Thơ của Vân Uyên viết về gì ?

CHÚC MỪNG THƯỢNG THỌ 90 THI SĨ VÂN UYÊN NGUYỄN VĂN ÁI, (bài 3)

Đây là bài thứ ba viết để chúc mừng thượng thọ 90 của thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái. Qua bài 1, với chủ đề « Vân Uyên là ai ? », Vân Uyên đã cho thấy rằng Vân Uyên có nghĩa là tình yêu trên Trời. THƠ là lẽ sống chính yếu của Vân Uyên và TÌNH là trọng tâm của thơ Vân Uyên. Có thể bảo rằng tất cả thơ của Vân Uyên đều xoay quanh một chữ « TÌNH ».

Nhưng tình nào? Trong bài 2, qua chủ đề « Duyên tình nào đã khiến Vân Uyên làm thơ ? », phân tích chiều sâu và chiều cao của thơ Vân Uyên, bốn loại tình đã được Vân Uyên đi vào: Tình phu thê bột cảm, tình huyền nhiệm suy tư, tình chiêm niệm cầu nguyện, tình chia sẻ Tin Mừng.

Trong bài thứ ba này, ngoài hai trả lời đã được đưa ra ở hai bài đầu, một trả lời thiên về chiều rộng, chiều dài sẽ được đưa ra để đáp câu hỏi: « Vân Uyên viết về gì ? về những loại tình nào » ? Trong điện thơ « Trả lời GS Trần Văn Cảnh, ngày 09/05/2009 », Vân Uyên cho biết ông đã viết, qua 5 giai đoạn sáng tác khác nhau, về 5 loại thơ tình khác nhau: thơ tình, thơ tả cảnh thiên nhiên, thơ tâm tình tín hữu, thơ tiễn đưa và thơ về những người (danh nhân) mà Vân Uyên mến phục. Vân Uyên viết:

1. Các giai đoạn sáng tác. Phần này có lẽ để mai sau có ai phê bình viết phải hơn. Riêng Vân Uyên không đặt vấn đề. Mỗi khi gặp thi hứng là cầm bút viết. Giai đoạn đầu Vân Uyên đã bầy tỏ lý do tại sao viết thơ.

Ái ân ân ái tình trường
Tử ly cắt đứt đoạn đường sóng đôi
Một người trở lại một người
Ý thiêng đổi kiếp nên lời thành thơ.


( bài: Đời đời còn thương )

Nhà văn Võ Long Tê khi đọc những bài thơ tình của Vân Uyên đã viết: ‘’Đây không phải chỉ là văn chương mà còn là tâm cảnh thành thực đã kết tinh thành vần điệu và do đó đạt đến chỗ cao trọng nhất của văn chương …’’

2. Giai đoạn sau xen kẽ thơ tình là thơ tả cảnh thiên nhiên . Vợ chồng chúng tôi trước kia đã cùng nhau đi dạo chơi ở trong và ngoài nước. Nhưng lạ thay nay còn lại một mình khi ngắm cảnh thấy khác xưa, thắm thiết hơn, buồn man mác trước những kỳ công của Đấng Tạo Hóa. Trong cảnh thấy có tình.

Hình xưa bóng cũ đâu đây
Dấu chân lưu luyến những ngày cùng đi.


( bài: Đâu đây )

Trong ngày Lễ Các Thánh tất cả các nghĩa trang ở Paris đều trồng toàn hoa cúc đủ mầu trông như những rừng hoa cúc. Người đi tảo mộ hay ngắm hoa tấp nập như ngày hội.

Người đi trảy hội rừng hoa cúc
Chim lượn gọi đôi khu mộ nàng


… … … …

Kiếp xưa chung gánh bao ơn lạ
Đến tạ tình ai đạo thiếp chàng.


( bài: Rừng Hoa Cúc )

Để khuây khỏa nỗi lòng Vân Uyên có khi đi chơi xa lên núi hoặc xuống bờ biển miền nam.

Lên núi Alpes để ngắm cảnh tuyết:

Không trung trầm lặng khí thinh không
Bát ngát mênh mông trắng mênh mông


… … … …

Trời xanh thanh tịnh vô nhân ảnh
Chim ô thấp thoáng có như không.


