Chuyện phiếm: AI DA MÀU ?

Các cụ có biết trên thế gian này ai đã tìm ra chất ngọt không ? Người Da Đỏ Canada đấy các cụ ạ. Theo sách vở thì khi tới đây vào thế kỷ 15, người da trắng đã thấy người Da Đỏ uống một thứ nước ngọt lấy từ thân một loại cây phong mà sau này họ đặt tên là cây Sugar Maple. Người Da Đỏ gốc Algonguin gọi cái thứ nước ngọt này là sinzoibuckud. Người da trắng đã dùng kỹ thuật cơ khí mà chế biến ra sirô và đường.

Gia tộc nhà cây phong có tới hơn hai ngàn anh em, có mặt khắp nơi trên thế giới. Bên Tàu bên ta đều có. Chứng cớ là các nhà văn Tàu và VN đều có nhắc tới phong trong thơ văn. Nhưng chỉ cây phong ở Canada mới sinh ra chất ngọt. Đây là món qùa đặc biệt Thượng Đế tặng riêng cho người Da Đỏ Canada. Theo sách vở thì ban đầu người Da Đỏ hứng cái chất ngọt trời cho này rồi dùng đá nóng mà cô đọng lại.

Trước đây tôi cứ tưởng người ta hứng cái chất ngọt như hứng nhựa cây cao su. Không riêng tôi mà cả làng An Lạc của tôi đều nghĩ thế. Không đơn sơ và giản dị như thế đâu các cụ ạ. Phải thấy tận mắt mới biết con đường từ nhựa cây đến chai sirô, đến thỏi đường dài lắm. Anh John là người đã giúp chúng tôi hiểu sự việc. Xin tạ ơn Trời Phật vì làng tôi có anh John người bản địa.Tôi xin kể chuyện này từ từ nha.

Gần đây, làng tôi mới nảy ra ý kiến là ngoài việc ngồi ở nhà nhậu nhẹt, dân làng cũng nên xuất hành, đi đây đi đó cho biết người biết ta. Và việc xuất hành đầu tiên đã xảy ra tháng trước. Ở Canada cứ đầu mùa xuân thì có lễ hội Maple Syrup ở các đồn điền cây phong. Anh John đã mời cả làng đi du khảo. Có những chuyến xe đưa rước. Ai cũng hồ hỏi lên đường. Phe các bà ríu ra ríu rít, vui vẻ hết sức.

Xe chạy ra ngoài thành phố chừng hơn hai tiếng đồng hồ thì tới trại. Chúng tôi được tiếp rước rất niềm nở, được mời lên xe ngựa tham quan, và được giải thích rất tường tận về cách chế biến sirô. Đây không phải là cánh rừng hoang mà là một cánh rừng được trồng toàn loại cây phong cho đường. Người ta chăm sóc từng gốc phong. Khi thân cây có đường kính khoảng 25 phân thì người ta bắt bầu lấy nhựa. Lấy nhựa không phải bằng cách cắt vỏ cây mà là khoan vào thân cây một cái lỗ, nhựa phong sẽ theo lỗ này mà chảy ra. Ngày xưa người ta hứng nhựa vào thùng, nay thì người ta đặt hệ thống dẫn nhựa thẳng về nhà máy. Nói là nhựa cho dễ hiểu chứ cái chất mà cây phong chảy ra chỉ là một hỗn hợp chất lỏng, 97% là nước, chỉ có 3% là chất ngọt. Bây giờ phải cô đọng lại, phải loại nước đi. Cứ 40 lít nước hỗn hợp này mới cho 1 lít sirô. Khi sirô còn đang nóng thì phải đóng vào chai ngay, để diệt trùng. Theo luật thực phẩm Canada thì các hãng sản xuất không được phép pha vào sirô bất cứ chất bảo trì nào, bởi vật maple syrup do Canada sản xuất được tiếng là tinh khiết nhất thế giới. Sirô có nhiều loại nhưng sirô có màu hổ phách là ngon nhất vì đậm đặc nhất. Phó sản của sirô là bơ, tên tiếng Anh là Maple Butter, và kẹo đường, Maple Sugar Candy.

