"Gánh nặng nợ nần" của sinh viên đại học làm chậm trễ việc lập gia đình, việc sinh con và khuyến khích tình trạng “góp gạo thổi cơm chung”, đó là ý kiến cuả chuyên gia về chính sách gia đình, ông Allan Carlson, Chủ tịch trung tâm Howard Center for Family, Religion & Society, tại hội đồng nghiên cứu về gia đình (Family Research Council) tại Washington, D.C. Ông kêu gọi thành lập một chương trình xóa nợ để giúp giảm nhẹ áp lực tài chính cho sinh viên.

"Trong nhiều nền văn hoá trên thế giới và trong suốt giòng lịch sử đã được ghi chép, việc sử dụng ‘cuả hồi môn’ (dowries, tài sản của phụ nữ trẻ mang vào cuộc hôn nhân của họ) là phổ biến và những quà cưới khác đã cung cấp cho cặp tân hôn một số vốn ngay từ những ngày đầu của cuộc sống chung," Carlson viết trong một bài báo năm 2005. "Chiến lược văn hoá này có mục đích khuyến khích hôn nhân, ổn định đời sống, cung cấp nhà cửa, và khuyến khích sinh con đẻ cái."

Tuy nhiên gần đây, việc thực hành vay nợ chồng chất để đi học của thanh niên đã ngăn cản việc kết hôn và việc sinh con một cách đáng kể.

Tại hội đồng nghiên cứu về gia đình (FRC), Carlson trích dẫn một cuộc điều tra năm 2002 cho thấy rằng 14 phần trăm sinh viên mắc nợ trì hoãn kết hôn, còn trong số đã kết hôn thì 21 phần trăm trì hoãn có con. Năm 1988, những con số tương ứng là 9 và 12 phần trăm.

Nợ cũng có thể gây ra các vấn đề trong cuộc hôn nhân. Một cuộc khảo sát kiểm tra 41 ‘vấn đề hôn nhân’ cho thấy rằng “nợ đưa vào hôn nhân" là vấn đề lớn thứ ba mà các đôi tân hôn phải đối mặt. Trong số những người không có con, nợ là vấn đề lớn thứ hai. Trong lứa tuổi 29 trở xuống, nợ là vấn đề lớn nhất.

Carlson kết luận nợ gây cho sinh viên tránh kết hôn.

Tính từ năm 1984 tới năm 2004, tỷ lệ kết hôn cuả phụ nữ tuổi 20-24 giảm 41.4 phần trăm. Tỷ lệ kết hôn cuả phụ nữ tuổi 25-29 giảm 19.4 phần trăm. Đối với nam giới, tỷ lệ giảm tương ứng là 45.5 phần trăm và 29.6 phần trăm.

Cohabiting (góp gạo thổi cơm chung, sống chung tạm bợ) đã tăng từ 1.6 triệu vào năm 1980 lên tới 5.1 triệu vào năm 2004. Điều này có ảnh hưởng quan trọng tới gia đình, vì các cặp cohabiting ít ổn định, dễ bị bạo lực gia đình và nhiều hơn nữa dễ ngoại tình ngay cả sau khi kết hôn. Con cái của các cặp cohabiting có cùng một mức độ sống như con cái của các bà mẹ độc thân, tức là thấp hơn nhiều so với những trẻ em có cha mẹ đàng hoàng.

Carlson thêm rằng những phụ nữ có văn bằng ‘cao học hay cao hơn’ có xu hướng không có con nhiều hơn những phụ nữ không có văn bằng đại học. Một người phụ nữ càng có trình độ cao, thì cô ấy càng ít có khả năng kết hôn hoặc cohabitate.

Nếu những phụ nữ đó lập gia đình, họ thuờng lập gia đình với những người nam có trình độ đại học. Điều này có nghĩa là món nợ chung của họ là gấp đôi so với nợ cá nhân.

Nợ sinh viên cũng có tác dụng trên chi phí chăm sóc sức khỏe. Các bác sĩ ra trường với món nợ lớn phải tìm cách thu nhập lớn để trả nợ. Điều này áp lực họ tìm những lĩnh vực chuyên môn trả nhiều tiền hơn so với môn tổng quát.

Ông thêm rằng nhiều cặp vợ chồng trẻ có những 'kỳ vọng không thực tế’, như sự cần thiết phải có một đám cưới tốn kém $ 40.000 hay có một căn nhà đắt tiền lần đầu tiên, đó là những việc không khuyến khích hôn nhân. Tuy nhiên, ông hy vọng, sự suy giảm giá nhà đất có thể giúp cải thiện tốc độ kết hôn.

Để hỗ trợ các cặp vợ chồng trẻ lập gia đình và khuyến khích sinh đẻ, Carlson đề nghị rằng hễ một cặp cha mẹ sinh con hoặc xin con nuôi, chính phủ liên bang trả 25 phần trăm ‘nợ giáo dục còn tồn đọng’ cho họ, lên đến $ 5,000 cho mỗi người (mẹ và cha.)