Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết (4)



(Vào cuối Tháng các Đẳng Linh Hồn - thời gian chúng ta tưởng nhớ các người quá cố; và đồng thời bắt đầu Mùa Vọng - thời gian chờ đợi Chúa đến lần cuối, thời gian chúng ta cần phải sống tỉnh thức, vì chúng ta không biết trước được khi nào Người tới - chúng tôi mời các bạn cùng suy tư một lần nữa về sự chết, một biến cố quan trọng nhất của con người và là biên giới giữa cuộc sống đời này và vĩnh cửu)

IV. Quan điểm các tôn giáo độc thần về sự chết

Một điều quá hiển nhiên và tuyệt đối chắc chắn là tất cả mọi người khi được sinh ra trên trái đất này đều phải đối mặt với sự chết, ít là một lần trong đời. Đúng vậy, sự chết là một biến cố không thể tránh được đối với con người và mọi sinh vật khi được Tạo Hoá dựng nên trên trái đất. Vì thế, trong triết học khi sử dụng một ví dụ để trình bày về phương pháp tam đoạn luận, người ta thường nói: «Làm người ai cũng phải chết, nên anh là người, anh cũng phải chết.» Điều đó muốn khẳng định rằng chết là một định luật bất biến đối với tất cả mọi tạo vật nói chung và đối với con người nói riêng.

Bởi vậy, trong các nền văn hóa khác nhau của nhân loại, sự chết của con người mang một ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Điều đó được thể hiện một cách rõ ràng qua các nghi thức an táng của các tôn giáo khác nhau. Trong văn chương, nghệ thuật và trong các nghi thức an táng, niềm hy vọng hay nỗi sợ hãi của con người được bày tỏ một cách cụ thể nhất, tuỳ theo từng nền văn hoá và quan niệm mỗi dân tộc về sự chết.

Vâng, sự chết là một cảm nghiệm mà tất cả mọi người khắp nơi trên trái đất - bất kể tôn giáo, văn hóa và chủng tộc - đều cùng chia sẻ. Con người chia sẻ sự trải nghiệm mang tính cách hiện sinh này với các loại sinh vật khác và với tất cả các hình thức khác nhau của sự sống: Khởi đầu và chấm tận, biến dịch và qua đi. Nhưng trong diễn biến đó, chỉ có con người là sinh vật duy nhất có thể suy tư về sự chết của mình trước khi nó xảy ra.

«Cánh chung luận» hay «biến cố thế mạt» là một ý niệm thuần tuý thuộc thần học và được sử dụng trong các tôn giáo khác nhau để nói về các lý thuyết hay giáo lý của «những sự sau.» Để nói về biến cố cánh chung, người ta đã sử dụng các từ: hấp hối, chết, bất tử, sống lại hay phục sinh, bên kia thế giới, dưới suối vàng, ngày chung thẩm, v.v…Và tất cả các tôn giáo độc thần lớn trên thế giới, tức những tôn giáo tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất như là nguyên ủy của mọi thụ tạo, đã xác tín về một cuộc sống bên kia cái chết, và đây là điều đã được ghi rõ trong các Sách Thánh của họ.

Hiện nay, những tôn giáo độc thần quan trọng trên khắp thế giới gồm có: Do-thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Ba tôn giáo lớn này hoàn toàn không tuỳ thuộc vào bất cứ nền văn hoá nào. Và Đức tin của cả ba tôn giáo vào một Thiên Chúa duy nhất mang tính cách tuyệt đối, nghĩa là ngoài một Thiên Chúa toàn năng ra không còn thần thánh nào khác nữa(1). Nói cách khác, vị Thiên Chúa duy nhất đó không hề có sự tương quan mang tính cách cạnh tranh và Người cũng không có những tính chất nhân loại như nơi các vị thần linh trong văn hoá Hy Lạp-Roma xưa. Chính Thiên Chúa là Tạo Hoá của vũ trụ và của con người và đồng thời Người cũng là Đấng Cứu Chuộc của họ.

Trong khi đó theo quan niệm của Ấn giáo và Phật giáo, thì sự xoay vần của vũ trụ được điều khiển bởi một qui luật vĩnh cửu tiềm ẩn trong vũ trụ, mà chính các vị thần linh cũng phải tuân thủ qui luật đó. Tất cả sự sống và sự hữu đều phải tuân hành một cái vòng luân hồi luôn quay đều của sự biến dịch và sự qua đi. Còn ý niệm về một vị Thiên Chúa toàn năng và độc lập là hoàn toàn xa lạ đối với họ, và chính lịch sử cũng không tuỳ thuộc vào bất cứ ý nghĩa hay mục đích nào đã được thiết đặt sẵn. Mỗi cá nhân đều được điều khiển bởi bánh xe luân hồi và sự giải thoát khỏi vòng luân hồi đó chỉ có thể đạt được do sức mạnh riêng của mỗi người, chứ không do sự trợ giúp của bất cứ quyền lực ngoại tại nào cả, vì lý do đơn giản là không hề có quyền lực ngoại tại nào khác, dù cho người ta có gọi quyền lực ngoại tại đó là Thiên Chúa, là Tạo Hoá hay Đấng Tồi Cao, v.v…!

