Sứ Mạng Người Cầm Bút Công Giáo Việt Nam

Qua sự hỗ trợ của Ủy Ban Văn Hóa Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Tạp Chí Sứ Điệp và một số thân hữu, một buổi gặp gỡ thân mật giữa những người Việt Nam sinh hoạt trong lãnh vực văn hóa và nghệ thuật tổ chức tại Boston College, MA, vào ngày 4 tháng 10, 2008, với chủ đề: 'Chuyển Tải Sứ Điệp Tin Mừng qua Văn Học & Nghệ Thuật'. Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ, LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm, đã được mời chia sẻ về đề tài: "Sứ Mạng của Người Cầm Bút Công Giáo Việt Nam". Dưới đây là toàn văn bài chia sẻ.

Kính thưa quý Cha và toàn thể quý vị,

Chân thành cám ơn tất cả quý vị đã hy sinh thời giờ, công sức quy tụ về nơi đây, cùng nhau ngồi lại để hy vọng đóng góp một cái gì đó cho nền Văn Hóa Công Giáo Việt Nam. Thành ý của mỗi người rất đáng hoan nghênh. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Nói đến Sứ Mạng, có lẽ người Công Giáo chúng ta quen với từ "Ơn Gọi" hơn. Ba vấn đề trong phạm vi này: Ai gọi, gọi ai và gọi để làm gì?

Với con mắt đức tin: chúng ta nhận biết rằng, mỗi người đều được Chúa gọi, và trao cho sứ mạng nào đó. Đúng như điều chia sẻ của Đức Thánh Cha Benedict XVI, trao đổi với Peter Seeward, rằng: “Mỗi cuộc sống có ơn gọi riêng. Nó có ẩn số riêng và con đường riêng. Không cuộc đời nào là thuần bắt chước, tung tăng bước ra từ một chuỗi giống nhau. Và mỗi người cũng cần can đảm sống đời mình một cách sáng tạo mà chẳng cần bắt chước ai” . ( 'Thiên Chúa và Trần Thế', tr. 286). Cũng qua điều chia sẻ này, ý nghĩa của dụ ngôn Nén Bạc chúng ta thi thoảng nghe trong các Thánh Lễ, rõ nét hơn: Tùy theo khả năng từng người, Chúa giao cho 5 nén, hay 2 nén để sinh lợi (Mt 25:14-29).

Trong Phần Nhập Đề của cuốn 'Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo' (Tóm Lược HTXH), có nhấn mạnh: “Ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc sống con người được lộ ra khi con người tự do tìm kiếm sự thật nào đó có thể định hướng và đem lại sự sung mãn cho cuộc sống” (Tóm lược HTXH, tr. 37).

Thật vậy, thế giới này chứa đựng nhiều điều bí nhiệm bao quanh cuộc sống và hoàn cảnh con người, và con người khi sinh ra, với lòng khao khát tìm kiếm sự thật xung quanh cuộc sống, đã cố gắng rất nhiều để có những đáp án. Qua hành động dấn thân tìm hiểu cho ra sự thật đó, đã làm cho đời sống con người phong phú hơn, sung mãn hơn!

Cần mở ngoặc nơi đây, cuốn sách này do Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình biên soạn và phổ biến năm 2004. Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng, “đã thực hiện phần chuẩn bị phức tạp của tài liệu này” , như lời đương kim Chủ Tịch Hội Đồng, đức Hồng Y Renato Raffaele Martino, giới thiệu.

Trong lĩnh vực Văn Hóa, - chúng ta đang nói chuyện văn hóa – “Văn Hóa phải là lĩnh vực ưu tiên, cho sự hiện diện và dấn thân của Giáo Hội và các Kitô hữu” (Tóm Lược HTXH, tr. 378). Rất rõ ràng, tất cả Kitô hữu đều được mời gọi dấn thân trong lĩnh vực này! Linh Mục Trần Cao Tường, một nhà sinh hoạt nhiệt thành và tha thiết trong lãnh vực Văn Hóa lâu năm, cũng đã nêu lên những băn khoăn và ưu tư đó trong nhiều bài viết, cụ thể là bài 'Có Cần Lập Một Ban Mục Vụ Văn Hóa Trong Mỗi Cộng Đoàn Công Giáo Không?', đăng trên Nội San Liên Đoàn, số 23, năm 2008.