Maple syrup bán trên thị trường thế giới, 80% là sản phẩm của Canada. Tỉnh bang sản xuất nhiều nhất là Québec. Bên Mỹ cũng có sản xuất maple syrup, ở miền Minnesota, nơi có nhiều người Da Đỏ sinh sống. Nghe cô hướng dẫn viên nói đến đây thì ông H.O. cười ha ha. Ông bảo đây là những người Da Đỏ gốc ở Canada. Khi họ di cư xuống Hoa Kỳ thì đem thep cây phong, nhờ vậy Hoa Kỳ mới sản xuất được một chút maple syrup. Hoa Kỳ phải mang ơn Canada về mặt này.

Lúc ra về, phe các bà trong làng tôi ai cũng mua một túi nặng, nào sirô, nào bơ, nào đường. Phe liền ông chúng tôi sung sướng qúa sức vì biết rằng từ đây dân làng sẽ được ăn các loại bánh pancake, waffles, icecream với maple syrup.

Cụ Chánh tiên chỉ của làng thích thú chuyến đi này lắm. Cụ bảo mọi người: Cây phong mọc những nơi khác không cho gì cả, chỉ cây phong mọc nơi miền đất hạnh phúc này mới cho đường ngọt. Phong mọc nơi khác khi lá đổi màu không đẹp bằng phong đổi màu ở Canada. Du khách khắp nơi trên thế giới tấp nập đến Canada vào mùa thu chỉ để ngắm rừng phong là vậy. Đất này đúng là đất cây phong. Canada đã rất có lý khi chọn lá phong làm biểu tượng. Các cụ biết quốc kỳ Canada chứ ? Lá cờ có hình lá phong đỏ ở giữa ấy mà. Tôi yêu đất nước cây phong này qúa.

Ngay sau chuyến du khảo, phe các bà họp nhau làm các loại bánh với maple syrup. Phe liền ông chúng tôi cũng họp nhau, không phải để các bà sai khiến, mà để bàn các chuyện quốc sự. Toàn những việc trọng đại không à. Chẳng hạn việc rước đuốc thế vận hội, chẳng hạn việc Tây Tạng nổi dậy, chẳng hạn việc xăng dầu tăng giá và đồng mỹ kim sụt giá. Nơi họp bàn vẫn là quán cà phê Starbucks ở ngã tư. Các cụ còn nhớ lịch sinh hoạt cuối tuần của phe liền ông chúng tôi chứ. Xưa thì điểm xuất phát bắt đầu từ tư gia cá nhân, và điểm hội tụ là quán cà phê. Nay thì có sự thay đổi về lộ trình và sinh hoạt. Ông ODP mới nghĩ ra việc tập thể dục ở trung tâm YMCA, tập xong thì mới đi bộ đến Starbucks..

Cái ông ODP này giỏi thật. Các cụ biết YMCA chứ ? YMCA đã có mặt ở 120 quốc gia và đã sinh hoạt 150 năm nay. Ban đầu đây chỉ là một trung tâm xã hội của Thiên Chúa Giáo, được thiết lập năm 1844 tại London.. YMCA là tiếng viết tắt của Young Men’s Christian Association. Ban đầu trung tâm chỉ nhắm phục vụ phe liền ông có đạo. Nay thì biên giới đã mở rộng cho mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, phái tính. Ở Hoa Kỳ và ở Canada, trung tâm nào cũng trương một bảng hiệu to lớn với chữ Y thật bự. Trong chữ Y hoa này có hình tam giác đỏ, 3 cạnh đều nhau. Ba cạnh tượng trưng cho việc thăng tiến thân xác, tâm hồn và trí tuệ.

Ngoài các sinh hoạt về giáo dục và xã hội, YMCA nào cũng có những phòng tập thể dục thật vĩ đại, những phòng chơi banh thật lớn, những hồ bơi thật rộng. Riêng thành phố Toronto này có tới 4 trung tâm lận. Nơi các cụ ở, chắc phải có YMCA. Cụ vào thử mà coi. Mê lắm. Cứ thấy tòa nhà nào có bảng chữ Y to tổ chảng thì đích thị là nó đấy. Mỗi tháng cụ đóng chút xíu tiền hội viên là cụ có toàn quyền xử dụng mọi tiện nghi.

Nhờ ông ODP mà phe liền ông làng tôi trở thành hội viên YMCA hết. Cụ Chánh cũng tham gia. Sáng nào chúng tôi cũng đến đây tập thể dục, bơi lội. Anh John, Chị Ba, ông H.O, bơi xong rồi mới đi làm. Nước thiên đàng ở ngay đây, chứ đâu ở xa, các cụ ơi.

