Liên Hiệp Quốc đi chỗ khác chơi?

Cuộc tấn công Iraq của Hoa Kỳ đã gây nhiều tranh luận sôi nổi trên khắp thế giới cũng như trong cộng đồng người Việt. Trên đài truyền thanh, truyền hình, báo chí, ở những nơi hội họp, nơi làm việc, trong tiệm ăn, trên xe buýt... mọi người đã tranh nhau trình bày về sự hiểu biết và quan điểm của mình... Ít ai đồng ý với ai.

I.- TẦM MỨC QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ

Nhìn chung, đa số người Việt hải ngoại chịu ảnh hưởng khá lớn những tin tức và hình ảnh trình bày trên truyền hình của Mỹ và báo Mỹ, suy nghĩ và phát biểu dựa trên những tin tức và hình ảnh đó. Ít ai biết đến những mặt trái đàng sau, cách nhìn của các nước và các tổ chức không đồng quan điểm với Hoa Kỳ. Điều này cũng dễ hiểu, vì họ ít được biết và ít được nghe những điều đó. Có một nhận định chung được đa số người Việt tại Hoa Kỳ, kể cả một số tự xưng là “bình luận gia” trên các báo và đài phát thanh, coi là chân lý: “Mình là công dân Mỹ và nước Mỹ là đất tạm dung của người Việt, nên chúng ta có nhiệm vụ phải ủng hộ Tổng Thống Mỹ!”

Nghe qua thì câu nói này có vẽ hợp tình hợp lý, nhưng nghe lại thì đó là một sự sai lầm rất nghiêm trọng. Nếu câu đó được coi là “chân lý” thì dân chúng Iraq cũng phải nói “tôi là công dân Iraq, tôi phải ủng hộ Saddam Hussein”, dân chúng Trung Quốc phải nói “tôi là công dân Trung Quốc, tôi phải ủng hộ Hồ Cẩm Đào”, dân chúng Việt Nam trong nước cũng phải nói “tôi là công dân dân Việt Nam, tôi phải ủng hộ Trần Đức Lương và Phan Văn Khải”...!

Một thí dụ cụ thể có thể cho chúng ta thấy rõ hơn sự sai lầm của câu nói trên: Người Việt tỵ nạn là công dân Mỹ và nước Mỹ là “đất tạm dung” của người Việt tỵ nạn, vậy người Việt tỵ nạn có phải ủng hộ một Tổng Thống Mỹ chủ trương thiết lập bang giao và ngoại thương với Cộng Sản Hà Nội hay không? Chắc chắn đa số sẽ trả lời là không. Câu trả lời “không” đó cho chúng ta thấy rằng câu trả lời về vụ tấn công Iraq nói trên là trật lất. Phải nói như thế này: “Trong việc tấn công Iraq, chúng tôi thấy Tổng Thống Bush làm đúng, nên chúng tôi ủng hộ ông.” Nói cách khác, chúng ta chỉ ủng hộ những cái đúng chứ không ủng hộ những cái sai của chính phủ Hoa Kỳ, mặc dầu chúng ta là công dân Mỹ và nước Mỹ là “đất tạm dung” của chúng ta.

Tuy nhiên, vấn đề Iraq không đơn giản như chúng ta tưởng. Nếu vấn đề chỉ có đơn giản như thế, chắc chắn không có những sự chống đối Tổng Thống Bush một cách mãnh liệt đã và đang diễn ra trên khắp thế giới trong suốt thời gian qua. Nhìn vào số thành viên Liên Hiệp Quốc, chúng ta thấy tổ chức này có 188 quốc gia tham gia, thế mà khi Mỹ bắt đầu mở cuộc tấn công vào Iraq, Ngoại Trưởng Colin Powell cho biết chỉ có 30 quốc gia trên thế giới ủng hộ Mỹ. Nay nghe nói số nước ủng hộ đã lên được 50. Cho dù có 50 hay 60 quốc gia ủng hộ Mỹ đi nữa, con số đó vẫn là thiểu số. Tại sao đa số các quốc gia và dân chúng trên thế giới đã không ủng hộ Mỹ? Chúng ta nên tìm hiểu thấu đáo hơn là trả lời theo cảm tính hay tìm cách biện bạch.

