Gặp gỡ Thiên Chúa

Romano Guardini, sinh năm 1885 tại Verona/Ý Đại Lợi và qua đời năm 1968 tại München/Đức quốc, một triết gia tôn giáo và nhà thần học lỗi lạc, đã ba lần nắm giữ ghế giáo sư về «Triết học tôn giáo và vũ trụ quan Kitô giáo» với một sự thành công ngoại thường:

· Đại học Bá Linh từ năm 1923-1939.

· Đại học Tübingen từ năm 1945-1948.

· Đại học München từ năm 1948-1962.

Tài năng sư phạm vượt trội của ông trong công cuộc hướng dẫn tuổi trẻ qua việc phát huy mạnh mẽ phong trào Thanh Niên Công Giáo „Quickborn“ trên lầu đài Rothenfels bên bờ sông Main (1920-1939, 1948-1957). Rất nhiều công trình khảo cứu sâu sắc về ngôn ngữ học và tư tưởng của ông đã gây được một ảnh hưởng mang tính cách quyết định rất lớn; Những tựa đề các công trình khảo cứu đó, phần lớn đã trở thành sách „giáo khoa“. Trong số đó phải kể tới: „Vom Geist der Liturgie“ – Tinh thần Phụng Vụ (1918); „Vom Sinn der Kirche“ – Theo tinh thần Giáo Hội (1922); „Der Herr“ – Đức Chúa (1938); „Das Ende der Neuzeit“ – Chấm dứt thời tân đại (1950); „Nur wer von Gott weiss, kennt den Menschen“ – Chỉ ai biết được Thiên Chúa, thì mới hiểu được con người (1952).

Từ năm 1933 đến năm 1939, để chống lại chủ nghĩa diệt chủng man rợ của Đức Quốc Xã, giáo sư Guardini đã tập trung các bài giáo án của ông ở đại học Bá Linh vào chủ đề „Nhân chủng học Kitô giáo“. Đây là một loạt các giáo án rất bao quát rộng rãi, trình bày trước hết các tư duy của Heidegger cũng như của Nietzsche, của Jaspers và của những triết gia khác, trong một „thời đại tân tiến“ được kiểu mẫu song đôi hóa. Sau khi bị chính quyền Đức Quốc Xã truất quyền dạy học tại đại học Bá Linh vào năm 1939, giáo sư Guardini đã cho xuất bản một tác phẩm được đúc kết bởi tất cả các bài giáo án của ông với tựa đề là „Welt und Person“ – (Vũ trụ và con người).

Tuy sách chỉ dày có 160 trang, nhưng là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Guardini, và tư tưởng chính của tác phẩm là: „Con người không hiện hữu như một khối thực tại khép kín hay tự thỏa mãn, tự mình phát triển chính mình thành hình thể người, nhưng là hiện hữu đối mặt với những thực thể ngoại tại khác.“ Không phải hữu thể học từ trước tới nay của con người hay sự tự lập của chủ thể đã đủ cho một sự „ý thức hiện sinh của Kitô giáo nguyên thủy“. Chủ thuyết duy lý Kantianismus của Immanuel Kant cũng như nền triết học hiện sinh và tâm lý học theo nghĩa ý thức tự tạo (Selbstsetzung) thuộc thời đại tân tiến sẽ phải đối mặt với công trình sáng tạo: Trước hết, qua sự chấp nhận sự hữu hạn, người ta đã nhận ra được biên giới của sự tự lập, và càng nhận thức được sự hiện hữu hữu hạn thì càng nhận thức được bản chất của nó là hư không, vì tự bản chất sự hiện hữu hữu hạn là hư không, và càng khám phá ra nguồn gốc (được mặc khải) của nó xuất phát từ Thiên Chúa. Nói cách khác, nếu không được bắt nguồn từ Thiên Chúa – một hữu thể tự hữu và vô hạn, và là nguồn cội làm xuất phát mọi hữu thể hữu hạn –, thì sự hiện hữu hạn là hư không, vì tự bản chất của nó, sự hiện hữu hữu hạn là hư không.

