Hôn nhân, Đức tin và Tình yêu

PHẦN I: BẢN CHẤT CỦA HÔN NHÂN HIỆN ÐẠI

CHƯƠNG NHẤT: BỐI CẢNH DO THÁI GIÁO VÀ KITÔ GIÁO

Cựu Ước

SỰ TẠO THÀNH

Trong Cựu Ước, việc Thiên Chúa mặc khải cho dân Ngài về tính dục và hôn nhân đã được kể lại ngay ở phần đầu sách Sáng thế, qua trình thuật sáng thế. Có hai trình thuật: trình thuật thứ hai, còn gọi là trình thuật Giavê, là trình thuật có trước và có thể đã có từ thế kỷ thứ 10 trước Chúa giáng sinh.

"Giavê Thiên Chúa nói: Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ thủ đương đối. Bởi thế Thiên Chúa đã dùng đất mà làm nên đủ mọi loài dã thú và chim trời. Ngài đem đến cho con người, xem nó sẽ đặt tên cho chúng ra sao; mỗi con vật sẽ mang tên do con người đặt cho. Và con người đã đặt tên cho mọi gia súc, chim trời và dã thú. Nhưng nó không kiếm được người trợ thủ đương đối. Thế là Giavê Thiên Chúa làm cho nó ngủ say. Và trong khi nó ngủ, Ngài lấy một sương sườn của nó rồi lấy thịt lấp lại. Và từ cái sương sườn đã lấy từ con người, Giavê Thiên Chúa đã làm ra người đàn bà, và Ngài dẫn đến cho con người. Nó hớn hở kêu lên; Có thế chứ ! Ðây là sương bởi sương tôi, và thịt bởi thịt tôi! Người này sẽ được gọi là đàn bà vì từ đàn ông mà ra. Ðó là lý do người đàn ông sẽ rời khỏi cha mẹ mình để kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân thể. Lúc ấy, cả người đàn ông lẫn người đàn bà đều trần truồng, nhưng họ không cảm thấy hổ thẹn trước mặt nhau "(St 2:18-25).

Vậy là ngay từ khởi thủy Thánh Kinh, ta đã thấy đầu hết có nguyên tắc tương quan. Rõ rệt, con người không hiện hữu một mình, tương quan nam nữ là bản nhiên nơi con người. Tương quan này có đặc tính đồng giá trị. Người đàn bà tuy được rút ra từ người đàn ông, nhưng nàng lại có cùng một gía trị trong tư cách nhân vị như người đàn ông. Người đàn ông nhìn nhận sự đương đối của nàng đối với mình và mừng vui hân hoan về sự tương đồng giá trị ấỵ

Mối tương quan trên hướng tới sự kết hợp nên một. Họ có thể trở thành chỉ một thân xác và quả không còn cách nào diễn tả cái cảm nghiệm có nhau và thân mật với nhau hay hơn thế được. Thực vậy, mối tương quan này đòi hai vợ chồng phải rời bỏ gia đình họ để thiết lập ra một đơn vị xã hội và tâm lý mới. Họ chỉ có thể thực sự tạo được mối dây ràng buộc mới này, khi họ dứt ra khỏi mối dây ràng buộc cho đến lúc đó được kể là thân thiết nhất đối với họ, tức mối ràng buộc với cha mẹ.

Quả là tuyệt diệu khi ở ngay phần đầu sách Sáng thế, ta đã tìm ra một chân lý và chân lý ấy không hề mất đi chút giá trị gì sau cả ba ngàn năm lịch sử. Ngày nay hơn bao giờ hết, truyền thống phương Tây luôn luôn đòi để các cặp vợ chồng mới cưới tạo lập lấy cuộc sống hôn nhân độc lập của họ mà không có sự trói buộc hạn chế của cha mẹ. Cái lý tưởng này không luôn luôn được thực hiện, nhưng xã hội luôn coi điều đó là điều đáng ước mong trong các cuộc hôn nhân hiện đại. Người ta biết rõ rằng khi cha mẹ can thiệp vào, thường họ chỉ tổ chất thêm vấn đề cho cuộc hôn nhân của con cái mà thôi.

Trình thuật thứ hai, được kể trong chương đầu sách Sáng thế, được gọi là trình thuật tư tế, đã được trước tác sau trình thuật trên có đến năm trăm năm.

"Chúa nói: Ta hãy làm nên con người giống hình ảnh Ta, theo họa ảnh Ta và hãy để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú và mọi loài bò sát trên đất. Và Chúa đã tạo nên con người giống hình ảnh mình, Ngài tạo ra nó giống hoạ ảnh mình, Ngài tạo nên chúng có nam có nữ. Chúa chúc lành cho chúng mà nói: Hãy sinh sôi nẩy nở, hãy tràn đầy mặt đất và hãy thống trị nó" (St 1:26-28).