Ngược lại, như đã nói trên, sự xác tín của các tôn giáo độc thần lại hoàn toàn khác hẳn: Vũ trụ và các qui luật của nó không phải bởi tự nhiên mà có, nhưng là công trình của một Thiên Chúa toàn năng, toàn tri và ngôi vị, nghĩa là một Thiên Chúa hiện hữu thực sự, tuy vô hình. Thiên Chúa đã thiết đặt trong vũ trụ và trong cuộc sống của mọi tạo vật, trong đó có con người, những qui luật riêng biệt dành riêng cho mọi giống loại và các qui luật đó tự động tuần tự xoay vần theo đúng kế hoạch Thiên Chúa đã vạch ra, mà chúng ta thường gọi là luật tự nhiên. Đúng vậy, mặc dù Thiên Chúa đã luôn tự tỏ mình ra cho con người qua nhiều cách thức khác nhau, hầu để họ nhận biết Người cũng như để chỉ cho họ con đường dẫn họ tới sự cứu rỗi. Nhưng đàng khác, Thiên Chúa cũng ít khi trực tiếp can thiệp vào lịch sử của vũ trụ. Lịch sử có một khởi đầu và một chấm tận, và mục đích của lịch sử là Nước Thiên Chúa trong nơi vĩnh cửu.

1) Do-thái giáo

Phần Kinh Thánh Cựu Ước giới thiệu cho con người một khuôn mẫu tôn giáo mang màu sắc lịch sử, chứa đựng sứ điệp hy vọng độc nhất vô nhị, mà tác giả của nó là «Chúa Gia-vê». Thiên Chúa của dân tuyển chọn Ít-ra-en luôn hành động theo một kế hoạch hằng nhằm tới sự cứu rỗi tối hậu. Dân Ít-ra-en được nhận lãnh lời hứa sẽ được thực hiện trong tương lai. Điểm tựa nền tảng cho đức tin của Dân Ít-ra-en vào lời hứa chính là biến cố xuất hành vĩ đại với sự can thiệp trực tiếp và cụ thể của Thiên Chúa, vì qua đó cảnh sống khốn cùng bất khả kham của dân Ít-ra-en trên đất Ai Cập đã được chấm dứt: Dân Ít-ra-en đã được chính Thiên Chúa giải thoát. Vì thế, người Do-thái đã cắt nghĩa những trải nghiệm trong lịch sử của họ chính là những trải nghiệm về Thiên Chúa, về tình thương của Người dành cho họ trong quá khứ, trong hiện tại và nhất là sẽ hoàn tất trong tương lai qua sự xuất hiện của Đấng Messia, của Đấng Thiên Sai.

Người ta có thể nói rằng Thiên Chúa của Do-thái giáo và của Cựu Ước là một Thiên Chúa của luật pháp, trong đó sự chết thường được quan niệm như là biên giới đã được Chúa Gia-vê thiết đặt và là một phần chủ yếu của trật tự sáng tạo. Sự giới hạn của cuộc sống và những cơ hàn vất vả trong cuộc sống của hai ông bà Tổ tông Adam và Evà chính là hậu quả do những lỗi lầm mà họ đã sai phạm trước kia, khi hai ông bà còn sống trong cảnh sung sướng hạnh phúc ở vườn địa đàng, và chỉ vì chính tội họ gây ra mà họ đã bị trục xuất ra khỏi đó. Con người đã trở nên hay chết và cơn thịnh nộ của Chúa Gia-vê đã tuyên cáo: «Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh mà ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được dựng nên. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.»(St 3,19)

Ngay trong các bản văn của Cựu Ước người ta cũng tìm gặp ý tưởng về nhị nguyên thuyết giữa tốt và xấu, trong đó «sự chết lành» và «sự chết dữ» được phân biệt một cách rõ ràng: «Hãy coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: Hoặc là được sống và được hạnh phúc, hoặc là phải chết và bị tai họa… Hôm nay tôi lấy trời đất làm chứng: Tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn, được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa.»(Đnl 30,15+19)

Đặc biệt nhất là những trường hợp chết bất đắc kỳ tử và chết yểu luôn được coi là hình phạt của Thiên Chúa. Vì thế các ngày giờ sống của con người cần phải được nhằm hướng về Thiên Chúa như mục đích duy nhất phải tìm kiếm, hầu cho con người được chết lành, tức cái chết làm đẹp lòng Thiên Chúa. Bởi vậy, trong Cựu Ước, điều thiện hảo cao cả nhất chính là sự sống. Con người chỉ được quyền lựa chọn và quyết định một trong hai: Hoặc chọn vâng theo lời Thiên Chúa dạy, là con đường dẫn vào sự sống, hoặc chọn con đường của sự ác là con đường dẫn tới sự chết!

Theo quan niệm thời tiền sử, thì những người chết phải đi vào chốn tối tăm dưới âm phủ, tiếng Do-thái gọi là «scheol», và phải trải qua một cuộc sống buồn thảm, thê lương và đầy ma quái, mất hết mọi ý thức và không còn hy vọng sẽ được thức dậy để sống một cuốc sống tươi đẹp hơn. Ở chốn âm phủ, con người phải chịu muôn vàn sầu khổ và héo hắt trong tuyệtt vọng, vì bị bị tách rời ra khỏi Thiên Chúa. Mọi quan hệ với Thiên Chúa đều bị cắt đứt: Thiên Chúa không còn trao đổi bất cứ lời nào với họ nữa và họ cũng không thể ca tụng Người được nữa.

