Thi thoảng có dịp Hai Tôm có dịp về Sài Thành. Đường Sài Thành vốn đã nhỏ còn mang trên mình những chiếc lô-cốt thật to, thật dài nên các phương tiện phải vất vả mới có thể đến nơi mà người ta muốn đến. Phận nhỏ bé nên rồi cứ phải nép vào ven đường để mà đi chứ lơ tơ mơ là toi mạng ! Nhiều lần ú tim vì các bác tài xe buýt và ta-xin đón trả khách vô tội vạ ! Có lần phải dừng hẳn lại để chờ các “bác” buýt và ta-xi qua rồi Hai Tôm mới đi tiếp.

Sau một ngày bôn ba với công việc, Hai Tôm trở về căn phòng nhỏ bé ở Cần Giờ và có một giấc ngủ thật ngon. Trong cơn ngủ say ấy, Hai Tôm mộng mị thấy toàn cảnh con đường mà Hai Tôm đã đi qua trong ngày. Trong giấc mơ ấy, Hai Tôm thấy mình cứ phải nép vào ven đường để mà đi vì lẽ những chiếc lô cốt đã áng ngự phần đường của các phương tiện giao thông, điều lạ trong giấc mơ ấy Hai Tôm nghe được tiếng bàn luận của các cụ tiền bối !

Cụ Trần Hưng Đạo cảm thấy khó chịu lắm khi cơn mưa sáng 13 tháng 4 vụt đến vài giờ đồng hồ mà cụ phải mang trên mình một lượng nước quá lớn để rồi bà con qua lại trên con đường mang tên cụ cảm thấy bực bội khó chịu. Nhiều người phải vật vã lắm để lội trên con đường mang tên cụ. Sau cơn mưa vụt đến đấy cụ thở vắn than dài với các cụ khác:

- Khổ cái thân già của tôi quá các bác ơi ! Người ta quý mến tôi, người ta mang tôi ra đặt tên đường nhưng chẳng hiểu sao họ thi công nhếch nhác quá ! Đoạn thì lô-cốt đoạn thì ứ nước, đoạn thì mặt đường ghồ ghề nhếch nhác sau khi đào bới ! Chỉ với cơn mưa nhỏ thôi mà tôi cũng bị người ta than trách.

Nghe cụ Trần Hưng Đạo than thân trách phận như thế, cụ bà Âu Cơ “trăm trứng đẻ trăm con” nảy giờ ấm ức lắm nhưng chưa được lên tiếng. Cụ bà Âu Cơ bực mình phát biểu ngay:

- Ông ơi là ông ! Ông chỉ mang nước trong mình chút xíu vậy mà ông than thân trách phận. Tôi đây, nước lênh láng sau cơn mưa nhưng xui quá, chẳng hiểu sao mấy ông nhà đèn để cho dây điện trung thế rớt ngay trên tôi và một con bé sinh viên tên Truyền xấu số quê ở Bình Định vào Sài Gòn học đi ngang bị điện giật chết ! Tôi đâu có muốn tôi được nổi tiếng đâu mà mấy hôm nay báo chí cứ kêu tên tôi hoài ! Tôi đâu có muốn giết người đâu mà nay người ta lại chết trên con đường mang tên tôi !

Bà Âu Cơ vừa than xong thì cụ Nguyễn Văn Tạo mếu máo:

- Thôi đi các ông các bà ơi ! Tôi đây mới vô phúc. Người ta lấy tên tôi đặt cho con đường từ Nhà Bè về Hiệp Phước. Chẳng hiểu thi công như thế nào mà tôi đây mang trên mình toàn ổ voi thôi. Bụi bặm bay tứ tung mặt mũi đến độ nhà dân họ kêu lên thấu trời nhưng chẳng cải thiện tí nào cả. Ngày ngày, người dân ven đường phải bơm nước sông lên tưới lên mình tôi cho đỡ bụi nè ! Tôi tưởng tôi chết tôi được mồ yên mả đẹp yên thân yên phận vậy mà người ta cứ chửi “Tạo ơi là Tạo ! Sao mà Tạo bẩn thỉu và bụi bặm thế ! Sao mà ổ gà ổ voi nhiều thế !”. Tôi đâu có muốn người ta chửi tôi đâu ! Tôi tức lắm nhưng bây giờ than ai đây ?

