NẺO ĐƯỜNG HỒN NHIÊN CỦA TIN MỪNG (3): Một quán chay Công giáo

Bài báo về chay lạt, tôi đẩy lên mạng đầu năm 2009. Mãi nửa năm sau, sau thư của chị Kim Chi và anh Hảo, bất ngờ tôi nhận được một lá thư thứ ba, cũng của một giáo dân, không còn chỉ là ý kiến mà đã tiến vào hành động: Một quán cơm chay. Xin giới thiệu thư chị Nguyễn – Đông A, tác giả “Mà nghe Chúa khẽ” (Cứu Thế Tùng Thư 2008).

1. SÁNG KIẾN VÀ HÀNH ĐỘNG

21-06-2009

Kính gửi linh mục Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh.

Con đọc bài của Cha “Chay tịnh – Thách đố lớn trên đường hội nhập văn hoá và đối thoại liên tôn” được đăng trên tờ Thông Tin Giáo xứ của xứ Phanxico Đakao đã lâu, mãi đến hôm nay, con mới “hồi đáp” và kính gửi Cha sự quan tâm của mình về chủ đề này.

Trước hết con xin được tự giới thiệu về mình là một giáo dân của xứ Đakao. Con cũng không phải con chiên ngoan ngoãn gì (không dự Thánh lễ mỗi ngày là kém ngoan phải không ạ?). Con bận rộn như một con ong. Con hiện là trợ lý, biên tập viên cho Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê. Con được biết Cha Trăng Thập Tự qua những Đêm Nhạc, Đêm Thơ do Cha Vĩnh Sang tổ chức tại Hoa viên của DCCT, nơi mà có hai lần con đã cùng thầy Khê tới toạ đàm, diễn thuyết. Đặc biệt con được biết Cha như một Nhà thơ Linh mục lãng mạn, trữ tình mà buổi đầu chưa gặp gỡ cứ tưởng là ….

Ở cuối bài viết về “Chay tịnh”, Cha mong được sự quan tâm của quý Bề Trên Thượng cấp các Dòng. Con không biết Quí Bề Trên đã trao đổi hoặc phúc đáp gì với cha, nhưng hôm nay về bài viết “Chay tịnh”, con, một giáo dân bé mọn trong cộng đoàn dân Chúa, xin góp thêm vào một ý nhỏ của riêng mình như sau. Mong được sự quan tâm của Cha.

Không riêng Phật tử, nhiều người khác ngoài Kitô giáo vẫn thường ăn chay mỗi tháng âm lịch hai ngày hoặc bốn ngày. Bên Cao Đài, có chay sáu ngày gọi là Ngươn Thỉ lục trai (Theo giáo lý Cao Đài, Ngươn Thỉ Thiên tôn là một trong ba ngôi Thượng đế của đạo Lão); ăn chay mười ngày gọi là Chuẩn Đề thập trai (Chuẩn Đề là một Bồ tát). Bên Trung Quốc, cách ấn định chay kỳ khá đa dạng. Giáo sĩ Mathews năm 1931 đã in tại Thượng Hải bộ tự điển Hán-Anh nổi tiếng mà trong đó, từ “trai” (ăn chay) cung cấp sáu tên riêng cho sáu loại chay kỳ. Nhưng dẫu có đa dạng, phức tạp sao sao thì người Phật giáo ăn chay thật đơn sơ trong cung cách. Có lẽ chẳng sách giáo lý nhà Phật nào nhắc nhở kỹ lưỡng Phật tử “ăn chay kín đáo” như hàng năm tín hữu Công Giáo vẫn được nhắc nhở trong Mùa Chay: “Bố thí kín đáo, cầu nguyện kín đáo, ăn chay kín đáo”. Vô tiệm cơm Chay có giăng bảng hiệu to đùng là biết ăn chay, vô bàn cơm buổi trưa, dùng bữa với anh em trong cơ quan thấy ai đó xin “tương, chao”, không gắp thị cá, chỉ xơi rau, đậu hũ chiên sả … là biết ăn chay ! Họ ăn chay tự nhiên, không khoe mẽ, không quan trọng hóa và cũng không giữ… “kín đáo”! Cái tâm của người ăn chay là trọng. Tự cho rằng việc giữ chay, kiêng thịt là nâng cao tầm đạo đức, đức hạnh là đi ngược với tinh thần chay. Người Kitô hữu khi ăn chay trong tinh thần thanh tịnh, không tìm sự vui thoả trong ăn uống, đó là giữ chay. Hồn nhiên ăn chay, không làm ra vẻ khổ hạnh, không làm ra vẻ tu trì, kiêng khem đó là giữ chay. Đó là “kín đáo”.

“Vô vi nhi vô bất vi” (Lão Tử) có nghĩa “không làm như không có gì không làm”. Cứ để thuận theo tự nhiên thì yêu cầu “kín đáo” của đạo Chúa ta không gò bó trong không gian và ý thức của lời nói mà chính là ở cái tâm.