Hôm nay tôi miên man về YMCA nhiều qúa, ý tôi muốn nói chuyện khác cơ. Ý tôi muốn kể các cụ nghe cái màn nói chuyện tầm phào khi uống cà phê sau khi tập thể dục và bơi lội cơ. Phe liền ông chúng tôi, tức các nhà trượng phu quân tử trong làng, có thói quen vừa nhâm nhi cà phê vừa xem báo tây, báo chùa của Starbucks, vừa chia sẻ tin tức quốc nội quốc ngoại. Tuần qua, ông ODP đem bài ‘Nghĩ suy từ Ấn Độ’ của tác giả Phạm Đình Trọng ra bình luận. Bài này đăng trên internet ngày 9.4.2008. Theo ông ODP thì bài này hay qúa. Tác giả tự xưng là một nhà thơ trong nước, đại diện văn giới VN sang dự hội thơ thế giới họp bên Ấn Độ. Xưa nay nhóm chúng tôi không thích Hội Nhà Văn trong nước vì tiếng nói của họ không trung thực, họ bị chính quyền CS chỉ đạo. Nay đọc bài ông Trọng, chúng tôi ngạc nhiên qúa. Ông dám bạo vậy sao ? Ông lấy cớ kể chuyện Ấn Độ để dẫn vào chuyện VN. Rằng Ấn Độ là xứ của thần linh. Thần linh khắp nơi. Thần linh hiển hiện trong Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, Rabindranah Tagore. Qua thánh Gandhi, thần linh đã dẫn dắt dân Ấn Độ không dùng bạo lực mà đạt được độc lập, xã hội Ấn Độ nhiều giai cấp nhưng không hận thù đấu tố nhau. VN cũng có một thánh Gandhi, đó là chí sĩ Phan Chu Trinh, nhưng tiếc rằng vận nước ta suy, ta không được may mắn như Ấn Độ.

Tác giả Phạm Đình Trọng viết:

. . . Cùng thời với Gandhi, cùng tư tưởng, cùng cách chọn lựa như Gandhi, Phan Chu Trinh cũng chủ trương không dùng bạo lực, không đẩy người dân tay không ra đối đầu với súng đạn thực dân, mà phải trước hết nâng cao dân trí. Dân trí cao, người dân sẽ ý thức được quyền con người, quyền dân tộc mà bền bỉ đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường giành độc lập. Gandhi đã thực hiện điều đó. Ấn Độ đã giành độc lập theo cách đó và đã thắng lợi !

Định mệnh trớ trêu đưa đẩy, VN chúng ta đã chọn con đường cách mạnh vô sản! Sự lựa chọn ấy đã xác định luôn cả bạn đường cho dân tộc ta là giai cấp vô sản thế giới ! Tiêu chí giai cấp được đưa lên trên hết. Dân tộc không còn được tính đến. Dân tộc phải hòa tan trong giai cấp. Từ một khái niệm còn mơ hồ, giai cấp bỗng hiện hình sừng sững trùm lên xã hội, đè xuống từng số phận con người ! Từ đó, con người VN vốn bao dung ‘Chín bỏ làm mười’, ‘ Tranh quyền cướp đất chi đây, Coi nhau như bát nước đầy là hơn’, con người VN vốn chan chứa thương yêu ‘ Thương người như thể thương thân’, dân tộc VN vốn rộng lòng đùm bọc ‘ Nhiễu điều phủ lấy gía gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng’, bỗng thành con người khác, dân tộc khác.

Con người ấy, dân tộc ấy bỗng đằng đằng sát khí ôm súng lao vào hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, lâu dài và thảm khốc. Con người ấy, dân tộc ấy bỗng lạnh lùng cay nghiệt, tay cầm nghị quyết, mê mải đi từ cuộc đấu tranh giai cấp này đến cuộc đấu tranh giai cấp khác. Chiến tranh kéo dài, mất mát của chiến tranh trải rộng trên đất nước, đè nặng xuống số phận cả dân tộc.

Và khốc liệt nhất, mất mát lớn nhất, đau thương lớn nhất, phân rã, li tán dân tộc lớn nhất là cuộc tương tàn Nam Bắc hơn mười năm trời...

Chúng ta suốt hơn nửa thế kỷ giành và giữ chính quyền bằng bạo lực cách mạng, chúng ta đã coi chính quyền tồn tại bằng bạo lực như một lẽ đương nhiên, như một điều bình thường. Xài bạo lực qúa lâu đã trở thành nghiện, khi ấy bạo lực đã trở thành ma túy của chính quyền ! Qúa nghiền, qúa ỷ vào bạo lực, làm sao có thể nói đến dân chủ !

