Nguyên ủy của mọi hữu thể

(Boethius: Consolatio Philosophiae)


Vào năm 476 tân lịch, vị tổng binh quân đội Đức Odaker đã lật đổ vị hoàng đế Roma cuối cùng là Romulus, cũng được gọi là Augustulus, «Tiểu Hoàng Đế». Và khoảng chừng bốn năm sau đó thì Anicius Manlius Severinus Boethius (480-524) bắt đầu cất tiếng chào đời trong một gia đình quý tộc ở Roma và là gia đình đầu tiên đã trở lại Kitô giáo vào giữa thế kỷ V. Trong vòng suốt 150 năm, gia đình Boethius đã nắm giữ các chức vụ quan trọng nhất tại miền Tây Đế quốc Roma.

Triết gia thời danh Boethius
Ngay trong khi hãy còn trẻ tuổi và với những kiến thức cơ bản xuất sắc đã đạt được, Boethius đã can đảm sử dụng những tài liệu thích hợp bằng tiếng Hy-lạp để viết ra các sách khái luận cho người La-tinh cùng thời với ông không thông thạo tiếng Hy-lạp. Những việc làm đầu tiên của ông là bàn về «bảy nghệ thuật tự do», tức những khoa học và kỹ thuật văn hóa, mà vào thời thượng cổ lúc bấy giờ việc trau dồi và theo học cũng như việc thực hành chúng là một đặc ân chỉ dành cho người tự do, chứ không dành cho người nô lệ, người làm công nhật hay tầng lớp cùng đinh. Hệ thống được chia làm hai phần:

1. Tam khoa (Trivium) giúp đạt được những hiểu biết nền tảng sơ đẳng, như:

• Khoa văn phạm dạy sự hiểu biết về ngôn ngữ và văn bản;

• Khoa tu từ học truyền đạt cách thức soạn sửa và phát biểu một bài diễn thuyết;

• Khoa biện chứng pháp là nền tảng của mọi nghiên cứu triết học.

2. Tứ khoa (Quadrivium) bao gồm những khoa học đặc biệt, mà Boethius đã trình bày trên văn bản, như: Số học, hình học, thiên văn học và nhạc lý.

Chúng ta nhận thấy rằng toán học đã được ông đặt vào hàng đầu; và đó không phải làm một điều ngẫu nhiên, nhưng là với chủ ý cho rằng sự hiểu biết toán học sẽ là nền tảng cho mọi hiểu biết khác, vì toàn thể vũ trụ và trật tự của nó đều dựa trên những con số, và nhạc cũng là một phản ảnh sự hoà điệu nhịp nhàng trong vũ trụ.

Còn các chương trình khoa học khác của Boethius là cả một dự định cực kỳ khó khăn, hầu như vượt khỏi tầm tay con người; đó là ông muốn dịch thuật toàn bộ công trình triết học bao la của Aristote mà ông đã đọc qua, cũng như tác phẩm vĩ đại «Dialogue» của Platon sang tiếng La-tinh kèm theo lời bình luận của ông. Và mục đích cho dự định vô cùng khó khăn đó, chính là muốn chứng minh rằng phần lớn các quan điểm triết học của hai đại triết gia này đều tương tự nhau. Nhưng kết quả sau cùng thì ông chỉ dịch thuật và bình luận được các tác phẩm của Aristote mà thôi. Đối với thế giới La-tinh thời Trung cổ, thì trong suốt hàng thế kỷ, công trình của Boethius là con đường duy nhất để có thể đến được với kho tàng phong phú các tác phẩm của Aristote.

Nhóm công trình thứ ba là những văn bản thần học của chính Boethius. Qua việc sử dụng các phạm trù của triết học Aristote vào trong những vấn đề thần học, Boethius đã trở thành nhà kinh viện đầu tiên, mà những nhà kinh thời danh sau này như thánh Tôma Aquinô đã bình luận các văn phẩm của ông.

