TÌM HIỂU Ý NGHĨA CÁC TỪ HÍP-RI, ÍT-RA-EN, DO-THÁI

Các từ này trong Kinh thánh, ý nghĩa khác nhau; mỗi từ có một nội dung riêng, chuyển tải một ý tưởng đặc biệt. Vì thế, thiết tưởng nên tìm hiểu ngọn nguồn của những từ đó cho dễ phân biệt ý nghĩa.

I. Híp-ri

Xuất xứ

Híp-ri xuất xứ từ ‘êber (עֵבֶר). Từ này có nghĩa là ở bờ bên kia một con sông (St 50,10), một thung lũng (1Sm 31,7) hay một biên giới (Gs 22,11). Nghĩa gốc của từ này cũng gần như từ nokri (ינָכְרִ) nghĩa là xa lạ, ở bên ngoài. Vì là xa lạ, ở bên ngoài nên dễ làm cho người ta liên tưởng đến di cư. Người di cư là người xa lạ, đến từ bên ngoài. Di cư là nghĩa cũ của từ ‘âbar (עָבַר). Trong các trích dẫn sau đây, thấy dùng từ này: Tl 9,26; St 12,6: Is 8,21. Tuy nhiên, nguyên nghĩa gốc không thôi chưa đủ để xác minh ý nghĩa đích thực của một từ, vì còn phải tùy thuộc ở công dụng của từ đó trong đời sống hàng ngày của dân chúng nữa. Riêng về gốc của từ ‘êber, có ba chỗ trong sách Sáng thế nói tới: St 10,21.24-25; 11,14-17; 14,13. ‘êber ở đây chỉ tên người, còn nghĩa thì như đã nói trên.

Trước thời lưu đầy

Các tác giả sách thánh trước thời lưu đầy, chỉ nói đến người Híp-ri trong một số trường hợp, và thường dùng từ này để chỉ người Ai-cập hay người Phi-li-tinh. Trong 38 lần dùng từ Híp-ri thì 18 lần, Kinh thánh chỉ người Ít-ra-en trong tương quan với các chủ nhân Ai-cập, theo nghĩa chủ tớ. Người Híp-ri phải làm tôi Ai-cập nên coi Ai-cập như “nhà nô lệ” (Xh 13,3.14; 20,2; Dt 5,6; 6,12; 7,8; 8,14; 13,6.11; Gs 24,17; Tl 6,8).

Từ Híp-ri còn chỉ người Ít-ra-en phải làm tôi người Phi-li-tinh (1 Sm 4,6.9; 13,3.7.19; 14,11.21; 29,3). Cuối cùng, ngoài hai trường hợp trong St 14,13 và Gn 1,9 ra, còn từ Híp-ri đều có nghĩa là tôi tớ hay nô lệ (Xh 21,2; Đnl 15,12; Gr 34,9.14): Anh (em) hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên Ai-cập, anh (em) phải giữ và đem ra thực hành các thánh chỉ này. (Đnl 16,12)

Vậy có thể kết luận rằng từ Híp-ri trước thời lưu đầy chỉ người Ít-ra-en mang thân phận hèn kém, không có liên hệ chi tộc, suốt đời phải làm nô lệ (Xh 21,2-6; Đnl 15,12-18; x Gr 34,9-16)

Sau thời lưu đầy

Chỉ sau thời lưu đầy, qua các bản văn muộn màng trong St 14,13 và Gn 1,9, từ Híp-ri mới mang ý nghĩa khác. Nghĩa này xem ra không trục tiếp phát xuất từ nghĩa có trước thời lưu đầy. Từ đây, từ này dùng để phân biệt người Ít-ra-en thuộc tỉnh bên kia sông Êu-phơ-rát (Euphrate) với người Ít-ra-en sống trong tỉnh của Ba-by-lon, và được gọi là bâblî. Người Ít-ra-en ở bên kia sông Êu-phơ-rát được gọi là ‘ibrî (עִבְרִי), cũng như cùng là người Việt Nam cả, nhưng sau 1975, người ở trong nước thì gọi là người Việt Nam, còn ở nước ngoài thì gọi là Việt kiều. Người Hy-lạp dựa vào tiếng a-ram mà gọi người Híp-ri là Ebraiôs (‘Εβραιος) để chỉ những người Do-thái ở Pa-lét-tin (Gđt 10,12; 12,11; 14,18; 1 Mcb 7,31; 11,13. 15,37; Cv 6,1; 2 Cr 11,12; Pl 3,5)