Bấy giờ, đời sống nhân đức, đầy khôn ngoan, công bằng và lòng đạo đức, v.v… có nghĩa là sự sống chân thực; Còn những hành động khùng dại, độc ác và đầy tội lỗi, sẽ dẫn đưa con người vào chốn tử địa, một nơi chỉ có chết chóc và sự tiêu diệt. Sự tương phản này người ta có thể tìm gặp khắp nơi trong phần Kinh Thánh Cựu Ước.

Tuy nhiên, đứng trước sự chết thì người lành cũng như kẻ dữ, người đức hạnh cũng như kẻ vô thần, đều cùng chung một số phận như nhau. Không ai có thể được miễn trừ khỏi phải chết. Không ai có thể thoát được lưỡi hái tử thần, nếu một khi số phận người đó đã hết. Thái độ chờ đợi «Scheol», chờ đợi âm phủ đầy bi thương được gắn liền hay đi đôi với sự mong đợi Đấng Thiên Sai, một sự mong đợi mang lại cho con người ít nhất là niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng khi sự mong đợi đó không được thành tựu, thì sẽ nảy sinh ra tư tưởng là chốn âm phủ tối tăm rất có thể không phải là chặng đường cuối cùng. Bấy giờ, trong Do-thái giáo mới phát sinh những tư tưởng về sự sống lại hay phục sinh của những người đã qua đời và về sự bất tử của linh hồn con người.

Ngay trong chương đầu của Sách Sáng Thế (St) đã viết: «Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người theo hình ảnh mình» (St 1,27), và từ đó phát xuất quan điểm về một sức mạnh thiêng liêng trường cửu. Diễn tiến sự biến đổi trong Do-thái giáo được bày tỏ về sau này trong sách Ngôn sứ Isaia: «Lạy Đức Chúa, các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên»(Is 27,19). Trước tiên, giáo huấn về sự sống lại của những người đã qua đời chỉ liên quan đến dân Ít-ra-en. Đồng thời nảy sinh tư tưởng về một cuộc chung thẩm sau khi chết: Trong khi những kẻ dữ phải đi vào chốn âm phủ, một nơi được coi như là ngục tù để đền trả những tội ác các đương sự đã gây ra, thì những người lành lại được Thiên Chúa dẫn đưa vào trong cuộc sống vĩnh cửu. Trong Sách Đa-ni-en viết: « Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để được hạnh phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao.» (12, 2-3)

Ý niệm về sự bất tử được gắn liền với tư tưởng về một sự tiếp tục tồn tại thuần tuý tinh thần của con người sau khi chết, và đương nhiên hàm chứa sự hiện hữu của một thế giới bên kia biên giới của vũ trụ hữu hình này. Tinh thần con người, tia sáng thần thiêng, được coi là một ơn bất tử của Thiên Chúa ban. Mục đích nhằm tới là linh hồn mỗi người được gia nhập vào trong thế giới thần khí của Thiên Chúa.

Sách Talmud(2) đã tiếp tục trình bày tư tưởng về sự sống lại như sau: Linh hồn con người rời bỏ thể xác sau khi chết, nhưng trong 12 tháng đầu linh hồn còn liên lạc xa xa với thể xác mình, cho tới khi giai đoạn thể xác bị hư hoại được kết thúc. Bấy giờ, linh hồn những người công chính được dẫn đưa vào trong chốn địa đàng hay được đến bên ngai toà Thiên Chúa, còn những kẻ dữ thì bị trầm luân trong hoả ngục. Trong những ngày cứu rỗi của Đấng Messia, linh hồn con người sẽ quay trở lại trong bụi đất, và bụi đất lại cấu thành một thân xác mới.

Vào khoảng 120 năm sau công nguyên người ta đã soạn ra Kinh «Mười Tám Lời Cầu Nguyện» mà mãi cho tới ngày nay những người Do-thái chính thống vẫn đọc hằng ngày, trong lời Tụng Ca thứ hai có đoạn viết: «Trong một nháy mắt Chúa làm sống động những kẻ đã chết. Xin chúc tụng Ngài, lạy Đức Chúa, chính Ngài đã làm cho các kẻ đã chết lại được sống!»

Nói chung, theo quan niệm của Do-thái giáo thì hình ảnh về sự chết rõ ràng mang một ý nghĩa tiêu cực và được nối liền với những ý niệm về tôi lỗi và hình phạt.

Vì thế, không còn là điều ngạc nhiên khi sự chết trong Do-thái được coi như nguồn gốc của tất cả mọi sự bất trong sạch và bất xứng đối với việc thờ tự trước bàn thờ Gia-vê. Các Thầy Cả («Kohen») tuyệt đối không được phép tiếp cận với sự chết hay động đến các xác chết, vì việc phụng sự trong Đền Thánh đòi hỏi một sự trong sạch ở mức độ cao nhất có thể. Và cho đến ngày nay, các thế hệ kế vị dòng tộc Tư Tế Aaron cấm không được tham dự vào các cuộc an táng hay thăm viếng nghĩa địa nơi chôn kẻ chết.

Cũng vì lý do đó, mãi cho tới ngày nay, nền văn hoá Do-thái luôn hết sức tôn trọng sự sống và thân xác con người. Nhưng đồng thời, ở Ít-ra-en cả đến hôm nay việc khám nghiệm các tử thi là cả một vấn đề hết sức khó khăn, ngay cả việc mổ xẻ và lắp ghép các bộ phận con người cũng ít được công khai nói tới, cho dù việc áp dụng những tiến bộ y khoa là một điều tích cực và hết sức cần thiết của cả nhân loại.

