Biện chứng tư tưởng hay nghệ thuật tư duy của con người

Trong thế kỷ XVII, ở Pháp không xảy ra các cuộc cải cách tôn giáo sôi động và mang nhiều kịch tính như ở Đức, nhưng vào lúc bấy giờ nước Pháp cũng không phải là một quốc gia Công Giáo tuyệt đối trung thành với Tòa Thánh Vatican như Tây Ban Nha. Thật vậy, từ thời trung cổ, người Công Giáo Pháp vốn đã thiên về xu hướng Gallicanisme, xu hướng theo thuyết Pháp quốc giáo, tức chủ trương một Giáo Hội Công Giáo quốc gia tự trị, độc lập với Tòa Thánh Vatican, tương tự như thuyết Anglicanisme (Anh giáo) ở Anh quốc. Có lẽ vì lý do đó, ở Pháp giáo phái Tin Lành chỉ là một thiểu số rất nhỏ và chỉ từ khi Sắc Chỉ Nantes được Pháp hoàng ban hành vào năm 1598, thì người Tin Lành Pháp mới được hưởng quyền tự do tôn giáo một cách rộng rãi, hầu như người Công Giáo vậy. Giáo phái Tin Lành Pháp theo khuynh hướng của nhà cải cách người Pháp Johannes Calvin, tên thật là Jean Cauvin, (1509-1564), chủ trương rằng đức tin tôn giáo phải được dựa trên nền tảng các luận cứ của trí năng và trật tự của Giáo Hội chỉ được đặt cơ sở trên Kinh Thánh mà thôi. Giáo thuyết của ông (Calvinismus) khác biệt với giáo thuyết của Luther (Luthertum) ở hai điểm:

1) Calvin khẳng định rằng trong khi cử hành Bữa Tiệc Ly (Thánh Lễ), Đức Kitô chỉ hiện diện một cách thiêng liêng mà thôi, chứ không hiện diện một cách thực tiễn trong bánh và rượu, và biến chúng thành Mình và Máu Thánh của Người như Luther chủ trương. Nhưng ngày nay người Tin Lành phái Luther ở Đức và ở các nước bắc Âu cũng không còn giữ được sự xác tín nguyên thủy của Luther về sự hiện diện thực sự của Chúa trong Phép Thánh Thể nữa. Trái lại, họ cũng tin như phái Calvinisten.

2) Về lý thuyết tiền định: Calvin chủ trương rằng sự cứu rỗi hay sự trầm luân khổ ải của mỗi người đã được Thiên Chúa tiền định từ đời đời rồi, nên con người không thể thay đổi được nữa.

Và tuy Johannes Calvin là người Pháp, nhưng tư tưởng cách mạng tôn giáo của ông lại không thể phát triển một cách rộng rãi ở một nước Pháp có truyền thống Công Giáo lâu đời được. Trái lại, ông đã gặp được Thụy Sĩ như một miền đất „phì nhiêu“ cho sự phát triển giáo thuyết của mình, và vì thế ông đã biến Tiểu bang Genève thành trung tâm Tin Lành quan trọng, mãi cho tới hôm nay.

Trong những lãnh vực chủ yếu của nước Pháp, những hình thức đạo đức kiểu ba-rốc(1) – như kiểu kiến trúc nhà thờ ba-rốc – không đóng những vai trò quan trọng. Khác với các nước khác ở Âu Châu vào lúc bấy giờ, ở Pháp Dòng Tên có rất ít ảnh hưởng. Bù vào đó, có một số Tu hội khác, như Tu hội Oratoriens của Linh mục Pierre de Bérulle(2), Tu hội Lazaristen, cũng được gọi là Tu hội Bác ái thánh Vinh Sơn, của Linh mục Vincent de Paul(3) và nhiều cộng đồng Tu hội khác nữa. Đây là những Tu hội mới được thành lập, có nội quy, mục đích và tôn chỉ mới mẻ, khác với các Dòng tu truyền thống mang hình thức „ba-rốc“ cổ kính, như: Dòng Biển Đức, Dòng Xi-tô, Dòng Đa Minh hay Dòng Phan-xi-cô, v.v… Nhưng chính các Tu hội mới này lại được liên kết chặt chẽ với những hình thức thần bí dưới nhiều dạng thức khác nhau. Thuộc về phong trào Công Giáo Pháp „phản ba-rốc“ này, người ta còn phải kể đến phái „Dương thân chủ nghĩa“, hay cũng gọi là phái Đạo đức khắc nghiệt Jansenismus.