Những lời trên cho thấy một chân lý căn bản này là cả đàn ông lẫn đàn bà đều đã được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa và do đó cả hai đều mang trong mình sự tốt lành nội tại bao lâu họ còn phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa trong họ. Ở đây ta tìm thấy chứng cớ nữa vễ sự đồng giá trị giữa hai phái tính. Sau này, Thánh Phaolo sẽ nhấn mạnh đến cùng một nguyên tắc bình đẳng ấy trong Chúa Kitô khi Ngài viết cho giáo dân thành Galát: "Ðược rửa tội trong Chúa Kitô, các bạn đã mặc lấy Chúa Kitô, và không còn phân biệt giữa Do thái và Hy lạp, giữa nô lệ và tự do, giữa nam và nữ, nhưng tất cả các bạn đều là một trong Chúa Kitô Giêsu" (Gl 3:27-28).

Những nguyên tắc đã được rút ra từ Thiên Chúa này cần nhiều thời gian sau đó mới trở thành các thực tại xã hội. Vì trong suốt bốn ngàn năm, người đàn bà luôn đóng vai trò lệ thuộc người đàn ông. Chỉ đến thời đại ta, các chân lý trường cửu trên mới từ từ được thực hiện. Phong trào hiện nay đòi bình đẳng gía trị cho phụ nữ hoàn tòan nhất quán với Mặc Khải, và các phụ nữ Kitô giáo có thể nên hiểu ra rằng Thánh Phaolô, ở một bình diện xâu hơn, chính là quán quân và người đi tiên phong của họ trong phong trào giải phóng phụ nữ. Dù có những nghiêm nhặt về phương diện xã hội đối với phụ nữ, những nghiêm nhặt mà quy phạm xã hội thời bấy giờ chấp nhận, cái nhìn xâu sắc về Kitô giáo của Ngài đã dẫn Ngài đến các chân lý tối hậu và một trong các chân lý ấy là sự tương đồng giá trị trong nhân phẩm nam và nữ mặc dù họ có những khác biệt sinh học.

Một nét khác trong trình thuật thứ hai là việc thiết lập ra một trong các mục đích của hôn nhân. Trong trình thuật đầu, Giavê đã kết hợp để họ trở nên một thân xác, nghĩa là để họ giao hợp tính dục, nhờ thế, tình trạng trần truồng đầy gợi tình háo hức đã không gây nên chút mặc cảm xấu hổ nào. Giờ đây, việc giao hợp được liên kết với việc tạo sinh, nhưng cần phải lưu ý rằng có con là một chúc phúc, hơn là một lệnh truyền hoặc một đòi hỏi. Trong việc sáng thế, Thiên Chúa ban sự sống và sự sống này là quà tặng có thể được đời đời truyền nối do hai giới tính đảm nhiệm.

Trong cả hai trình thuật, việc giao hợp thể xác và việc tạo sinh vừa được liên kết với nhau vừa được đứng rời ra với nhau. Trong trình thuật thứ hai, giao hợp được liên hợp với quà tặng và sự chúc lành có con. Hai thực tại ấy riêng biệt hẳn nhau, và giữa chúng, liên hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà có những khả thể thích đáng trong hôn nhân.

Sau khi sa ngã, "mắt của cả hai mở ra, và họ nhận ra mình trần truồng" (St 3:7). Trong câu văn ngắn ngủi này, ta thấy nổi bật lên sự kiện rối loạn đã bước vào dục tính của con người. Tuy nó vẫn là thành phần của những điều "Thiên Chúa thấy mình đã làm và quả thật đều là những điều tốt "(St 1:31), nhưng kể từ đấy, cái lý tưởng, cái hoàn hảo đã trở thành điều khó thực hiện. Những vấn đề quen thuộc trong các khó khăn tính dục cả về phương diện tác phong lẫn chức năng đã trở thành những chướng ngại phải vượt qua. Tuy vậy, cái tốt nền tảng của quà tặng tính dục vẫn còn đó và là điều có thể thực hiện được. Khúc hát Diễm Ca, một thành phần đầy ngạc nhiên thích thú của Thánh Kinh, đã cho thấy, qua một văn phong cởi mở, niềm vui và vẻ đẹp của sự gợi tình, được miêu tả sống động qua mối liên hệ đàn ông đàn bà.