2) Kitô giáo

Nền tảng cơ bản của Kitô giáo là đức tin tuyệt đối vào một Thiên Chúa trong ba Ngôi Vị khác nhau, Đấng hằng hiện diện và tác động trong vũ trụ và trong lịch sử. Đó là điều được mặc khải một cách thực tiễn trong con người lịch sử của Đức Giêsu Na-da-rét.

Bởi vậy, trọng tâm của các giáo lý Kitô giáo là Đức Giêsu Kitô, Đấng được xức dầu, Đấng Messia đã được hứa trong Cựu Ước. Sứ điệp của Người được gắn liền với lý do cuộc Xuất Hành và sự mong chờ có tính cách thiên sai của Cựu Ước. Với cái chết của Người trên thập tự giá, một trang sử mới của nhân loại được được lật qua và một thời đại mới của một lịch sử mới được thiết lập: Thiên Chúa luôn che chở Đấng bị đóng đinh và cho Người chỗi dậy từ cõi chết. Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa. Và theo thánh Phaolô, biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu là một bảo đảm cho sự sống lại nói chung của tất cả mọi người quá cố trong ngày sau cùng. Đồng thời cuộc đời Đức Giêsu được gắn liền với biến cố «Apocalypse», với biến cố ngày chấm tận của vũ trụ và với niềm mong đợi ngày trở lại của Người. Và biến cố trở lại của Đức Kitô lại được gắn liền với các ý niệm «kẻ chết sống lại» và «ngày chung thẩm», «ngày phán xét thế gian». Một thế giới mới đến từ Thiên Chúa và một Giê-ru-sa-lem mới là niềm hy vọng của mọi tín hữu.

Ngay trong Cựu Ước đã đề cập tới «Ngày của Gia-vê»(3) và ngày đó được coi là ngày vũ trụ cũ và hư hỏng sẽ bị tiêu diệt, đồng thời một thời đại và một vũ trụ hoàn toàn được đổi mới và vượt lên trên thời gian và lịch sử, được thiết lập. Một vương quốc thái bình thịnh trị được bắt đầu và sự chết chóc sẽ không còn nữa. Chính từ sự xác tin này đã nảy sinh ra tư tưởng về sự sống lại của những người quá cố (Đn 12,1-3) và ngày chung thẩm, ngày phán xét chung, ngày của công lý và sự thật, hầu để phân biệt người lành kẻ dữ, phân biệt tội và phúc. Đó là một ngày quyết định và không một ai có thể thoát khỏi. Mọi sự thật sẽ được giãi bày trước ánh sáng công lý.

Còn trong Tân Ước, ngày chung thẩm theo nghĩa đen như thế thì thoạt đầu chưa được rõ ràng, bởi vì người ta bị chi phối bởi sự xác tín rằng nhờ sự sống lại của Đức Giêsu Kitô con người sẽ được sống trong thời đại của sự cứu rỗi. Về sau Sách Khải Huyền của thánh Gioan đã lấy những lưu truyền Do-thái giáo về biến cố thế mạt trong một cái nhìn toàn diện. Trong các phát biểu của Người về thời kỳ sau hết mà các bản Phúc Âm đã trình thuật lại, chính Đức Giêsu cũng loan báo về biến cố sẽ xảy ra.

Theo sự khẳng định của các Môn đệ Người, những nhân chứng trực tiếp, thì Đức Giêsu đã do quyền lực của Thiên Chúa mà sống lại khỏi mồ - vì chính Người cùng là Thiên Chúa, một Thiên Chúa nhập thể - và đã hiện ra với hàng trăm người khác nhau trong các trường hợp khác nhau và sau đó 40 ngày thì Người đã lên trời trước sự chứng kiến của nhiều người (x. 1Cr 15,4-8). Một điểm đáng ghi nhận ở đây, là sự khẳng định và làm chứng của các Môn đệ hoàn toàn khả tin, vì tất cả họ đã lấy sự sống của chính mình để đánh đổi sự thật mà họ khẳng định. Chính đây là điểm quyết định, vì không một ai lại đánh đổi mạng sống mình cho một điều gian dối cả! Và mầu nhiệm sự Phục Sinh của Đức Giêsu đã loan báo trên khắp mặt đất và đã khơi dậy được một niềm xác tín nơi hàng tỷ người là một ngày kia tất cả mọi người sẽ được sống lại để sống một cuộc sống vĩnh cửu.

Qua cái chết, linh hồn bất tử của con người sẽ lìa ra khỏi xác và đi vào chốn vĩnh cửu, một nơi linh hồn sẽ được Thiên Chúa chí công xét xử. Các Kitô hữu thời tiên khởi đã đinh ninh rằng ngày trở lại của Đức Kitô chẳng bao lâu nữa sẽ xảy ra, do đó trong suốt dòng thời gian một câu hỏi đã được đặt ra là giữa sự chết, sự sống lại và ngày tận thế, thì linh hồn con người sẽ phải ra sao và những gì có thể sẽ xảy ra cho nó.

