SỐNG ĐỐI THOẠI NGÔN SỨ ĐỂ ĐI ĐẾN CHÂN LÝ

Đối với mọi người và cách riêng người Kitô hữu, đối thoại là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Chỉ con người mới có khả năng không những phản ứng trước sự thay đổi bên ngoài, mà còn dùng đến ngôn ngữ và biểu tượng để giải quyết hay đáp trả với mọi người xung quanh, nhờ đó mọi người sẽ xây dựng nên một xã hội ngày càng phồn thịnh. Có thể nói, trong thời đại hôm nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã giúp việc đối thoại của con người ngày càng phát triển, gần gủi, thắt chặt và thuận tiện hơn, như trong các lãnh vực khoa học, kinh tế, chính trị, tôn giáo, ngoại giao, văn hóa...

Tự bản chất, mỗi con người vẫn luôn khao khát được hạnh phúc, được hòa bình, được tự do và cuối cùng là đi tới Chân, Thiện và Mỹ. Từ nỗi khát khao đó, con người luôn được thôi thúc họ để tiến đến đích Chân Thực. Để được như thế, hằng giây hằng phút họ cố gắng cùng nhau xây dựng một thân phận được làm người, cũng như sống thái độ chấp nhận và kính trọng phẩm giá của nhau, để từ đó đi đến một Chân Lý đích thực. Và con đường đi tới Chân Lý là con đường sống đối thoại trong tình yêu của Thiên Chúa. “Hy vọng rằng, một sự hiểu biết mới mẻ về sứ vụ, sẽ giúp chúng ta đổi mới cách sống đối thoại với Chúa” [1] qua việc sống đối thoại với anh chị em.

Trong bài viết ngắn này, tôi không có tham vọng nói lên hết những khía cạnh về “sống đối thoại ngôn sứ để đi đến Chân Lý”. Nhưng qua tình hình hiện thực của xã hội hôm nay, tôi muốn nói lên những suy tư, hay là những thao thức của tôi về việc sống đối thoại ngôn sứ để tìm ra Chân Lý đích thực trong chính cuộc sống, dưới cái nhìn của một tu sĩ truyền giáo. Những thao thức đó, thể hiện trước hết xem ý nghĩa của Đối thoại là gì? Thứ đến là tinh thần Sống đối thoại; và sau cùng là nói lên Sống đối thoại ngôn sứ để đi đến Chân Lý.

1. Đối thoại và Đối thoại Ngôn sứ là gì?

Hằng ngày, chúng ta nghe nhiều về hai chữ “đối thoại”. Đối thoại có lẽ ở khắp nơi trong cuộc sống, như: trong giao tiếp hằng ngày, trong khoa học, trong chính trị, trong kinh tế, ngoại giao, trong văn hóa, trong tôn giáo… Và có thể nói, ở đâu có con người sinh sống thì ở đó có đối thoại. Như thế, chúng ta hiểu đối thoại nghĩa là gì?

Đối thoại là nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau. Đối thoại cũng là bàn bạc, thương lượng trực tiếp với nhau giữa hai hay nhiều bên để giải quyết các vấn đề tranh chấp. [2]

Như thế, việc đối thoại ngôn sứ tập trung vào người đối tác, những người mà chúng ta cùng chia sẻ cuộc hành trình và cách thức chúng ta liên đới với họ. [3] Đồng thời, chúng ta phải có trách nhiệm, sứ vụ để tìm cách bắc lại nhịp cầu mà sự chia rẽ đã tách chúng ta xa rời nhau và xa rời Thiên Chúa; nhưng cũng không quên sứ vụ của chúng là phục vụ cho sự hiệp nhất và bày tỏ cách rõ ràng cùng đích của Nước Trời. [4]

2. Sống đối thoại

“Đối thoại trước hết là nói với và nói cùng người khác. Đây không phải chỉ là nói suông, nhất là độc thoại hay nói để thóa mạ, vu khống, lấn át người khác. Lời nói ở đây phải là nhịp cầu-bằng biểu tượng, tâm linh hay hành động-để đi tới tha nhân, để lấp đầy khoảng trống và hố cách biệt sâu thẳm giữa ta với người. Nó đòi hỏi phải vượt thắng cảm xúc, thiên kiến, tập quán để bình thản đặt vấn đề, kiên nhẫn lắng nghe và sáng suốt lãnh hội quan điểm của người.” [5]

Khi nói đến sống đối thoại, là sống cùng sống với người khác. Sống đối thoại là sống tương quan, sống nối kết, sống làm nẩy sinh tình huynh đệ, sống đón nhận, sống tha thứ và sống bao dung. Như thế, nhờ sống đối thoại mà mỗi người chúng ta sẽ bỏ được những phán quyết giáo điều, não trạng cục bộ và tư tưởng cố chấp của mình.