Tác giả viết dài lắm. Trên đây là mấy đoạn chính. Đọc xong bài thì ta thấy cái ý bàng bạc của tác giả: Giá mà Hồ Chí Minh và đảng CSVN có cái tâm và cái trí của Phan Chu Trinh thì dân VN ta đã và đang hạnh phúc hơn nhiều. Than ôi ! Tiếc thay !

Ông H.O. góp lời: Vì cách mạng vô sản mà cả nước đã ngập trong máu và nước mắt. Bây giờ cả nước đang chuyển sang cách mạng thuộc địa. Miền Nam đang bị ‘Bắc thuộc’. Bao nhiêu chỗ ngồi quan trọng ở Saigon đều do dân Bắc kỳ chiếm hết. Năm xưa Việt kiều về nước thì sáng giá nhất. Nay chuyện đó xưa rồi. Bạn bè tôi bây giờ nói: Việt kiều thua xa Hà kiều. Hà kiều là ai vậy ? Thưa, Hà kiều là những đảng viên và vợ con gốc Hà Nội giàu có ở Saigon hiện nay ạ.

Ông ODP góp ý: Tiếc thì tiếc thật, nhưng cũng chưa muọn. Kìa xem nước Balan thập niên 1980 cũng bị CS tắm máu và nước mắt, nhưng, ôi chữ ‘nhưng’ quý giá thay, Ba Lan CS đã có một tổng thống can đảm. Đó là tướng W. Jaruzelski. Năm 1989, ông đã công khai nhân danh đảng CS lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi toàn dân và chịu trách nhiệm trước lịch sử, và ông đã trao lại quyền cho dân năm 1990 qua Lech Walesa.Ta hãy cầu nguyện với tổ tiên để VN cũng có một Jaruzelski. Việc này chưa muộn.

Chuyện quê hương nghe buồn qúa, phải không các cụ. Xin được chuyển qua chuyện làng tôi, cam đoan vui hơn. Xin được kể chuyện buổi họp làng đầu mùa xuân ở nhà Cụ B.95.

Chúng tôi đã có một bữa ăn rất Bắc Kỳ: Cơm nóng ăn với món củ cải hầm thịt bò, và món rau muống và rau rút luộc. Bữa ăn có dáng dấp dân giả miền quê giống y như con người Cụ B.95 vạy. Các bạn biết làm món củ cải hầm thịt bò chứ ? Món này dễ qúa mà. Bò thịt nạm xắt miếng nhỏ, ướp hành tiêu tỏi nước mắm. Củ cải trắng và cà rốt gọt vỏ rồi cũng xắt miếng nhỏ. Bắc chảo lên bếp, phi hành tỏi cho thơm rồi cho thịt bò vào xào cho săn. Thêm chừng hai lít nước. Hầm thịt chừng một giờ rồi cho củ cải cà rốt, hầm thêm chừng 15 phút. Nêm nếm cho vừa miệng. Là được. Thêm chút ớt tươi, chút lá răm, chút lá hành. Là xong. Đó là món thứ nhất. Món thứ hai thì dễ qúa, rau muống mà. Nhưng cái đặc biệt là có thêm rau rút, tiếng Miền Nam gọi là rau nhút thì phải. Cụ B.95 đi chợ VN, thấy mấy gói rau rút từ VN mới đem qua. Cụ mua hết. Chao ôi, rau muống luộc chung với rau rút, sao mà nó hợp nhau, sao mà nó thơm thế và ngon thế. Món rau luộc này đã cho thấy rõ cái gốc Bắc Kỳ Nam Kỳ trong làng tôi. Người Nam không ăn nước rau luộc bao giờ. Chỉ có dân Bắc Kỳ là uống nước rau luộc chói chanh. Nghĩ cũng buồn cười quá. Ông ODP bảo anh John: Bao nhiêu sinh tố và chất bổ của rau đều tan vào nước luộc hết, anh thử nếm mà coi. Anh John nếm nước rau, cái đầu gật gù, miệng cười tủm tỉm mà không nói gì. Anh này khôn tổ chảng, các cụ thấy chưa. Chi Ba Biên Hòa là vợ anh đâu có biết uống nước rau muống.