Nói tóm lại, theo nguyên ngữ, Híp-ri là người ở bên kia sông Êu-phơ-rát, còn nói rộng ra, Híp-ri là một nhóm dân nối kết với dòng tộc Sêm. Sêm là con thứ ba của ông No-ê. Híp-ri là từ chỉ người Do-thái để phân biệt với người Ai-cập (St 39,14-17; 40,15; 41,12; 43,32; Xh 1,15-19; 2,6-13), người Phi-li-tinh hay người nước ngoài (Xh 1,15-19; 2,6-13).

II. Do-thái

Sau thời lưu đầy ở Ba-bi-lon, dân chúng trở về cư ngụ tại miền đất Giu-đa. Họ được gọi là số người còn sót lại của xứ Giu-đa (Gr 40,15; 42,15-19; 43,5; 44,12.14-28; Xp 2,7). Thực ra, đây chỉ còn là một tỉnh hay một quận của Giu-đa và chung quanh là các nhóm dân Ê-đom, Am-mon và Ả-rập.

Người Hy-lạp gọi tỉnh này là Iôudaia (’Ιουδαια) nghĩa là Giu-đa. Xứ này cũng được gọi là xứ của người Do-thái. Con cái Giu-đa, người Giu-đa từ nay được gọi là Do-thái, tiếng Híp-ri là yơhûdî, tiếng Hy-lạp là Iôudaiôs (’Iουδαιος) hoặc “dân Do-thái” như trong các đoạn văn dưới đây: 1 Mcb 8,20-29; 12,6; 15,17; 2 Mcb 11,16-34; Cv 12,11 hay “dân tộc Do-thái”: 1 Mcb 8,23.25-27; 10,25; 11, 30-33; 12,3; 13,36; 15,12; 2 Mcb 10, 8; Cv 10,22, hoặc “cộng đồng Do-thái”: 2 Mcb 15,12;

Vào thời đầu kỷ nguyên Ki-tô giáo, phần đông người Do-thái sống bên ngoài xứ Giu-đa và cả ngoài Pa-lét-tin nữa. Họ là người Do-thái sống ở nước ngoài tức Do-thái kiều. Vì vậy, từ Do-thái trước hết mang ý nghĩa chủng tộc và quốc gia: Gđt 10,3; 1 Mcb 2,23; Cv 16, 1-20; 21,39. Người Do-thái nói tiếng Giu-đa (cũng gọi là tiếng Do-thái): 2 V 18,26; 2 Sb 32,18; Is 36,11-13; Nkm 13,24, hay tiếng A-ram. Nhưng Do-thái kiều lại nói tiếng Hy lạp. Vì thế, người ta gọi họ là Hy-lạp gốc Do-thái: Ga 7,35. Trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, kiểu nói “các người Do-thái” thường chỉ giới cầm quyền Do-thái thù nghịch với Đức Giê-su: Ga 1,19; 2,18; 5,10: 7,13; 9,22; 18,12; 19,38; 20,19.

III. Ít-ra-en, Dân của Thiên Chúa

Ngoài kiểu nói “chi tộc Ít-ra-en” để chỉ dân của Giao Ước, còn có những kiểu nói sau đây:

“Dân Ít-ra-en”

Gs 8,33; 2 Sm 18,7; Er 2,2; 7,13; 9,1; Gđt 4,8; 7,10; 1 Mcb 5,60; Cv 4, 10-27: 13,17-24. Đôi khi, dân Ít ra-en còn chỉ các chi tộc phía Bắc Giu-đa: 2 Sm 19,41; 1 V 16,21.

