Hồng Nhung: Xin Cha tóm tắt sơ lược cho chúng con biết về tình trạng đạo đức hiện tại ở Úc liên quan tới phá thai, an tử, trợ tử, và nghiên cứu tế bào gốc?

Cha Parkinson: Chắc chắn tôi có thể tóm tắt sơ lược cho quý vị. Phá thai được hợp pháp hóa ở mọi nơi trên đất Úc, theo như tôi biết thì được phép phá cho tới khi thai được khoảng 20 tuần lễ. Có sự khác biệt giữa tiểu bang này và tiểu bang kia, nhưng nói chung thì hầu như ở đâu cũng thế thôi. Và tình trạng như vậy chắc chắn đã có trong 20 hoặc 30 năm qua, bây giờ đôi khi cũng có những mưu toan để nới lỏng luật phá thai hơn nữa. Theo đúng luật thì một phụ nữ chỉ có thể phá thai vì lý do sức khỏe, nhưng chúng ta biết đâu phải luôn luôn là như vậy. Và rồi đôi khi có những cố gắng xiết chặt luật lệ cho khó khăn hơn, chuyện này hiếm có nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng đạt được, nhiều chính trị gia có thiện ý nỗ lực làm điều đó và chúng tôi cố gắng hỗ trợ họ. Gần đây tại Victoria, chính phủ mới thông qua luật bãi bỏ quyền theo lương tâm của mình mà phản đối của các bác sĩ. Vì thế tại Victoria nếu một người muốn phá thai thì bác sĩ có bổn phận cung cấp và giúp họ đạt được điều đó. Và đây là điều chúng tôi kịch liệt phản đối bởi vì trong khi chúng tôi cố gắng tôn trọng lương tâm của người ta thì chúng tôi cũng nghĩ rằng người ta phải nên kính trọng lương tâm của các bác sĩ nữa.

Liên quan tới an tử, ngoại trừ một thời gian thật ngắn tại Lãnh Thổ phía Bắc, an tử chưa bao giờ được coi là một hành động hợp pháp trên quốc gia này. Với an tử, chúng ta có ý nói việc chủ tâm lấy đi mạng sống mình bằng một hành động hoặc một thiếu sót cố tình làm giảm bớt nỗi đau. Tuy nhiên, tại Tasmania có một điều luật hiện đang được bàn cãi và tại Tây Úc có một Dân Biểu đang sửa soạn một dự luật để xin được an tử. Chúng tôi đã tranh đấu chống lại điều này trong quá khứ, chúng tôi đã đưa ra lập luận tại sao không nên cho phép an tử và chúng tôi sẽ còn tiếp tục tranh đấu nữa. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải đấu tranh liên tục và cứ mỗi vài năm chúng ta sẽ lại phải đương đầu với nó nữa. Tôi sợ rằng tới một lúc nào đó, họ sẽ thông qua một đạo luật và tới giai đoạn đó chúng ta sẽ có những vấn nạn lớn với các bệnh viện. Tôi thì mong rằng thời gian đó vẫn còn xa.

Tại Úc nghiên cứu tế bào gốc hiện đang ở trạng thái ngã ba đường đáng lưu ý. Ở Tây Úc trong lãnh vực này ít có gì xảy ra trong việc nghiên cứu tế bào gốc. Phần lớn xảy ra tại miền Đông, Brisbane, Melbourne và một vài nơi ở Adelaide. Vấn đề chúng ta hiện gặp phải, trong việc nghiên cứu tế bào gốc không phải với chính việc nghiên cứu đó mà thực ra là vấn đề các phôi thai bị tiêu diệt cho mục đích nghiên cứu này. Nếu có thể thực hiện việc nghiên cứu này mà không phải tiêu hủy phôi thai thì chúng tôi thấy không thành vấn đề. Tại Tây Úc, mới một hoặc hai năm trước đây thôi, Quốc Hội từ chối không cho phép tạo phôi thai cho mục đích nghiên cứu. Chúng ta là tiểu bang đầu tiên làm việc này. Điều này làm chúng ta tách ra khỏi các phần còn lại của quốc gia nhưng rất nhiều người trong chúng ta rất hãnh diện về sự kiện là hiện tại đây, ít nhất là vậy, chúng ta có cơ quan lập pháp để sẵn sàng đứng lên tranh đấu cho phẩm giá cuộc sống con người.