SỰ PHỤ TẠO

Hai trình thuật, khi kết hợp lại, đã ủng hộ một tương quan đơn hôn hướng tới việc phụ tạo (procreation) tức sinh sản con cái. Cựu ước có khá nhiều đọan ca tụng việc có con. Chúng được miêu tả như là sao trên trời (St 15:5), triều thiên của người (Cn 17:6) và như mũi tên trong tay người anh hùng (Tv 127: 3-5).

Việc không có con được coi như một thứ thất sủng, như lời kêu xé lòng của Ra-khen ngỏ cùng Gia-cóp: "Anh phải cho em con, không em chết mất!" (St 30:2). Chính cái thôi thúc gần như tuyệt đối phải có con, nhất là con trai, đã khiến người chồng được phép ngủ với tớ gái, và do đó, Gia-cóp đã có hai người con trai.

Lập gia đình, và là gia đình ổn định, quả là việc tối quan hệ đối với Israel. Tuy vậy, đơn hôn không luôn luôn được tuân giữ, đa hôn đã được cho phép, đặc biệt trong trường hợp không con. Nhưng đây chỉ là ngoại lệ, và đơn hôn vẫn được coi là lý tưởng.

LY DỊ

Ly dị cũng vậy. Nó đã được cho phép như thế này:"Giả dụ một người đàn ông đã lấy vợ và hoàn hợp với nàng; nhưng sau đó, nàng không làm anh ta hài lòng vì anh ta thấy nàng có điều bất xứng hợp nào đó, thì anh ta có thể làm một tờ ly hôn trao cho nàng và đuổi nàng ra khỏi nhà mình; nàng sẽ ra khỏi nhà anh ta và ra đi lấy người đàn ông khác"(ĐNL 24:1-2). Lý do nêu ra để ly dị thì đã có nhiều tranh luận. Phái Hillel chấp nhận các lý do nhỏ nhặt, và thực tế là bất cứ lý do nào, còn phái Shammai, cũng cho phép ly dị, nhưng đòi phải có những lý do trầm trọng như ngoại tình hoặc lăng loàn mất nết. (Sau này, khi Ðức Kitô được thỉnh ý, Ngài đã làm cho cử tọa phải ngạc nhiên về câu trả lời đầy thách thức và tuyệt đối rằng không có căn bản nào cho phép ly dị cả). Thủ tục ly dị khá rõ rệt và đơn giản, người chồng chỉ cần tuyên bố: Cô ấy không còn là vợ tôi nữa và tôi không còn là chồng cô ấy nữa (Hs 2:4). Mặc dầu có các điều khoản như thế, cái lý tưởng bất khả phân ly vẫn còn đó và ta thấy Tiên Tri Malachi tuyên phán: "Ta ghét ly dị, Yahweh, Thiên Chúa Israel, nói như thế "(Mk. 2:16).

TRUYỀN THỐNG GIAO ƯỚC TIÊN TRI

Hôn nhân, con cái và gia đình đã có chỗ đứng cao trong dân Israel. Nhưng với tiên tri Hôsê, một chiều kích mới, một ý nghĩa mới cho hôn nhân đã xuất hiện. Cái thực tại trần tục của hôn nhân được dùng như một biểu tượng cho giao ước ân sủng giữa Giavê và Israel.

Trước nhất, Giavê truyền lệnh cho Hôsê cưới một người đàn bà hành nghề mãi dâm, tên là Gomer. Hôsê làm theo lời truyền. Ở đây ta thấy biểu tượng về khuynh hướng của Israel đi trệch ra ngoài tôn giáo đích thực và đánh điếm bản thân mình với việc thờ ngẫu tượng Baal.

"Trong việc thờ ngẫu tượng Baal, ta thấy trổi vượt huyền thoại về một cuộc phối hiệp giữa nữ thần đất và thần trời, và từ cuộc hôn nhân đó mà có con người. Từ đó, đĩ điếm có tính tôn giáo được thực hiện nơi đền thờ" (1). Hôsê ý thức được sự thoái hóa của niềm tin đó và Chúa Giavê sử dụng cuộc hôn nhân của ông để miêu tả các vấn đề trong cuộc hôn nhân cá nhân như là phản ảnh những vấn đề bao quát hơn của dân Thiên Chúa trong việc họ lạc đường đi vào những tôn giáo lân cận và đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa Giavê. Cảnh ra xa lạ giữa Thiên Chúa và dân Người đã được chỉ rõ hơn trong tên của hai người con: một được gọi là Kẻ không được Thương và Kẻ không thuộc Dân Ta. Gomer sau đó trở lại với sự bất trung tính dục của nàng và tác phong của nàng được diễn tả như là sự bất trung của Israel. Sau đây là đoạn văn vừa cùng một lúc diễn tả cơn giận của Chúa đối với Israel và cơn giận của Hôsê đối với vợ ông:

