Khi mặt trời bắt đầu xế bóng, chim chóc gọi nhau về tổ thì cũng là lúc nhiều người kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc. Ngược lại thì một số loại côn trùng, một số người bắt đầu làm việc từ những buổi hoàng hôn. Các hoạt động trong xã hội đôi khi quay theo chiều kim đồng hồ, lắm lúc chạy theo chiều ngược lại, người thì thức dậy khi trời vừa hừng sáng, kẻ thì ngả lưng chợp mắt lúc bình minh.

Dường như những sinh hoạt trên trái đất này chỉ là những vòng chạy đua tiếp sức, điểm dừng của người này chính là điểm xuất phát của người kia, người này nằm xuống, kẻ khác được sinh ra. Có lẽ rất ít ai mang cùng chung tâm trạng cho dẫu rằng ở trong cùng một khoảng không gian và thời gian. Một người có thể cảm thấy tâm trí mình thanh thản hơn khi ngắm nhìn hoàng hôn chầm chậm xuống nơi vùng biển xanh cát trắng, ngược lại thì các ngư phủ thả lưói vào ban đêm chưa chắc gì đã an tâm khi mũi thuyền tách bến hướng ra khơi lúc trời chiều buông xuống. Những giọt nước mưa rơi có thể đẹp tựa ngọc ngà châu sa trong nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ, thi sĩ hoặc văn sĩ nhưng đôi khi chỉ là những giọt nước mắt thay lời kêu than não ruột lúc thấm ướt mái tranh nghèo. Tuy rằng chỉ có một mặt trời, một mặt trăng, một qủa đất nhưng sự cảm nhận về thiên nhiên hoàn toàn khác biệt từ người này sang người khác, từ thời điểm này đến thời điểm khác. Từ mỗi góc cạnh của cuộc sống con người sẽ có mỗi cái nhìn khác nhau về cuộc đời, dẫu rằng vũ trụ muôn thưở vẫn luân chuyển đều đặn, hết mưa lại nắng, hết ngày lại đêm, mặt trời lúc nào cũng mọc ở phương đông và lặn ở phương tây.

Chính vì những lẽ đó nên nhịp điệu của cuộc sống có thể được so sánh như nhịp điệu của một bản nhạc mà trong đó bảy ngày trong tuần ví như bảy nốt nhạc chính: do, re, mi, fa, sol, la, si. Năm giòng kẻ của khuôn nhạc tựa như năm giác quan của thân thể: nhìn, nghe, nói, ngửi, nếm. Bốn khe của khuôn nhạc tượng trưng cho bốn mùa trong năm: mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Bài hát đời người rộn rã vui tươi hay sầu não thê lương đều tùy thuộc vào cách phối hợp từ thể xác, trí tuệ, tâm linh của riêng từng người. Với bản nhạc này thì mỗi người phải vừa tự sáng tác, vừa là ca sĩ trình bày mà trong đó khán giả là tha nhân, giám khảo chính là Thiên Chúa tối cao, bản nhạc nào được khán giả yêu mến ắt hẳn sẽ được giám khảo lựa chọn vào ngày chung kết.

Đàn ơi chớ tấu cung sầu
Cho hồn khóc ngất buồn rầu bất an
Ca chi khúc hát than van
Chùng giây lỡ nhịp âm vang lạc loài.


Tựa như những dấu lặng thường được đặt vào trong khuôn nhạc thì những giây phút thinh lặng cũng cần được đặt vào trong ngày sống để con người có thể giữ lại sự thăng bằng cho thể xác, trí tuệ và tâm linh của mình. Cũng giống như những cánh chim bay về tổ khi chiều đến, lúc chiều xuống là lúc tôi tìm về bên thánh thể để trò chuyện với Chúa, để nhìn lại thân phận của chính mình, để trút bỏ những vướng bận của một ngày làm việc, để cầu cho những người đã khuất và cũng để xin thêm ơn soi sáng, phù trợ. Những lúc ấy tôi thường ngồi ở một góc trong căn phòng nhỏ có đặt mình thánh Chúa, tôi thường xin Ngài mở mắt tâm hồn của tôi ra, cho tôi được nhìn thấy bóng dáng Ngài qua từng ngọn cây lá cỏ, qua từng giọt nắng yếu ớt còn sót lại bên ngoài khung cửa. Tôi cứ đến và Chúa vẫn hiện diện ở đó trong hình tấm bánh trắng, ngày lại ngày qua đi, cho đến một hôm. ..