Nảy giờ không được nói nhưng cũng rất bực mình vì mình đang bị đào ngang cày dọc. Cụ Hai Bà Trưng lên tiếng:

- Khổ lắm ! Tôi đang đẹp đẽ như thế, người ta đào đào bới bới lên làm chi ? Làm gì mà cứ ì à ì ạch, dân chúng đi ngang chửi bới tôi hoài, khổ quá !

Cụ Hai Bà Trưng vừa dứt tiếng thì cụ Nguyễn Thông ra vẻ oán hờn:

- Trời ơi là trời ! Tôi đây nhỏ bé, khiêm hạ, chỉ chiếm 1 đoạn rất ngắn ở mảnh đất Sài Thành này nhưng có yên thân đâu. Người ta cày tôi lên đặt cống đặt hộp gì đó mà lâu lắm rồi không hoàn thiện để rồi dân đi ngang chửi tôi thậm tệ quá ! Đoạn ngay dòng của mấy bà sơ Nữ Tử Bác Ái người ta thi công xong mà người ta không ủi lại cho bằng phẳng, dân chúng đi ngang đây vất vả quá ! Mấy người yếu tay lái đã té tên mình tôi thật đau đớn.

Bà Tú Xương ở gần cụ Nguyễn Thông nảy giờ cũng bực mình lắm nhưng chưa nói được, giờ đây bà lên tiếng:

Ông ơi ông à ! Ông tưởng ông ngon à ! Tôi đây bị cày xới hoài à, lề đường đang đẹp người ta lại đào đào bới bới rối tung lên. Bà con chửi tôi quá sức. Tôi đâu có muốn bà con kêu than đâu !

Các cụ ông cụ bà cứ tranh cãi với nhau xem ai sướng ai khổ, ai bị dân chửi nhiều hay ít thì cụ Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, cụ Lê Thánh Tôn, cụ Lê Lai, Lê Lợi … lại mỉm cười. Hoá ra là cụ Nguyễn Văn Linh, cụ Lê Duẩn, cụ Lê Thánh Tôn, Lê Lai, Lê Lợi sướng hơn các cụ kia. Cũng được người ta mang tên mình đặt cho các con đường đường nhưng các cụ này được nằm ở trung tâm thành phố nên dù cho có đào đào bới bới đi chăng nữa nhưng hoàn thiện một cách hết sức mau chóng !

Đang mộng mị ngon giấc thì chiếc loa sắt ầm ĩ ngay nhà thờ lại kêu lên chương trình Phát thanh Nông thôn của đài tiếng nói NDTPHCM. Thế là giấc mộng đẹp bỗng nhiên bị vụt mất do tiếng loa sắt chát chúa ấy !

Thì ra là các cụ nhà ta tưởng chừng mồ yên mã đẹp và được một chút vinh vang với đời là có tên mình trên các nẻo được nhưng thật sự các cụ bị người dân phàn và la ó quá ! Không la ó sao được khi người ta thi công các con đường ấy với tốc độ ì à ì ạch và lem nhem lôi thôi lếch thếch !

Thử hỏi, ai đã từng đi ngang con đường Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè) một lần sẽ phải phát khóc lên vì bụi bặm và thân hình bác Tạo bị cày ngang cày dọc. Những người sống ở con đường Nguyễn Văn Tạo sẽ giảm thọ và những ai lưu thông qua con đường Nguyễn Văn Tạo ấy sẽ nám phổi vì bụi mù mịt.

Giấc mộng ven đường tưởng chỉ mộng mị nhưng sao thực tế quá ! Cứ đi quanh một vòng thành phố sẽ thấy sự thật bi đát của những con đường đang bị cày xới là thế nào !

Những con đường Sài Thành giờ đây thành nỗi ám ảnh cho nhiều người. Cực chẳng đã phải đi ra đường chứ xem ra ở trong nhà sướng hơn ra đường vì lẽ ra đường quá nhiều ô nhiễm bởi khói và bụi cộng thêm với những tay lái lụa ngồi trên xe buýt, ta-xi, container …