"Hãy tố cáo mẹ các ngươi, hãy tố cáo nó đi! Vì nó không còn phải là vợ Ta, và Ta không còn là chồng nó nữa. Nó hãy dứt đĩ điếm ra khỏi mặt, và ngoại tình ra khỏi vú, kẻo ta sẽ lột nó trần truồng, phô nó ra như ngày nó mới sinh ra; Ta sẽ làm nó ra hoang dại, biến nó thành đất khô cằn, và để mặc nó chết khát. Ta sẽ không thương xót con cái nó, vì chúng là con cái đĩ điếm. Ðúng thế, mẹ chúng đã chơi trò điếm nhục, người cưu mang chúng đã tự hạ nhục mình. Nó nói: ta sẽ đi ve vãn tình nhân của ta, họ sẽ cho ta bánh và nước, len, sáp, dầu và thức uống. Nó đã không nhận ra rằng chính Ta đã ban tặng nó đủ cả khoai bắp, rượu nho cùng dầu nấu; Ta đã cho nó thỏa thuê vàng bạc, để chúng làm ra các thần Baal "(Hs 2:4-10).

Quả vậy, Gomer đã lìa chồng và phạm tội ngoại tình, đã ly dị với chính ông và đã trở thành sở hữu của một người đàn ông khác. Theo luật, Hôsê bị cấm không được nhận lại nàng. Nhưng Giavê lại đã truyền cho ông phải nhận lại nàng và yêu nàng đằm thắm. Thế là Hôsê dự tính sẽ ve vãn nàng như mới giống như Chúa Giavê đã yêu thương Dân Ngài khi họ ra khỏi Aicập để vào hoang địa và bắt đầu đi vào giao ước Ân sủng đặc biệt với Ngài.

"Ðó là lý do Ta sẽ ve vãn nàng, sẽ dẫn nàng vào nơi hoang vắng và nói với trái tim nàng... Khi ngày ấy đến...Ta sẽ đính ước với em đến muôn thuở, đính ước với em trong chính trực và công lý, trong âu yếm và yêu đương" (Hs 2: 16, 18, 21).

Hôsê đã nhận lại vợ mình, tha thứ cho nàng và thiết lập với nàng như mới tình nghĩa vợ chồng đã bị chính nàng phá vỡ. Bởi thế, hôn nhân, một thực tại thế tục, đã trở thành biểu tượng của liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Người. Nó diễn tả một sự kiện là tuy dân Chúa hay bất trung, Ngài vẫn sẵn sàng tha thứ và sửa chữa lại những đổ vỡ trong mối liên hệ với họ. Theo nghĩa đó, phương thức tiên tri đối với hôn nhân dự ứng trước cái mẫu mực bền vững mà Chúa Kitô sẽ thiết lập sau này khi Ngài không cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì. Mặt khác, liên hệ đặc biệt của tình yêu giữa hai vợ chồng do các tiên tri tuyên phán sau này sẽ được thánh Phaolô kiện toàn trong thư gửi tín hữu Êphêsô, trong đó Ngài nói đến hôn nhân và liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài.

Dự kiến về hôn nhân của Hôsê được Giêrêmia (3:13), Êdêkien (16:8) và Isaia (54) lập lại. Do đó, tình yêu chung thủy phu phụ là một trong những phương thế căn bản để biểu tỏ và làm vững giao ước ân sủng giữa Thiên Chúa và Dân Người.

Những kinh nghiệm hằng ngày của hôn nhân cũng đã không bị làm ngơ, và trong sách Khôn Ngoan, người vợ được ca tụng nhưng khi lăng loàn cũng đã bị khiển trách nặng lời. Theo cảm quan của bầu khí xã hội đương thời, phần lớn những trắc nết là do người vợ, nên các lời cảnh cáo đã được đặc biệt soạn ra để bảo vệ người chồng chống lại những dữ dằn của vợ. Tuy nhiên, nổi bật vẫn là nhu cầu người đàn ông phải có vợ:

" Ðàn ông có vợ như có cả kho tàng, một ngươi trợ giúp đương đối, và một trụ cột tựa nương. Tài sản không có dậu ngăn sẽ bị đánh cướp. Ðàn ông không vợ như người không đích vật vưỡng "(Huấn Ca 36: 24-25).