Cũng chưa hết chuyện rau muống và rau rút luộc. Hết chuyện nước rau thì đến chuyện nước mắm chấm rau. Cụ B.95 và Cụ Chánh, hai gốc tổ Bắc Kỳ thì chấm rau với nước mắm tôm chanh. Ông ODP, Ông H.O. và kẻ hèn này thì chấm rau với nước mắm chanh ớt. Phe Chị Ba và hai cô Huế thì chấm rau với chính nước củ cải hầm thịt bò. Một đĩa rau mà có tới ba chén nước mắm chấm khác nhau. Vui qúa chứ. Bữa ăn toàn rau với cơm tám nóng sốt. Ôi, quê hương VN là đây chứ có ở đâu xa. Quê hương vừa ở trong lòng ta, vừa ở trên bàn ăn này.

Và có một điều lạ lùng đã xảy ra là lần này phe liền bà không bắt phe liền ông chúng tôi nói chuyện về tình yêu. Họ nói chuyện phim ảnh. Mà chính các bà nói mới ghê. Tôi là dân nhà quê có theo rõi tình hình phim ảnh thế giới bao giờ. Các bà đã đem bộ phim Harry Potter ra bàn. Chị Ba, cô Cao Xuân, cô Tôn Nữ thao thao bất tuyệt. Các bà còn đem tác giả ra bàn thêm nữa, mới khiếp chứ. Ông ODP được các bà hỏi ý kiến về bộ phim. Ông này không bàn về bộ phim mà bàn chuyện bên lề. Rằng con người ta có số. Tác giả J.K.Rowling ngày trước nghèo mạt rệp, có lúc bà đã nghĩ tới việc quyên sinh. Nhưng nhờ cái nghèo mà hàng ngày ngồi xe lửa đi làm, bà đã có giờ suy gẫm và nghĩ ra nhân vật thần kỳ Harry Potter. Cái số bà Rowling giống y như số nhà văn Kim Dung bên Tàu. Thuở đầu đời, Kim Dung mơ ước được làm việc trong ngành ngoại giao, nhưng mộng ước không thành. Người ta chỉ cho ông cái việc làm trong thư viện. Nhờ tiếp cận với sách mà nữ thần văn chương đã nhập vào ông, đưa ông lên đỉnh cao danh vọng. Nếu xưa kia ông được làm việc trong ngành ngoại giao thì chắc bây giờ ông là một người vô danh tiểu tốt. Cái viẹc mà ban đầu ông không thích đã dẫn ông vào cõi văn chương. Mà không phải văn chương tầm phào, văn chương của ông là văn chương đỉnh cao, nó chuyên chở triết lý và tôn giáo. Thật đáng nể vậy thay.

Rồi hai cô Huế quay sang phỏng vấn anh John. Anh cười ha ha. Anh bảo rằng anh khác vợ về mặt này. Anh không thích phim tình cảm, không thích Harry Potter, anh chỉ thích phim Cao Bồi. Cô Cao Xuân ngạc nhiên vô cùng. Cô bảo phim cao bồi có gì hay đâu, vì từ đầu phim tới cuối phim toàn chuyện bắn súng èng èng. Anh John như bị điểm đúng huyệt liền cãi. Anh hùng hồn ca ngợi phim cao bồi:

Cô nghĩ thế là lầm. Phim cao bồi miền viễn tây là phim giáo dục, kẻ gian ác bao giờ cũng bị trơì phạt, người công chính bao giờ cũng được trời thưởng, chân lý bao giờ cũng hiện ra bàng bạc trong phần cuối phim. Đứng lên ra về, lòng khán giả bao giờ cũng vui vẻ thoải mái.

Thấy cô Cao Xuân chưa thấy hết ý mình, ông bèn đem những nét đặc biệt trong các phim cao bồi ra tả:

Các cảnh đấu súng trong phim miền viễn tây đẹp vô cùng. Chẳng hạn những phim nổi tiếng như Rio Bravo, High Noon, OK Corals. .. đều có những cảnh đấu súng nghẹt thở, nhưng rất đẹp mắt. Bao giờ cũng thế này: Ngồi trong quán rượu, người hùng viễn tây đưa tay kiểm soát khẩu súng lục, nạp đạn, quay khẩu súng mấy vòng, rồi cho súng vào bao, cột súng bên đùi. Chàng rút bao thuốc lá, lấy một điếu ngậm lên môi, rút que diêm quệt vào đế giầy để lấy lửa, rồi châm thuốc. Chàng lượm cái mũ da dính dầy bụi đội lên đầu. Rồi đứng lên tung cửa chàng bước ra khỏi quán. Chàng tiến ra giữa đường, nhìn về phía đối thủ đang đứng gờm gờm từ phiá xa.

