Việt Nam trong dòng chảy lịch sử nhìn dưới góc nhìn của luân lý.

Con người là một tạo vật thượng đẳng vượt lên trên mọi loài khác trong tự nhiên. Cái làm cho con người khác các sinh vật khác đó là bản ngã của con người. Con người nhận ra bản ngã của mình là nhờ có tự do, tình yêu, và lí trí. Vì con người là những nhân vật của lịch sử nên lịch sử của loài người là lịch sử của sự tìm kiếm và phát triển bản ngã, một hành trình dài, nhiều khi “Lạc Đường” [1] để đi tìm “tôi là ai”.

Khát vọng kiếm tìm bản ngã của chính mình in đậm nét trong lịch sử loài người, thể hiện qua việc hình thành rất sớm các tôn giáo.

Trong Phật giáo, con đường tìm kiếm bản ngã được giới thiệu là con đường diệt dục, thực hành lối sống từ bi hỷ xả, nhờ đó mới làm lộ ra được “chân Phật” đã có sẵn trong bản ngã mỗi người, thoát khỏi vòng luân hồi và trở thành một vị Phật.[2]

Trong Ki-tô giáo, khát vọng tìm kiếm bản ngã của con người thể hiện ngay từ đầu của Kinh Thánh khi A-dam và E-va ăn trái cấm vì ước muốn trở lên giống Thiên Chúa, “biết được sự lành và sự dữ” [3]. Tâm linh Ki-tô giáo cũng mở ra một con đường để tìm thấy bản ngã đó là lối sống bác ái để nên hoàn hảo như “Thiên Chúa là tình yêu” [4].

Trong các tôn giáo đó, con người gửi gắm ước mơ về tự do, về một thế giới vĩnh hằng của tình yêu trong đó con người không còn bị giới hạn vào thế giới vật chất hữu hạn.

Không chỉ phản ánh qua tôn giáo, khát vọng tìm kiếm bản ngã của con người thực sự còn là nhân tố định hình lịch sử của loài người. Những trào lưu lịch sử hiện đại là những bằng chứng gần gũi và sống động về vai trò định hình thế giới của khát vọng tìm kiếm “tôi là ai” của nhân loại.

Trước tiên phải kể đến trào lưu cộng sản: Học thuyết cộng sản của Carl Max ra đời trong thời kì gọi là Kỉ Nguyên Ánh Sáng [5]. Gọi là Kỉ Nguyên Ánh Sáng vì thời kì này đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc trong tri thức và triết học với phương pháp tư duy chủ đạo dựa trên lí tính. Đóng góp của thời kì này cho hành trình tìm kiếm bản ngã đó là đã khơi dậy một cách mạnh mẽ quyền tự do cá nhân, quyền bình đẳng giữa người với người. Carl Max là một trong những người nắm được xu hướng này của xã hội, nhưng tiếc thay, thay vì kết tinh những mặt tích cực của thời kì này, Carl Max đã kết tủa những mặt tiêu cực của thời kì này, đó là ông đã tối giản hóa bản ngã của con người tới mức: “con người là công cụ sản xuất”[6] – một quan niệm hoàn toàn vật chất hóa con người. Để triển khai học thuyết của mình, Carl Max đã áp dụng suất sắc phương pháp biện chứng khoa học, một phương pháp đang được sùng bái như là một chuẩn mực tư duy của kỷ nguyên ánh sáng, kết quả là học thuyết của ông đã tác động tới một số đông người. Bản ngã của con người không đơn giản chỉ là một dạng vật chất dù hữu thể hay trừu tượng, và tự do, tình yêu, lí trí cũng không thể chỉ dùng phương pháp phân tích mổ xẻ khoa học là hiểu được. Phong trào cộng sản đánh dấu một giai đoạn lạc đường trong hành trình tìm kiếm bản ngã của con người. Chính vì không thỏa mãn được câu hỏi “tôi là ai” nên hình thái xã hội cộng sản vô thần là một trong những hình thái xã hội tồn tại ngắn nhất trong lịch sử loài người.