Sắc đẹp trong hôn nhân là điều vững ổn, nhưng cũng nên lưu ý: "Sắc đẹp đàn bà từng dẫn nhiều người đi lạc lối" (Huấn Ca 9:9). Người đàn bà biết lo liệu và khôn ngoan được nhấn mạnh nhiều hơn là sắc đẹp, và sách Châm ngôn cho thấy một cách tổng quát quan niệm về một người vợ tốt. Nàng là người đáng tin tưởng, cần cù, quản trị giỏi, biết quán xuyến việc gia đình, có khả năng cung ứng các nhu cầu của gia đình, biết nói năng khôn ngoan. Sách kết luận như sau: "Duyên dáng phỉnh gạt, và sắc đẹp thì trống rỗng; Người đàn bà khôn ngoan mới là người đáng ca ngợi" (Cn 31:38)

Tân Ước

ÐỨC GIÊSU KITÔ

Trong Tân Ước, ta thấy có sự liên tục với Cựu Ước, nhưng cũng có những đòi hỏi mới gây ngạc nhiên. Lời giáo huấn của Chúa Kitô nhấn mạnh đến tầm quan yếu của tình yêu - yêu Chúa và yêu người lân cận. Vì hôn nhân là một cộng đồng của tình yêu, hiển nhiên nó trực tiếp nhận được lời công bố ban sự thiện tuyệt hảo. Sự thiện hảo ấy hệ ở lòng thuỷ chung và tính bền vững.

Lòng chung thủy không chỉ ở việc tránh giao hợp trước và ngoài hôn nhân; nó là một lý tưởng cần thấm nhiễm trọn mối liên hệ đàn ông đàn bà. Bất cứ cuộc gặp gỡ nào giữa hai phái tính cũng đòi hỏi một mức độ cao trong nguyên tuyền tính dục. Tác phong bên ngoài phải đi đôi với ý định bên trong.

"Các con đã học từ sách rằng chớ phạm tội ngoại tình. Nhưng Thày bảo các con: Hễ ai nhìn người đàn bà một cách thèm muốn, thì anh ta đã phạm tội ngoại tình với nàng trong tâm hồn rồi "(Mt 5:27-28). Giáo huấn này không có nghiã là không được phép thưởng ngoạn nét đẹp thể xác ở trong cả hai giới tính. Nó có nghĩa: sự nguyên tuyền của nhân vị phải được bảo tồn. Ðiều cấm có hai mặt: trước nhất không được coi nhân vị chỉ là đối tượng tính dục, hai là không được sử dụng con người về phương diện tính dục mà thiếu tương quan yêu thương.Việc giao hợp thể xác thực ra chỉ thuộc trong bối cảnh yêu thương mà tính viên mãn chỉ tìm thấy bên trong mối liên hệ bền bỉ mà ta gọi là hôn nhân.

Tính bền vững này, thực ra, đã bị chất vấn trong Cựu Ước, như đã đề cập: mặc dù ly dị không được ưa chuộng, nhưng đã được cho phép. Chúa Kitô đã được hỏi về ly dị và câu trả lời của Ngài đã làm ngạc nhiên cử tọa nghe Ngài, kể cả các môn đệ.

"Một vài Biệt Phái tiến lại gần Ngài, và để thử Ngài, họ nói: có phải là lỗi luật khi một người đàn ông ly dị vợ mình vì bất cứ lý do gì chăng? Ngài trả lời: Các ông lại không đọc rằng từ khởi thủy, Ðấng Tạo Hóa đã dựng nên họ có nam và có nữ và Ngài đã nói: vì vậy, người đàn ông phải rời bỏ cha mẹ mà đính kết với vợ mình, và cả hai nên một thân xác ư? Bởi thế, họ không còn phải là hai, mà chỉ là một thân xác. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hiệp, con người không được phân ly. Họ nói với Ngài: vậy sao Môsen lại truyền lệnh phải trao ly hôn trong trường hợp ly dị? Ngài nói: chính vì sự khó dạy của các ông mà Môsen đã cho phép các ông được ly dị vợ, nhưng không như thế từ khởi thủy đâu. Nay tôi nói để các ông hay: người đàn ông nào ly dị vợ - tôi không nói đến trường hợp dâm bôn - và cưới người đàn bà khác, là phạm tội ngoại tình. Các môn đệ thưa Ngài rằng: nếu giữa chồng và vợ mà như thế, thì chẳng thà không lấy nhau! Ngài trả lời: không phải ai cũng chấp nhận được điều Thày vừa nói, nhưng chỉ những ai được ban ơn mà thôi. Có những hoạn quan từ lúc mới sinh từ lòng mẹ, lại có những hoạn quan vì con người làm ra như thế, nhưng cũng có những hoạn quan tự làm cho mình ra như thế vì Nước Trời. Ai chấp nhận được, thì hãy làm như vậy" (Mt 19:3-12)

Có ba điểm có ý nghĩa quan trọng trong đoạn văn trên. Trước nhất, Chúa Kitô loại bỏ ly dị và trở về với ý định nguyên thủy của Tạo Hóa theo đó, một khi sự kết hợp vợ chồng đã được thiết dựng trong một hôn phối đích thực, thì bản chất của nó là bản chất của sự bền vững. Sự kết hợp thể xác bao trùm trọn bản thân hai người.