Người trong quán nhốn nháo, ai cũng tìm một chỗ bên cửa sổ, nép vào cửa, để xem cảnh đấu súng sắp xảy ra.

Đối thủ trông cũng oai hùng không kém. Con mắt tóe lửa. Anh đã đứng chờ sẵn trên đường cách đó mấy chục thước. Anh ta ném điếu thuốc xuống đất, lấy đế giầy miết lên, hai tay buông thõng bên khẩu súng. Tư thế sẵn sàng.

Rồi loáng một cái. Đoàng ! Anh giơ tay rút súng nhưng đã trễ. Đối thủ đã bắn trước. Anh ngã vật xuống đất.

Lúc đó người hùng cao bồi liếc nhìn khẩu súng còn bốc khói, từ từ cho súng vào bao, rồi nhảy lên ngựa, lặng lẽ quất ngựa tiến về phía mặt trời đang lặn. Chân trời đỏ au. Gió bỗng thổi ào ào. Nhạc từ đâu vang ầm lên. Và đèn trong rạp bật sáng.

Nghe đến đây, cô Cao Xuân vái anh John một cái rồi nói: Miệng anh qủa là có thần, tôi đã bắt đầu thấy mê phim cao bồi rồi đây. Chắc tối nay tôi sẽ đi thuê bộ phim ‘OK Corals’, sẽ thức suốt đêm để xem cho đã.

Anh John bèn hỏi lại cô Cao Xuân: Thế xưa nay cô mê loại phim nào? Phim tình cảm hay phim chưởng. Cô Huế trả lời ngay: Tôi chỉ mê có James Bond, chàng điệp viên 007 đẹp trai hào hoa phong nhã ấy mà. Tôi có đầy đủ tài liệu về 21 cuốn phim danh tiếng của tác giả Ian Fleming. Nghe nói cuốn thứ 22, Quantum of Solace, sắp ra. Tôi đang chuẩn bị đi coi đây. Phim James Bond cũng như phim cao bồi mà anh vừa ca tụng, bao giờ cũng có hậu, đề cao đạo lý. Hiện trong tủ của tôi có 3 bộ phim mà tôi mê nhất: Casino Royal, From Russia With Love, và Die Another Day.

Cụ B.95 lên tiếng: Xin các bác đừng nói những chuyện văn hóa cao qúa, lão già này không hiểu được bao nhiêu. Xin cứ nói chuyện văn hóa, nhưng nói chuyện văn hoá thấp, dễ hiểu, được không ạ ?

Anh John và Cô Cao Xuân chưa biết trả lời ra sao thì ông ODP lên tiếng ngay: Việc này xin để tôi. Tôi có câu chuyện văn hóa rất đơn sơ dễ hiểu nhưng được thế giới đánh giá rất cao. Đó là bài thơ của một em bé bên Phi Châu nói về danh xưng ‘Da màu’. Xưa nay thế giới người da trắng gọi chung tất cả các sắc dân da vàng da đen là ‘ Ngưòi Da Màu ’ Bài thơ này được LHQ chọn là bài thơ hay nhất trong năm 2005. Tôi đọc báo đăng bài thơ mà không thấy đề tên em bé da đen tác giả, tôi tìm trên internet cũng không thấy. Bài thơ lời Việt dịch như thế này:

Khi tôi sinh ra,da tôi màu đen.
Khi tôi lớn lên, da tôi màu đen.
Khi tôi đi dưới nắng, da tôi màu đen.
Khi tôi sợ, da tôi màu đen.
Khi tôi bệnh, da tôi màu đen.
Và khi tôi chết, da tôi vẫn màu đen.
Còn bạn, hỡi người da trắng !
Khi bạn sinh ra, da bạn màu hồng.
Khi bạn lớn lên, da bạn màu trắng.
Khi bạn đi dưới nắng, da bạn màu đỏ.
Khi bạn lạnh, da bạn màu xanh tái..
Khi bạn sợ, da bạn màu vàng
Khi bạn bệnh, da bạn màu xanh mét
Và khi bạn chết, da bạn màu xám.
Thế mà, bạn gọi tôi là da màu ư ?

Nghe xong bài thơ, cụ B.95 gật gù khen bài thơ đơn sơ dễ hiểu mà ý thì hay qúa.

Các cụ thì sao, các cụ có thấy bài thơ em bé Phi Châu hay qúa không ?