Đọc các bài phản kháng, các bài phân tích, các bài bình luận của các nhà lãnh đạo quốc gia, các nhà chính trị, các học giả, các luật gia... được phổ biến trong các trang nhà ở trên Internet, chúng ta thấy rằng chẳng ai thích hay muốn bênh vực cho Saddam Hussein cả. Họ cũng không phản đối Mỹ vì căm tức, vì sợ mất quyền lợi ở Trung Đông hay vì nuối tiếc “một thời oanh liệt” của họ trên vùng đất này như một số “bình luận gia” đã to tiếng tố cáo. Họ đặt vấn đề vì quan tâm đến trật tự thế giới, về sự tồn vong của tổ chức Liên Hiệp Quốc... Nều cứ để Hoa Kỳ cậy vào sức mạnh của mình, vượt lên trên những luật pháp quốc tế mà Hoa Kỳ thường đòi hỏi mọi người phải tôn trọng, trật tự quốc tế sẽ như thế nào và Liên Hiệp Quốc sẽ đi về đâu? Phải chăng Hoa Kỳ muốn đưa thế giới vào giai đoạn đơn cực: Một quốc gia nắm quyền tối thượng trên trái đất thay vì một tổ chức đã được hầu hết các quốc gia ủy thác, đó là Liên Hiệp Quốc?

Đây là một vấn đề thuộc lãnh vực chuyên môn và khá phức tạp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng giản dị hóa vấn đề để đa số độc giả có thể nắm bắt được. Chúng tôi tin rằng sự trình bày của các chuyên gia sẽ giúp cho chúng ta có một tầm nhìn rộng hơn, xa hơn, cao hơn, rõ hơn và chính xác hơn.

Trước khi trình bày về cuộc tranh luận này, chúng tôi xin tóm lược lại những diễn biến đưa đến cuộc chiến Iraq để độc giả dễ theo dõi hơn.

II.- NHỮNG DIỄN BIẾN ĐƯA ĐẾN CUỘC CHIẾN IRAQ

Tháng 7 năm 1990, Saddam Hussien trách Kuwait đã tuôn ra quá nhiều dầu làm số dầu thô bị ứ động trên thị trường và giá dầu giảm xuống quá thấp. Cuộc thương lượng giữa hai nước về số lượng dầu bán ra trên thị trường qua trung gian của Anh đã thất bại. Ngày 2.8.1990, Saddam Hussein đem quân chiếm Kuwait và tuyên bố Kuwait là tỉnh thứ 19 của Iraq, rồi thành lập một chính phủ bù nhìn để cai trị. Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ ra lệnh cho Iraq phải rút quân ra khỏi Kuwait, nhưng Iraq không thi hành. Liên Hiệp Quốc liền áp dụng biện pháp chế tài, cho phép Iraq chỉ được phép bán dầu đủ để mua thực phẩm và thuốc men mà thôi. Nhưng Iraq không quan tâm.

Ngày 18.1.1991, Hoa Kỳ bắt đầu mở cuộc tấn Iraq bằng không quân và hỏa tiển. Iraq chống lại bằng cách bắn hỏa tiển Kcud vào Saudi Arabia và Do Thái. Ngày 27.2.1991 Hoa Kỳ bất thần mở cuộc tấn công Iraq cả bằng không quân lẫn bộ binh. Cuộc hành quân này được mang tên là “Cuộc Hành Quân Bảo Tố Sa Mạc” (Operation Desert Storm) do Tướng Norman Schwarzkopf chỉ huy. Chỉ trong 4 ngày, quân đội Hoa Kỳ đã giải phóng Kuwait và tiến qua Iraq, làm quân đội Iraq hoàn toàn tan rả. Khoảng 175.000 quân Iraq bị bắt sống và 85.000 quân bị giết. Nhưng điều ngạc nhiên là khi đang thắng lợi như vậy, Tổng Thống Bush bổng ra lệnh ngưng hàng quân và thu quân về. Tướng Norman Schwarzkopf rất ngạc nhiên về lệnh này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng với đà thắng lợi nói trên, nếu Hoa Kỳ tiếp tục hành quân trong vòng một tuần lễ nữa, toàn thể lãnh thổ Iraq sẽ bị chiếm đóng, và chế độ Saddam Hussein sẽ bị sụp đổ. Nhưng Hoa Kỳ đã không làm như vậy. Hoa Kỳ muốn dùng Saddam Hussein làm con ngáo ộp, đặt vùng Trung Đông luôn ở trong tình trạng bất ổn, khiến các nước giàu có trong vùng này phải mua vũ khí của Mỹ để tự vệ, còn Hoa Kỳ có lý do chính đáng để duy trì quân đội tại vùng này. Vì thế, Tổng Thống Bush cha đã không diệt Saddam Hussein.

