa công minh.

2.2. Thiên Chúa thưởng phạt người lành kẻ dữ

Chiều kích thứ hai mà sách Khôn ngoan đề cập đến cách hiển nhiên là vấn đề thưởng phạt của Thiên Chúa trước các hành động mà con người đã làm khi ở trần thế. Nói cách khác, đó là số phận của mỗi cá nhân trước toà phán xét của vị Thiên Chúa công minh và ngay thẳng trong vai trò là một Thẩm phán. Viễn ảnh cánh chung của sách Khôn ngoan trả lời cho sách Gióp cũng như những hiền nhân trước ông về số phận của người công chính và kẻ bất lương.

Thứ nhất, tác giả cho ta thấy số phận đích thực của những người công chính không hệ tại ở đời này nhưng là ở đời sau. Họ đã gắn bó với Thiên Chúa ở đời này, sống nhân đức và khôn ngoan, nên khi sang thế giới bên kia, họ được gần Thiên Chúa và được kể vào số con cái của Ngài và được chia sẻ số phận của các thánh: “Quả vậy, cố gắng làm điều lành, sẽ đạt tới thành quả rực rỡ, vì lẽ trí khôn ngoan là cội rễ không thể nào hư hoại” (Kn3,15); hay “Những ai trung thành sẽ được Người yêu thương, và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn” (Kn3,9b); hay “Thế sao họ lại được kể là con cái Thiên Chúa. Và được chung phần với các thánh nhân” (Kn5,5). Hơn thế nữa, Thiên Chúa cũng sẽ ban thưởng cho họ nhiều quyền và ân ban cao quý khác như quyền trên các dân tộc và ban triều thiên: “Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là Vua của họ đến muôn đời” (Kn3,8); “Quả vậy họ sẽ lãnh nhận triều thiên vinh quang dành cho bậc vương giả, và ngọc miện rực rỡ chói ngời từ bàn tay Đức Chúa” (Kn 5,16). Tất cả chỉ là ân ban nhưng không mà Thiên Chúa dành cho những người công chính với những đau khổ và thử thách họ đã ganh chịu: “Đó chính là cách Người ban ơn, thương xót những kẻ Người tuyển chọn, và viếng thăm các thánh của Người” (Kn 4,15).

Thứ đến, tác giả sách Khôn Ngoan cho ta thấy số phận của những kẻ vô đạo bên kia cái chết, họ sẽ bị Thiên Chúa đẩy vào chỗ diệt vong trong đau đớn và cực hình: “Rồi sẽ đến lúc chúng thành thây ma, không ai ngó ngàng tới, và mãi mãi chúng sẽ là đồ bị lăng mạ giữa các vong nhân” (Kn 4,19); hay “Nhưng quân vô đạo sẽ chịu cực hình, xứng với những gì chúng đã suy tưởng, vì chúng đã khinh miệt người công chính, và lìa bỏ Đức Chúa”(Kn 3,10).

Và như thế, số phận của những người này sẽ bi đát hơn khi bị đẩy vào chốn diệt vong và bị người ta quên lãng: “Vì Người sẽ xô chúng bổ nhào, không kịp kêu một tiếng. Người đánh bật chúng đi, huỷ diệt chúng đến cùng. Và chúng sẽ phải chịu nhiều thống khổ. Chẳng còn ai thèm nhớ đến chúng” (Kn 4,20).

Vấn đề thưởng phạt trên, phần nào trả lời được các vấn nạn của sách Gióp về những thử thách, đau khổ mà người công chính phải gánh chịu và câu trả lời cho số phận của phường vô đạo. Và như thế, chúng ta vẫn tìm thấy được một vị Thiên Chúa công bình trong sách Khôn Ngoan.

Tuy nhiên, các giáo huấn của sách khôn ngoan chưa mặc khải cách minh nhiên về vấn đề thân xác sống lại hay về tình trạng của con người ở đời sau. Nhưng qua một vài dữ kiện mà sách Khôn Ngoan đề cập đến cho phép chúng ta nghĩ rằng đó là những khai mào cho một sự mạc khải về sự phục sinh thân xác như: “Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy” ( Kn 3,7). Ý tưởng này giống Đn 2,2-3: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy, người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” mà đoạn này của Đa-ni-en lại nói về sự phục sinh thân xác. Từ đó ta có thể nối kết qua Tân ước trong cùng một chủ đề này với Mt 13,43 ‘Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ” (X. Sđd, tr 45).