Thứ hai, Mátthêu là tác giả Phúc Âm duy nhất dường như đã đưa ra một lối thoát có thể cho phép người ta ly dị, đó là trờng hợp dâm dật (fornication). Những từ ngữ này đã được khảo sát một cách chăm chú suốt trong thời đại Kitô giáo và đã được giải thích một cách khác nhau (2). Một cách tóm tắt, ta thấy có vài truyền thống thấy đó như là căn bản cho phép miễn trừ, trong khi một vài truyền thống khác, như truyền thống Công Giáo La-mã, lại giải thích các từ ngữ ấy như là không chứa đựng bất cứ trường hợp miễn trừ nào đối với luật chung đã được Chúa Kitô long trọng công bố. Tuy tất cả đều nhất trí về ý định rõ rệt của Chúa Kitô trong việc loại trừ ly dị, nhưng một vài giáo hội khác nhau về tính cách tuyệt đối của lệnh truyền.

Thứ ba, Chúa Kitô đã giải thích riêng cho các môn đệ là những người tỏ ra hết sức bối rối về lời tuyên bố như đinh đóng cột của Ngài, và cho họ thấy rằng sự tiết dục vì nước Trời là điều có thể thực hiện được và đáng ước ao cho những ai có thể chấp nhận hy sinh. Như thế, Chúa Kitô đã đem vào đây một ý niệm mới sẽ trở thành nét độc đáo trong truyền thống Kitô giáo. Sự tiết dục này không hề tấn công đả phá quà tặng tính dục, nhưng là tình yêu được vươn dài, báo trước tình trạng bên kia hôn nhân. "Vì khi phục sinh, đàn ông đàn bà không lấy nhau nữa; không, họ sẽ như các thiên thần trên trời" (Mt 22:30).

THÁNH PHAOLÔ

Không như Chúa Kitô, Thánh Phaolô đề cập nhiều đến tính dục và hôn nhân. Riêng về hôn nhân, chủ trương của Ngài có nhiều điểm không đi đôi với nhau. Ngài hoàn toàn thực tiễn về những thúc bách của con người và nhu cầu phải kết hôn, và quả tình Ngài đã cho chúng ta thấy cái ý nghĩa chưa từng có về hôn nhân. Nhưng trên quan điểm bản thân, Ngài lại thích cuộc sống độc thân hơn. Cũng như Chúa Kitô, thánh nhân nhấn mạnh đến tính cách tối thượng của tình yêu trong tất cả các giáo huấn của mình, và chính trong cái đồng văn này, mà ta phải giải thích các lời Ngài viết. Trong thư gửi Tín Hữu Côrintô, thánh nhân viết:

"Giờ đây, tôi xin đề cập đến điều qúy vị đã viết cho tôi. Vâng, thật là điều tốt nếu một người đàn ông không vương vấn đến phụ nữ. Nhưng vì tính dục luôn là một nguy hiểm, nên mỗi người đàn ông hãy có vợ và mỗi người đàn bà hãy có chồng...Ðừng từ chối lẫn nhau, ngoại trừ khi cả hai cùng thỏa thuận, và chỉ cho một thời gian ngắn thôi, để anh chị em chuyên chăm cầu nguyện; nhưng rồi lại phải trở lại xum họp với nhau kẻo Satan, nhân sự yếu đuối của anh em mà cám dỗ... Tôi muốn anh chị em cũng giống như tôi, nhưng mỗi người có ơn gọi riêng từ nơi Chúa..."(1Cor. 7:1-2, 5-7).

Tính cách hai chiều đối với bậc độc thân và bậc vợ chồng của thánh Phaolô đã không hề cản trở Ngài đánh giá cao ý nghĩa của giao ước hôn nhân. Ngài đã tiếp nhận chủ đề tiên tri của Cựu Ước từng coi hôn nhân như biểu tượng của giao ước và cho thấy sự tương đồng căn bản với liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Ở đây, Ngài diễn tả sự kết hợp, tình yêu, lòng chung thủy và tính cách bền vững của hôn nhân như là phản chiếu cùng những đặc tính ấy trong sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo hội Người. Nói cách khác, tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô trở thành hiện thực và hiện diện trong mối liên hệ bản ngã của hôn nhân (3).