Sau cuộc chiến này, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã cấm vận Iraq và buộc Iraq phải giải giới. Việc giải giới được đặt dưới sự kiểm soát của các thanh tra Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Iraq đã gây khó khăn cho việc kiểm tra vũ khí của phái đoàn thanh tra. Từ năm 1990 đến 2002, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc liên tiếp đưa đã ra 11 nghị quyêt buộc Iraq phải tuân thủ, nhưng Iraq vẫn tiếp tục gây khó khăn. Ngày 8.11.2002, Hội Đồng Bảo An đã đưa ra một nghị quyết khá mạnh mẽ, đó là Nghị quyết số 1441. Nghị quyết này đưa ra các biện pháp kiểm tra chặt chẽ, gồm 14 khoản, buộc Iraq phải tuân hành triệt để, nếu không sẽ bị trừng phạt. Khoản 13 Nghị quyết này đã nhắc nhở như sau:

Hội Đồng lặp lại báo động Iraq rằng Iraq sẽ phải đối phó với những hậu quả nghiêm trọng do kết quả của những sự tiếp tục vi phạm các nghĩa vụ của mình”.

III.- SỰ RÀNG BUỘC CỦA LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Quốc Tế Công Pháp đã cấm mỗi quốc gia thành viên không được xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của quốc gia khác. Khi có những sự vi phạm luật quốc tế, hòa bình và an ninh thế giới, chỉ Hội Đồng Bảo An mới có thẩm quyền thẩm định và đưa ra các biện pháp chế tài. Các quốc gia không được tự ý hành động ngoài những điều luật quốc tế cho phép. Sau đây là những nét chính:

1.- Cấm xâm lăng

Điều 2(4) của Hiến Chương LHQ quy định:

Tất cả các thành viên, trong tương quan quốc tế của mình, phải kiềm chế việc đe dọa hay dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào, hay bằng bất cứ cách nào không phù hợp với các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc.”

Điều này được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tái xác định trong Nghị quyết số 2625 (XXV) ngày 24.10.1970 khi đưa ra “Tuyên Ngôn các Nguyên Tắc Quốc Tế về Sự Liên Đới và Hợp Tác Huynh Đệ giữa các Quốc Gia theo tinh thần của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc”. Nguyên tắc đó như sau:

Không một Quốc Gia hay một nhóm Quốc Gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất cứ lý do gì, vào các việc quốc nội hay quốc ngoại của bất cứ quốc gia nào khác. Do đó, sự can thiệp bằng võ khí hay tất cả những hình thức can thiệp khác, hay những âm mưu đe dọa chống lại nhân vật của quốc gia hay chống lại các yếu tố về chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó, là vi phạm luật quốc tế.”

Nghị quyết số 3314-XXXIX (Resolution 3314 - XXIX) ngày 14.12.1974 đã định nghĩa tội xăm lăng (aggression) như sau:

“Xâm lăng là việc một Quốc Gia dùng quân lực chống lại chủ quyến, sự toàn vẹn lãnh thổ, hay sự độc lập chính trị của một quốc gia khác, hay bằng bất cứ cách nào khác không phù hợp với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, như được nêu ra trong Định nghĩa này.”

