Hôn nhân, Đức tin và Tình yêu (9):

CHƯƠNG BẨY: BỀN VỮNG TRONG HÔN NHÂN, HIỂU NHƯ LIÊN TỤC, ÐÁNG TIN CẬY VÀ DỰ ÐOÁN ÐUỢC

Phong trào chống những cam kết vĩnh viễn hiện nay dường như trực tiếp đi ngược lại quan điểm cổ truyền khi cho rằng những cam kết có tính biến hóa mới là hình thức cam kết thực sự thích hợp với hôn nhân. Ý niệm bền vững hay vĩnh viễn bắt nguồn từ Cựu và Tân Ước (1). Bền vững vốn là biểu tượng của liên hệ giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, và không ngừng bị thách thức đối với truyền thống Do thái và Kitô giáo. Trong thời Cựu Ước, dù không được hoan nghênh, nhưng ly dị đã được cho phép, còn Tân ước thực ra cũng đã để lại đôi nét không rõ khiến vẫn còn khuynh hướng cho phép tiêu hôn và tái kết hôn. Nên thực tế mà xét, cho đến tận nay, vẫn luôn luôn có sự căng thẳng thường xuyên giữa bền vững và ly dị, và do đó các lý lẽ bênh vực cho bền vững chống lại tạm bợ cần được tái thẩm định không ngừng. Ðiều này sẽ được bàn đến ở chương này căn cứ vào ba đặc điểm liên tục, đáng tin cậy và dự đoán được.

LIÊN TỤC

Một trong những lý do chính biện minh cho liên tục tính của liên hệ hôn nhân chính là việc có con và chăm sóc chúng. Ít ai có thể phủ nhận rằng con cái cần đến sự hiện diện liên tục của cha mẹ khi chúng đang ở tuổi lớn lên. Các chứng cớ hiển nhiên chứng minh cho điều ấy đã được trình bày ở Chương Ba. Liên tục tính trong sự hiện diện của cha mẹ bảo đảm rằng trong những năm thơ ấu, trẻ em tránh được những thay đổi thường xuyên làm gián đoạn những gắn bó chủ yếu, nhờ thế các em có thể nhận ra căn tính mình theo thành tố nam hoặc nữ của cha mẹ và chính từ các ngài các em được xã hội hóa, được khích lệ tăng trưởng về tri thức, được chăm sóc thể lý và trưởng thành về xúc cảm. Những người phê phán hôn nhân cho rằng trẻ em vẫn có thể được chăm sóc bởi xã hội (2) hoặc bởi những người trưởng thành khác. Cooper tóm lược quan điểm này như sau: "Chúng ta đâu cần má hoặc ba nữa. Chúng ta chỉ cần sự chăm sóc như mẹ như cha (mothering & fathering) mà thôi" (3). Tất cả còn tùy phái này chứng minh được là giải pháp do họ đề nghị thành công trong một thời gian dài. Hiện không thấy chứng cớ chi cả, trong khi các công xã thành công khắp nơi trên thế giới, và đặc biệt là tại Israel, vẫn phải duy trì những tiếp xúc gần gũi giữa cha mẹ và con cái. Cho nên quan điểm trổi vượt nhất hiện nay vẫn là: con cái cần sự hiện diện liên tục của cha mẹ trong những năm tăng trưởng chủ yếu của chúng.

Nhưng ngày nay thì sao, khi người ta kết hôn sớm, lúc con cái đã lớn khôn mà cha mẹ vẫn mới chỉ ba mươi mấy bốn mươi? Và còn nữa, những cặp vợ chồng không có con, tại sao lại bắt họ phải theo cùng một cái nguyên tắc vĩnh viễn kia? Sự thay đổi trong cấu trúc gia đình, với việc giảm số con và hoàn tất sớm số con dự trù, đã đặt ra những vấn nạn mới cho tính bền vững của hôn nhân.