Đó chính là một buổi chiều thứ sáu của mùa chay năm 2003, sau khi đi làm về tôi đã ghé nhà thờ đi lễ. Lễ xong tôi chạy xe về nhà để bỏ mấy thứ lỉnh kỉnh và cũng để kiếm chút gì bỏ bụng cho đỡ đói. Tiếp đến tôi chạy xe ngược trở lại nhà thờ để đi đàng thánh giá cùng với cha xứ và mọi người theo như giờ giấc đã in trong tờ thông báo của giáo xứ. Hôm ấy khí trời lạnh lẽo, bầu trời u ám, gió thổi mạnh, trời tối rất sớm. Tôi đã cố gắng đến đúng giờ nhưng khi tôi trở lại thì nhà thờ vắng hoe, không một bóng người, ngoại trừ vài bóng đèn điện vàng vọt yếu ớt và cây nến bên cạnh nhà tạm vẫn cháy sáng. Tôi đã ngồi ở phía cuối nhà thờ để lần chuỗi trong khi chờ đợi đi đàng thánh giá. Lúc ấy tôi chỉ ước gì mình có quyển sách để có thể suy gẫm 14 chặng dàng thánh giá một mình, khỏi phải lệ thuộc vào giờ giấc của người khác. Tôi đọc kinh mà cứ nhìn đồng hồ mãi vì chỉ sợ đồng hồ của mình chạy sai. Một lát sau có một cô gái người Mễ bước vào, cô ấy cũng ngồi phía cuối nhà thờ nhưng ở dãy ghế phía bên kia. Cô ta ngồi chờ khoảng chừng mười phút, khi chỉ thấy bốn bề vắng lặng thì cô ta bước ra. Lúc bấy giờ chỉ còn một mình tôi trong nhà thờ, cúi xuống nhìn đồng hồ thì đã gần tám giờ tối, tôi quyết định ra về vì đến giờ ấy mà cha xứ không đến coi như mọi người sẽ không đi đàng thánh giá nữa.

Trước khi đi về tôi muốn nói với Chúa vài câu nên tôi đã bước vào căn phòng nhỏ ở phía bên hông nhà thờ. Đó là căn phòng có đặt mình thánh Chúa trong một cái hào quang được phủ khăn lại, hai bên cạnh có mấy cây nến, căn phòng này có cánh cửa riêng biệt. Lúc tôi bước vào thì bên trong ấy rất tối vì không có ánh sáng. Tôi không thắp nến cũng chẳng bật công tắc đèn điện lên, tôi cũng không mở tấm khăn phủ mình thánh Chúa ra vì tôi chỉ có ý định nói với Chúa vài câu thôi. Tôi đã qùy xuống ở bàn qùy của cái ghế cuối cùng trong góc phòng, chắp tay, nhắm mắt lại để thưa rằng:

- Lạy Chúa, trời lạnh qúa, con đã mệt rồi mà cũng ráng chạy tới đây để đi đàng thánh giá. Bữa nay không có cha nên con không đi đàng thánh giá được. Thôi, con vô chào Chúa rồi đi về nhà. Con mệt qúa, lại buồn vì chẳng có sách để đi đàng thánh giá thứ sáu mùa chay nữa. Chúa nhớ cho con tối nay ngủ ngon nghe.