Phái đạo đức khắc nghiệt Jansenismus là một phong trào có khuynh hướng chống lại Dòng Tên, nổi lên ở phần đất cũ thuộc Hòa Lan do người Tây Ban Nha quản trị, ngày nay thuộc Bỉ. Đây là một phong trào có liên quan tới giáo thuyết về ơn sủng của thánh Augustinus; tới sự phê bình thuyết Molinismus và „cuộc tranh cãi về ơn sủng“ giữa Linh mục Luis de Molina thuộc Dòng Tên Tây Ban Nha và Linh mục Domingo Bánez, thuộc Dòng Đa Minh Tây Ban Nha. Chính Linh mục Luis de Molina đã viết một cuốn sách về ơn sủng và đã gây nên bao cuộc tranh cãi sôi nổi.

Còn tên gọi Jansenismus được đặt theo tên nhà thần học Công Giáo Cornelius Jansenius hay cũng được gọi là Jansen (1585-1638), người Hòa Lan, giáo sư tại Đại Học Louvain, là người đã khởi xướng ra phong trào Đạo đức khắc nghiệt. Năm 1636, Jansenius được bầu làm Giám mục giáo phận Ypern và qua đời năm 1638. Hai năm sau đó, tức vào năm 1640, tác phẩm của ông với tựa đề „Augustinus“ được xuất bản, trong đó Jansenius đã trình bày quan điểm của ông về những vấn đề Thần học có liên quan tới sự tự do của con người và ơn sủng của Thiên Chúa, đối lập với quan điểm của Linh mục Luis de Molina. Nhưng quan điểm của Jansenius cũng ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi lý thuyết về sự tiền định của nhà cải cách Calvin. Tiếp đến, nhân vật khởi xướng thứ hai của Jansenismus là nhà thần học Antoine Arnauld, xuất thân từ một gia đình tân tòng. Antoine Arnauld sinh năm 1612 tại Paris, là người kịch liệt đả kích khuynh hướng thần học luân lý của Dòng Tên.

Giáo sư Antoine Arnauld là em trai của nữ tu Angélique Arnauld, Viện Mẫu Nữ Tu viện Port-Royal-des-Champs từ năm 1602, nằm về phía đông-nam Paris. Bởi đó, Tu viện Port-Royal đã trở thành trung tâm của phong trào Đạo đức khắc khổ Jansenismus, một phong trào với khuynh hướng luân lý nghiêm khắc của mình đã đào tạo được một số không nhỏ các nhà trí thức ưu tú cho nước Pháp, như nhà toán học và triết học thời danh Blaise Pascal. Năm 1626, Tu viện Port-Royal-des-Champs xây dựng bệnh viện „Maternité Port-Royal” ở Paris, nơi có nhà ga xe lửa Port-Royal và được coi như một chi nhánh của Tu viện mẹ với tên gọi là Tu viện Port-Royal-de-Paris.