Bởi vậy, đã nảy sinh tư tưởng về sự chết hoàn toàn, và sự sống lại chỉ xảy ra trong ngày tận thế, trong ngày tận cùng của vũ trụ. Và trong suốt thời gian trước ngày đó, linh hồn những kẻ chết hoàn toàn vô thức, hầu sau đó được trải nghiệm sự sống lại của thân xác mình. Theo quan điểm này thì con người chỉ sống một lần duy nhất và qua cách sống của mình, con người đã tự quyết định cho tương lai của mình: Hoặc được hưởng hạnh phúc bất diệt trên Thiên Đàng, hoặc bị trầm luân đời đời trong hoả ngục!

Lý thuyết về một cuộc sống buồn thảm sau khi chết như thế, mãi cho tới ngày nay vẫn còn phổ thông nơi một số các Kitô hữu Tinh Lành và nơi Các tín đồ của môn phái Chứng nhân Jehovas. Tuy nhiên, lý thuyết này khó đứng vững, vi thiếu hẳn nền tảng cơ bản. Trong khi đó, một số đông các Kitô hữu khác lại xác tín là không chỉ có hai giải pháp Thiên đàng hay hoả ngục mà thôi, nhưng còn có một giải pháp thứ ba ở giữa hai giải pháp trên và được coi như một tình trạng hay một nơi chờ đợi ở dưới âm phủ. Giải pháp này được coi là hợp lý nhất. Đó chính là giáo lý phổ cập của Giáo Hội Công Giáo về chốn Luyện hình (Purgatorium), nơi thanh luyện và tẩy xoá các vết nhơ tội lỗi nơi các linh hồn. Vâng, trước khi được xứng đáng bước vào Thiên đàng, nơi cực thánh của vinh quang Thiên Chúa ngự trị, để cùng các chư Thần chư Thánh vui huởng hanh phúc bất diệt của Thiên Chúa, thì những ai còn vương vấn các tội nhẹ cần phải được thanh tẩy. Còn những ai sa phạm các tội trọng thì đương nhiên phải đi vào hoả ngục, một nơi được dành cho ma quỷ và cho kẻ ác. Theo quan điểm Kitô giáo thì sự báo trả ở bên kia thế giới mang tính cách vĩnh cửu, bất biến.

Nhưng dĩ nhiên, sau khi chết linh hồn con người không hề «ngủ vùi» trong một nơi nào đó để chờ cho tới ngày sống lại sau cùng mới được đánh thức để bắt đầu một cuộc sống mới, nhưng cuộc sống mới được bắt đầu ngay sau khi linh hồn lìa khỏi xác. Đó cũng là niềm xác tín của Giáo Hội Công Giáo. Trong một buổi triều yết công cộng tại Roma vào năm 1998, ĐTC Gioan Phalô II phát biểu:

«Tuy nhiên người ta không được phép cho rằng cuộc sống sau khi chết chỉ được bắt đầu trong ngày sống lại sau hết. Trong thực tế, cuộc sống đó được thể hiện trước đó dưới một tình trạng đặc biệt, mà mỗi người đều cảm nhận ngay trong nháy mắt sau khi tắt thở. Đó chính là giai đoạn chuyển tiếp, trong giai đoạn đó khi thân xác bị hư hoại thì phần tinh thần vẫn tiếp tục tồn tại với đầy đủ ý thức và ý chí. Như thế bản ngã con người vẫn tiếp tục tồn tại, dĩ nhiên trong sự tiếp tục tồn tại này hoàn toàn không mang tính cách thể xác.(4)

Vậy, qua sự giải thích của Đức Gioan Phaolô II như trên, thì sự sống lại của mỗi người được bắt đầu ngay sau khi chết. Nói cách khác, sau khi chết, tức sau khi lìa bỏ thân xác, linh hồn con người bắt đầu ngay một cuộc sống mới trong nơi vĩnh cửu.

3) Hồi giáo

Cánh chung luận của Hồi giáo được bắt nguồn nơi Sách Co-ran, bản Kinh Thánh của những tín đồ Hồi giáo. Sách Co-ran được mặc khải cho tiên tri Mô-ha-mét tại Méc-ca và Mê-đi-na, vào thế kỷ VII sau công nguyên. Đối với các tín đồ Hồi giáo, thì Sách Co-ran là cuốn Sách Thánh bao gồm mọi điều khôn ngoan, hướng dẫn con người trong cuộc sống đời này và đời sau. Từ «Thiên Chúa» trong tiến Ả-rập là «Allah», và mỗi người tín đồ Hồi giáo được coi là người đã được hiến dâng cho Thiên Chúa. Vì thế, tất cả những ai không hiến dâng cho Thiên Chúa, tức không phải tín đồ Hồi giáo, đều bị coi là người vô đạo. Trong khi đó, đức tin Hồi giáo thực ra không hề được ràng buộc với một sự tuyên tín nào nhất định cả. Trên nguyên tắc, thì cánh chung luận của Hồi giáo có rất nhiều điểm trùng hợp với quan điểm của Kitô giáo.

