Đường tới cứu rỗi của Do Thái Giáo

Tập san Công Giáo của Anh, The Tablet, số ra ngày 29 tháng 3 năm 2008, mới đăng một bài về con đường dẫn đến cứu rỗi của Do Thái Giáo. Tác giả là Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Vienna của Áo, vị Hồng Y tuy có tên dài thòng Christoph Maria Michael Hugo Damian Peter Adalbert von Schönborn, nhưng có tiếng rất khúc chiết gẫy gọn trong lối trình bầy. Vốn thuộc Dòng Đa Minh, ngài từng học thần học tại Paris, triết học và tâm lý học tại Bornheim-Walberberg và Vienna. Ngài cũng học tại Viện Công Giáo Paris để theo đuổi các công trình nghiên cứu thêm về thần học, trước khi nghiên cứu về Kitô Giáo Slavic và Byzantine tại Sorbonne. Được Đức Hồng Y Franz Konig phong chức linh mục năm 1970, ngài đậu bằng Cao Học Thần Học năm 1971 và sau đó tới Đại Học Regensburg thụ huấn Cha Joseph Ratzinger (hiện là Đức Bênêđictô XVI). Sau đó, ngài hoàn tất bằng Tiến Sĩ Thần Học tại Paris. Từ 1975, ngài là giáo sư Thần Học Tín Lý tại Đại Học Fribourg, Thụy Sĩ. Năm 1980, ngài trở thành ủy viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Tòa Thánh, và năm 1987, làm thư ký biên tập của Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Năm 1991, được tấn phong giám mục phụ tá của Vienna, rồi giám mục phó (11-04-1995) và tổng giám mục Vienna (14-09-1995). Ngày 21 tháng Hai năm 1998, ngài được Đức Gioan Phaolô II nâng lên hàng hồng y. Khi Đức Hồng Y J. Ratzinger được bầu làm giáo hoàng, có tin đồn Đức Hồng Y C. Schonborn sẽ là người giữ chức vụ Tổng Trưởng Bộ Tín Lý Đức Tin. Phải đến năm 2005, ngài mới mất quyền bầu giáo hoàng, vì lúc ấy ngài mới tròn 80 tuổi. Ở Áo, ngài được mọi người đặt danh hiệu là “Người Chữa Lành” (The Healer). Ta hãy nghe quan điểm của Người Chữa Lành này về một vấn đề hết sức tế nhị là đường cứu rỗi của Do Thái Giáo.

1. Cải Thiện Liên Hệ

Các mối liên hệ giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, nhất là giữa Giáo Hội Công Giáo và Do Thái Giáo, trong 40 năm qua đã được cải thiện rất nhiều. Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công Đồng Vatican II chắc chắn là khúc rẽ về phương diện này. Cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Đại Hội Đường Do Thái tại Rôma cũng như cuộc hành hương của ngài tới Đất Thánh năm 2000 với những giây phút khó quên tại Yad Vashem và Bức Tường Phía Tây, tất cả những biến cố này và nhiều cử chỉ, cố gắng thần học và gặp gỡ thiêng liêng khác đã giúp củng cố nhiều giai đoạn tích cực trong các mối liên hệ của chúng ta.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những mối căng thẳng. Các thảo luận liên quan đến Đức Giáo Hoàng Piô XII, việc phong chân phước cho Đức Piô IX hay việc duyệt lại các lời Cầu Nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh cho nghi lễ Latinh cũ năm 1962 là một số thí dụ. Sau hàng thế kỷ người Kitô hữu bài Do Thái giáo, đôi khi rất bạo lực, cùng với những hoài niệm đau buồn của hàng thế kỷ bách hại, lưu đầy và những vụ liên tiếp sát hại Do Thái (pogroms), người ta có thể hiểu được tại sao những căng thẳng kia lại xuất hiện quá dễ dàng như vậy. Tuy nhiên, nạn diệt chủng trong Thế Chiến II (the Shoah) vẫn vô tiền khóang hậu là giờ phút đen tối nhất trong lịch sử đau đớn dài lê thê này.