Vào năm 1653, phong trào Jansenismus bị Tòa Thánh lên án với Sắc Chỉ „Cum occasione“ của Đức Giáo Hoàng Innocente X, và vào năm 1656, với Sắc Chỉ „Ad sacram“ của ngài, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII lại tiếp tục xác nhận sự lên án đó một lần nữa, sau khi Đại học Paris đã kết án và truất quyền dạy học của Antoine Arnauld. Vào năm 1661, khi vua Louis XIV đòi các Nữ tu thuộc Tu viện Port-Royal phải ký tên vào một bản tuyên bố tùng phục sự phán quyết trên của Đức Giáo Hoàng và tìm cách trục xuất họ đó ra khỏi Tu viện Port-Royal, thì các Nữ tu đã chống trả lại một cách đầy quyết liệt. Vào năm 1664, Đức Tổng Giám Mục Perefixe của Paris đã ra lệnh trục xuất mười hai Nữ tu bảo thủ quan điểm Jansenismus của mình một cách cố chấp ra khỏi Tu viện Port-Royal-de-Paris. Và bốn năm sau đó, hai Nữ Tu viện Port-Royal-de-Paris và Port-Royal-des-Champs bị tách rời khỏi nhau. Tu viện Port-Royal-de-Paris công khai từ bỏ phong trào jansenismus và tồn tại mãi cho tới cuộc cách mạng 1789 bùng nổ, trong khi đó Tu viện Port-Royal-des-Champs vẫn tiếp tục trung thành với phong trào Jansenismus.

Vào năm 1705, với sự ban hành Sắc Chỉ „Vineam Domini Sabaoth“ của Đức Giáo Hoàng Clemente XI, cuộc đụng độ lại được khơi dậy. Vì thế, năm 1710 nhà vua đã ra lệnh san bằng địa Nữ Tu viện Port-Royal-des-Champs, trước khi Đức Giáo Hoàng Clemente XI với Sắc Chỉ „Unigenitus“ ban hành năm 1713, chiếu theo sự yêu cầu của vua Luois XIV, cấm 101 câu trong các sách của nhà thần học Pasquier Quesnel, thuộc khuynh hướng Jansenismus.

Port-Royal thường được gọi là nơi cư ngụ của những „phụ nữ đạo đức“ quan trọng. Trước hết phải kể đến Nữ tu Angelique Arnauld, một người đã canh tân cuộc sống Tu viện bằng sự khiêm tốn và khổ chế hết sức khắc nghiệt. Dưới thời Nữ tu Agnès Arnauld, em ruột của bà, làm Viện Mẫu Tu viện Port-Royal và là người đã tổ chức cuộc chống trả vào năm 1661, trường học Port-Royal dành cho nữ sinh được thiết lập cùng với các Nữ tu như Anne Eugénie de l´Incarnation và nhất là với Nữ tu Jacqueline Pascal, em gái của Blaise Pascal, làm giáo viên. Các nguyên tắc giáo dục của các Nữ tu rất nghiêm ngặt và định hướng theo mục đích đã được Linh mục Duvergier de Hauranne, được gọi là Saint-Cyran, đề xướng, là: „Để biết yêu mến và phụng sự Thiên Chúa!“

Nhưng sự quan trọng của Tu viện Port-Royal đối với đời sống trí thức ở Pháp, thì trước hết không do ảnh hưởng của các Nữ tu, nhưng là do được gắn liền với tên tuổi của những danh nhân sống „đời đơn độc“ (les Solitaires) hay cũng được gọi là các „Ẩn sĩ“ (les Ermites) ở Port-Royal. Đó là những vị Linh mục và giáo sư sống chung với nhau trong một Cộng đoàn từ năm 1637, dưới sự hướng dẫn của Saint-Cyran, người qua đời vào năm 1643, và kéo dài mãi cho tới năm 1679 thì do những áp lực bên ngoài, Cộng đoàn của họ tự giải tán. Ngoài việc kinh nguyện và thực hành các việc đạo đức trong cuộc sống hằng ngày, họ còn nổ lực trau dồi việc học hành và nghiên cứu khoa học. Một trong những người thuộc nhóm này là giáo sư thần học Antoine Arnauld - người được coi là một trong những nhà trí thức vĩ đại nhất của thế kỷ XVII, ông vừa là một nhà thần, một triết gia, một nhà ngôn ngữ học vừa là một nhà toán học -, và mãi cho tới khi bị bãi nhiệm vào năm 1656, ông là giáo sư thần học tại Đại học Sorbonne. Sau đó ít lâu, ông đã trốn sang sống ở Hòa Lan và qua đời tại Brüssel, thủ đô nước Bỉ vào năm 1694. Và ngoài Antoine Arnauld ra, còn có những vị khác, chẳng hạn như Claude Dancelot hay Pierre Nicole, v.v…!