Chúng ta đã biết, kết quả Việt Nam được trở thành thành viên thứ 150 của WTO [6] là do một quá trình 11 năm đàm phán (đối thoại) giữa các nước với nhau, giữa đa phương lẫn song phương, để từ đó có một thỏa thuận giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Để được gia nhập vào “đại gia đình WTO”, Việt Nam đã chấp nhận gọt dũa, cởi mở, và thay đổi những chính sách để thực hiện những cam kết mà WTO đề ra. Như vậy, Việt Nam muốn sống chung với “gia đình WTO” thì trước tiên phải đối thoại, sau khi đối thoại thì đạt được mục đích và sau cùng, điều khá quan trọng là sống điều mà Việt Nam đã đạt được trong đối thoại. Cũng thế, mỗi người muốn thể hiện sống đối thoại cách đúng nghĩa thì sẵn sàng đi đến với người khác, đồng thời cũng phải chấp nhận hy sinh và cắt tỉa những thứ cồng kềnh không thích ứng với tinh thần đối thoại. Và thay vào đó là sống với, sống cùng người khác, bằng cách sống biết lắng nghe, quảng đại, tha thứ, đón nhận, nhìn ra giá trị nơi người khác và tôn trọng nhân phẩm mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người.

“Có thể nói đây là một trong những thành công lớn của nhân loại khi quyết định dùng trí tuệ thay thế cho bạo lực và bom đạn, ngõ hầu giải quyết một cách hữu lý và phù hợp với nhân tính hơn những bất đồng quan điểm, tranh chấp, xung đột…giữa người với người, cũng như giữa các quốc gia với nhau.” [7]

3. Sống đối thoại ngôn sứ để đi đến chân lý

Sống đối thoại ngôn sứ để đi đến chân lý là cùng nhau giải quyết, cùng nhau trao đổi bàn bạc một vấn đề cụ thể nào đó trong cuộc sống, và cùng nhau đưa ra cái đúng, cái hay và cái đẹp. Trong sự trao đổi, bàn bạc và giải quyết đó, buộc mỗi người phải thể hiện thái độ bao dung, yêu thương và tôn trọng nhau. Kể từ sau Công Đồng Vatican II, việc đối thoại, đặc biệt là đối thoại liên tôn đã được đẩy mạnh rộng rãi như là môt khía cạnh lớn của công cuộc Phúc Âm hóa. Trong Tổng Tu Nghị năm 2000 đã xác định: Trong đối thoại ngôn sứ chúng ta đạc biệt dấn thân cho những người đang tìm kiếm đức tin, những người nghèo khổ sống bên lề xã hội, những người khác văn hóa, sau hết là những người không cùng tôn giáo và khác ý thức hệ. [8] Trong tinh thần liên đới, chúng ta đến với tha nhân để chia sẻ đời sống của chúng ta với họ trong từng tình huống cụ thể. Trong tôn trọng, chúng ta tôn trọng tính độc đáo và phẩm giá của mỗi người và mỗi sắc tộc. Và trên hết, tình yêu nối kết chúng ta với nhau cho dù có những sai sót. Thánh Joseph Freindemetz đã nói: “Ngôn ngữ mà mọi người đều có thể hiểu được, đó chính là tình yêu”. [9]