2. Hai đường cứu rỗi?

Vấn đề “truyền giảng cho người Do Thái” thỉnh thoảng lại được nêu lên, nhất là gần đây nhân vụ duyệt lại Lời Cầu Nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh cho “Nghi Lễ Cũ”. Ngày nay, một số nhà thần học nghĩ rằng các Kitô hữu nên từ bỏ mọi cố gắng truyền giảng đối với người Do Thái. Một số vị còn đi xa hơn mà nghĩ rằng không cần đề nghị người Do Thái bước vào giao ước mới trong Chúa Giêsu Kitô vì giao ước (cũ) của Thiên Chúa với dân Do Thái chưa bao giờ bị rút lại. Các vị này nói rằng: “Giao Ước Cũ” là đường cứu rỗi cho dân Do Thái trong khi “Giao Ước Mới” là đường cứu rỗi cho Dân Ngoại. Tuy nhiên, lý thuyết “Hai Đường Cứu Rỗi” này vốn bị coi một cách chính đáng là không phù hợp với đức tin Công Giáo, một đức tin luôn nhấn mạnh tới một đường cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô, như Đức Hồng Y Avery Dulles từng chỉ rõ trong Tập San America của Dòng Tên tháng Mười năm 2002.

Trong bài báo ngắn ngủi này, chúng tôi hết sức đơn giản tham khảo Tân Ước trong cố gắng đem lại một câu trả lời đối với lý thuyết “Hai Đường Cứu Rỗi” nói trên. Bài báo này cố gắng chứng tỏ rằng theo Tân Ước và xét theo quan điểm Kitô giáo, chỉ có một sự cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô, nhưng lại có đến hai cách hay hai con đường hết sức khác biệt để công bố và tiếp nhận sự cứu rỗi này. Về phương diện này, cần phải minh xác rằng việc đề nghị với người Do Thái nhìn nhận Chúa Giêsu Nadarét là Đấng Được Xức Dầu không thể được đồng hóa một cách giản đơn với lệnh truyền của Chúa Kitô phải phúc âm hóa mọi dân tộc (ngoại giáo) và làm họ trở nên môn đệ (xem Mátthêu 28:18-20). Đó là điều chúng tôi muốn cố gắng giải thích dưới đây.

3. “Hãy công bố tin mừng cho mọi tạo vật” (Máccô 16:15)

Người Do Thái giáo cũng như người Kitô giáo tất cả đều cần được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc khỏi khỏi tội lỗi. Thánh Phaolô đã khẳng định điều ấy một cách khéo léo hơn khi nói rằng: “Người sẽ bắt mọi kẻ làm điều ác phải gian nan khốn khổ, trước là người Do Thái, sau là người Hy Lạp” (Thư Rôma 2:9). Rồi không xa mấy, ngài thêm: “Không phân biệt chi, vì mọi người đều phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Thư Rôma 3:22-23). Thực vậy, lệnh truyền của Chúa Kitô cho các Tông Đồ và qua các ngài cho Giáo Hội của Người là “Ăn năn và tha thứ phải được công bố cho mọi dân tộc nhân danh Người, bắt đầu từ Giêrusalem” (Luca 24:47). Mặt khác, từ Lễ Ngũ Tuần trở đi, Thánh Phaolô đã thuyết phục người Do Thái tại Giêrusalem trở lại với Chúa Kitô Cứu Thế: “Do đó, hãy ăn năn thống hối và quay trở lại với Thiên Chúa, để tội lỗi của anh chị em được tẩy sạch” (Công Vụ 3:19; xem thêm 2:38).

Các Tông Đồ tiếp nhận lệnh truyền này từ chính Chúa Kitô như Thánh Phaolô từng minh xác với Người Do Thái của Antiốc tại Pisidia: “Bởi thế, thưa anh chị em, anh chị em hãy biết rằng chính nhờ người này mà sự tha tội đã được công bố cho anh chị em; nhờ Đấng Giêsu này mà mọi kẻ tin đều được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, những tội lỗi mà anh chị em không thể thoát được bằng Lề Luật Môsen” (Công Vụ 13:39). Thực vậy, Chúa Giêsu Kitô chính là Kippur dứt khoát, là sự đền tội chung cuộc. Việc ấy được thực hiện nhờ Thiên Danh hiện diện trong Chúa Giêsu Kitô ở giữa nhân tính của chúng ta và qua quyền lực tối cùng của máu Người. Thiên Chúa há đã không “đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin” đó sao? (Thư Rôma 4:25), “vì không có tên nào khác dưới gầm trời này đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh ấy mà được cứu độ” (Công Vụ 4:12).