Ba chương trước bàn về nâng đỡ, chữa lành và tăng trưởng đã chú trọng tới các khía cạnh năng động nội tại trong liên hệ hôn nhân. Nghĩa là, ngay trong những tầng sâu của hôn nhân, ta đã thấy có những nhu cầu đòi có sự hiện diện liên tục của hai vợ chồng rồi, chưa cần đến lúc họ là cha mẹ.

Nghệ thuật nâng đỡ nhau có nghĩa là hai vơ chồng cần liên tục tính để tìm hiểu những lắng lo đặc thù về xúc cảm của nhau mà nâng đỡ nhau. Dần dà ra sự nâng đỡ ấy sẽ trở thành chuyện đương nhiên, và đó là lúc chín mùi cho hành vi chữa lành. Chữa lành chắc chắn cần đến liên tục tính. Người ta cần thời gian để cảm thấy an toàn, để bộc bạch các vết thương và do đó để nhận được sự chữa lành. Ðây là một trao đổi xẩy ra trong nhiều năm, mà nếu bị ngắt quãng thì thường phải bắt đầu lại từ đầu. Tăng trưởng là một hành trình khám phá lẫn nhau trong đó hai con người cởi mở nhân cách mình và dần dần học được cái bản ngã đang triển khai của người bạn đời. Từ ngay trong bản chất, ba diễn trình này cần đến sự liên tục. Nếu đúng như thế, thì tại sao lại có quá nhiều vụ ly dị như hiện nay?

Câu trả lời là khi vợ chồng đạt tới một giai đoạn nhất định nào đó trong quá trình thương thảo với nhau của họ, bỗng các nguồn tài nguyên của họ bị hụt hẫng, và thay vì cùng nhau tiến về phía trước, họ lại bắt đầu chỉ thấy bạn mình như một chướng ngại vật. Chính đây là chỗ sự khích lệ, sự kiên tâm và sự hiểu biết bản chất của vấn đề phải phối hợp lại để họ bền chân với cơn thách thức; nếu thiếu sự khích lệ, họ có thể bỏ cuộc và ra đi khởi sự lại từ đầu với một người khác.

Ngay ở tâm điểm sự bền vững ta thấy chân lý quí giá này là sự liên tục tránh được rất nhiều cảnh vứt bỏ những cá nhân con người, tức những người bạn đời bị coi như những đồ vật không còn được yêu thương nữa chỉ vì ta không thấy họ có nghĩa lý gì với ta nữa. Liên hệ giao ước nhắc ta nhớ rằng Thiên Chúa lúc nào cũng coi ta có nghĩa lý bằng một lòng yêu thương bền vững. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cần sự liên tục để biến người bạn đời thành nghĩa lý đối với ta. Nhưng, các nhà chỉ trích hôn nhân cho hay, sự liên tục có thể nguyên tuyền chỉ là một liên hệ chết khi chả còn gì xẩy ra ngoại trừ việc hai con người cùng hiện hữu dưới cái mặt tiền sống chung có tính xã hội. Rõ ràng, liên hệ giao ước cần được sống động hóa bởi tình yêu, và sự liên tục sẽ có ý nghĩa khi hai người còn cam kết với nhau, dù chỉ là tối thiểu. Nhưng nếu hai vợ chồng không làm được ngay cả cái tối thiểu ấy thì sao?