"Hãy tùng phục nhau trong Chúa Kitô. Vợ hãy tùng phục chồng như thể với Chúa, vì như Chúa Kitô là đầu của Giáo hội và cứu chúa của toàn thân mình, người chồng cũng vậy, là đầu của vợ. Và cũng như Giáo hội tùng phục Chúa Kitô thế nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng như vậy, trong mọi sự. Chồng hãy yêu vợ, như Chúa Kitô đã yêu Giáo hội và tự hy sinh mình để làm cho Giáo hội nên thánh thiện... Cũng cách ấy, chồng hãy yêu thương vợ như yêu chính thân xác mình; vì khi người chồng yêu vợ mình là yêu chính thân mình. Người ta không bao giờ ghét thân xác mình, nhưng nuôi sống và săn sóc nó. Ðó cũng là cách Chúa Kitô cư sử với Giáo hội, vì Giáo hội là thân xác của Ngài, còn chúng ta là các chi thể sống động. Chính vì lẽ đó, người đàn ông phải lìa bỏ cha mẹ và kết hợp với vợ mình và cả hai sẽ nên một thân xác. Màu nhiệm này thật là cao cả; tôi hiểu là nó chỉ về Chúa Kitô và Giáo hội. Nói tóm lại, anh em mỗi người hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy phục tùng chồng "(Eph. 5:21-25, 28-33).

Thời đại ta bây giờ ít có thiện cảm khi nghe đến việc vợ phải phục tùng chồng trong mọi vấn đề. Người ta từng tranh luận nhiều về vấn đề phải chăng việc tùng phục ấy là một nét thường hằng phải có trong tác phong mọi thời. Nhiều nhà chú giải ngày nay cho rằng trong khi nhấn mạnh đến tính cách đồng nhất giữa sự nên một toàn diện của vợ chồng và sự liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, thánh Phaolô đã chỉ dùng những ước lệ xã hội và trật tự của thời Ngài sống (4).

Nhưng nếu việc vợ phục tùng chồng là quy phạm của thời bấy giờ, thì điều làm ta ngạc nhiên là Tân Ước khá im lặng về việc con cái. Vì quan điểm Kitô giáo vốn nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa giao hợp và sinh con, nên ta càng ngạc nhiên khi không thấy đề cập đến một giáo huấn nào liên quan đến vấn đề nàỵ

Thánh Phaolô khuyên con cái vâng lời cha mẹ trong Chúa, và cha mẹ được khuyến cáo tránh làm thất vọng con cái và làm chúng giận dữ (Eph. 6:1-4), một lời khuyến cáo khá có tiếng vang trong xã hội ngày nay. Trong thư thứ nhất gửi cho Timôtê, người vợ được hứa sự cứu rỗi qua việc sinh con (2:15), nhưng tuyệt nhiên không nói gì đến việc sinh sản. Lý do tạo ra sự bỏ sót này vốn là đầu đề cho nhiều suy đoán. Truyền thống Do-thái nhấn mạnh đến việc sinh sản thấm nhiễm khá xâu trong bầu khí xã hội thời bấy giờ. Nhưng thời gian quá ngắn ngủi và việc Tái Lâm của Chúa đang được mọi người mong chờ.

"Anh em thân mến, đây là điều tôi muốn nói: thì giờ của chúng ta không còn nhiều. Ai có vợ hãy sống như không có vợ; ai đang khóc than hãy sống như thể không khóc than; ai đang sống vui hãy sống như thể không vui; ai đang mua sắm hãy sống như thể không mua sắm; ai đang tận hưởng thế gian hãy sống như không tận hưởng. Tôi nói điều này, vì thế gian sắp sửa qua đi" (1 Cor. 7:29-31)

Tuy nhiên, điều mong chờ trên đã không xẩy ra. Thế gian đã không qua đi và do đó thời kỳ giáo phụ sẽ là thời kỳ phải khai triển những ý niệm xa hơn về hôn nhân. Như thực tế cho thấy đã có nhiều ảnh hưởng gây áp lực đối với việc triển khai này. Kitô giáo sẽ đưa đức đồng trinh vào phục vụ Thiên Chúa. Ðiều ấy phần nào chịu ảnh hưởng của phái Khắc Kỷ, là phái muốn đi tìm sự yên tịnh nội tâm thoát khỏi những thôi thúc của bản năng. Kitô giáo thuở ban đầu bị vây quanh bởi các trường phái triết học Ngộ đạo thuyết và Ma-ni-kê vốn coi thân xác như là cạm bẫy của tâm hồn và do đó việc sinh sản như là phương tiện kéo dài cảnh ngồi tù của nguyên lý tâm linh nơi con người. Mặc dù một vài giáo phụ có cái nhìn tiêu cực về hôn nhân (5), Giáo Hội vẫn coi hôn nhân là điều tốt lành và tính dục phục vụ việc sinh sản. Tuy tính dục bị coi là đã ra xú uế với tội, nhưng quan điểm này không đứng vững với thời gian và sẽ được thời Trung Cổ điều chỉnh lại.