Nhà đại trí thức Boethius đã khuyến khích sự thiện cảm của vua Theoderich thuộc Miền Đông xứ Goth – mà dưới triều đại ông, kể từ sau khi hoàng đế bị Odaker sát hại, nước Ý được hưởng 30 năm hòa bình – trong vấn đề nghệ thuật và khoa học và về sau đã được phát triển mạnh mẽ. Do đó, Boethius đã đạt tới được những danh dự và những chức vụ cao quý. Vào năm 510 ông được giữ chức Tổng tài và 12 năm sau đó là chức Bộ trưởng, chức bậc cao nhất trong đế quốc Roma. Chính trong chức vụ này ông đã bị liên lụy trong một vụ án phản bội quan trọng, mà nguyên nhân sâu sắc nằm trong sự đối lập giữa những người Đông Goth đang có ảnh hưởng mạnh trong triều đình Theoderich, nghị viện ở Roma và hoàng đế ở Byzan. Cuối cùng, những tay chân thuộc hạ của Theoderich đã thành công trong việc hạ bệ được Boethius. Sau khi bị mất chức, Boethius bị chở tới Pavia, bị kết án tử hình vào mùa hè 524, và vào mùa thu 524 thì bị hành quyết.

Chính trong thời gian bị truy tố này đã xuất hiện tác phẩm quan trọng của ông với tựa đề «Philosophiae Consolatio» - (Niềm an ủi triết học), một cuộc đối thoại giữa Boethius và triết học, một nền triết học ngay từ lúc bắt đầu cuộc đối thoại đã xuất hiện trước mắt nhà triết học đầy kiên trì đang trong cơn hôn mê dưới hình dáng một người phụ nữ, được trang điểm bằng những ưu phẩm mang tính cách tượng trưng. Sự trị liệu của người phụ nữ bắt đầu với sự chuẩn đoán: Tình trạng hôn mê hiện tại của bệnh nhân đi ngược lại những hoạt động nghiên cứu trước kia của ông ta; ông ta không còn biết sự hiện hữu thực sự của mình là gì nữa. Ông ta sẽ nhớ lại được, nếu trước hết ông ta nhận ra được triết học. Như thế bà đã lau khô dòng lệ trên đôi mắt bệnh nhân, «đôi mắt bị u sầu mờ tối bởi những đám mây của những sự việc trần thế che phủ».

Trong một loạt đầy những hình ảnh, những kiểu nói ẩn dụ bóng bảy và các hành vi, tác giả đã kết thúc các suy tư của mình về chủ thuyết hậu Platon một cách hết sức tuyệt vời: Sự tiếp xúc với thế giới trần gian đã làm cho con người quên đi chính bản thể và định mệnh của mình. Ông sống chôn vùi trong một tình trạng do cảm xúc và đam mê chi phối, chứ không phải do lý trí, hành động và tư duy. Bởi vậy, chỉ khi đám mây mù kia bị xóa tan đi và những sự vật trần thế được đưa trở lại với cái bản chất tầm thường thực sự sau cùng của chúng, thì bấy giờ với sự nâng đỡ của triết học, con người mới có được khả năng đạt tới được sự nhận biết chân lý.

Cực điểm, nguồn gốc, khởi đầu và nguyên ủy của tất cả mọi hữu thể là Cái Độc Nhất, được đồng hóa với Thiên Chúa – tương tự như Nguyên nhân đệ nhất trong triết học Aristote – với phẩm chất và sự huy hoàng chói lọi tột đỉnh của nó. Và nhịp độ tương quan xa gần với Cái Độc Nhất đó được xếp hạng theo thứ tự: Thế giới tinh thần, thế giới tâm lý và sau cùng là thế giới vật chất. Nhịp độ tương quan xa gần với Cái Độc Nhất có nghĩa là sự đa phức, nhưng cũng có nghĩa là:

• một sự mất mát và giảm thiểu nơi hữu thể, nơi phẩm chất tốt, nơi ánh sáng;

• các cảm xúc và đam mê tăng lên thay vì trí năng và lý trí;

• tinh thần bị lùi lại phía sau vật chất.

Nơi chốn của Cái Độc Nhất tối cao là quê hương đích thực của linh hồn. Chính sự diễn biến chữa lành mang tính cách đối thoại được dựa trên những khái niệm nền tảng đó, kèm theo mục đích là loại bỏ ra phía sau những sự vật của thế giới hữu hình và có khả năng hiểu biết được chân lý, hầu có thể tiếp cận được với Cái Độc Nhất, tức với Thiên Chúa, và sau cùng được trở nên thần thiêng nhờ vào sự tham sự vào cuộc sống các Thần thánh.