Lời mời gọi dấn thân thật tha thiết và cấp bách cho Văn Hóa cũng đến từ nguồn chính thống: từ các Giáo Phụ tham dự Công Đồng Vatican II. Các ngài đã nhận thấy “sự tách rời của niềm tin Kitô giáo và đời sống hằng ngày như là một trong những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta” . (Hiến Chế Mục Vụ, Gaudium et Spes, 59:AAS 58 (1966), 1062). Chi tiết hơn, vì: “Tình trạng không có một viễn cảnh siêu hình, sự đánh mất lòng khát vọng tìm Chúa vì yêu mình quá độ nên chỉ tự phục vụ cho chính bản thân, và các hình thức khác nhau gặp thấy trong những lối sống tiêu thụ; dành ưu tiên cho việc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật như là cùng đích của đời mình; chú trọng vào dáng vẻ bên ngoài, nỗ lực truy tìm hình ảnh, những kỷ thuật truyền thông" (Tóm Lược HTXH, tr. 378).

Kể từ những ngày các Giáo Phụ Công Đồng Vatican II nhận xét những điều trên, thế mà tưởng chừng như mới... hôm qua, vì tình trạng xã hội và con người hiện tại ở trên đất nước Hoa Kỳ này, hay ở những quốc gia khác như bên Âu Châu và ngay cả ở Việt Nam chúng ta, cũng không... có khác gì hơn 40 năm trước!

Do vậy, Sứ Mạng mà người Kitô hữu, sau khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, được trao ban: Rao Giảng Tin Mừng Cứu Độ, về Thiên Chúa và Tình yêu bao la của Ngài dành cho loài người, hơn lúc nào hết được chú trọng đặc biệt.

Câu hỏi được đặt ra cho giới cầm bút Công Giáo, chúng ta sẽ thực hiện như thế nào? Theo thiển ý, có lẽ sứ mạng của những người cầm bút Công Giáo sẽ thành công hơn, khi mỗi người cố gắng trở nên là một phó bản của Chúa Giêsu không những trong cuộc sống cá nhân, mà còn trong những tác phẩm - những đứa con tinh thần của mình: "Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14:6). Thể hiện được những điều đó, chính là hình thành hai Nhân Cách Sống và Nhân Cách Viết có nét đặc thù: Công Giáo. Điều này cũng phù hợp với những nhận định và đánh giá về Người Cầm Bút nói chung, căn cứ vào hai nhân cách của họ: Nhân cách Sống và nhân cách Viết.

Liên quan đến điều này, chúng ta hơn lúc nào hết, cần suy gẫm những định hướng của Giáo Hội về sự tham gia trong lĩnh vực văn hóa, đó là 'cố gắng bảo đảm quyền có một nền văn hóa nhân bản và dân sự cho mỗi con người, phù hợp với phẩm giá của con người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, quốc gia, tôn giáo hoặc những hoàn cảnh xã hội. Quyền này bao hàm quyền của các gia đình và những con người được đi học trong các trường miễn phí và các trường mở; tự do tiếp cận với các phương tiện truyền thông xã hội, cũng như tránh được mọi hình thức độc quyền và kiểm soát về ý thức hệ trong lĩnh vực này, tự do nghiên cứu, chia sẻ tư tưởng, bàn cãi và thảo luận.

Nhiều hình thức tước đoạt về văn hóa và không nhìn nhận các quyền lợi của văn hóa chính là nguồn phát sinh ra sự nghèo khổ của nhiều dân tộc. Sự dấn thân vào việc giáo dục và đào tạo con người luôn là mối quan tâm hàng đầu của hoạt động xã hội Kitô giáo
. (Tóm Lược HTXH, tr. 380).

Năm 2007 vừa qua, sau Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) lần thứ X tổ chức tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội từ ngày 08 đến 12-10-2007, HĐGMVN đã đưa ra một thư Chung 'Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội và Giáo Hội Ngày Mai', có chủ điểm về Giáo Dục Kitô Giáo, chính là đã nhìn thấy những giá trị cần thiết, quan trọng và khẩn trương của một nền giáo dục Công Giáo hơn bao giờ hết đang cần trên đất nước Việt Nam.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam thuộc toàn bộ 26 giáo phận Việt Nam qua lá thư Chung này, cũng đã thẳng thắn bày tỏ thiện chí muốn dấn thân tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa của toàn thể Giáo Hội Việt Nam, với con số hơn tám (8) triệu người giáo dân trong nước, đó là chưa tính đến sự trợ giúp đáng kể của gần một (1) triệu người Công Giáo sinh sống khắp nơi ở hải ngoại đáp trả lời mời gọi của các ngài, để giúp xã hội và con người Việt Nam thăng tiến toàn diện nói chung, và về mặt văn hóa nói riêng. Có lẽ, các ngài cũng biểu đồng tình với Đức cố Thánh Cha John Paul II, đó là, 'nhờ văn hóa, con người, với tư cách là người, sẽ trở nên người hơn' (Thư Đức Thánh Cha John Paul II gởi UNESCO, ngày 23-6-1980, tr. 9).