Để xác định được ngôi vị con người, trước hết vũ trụ phải được hiểu là không gian của cuộc sống hiện sinh. Cái không gian ấy chứa đựng những chiều hướng hay những thái cực của cuộc sống, tức: Ở phía trong (trung tâm) và ở phía bên ngoài (những biên giới). Áp dụng vào lãnh vực tinh thần, thì trong con người có những „chiều hướng“: „Phía trong“ hay „chỗ sâu kín“ và „phía trên“ hay là „phía cao“. Bản chất tinh thần con người là nhằm tư duy (về các giá trị) – một thừa kế của thánh Augustinus (354-430) và Max Scheler (1874-1928), triết gia người Đức. Vậy, ngôi vị được hiểu theo hai nghĩa: Sự hiện hữu trong chính mình (nội tại), và đồng thời sự tự định đoạt trên chính mình, tức tự làm chủ chính mình (từ trên). Như thế, thực tại của con người chịu ảnh hưởng phạm trù không gian, tức theo hướng vào sâu bên trong và theo hướng ra bên ngoài; đồng thời nó lại bị giới hạn rõ ràng trong một phạm vi nhất định: Khi hướng vào sâu trong sự hiện hữu nội tại của chính mình, con người sẽ phải đối mặt với sự hữu hạn và bên kia biên giới sự hữu hạn ấy là sự hư không, như là khởi điểm sự hiện hữu của con người. Trái lại, khi hướng „ra bên ngoài“, con người khám phá ra nguồn gốc hay nguyên nhân sự hiện hữu của mình: Thiên Chúa.

Nhưng ngôi vị con người không phải là sự chấp hữu dửng dưng vô cảm; trái lại, khi nó mở mắt là gặp gỡ ngay với hữu thể độc lập khác, với đối tượng khác. Chính trong sự gặp gỡ như thế làm nảy sinh bản năng tự vệ chính mình, mới có thể hiện tại hóa được bản ngã của mình. Guardini nêu danh hai cách thể hiện bản năng tự vệ: Sự tôn trọng trật tự trong công bình và sự tôn trọng kẻ khác (các hình thức giá trị của họ) trong tình yêu thương. Khi tự tách rời ra khỏi những thực tại và những quy phạm trên, ngôi vị con người sẽ phải đối mặt với nguy hiểm. Guardini viết: „Ai yêu thương thì luôn bước đi trong sự tự do, trong sự tự do khỏi những ràng buộc với chính người đó, tức khỏi chính mình. (...) Những ai hiểu rõ tình yêu, thì hiểu rõ được luật này, là: Sự cởi mở chỉ nảy sinh khi con người biết thoát ra khỏi chính mình, và trong sự cởi mở đó nhân vị con người và tất cả những lãnh vực khác mới phát huy, mới đâm hoa kết quả được.“

Bởi vậy, một động lực đầy tính cách quyết định, vâng, một động lực định mệnh, xảy đến trong sự chấp hữu không chỉ qua thái độ quy hướng về chính mình (hiện hữu trong chính mình và tự định đoạt trên chính mình), nhưng còn qua sự tự vệ của người khác nữa. „Có nhiều hình thức và cấp độ gặp gỡ, kể cả sự gặp gỡ đầy bi kịch tính, một sự gặp gỡ mà chỉ có sự khước từ và sự khôn ngoan mới có thể giải thoát được tâm trí con người ra khỏi đó.“ Sự cởi mở chân thành và định mệnh con người tùy thuộc sự tương quan giữa bản ngã và đối tượng có tương quan với bản ngã, tùy thuộc sự trung gian của ngôn ngữ và tùy thuộc sự tương quan giữa bản ngã và Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải trong Ngôi Lời nhập thể.

Khi thực thi cuộc sống đức tin Kitô giáo, sự chấp hữu hay sự độc lập của ngôi vị con người không đánh mất vị trí hàng đầu của mình, trái lại nó càng chứng minh mình một cách đầy xác tín, bởi vì tính cách đối thoại là đặc điểm chính yếu của ngôi vị. Ngôi vị chỉ có thể „vượt lên trên chính mình“, tức tự mở rộng mình ra, bởi vì tác động đó thuộc khả năng của nó. „Thật ra, ngôi vị không chỉ là động lực, nhưng còn là sự hiện hữu; không chỉ là động tác, nhưng còn là hình thể.“ „Sự hiện hữu của bản ngã của tôi chính yếu hệ (...) ở chỗ: Thiên Chúa là đối tượng có tương quan mật thiết với tôi.“ Với những luận đề này, sự chấp hữu cá thể của con người đòi hỏi phải hội đủ hai đặc điểm là nội tại tính và sự độc lập.

Và: „Chính Thiên Chúa là ngôi vị“ cần phải được suy tư dưới cùng phạm trù như thế, tức vượt ra khỏi chính mình và hội tụ trong chính mình. „Chính sự mặc khải một cách đầy huyền nhiệm và phong phú - ví dụ Thiên Chúa là ngôi vị - đã kết tạo nên trọng tâm Sứ Điệp Kitô giáo (...).“ Sống đức tin Kitô giáo có nghĩa là tham phần vào đặc tính giao liên qua lại (tương quan) giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa, là tham phần vào tình yêu Thiên Chúa như là một nét đặc trưng của sự chấp hữu của Thiên Chúa.