Ly thân và ly dị đều có trong các xã hội Phương Tây ngoại trừ một vài nơi như Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan, nơi không cho phép ly dị. Nếu người ta chọn ly dị và tiến tới tái hôn, một liên hệ mới sẽ khởi sự từ đầu. Tất cả những gì đã xẩy ra trong cuộc sống của cuộc hôn nhân trước nay hầu như bị loại bỏ hoàn toàn trong cuộc hôn nhân lần này. Quả là mất mát biết bao vì không thể chuyển dịch nó vào mối liên hệ mới được. Biết bao giây phút sẻ chia trong khám phá, bao điều thất vọng, bao nhiêu chiến thắng bị khóa chặt bên trong hai con người giờ đây phải khởi sự như mới. Biết bao yêu thương nhân bản đã bị chôn vùi bởi vì chúng chả có nghĩa lý gì đối với người bạn đời mới. Nhưng chắc chắn thà thử vận mới và thiết lập một thứ liên hệ nào đó còn hơn tiếp tục ở lại trong cái mối liên hệ đã chết cứng này; đây chính là cái hấp dẫn của ly dị và tái kết hôn. Nhưng nội tại ngay trong chính hoàn cảnh, ta thấy có sự mất mát, mất mát mọi cảm nghiệm chung của mối liên hệ đầu. Trong khi cơ may thứ hai, nhờ ly dị, có cái quyến rũ của nó đối với người lớn (con nít phải đương đầu một loạt những khó khăn khác), thì mối liên hệ dựa trên bền vững, dù có khó khăn, vẫn duy trì được bên trong mối tương quan nguyên thủy mọi hứa hẹn, mọi cố gắng, mọi công khó, mọi hy sinh và mọi thành quả của nó. Không một cố gắng của ai bị mất cả.

Ðể sự liên tục có hiệu quả trong việc khám phá ra các tầng sâu phong phú có tính xã hội và tâm lý của hôn nhân hiện đại, ta cần phải thay đổi cách hiểu sự bền vững từ một cam kết mù quáng qua một cam kết luôn sống động, một thứ cam kết đòi hai vợ chồng phải đem trọn con người của họ vào việc thể hiện sự nâng đỡ, sự chữa lành và diễn trình tăng trưởng của mình.

ÐÁNG TIN CẬY

Sự liên tục có thể chỉ là việc duy trì các đặc điểm bên ngoài không cần đến sự can dự của vợ chồng từ thế giới bên trong. Liên tục tính có thể là thờ ơ lạnh nhạt đối với thế giới của người kia hoặc chỉ là sắp xếp thuận tiện có tính xã hội và kinh tế không hề có một ý nghĩa bản vị nào. Nó có thể chỉ là sự tùy thuộc lẫn nhau để giải quyết những nhu cầu trẻ con vẫn còn được duy trì cho đến bây giờ. Nhưng nếu hiểu sự liên tục như một hội ngộ đem đến sự sống, thì việc liên hợp giữa hai con người mà thôi không đủ. Sự nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và cùng nhau tăng trưởng cần có sự liên tục nhưng cũng cần sự đáng tin cậy (reliability) nữa.

Giao ước thần linh cũng có nét đáng tin cậy của Chúa. Các giao ước của con người không có được tính tuyệt đối như thế, nhưng tác phong nhân bản phải ráng vươn tới sự đáng tin cậy, nếu nó muốn còn là chân thực.

Một trong những nhu cầu chủ yếu của đứa trẻ là có được một khung cảnh liên tục trong đó những khuôn mặt chủ yếu là những khuôn mặt đáng tin cậy. Họ phải đáng tin trong các tín hiệu họ phát ra, trong các đáp ứng của họ và trong phương thức lời nói và việc làm đi đôi với nhau. Nếu cha mẹ nói một đàng làm một nẻo; nếu họ hứa một điều nhưng lại làm điều khác, hoặc tệ hơn nữa không làm gì cả; thì đứa trẻ sẻ trở thành lẫn lộn và mức độ lo âu của nó gia tăng.

Ðiều ấy cũng đúng cho hai vợ chồng. Một mức độ đáng tin cậy nào đó cần phải có. Vợ chồng cần biết chắc các hứa hẹn thực sự có nghĩa và sẽ được thực thi, cần tin được rằng những gì được công bố phải là tiêu chuẩn đại thể để hoàn tất; cần biết chắc rằng những lời phát ngôn của nhau không phải chỉ là những lời khoác lác trống không. Vợ chồng trông đợi ở nhau đức tính đáng tin cậy trong việc làm, trong lời hứa, trong việc có mặt đúng lúc đúng nơi, và trung thực. Cũng như Chúa, trong giao ước với con người, đã hành động một cách đáng tin cậy như thế nào, thì vợ chồng cũng cần đức tính ấy trong mối liên hệ với nhau như vậy.