Thật là kỳ lạ, lúc tôi vừa nói xong thì tự nhiên có một luồng ánh sáng màu trắng chói lòa, chiếu xuống từ một góc phía bên trái trên đầu tôi. Luồng ánh sáng trắng xóa này có hình tam giác, chiếu xòe ra với năng lượng cực mạnh, đỉnh xuất phát của nó ngay phía trên đầu tôi xong từ từ lan tỏa khắp người. Luồng ánh sáng này sáng chói hơn tất cả các tia chớp lúc trời mưa giông và chạy nhanh như luồng điện, khi nó chạy đến đâu thì tự nhiên phần thân thể của tôi chỗ đó khỏe lại. Sự mệt mỏi, buồn bã trong thân xác tôi tan biến ngay trong tích tắc. Tôi vẫn nhắm mắt lại một chút để có thể cảm nghiệm sự biến đổi kỳ diệu chưa từng có này, xong tôi cúi đầu tạ ơn, bái Chúa ra về. Lúc bước ra khỏi căn phòng này tôi bỗng cảm thấy thân hình mình nhẹ hều như một tờ giấy, gần như thân xác của tôi chẳng còn trọng lượng gì nữa, tâm hồn thì lại rực sáng. Tôi bước ra cửa nhà thờ trong niềm thư thái hân hoan, miệng hát nghêu ngao, khí trời vùng cao nguyên càng về đêm càng lạnh mà chẳng hiểu vì sao tôi lại cảm thấy mát mẻ dễ chịu.

Từ ngày tôi được nhìn thấy luồng ánh sáng trắng trong căn phòng ấy đến nay thì tôi siêng năng đến viếng mình thánh Chúa hơn trước. Gần như ngày nào tôi cũng cố gắng ghé vào thăm Chúa ít nhất là một lần. Ngày lại ngày trôi qua, cho đến một buổi chiều thứ năm của mùa đông năm 2004. Hôm ấy trời trở lạnh nên tôi bị ngã bệnh, cơn bệnh hoen suyễn mà tôi đã mang theo từ thưở lọt lòng mẹ. Tuy rất mệt nhưng tôi vẫn cố gắng đi làm, thật ra tôi chẳng làm được gì mấy, tôi chỉ ráng có mặt để khỏi bị lôi thôi. Khi hết giờ làm việc tôi chỉ muốn chạy xe thẳng về nhà để nằm nghỉ, nhưng chợt nhớ ra rằng mình chưa viếng Chúa vào ngày thứ năm để cầu nguyện cho các linh mục nên tôi đã đi đến nhà thờ.

Cũng giống như trước kia, trong căn phòng có đặt mình thánh Chúa chẳng có ai lúc tôi bước vào. Tôi đã qùy bái Chúa, thắp mấy cây nến nhưng không bật đèn điện lên vì trời vẫn còn sáng, ánh sáng ngoài trời được chiếu vào từ một bức tường làm toàn bằng kiếng. Tôi đã qùy ở một góc phòng, chắp tay nhìn lên thánh thể mà không nói gì vì qúa mệt. Tôi chỉ muốn viếng Chúa một chút, đọc vài kinh xong đi về thôi. Nhưng ô kìa! Khi mắt tôi liếc nhìn qua bức ảnh lòng thương xót Chúa được treo trên tường phía bên cạnh mình thánh Chúa thi khuôn mặt của bức ảnh bỗng mỉm cười, khuôn mặt Chúa Giêsu trong bức ảnh rực sáng với vòng hào quang tỏa ra chung quanh. Tôi nghĩ rằng mình bị hoa mắt nên đã nhìn ra phía khác xong rồi nhìn trở lại bức ảnh, qủa thật Chúa Giêsu vẫn đang mỉm cười, cặp mắt trông rất sinh động. Tôi chắp tay lại và hỏi:

- Chúa ơi, có phải Chúa cười với con tại vì con bị đau mà ráng đến đây thăm Chúa không?

Thế rồi tôi đứng lên, đi thẳng đến gần bức ảnh để quan sát thật kỹ, để khỏi nghi ngờ cặp mắt của mình. Đúng là khuôn mặt Chúa Giêsu trong bức ảnh đang cười, không phải tôi đã hoa mắt. Tại vì bức ảnh này tôi đã nhìn hằng ngày, người ta vẽ kiểu khuôn mặt Chúa nghiêm trang, miệng ngậm lại, ở ngực có hai luồng ánh sáng màu trắng và màu đỏ chiếu xòe ra theo chiều ngang, cả hai đều phát xuất từ trái tim của Ngài. Khi biết chắc là Chúa đang cười thì tôi trở về chỗ qùy, cúi đầu tạ ơn, đọc vài kinh để cầu nguyện cho các linh mục và cũng không quên cầu cho các đẳng linh hồn trước khi ra về.