2.- Quyền áp dụng các biện pháp chế tài

Chương VII của Hiến Chương LHQ dành cho Hội Đồng Bảo An quyền áp dụng các biện pháp chề tài đối với các quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế, phương hại đến hòa bình và an ninh của thế giới. Điều 39 dự liệu rằng Hội Đống Bảo An sẽ thẩm định về sự hiện hữu của bất cứ sự đe dọa hòa bình nào, sự phá vở hòa bình, hay hành động xâm lược và sẽ đưa ra những sự khuyến cáo hay biện pháp nào sẽ được áp dụng chiếu theo các điều 41 và 42 của Hiến Chương, để duy trì hay vãn hồi hòa bình và an ninh của thế giới.

Điều 42 cho phép Hội Đồng Bảo An xử dụng các biện pháp quân sự cần thiết để bảo vệ hay vãn hồi hòa bình và an ninh thế giới. Điều 46 và 47 dự liệu rằng Hội Đồng Bảo An sẽ hoạch định kế hoạch việc áp dụng biện pháp quân sự với sự hổ trợ của Ban Tham Mưu Quân Sự. Ban Tham Mưu này do Hội Đồng Bảo An thiết lập, có nhiệm vụ giúp Hội Đồng về đường hướng chiến lược của lực lượng quân sự.

IV.- LÝ CỦA KẺ MẠNH

Trong vụ Iraq, chính phủ Hoa Kỳ đã thất bại trong việc thuyết phục Hội Đồng Bảo An áp dụng biện pháp quân sự đối với Iraq, vì những tài liệu do cơ quan tình báo Mỹ và Thủ Tướng Tony Blair của Anh đưa ra để chứng minh Iraq có võ khí giết người hàng loạt đã bị ban thanh tra LHQ coi là giả, không có giá trị.

Không chứng minh được Iraq có tàng trử võ khí giết hại hàng loạt và lo sợ Nga và Pháp sẽ phủ quyết, Hoa Kỳ đã viện dẫn ba căn bản sau đây để dành quyền đơn phương hành động:

1.- Nghị quyết số 1441 ngày 8.11.2002

Hoa Kỳ cho rằng với Nghị quyết 1441, Hội Đồng Bảo An đã mặc thị cho phép xử dụng biện pháp quân sự rồi, không cần phải có nghị quyết khác nữa. Nhưng sự thật không phải như vậy. Nghị quyết này chỉ nói: “Hội Đồng đã báo động Iraq rằng Iraq sẽ phải đối phó với những hậu quả nghiêm trọng do kết quả của những sự tiếp tục vi phạm các nghĩa vụ của mình”.

Vã lại, khi xử dụng biện pháp quân sự, theo Hiến Chương, chỉ có Hội Đồng Bảo An mới có quyền xử dụng, chứ không phải Hoa Kỳ. Việc xử dụng đòi hỏi phải thi hành đầy đủ các thủ tục quy định ở các điều khoản từ 41 đến 47 như đã nói trên. Các thủ tục này chưa hề được tiến hành nên không thể xử dụng được.

2.- Quyền tự vệ (self-defence)

Hoa Kỳ cho rằng với quyền tự vệ, Hoa Kỳ được phép xử dụng quân sự đối với Iraq.

Lập luận này cũng sai lầm. Điều 51 của Hiến Chương LHQ chỉ cho phép các thành viên xử dụng quyền tự vệ (self-defence) đề chống lại các cuộc tấn công bằng võ khí cho đến khi Hội Đồng Bảo An đưa ra những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế mà thôi. Các biện pháp được dùng để thực hiện quyền tự vệ phải được báo cáo cho Hội Đồng Bảo An ngay và các biện pháp đó không được ảnh hưởng đến thẩm quyền và trách nhiệm của Hội Đồng trong việc duy trì và vản hồi hòa bình và an ninh.

Như vậy luật đã đặt ra hai điều kiện để thực hiện quyền tự vệ: Thứ nhất là phải có sự tấn công bằng vũ khí và thứ hai là phản ứng tự vệ không được xâm phạm đến thẩm quyền duy trì hòa bình và an ninh thế giới của Hội Đồng Bảo An.