Bên cạnh phong trào cộng sản, một phong trào nữa ra đời muộn hơn đó là phong trào Phát-xít. Chủ nghĩa phát-xít thực ra là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hiếu chiến, rõ ràng cũng đã không đáp ứng được khát vọng thâm sâu về tự do, tình yêu và lí trí của bản ngã con người nên cũng nhanh chóng bị lên án và sụp đổ một cách chóng vánh.

Nhưng cũng sau kỉ nguyên ánh sáng này một loạt nước đã phát triển vượt bậc nhờ biết tạo ra và cung cấp môi trường tự do như một mảnh đất cần thiết cho bản ngã con người phát triển. Tất cả các nước này đều là những nước có mô hình xã hội đa nguyên đa đảng, với các quyền cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do lập đảng, tự do tôn giáo… những quyền này như môi trường thiết yếu để con người tìm ra chính mình, thỏa mãn khát vọng tự do, tình yêu và phát triển lí trí.

Rõ ràng khát vọng tìm kiếm bản ngã của chính mình là động lực vận hành lịch sử và định hình xã hội. Khát vọng đi tìm “tôi là ai” là động lực giúp con người cải tạo thiên nhiên theo hướng có lợi và biến đổi xã hội trở nên tự do hơn, bình đẳng hơn, và tình người hơn. Bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ đã viết: “những chân lý mà chúng ta đều biết là: tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều được Tạo Hóa sinh ra với các quyền bất khả xâm phạm, trong những quyền đó có quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”.[7]

Xã hội hiện đại với cuộc cách mạng điện toán xem ra ngày một thỏa mãn con người. Phải chăng với thành tựu vượt bậc của khoa học, cũng như kinh tế trong thời đại tin học này có thể trả lời thỏa mãn câu hỏi “tôi là ai” của con người. Phải chăng hành trình tìm kiếm “tôi là ai” đã gần chạm đích?

Có rất nhiều người tưởng rằng đã tìm ra bản ngã của mình trong cuộc cách mạng số hóa đó. Bằng chứng là hàng loạt các chủ nghĩa mới ra đời với đông đảo người theo như chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa mua sắm, chủ nghĩa tăng trưởng kinh tế…Nhiều người trẻ ngày nay khẳng định đẳng cấp của mình qua điện thoại di động, qua máy tính sách tay, qua tên tuổi của những vũ trường mình đến, hay loại thuốc lắc mà mình “cắn”. Lối sống của những người trẻ này đã bị số hóa, và xa hơn nữa cả bản ngã của họ cũng bị số hóa khi họ khoe “đẳng cấp” tình yêu của mình bằng danh sách và sự nổi tiếng các cô gái, các chàng trai mà họ đang yêu.

Nhiều nước Tây phương đã trải nghiệm những thất bại khi tìm kiếm bản ngã của con người trên con đường này, chính vì thế mà các thập niên vừa qua đã chứng kiến sự lớn mạnh của nhiều phong trào: phong trào chống lại các hoạt động kinh tế hủy diệt môi trường, phong trào cổ động lối sống giản dị tiết kiệm, chống phá thai, chống trợ tử. Đáng chú ý hơn nữa đó là sự trỗi dậy của các tôn giáo.

Thật thế, trong thời đại thần tốc, chớp nhoáng của kĩ thuật tin học điện toán toàn cầu, con người thời đại bước vào một thế giới bất phân minh giữa quá khứ, hiện tại hay tương lai. Bởi đó những nhận định hướng quen thuộc và khả thể tiên đoán biến mất dần trong hầu hết mọi lãnh vực của cuộc sống. Kinh qua kinh nghiệm trên, con người mới phát giác ra nhu cầu tìm lại một thực tại quen thuộc, vì nếu không có nó, con người không thể đương đầu được với những thay đổi dồn dập thường xuyên. Những hình thức nguyên ủy cảm nhận vũ trụ và bản ngã một cách toàn diện trong đó phải kể đến các truyền thống tôn giáo. Chúng trở thành những đồn trú cần thiết chống lại hình thái thế giới được giải thích theo cách mổ xẻ phân tích của khoa học kĩ thuật. [8]