1. Tính chất Lô-gích của Port-Royal

Các nhà „Ần sĩ“ Port-Royal đã thành công trong việc phiên dịch ra tiếng Pháp phần Thánh Kinh Tân Uớc, tác phẩm „Tự Thú“ của thánh Augustinus và các tác phẩm của thánh nữ Têrêxa Avila. Họ cũng thành lập một trường học dành cho nam học sinh và cũng áp dụng chương trình giáo dục tôn giáo dựa theo tinh thần của Saint-Cyran. Một điều quan trọng khác là ở đây cũng có chương trình dạy tiếng Pháp, tiếng La-tinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và cũng dạy cả toán học nữa. Còn các sách giáo khoa, trước hết là các sách dạy về văn phạm tiếng La-tinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha, đều do Claude Lancelot biên soạn và có giá trị mãi cho tới hôm nay.

Riêng sách giáo khoa về triết học với tựa đề „La logique ou l´Art de penser“ (Luận lý học hay nghệ thuật tư duy) thì do Antoine Arnauld và Pierre Nicole biên soạn. Đây là một tác phẩm tiếp nhận tư tưởng của các triết gia Aristote, Descartes, Pascal, Johannes Clauberg, Francis Bacon và Montaigne, được xuất bản năm 1662 và cho tới năm 1736 đã được tái bản mười lần bằng tiếng Pháp và mười lần bằng tiếng La-tinh. Một tác phẩm khác cũng đạt được giá trị cao tương tự là tác phẩm „La grammaire de la langue francaise“ (Văn phạm Pháp văn) do Claude Lancelot xuất bản năm 1660.

Đặc biệt nhất là tác phẩm „Luận lý học hay nghệ thuật tư duy“, một tác phẩm triết học rất có giá trị và đã gây được nhiều ảnh hưởng trong suốt hàng thế kỷ, mãi cho tới khi môn Luận lý học toán học tân thời được phát triển vào cuối thế kỷ XIX. Vào năm 1972, tác phẩm giá trị này được phiên dịch ra tiếng Đức với tựa đề „Die Logik oder die Kunst des Denkens“, dày 349 trang. Trong phần mở đầu tác phẩm được viết: „Es gibt nichts, was höher einzuschätzen wäre als die recht beschaffene Vernunft und der Scharfsinn des Geistes beim Unterscheiden des Wahren und des Falschen“: (Không có gì để đánh giá cao hơn là lý trí lành mạnh đúng đắn và tinh thần minh mẫn sáng suốt trong việc phân biệt thật hư). Tuy nhiên, Arnauld và Nicole lại xác tín rằng Luận lý học và các khoa học tự nhiên như Hình học, Thiên văn học hay Vật lý học, không thể giúp phân biệt được sự thật và sự sai lạc và „hoàn toàn vô dụng“, nếu „người ta chiêm ngưỡng chúng và chỉ cho riêng chính mình mà thôi“, nghĩa là không có tương quan với tính thực nghiệm của chúng: „Con người không phải được sinh ra vì mục đích là sử dụng thời gian của mình để đo đạc các tuyến đường, để kiểm tra những tương quan các góc cạnh, để quan sát những chuyển động khác nhau của vật chất. Tinh thần của con người thì quá vĩ đại, cuộc sống của họ thì quá ngắn ngủi, thời giờ của họ thì quá quý báu, nên không thể lãng phí chúng cho những đối tượng nhỏ mọn kia được.“