THỜI CÁC GIÁO PHỤ

Có lẽ khuôn mặt quan trọng nhất trong thời Giáo phụ là Thánh Augustinô. Học thuyết của Ngài về hôn nhân có một tầm ảnh hưởng lớn trong Kitô giáo cho đến tận ngày nay. Thánh nhân kể ra ba điều tốt lành của hôn nhân, đó là: CON CÁI, LÒNG CHUNG THỦY, và BÍ TÍCH (mà thời của Ngài, người ta hiểu là bất khả phân ly, một biểu tượng thánh về sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo hội).

"Lòng chung thủy có nghĩa là ngoài giao ước hôn nhân, sẽ không được giao hợp thể xác; Con cái, vì con cái phải được yêu thương đón nhận, âu yếm nuôi nấng và giáo dục theo lòng đạo; Bí tích, vì giây ràng buộc hôn nhân sẽ không bao giờ được bẻ gãy, và không bên nào, dù đã ly thân, được phép tái kết hôn, dù cho là vì con cái đi chăng nữa. Ðó chính là luật hôn nhân đem lại vẻ sáng cho hoa trái thiên nhiên và hạn chế cái khuynh hướng tư dục xấu xa" (6).

Những nguyên tắc này hiện vẫn còn đang điều hướng hôn nhân Kitô giáo. Và trong thời Trung cổ, thánh Tôma Aquinô sẽ diễn dịch ba điều tốt lành đó thành mục đích đệ nhất và đệ nhị đẳng cho hôn nhân. Mục đích đệ nhất đẳng là sinh sản và giáo dục con cái. Mục đích đệ nhị đẳng là sự thủy chung và ơn bí tích. Thuật ngữ mục đích đệ nhất và đệ nhị đẳng đã gây khá nhiều tranh luận (7) và do đó ngày nay, chúng đã biến mất với công bố của Công Ðồng Vatican II về hôn nhân và gia đình (8).

TRUNG CỔ CHO ÐẾN NGÀY NAY

Tiến bộ quan trọng nhất trong thần học thời Trung cổ về hôn nhân là việc đem nó vào nội dung thánh sủng bí tích. Cuộc tranh luận đã kéo dài mấy thế kỷ trước đó, cho đến lúc lời tuyên bố của Công đồng Triđentinô được thực hiện. Ðể chống lại phe Luther và Calvin vốn chống đối quan điểm coi hôn nhân như bí tích và do đó ban ơn thánh sủng, Công Ðồng Triđentinô đã long trọng tuyên bố: "Nếu ai nói rằng hôn nhân thực sự và đúng ra không phải là một trong bảy Bí tích của luật Phúc Âm do Chúa Kitô, Chúa chúng ta, thiết lập, nhưng đã được đưa vào Giáo hội do người phàm hoặc là nó không đưa lại ơn thánh sủng, thì người ấy hãy bị vạ tuyệt thông". Ơn thánh của bí tích hôn phối hoàn tất tình yêu tự nhiên của hai vợ chồng, giáo huấn này sẽ là hậu cảnh nền tảng cho cuốn sách này.

Cuộc tranh luận về bản chất bí tích của hôn phối đã kéo dài khoảng năm thế kỷ, bắt đầu từ thế kỷ 11 cho đến ngày có công bố của Công Ðồng Triđentinô. Kể từ lúc Giáo hội ngày càng đi theo chiều hướng coi hôn nhân như bí tích, một câu hỏi quan trọng đã được nêu ra về thời điểm hôn phối bắt đầu lúc nào. Ta thấy có hai khuynh hướng, một cho là lúc hai vợ chồng tỏ ý ưng thuận nhau, một cho là lúc hai vợ chồng hoàn hợp thể xác. Cuộc tranh luận ấy đã được giải quyết nghiêng về phía ưng thuận: việc ưng thuận là cần thiết cho hôn phối, nhưng giao hợp thể xác làm cho hôn nhân đầy đủ ý nghĩa và làm cho nó trở thành bất khả tiêu, hệt như