Có thể nói, sống đối thoại ngôn sứ là loan báo và làm chứng Tin Mừng, hay nói cách khác là nói lời của Chúa và sống lời của Chúa, nghĩa là nó phải được thâm nhập vào cuộc sống và mọi sinh hoạt của chúng ta. Trong đối thoại, chúng ta sẽ nhận ra được tiếng Chúa mời gọi chúng ta làm gì, làm như thế nào, và chính vì thế mà cuộc đối thoại của chúng được gọi là đối thoại ngôn sứ. Để được như thế, theo tôi, cần có một số điều kiện sau:

a. Sống đối thoại ngôn sứ để đi đến chân lý là biết lắng nghe

“Lắng nghe là yếu tố rất căn bản và cần thiết trong mọi tương quan, tiếp xúc, trao đổi và đối thoại với nhau. Nếu không lắng nghe người đối điện, làm sao chúng ta có thể sáng tạo, nghĩa là kiện toàn, bổ túc, sửa sai lối nhìn của mình, bằng cách tiếp thu, hội nhập kiến giải của những người đồng hành? ” [10]

Với tôi, tuy tôi chưa trải qua đường đời được bao nhiêu, vả lại tôi cũng mới tập tễnh trong hành trình đời tu, nhưng tựu trung tôi vẫn thấy được nhiều giá trị đích thực của người sống đối thoại ngôn sứ mà biết lắng nghe. Tôi tin chắc rằng khi đối thoại, chúng ta biết lắng nghe người khác thì chúng ta đang lắng nghe tiếng Thần Khí của Chúa nói gì với ta qua người anh em đang hiện diện với mình. “Người ngôn sứ bao hàm việc lắng nghe và công bố Lời Chúa, chính Đức Giêsu là mẫu đối thoại ngôn sứ tuyệt hảo. Vì lý do này, tuyên ngôn tu nghị nói: Trong đối thoại chúng ta có thể nhận ra những dấu chỉ hiện diện của Đức Kitô và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tất cả mọi người, chúng ta nhận ra được tội lỗi và nỗ lực hoán cải liên tục”. [11]

Tôi nghĩ rằng, người ta chỉ sống đối thoại thực sự và đúng nghĩa khi họ biết lắng nghe. Lúc lắng nghe cũng là lúc chúng ta đã thể hiện sự tôn trọng người đối diện, đồng thời nói lên sự bao dung của chúng ta đối với Ngôi Lời đang ơ nơi người anh em của mình. Sống đối thoại mà biết lắng nghe một cách thức trọn vẹn là đã hiện diện với họ và chia sẻ hành trình làm người với họ, như xưa kia thầy Giêsu của chúng ta đã sống. Đồng thời, lắng nghe là chúng ta giúp nhau tìm ra một con đường mới, không còn ngộ nhận, không còn thành kiến, nhưng thêm vào đó là giúp tôi biết tôi, biết người anh em, và đón nhận tất cả những nét riêng tư độc đáo nơi con người anh em mình.

b. Sống đối thoại ngôn sứ để đi đến chân lý là biết nói lời của Chúa

Thánh Phêrô đã quả quyết rằng: Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; “Ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh của Thiên Chúa” (1Pr 4, 11). Hiện thân của Thiên Chúa là Con Một của Ngài, và đó chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu đã mang thân phận con người và Người nói với con người bằng chính lời của Thiên Chúa, nghĩa là Người luôn nói những lời hay ý tốt để dạy dỗ con người. Đồng thời Người cũng là một con người rất tâm lý và sư phạm trong khi Người nói với dân chúng. Thầy Giêsu đã hướng dẫn các môn đệ của Người rằng: khi góp ý hay sửa dạy người khác thì hãy gọi họ ra một nơi riêng (x.Mt 18, 15), đồng thời khi sửa dạy anh em nên dùng những lời nhẹ nhàng, thiện chí mà sửa dạy nhau, ngược lại đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa (x.1Pr 3, 9).

Mỗi khi yêu, mỗi khi mến người khác thì chúng ta nói năng êm dịu và rất dễ nghe, có thể tha thứ và chấp nhận tất cả. Ngược lại, khi không thích thì nhìn người đã khó chịu, huống gì là nói những lời hay ý đẹp với nhau, có lẽ đúng với câu châm ngôn “thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng méo”. Đây chính là thái độ đi ngược lại với tinh thần loan báo Tin Mừng.