Trong phần cuối tác phẩm, hai tác giả đã trình bày những tương quan với đức tin Kitô giáo: „Chỉ những điều có tính cách vô biên, như sự vĩnh cửu và sự hạnh phúc đời đời, thì người ta không thể đem so sánh với bất cứ lợi ích tạm bợ nào được. Vì lý do đó, có được một chút cảm nghiệm bé nhỏ về sự hạnh phúc đời đời thì có giá trị hơn tất cả mọi của cải đời này cộng lại bội phần. Bởi thế, sự khờ dại to lớn nhất trong tất cả mọi sự khờ dại là đem sử dụng thời giờ và cuộc sống của mình vào những chuyện gì khác, chứ không phải vào việc chiếm hữu được cuộc sống sẽ không bao giờ chấm tận. Những ai đạt tới được cảm ứng trên và đem ra thực hành trong cuộc sống mình, là những người khôn ngoan thận trọng. Còn những ai không đạt tới được cảm ứng ấy, thì Kinh Thánh gọi họ là những kẻ điên dại, là những kẻ không có trí khôn.“ Nghe thế người đọc nghĩ ngay tới câu: „Những đứa khờ dại nhủ lòng mình rằng: làm gì có Đức Chúa Trời!“ (Tv 14,1)

Sau năm 1713, phái Jansenismus vẫn tiếp tục tồn tại ở Pháp, nhưng chỉ như một phong trào chính trị với tên gọi là „Đại pháp viện“ và góp tay vào việc đàn áp các Tu sĩ Dòng Tên trong vòng từ năm 1761 cho tới năm 1764, một cuộc đàn áp xảy ra trước khi Đức Giáo Hoàng Clemente XIV giải tán Dòng Tên tại Pháp vào năm 1773. Sau này thành phần lãnh đạo Jansenismus đã cho di chuyển trung tâm văn hóa của họ sang tỉnh Utrecht thuộc miền bắc Hòa Lan và từ năm 1723, phái Jansenismus đã hoàn toàn tự tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo Roma và tự gọi là „Giáo Hội Utrecht“, và tiếp tục tồn tại như một giáo phái ly khai, nhưng giáo phái Jansenismus tồn tại không chỉ tại miền Utrecht ở Hòa Lan, mà còn ở cả Áo, ở Ý và ở Tây Ban Nha nữa, và tư tưởng của họ tác động một cách tiệm tiến trong Giáo Hội Công Giáo như thể luồng gió canh tân vậy, dù cho thoạt đầu đã không được đón nhận.

Thậy vậy, tuy các vạ Tòa Thánh phạt phái Jansenismus đã không bao giờ được rút lại. Nhưng một sự thể khác cũng đã xảy ra như vẫn thường đã xảy ra trong suốt lịch sử của Giáo Hội. Chẳng hạn: Nhà thiên văn học và vật lý học thời danh người Ý Galileo Galilei (1564-1642) do sự ông nhất quyết khẳng định thuyết „Nhật tâm“ (Heliocentrisme) là một thực tại, chứ không còn là một giả thiết nữa, nên vào năm 1632 ông đã bị Tòa án thẩm tra của Tòa Thánh phạt quản thúc tại gia. Nhưng 360 năm sau đó, tức vào năm 1992, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại đã tôn vinh công trình khám phá khoa học của ông. Tiếp đến, dưới thời Đức Piô XII, những nhà thần học chủ xướng phong trào „La nouvelle théologie francaise“ (Tân thần học Pháp quốc) đã bị cấm dạy học và cấm xuất bản sách vỡ, thì dưới thời Đức Gioan XXIII họ lại được coi như những thần học gia của Công Đồng Vatican II. Cũng tương tự như thế, các ý tưởng do phái Jansenismus đề xướng đã tiếp tục có những tác động cụ thể trong lòng Giáo Hội ở thế kỷ XX, chẳng hạn:

· Tư tưởng về việc cử hành lễ nghi Phụng vụ bằng tiếng bản xứ, thay vì tiếng La-tinh.
· Đánh giá cao địa vị người giáo dân và người phụ nữ, nhất là các Nữ tu, trong Giáo Hội.
· Đề cao tính cách đơn sơ giản tiện trong việc cử hành Thánh Lễ, thay vì quá lộng lẫy và rườm rà, nặng tính cách phô trương bên ngoài, v.v….!

Và đó là chưa kể nhiều canh tân khác đượm màu sắc Jansnismus đã tuần tự được hiện thực trong đời sống cụ thể của Giáo Hội Công Giáo ngày nay, đặc biệt nhất trong thời hậu Công Đồng Vatican II.