( bài: Tình Tuyết )

Lên núi Vercors để ngắm sao:

Mộng tình đâu đó trời xa thẳm
Lạc lối đường sao …gió thở than.


( bài: Trời Xa Thẳm)

Xuống biển để ngắm trăng:

Trăng rầm ló gọi hồn thơ
Sáng trong mây lướt hồng tơ ánh vàng
Hương thơ ngát gió bay sang
Sóng chiều ngâm khúc dã tràng mơ trăng.


( bài: Trăng Thơ)

Lên gác chuông nhà thờ Reims để xem Nhật Thực ( ngày 11.08.99 lúc 12g24 trưa ):

Kỳ diệu ba sao gặp phút giây
Phủ đen trời đất giữa ban ngày


… … … …

Đêm rụng trước đêm hồn vũ trụ
Kiếp sinh hoàn kiếp bóng đâu đây.


( bài: Tinh Tú Bay )

3. Thơ tâm tình tín hữu. Thật ra Vân Uyên chưa ưng ý một bài thơ nào để nói lên tâm tình tín hữu. Nhưng có hai bài tương đối vừa lòng.

Một nói về huyền nhiệm Giáng Sinh qua mối tình kỳ lạ giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria. Hai nói về huyền nhiệm thần bí Phục Sinh, chết đi rồi sống lại, chết đi mọi người đều biết, sống lại vì trong ngôi mộ không còn xác người.

Bài thứ nhất:
… … … …
Lạ thay câu chuyện thần kỳ
Đính hôn đủ phép lễ nghi xóm làng
Thơ ngây đâu có phụ chàng
Xin vâng thần khí đá vàng thụ thai


… … … …

Sắt đá nguyện cầu tin
Biết sự lạ đến ngày
Vẫn tiến hành hôn lễ
Nàng vui mừng đắm say
Chàng ơi ! chàng ơi !
Đôi ta duyên kiếp thần kỳ
Chẳng duyên cũng bạn đời
Yêu nhau như lứa đôi
Trung tình theo thiên mệnh
Nhờ đôi ta có ‘người-trời’

… … … …

( bài: Duyên Kiếp Thần Kỳ )

Bài thứ hai đưọc nhớ tới vì có một giai thoại thơ văn. Vân Uyên gửi tới mạng lưới Dũng Lạc bài thơ ‘ Tấm mồ không’. Tên bài thơ khi lên mạng được đổi thành ‘ Nấm mồ trống’. Nhưng tên nêu sau trùng với tên một bài thơ của nữ thi sĩ Vũ Thủy. Vũ Thủy là nhà thơ khiếm thị chấp nhận thập giá cuộc đời như một quà tặng của Thiên Chúa, có bài thơ: ’ Cô gái mù với ly cà phê trắng ‘được Phạm Trung phổ nhạc.

Sau khi đọc bài thơ của Vân Uyên, Vũ Thủy nhờ LM. Trần Cao Tường gửi lời ngưỡng mộ tới Vân Uyên.

Nấm mồ trống mở ra
Một bài ca bất diệt


( bài: Nấm Mồ Trống của Vũ Thủy )

Cửa hẹp đường thiêng mở lạ lùng
Xác treo trần trụi tấm mồ không


( bài: Tấm Mồ Không của Vân Uyên )

Đầu đề ‘‘ Nấm mồ trống’’ đọc lên dễ hiểu. Nhưng khi đọc danh từ « Nấm Mồ » tự nhiên nhớ tới câu thơ của Nguyễn Du « Sè sè nấm đất bên đường ».

Trái lại đầu đề « Tấm mồ không » mới đọc thật khó hiểu. Chữ ‘’Tấm’’ làm liên tưởng tới ‘’tấm đá’’ che kín cửa động. Còn chữ ‘’không’’ vì nhớ tới mấy câu trong bài thơ đang viết dở:

Không môn « sắc sắc không không »
Phục Sinh núi sọ « mồ không » tín điều.


Sau khi đọc những bài thơ đạo của Vân Uyên: Cây Thập Tự, Tấm mồ không, Có một người, Tình ta với Tình, Thiên Chi Đạo, Sách Khải Huyền …. nhà văn lập thuyết Nguyễn Thùy đã viết như sau: Vân Uyên đã « đem Đạo vào Thơ » hơn là « đưa Thơ vào Đạo ».