Với người Kitô hữu, nhất là trong tình hình hiện nay, chúng ta phải dám đứng dậy và bước ra khỏi bức tường bảo thủ, bức tường khép kín, bức tường giáo điều của chính mình. Và thay vào đó, là nên dùng những lời nói trong yêu thương, thiện chí như những luồng gió mát dưới sự hướng dẫn của Thần Khí để tạo nên sự an bình trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Nghĩa là chúng ta nên nói những lời lẽ tươi tốt với nhau để ca tung Chúa nơi mỗi người anh em.

c. Sống đối thoại ngôn sứ để đi đến chân lý là biết tôn trọng sự khác biệt của người khác

Khi đối thoại và sống đối thoại thì phải có chủ thể và đối tượng, nghĩa là có người có ta. Có người có ta trong cuộc sống thì ắt hẳn phải có những khác biệt của cả hai bên. Khác biệt về ý thức hệ, khác biệt về tính tình, khác biệt về văn hóa, khác biệt về tư tưởng, khác biệt về ngôn ngữ... Những khác biệt đó sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cuộc sống con người. Như thế, nhờ sống đối thoại mà con người thấy được những giá trị vô giá nơi người khác, từ đó giúp chúng ta biết tôn trọng trong những khác biệt đó.

Chúng biết rằng đã hơn một lần Đức Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành nho” (Ga 15, 1-2). Do đó, mỗi cành nho đều có một giá trị đích thực, có mối liên kết với nhau trong Đức Giêsu, và Giêsu là trung tâm của các cành nho. Do vậy, cho dù những khác biệt làm ngăn cách giữa người với người, nhưng trong một điểm chung là chúng ta đều được Chúa tạo dựng và giống hình ảnh Chúa. Như thế, tôi thiết nghĩ rằng điểm chung đó sẽ đủ sức lấp đầy những khác biệt, và chúng ta sẽ thấy được Giêsu nơi người khác.

“Tự bản chất, đối thoại đòi hỏi phải tôn trọng sự khác biệt và chối từ tham vọng chinh phục người khác. Người khác tự bản chất không những không thể đồng hóa với ta, mà còn thực sự khác ta rõ rệt. Nhưng chính nơi sự khác biệt này ta tìm thấy căn tính và đặc thù của họ, làm cho họ là họ, chứ không phải là ta hay một ai khác. Sau một quá trình đối thoại chân thành, rất có thể chúng ta sẽ vượt qua một số bất đồng ban đầu để đi đến đồng thuận. Dù sao, không dễ dàng đốt giai đoạn hay nuôi ý đồ “xâm lược” từ ban đầu.” [12]

d. Sống đối thoại để đi đến chân lý là biết sống đối thoại trong yêu thương

Đức Giêsu đã nói với người Pharisêu rằng: “Giới răn thứ hai và cũng là giới răn quan trọng đó là: Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (x.Mt 22, 39). Mỗi khi chúng ta biết sống đối thoại trong yêu thương thì chúng ta đã thi hành lời của Người, và đó cũng là con đường để đi tới Chân Lý. Sống tinh thần yêu thương thì quý giá rồi, nhưng càng quý giá hơn khi ai đó sống đối thoại trong yêu thương. Người ta ai cũng biết rằng, con đường làm cho thế giới tươi xanh là con đường đối xử với nhau trong yêu thương, bởi khi yêu thương chúng ta sẽ “gạn đục khơi trong”.

Thiên Chúa đã cho chúng ta tình yêu quá nhiều, nên chúng ta cũng cần chia sẻ tình yêu đó với người khác, một tình yêu không tính toán: “Các ngươi đã nhận được nhưng không, thì hãy cho nhưng không” (Mt 10, 8). Yêu thương là biết chấp nhận và biết cho đi. Đây là một hành động cụ thể đi từ trong tâm khảm của con người, đồng thời cũng thể hiện ra nơi chính cuộc sống của mỗi người. Đó cũng là một con đường làm chứng hữu hiệu nhất, đi sát với lời thánh Giacôbê dạy: người có đức tin sống động là phải kết hợp giữa rao truyền lời Chúa và thi hành lời Chúa (x.Gc 2, 26), cũng như thánh Phaolô nói: chẳng phải tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi. Đối với tôi, mỗi ngày chúng ta sống thể hiện tình yêu thương thực sự với tha nhân thì đó là lúc chúng ta dễ làm đánh động lòng người, như người đời thường quan niệm “lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn”. Khi sống yêu thương là khi tôi dám lột cái vỏ bọc tư lợi và ích kỷ đang ẩn tàng trong tôi, và mặc vào đó chính một lối sống đối thoại ngôn sứ với “tình thương mến thương”. Và chính lúc đó, tôi sẽ thấy chân lý đích thực, chân lý đích thực là Tình Yêu.