Và dĩ nhiên là tất cả những điều này, dù sao chăng nữa có lẽ sẽ không hợp lý gì nữa cả vì những sự tiến bộ được thành hình nhờ vào những tế bào chiết xuất thuần tuý từ các tế bào protein. Đó là tế bào da bình thường mà người ta có thể tái xử lý như tế bào gốc. Đó là một tiến bộ tuyệt vời và chúng ta hy vọng rằng sẽ có nhiều nhà nghiên cứu khác nữa sẽ dùng phương pháp đó và như thế áp lực phải có tế bào gốc sẽ giảm đi. Và trong nhiều cách, những gì xảy ra tại Úc phản ảnh những gì đang xảy ra tại Hoa Kỳ, tại Liên Hiệp Anh và những nơi khác trong thế giới tây phương. Bởi thế, đúng là luôn có những điều mới mẻ.

Hồng Nhung: Một tranh luận thường thấy để bài bác giáo huấn chống an tử và trợ tử của Giáo Hội là “tại sao tôi phải đau đớn rồi chết, thay vì tôi có thể chọn cái chết thanh thản dễ chịu hơn?”

Một ít người, ngay cả người Công Giáo cũng mang ấn tượng rằng Giáo Hội dường như tán dương sự đau khổ. Vậy cha đáp lại điều đó thế nào?

Cha Joseph Parkinson:

Đầu tiên tôi sẽ đưa ra một vài điểm. Với hệ thống y tế của chúng ta hiện nay, tiến trình hấp hối thường không nhất thiết là đi kèm với những đau đớn. Phần lớn các trường hợp đau đớn đều có thể kềm chế được, nếu không làm cho hết hẳn thì cũng kiểm soát được tới mức đáng kể. Có thể có những cái đau khôn xiết rất khó kềm chế, nhưng thường đó là khi cận kề cái chết, thường vào những ngày cuối hoặc những giờ cuối đời. Lẽ dĩ nhiên chúng ta đề cập tới sự đau khổ chứ không chỉ đau nhức mà thôi. Sự đau khổ không phải chỉ cho thân xác mà còn về mặt tâm lý và có thể về tinh thần nữa. Có những khía cạnh khác của đau khổ không hẳn có thể kềm chế được, dù sao thì chắc chắn không kềm chế được bằng dược phẩm.

Giáo Hội tin rằng đau khổ có thể đem lại sự cứu độ nếu người đó kết hợp những đau khổ của chính họ với những đau khổ của Chúa Kitô. Như vậy có nghĩa là người đó lựa chọn một cách có ý thức cái đau khổ của riêng mình và hiệp nhất với những đau khổ của Thiên Chúa chúng ta. Và dĩ nhiên là với ý thức rõ rệt về sự sống lại, tin tưởng rằng sự đau khổ không phải là điểm kết thúc mà còn có cái gì ngoại thường và tuyệt diệu sau đó nữa. Bởi thế chúng ta chắc chắn giữ niềm tin đó làm phần hiểu biết quý giá của mình về đau khổ. Nhưng đây là sự chọn lựa của từng cá nhân. Đây không phải là điều Giáo Hội nói mọi người là phải chịu đựng. Giáo Hội chúng ta dấn thân đề cao sự chăm sóc y tế để tối thiểu hóa đau đớn, làm giảm đau bằng thuốc trấn thống, bằng y dược, qua tư vấn, qua tất cả những cách thức khác để đạt được điều này. Ngay cả khi dược phẩm có lẽ làm cho môt người bất tỉnh khi cần thiết thì chúng tôi cũng không phản đối gì. Vậy có nghĩa là không hẳn người ta cần phải chết trong đau đớn. Nếu người ta không chọn cái đau, nếu người ta muốn kềm chế hoặc ngăn chận cái đau thì vẫn có thể được.

