Từ điển tiếng Việt định nghĩa thủ đô là thành phố hàng đầu quốc gia, nơi làm việc của chính phủ và các cơ quan đầu não. Mà nghĩa với định chi cho rườm rà, nói cho dễ hiểu, thủ là cái đầu, đô là đô thị, thủ đô là đô thị đầu não quốc gia.

Đa phần các quốc gia phát triển không “qui hoạch” theo kiểu gán ghép, nhồi nhét cho thủ đô của họ như Hà Nội. Washington DC là thủ đô Hoa Kỳ, và nó là trung tâm chính trị. Còn New York city mới là trung tâm kinh tế. Tất cả các tập đoàn kinh tế, biểu tượng cho sự hùng mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ nằm ở New York, chứ không phải Washington.

Từ sự phân rạch rõ ràng này, chức phận và ngay cả dáng vóc của mỗi một đô thị sẽ khác nhau. Phố phường New York như từ trên trời cắm xuống, chứ không phải từ mặt đất xây lên. Nó khiến buộc người ta phải ngước…lên trời. Bởi hầu hết những nóc nhà, điểm nhấn kỳ thú của kiến trúc New York như chạm tới trời xanh. Nghĩ tới New York là nghĩ đến nhà chọc trời. Không phải Washington không làm được như vậy, mà Washington không được phép phát triển, không được phép “lớn lên” theo kiểu dáng New York.

Mỗi đô thị ôm nhận mỗi chức phận khác nhau. Sự phân chia này mặc nhiên đã tạo nên bản sắc riêng biệt, giúp mỗi đô thị có một dáng hình khác nhau, và cả cái hồn vía của mỗi một đô thị cũng rất khác nhau, chứ không nhàn nhạt và na ná anh nào cũng tựa anh nào. Từ những chức phận khu biệt đó, nó định hình cho kiến trúc đô thị, và thậm chí cả kiến trúc… con người, định hình cho từng kiểu dáng gốc cây đến viên gạch vỉa hè.

Đà Lạt là gì – là thành phố hoa. Huế là gì – là cố đô du lịch và…thơ ! Nhồi nhét và bắt Huế, Đà Lạt ôm nhận thêm các chức phận “trung tâm kinh tế, công nghệ, khoa học…” giống như Đà Nẵng chẳng những không được, mà còn làm hỏng và phá mất cái hồn vía của Huế, của Đà Lạt mà thôi.

Với Hà Nội, định hướng cho sự phát triển, và cả dáng nét của thủ đô ra sao?

Nguyên nhân gốc gác làm sai lệch cơ bản đối với sự định hình cho khuôn vóc Hà Nội cũng chính từ cách nhìn lệch lạc này. Hà Nội là thủ đô, là đô thị chính trị, trung tâm chính trị quốc gia. Còn đô thị kinh tế, trung tâm kinh tế quốc gia là thành phố Hồ Chí Minh, chứ không phải Hà Nội. Có muốn, có ghép, có nhồi nhét mãi thì Hà Nội cũng chịu thua không làm được và làm tròn cái chức phận kinh tế này.

Vậy hà cớ gì cứ bắt Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước? Lo một cái chức phận “trung tâm chính trị” đã khòng lưng, huống chi cái gì cũng đòi trung tâm.

Hiểu và nhìn nhận đúng như vậy thì Hà Nội không cần mở rộng diện tích, không cần một không gian “lớn rộng nhất thế giới” như đã và đang định hướng, đang qui hoạch.

Chính vì cái gì cũng có, cái gì cũng “trung tâm” nên Hà Nội chật chội, ngột ngạt, và Hà Nội…hỏng !

Tôi phì cười khi nghe nói về mục tiêu phát triển cho Hà Nội trong…nay mai được xác định là “trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, công nghệ…không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả khu vực và thế giới”.

Buồn cười hơn khi nghe tin sắp có cả một bộ luật về thủ đô, và bộ chuẩn (lại bộ chuẩn) quy định tiêu chuẩn, yêu cầu cho…công dân thủ đô !

(Nguồn: http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/173083)