4. “Cho người Do Thái trước nhất” (Thư Rôma 1:16)

Bước chân theo các Tông Đồ, Giáo Hội cũng buộc mình phải công bố Chúa Giêsu Kitô cho con cái Israel vì “phúc âm…là sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho mọi kẻ có lòng tin, cho người Do Thái trước nhất và cho cả người Hy Lạp nữa” (Thư Rôma 1:16). Trước đó, Chúa Giêsu từng đã kêu gọi các Tông Đồ phải công bố Phúc Âm của Người “cho mọi dân tộc, bắt đầu từ Giêrusalem” (Luca 24:47). Bởi thế, “Lời Chúa trước nhất phải được nói” cho người Do Thái vì Chúa Giêsu Kitô đã được “cử nhiệm” (Công Vụ 3:20) cho họ. Và, như Thánh Phêrô đã giải thích cho người Do Thái tại Giêrusalem: “Thiên Chúa…sai Người đến trước nhất với anh chị em, để chúc lành cho anh chị em bằng cách làm mỗi người trong anh chị em lìa bỏ con đường tội ác của mình” (Công Vụ 3:26)

Ơn cứu độ đã được hứa trước nhất cho người Do Thái. Người Ngoại Giáo, tức “những kẻ xa lạ với các giao ước của lời hứa” (Thư Êphêsô 2:12) không tiếp nhận được lời hứa này cho đến khi cùng liên kết với người Do Thái. Thánh Phêrô nói với người Do Thái tại Giêrusalem rằng: “Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi” (Công Vụ 2:39). Thực vậy, “nhờ Chúa Giêsu Kitô, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Áp-ra-ham” (Thư Galát 3:14) và những ai “không được hưởng quyền công dân Ít-ra-en” (Thư Êphêsô 2:12) được trở nên “công dân với các thánh” (Thư Êphêsô 2:19). Vả lại, há Chúa Giêsu đã chẳng nói với người đàn bà Samaria rằng “Ơn cứu độ từ người Do Thái mà tới” (Gioan 4:22) đó sao? Điều ấy chứng tỏ rằng họ là những người được hưởng phúc đầu tiên và do đó đầu hết phải công bố điều ấy cho họ.

5. Hai cách tiếp nhận cứu rỗi

Theo ơn công chính hóa do Chúa Giêsu Kitô mang đến, “không còn phân biệt giữa Do Thái và Hy Lạp; cũng một Chúa là Chúa mọi người và đại lượng với mọi kẻ kêu cầu Người” (thư Rôma 10:12). Đó là lý do khiến Thánh Phaolô dám nói: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Chúa Kitô, đều mặc lấy Chúa Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp” (Thư Galát 3:27-28). Cũng một lý do ấy khiến Thánh Phaolô dám nói với các Kitô hữu Côrintô, mà nhiều người trước đó là Dân Ngoại nhưng đã trở thành đồng thừa tự lời hứa của Chúa Kitô với dân Israel rằng: “tổ tiên chúng ta đã ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ…” (Thư 1 Côrintô 10:1).

Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là sự dị biệt giữa người Do Thái và người Hy Lạp phải được xóa bỏ trong Giáo Hội. Vì trong lòng Giáo Hội, Thánh Phaolô vẫn duy trì một tính chất đa phức nào đó trong lời mời gọi và dị biệt hóa những người “xuất thân từ cắt bì” với những người “xuất thân từ Dân Ngoại”. Có thể căn cứ vào các thư của ngài mà thấy ra sự phân biệt giữa “chúng tôi [những người xuất thân từ cắt bì]” và “anh chị em [những người xuất thân từ Dân Ngoại]”. Ngỏ lời với người Dân Ngoại đến với Chúa Kitô, Thánh Nhân nói: “Giờ đây, tôi xin ngỏ lời với anh chị em Dân Ngoại”. Việc phân biệt này dựa trên hai cách khác nhau trong việc tiếp nhận ơn cứu độ. “Trong Chúa Kitô, chúng ta cũng đã tiếp nhận phần cơ nghiệp, từng được tiền định theo ý định của Người, đấng đã hoàn tất mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, để chúng tôi [người Do Thái], là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Chúa Kitô, được sống mà ca ngợi vinh quang Người. Trong Người, cả anh chị em [Dân Ngoại] nữa, khi nghe lời chân lý, phúc âm cứu rỗi, và tin vào Người, cũng được đóng ấn Chúa Thánh Thần, đấng được hứa ban” (Thư Êphêsô 1:11-13).

Chính trong phương thức này, Thánh Phaolô đã phân biệt hai ơn gọi, giữa những người tin Chúa Giêsu là Đấng Được Xức Dầu, xuất thân “từ cắt bì” và những người trở lại với Chúa Giêsu “từ Dân Ngoại”. Sự dị biệt này hệ ở cách qua đó họ thông đạt với nhau trong Giáo Hội và ban phát cùng một ơn phúc cho thế giới mà Thiên Chúa đã trao phó cho con người qua Chúa Giêsu Kitô, “Thật vậy, tôi xin quả quyết với anh chị em rằng Chúa Kitô đã trở nên người phục dịch kẻ chịu cắt bì nhân danh sự thật của Thiên Chúa, để xác nhận các lời đã hứa với các tổ phụ, và để Dân Ngoại cũng vinh danh Thiên Chúa vì tình nhân hậu của Người” (Thư Rôma 15:8-9).