Hoa Kỳ không chứng minh được Iraq đã trực tiếp tấn công Hoa Kỳ bằng võ khí, nên Hoa Kỳ không có quyền tự vệ. Giả sử Iraq có tấn công Hoa Kỳ bằng võ khí đi nữa, trong cấp thời, Hoa Kỳ có thể dùng võ khí để tự vệ, nhưng phải báo cáo cho Hội Đồng Bảo An ngay để Hội Đồng đưa ra các biện pháp bảo vệ hòa bình. Việc tự ý đưa quân chiếm Iraq là xâm phạm thẩm quyền của Hội Đồng Bảo An.

Năm 1979, khi Pol Pot đem quân quấy phá ở vùng biên giới Việt - Miên, nhà cầm quyền Hà Nội đã đem quân chống lại. Nhưng thay vì đuổi quân của Pol Pot về bên kia biên giới rồi báo tin cho Hội Đồng Bảo An biết để Hội Đồng đưa ra các biện pháp bảo vệ an ninh ở biên giới Việt - Miên, Hà Nội lại đem quân chiếm Cam-bốt và lật đổ chính quyền Pol Pot, rồi thành lập một chính quyền bù nhìn để cai trị Cam-bốt. Hành động như vậy, Hà Nội đã vượt ra khỏi quyền tự vệ và phạm tội xâm lăng, nên bị Liên Hiệp Quốc áp dụng biện pháp chế tài là cấm vận Việt Nam, tiếp tục công nhận chính phủ lưu vong của Cam-bốt và buộc Hà Nội phải rút quân khỏi Cam-bốt.

Hành động của Hoa Kỳ hiện nay còn tệ hơn. Hoa Kỳ không hề bị Iraq tấn công trực tiếp bằng võ khí mà đòi quyền tự vệ. Hoa Kỳ lại đem quân xâm chiến Iraq và thành lập một chính phủ bù nhìn tại nước này gióng hệt như Hà Nội đã làm tại Cam-bốt năm 1979. Như vậy Hoa Kỳ đã đi vào con đường của Hà Mội, một con đường đã từng bị Hoa Kỳ lên án và trừng phạt nặng nề.

3.- Quyền ra tay trước

Trong bài diễn văn đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 12.9.2002, Tổng Thống Bush đã mô tả chế độ của Saddam Hussein là “một sự nguy hiểm nghiêm trọng và tập trung” (a grave and gathering danger). Ông nói nếu Liên Hiệp Quốc không yểm trợ, Hoa Kỳ sẽ dành quyền ra tay trước (preemptive use of force) để tránh hậu họa.

Khi Tổng Thống đòi dùng quyền ra tay trước(tiếng Anh gọi là “preemptive use of military force"), Luật gia Richard F. Grimmett, một chuyên gia thuộc đơn vị về quốc phòng, ngoại giao và ngoại thương, được ủy thác làm một bản phúc trình về lịch sử của quyền này và trình lên Quốc Hội Hoa Kỳ. Sau đó, rất nhiều luật gia danh tiếng đã phân tích và cho biết quyền này không còn phù hợp với Luật Quốc Tế ngày nay nữa.

Quyền ra tay trước được định nghĩa là “quyền được dùng hành động quân sự chống lại một quốc gia khác để ngăn ngừa hay làm giảm nhẹ một cuộc tấn công bằng quân sự được suy đoán hay quốc gia đó dùng sức mạnh để chống lại Hoa Kỳ.” Quyền này phát xuất từ đâu mà có?

Luật gia David M. Ackerman cho biết quyền này được nói đến vào năm 1837 khi quân đội Anh lợi dụng bóng tối tấn công và làm chìm chiếc tàu Caroline của Hoa Kỳ ngay trong hải phận của Hoa Kỳ khi chiếc tàu này được dùng để cung cấp những vật liệu cho những quân nổi dậy chống người Anh đang cai trị ở Canada. Chính phủ Hoa Kỳ liền phản đối hành động này và đòi bồi chính phủ Anh phải bồi thường thiệt hại. Cuộc tranh luận kéo dài. Bộ Trưởng Ngoại Giao của Hoa Kỳ lúc đó là ông Daniel Webster đã nói rằng theo tục lệ của luật quốc tế, chỉ có thể xử dụng quyền ra tay trước nếu hội đủ hai điều kiện cần thiết sau đây:

(1) Sự việc xẩy ra đòi hỏi phải xử dụng quyền tự vệ ngay lập tức, vì không thể không chống lại, không có lựa chọn nào khác và không có thời gian để nói chuyện giữa đôi bên.