Thật vậy, Hồi giáo cũng cho rằng chết, trải nghiệm cuối cùng trong cuộc sống trần thế, là một điều hoàn toàn không thể tránh né được. Trong Sách Co-ran viết: «Mỗi linh hồn sẽ nếm thử sự chết.» Theo quan điểm Hồi giáo, con người được coi là một sự hợp nhất giữa linh hồn, thân xác và tinh thần. Con người được «hình thành… bởi đất» (20:53-55), «… từ đất thó và sống động được bởi thần khí của Thiên Chúa» (15:19), «… chúng ta thuộc về Allah và chúng ta sẽ lại quay trở về với Người.» (2:156)

Tinh thần là căn nguyên thánh thiêng và là nguyên lý sự sống trong con người và cũng được gọi là «ánh sáng bắt nguồn từ ánh sáng vĩnh cửu». Con người đã được Thiên Chúa tạo dựng nên và được quyền cai quản trên mọi tạo vật. Sinh và tử của con người được coi như là ý định của Thiên Chúa, và tất cả mọi sự thiện hảo cũng như tất cả mọi bất hạnh đều từ Thiên Chúa mà đến. Allah luôn là nguyên cớ của mọi sự. Chết không có nghĩa là hết, là tận cùng. Sự chết được coi là thời điểm đã được Thiên Chúa ấn định, khi giai đoạn thử thách của con người trên thế giới này được kết thúc. Tuy nhiên, con người vẫn tiếp tục sống. Đối với tín đồ Hồi giáo, quan điểm này không phải là lý thuyết bí nhiệm, nhưng là lời Chúa phán và là giáo lý đức tin.

«… Người chính là Đấng ban cho các ngươi sự sống, và rồi Người sẽ để các ngươi chết, và rồi lại làm cho các ngươi sống động» (22:66). Cuộc sống đời này quyết định về cuộc sống mai hậu của con người, và chỉ được coi như là một sự hưởng dùng tạm thời: «… Cuộc sống trên quả đất này quả thực chỉ là một sự nếm thử chóng qua; và thế giới mai hậu mới thực sự là nơi cư trú bền vững» (40:39). Trong Hồi giáo, ý nghĩa sự chết phát xuất từ sự đối chiếu giữa sự hiện hữu vĩnh cửu và sự chóng qua của thế giới.

Theo sự xác tín của Hồi giáo, thì mọi sự đã được tiền định từ trước, chính giờ chết của mỗi người đều đã được Thiên Chúa ấn định ngay khi được dựng nên. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng duy nhất ban sự sống và để cho chết. Tất cả những gì được ban thưởng cho cuộc sống đời này cũng như ở đời sau hoàn toàn là một điều tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. «Allah luôn tha thứ và nhân hậu.» (3:155. Tình thương xót và lòng nhân hậu là nền tảng cho sự quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Các Suren (chương) 113 và 114 của Sách Co-ran đã bắt đầu với câu «Nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Đấng từ bi và hay thương xót.»

Theo nguyên tắc, việc tự tử bị cấm. Sách Co-ran là Sách Thánh duy nhất và hoàn toàn cấm ngặt và lên an việc tự tử. Sách Co-ran viết: «Các ngươi chớ gieo mình vào sự huỷ hoại bằng chính đôi tay mình.» Ngay cả khi gặp phải sự đau đớn bất khả kham và sự tuyệt vọng, người ta cũng không được tự sát: «Ai tự đâm vào mình để tự sát, người đó sẽ bị đâm thủng trong hoả ngục. Còn ai tự gieo mình từ trên núi xuống, thì trong hỏa ngục người đó sẽ muôn đời bị như thế mãi.»

Con người không được phép huỷ hoại sự sống đã được ban cho mình cũng như sự sống của những người đồng loại khác. Ngay cả việc cộng tác vào việc tự tử của kẻ khác cũng bị cấm. Sách Co-ran viết: «… và các người đừng tự giết mình» (4:29). Hành động giết người, dù giết kẻ khác hay tự tử đều bị nghiêm cấm.

«Nếu ai vi phạm điều đó và làm một cách ác độc, thì Ta sẽ cho hầm nhừ nó trong lửa, và đó là một điều không hề khó khăn đối với Allah! Nếu các ngươi tránh xa những điều năng nhọc và những điều cấm các ngươi làm, thì Ta sẽ cất khỏi các ngươi những điều dữ nhỏ nhặt của các ngươi và đưa dẫn các ngươi vào một nơi đầy vinh dự.» (4:30-31)

Cái chết đời này là cánh cửa dẫn vào cuộc sống kế tiếp, như là sự chuyển tiếp dưới một hình thức khác của sự hiên hữu. Nhiều chỗ trong Sách Co-ran đề cập đến việc báo trả cho những việc lành và việc dữ của một người. Vì lãnh vực thiêng liêng quá bí ẩn đối với con người, nên cách thức một cuộc sống hạnh phúc mang tính cách vật chất được ghi rõ bằng con số và được ám chỉ qua các hình ảnh biểu tượng. Trong các giáo lý chính thức về giai đoạn giữa sự chết và sự sống lại, không được rõ ràng. Tư tưởng từ niềm tin đại chúng và cả trong những sách thần học thông dụng người ta đã tìm thấy quan điểm về sự tra khảo ở trong mồ, «nỗi sầu khổ mồ mả.» Tiên tri Ma-hô-mét coi mồ mả là «nơi chốn đầu tiên của thế giới bên kia.» Ở trong chốn đầu tiên này, các Thiên thần sẽ trao hỏi người chết về Đức Chúa của anh. Người vô đạo sẽ không thể trả lời được câu hỏi này. Vị Sứ Giả của Trời Cao sẽ ra lệnh làm cho người đó một cái giường bằng lửa và một cánh cửa mở ra phía lửa cháy, hầu cho mộ phần của người đó bốc khói và các xương sườn của y bị dồn ép lại với nhau. Mộ của kẻ vô đạo thu hẹp lại mỗi ngày mỗi hơn, mãi cho tới khi nấm mộ bóp gãy người đó, và y sẽ bị những con rắn to bằng gáy con lạc đà nuốt chửng, cho tới khi không chút thịt nào còn bám ở xương người đó. Các Thiên Thần đánh người đó bằng những cây sắt và từ buổi sáng tinh sương cho tới lúc chiều tà kẻ đó sẽ được nhìn thấy chương trình của hỏa ngục.(5)