2. Một kinh nghiệm cụ thể quý báu

Tất cả những điều đó muốn nói lên rằng, tuy Giáo Hội là Nhiệm Thể của Đức Kitô, và vì thế, hoàn toàn tinh tuyền và thánh thiện, nhưng Giáo Hội lại đã được giao phó trong tay người phàm coi sóc, giữ gìn và phát huy, nên Giáo Hội cũng đã phải khoác lên mình một cách bất đắc dĩ những hình thức và màu sắc mang tính chất nhân loại trong suốt cuộc hành trình của mình trên con đường trần thế này. Tuy nhiên, đó không phải là điều tiêu cực đáng trách, nhưng là một kinh nghiệm cụ thể quý báu, nhắc bảo tất cả mọi Kitô hữu, nhất là những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, cần phải biết khiêm tốn và thực thi đức ái một cách cụ thể hơn trong hành động của mình, hầu cho sự thánh thiện của Giáo Hội được rõ nét hơn và nhất là Danh Chúa được cả sáng hơn, và qua đó nhân loại sẽ dễ dàng tìm ra được con đường dẫn đưa họ về cùng Thiên Chúa hơn.

Và điểm sau cùng mà chúng ta có thể khám phá được qua các diễn biến đã được trình bày trên là những dữ kiện mang tính cách biện chứng trong tư tưởng con người, hay nói cách khác, sự tư duy của con người quả là một nghệ thuật đáng nể, một nghệ thuật mà trước hết chúng ta cần phải trân trọng lắng nghe, phân tích, tìm hiểu, chứ không nên vội vàng chống đối và kết án. Đó cũng là điều Giáo Hội Công Giáo đã thực hiện đối với nhóm Công Giáo bảo thủ Lefèbvre, khi vào ngày 21.1.2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đầy lòng yêu thương cất vạ tuyệt thông „Latae sententiae“ cho bốn vị Giám Mục được phong chức trái phép của nhóm Công Giáo bảo thủ này vào ngày 29.6.1988.

Chân lý luôn mãi là chân lý và không ai có thể thay đổi được. Nhưng nếu nhân loại biết thực hành và sống chân lý trong đời thường của mình với đức bác ái, với lòng từ bi hỉ xả và với sự thông cảm chân thành, thì chắc chắn vũ trụ này sẽ tươi sáng hơn, sẽ an vui hài hòa hơn và sẽ hấp dẫn hơn nhiều!

____________________________________

1. Kiểu kiến trúc Ba-rốc (Baroque) là một kiểu kiến trúc đặc trưng ở Âu Châu vào các thế kỷ XVII-XVIII: Đặt nặng sự trưng bày nội thất các nhà cửa, nhất là các thánh đường và các cung điện, một cách rất lộng lẫy, rườm rà và sang trọng.

2. Tu hội Thuyết giảng Oratoriens có tên đầy đủ là “Congregatio Oratorii Jesu et Mariae” (Hội dòng những người hùng biện của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria), do Linh mục Pierre Bérulle sáng lập vào năm 1611. Đây là một Hội dòng gồm các Linh mục triều được qui tụ lại với nhau, và mục đích của Hội dòng là chuyên lo công tác mục vụ và chương trình giáo dục thanh thiếu niên. Nhưng đến năm 1792 thì Hội dòng bị giải tán. Và năm 1864 Hội dòng lại được tái gầy dựng lại.

3. Linh mục Vincent de Paul (1581-1660) thành lập Hội các Linh mục triều Lazaristen vào năm 1625 để các Linh mục cùng giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau trong đời thánh hiến Linh mục, phụ trách việc giáo dục và đào tạo các Linh mục tương lai xứng đáng cho Giáo Hội, và tiếp đến là giúp đỡ người nghèo. Và năm 1633, Lm Vincent de Paul lại cùng Nữ tu Louise de Marillac (1591-1660) sáng lập Tu hội các Nữ tử Bác ái Vinh Sơn. Vào năm 1737 Linh mục Vincent de Paul được Giáo Hội tôn phong Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 27 thánh 9 hằng năm.