Tóm lại, giáo huấn của sách Khôn Ngoan về cánh chung học giúp trả lời vấn nạn của sách Gióp về số phận của người công chính và tương lai của họ sau khi trải qua những thanh luyện ở đời này. Thực vậy, nếu con người thực thi nhân đức, là sống trung thành với Thiên Chúa thì phần thưởng của họ sẽ là sự bất tử, hiểu như là sống gần kề với Thiên Chúa trong tình yêu, còn cuộc sống của người vô đạo (kẻ ác) thì không được như thế, và bị đẩy vào âm phủ, phải tiêu vong vĩnh viễn (X. Lm Vũ Phan Long, Sđd, tr.151). Tuy nhiên, phải đợi đến thời Tân Ước với Đức Giêsu, chúng ta mới có được sự mạc khải đầu đủ hơn về giá trị của đau khổ và số phận của người lành và kẻ dữ.

3. Câu trả lời nơi Đức Giêsu Kitô

Bước sang thời Tân Ước qua các giáo huấn của Đức Giêsu su thì vấn đề sự dữ và đau khổ được nhìn nhận dưới một ánh sáng mới làm rõ hơn giáo huấn của sách Khôn Ngoan.

Thứ nhất, Tân Ước phủ nhận nhận đau khổ do tội lỗi gây nên. Các đoạn Tin Mừng đề cập đến đau khổ và sự dữ, ta thấy Chúa Giêsu đã không chấp nhận cách giải thích truyền thống về nguồn gốc của đau khổ và sự dữ là do tội lỗi gây ra. Trong câu chuyện người mù bẩn sinh ở Tin Mừng Gioan, người ta thắc mắc với Ngài: “Thưa thầy, ai đã phạm tội khiến người nay sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, chũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (x. Ga 9,1-3), rồi ở câu chuệyn 18 người bị thấp Si-lô-ác đè chết (Lc 13,4-6), Chúa Giêsu cũng đã quả quyết đó không phải do tội lỗi của họ. Tuy vậy, chúng ta thấy Chúa Giêsu phủ nhận quan điểm truyền thống, nhưng vẫn chưa trực tiếp trả lời về nguồn gốc của sự dữ và đau khổ.

Thứ đến chúng ta thấy, Đức Giêsu chống lại sự dữ và đau khổ. Trong hành trình rao giảng của Ngài, chúng ta thấy Ngài đã trừ quỹ, chữa bệnh tật cho người ta, cho kẻ chết sống lại…Hơn nữa, chính Đưc Giêsu cũng đã phải cam chịu đau khổ, nhất là những lo toan trước cái chết trong vười Cây dầu: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được…”(Mc 14,33-34; Mt 26,33-38). Kế đến, chúng ta nhận thấy Đức Giê-su đã bị cũng bắt bằng nụ hôn phản bội của chính người môn đệ thân tín của mình. Chắc không có nỗi đau nào lớn hơn. Đức Giê-su không chỉ chịu đau đớn nơi thân xác mà còn chịu đau khổ trong tâm hồn khi bị Giuđa phản bội, Phêrô chối từ, các môn đệ bỏ trốn, dân chúng sỉ nhục, bị nhổ vào mặt. (x.Mt 26: 47 -56; Lc 22: 47 -53; Ga 18: 3-11).

Đức Giê-su cũng đã cảm nghiệm được sự cô đơn tột cùng trong đau khổ và thất vọng và kêu xin Thiên Chúa như thế: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36; Mt 36,42; Lc 22,42). Sau đó, là những nỗi thống khổ mà Ngài phải liên tiếp hứng chịu từ sự giả man của quân lính, trên đường lên Núi Sọ để chịu chết (x. Mt 27: 27 -31; Ga 19: 2-3; Mt 27: 32 -33; Lc 23: 26. 33; Ga 19: 16 b-17). Nhưng có thể nói cái chết nhục nhã của Đức Giêsu trên thập giá, cái chết của một người công chính giống như cái chết của một tội nhân thật là đau đớn và nhục nhã (x. Mt 27: 34 -38; Lc 23: 33 -34. 38; Ga 19: 18 -24). Và như thế, đau khổ của Đức Giêsu mới có những giá trị giải thoát chúng ta: Thiên Chúa đã dùng các vết thương của Đức Giêsu Kitô mà chữa lành các vết thương của chúng ta (x. 1Pr 2:24), và nhờ chính những gian khổ của Người, Thiên Chúa đã đưa dẫn loài người tới nguồn ơn cứu độ (x. Dt 2:10).