Câu hỏi của chị, tôi nghĩ, là về an tử, “Tại sao tôi không thể xin một mũi thuốc chích cho tôi chết đi?” Đây có thể là điều tranh cãi; tôi cho rằng đây là điều những người vận động tranh thủ tại nghị viện muốn đạt được. Thật sự ra, trong hồ sơ công khai họ nói rằng họ thật sự muốn được quyền chọn khi chết, thời điểm chết và cách chết, ngay cả chọn không đau đớn. Khi một người đơn thuần chán sống, thì, “đây là giờ kết liễu cuộc đời, nên tôi kết thúc nó”. Nhưng điều quan trọng nên nhận thức rõ là để làm được điều đó, người ta cần người khác giúp, như bác sĩ hoặc y tá chẳng hạn, thường an tử có nghĩa là tự tử do bác sĩ giúp.

Có những vấn đề trọng đại liên quan đến việc đó. Tôi có quyền đòi hỏi ngườI khác giết tôi không? Tôi có thể yêu cầu anh làm điều đó không? Tôi có thể đặt anh dưới áp lực đó không? Có thể nào tôi kỳ vọng giới y khoa thay đổi những gì từ trước tới giờ vẫn là động lực của họ hay không? Đó là động lực của họ trong cả hàng trăm năm, cả ngàn năm cũng có. Yêu cầu giới y khoa thay đổi điều đó bây giờ chỉ vì có một số người muốn kết thúc cuộc đời theo ý riêng họ chọn. Không cần biết chúng ta nói tới Thụy Điển hoặc Thụy Sĩ hoặc Bỉ hoặc tiểu bang Oregon ở Hoa Kỳ, chưa nơi nào chấp nhận luật cho phép an tử như thể luật đó chi phối ngành nghề này. Trong tất cả những cơ quan lập pháp đó, có quá nhiều chứng cớ lạm dụng luật, khi người ta đang bị an tử mà không được hỏi trước. Các bác sĩ đã không đáp ứng theo những đòi hỏi tất yếu của luật. Không nơi nào có thể kiểm soát được điều đó, bởi thế, tôi cảm thấy rằng, trong khi tôi có thể hiểu được là người ta muốn có quyền chết vào thời điểm họ chọn, nhưng tôi không biết có ai có quyền đòi hỏi hoặc yêu cầu người khác giúp làm điều đó hay không. Tôi biết không thể nào kiểm soát được một khi luật này được chấp thuận.

Hồng Nhung: Tại ViệtNam, chúng con có những chương trình để giúp đỡ những bệnh nhân SIDA và con cái họ, để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và dưỡng lão cho người nghèo, và dịch vụ trợ y cho những ai đau đớn. Chúng con hiểu rằng chúng con không thể đơn thuần tranh cãi chống an tử và trợ tử. Để lập trường của chúng con thật sự đáng tin chúng con phải bênh vực người đau yếu, người sắp chết và những người sợ phải chịu đựng. Có điều gì khác cha có thể đề nghị thêm không?

Cha Joseph Parkinson:

Tôi hiểu và hoàn toàn đồng ý với chị. Đứng trên vai trò Giáo Hội, chúng ta không thể nào chỉ luôn luôn loan tin tiêu cực. Chúa Giêsu đã không luôn luôn chỉ nói với dân chúng những điều họ không được làm. Ngài ở đó để ban sức mạnh cho họ để họ nên như những gì Chúa gọi và ôm ấp họ để họ sống theo ý Ngài. Vì thế, chắc chắn là tới lúc chúng ta cần phải dốc tâm lực vào điều chúng ta tin và dấn thân theo những sáng kiến nào hỗ trợ người sắp chết để giảm bớt sự đau đớn, để chăm sóc, an ủi và tìm các phương pháp chữa trị, cho chứng bệnh HIV vân vân.

Đây là một thách đố cho toàn thể Giáo Hội, không phải chỉ cho các giám mục mà cũng là trách nhiệm chung cho toàn giáo dân. Và dĩ nhiên, trong một ý nghĩa nào đó, các giám mục chỉ có thể thực hiện những gì giáo dân cho phép các ngài làm. Tôi hoàn toàn đồng ý với đường hướng câu hỏi của chị. Chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ luôn luôn nói “không”, chúng ta phải quảng bá phẩm chất đời sống bằng những phương cách tích cực, trong bất cứ cách nào chúng ta có thể làm để gầy dựng cái mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị đã gọi là ‘văn hóa sự sống’. Đó là cả một không gian, một đặc tính có liên quan đến tất cả mọi người bất kể nơi họ đang sống, họ từ đâu tới hoặc đi đâu. Làm sao chúng ta làm thế được? Bằng cách là từng người trong chúng ta đầu tiên cần thực thi trong đời sống riêng mỗi cá nhân, và rồi như cùng trong một giáo hội chúng ta cũng cần phải quyết tâm thực hiện điều này (bằng) cách chăm sóc y tế và rất nhiều cách khác nữa.