Khi tiếp nhận Phúc Âm, người Do Thái làm chứng cho lòng tín trung của Thiên Chúa đối với lời Người đã hứa, trong khi Dân Ngoại là chứng tá cho tính phổ quát của lòng nhân hậu nơi Người. Hai lời kêu gọi ấy trong Giáo Hội phản ảnh hai phương cách của cùng một ơn cứu rỗi trong Chúa Kitô, một cho người Do Thái một cho Dân Ngoại. Như thế, cũng một Chúa Giêsu Kitô cùng một lúc là “ánh sáng soi đường cho Dân Ngoại, và là vinh quang của Israel dân Người” (Luca 2:32).

Thành ra, phương cách đôi để tiếp nhận ơn cứu rỗi ở trên đòi phải có phương cách đôi để người Kitô hữu làm chứng tá cho sứ điệp phúc âm và phương thức đôi về giáo lý để chuẩn bị tiếp nhận cùng một phép rửa trong cùng một Chúa Giêsu.

6. ‘Được toàn dân thương mến” (Công Vụ 2:47)

Việc Thiên Chúa chọn người Do Thái trong kế hoạch của Người đối với thế giới - “khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Thư Rôma 11:29) – đòi Giáo Hội phải chú ý trong phương cách con cái mình công bố sứ điệp phúc âm cho người Do Thái. Lương tâm cá nhân luôn phải được tôn trọng. Tự do tôn giáo đòi mọi người phải tôn trọng như thế. Nhưng ơn gọi của người Do Thái đòi Kitô hữu phải nhìn nhận mầu nhiệm trong các chọn lựa đặc thù của những người “đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết chính Đấng Được Xức Dầu, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ” (Thư Rôma 9:4-5). Sự kiện Giáo Hội xin lỗi vì nhiều hình thức áp chế khác nhau họ từng phải chịu trong suốt thời đại Kitô giáo hàm nghĩa rằng giờ đây các Kitô hữu cần phải bất phản hồi từ khước mọi hình thức cải giáo (proselytism). Nhưng điều ấy không có nghĩa các Kitô hữu từ bỏ lệnh truyền phải công bố Phúc Âm “trước nhất cho người Do Thái” mà các Tông Đồ đã trực tiếp nhận được từ Chúa Kitô và đã truyền lại cho Giáo Hội. Nó chỉ có nghĩa là lệnh truyền kia phải được thi hành một cách nhậy cảm hết sức, được tẩy sạch hết các nguyên động lực không hợp tinh thần Kitô giáo. Cầu nguyện, dâng hiến cuộc đời, các biểu hiệu yêu thương quên mình và trên hết biết nhìn nhận căn tính Do Thái của họ sẽ chiếm “được (lòng) toàn dân thương mến” (Công Vụ 2:47) cho các môn đệ của Chúa Giêsu để việc làm chứng cho đức tin của họ vào Chúa Kitô, phát biểu với lòng kính trọng và khiêm tốn, được người Do Thái nhìn nhận như là việc nên trọn, chứ không phải bác khước lời hứa mà họ là người thụ hưởng.

Những người Dân Ngoại được Chúa Giêsu qúy mến trong các phúc âm và được Người nêu làm gương sáng đức tin (xem Mátthêu 8:10; 15:28) đều nổi bật về đức ái và đức khiêm nhường của họ. Viên bách quản được người Do Thái khen ngợi và nói hay với Chúa Giêsu về ông ta rằng “ông ta yêu dân mình và chính ông ta đã xây hội đường cho mình” (Luca 7:5). Người đàn bà ngoại giáo quê ở Cana đã biết nhìn nhận đặc quyền của Israel như dân Chúa chọn khi bà khiêm tốn nói rằng: “Chó cũng được ăn vụn bánh từ bàn chủ nhân rơi rụng” (Mátthêu 15:27). Sau Lễ Ngũ Tuần, Cornelius, một viên bách quản có lòng kính sợ Chúa, người “đã cho dân [Do Thái] cách rộng rãi và đã cầu nguyện cùng Chúa liên lỉ” (Công Vụ 10:2) đã được ơn cứu rỗi nhờ thánh Phêrô. Đó chính là các điển hình qúy giá cho thấy phương cách đặc thù các Kitô hữu nên dùng để làm chứng cho sứ điệp Phúc Âm nơi người Do Thái.