“Ít-ra-en, dân Ta”

Xh 7,4; Đnl 21,8; 26,15; 1 V 6,13; 8,16-66; Mt 2,6; Lc 2,32.

“Cộng đồng Ít-ra-en”

Xh 12,3-6; 19,47; Lv 4,13; Ds 16,9; 32,4; Gs 22,18-20; 1 V 8,5; 2 Sb 5,6. Một đôi khi, cộng đồng Ít-ra-en cũng được gọi là “con cái Ít-ra-en” như trong Gv 50,20.

“Nhà Ít-ra-en”

Xh 16,31; Gs 21,45; Tv 98,3; 115,9.12; 118,2; 135,19; Is 5,7; Gr 2,4; Mt 10,6: 15,24; Cv 2,36; 7,42.

“Con cái Ít-ra-en” hay “người Ít-ra-en”

Hai kiểu nói này được dùng tới chừng trên dưới 680 lần. Ở đây chỉ xin trưng dẫn ba lần tiêu biểu: St 32,33; Xh 1,7; Kh 2,14.

“Dân hay người Ít-ra-en”

Ds 25,8.14; 27,14; 29,9; Gs 9,6-7; 10,24; 1 V 8,2; 1 Sb 10,1-7; 16,3; 2 Sb 5,13.

“Ít-ra-en”

St 48,20; Xh 4,22; 5,2; 9,4; Đnl 4,1; 5,1; 6,3-4; 9,1; 20,3; Br 3,24; 4,4; Rm 11,7. 25-26.

“Trinh nữ Ít-ra-en”

Gr 18,13; 31,4.21; Am 5,2.

Kết luận

Híp-ri, Ít-ra-en, Do-thái là ba từ nói về cùng một nội dung, nhưng ý nghĩa khác nhau. Nội dung là một nòi giống, một dân tộc.

Híp-ri là một nòi giống ở bên kia sông Êu-phơ-rát, Ít-ra-en là một dân được Thiên Chúa tuyển chọn, và Do-thái là một số người còn sót lại sau khi đi lưu đày về định cự tại Giu-đa. Sau thời lưu đày, họ sống tản mát khắp nơi ngoài nước Giu-đa, làm thành cộng đồng những người Do-thái sống ở nước ngoài (diaspora).

Từ năm 1947, sau Đệ nhị Thế chiến, những người Do-thái sống sót sau thảm họa diệt chủng, tập trung về quê cha đất tổ, lập thành nước Ít-ra-en ngày nay. Bình thường khi nói đến Híp-ri là người ta hiểu về tiếng nói và nguồn gốc chủng tộc. Khi dùng từ Ít-ra-en là có ý nói về dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn. Khi nói đến Do-thái là có ý hiểu về nguời ở xứ Giu-đa sau thời lưu đàynước Ít-ra-en hay Do-thái ngày nay.

Nói như vây cho gọn và dễ nhớ cũng như dễ phân biệt, khi đọc hay nghe đọc Kinh thánh. Điều này cũng có liên hệ với tiêu đề thư Do-thái hay thư Híp-ri. Nói là thư Híp-ri, thiết tưởng đúng hơn là thư Do-thái, vì hai lý do: một là bản dịch la-tinh Nova Vulgata và các bản dịch các tiếng nước ngoài như Anh Ý Pháp Đức v.v… đều dùng tiêu đề Thư Híp-ri; hai là tiêu đề của thư này nói rõ là Híp-ri (Ebraiôs) chứ không phải Do thái (Iôudaiôs). Đó chính là lý do của bài viết này.

Viết dựa theo tài liệu trong:
* Dictionnaire des noms propres de la Bible, Editions du Cerf –Desclée de Brouwer, Paris 1978, các từ Hébreu, Israel, Juif trang 166, 185, 218.
* Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brépols 2002, trang 378, 643, 718.