Hồng Nhung: Ba năm trước, chúng con đã công bố bài thuyết giảng của cha, một bài nói rất hùng hồn, trong buổi ra mắt cuốn sách mang tựa đề “Advancing the Culture of Death: Euthanasia And Physician-Assisted Suicide” do người đồng hương của chúng ta là Cha Phero Tran Manh Hung biên soạn. Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt và sau đó cho xuất bản. Nó đã đóng góp rất nhiều vào cuộc nghiên cứu triết lý liên quan đến những tranh luận về đạo đức đưa đến do những tiến bộ về sinh học và y khoa. Chúng con vui vì nghe rằng Cha Phero Hung đã đang làm việc tại đây với cha trong thời gian khá lâu. Xin cha trình bày cho chúng con về tác phẩm này và tác giả đã đóng góp thế nào cho nền Đạo Đức Sinh Học tại nước Úc?

Cha Joseph Parkinson:

Có lẽ phải cần cả một thời gian dài để diễn tả cho hết. Cuốn sách của cha Hùng là một trong những tác phẩm biện hộ minh bạch và dầy công nghiên cứu nhất của quan điểm Công Giáo về an tử và trợ tử. Tôi rất vui sướng được giúp ra mắt cuốn sách bởi vì chúng ta cần có tư tưởng trong sáng, chúng ta cần những người sẵn sàng phát biểu tư tưởng của họ cách rõ ràng như cha Hùng trình bày trong tác phẩm này. Và chúng ta cần những người sẵn sàng diễn thuyết cho các nhóm, kể chuyện khi đối diện với họ. Cha Hùng vẫn đang làm điều này là diễn thuyết cho các nhóm và cho các nơi khác nhau trong thành phố và trong tiểu bang này. Tác phẩm này thu hút độc giả khắp nước Úc. Nó đã tới tay các chính trị gia, những nhà làm luật, tới các bệnh viện. Nó có mặt trong các thư viện trên toàn quốc gia này. Và tôi nghĩ nó sẽ tiếp tục là lời chứng thật sự quan trọng của quan điểm Giáo Hội về vấn đề này. Nhưng công việc của cha Hùng không chỉ giới hạn ở đây, cha còn tham gia vào việc giáo dục tráng niên và giáo chức trong lãnh vực phục vụ, và cha du hành tới các nơi khác nhau trong tiểu bang để nói chuyện với các nhóm Công Giáo khác nhau. Cha tiếp tục nghiên cứu ở đây và tôi biết cha vẫn đang có những ấn bản Việt Ngữ và tôi rất vui để cha tiếp tục nới rộng vấn đề này bởi vì Giáo Hội chúng ta tại Perth được hưởng lợi ích lớn lao từ những người dân gốc Việt tại Perth và đặc biệt từ con số linh mục đến với chúng tôi từ nhóm dân gốc Việt này. Vì vậy tôi nghĩ có lúc chúng tôi có thể trả ơn, đáp nghĩa lại bằng cách hỗ trợ cho Giáo Hội bên Việt Nam. Tôi coi đó là nghĩa vụ của chúng tôi nơi đây. Tôi biết cha Hùng sẽ đi dạy học tại New Zealand và tôi vui sướng được giúp cha chuẩn bị công tác đó. Cha đã đang làm nhhững việc lớn lao và đây là tất cả những việc cha làm thêm ngoài công việc chính của cha trong đan viện ở North Perth. Bởi vậy chúng tôi rất hài lòng về việc cha Hùng đang làm với chúng tôi và hy vọng cha sẽ còn ở với chúng tôi trong thời gian lâu hơn nữa.

Hồng Nhung: Thưa cha Parkinson, xin cám ơn cha đã dành thời giờ cho chúng con và giúp đỡ nâng cao nhận thức của quý khán thính giả của chúng con về vấn nạn liên quan đến phá thai, an tử và trợ tử.