Cũng thế, đức tin vào cuộc chung thẩm và sự sống lại của những người quá cố, thuộc về những giá trị tôn giáo quan trọng nhất: «… những ai tin vào Allah và ngày sau hết và thực hiện các việc lành, sẽ được Đức Chúa của họ ban thưởng…»(2:62). Tuy nhiên, trong ngày sau hết, con người toàn diện, cùng với thể xác, tinh thần và linh hồn sẽ được sống lại. Đức tin Hồi giáo cho rằng cuộc sống của vũ trụ và tất cả những gì có trong đó, sẽ chấm dứt trong ngày đã được luật ấn định. Tất cả mọi sự sẽ bị tiêu diệt. Tất cả những người ngay từ ban đầu đã sống trên trái đất, sẽ được sống lại và được dẫn ra trước toà án Thiên Chúa và Người sẽ cân nhắc các việc lành và các việc dữ: Những người làm việc thiện thì gặt hái được sự hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên đàng, còn những người làm điều dữ thì phải chịu quằn quại đau thương đời đời trong hỏa ngục.

Sách Co-ran gọi sự vô đạo của con người và những việc làm độc dữ của họ là những nguyên nhân cho hình phạt khủng khiếp như thế, qua đó tất cả mọi kẻ vô đạo muôn đời sẽ bị chịu mọi cực hình kinh sợ trong hoả ngục. Còn những ai, trong cuộc sống mình biết đón nhận niềm tin Hồi giáo, thì sẽ được giải thoát khỏi hình phạt hoả ngục và được lên Thiên đàng.

Thiên đàng là nơi vui sướng muôn đời được dành cho tất cả mọi tín hữu. Trong Sách Co-ran, Thiên đàng được trình bày như là một khu vườn tuyệt vời. Ở đó có những dòng sông tuôn chảy nước, sữa bò, rượu và mật ong (14:23; 47:15). Ở đó cũng có đầy đủ mọi thứ hoa trái cũng như các thứ thịt chim chóc, nói tắt là có sẵn tất cả những gì phục vụ sự sung sướng thể xác. Trong số các vui sướng của các kẻ lành cũng có cả những cô trinh nữ và các cậu trai thiên đàng. Ngoài ra Sách Co-ran cũng nói đến khả năng được chiêm ngưỡng Thiên Chúa một cách trực tiếp, nhưng trạng thái xuất thần đó không thể diễn tả bằng ngôn ngữ loài người được.

4) Cái chết của những tên khủng bố ở New York

Cuộc phá huỷ Trung tâm Thương mại Quốc tế WTC (World Trade Center) ở New York một cách khủng khiếp, bằng hành động tự sát của những tên khủng bố qua khích và kéo theo sự giết hại hàng ngàn người vô tội khác, đã cho thấy chiều kích hoàn toàn mới của nạn khủng bố ngày nay, do con người sáng chế ra và thực hành. Đó là những kẻ khủng bố không chỉ sẵn sàng huỷ hoại cuộc sống mình bằng sự tự sát, nhưng họ còn có một mục đích khác nữa là nhằm gây nên một sự phá hoại thật to lớn có thể và giết hại cho thật được người. Người ta cũng tường trình lại một điều khác cũng liên quan mật thiết đến vụ khủng bố này, là những tên khủng bố đã hy vọng sẽ được lên Thiên đàng và sẽ được Chúa Allah của họ thưởng công khi họ gây ra một hoả ngục trần gian như thế bằng sự tự sát của họ và bằng sự giết hại nhiều người vô tội. Sự tin tưởng ngây ngô và độc ác đó hoàn toàn là một ngu si lầm lẫn tai hại.

Như đã từng được trình bày trên, sự nghiên cứu khoa học trong 30 năm vừa qua trên khắp thế giới và độc lập với các quan điểm thuộc lãnh vực ý thức hệ và tôn giáo, đã phải đối mặt với câu hỏi: Những gì sẽ xảy ra cho chúng ta, nếu chúng ta chết! Sự đánh giá về hàng triệu những trải nghiệm về sự chết trên khắp thế giới đã làm nảy sinh một qui tắc làm nền tảng cho tất cả mọi cảm nghiệm về sự chết: Linh hồn con người xuất ra khỏi xác và người trong cuộc cảm thấy mình vẫn sống và sống động hơn bao giờ hết.

Nếu vậy, linh hồn của những kẻ khủng bố - khi chúng đâm đầu cùng với chiếc máy bay vào hai toà nhà vĩ đại của Trung tâm Thương mại Quốc tế ở New York để tự sát và để giết hại hàng người khác – đã bị trục xuất một cách cực kỳ vội vàng ra khỏi xác như thế và chắc chắn đã phải vô cùng đau đớn. Những kẻ khủng bố cũng cảm nghiệm rằng học vẫn sống động sau khi đã chọn cho mình một cái chết vô xùng đau đớn và lầm lạc. Và nếu linh hồn của những kẻ đó không bị cầm giữa lại trong đường hầm đen tối, thì đương nhiên phải trực tiếp đối diện với nỗi sợ hãi và mặc cảm tội lỗi trên đường bước vào thế giới vĩnh hằng.