4. Thơ Tiễn đưa. Ở tuổi của Vân Uyên những người thân, những đồng nghiệp, những bạn học cùng thế hệ lần lượt ra đi. Mỗi lần đi dự tang lễ không khỏi ngậm ngùi.

… … … …

Mộ hầm sâu thẳm chia sinh tử
Duyên kiếp nào đâu cũng cốt khô


… … … …

Tử khí lạnh tới đâu
Để tình hết thương đau
Men yêu xa nhựa sống
Tim ai vơi nỗi sầu

… … …

Đốt nén nhang tiễn đưa
Thơm gợi kỷ niệm xưa
Tình vượt qua cõi chết
Lưu lại những vần thơ.


( bài: Tiễn Đưa )

Dưới đây chỉ ghi lại tên một số bài đã viết sau khi đi dự tang lễ: Tuôn giòng lệ ( tang lễ Gs. Nguyễn Hữu), Đường ai ( Gs. Trịnh văn Tuất), Nhớ Bằng Vân ( Gs. Trần văn Bảng ), Không còn lệ (Gs. Phó bá Long ), Tình mẹ tình con ( tang lễ mẫu thân của Cung Chi ) … …

Hướng yên tĩnh
Tìm về im lặng
Chốn linh không
Thăm thẳm nghĩa yêu
Cánh hoa gió sớm mưa chiều
Bao nhiêu trôi giạt
Bấy nhiêu là tình …


( bài: Ngày Về )

5. Trong khi đọc lại thơ của người xưa, Vân Uyên có ghi những câu thơ nói về sự sống chết của bốn nhà thơ: Hai người Việt, hai người Pháp; Một thi sĩ công giáo mất sớm vì bệnh phong cùi; Một y sĩ chuyên về bệnh cùi theo Nho giáo; Một giáo sư phẫu thuật vô thần; Và một linh mục Dòng Tên.

… … … …

Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Hồn ơi phiêu lạc đến bao giờ


( Hàn mạc Tử )

… … … …

Tay không nợ trắng ly bôi cạn
Nhẹ gánh ra đi ngả bóng chiều


( Bằng Vân )

… … … …

Hạnh phúc gì đâu ở dưới đây
Tình yêu mờ ảo bóng mây bay


( Pierre Huard )

… … … …

Nhờ Ai thể xác linh hồn
Trứng non vươn lũy nên con người này
Ân tình nay trả về Ai
Lão,sinh, bệnh, tử, an bài ý thiêng.


( Pierre Teilhard de Chardin )

… … … …

Ngàn đời thơ vẫn là thơ
Tiếng lòng vương vấn huyền cơ tình người.


( bài: Đọc Thơ Bốn Người )

Thực ra khi đọc thơ của Vân Uyên, độc giả sẽ khám phá ra một chân trời rộng rãi mênh mông, rộng như tinh thần và con tim của ông. Ông đề cập đến rất nhiều vấn đề khác nhau, về con người, về thiên nhiên, về thượng đế,…với nhũng tiếp cận khác nhau: siêu hình, hữu thể, huyền nhiệm, tâm lý, xã hội,…; Về con người, không biết vì bị ảnh hưởng nghề nghiệp y sĩ hay do ảnh hưởng bác ái công giáo, ông đặt nặng khía cạnh tình. Ông nói về tình phu thê (đúng hơn là tình nhớ vợ), tình gia đình ông bà cha mẹ con cháu, tình họ hàng, tình bạn bè, tình đồng đạo, tình đồng nghiệp thơ, tình đồng bào, tình xã hội, tình thiên nhiên,…

Trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều dịp để đọc và khám phá thơ của Vân Uyên qua những tiêu đề nội dung sáng tác trên. Bây giờ, chiều trước ngày thượng thọ cửu tuẩn Vân Uyên, tôi xin hợp lòng cùng bao nhiêu bạn bè khác, xin

« CUNG THỌ CỬU TUẦN, XIN CUNG THỌ ».

Paris, ngày 06/02/2010