Nhưng sự đáng tin cậy là một đức tính có thể dẫn người ta đến tình trạng cứng ngắc và ứ đọng. Nó có thể dẫn tới cõi cùng cực của bảo thủ, nơi người ta chả còn chi để dò thử hoặc chả cho phép điều gì xẩy ra, nơi thay đổi được coi là cấm kị và đáng tin cậy trở thành việc lặp lại đồng điệu buồn nản. Loại tác phong này giống như sự cứng ngắc của một nhân cách bị ám ảnh bệnh hoạn nhiều hơn. Người như thế không còn tự do để thay đổi. Thói quen là thuẫn đỡ duy nhất chống lại nỗi lo âu hỗn loạn. Những người phối ngẫu như thế dần dà sẽ trở thành nỗi buồn chán, họ không còn dám thử nghiệm bất cứ điều gì mới, trái lại luôn thấy khuyết điểm và nguy cơ trong việc canh tân.

Sự đáng tin cậy chân thực không phải là bàn tay chết của khô cứng. Ðúng hơn, nó bật lên từ quan tâm yêu đương nhằm đảm bảo rằng các nhu cầu của người phối ngẫu phải được đáp ứng. Nếu người phối ngẫu là người hay lo lắng không đâu, thì đáng tin cậy có nghĩa là phải cho họ hay bạn đang ở đâu, đang xẩy ra chuyện gì, là tránh những vụ vắng mặt quá dài mà không liên lạc giải thích, là làm sao giữ cho nỗi sợ của họ ở mức tối thiểu.

Nhưng trên hết, đáng tin cậy là cái phần yêu đương không bao giờ lỡ trả lời khi được kêu đến. Ðiều này có nghĩa là vợ chồng phải tạo ra được một thế giới cho nhau trong đó họ hiện diện yêu thương với nhau bất kể mọi khó khăn trở ngại hoặc biến cố này nọ. Yêu đương phải được ấn định bằng sự sẵn sàng đáng tin cậy, một sự sẵn sàng có đó để người bạn đời có thể trông vào trong mọi hoàn cảnh hệt như tình yêu của Chúa luôn sẵn sàng có đó cho con người trong mọi thời đại. Cho nên sự đáng tin cậy đầy yêu thương, cùng với sự liên tục, chính là thành phần chủ yếu làm nên sự bền vững của hôn nhân.

DỰ ÐOÁN ÐƯỢC

Người ta có thể đáng tin cậy trong tình yêu nhưng vẫn có thể rất khó đoán trong phương cách biểu lộ tình yêu ấy. Trong khi vợ chồng lại hay chờ mong nơi nhau một chút tác phong dễ đoán trước. Ngày sống được sắp xếp quanh các bữa ăn, công việc làm ăn, chăm sóc con cái, vui chơi nhàn tản và những bổn phận gia đình khác. Về phương diện con người, ta thấy không thể nào lập ra những thời khóa biểu, những mẫu tác phong lúc nào cũng mới. Chúng ta đã học quen dự đoán trước tác phong của người phối ngẫu một cách tương đối chính xác. Sự vững tâm, sự an toàn và sự vận hành căn bản của ta tùy thuộc vào cái tác phong có thể dự đóan được ấy. Ta cần biết chắc ta đang ra sao và một cách gần đúng ta có thể chờ mong nhau điều gì. Chỉ có thế, ta mới có thể đặt kế hoạch cho cuộc sống mình một cách tương đối chắc chắn.