Một nét đẹp của đất nước và con người Hoa Kỳ, đó là người ta trân quý và hoan nghênh những đóng góp lao động -trí óc hay tay chân- của tập thể hay cá nhân vào sự thịnh vượng và phúc lợi của quốc gia, xã hội, đặc biệt những sự đóng góp này mang tính cách tự nguyện và vô vị lợi.

Chính phủ Hoa Kỳ, dù do bất cứ đảng phái nào lãnh đạo, cũng luôn khôn ngoan không những biết tìm kiếm và ưu đãi nhân tài, mà còn biết nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài nữa. Chính vì chính sách 'chiêu hiền đãi sĩ' như thế, nhiều chất xám từ khắp nơi trên thế giới đã lũ lượt chảy về Hoa Kỳ: từ Ý, Pháp, Đức, Trung Quốc, Anh, Nga Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Việt Nam…giúp cho đất nước và xã hội này mỗi ngày mỗi cường thịnh hơn.

Về phương diện khác, Chúa Giêsu Kitô qua việc bày tỏ mình ‘là Đường, là sự Thật, và là Sự Sống’, đã không những giúp cho người Công Giáo xác tín hơn vào chân lý, vào đức tin của mình, mà còn vạch ra một viễn cảnh tươi đẹp vào niềm hy vọng có thật của một 'Trời mới, Đất mới'.

Điều này, cũng tùy thuộc vào mức độ dấn thân của Kitô hữu liên quan đến Nội Dung của Văn Hóa, đó là Sự Thật. Đức Thánh Cha Benedict XVI xác tín rằng: "Bản chất con người là yêu sự thật" (Thiên Chúa và Trần Thế, tr. 184). Hơn thế nữa, ngài còn khẳng định rằng "chân lý chính là tình yêu, và tình yêu sẽ trở nên dị hợm, khi nó chống lại sự thật" (SĐD, tr. 185). Vấn đề Sự Thật chính là cốt lõi của Văn Hóa, và dù tin hay không tin, càng gần với Sự Thật bao nhiêu, chúng ta càng giống Thiên Chúa bấy nhiêu - là Đấng tuyên xưng: Ta là Sự Thật!

Những sự việc xảy ra tại Tòa Khâm Sứ và tại Giáo Xứ Thái Hà, không còn đơn thuần là chuyện tranh chấp đất đai giữa Giáo Phận Hà Nội với địa phương nữa! Có cái gì lớn hơn, nghiêm trọng hơn, và có giá trị về mặt tinh thần hơn nhiều so với giá trị vật chất của mảnh đất bé tí kia! Giá trị đó mang tính cách thiêng liêng, ngay chính Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt cũng từng chia sẻ trong các buổi gặp gỡ với chức sắc chính quyền địa phương, cũng như Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, sau Hội nghị thường niên kỳ II từ ngày 22-26 tháng 9, 2008 tổ chức tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc vừa qua, đã cho phổ biến Bản Nhận Định và Quan Điểm của HĐGMVN. Có thể tóm tắt lại những gì các ngài tha thiết đóng góp cũng như mong đợi, nếu không sợ bị phê phán là chủ quan: Hãy trả lại cho Sự Thật những gì thuộc Sự Thật! Thế thôi, không cần nhiều hơn, nhưng cũng không được ít hơn!

Trong lá thư mới nhất của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gởi cho cộng đồng dân Chúa trong nước vào ngày 3 tháng 10, 2008 vừa qua, các ngài cũng bày tỏ ưu tư ‘Con đường đối thoại tìm về chân lý, công lý và lợi ích lâu dài của đất nước là con đường dài với nhiều khó khăn và trắc trở, đòi hỏi khôn ngoan và kiên nhẫn’.

Trong bối cảnh của xã hội ngày hôm nay, đoạn Tin Mừng của Thánh Luca chúng ta vừa nghe qua: 'Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.' cũng là những điều 'ứng nghiệm' cho những người Cầm Bút Công Giáo Việt Nam để chúng ta suy niệm, cầu nguyện và tích cực hành sử chức năng của mình là Tông Đồ Của Sự Thật, hầu góp phần vào việc dựng xây thế giới tốt lành và thánh thiện hơn.

Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