Khi bước ra khỏi căn phòng có đặt mình thánh Chúa ấy thì toàn thân tôi khỏe hẳn lại, đầu óc rất thanh thản, dường như cái xác cũng chẳng còn trọng lượng gì nữa. Tôi bước đi trên mặt đất mà ngỡ như thân hình mình lướt nhẹ trong không trung tựa chiếc lá đang bay giữa cơn gió vậy. Tôi nhìn mọi cảnh vật xung quanh với sự bình thản chưa từng có, tuy rằng tôi là người duy nhất từ trong nhà thờ bước ra và chiếc xe của tôi là vật duy nhất còn lại ở bên ngoài nhà thờ. Tôi không thể ngờ được rằng chỉ mới cách đây vài phút đồng hồ, lúc bước vào căn phòng có đặt mình thánh Chúa này thì chân tôi bước đi gần như không nổi, thân xác nặng nề mệt mỏi, đầu óc bối rối, hoang mang tột bực. Tôi không hề có ý định đến để xin Chúa chữa bệnh mà chỉ có ý muốn ghé thăm Chúa một chút để đọc kinh cầu nguyện cho các linh mục thôi. Vậy mà Ngài đã biết rõ điều gì tôi cần, đã ban cho tôi vượt qúa điều tôi mong đợi. Tôi không ngờ Chúa thương và chăm sóc tôi kỹ lưỡng đến như vậy, Ngài thương tôi nhiều hơn tôi nghĩ, Ngài lo liệu cho tôi chu đáo hơn cả bản thân tôi lo toan cho chính mình.

Từ một góc tối trong căn phòng có Chúa Giêsu thánh thể hiện diện tôi đã được nhìn thấy ánh sáng chói lòa. Từ một góc của sự thinh lặng lúc trời chiều buông xuống bên cạnh mình thánh Chúa tôi đã nhận biết được một tình thương bao la. Từ đó tôi đã nhìn cuộc đời này dưới một góc cạnh khác, góc cạnh của lòng từ bi và ân sủng. Tôi đã nhận thức được rằng khi con người càng xa rời Thiên Chúa, càng chạy đua theo của cải vật chất, càng ham mê danh vọng tiền tài cũng như các thú vui xác thịt thì tâm hồn con người càng bị chao đảo, bất an, càng cảm thấy trống vắng do bị tha hóa vì đã đặt lệch trọng tâm cuộc sống của chính mình.

Người đời thưòng tìm đủ cách để làm ra tiền khi qúa nghèo, đi làm cả ban ngày lẫn ban đêm, chẳng kể gì đến giờ giấc. Khi có của cải dư dật thì người ta lại lo lắng vì phải tìm cách cất giữ để khỏi bị kẻ khác chiếm đoạt, hoặc là đã có chín đồng lại muốn kiếm thêm một đồng nữa cho chẵn chục để đem đi cất. Người ta mua bảo hiểm xe vì sợ xe bị tai nạn, mua bảo hiểm nhà vì sợ nhà bị sụp hoặc bị cháy, mua bảo hiểm sức khỏe để phòng khi bệnh hoạn, mua bảo hiểm nhân thọ để nhỡ ra chết bất đắc kỳ tử có tiền xoay sở. Nhưng xét cho cùng thì chẳng mấy ai đi mua bảo hiểm để linh hồn mình khỏi bị hư hỏng, khỏi bị sa chước cám dỗ, khỏi bị chôn vùi trong những đam mê vật chất, khỏi bị thiêu đốt trong lửa hỏa ngục đời đời. Mỗi người đều có một linh hồn bất tử, đáng qúy hơn bất cứ bộ phận nào trong cơ thể mình mà dường như ít đưọc người đời quan tâm, ngoại trừ những người tín hữu chân chính mà thôi.
“Các con đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai. Hãy sợ Đấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, thầy bảo các con hãy sợ Đấng ấy. Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ, các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ". (Lc 12, 4-7)