Vậy, qua Đức Giêsu và những đau khổ cực hình của Ngài trong mầu nhiệm thập giá, người Kitô hữu đã có được câu trả lời cho những đau khổ và sự dữ có thể xẩy đến với mình. Đức Giêsu đã gánh chịu nỗi khổ đau tột cùng của phận người như chúng ta. Một Thiên Chúa đã trở nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Và quyền năng của Chúa Cha đã giải cứu Ngài khỏi sự dữ và khau khổ và cho Ngài Phục sinh vinh hiển. Ngài đã chiến thắng dự dữ, đau khổ và cái chết vì đã đương đầu với nó. Nhờ thế, Ngài trở thành gương mẫu cho chúng ta trong đời sống đức tin, chúng ta kiên tâm thì sẽ được cứu. Ngài đã mở cho ta một cách cửa hy vọng vào những phần thưởng lớn lao mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho những ai chịu đau khổ trong yêu mến.

Hơn nữa, khi Đức Giêsu chịu đau khổ thử thách Chúa Cha đã không bỏ rơi Ngài và chúng ta tin rằng trong các đau khổ, thử thách của chúng ta Thiên Chúa không để chúng ta phải cam chịu một mình. Ngài sẽ đỡ lấy và cùng gánh chịu với chúng ta. Điều này, người viết nhận thấy rất rõ nơi một số người đang sống trong đau khổ. Trường hợp gia đình ông Liên ở trên là một ví dụ, họ vẫn can đảm sống và vẫn bám víu vào Chúa. Nhờ ơn Chúa họ mới có thể vui sống trong đau khổ như thế được.

4.Kết luận

Cuộc sống của chúng ta vẫn luôn có người lành và kẻ dữ, và sự bất công, khổ đau vẫn luôn xảy đến với người lành thánh. Vì tiếng lương tâm và nhất là vì Tin Mừng của Đức Kitô, người tín hữu luôn phải gánh chịu những bất công, đau khổ và thua thiệt trong cuộc sống. Chúa Giêsu không ban một thứ thuốc miễn dịch cho những người tin vào Ngài, để con cái họ không bao giờ đau ốm, việc làm ăn của họ không bao giờ thất bại, hay họ sẽ không bao giờ gặp hoạn nạn. Nếu Ngài làm như vậy, thế giới này sẽ đầy những Kitô hữu chỉ biết lợi dụng “ngồi chờ sung rụng’. Vì thế, vấn đề đau khổ vẫn mãi mãi là một huyền nhiệm vượt quá trí khôn của chúng ta. Vấn nạn đã được đặt ra cho con người thời đại của ông Gióp đã được sách Khôn Ngoan cho chúng ta những tia sáng mới để hiểu vấn đề, nhưng nó vẫn còn là một câu hỏi lớn, đặt ra cho con người ngày nay trong cuộc sống hiện sinh.

Trên phương diện lý thuyết, khi nhìn vấn đề đau khổ và dự dữ chúng ta có thể đón nhận nó, nhưng thực tế khi đối diện với chúng, con người thường bế tắc, nếu không muốn nói là khó có thể chấp nhận vì sự phủ phàng của đau khổ. Tuy nhiên, trong đời sống đức tin chúng ta có thể đón nhận đau khổ trong tình yêu, vì chúng ta có Đức Kitô và vị Thầy duy nhất đã dạy cho chúng ta bài học đau khổ vì Ngài đã chiến thắng đau khổ và cái chết. Chỉ cùng Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta mới có được những hy vọng vào một cuộc sống tốt lành mai sau và xem các đau khổ thử thách dưới lăng kính lạc quan hơn “thanh luyện” và “lập công” cho chính mình và cho kẻ khác vì lòng yêu mến Chúa, như thánh Phêrô đã dạy: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ’ (1Pr 4,13). Và như thế, chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận “đánh cuộc” của Pascal thay vì phải hư mất trong lối sống bi quan hay thác loạn.

Sau cùng, nếu ơn cứu độ mà Chúa Giêsu ban tặng là lời mời gọi "chịu đựng đau khổ trong yêu thương", ơn ấy kêu gọi chúng ta đón nhận đau khổ của mình với sự giúp đỡ và an ủi của những người yêu mến chúng ta, đồng thời giúp anh chị em đón nhận đau khổ của họ với sự cảm thông và yêu thương. Đây cũng là bài học cho người viết đang trên hành trình bước theo Đức Kitô với những đòi hỏi của đời môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, mang thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).