(2) Sức mạnh được xử dụng trong những trường hợp này phải tương xứng với sự đe dọa.

Khi đánh chìm chiếc tàu Caroline nói, hai điều kiện đó không hội đủ, nên bị coi là bất hợp pháp. Cuối cùng, chính phủ Anh đã nhượng bộ và xin lỗi.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, có hai lần “quyền ra tay trước” đã được dự tính đem ra xử dụng, nhưng sau đó không phải dùng đến. Trường hợp thứ nhất là trong cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha, Hoa Kỳ buộc Tây Ban Nha phải trao trả độc lập chính trị cho Cuba và Quốc Hội Hoa Kỳ đã biểu quyết một đạo luật cho phép Tổng Thống Hoa Kỳ được xử dụng quân sự để buộc Tây Ban Nha phải chấp nhận đòi hỏi đó. Tây Ban Nha đã từ chối, nhưng sau đó Hoa Kỳ và Tây Ban Nha tuyên chiến, nên quyền dùng vũ lực để răn đe của Tổng Thống không được xử dụng. Trường hợp thứ hai cũng xẩy ra tại Cuba vào năm 1962, khi máy bay thám thính của Hoa Kỳ khám phá ra Liên Sô đang xây dựng các dàn phóng hỏa tiển có đầu đạn nguyên tử trên đất Cuba, đe dọa nền an ninh Hoa Kỳ. Tổng Thống Kennedy lên tiếng đe dọa nếu Liên Sô không phá các giàn hỏa tiển đó đi, Hoa Kỳ sẽ oanh tạc để phá bỏ, đồng thời cho phong tỏa Cuba để ngăn chận không cho Liên Sô chở hỏa tiển tới. Cuối cùng, Liên Sô chịu gỡ các giàn hỏa tiển đó đi nên Hoa Kỳ không phải dùng đến võ lực để ngăn ngừa.

Luật gia Hugo Grotius, một sư phụ của ngành quốc tế công pháp, có nói rằng trong thế kỷ 17, việc <B>“giết kẻ đang chuẩn bị giết chốc được coi là hợp pháp” (It be lawful to kill him who is preparing to kill). Nhưng theo Hiến Chương LHQ và Quốc Tế Công Pháp ngày nay, việc xử dụng vũ lực của một quốc gia đã bị hạn chế. Điều 2 (4) và điều 39 của Hiến Chương dành cho Hội Đồng Bảo An quyền “thẩm định về sự hiện hữu của bất cứ sự đe dọa hòa bình nào, sự phá vở hòa bình, hay hành động xâm lược” và “quyết định những biện pháp nào có thể được xử dụng... để duy trì hòa bình và an ninh thế giới”.

Tóm lại, dù theo luật lý của Bộ Trưởng Ngoại Giao Daniel Webster hay theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, trong vụ Iraq Hoa Kỳ vẫn không hội đủ điều kiện để xử dụng quyên ra tay trước. Vì vậy, việc tấn công Iraq để phòng ngừa bị coi là bất hợp pháp.

Trên đây là quan điểm của các luật gia về Quốc Tế Công Pháp và của nhiều chính phủ trên thế giới. Các “bình luận gia” nào muốn bác bỏ, xin lên tiếng. Tuy nhiên, đây là vấn đề tranh chấp về luật lý nên khi tranh luận phải trích dẫn văn bản đàng hoàng, không nói theo cảm tính hay cãi chày cãi cối được.