Nhưng một lần nữa, sự dự đoán cứng ngắc có thể hủy diệt toàn bộ tính bộc phát tự nhiên và khả năng thay đổi, là hai điều rất cần cho việc biểu lộ yêu đương. Tất cả chúng ta ai cũng ưa thích những ngạc nhiên thích thú nhưng lại ghét những xáo trộn bất ngờ. Dự đoán trước không nên chống phá sự đổi mới trong các liên hệ bản vị, vì thực ra có một chút bấp bênh mới có những bất ngờ thích thú. Bất ngờ có thể có trong việc đổi công việc làm ăn, đổi nhà đổi cửa, đổi bữa ăn bữa uống, đổi cách biểu lộ cám ơn, bằng những hình thức có thể duy trì được óc hiếu kỳ và tinh thần khám phá. Ðiều này cũng đúng trong liên hệ của ta với Chúa; liên hệ này tuy vẫn liên tục và đáng tin cậy, nhưng cách Chúa đáp lại con người thì rất độc đáo và đầy huyền nhiệm. Ðiều duy nhất có thể dự đoán được là thế nào Ngài cũng trả lời, còn cách trả lời thì đó là điều đầy ngạc nhiên trong giao ước giữa Chúa và nhân loại.

TÓM LƯỢC

Một phần xã hội tây phương hiện đại cho rằng cam kết vĩnh viễn chỉ là cái ách giam hãm hai vợ chồng trong hôn nhân, mục đích để chôn sống họ. Cái thiên kiến chống lại những lời khấn và cam kết phản ảnh cái ý niệm ngày một gia tăng cho rằng con người ta không ngừng thay đổi và do đó cần có những khởi đầu mới.

Vì truyền thống Do thái và Kitô giáo tùy thuộc nặng nề vào cách hiểu hôn nhân như sợi dây liên kết phản ảnh tương quan giao ước giữa Chúa và con người, qui hướng phần lớn vào việc chăm sóc con cái, nên ngày nay khó mà còn biện minh được tính cách bền vững của hôn nhân khi con cái không còn được coi như lý do duy nhất tạo ra hôn nhân nữa. Thế nhưng, giữa đường lối thực sự nhân bản và đường lối Thiên Chúa, không hề có sự bất tương hợp. Khi ta khảo nghiệm các khả thể của hình thức hôn nhân đồng hành hiện đại, ta đã khám phá ra rằng việc nâng đỡ, chữa lành và giúp nhau tăng trưởng trong hôn nhân cần một cái khung bền vững thể hiện qua tính liên tục, tính đáng tin cậy và tính dự đoán trước. Các đặc tính ấy thay vì bị quan niệm như những lực lượng tàn phá hạnh phúc con người, thực tế, đã tạo ra cơ sở cho hôn nhân hiện đại nở rộ. Ðể hôn nhân hiện đại có thể đạt được các hoài mong của mình, điều cần là phải có sự bền vững làm hậu cảnh cho các cặp vợ chồng và con cái họ thể hiện được các tiềm năng của họ, với điều kiện là các tiềm năng này phải được hình dung rõ rệt và thấu hiểu. Sự bền vững này đòi nơi vợ chồng sự cố gắng, sự khích lệ và hy sinh, và nơi toàn thể xã hội sự nâng đỡ thích đáng.

Sự bền vững trong giao ước giữa Chúa và con người luôn luôn đúng cho ngày hôm qua, cho hôm nay và cho ngày mai. Nó không bao giờ thay đổi. Ðiều cần là phải tìm ra được cái năng động tính tương xứng từ con người; qua việc nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và cùng nhau tăng trưởng trong hôn nhân, ta đã tìm ra được cái kiềng ba chân. Cái kiềng ba chân này được tính bền vững đỡ nâng sẽ động viên được hoài mong của công chúng đối với hôn nhân trong thế kỷ này và phản ảnh được con người nhân bản đích thực.

Tài Liệu Tham Khảo

1. Atkinson, D., To Have and to Hold. Collins, 1979.

1. Millett, K., Sexual Politics. Rupert Hart-Davis, 1971.

3. Cooper, D., The Death of the Family. Allen Lane, 1971.