Vào khoảng năm 1988, tôi nghe vở kịch được ghi lại qua băng cassette bên nhà hàng xóm trong đó có đoạn ca: « Một đồi hoa sim tím. Tím tình yêu tím cả đồi chiều. Một chiều hành quân dừng chân bên đồi vắng. Anh nhớ về xa xưa... ». Thú thực cho đến tận bây giờ, tôi chưa một lần được ngắm bằng mắt sờ bằng tay sắc màu hoa sim. Tuy nhiên lúc bấy giờ, bằng óc tưởng tượng, tôi có thể hình dung rằng hoa sim gợi lên một nỗi buồn mang mác của thời chinh chiến và tất nhiên thật gần gũi với người lính chiến. Một loài hoa mang đượm nỗi buồn của cả một dân tộc chìm trong đạn khói.

Trong những năm theo học tại Saigon và cho đến năm 1999, tôi tậu được một máy vi tính đời 486 cũ kỹ có thể nghe được nhạc MP3. Tôi bèn ra quầy bán nhạc và mua vài đĩa nhạc nén để nghe, trong đó một đĩa có các ca khúc thuộc thể loại tiền chiến. Một bài tôi nghe đi rồi nghe lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn cứ muốn nghe nữa đó là bài « chuyện hoa sim ». Chẳng quan tâm ai sáng tác, sáng tác trong hoàn cảnh nào và ai hát, ngay lập tức tôi bị cuốn hút bởi câu chuyện buồn của đôi vợ chồng trẻ thời chiến tranh. Màu tím hoa sim đã diễn tả tâm trạng nhớ nhung của họ. Tại hậu phương, người vợ trẻ trông ngóng chồng đang nơi trận địa. Rồi một kết cục thật nghịch lý xảy đến. Chàng trai khói lửa nơi trận mạc nhận tin sét đánh ngang tai: người vợ yêu dấu của mình tại quê nhà không còn nữa. Thương tiếc người bạn đời tri kỷ, anh thả hồn mình vào màu tím hoa sim trong chiều hoang biền biệt của những buổi hành quân …Chẳng có cơ may để tìm hiểu, tôi bồng bột đoán già đoán non rằng bài hát này đích thực dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và ra đời trong hoàn cảnh cuộc chiến Bắc Nam.

Nhưng tôi đã lầm to và thật ngạc nhiên khi được biết nội dung bài hát nổi tiếng đó không của ai khác ngoài thi sĩ Hữu Loan, người chiến sĩ đi theo Cách Mạng trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, vừa mới qua đời hôm 18 tháng Ba năm 2010 vừa qua.

Đọc lại hồi ký của ông kể về « người con gái trong màu tím hoa sim », câu chuyện tình của ông thật trong sáng và tuyệt đẹp. Nó được hun đúc theo thời gian qua những cử chỉ và ánh mắt cũng như sự quan tâm thật nhẹ nhàng và tình tứ. Một tình yêu rất đẹp và nên thơ được chất chứa nảy nở ấp ủ và chín qua năm tháng và không hề nhạt phai theo thời gian. Mối tình chân chất bình dị của anh chàng lính chiến và cô gái quê mang dáng vẻ rất đời thường ấy bước vào huyền thoại một cách hồn nhiên mà không hề bị gượng ép hay bị choáng ngợp bởi những mỹ từ đao to búa lớn. Đời thường hóa nên thơ, và thơ gần gũi đời thường. Hóa ra một bài ca bất tử không chỉ dừng lại ở sự vận dụng khéo léo những cung điệu đầy rung động của nhạc sĩ và giọng ca truyền cảm của ca sĩ, mà còn hệ tại nơi những vần thơ rất đời thường, chân chất và rất con người của thi sĩ. Màu tím hoa sim hội đủ những yếu tố đó.

Đọc những trang hồi ký của ông, tôi cảm phục một con người đầy khí khái và cương trực. Nét đẹp nghệ thuật và tâm hồn trong sáng hòa quyện nơi con người ấy mà không hề lấm bụi trần. Suốt chặng đường dài chìm nổi trong đời là câu trả lời cho khí phách cao đẹp của con người đầy nhân cách có trái tim hòa chung nhịp đập với vẻ đẹp đời thường. Sẵn sàng đánh đổi tất cả và chịu đựng tất cả cho dù là cầm cuốc cầm cày hay đào bới và khuân vác đá để gìn giữ trân trọng kỷ niệm đẹp và để tiếp tục « thương nhớ hoa sim » của mình. Một con người yêu đến cùng, sống cho ra sống và lạc quan cho đến hơi thở cuối. Tuổi thọ của ông đã chứng minh hùng hồn tất cả những đức tính ấy. Đúng như một lời nhận định về ông « Hữu Loan là một con người cương cường, dám sống cho những điều mình tin, mình yêu và mình nghĩ ».

Xin chuyển tới ông lời khen ngợi muộn màng này. Cám ơn ông đã ghi vào tâm khảm của người dân Việt dấu ấn « màu tím hoa sim » không hề nhạt phai. Cám ơn ông đã để lại cho lớp người trẻ mẫu gương về tình yêu trong sáng sắt son. Rồi đây tên tuổi, tác phẩm và nhân cách của ông vẫn được đồng bào Việt Nam nhắc đến trong niềm ngưỡng mộ và đầy cảm phục.

Ngày 23 tháng 3 năm 2010