Thông thưòng người ta hay buồn rầu khóc lóc khi bị tình phụ, nhưng đôi khi lại không nhận ra rằng chính mình cũng là kẻ phụ tình, phụ bạc tình yêu của một Đấng đã hy sinh cả mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại. Người ta muốn nghe mấy chữ xin lỗi khi người khác làm phật lòng mình, trong khi chẳng mấy khi mình nhớ cúi đầu tạ lỗi với Chúa vì sự thờ ơ bạc bẽo của mình với Ngài. Nhiều lúc người ta chê trách người nọ vong ân, kẻ khác bội nghĩa mà trong khi chính bản thân mình cũng chẳng bao lần nói lên lời cảm tạ Đấng đã ban cho mình trời cao đất rộng với đầy đủ hoa lá xinh tươi, đã ban cho mình quyền làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Khi yêu nhau người ta thích đến gần nhau để chuyện trò, thích lắng nghe, thích chia sẻ nỗi niềm vui buồn của nhau, thích mua qùa tặng để mang niềm vui cho người mình yêu. Cũng với một lối cư xử như vậy thì khi yêu Chúa mình sẽ thích đến chuyện trò với Chúa, thích dâng tặng Chúa những việc hy sinh, thích giúp đỡ người khác vì mọi người đều được tạo dựng giống hình ảnh Ngài.

Cuộc sống hôm nay sẽ là cây cầu dẫn đưa đến sự trầm luân hoặc là đời sống vĩnh cửu sau này. Thiếu sự kết hợp với Thiên Chúa và quan tâm đến tha nhân trong đời sống hằng ngày thì cây cầu này sẽ bị hụt chiều cao và thiếu bề ngang. Con người càng sống lâu năm thì chiều dài của cây cầu càng dài ra theo thời gian, càng ích kỷ thì cây cầu càng hẹp chiều ngang, càng xa rời Thiên Chúa thì chân cầu sẽ càng thấp xuống và càng bám víu vào của cải vật chất thì toàn thân cầu sẽ bị bao phủ bởi đầy dẫy rong rêu sình lầy. Một cây cầu như vậy chắc chắn sẽ chẳng bao giờ dẫn đưa con người đến bến bờ hạnh phúc vì nó có thể bị gãy đổ bất cứ lúc nào. Nếu biết rằng một mai kia tôi sẽ từ giã cõi trần này ra đi, không thể mang theo được gì, thì chẳng việc gì tôi phải qúa lo lắng cho phần xác đến độ lãng quên hoặc thiếu sót phần hồn.

Chẳng khi nào là muộn màng để chúng ta thay đổi lối sống nếu cần. Chúng ta có thể tìm đến với thánh thể qua việc siêng năng tham dự thánh lễ hơn, siêng năng tham dự các giờ chầu phép lành hơn, thăm viếng Chúa điều đặn hơn. Chúng ta có thể cùng nhau dâng lên Chúa Giêsu nhân lành những đau khổ trong cuộc đời để xin Ngài thánh hóa, vì mỗi đau khổ được chấp nhận với lòng tin yêu sẽ biến thành công nghiệp, biến thành hạnh phúc cho cuộc sống mai sau. Chúng ta có thể quan tâm đến tha nhân hơn, giúp đỡ lẫn nhau cho dầu chỉ là một câu kinh, một lời cầu nguyện, một nụ cười thông cảm, một vài tiếng nói an ủi, một cái nhìn khích lệ. Hãy cất cao lời chúc tụng, cất cao câu hát cảm tạ khi còn có thể được. Bản nhạc đời tôi không thể thiếu vắng giám khảo và khán giả, khúc ca ngày mùa không phải là khúc hát đơn điệu thì xin hãy luôn hòa nhịp cùng với mọi người để tất cả đều kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính bản thân mình.

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình”. (Mt 22, 37-39).