Tóm lại, mục đích của sống đối thoại ngôn sứ là cùng nhau khám phá và làm phát triển tình huynh đệ giữa con người với nhau, giữa các nền văn hóa khác nhau. Trong bầu khí đó, mỗi người Kitô hữu ngày nay không được dửng dưng trước những đòi hỏi cấp bách mà Giáo hội đang ngày đêm mời gọi chúng ta cộng tác. Với tinh thần hiệp nhất và làm nẩy sinh ân sủng trên con đường đi tìm Chân Lý thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy, như thánh Gioan đã nói: nếu các con thương yêu nhau, thiên hạ cứ dấu ấy mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy (Ga 13, 35). Đồng thời Giáo hội cũng luôn mời gọi các Kitô hữu cộng tác sống đối thoại với mọi thành phần, hầu làm cho chân lý và ân sủng của Thiên Chúa đang hiện diện tiềm ẩn nơi mọi thành phần dân Chúa được mọc lên [13].

Tôi tin chắc rằng, hiện nay dù Kitô hữu hay ngoài Kitô thì mỗi người đều có một chí hướng là xây dựng một xã hội an bình và hạnh phúc. Do đó, đối với các Kitô hữu, cách riêng là các tu sĩ, chúng ta phải đứng lên và đi đến để sống với, sống cùng mọi thành phần dân Chúa. Muốn sống đối thoại ngôn sứ để thực hiện tinh thần Phúc Âm hóa dân tộc thì chúng ta phải dám sống: với người nghèo và những người sống bên lề xã hội; với những người chưa có và đang tìm kiếm đức tin; với những anh chị em thuộc các nền văn hóa khác nhau; và với những truyền thống của các tôn giáo bạn. Bởi hành trình sống đối thoại ngôn sứ là một cử chỉ của sự liên đới, tôn trọng và yêu thương như thầy Giêsu đã sống. Đồng thời nhờ sống đối thoại mà chúng ta cùng nhận ra chân lý nơi Đức Giêsu, để từ đó, mỗi người sẽ thấy được:

Tín nghĩa Ân tình nay hộ ngộ,
Hòa bình Công lý đã giao duyên
” (Tv 84, 11).

Chú thích:
[1]Tài liệu chuẩn bị Tổng Tu Nghị, SVD, XVI, Bản dịch, số 2
[2] Nguyễn như Ý, Đại Từ Điển Tiếng Việt, Văn Hóa – Thông Tin, 1999, tr 656
[3]Tài liệu chuẩn bị Tổng Tu Nghị, SVD, XVI, Bản dịch, số 4
[4] Tài liệu chuẩn bị Tổng Tu Nghị, SVD, XVI, Bản dịch, số 9
[5] Nguyễn Thái Hợp, OP, Đường Vào Thần học, Dấn thân - Houston, 2000, tr 23
[6] Tổ chức thương mại Thế gới – World Trade Organization, xem thêm các số báo Tuổi trẻ từ ngày 1-7/11/2006
[7] Nguyễn Thái Hợp, OP, Đường Vào Thần Học, Dấn thân - Houston, 2000, tr 21
[8] Tài liệu chuẩn bị Tổng Tu Nghị, SVD, XVI, Bản dịch, số 10
[9] Tài liệu chuẩn bị Tổng Tu Nghị, SVD, XVI, Bản dịch, số 11
[10] Nguyễn Văn Thành, Đối Thoại-Một quê hương Tình Người, www.dunglac.net/tusachdunglac
[11] Tài liệu chuẩn bị Tổng Tu Nghị, SVD, XVI, Bản dịch, số 14
[12] Nguyễn Thái Hợp,OP, Đường Vào Thần Học, Dấn thân, Houston, 2000, tr 15
[13] Vaticanô II, Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 92