Xã hội VN mới bắt đầu tiến vào con đường cao tốc của thời đại kĩ thuật số này được 22 năm (tính từ 1986) nhưng trong xã hội Việt Nam đã không thiếu bất cứ một thứ chủ nghĩa tiêu cực nào của thế giới hiện đại. Chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa hưởng thụ đã thâm nhập vào mọi ngõ ngách của xã hội Việt Nam, kéo theo sự xuống cấp luân lý một cách trầm trọng. Bộ máy nhà nước thì bị tê liệt bởi nạn tham nhũng và quan liêu. Các hệ thống phúc lợi xã hội đã thô sơ lại ngày càng uể oải khi tình người của đội ngũ nhân viên công chức ngày càng bị sơ hóa vì đồng tiền. Ở rất nhiều bệnh viện, muốn được chữa trị kịp thời và chu đáo bệnh nhân phải lo tiền lót tay cho bác sĩ, y tá. Lối sống thực dụng vội vã và đặt nặng tiêu chí vật chất của giới trẻ càng ngày càng phá hủy nhân bản và căn tính của người Việt. Tính riêng bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, ngày cao điểm tiếp nhận hơn một nghìn ca nạo hút thai.

Vậy đâu là nguyên nhân của sự xuống cấp về luân lý một cách nhanh chóng đó của Việt Nam? Đơn giản là vì bản ngã con người bị phá hủy.

Từ khi học thuyết cộng sản du nhập vào Việt Nam bản ngã của con người đã bị tàn phá một cách khốc liệt. Mảnh đất tự do để bản ngã lớn lên cũng bị đưa vào hợp tác xã, riêng còn không có có gì chung.[9] Mảnh đất tình yêu lại ngập tràn bạo lực, vì bạo lực cách mạng là phương pháp để cướp chính quyền và là công cụ để thể chế cộng sản điều hành đất nước.[10] Với giáo dục, mảnh đất cho lí trí lớn lên lại bị làm cằn cỗi hóa với học thuyết Max-xit là học thuyết duy nhất được dạy trong nhà trường, một dấu chấm hết cho sự lớn lên của lí trí.

Đói khát vể tự do, tình yêu và lí trí, bản ngã của con người Việt Nam trở nên suy dinh dưỡng, thiếu sức đề kháng. Những bản ngã yếu ớt này đứng trước những tiêu cực của kinh tế thị trường liền bị “liệt kháng”,[11] không cưỡng lại nổi sức hút của đồng tiền.

Những năm sắp tới, mục tiêu chính của chính phủ Việt Nam chắc chắn vẫn là mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thể chế chính trị Việt Nam cũng vẫn là thể chế cộng sản. Và bản ngã của con người Việt Nam vẫn tiếp tục phai tàn. Kết quả tất yếu của hành trình này là một sự đổ vỡ không gượng lại được của xã hội Việt Nam, khi mà luân lí bị ruồng bỏ và thay vào đó là sự ngự trị của đồng tiền. Một cơn bão nhỏ có thể phá hủy chút xíu một vùng đất sống, nhưng một cơn bão hung hãn có thể làm cho một vùng đất trù phú trở thành vùng đất chết, nhất là cơn bão vật chất tàn phá luân lý trong thời đại thần tốc chớp nhoáng. Việt Nam sẽ không bị tàn phá bởi chiến tranh như nỗi lo sợ của các chính khách Việt Nam, nhưng chính “chính sách đóng cửa giáo dục” của nhà cầm quyền lại là vũ khí hủy diệt nổ ngay chính giữa lòng xã hội Việt Nam, nhất là trong thời đại thần tốc vũ bão này. Một thứ chất độc da cam làm cho bản ngã của các thế hệ Việt Nam kế tiếp trở thành những quái thai.

Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam quên mất một điều rằng, sở dĩ xã hội các nước pháp triển phương tây vẫn đứng vững trong thời đại thần tốc chớp nhoáng ngày nay là bởi vì xét cho cùng văn hóa Ki-tô giáo từ hơn một nghìn năm trước đã cắm rễ trong lòng của những xã hội này, và tại những miền đất này tự do, tình yêu, và lí trí vẫn không ngừng hoàn thiện và cung cấp cho sự lớn lên của bản ngã con người. Cụ thể là tại những nước này phong trào chống phá thai bảo vệ sự sống, phong trào chống an tử phát triển mạnh mẽ trong khi đó tại Việt Nam, phá thai dường như đã trở thành một luật của tự nhiên vì con người chỉ là “công cụ sản xuất”. Đúng là nền văn hóa Việt Nam chứa đựng rất nhiều những giá trị tinh thần và tâm linh rất quý báu nhưng chỉ trong vòng hơn nửa thế kỉ các giá trị đúc kết từ ngàn năm đã bị rửa trôi bạc màu bởi dòng chảy của chủ nghĩa duy vật.

Có thể con người ngày nay hiểu biết nhiều hơn nhưng chưa chắc đã “thông thái” hơn con người của hai ngàn năm trước. Vẫn còn âm vang trong dư luận vụ hai doanh nhân Việt Nam xem phim tình dục qua máy tính sách tay trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airline khiến cho một phụ nữ Pháp kế bên phải bật khóc.[12] Và cũng trên một chuyến bay của Vietnam Airline ngoại trưởng Bỉ đã bị buộc phải nhường ghế cho một quan chức bộ chính trị.[13] Phải chăng đó là lòng hiếu khách của người Việt Nam xã hội chủ nghĩa?

Nhận thức về bản ngã của nhân loại nói chung đã tiến rất xa, dẫu là sau nhiều lần lạc đường. Nhân loại sẽ vẫn luôn còn phải đi tìm câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi “tôi là ai”. Trong khi đó nhận thức về bản ngã của một bộ phận người Việt Nam thành thực mà nói vẫn còn đang luẩn quẩn trong vùng mờ tối. Nhưng trong từng người Việt Nam cũng như trong từng nhân vị trên khắp địa cầu này, khát vọng bất diệt về tự do, tình yêu và lí trí vẫn dào dạt sức sống, vượt qua sợ hãi và thắp sáng hành trình đi tìm “tôi là ai”, cũng như sẽ định hình lịch sử Việt Nam và lịch sử nhân loại. Bởi vì từ hơn hai ngàn năm trước Giê-su đã nói “con người sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi lời Thiên Chúa phán ra”[14], trải qua suốt hơn hai ngàn năm với những biến động đầy sóng gió của lịch sử, cho đến ngày nay câu nói này còn nguyên giá trị.

Chú dẫn:

1 Đào Hiếu, “Lạc Đường”, http://www.talachu.org/truyen.php?bai=213

2 các tư tưởng cơ bản của triết học Phật Giáo, http://my.opera.com/sanyasins/blog/cac-tu-tuong-co-ban-cua-triet-hoc-phat-giao

3 Sách sáng thế, Kinh thánh Công Giáo

4 Kinh Thánh Tân Ước, Gioan chương 4 câu 7

5 wikipedia

6 Triết học Mac-Lenin, giáo trình dùng cho các trường đại học, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam

7 Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: http://www.ushistory.org/declaration/document/index.htm

8 Hans Joachim Hohn, Xã hội biến đổi thần học chuyển mình: http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=1572

9 Xuân sách, “Chân Dung Nhà Văn”, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3866&rb=08

10 George Orwell, “Trại Súc Vật”, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=542&rb=08

11 Người dân Việt Nam không “liệt kháng”: http://ykien0711.blogvis.com/2008/04/26/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-dan-vi%E1%BB%87t-nam-khong-li%E1%BB%87t-khang/

12 Hai doanh nhân xem phim sex trên Việt Nam Airline: http://www.laodong.com.vn/Home/sknb/2007/7/44692.laodong

13 Hạ cấp bộ trưởng Bỉ: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/06/080620_belgiuministervietplane.shtml

14 Kinh thánh Tân Ước, Matthew chương 4, câu 5