Tác phẩm «Consolatio Philosophiae» là bản di chúc tinh thần của Boethius, được trình bày dưới dạng thức văn xuôi và văn vần, theo hình thức văn chương của thời cổ đại lúc bấy giờ. Những đoạn văn xuôi của thảm kịch đối ngẫu gồm năm phần thường bị ngắt quảng bởi 39 bài thơ trong 28 thể văn kết cấu khác nhau. Một phần những đoạn đó nói lên phẩm chất thơ có giá trị cao. Người ta tìm gặp trong đó: Ai ca và thơ giáo huấn, thánh ca và những lối hành văn tự tình. Ngoài ra còn có sự đối thoại và giáo trình, kiểu nói biện hộ và hoạt cảnh bi kịch. Đồng thời, «Consolatio Philosophiae» là một tổng luận của sự luận bàn triết lý thời thượng cổ; Trong Tổng luận đó, qua những suy tư của mình về bản thể con người, tác giả đã tỏ ra là một nhà nhân bản học đúng nghĩa, và qua những suy tư về bản thể của một thế giới đang luôn luôn tìm mọi cách loại bỏ tính chất nhân đạo. Vì thế, trong mọi thời đại luôn luôn vẫn có người tìm đọc bản văn này. Sự đón nhận «Consolatio Philosphiae» vào trong các ngôn ngữ trên thế giới dưới hình thức dịch thuật, thích nghi và thay đổi, v.v… đã được khởi đầu một cách tuyệt vời bằng tiếng Anh, bởi vua Alfred và được tiếp tục bởi Chaucer và nữ hoàng Élisabeth đệ nhất và bởi nhiều nhà văn vĩ đại vào bậc nhất khác. Vào khoảng năm 1000, tại trường học thuộc Tu Viện St. Gallen, văn sĩ Notker người Đức đã khảo cứu về bản văn và đã đặt được nền móng cho một sự phát triển của ngữ tự tiếng Đức cỗ.

Nhưng không có phần nào của tác phẩm «Consolatio Philosophiae» đã luôn luôn thu hút mạnh mẽ được các độc giả như Lời Cầu Nguyện, trọng tâm của tác phẩm. Philosophia nói về Thiên Chúa:

«Lạy Cha, xin cho thần trí con đạt tới mức cao cả,/

«cho thần trí con được ngắm nhìn nguồn thiện hảo,/

«và cho thần trí con ánh sáng nội tâm,

«để thần trí con đưa mắt tinh thần nhìn lên Ngài./

«Xua đuổi sương mù trần gian, phá tan mọi gánh nặng miệt mài,/

«Xin soi sáng bằng sự chói lọi của Chúa, vì Chúa là ánh sáng,/

«Chúa là sự an nghỉ hạnh phúc cho người đạo đức sốt sắng,

«được nhìn ngắm Chúa là mục đích./

«Nguyên ủy, Đấng dẫn đường, Người chỉ lối

«và cũng là đường và cùng đích, tất cả bao gồm trong Một.»


Qua đó, chúng ta thấy rằng sự hòa điệu giữa chủ thuyết triết học Platon và tư duy Kitô giáo quá rõ rệt. Trong cơn cùng khốn thực tiễn của cuộc hiện sinh, Boethius, một Kitô hữu, đã đi tìm kiếm niềm an ủi trong triết học Platon; nhưng dĩ nhiên theo cách thức mà người tín hữu của Đức Kitô có thể chấp nhận được, nghĩa là theo cách thức mà đức tin Kitô giáo cho phép. Trong tuyệt tác «Philosophiae Consolatio» của ông, Boethius đã trình bày một cách đầy xác tín rằng, người ta có thể dùng sức mạnh của tư duy triết học để biện minh cho đức tin.

____________________

Sách tham khảo:

• Boethius: «Trost der Philosophie» (Consolatio Philosophiae). Verlag Arternis & Winker 2006.

• Prof. Joachim Gruber cũng cho xuất bản một cuốn sách bình luận, do De Gruyter, 2006.