Phẩm chất Kitô giáo được xác định bởi sự tự do, một sự tự do đích thực trong bản chất của nó (không phải sự tự trị), tức: Tự do trong sự hiện hữu nói chung, tự do trong cuộc sống riêng tư của mình, tự do trong tương quan với căn nguyên của chính mình, trong sự được thương yêu và trong sự yêu thương. Khi người tín hữu để cho Đức Kitô được tự do tác động trong cuộc sống của mình, thì không có nghĩa là sự tự do, các quyền lợi và sự độc lập của họ bị mất mát hay bị giảm thiểu, nhưng ngược lại, là một đặc ân được tham phần vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Quyền năng vô biên của Thiên Chúa được tỏ hiện như là tình yêu ngôi vị, như là Thần Khí, như là tinh thần. Tinh thần (của Thiên Chúa cũng như của con người) là sự tự chấp hữu và sự tự cách biệt, hay nói đúng hơn: Sự tự chấp hữu trong sự tự hy sinh chính mình. Chính sự tương quan là yếu tính của Thiên Chúa và của con người (hữu thể học tương quan thay vì hữu thể học bản thể). Sự tự sở hữu chính mình, tức tính tự siêu việt, thay vì nội tại tính; tình yêu đối với tha nhân, thay vì sự tự trị của luật pháp.

Chính vũ trụ cũng phát xuất từ một quyền lực ngoại tại và hoàn toàn khác với vũ trụ. Vũ trụ hội tụ ba đặc trưng, và là ba đặc trưng nói lên nguồn gốc của nó, đó là tính cách hữu hạn, sự tự túc và sự tự lập. Nhưng những khuynh hướng triết học tân thời lại phủ nhận „con đường đi ngược lên“ hướng về Đấng Tạo Hóa của vũ trụ được chứa đựng trong đó. Guardini tìm gặp nơi Giordano Bruno chủ trương xóa bỏ tính cách hữu hạn của vũ trụ bằng nhưng luận đề về sự lặp đi lặp lại vô tận của các vũ trụ; còn nơi Friedrich Nietzsche ông lại bắt gặp một vũ trụ chỉ biết tham chiếu chính mình một cách đầy bi kịch tính; tiếp đến, ông đọc nơi Phật Thích Ca cũng như nơi triết gia hiện sinh Heidegger sự tự lập của sự trống rỗng vô nghĩa, cường độ độc quyền và đồng thời là cường độ có tác dụng làm tê liệt tính cách hữu hạn và sau cùng sự qui định về sự chết.

Guardini bắt đầu bằng chỉ thị hướng dẫn của Kinh Thánh, một chỉ thị hướng dẫn giúp cho khả năng con người biết tư duy và cảm nghiệm được rằng vũ trụ xuất phát từ một nguyên nhân ngoại tại, hay nói đúng hơn: Vũ trụ hiện hữu do quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa, đệ nhất nguyên nhân của sự hữu, chứ không phải vũ trụ tự hiện hữu; nói cách khác, vũ trụ được tạo thành, chứ không phải tự hiện hữu bởi năng lực của nó như thuyết duy vật biện chứng và thuyết tiến hóa vẫn chủ trương: Tự ban đầu đã có vật chất. Vì thế, tác dụng của vũ trụ không phải là biểu thị trên chính mình, nhưng nó biểu thị cho căn nguyên, cho nguyên nhân sự hiện hữu của mình, và cho đối tượng tối thượng của nó. Guardini gọi sự biểu thị này là „Ân sủng của cuộc sống“. Theo mặc khải, thì cuộc sống con người không cần tới „sự bi thảm anh hùng“, một biểu thị cho đặc tính triết học hiện sinh một cách đầy cảm tính.

Vậy, qua các dấu vết mà Thiên Chúa Tạo Hóa đã để lại trong vũ trụ, một tuyệt tác của Người, con người có thể khám phá và gặp gỡ được Thiên Chúa trong sự nhận thức triết học.

Kể từ năm 1990, khi hàn lâm viện Công Giáo Tiểu bang Bayern xuất bản toàn bộ các tác phẩm của ông ở Đức và Morcelliana, Brescia ở Ý, thì chỗ đứng của tư tưởng triết học Guardini tại các đại học ở Đức và ở Ý trở nên vững vàng và sôi nổi hơn bao giờ hết, đặc biệt ông được nổi danh nhất trong lãnh vực ý niệm của ông về „nhân vị con người“, về khoa sư phạm và về văn hóa. Bởi vậy, Romano Guardini là một trong những nhà đại tư tưởng về triết học tôn giáo và thần học được biết đến, được đọc và được yêu chuộng nhất tại Âu Châu nói chung và tại Đức quốc nói riêng.

____________________

Sách tham khảo:

Romano Guardini: Welt und Person. Versuche zur christlichen Lehre vom Menschen. Nhà xuất bản Grünewald 1988, 200 trang.