V.- TÒA ÁN QUỐC TẾ KHÔNG CÓ SÚNG

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ đã mở cuộc tấn công quân sự vào nước khác mà không cần quyết định của Hội Đồng Bảo An. Năm 1999, Hoa Kỳ và các nước thuộc khối NATO cũng đã mở cuộc hành quân trừng phạt chế độ Nam Tư cũ không cần có quyết định của Hội Đồng Bảo An. Sau đó, vụ này đã bị đưa ra truy tố trước Tòa Án Quốc Tế Âu Châu (International European Tribunal). Trong phiên xử ngày 6.6.2000, Tòa xác nhận các tổ chức mở cuộc tấn công vào chế độ Nam Tư (cũ) đã vi phạm Luật Quốc Tế khi xâm lăng nước Nam Tư (cũ). Bản án viết:

Căn cứ vào kết luận của hai ngày nghe trình bày, với bằng chứng được trình bày bới các nhân chứng khác nhau từ Liên Bang Cộng Hòa Nam Tư và nhiều chuyên viên quốc tế, và căn cứ vào tài liệu xuất phát từ 2 cuộc điều trần trước đó - tháng 10 năm 1999 ở Berlin và tháng 4 năm 2000 ở Hamburg - bồi thẩm đoàn của Tòa Án Quốc Tế Âu Châu này đã đi đến phán quyết như sau:

“Những người lãnh đạo các chính phủ và các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của các nước thành viên của NATO, những cấp chỉ huy của khối NATO, những thành viên của Quốc Hội Liên Bang của Cộng Hòa Liên Bang Đức Quốc là những người đã biểu quyết ủng hộ sự tham gia của quân lực Đức vào việc can thiệp bằng quân sự chống lại Liên Bang Cộng Hòa Nam Tư, bị coi là có tội vi phạm nghiêm trọng Luật Quốc Tế qua việc xâm lăng bằng quân sự được thi hành để chống lại Liên Bang Cộng Hòa Nam Tư từ ngày 24 tháng 3 đến ngày 10 tháng 6 năm 1999.”


Tuy nhiên, Tòa Án Quốc Tế Âu Châu không có công an, không có bộ đội và không có súng, còn Hoa Kỳ và các nước trong khối NATO có quân lực và võ khí hùng mạnh và tối tân nhất thế giới, nên bản án nói trên không thể đem ra thi hành được! Thành ra, phán quyết của Tòa Án Quốc Tế chỉ có thể áp dụng cho những kẻ thất trận và kẻ yếu mà thôi.

Rồi đây Hoa Kỳ có thể bị đưa ra truy tố về tội xâm lăng Iraq như các nước trong khối NATO khi tấn công vào Nam Tư cũ hay không?

Để thực hiện chủ trương đơn phương hành động, Hoa Kỳ đã rút tên ra khỏi Công Ước Rome về Tòa Án Hình Sự Quốc Tế và còn buộc các quân gia có gia nhập Công Ước này phải miễn trừ việc đưa các công dân Mỹ ra trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, nếu không sẽ cắt hết viện trợ, nên rất khó truy tố chính phủ Hoa Kỳ và các quân nhân Hoa Kỳ. Và dù Tòa Án Quốc Tế có truy tố và xét xử với bản án như vụ tấn công vào Nam Tư cũ đi nữa, bản án cũng không thể đem thi hành được.

VI.- HẬU QUẢ CỦA SỰ CHỐNG ĐỐI

Trong thực tế, chúng ta thấy từ ngày được thành lập đến nay, Hội Đồng Bảo An chỉ ngăn chận sự xâm lăng khi thấy có thể ngăn chận được và các cường quốc thường dùng Hội Đồng Bảo An để bảo vệ quyền lợi của họ. Những trường hợp khó khăn hay quyền lợi của các cường quốc không bị xâm phạm, họ thường làm ngơ. Thí dụ: Trung Quốc chiếm Tây Tạng, Nga đem quân vào Hung Gia Lợi, Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam, Indonesia sát nhập Đông Timor... Hội Đồng Bảo An và các cường quốc chỉ lên tiếng phản đối qua loa rồi im luôn.

Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc cũng đã làm được nhiều việc hữu ích như ngăn chận nạn kỳ thị chủng tộc, chiến tranh diệt chủng, bảo vệ nhân quyền và răn đe những quốc gia muốn xâm phạm hòa bình và an ninh thế giới. Nay nếu Hoa Kỳ dành quyền hàng động không cần sự cho phép của Hội Đồng Bảo An, vai trò bảo của Liên Hiệp Quốc ngày càng lu mờ đi. Trước tình trạng đó, Tòa Thánh Vatican và nhiều quốc gia cũng như nhiều tổ chức trên thế giới đang cố gắng bảo vệ vai trò chính đáng của Liên Hiệp Quốc để tổ chức này có thể bảo vệ công lý và hòa bình.

Nhìn lại, chúng ta thấy Hoa Kỳ đã mở cuộc chiến Iraq bằng mọi giá vì ba mục tiêu thiết bách sau đây của nước Mỹ:
(1) Giải quyết vấn đề kinh tế bằng chi phí quốc phòng.
(2) Thỏa màn quyền lợi của giới tư bản quốc phòng Hoa Kỳ.
(3) Dằn mặt và chế ngự khối Hồi Giáo.

Iraq đã bị cấm vận từ 1991 đến nay. Với lệnh cấm vận này, các nước trên thế giới không được bán võ khí cho Iraq (chỉ có thể bán chui). Iraq chỉ được quyền đổi dầu lấy lương thực, không được bán dầu tự do, nên tài chánh cũng thiếu hụt. Iraq càng ngày càng kiệt quệ.

Về lực lượng quân sự, theo tài liệu của tình báo Mỹ, Iraq có khoảng 350 ngàn quân, nhưng rất ô hợp. Chỉ có 2 Sư Đoàn Vệ Binh Cộng Hòa gồm từ 12.000 đến 15.000 quân thiện chiến mà thôi. Về vũ khí, Iraq có khoảng 1.300 xe tăng với khoảng 1.500 thiết kỵ binh, 1.200 khẩu pháo các loại, 300 máy bay. Còn hải quân kể như không có.

Nên nhớ lại, trước khi miền Nam Việt Nam bị mất, Việt Nam Cộng Hòa có đến 1.200.000 quân, 1850 máy bay (510 chiến đấu cơ và 900 trực thăng), 1611 tàu chiến, 2074 xe tăng và thiết giáp, 1492 khẩu pháo. Thế mà Việt Nam Cộng Hòa đã bị quân Bắc Việt đánh bại một cách nhanh chóng. Nay Mỹ xử dụng đến 350.000 với 10.000 xe tăng với các võ khí nhiều và tối tân hơn Iraq gấp một ngàn lần, làm sao Iraq có thể kháng cự nổi? Nhưng Iraq đang chiến đấu bằng một cuộc chiến tranh tự sát, “tử vì đạo” theo tinh thần cực đoan của Hồi Giáo, nên chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn và tổn thương cho Hoa Kỳ. Việc tái lập lại một Iraq mới không Saddam Hussein cũng sẽ rất khó khăn.

Nhưng một vấn đề quan trọng hơn đang được đặt ra là nếu Hoa Kỳ coi vụ Iraq như một trắc nghiệm và một tiền lệ về “quyền ra tay trước”, quyền đứng trên luật pháp quốc tế... thì rồi đây sự hiện diện của Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế khác như Pháp Viện Quốc Tế, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế... có còn mang ý nghĩa gì không, hay chỉ là công cụ để các cường quốc trấn át các nước nhỏ?

Mặc dầu phản ứng của Tòa Thánh Vatican, các quốc gia cũng như dân chúng khắp nơi trên trái đất không ngăn chận được sự quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc tấn công Iraq để đáp ứng các mục tiêu thiết bách của tư bản Hoa Kỳ, nhưng các tổ chức tranh đấu tin rằng những phản ứng mãnh liệt của họ sẽ ngăn chận phần nào sự thao túng của Hoa Kỳ trong thế giới đơn cực ngày nay, cho Hoa Kỳ thấy rằng sau chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã trở thành vô địch nhưng không phải muốn làm gì thì làm. Hoa Kỳ phải tôn trọng Luật Pháp Quốc Tế, sự công bằng và quyền lợi của các nước khác như Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đã quy định, để an ninh và hòa bình thế giới được bảo đảm.