Nhất là khi các kẻ khủng bố xuất hiện trong ánh sáng mà họ sẽ nhận ra rằng đó là tình yêu thương, là sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu và sự công bằng. Và tương tự như nơi các người quá cố khác, những kẻ khủng bố cũng sẽ nhìn lại cuộc sống của mình. Bấy giờ họ sẽ nhận ra được một cách rõ ràng trách nhiệm, cuộc sống và các hành động cũng như tư tưởng của họ. Dĩ nhiên, những kẻ khủng bố sẽ không chỉ trải nghiệm được một sự hiểu biết chính xác về những gì thuộc về cuộc sống của họ, nhưng họ còn phải trải nghiệm cả những hậu quả và những tác động của những hành động tiêu cực của họ trên người khác. Sau khi chết, tức khi không còn trong một thể xác mang nặng những dục vọng như hận thù, phe phái, ích kỷ, v.v…, linh hồn của những kẻ khủng bố sẽ trở nên hoàn toàn sáng suốt minh mẫn để nhìn thấy được những việc phải-trái, đúng-sai do họ gây ra và đời đời phải gánh chịu mọi báo trả khủng khiếp cho mọi hành động man rợ và vô nhân đạo của mình, vì mọi sự đã quá muộn mằn.

Những quan điểm về sự sống lại và ngày chung thẩm của Do-thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, được xác nhận trong qua sự trải nghiệm về sự chết. Dĩ nhiên, từ «sống lại» ở đây được hiểu là sự sống mới của linh hồn trong chốn vĩnh cửu, một sự sống ngoài thân xác.

Về điểm đó, chính ĐTC Gioan Phaolô II đã giải thích vào tháng 10. 1998 như đã nói ở trên, là cuộc sống con người sau khi chết không phải chờ tới ngày sống lại sau cùng mới được bắt đầu, nhưng phần tâm linh tức linh hồn con người tiếp tục hiện hữu ngay sau khi chết.(6)

Còn Thiên đàng hay hoả ngục là tình trạng hạnh phúc hay đau khổ do chính chúng ta tạo ra cho mình qua những hậu quả tất nhiên của các hành động trong cuộc sống chúng ta. Trong trường hợp những tên khủng bố ở New York thì chính thực tại sự chết của trên ba ngàn người vô tội mà chính chúng đã gây ra qua hành động giết người đầy chủ ý của mình. Sự khủng khiếp cho những kẻ khủng bố là khi họ nhận chân ra được những hậu quả vô cùng thảm khốc mà họ đã gây ra cho bao người khác và các hậu quả đó quay trở lại đời đời chất nặng lên linh hồn họ. Và đó là tất cả sự thật mà họ phải đối mặt khi họ phải ra đứng trước toà Thiên Chúa Tối Cao, chứ không phải Thiên đàng và các phần thưởng của Chúa Allah dành cho họ như họ lầm tưởng.

5) Kết luận

Sống trên đời, mỗi người đều ý thức được những luật lệ tự nhiên mà Tạo Hoá đã khắc in vào trong lương tri con người khi họ được sinh ra trên cõi đời này. Ví dụ: «Ai gieo gì thì sẽ gặt được thứ đó», «Ngươi không được giết người», «Điều gì ngươi không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm điều đó cho người khác.» Đó là những nguyên tắc sống nền tảng, là qui luật cơ bản cho hết mọi người, hoàn toàn độc lập với tất cả mọi quan điểm và xác tín tôn giáo, vì sự sống con người là điều thiện hảo tối thượng mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người. Quan niệm cho rằng chỉ các tín hữu mới được sống, còn những kẻ vô đạo hay vô thần thì đáng phải chết, là một điều hoàn toàn vô lý và đi ngược lại các nguyên tắc sự sống, nhất là đi ngược lại chương trình của Thiên Chúa Tạo Hoá. Những gì chúng ta học hỏi được qua các khám phá mang tính cách khoa học về sự chết, đó là: Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa không hề cho phép chúng ta giết hại người khác, vi lý do là họ có suy tư, có ý kiến hay có sự xác tín khác chúng ta

_____________________

Chú thích:

1. xem Is 45,18-21; Xh 20,1-2.

2. Sách Talmud: cuốn Tanach thì Sách Talmud là sách Kinh Thánh rất quan trọng của Do-thái giáo và có nghĩa là dạy dỗ hay học tập. Năm cuốn Sách Thánh đầu của Môisê được gọi Torah lý thuyết, còn Sách Talmud là Torah thực hành. Còn Sách Tanach, Sách Kinh Thánh của Do-thái giáo, viết tắt các chữ Tora, Nevi’im và Ketuvim.

3. Is 61,2; 63,4; Gr 46,10; Am 5,20; Xp 1,14-18.

4. Báo Osservatore Romano bằng tiếng Đức, số 45, ngày 6.11.1998

5. Hortense Reintjes-Anwari: „Der Tod aus islamischer Sicht.“ Trang 229. Trong: Constantin von Barloewen (Hrsg): „Der Tod in den Weltkulturen und Weltreligionen.” Frankfurt a.M. 2000.

6. Báo Osservatore Romano bằng tiếng Đức, cùng chỗ như trên.