Kính thưa Cha,

Những ý kiến trong nội dung bài viết của Cha có chỗ thuận lòng, thuận ý độc giả, nhưng hẳn nhiên cũng có chỗ không thuận tình. Con xin không đi sâu, không trình bày chi tiết về việc này. Hôm nay, ngoài việc chia sẻ với Cha những suy nghĩ của con về chuyện “người tín hữu Kitô giáo ăn chay kín đáo”, con viết thư này cho Cha là để xin phép được in và đăng bài viết “Chay Tịnh” của Cha trong quán nhỏ của con dự kiến khai trương vào tháng 8/2009 này. Đây là một quán phong cách thuần Việt, phục vụ món ăn dinh dưỡng bằng thảo mộc tự nhiên (chủ yếu là Nấm các loại, không sử dụng thịt, cá, chất đạm động vật, không sử dụng hoá chất). Hàng tháng (hoặc 3 tháng) sẽ có giao lưu về văn hoá ẩm thực Việt, do các trí giả được quán thỉnh giảng (con cũng dự kiến sẽ mời Cha nữa). Con xin chia sẻ với Cha rằng, từ ngày con đọc bài viết của Cha thì tư tưởng xây dựng một quán ăn dinh dưỡng thảo mộc ngày càng mạnh cho đến một lúc nọ, con quyết định dành khoảng thời gian để thành lập quán.

Sẽ chẳng là “một Câu lạc bộ Công giáo gây men cho Dân Chúa”, sẽ chẳng là nơi để “giữ trai, giữ giới” vì tinh thần ở đây là hồn nhiên, là tự tại. Tinh thần chủ đạo của người thành lập quán vẫn là “kín đáo”, là “thuận với tự nhiên” như ý nghĩa của riêng con về Lời Chúa nhắc nhở mỗi Mùa Chay về.

Kính thư,

Nguyễn - Đông A

2. ĐƯỜNG VỀ AN NHIÊN QUÁN

Tác giả và trai chủ Nguyễn- Đông A

Ngày 09-09-2009, quán lẩu nấm chay AN NHIÊN ra đời tại Sài Gòn (xin xem http://sgpixel.vn/forum/archive/index.php/t-15483.html). Tại số 8A-10 Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp. Tôi thì ở Qui Nhơn. Mãi ngày 22-11-2009 tôi mới có dịp đến thăm. Quán khang trang, mỹ thuật, ấm cúng, đượm màu tâm linh. Câu chuyện với vợ chồng Nguyễn - Đông A thật thú vị. Phở chay ngon khác thường. Chị Đông A bày tỏ thao thức về câu lạc bộ chay lạt. Vì ít có dịp về Sài Gòn, tôi phải tìm cách giúp chị bắt liên lạc với những anh em linh mục tại Sài Gòn có chung một đồng cảm. Tôi đã gọi điện cho cha Đặng Chí San op và cha Nguyễn Hải Minh ofm là những vị đã có thời thử nghiệm thực đơn chay, rồi cha Bảo Lộc, trưởng ban đối thoại liên tôn của Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Các vị cũng đã sớm coi trai quán như một điểm hẹn. Dù sao, đang có một khởi đầu, đã có sự gặp gỡ giữa suy tư và hành động… Đi xa hơn, cha Đặng Chí San op ước mong sẽ ngày càng có thêm những quán chay Kitô hữu như An Nhiên.

An Nhiên có thể là điểm hẹn cho những người, những nhóm bạn Công giáo muốn nếm thử cơm chay, một gợi hứng cho người Công giáo đó đây tiến hành thể nghiệm. Trước An Nhiên nhiều năm, tại Qui Nhơn này cũng đã có một một quán chay bình dân mà trai chủ là người Công giáo, quán Thanh Minh, 151 Phan Bội Châu, đến nay vẫn luôn đông khách.

Mùa Chay 2010 đang đến gần. 2010. Một Năm Thánh để Giáo Hội Việt Nam nhìn lại con đường đã qua và kiếm tìm cho hành trình sắp tới. Hy vọng rằng không chỉ có những giáo dân, mà cả nam nữ tu sĩ và linh mục triều, những người đang thao thức trao tặng ơn cứu rỗi của Chúa cho đồng loại… sẽ nhìn kinh nghiệm chay tịnh phương Đông như một điều phải được bận tâm ưu tiên khi đặt vấn đề truyền giáo. Hy vọng sẽ có thêm nhiều người cùng dấn thân tìm kiếm…

An Nhiên dù ở một góc khuất của Sài Gòn, dù nằm cuối đoạn đường một chiều, dù rất xa với người dân tỉnh lẻ và trai hữu người Việt ở nước ngoài, vẫn có thể thành một trung tâm trên không gian ảo của internet để những ai quan tâm có thể ghé lại trai đàm, đổi trao chia sẻ, cùng nói chuyện về giá trị của chay lạt, về kinh nghiệm bản thân trong lãnh vực này…

Xin gởi thư về Nguyễn - Đông A nguyendonga2004@yahoo.com, linh mục Đặng Chí San op dangchisan52@hotmail.com, linh mục Bảo Lộc pxtamgiao@gmail.com, linh mục Nguyễn Hải Minh ofm anselminh@gmail.com và linh mục Trăng Thập Tự gopnhattho@yahoo.com.

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

gopnhattho@yahoo.com