HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH:

A-NHỮNG ĐỊA DANH HÀNH HƯƠNG (tt):

Cana

Cana là nơi Chúa làm phép lạ đầu tiên, hóa nước thành rượu hảo hạng (Ga 2, 1-12). Cana cách Nagiarét 7km về hướng Bắc. Một vùng nông thôn nằm giữa Nazarét và hồ Tibêria, ngày nay gọi là Kefr Kenna. Cana cũng là quê hương của tông đồ Nathanael (Batôlômêô). Những chum đá đựng nước đã hóa rượu vẫn còn lưu giữ, những chai rượu Cana làm quà lưu niệm, giấy chứng nhận hôn phối của cha phụ trách nhà thờ Cana…là những thông tin làm cho chúng tôi nôn nao muốn đến ngay Cana.

Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên tại đây. Ngài biến nước thành rượu (Ga 2,1-12). Tiệc đang vui vẻ mà rượu gần cạn. Gia đình lo lắng, sợ mất mặt với khách dự tiệc… Mẹ Maria quan tâm đặc biệt. Mẹ ngỏ ý với Chúa: họ hết rượu rồi. Chúa bảo gia nhân: “Hãy đổ nước đầy chum”. Họ đổ tới miệng chum. Và Chúa bảo họ: “Bây giờ hãy múc nước đem cho người quản tiệc”. Nước đã biến thành rượu ngon, khiến người quản tiệc bỡ ngỡ, thực khách vui mừng.

Chúa Giêsu còn thực hiện một phép lạ khác tại Cana: chữa lành cho con một sĩ quan cận vệ nhà vua (Ga 4,46-54).

Từ chỗ dừng xe phải leo lên một đoạn dốc cao, hai bên có nhiều quày hàng bán quà lưu niệm vui vẻ mời chào.Chúng tôi thấy một ngôi Thánh đường có hai tháp, biểu tượng cho đôi lứa và một vòm ở giữa tượng trưng sự tận hiến của đơn vị gia đình.

Bên trong thánh đường, người ta đặt chum rượu của thời Chúa Giêsu một cách cung kính ở ngay Cung Thánh. Những chum đá dưới bàn thờ cũng như ở tầng hầm có từ thế kỷ V, có hình dáng như chum đá tại tiệc cưới Cana ngày xưa, như muốn nói về đặc ân mà Chúa muốn dành phép lạ đầu tiên để thánh hóa tình yêu lứa đôi, để kiện toàn thể chế gia đình bền vững. Có một chum đá to được trưng bày trang trọng cho khách tham quan ngắm nhìn, đây là 1 trong 6 chum đá của phép lạ Cana đựơc các nhà khảo cổ tìm thấy.

Có nhiều đoàn hành hương đã cử hành nghi thức lập lại lời hôn ước cho những cặp vợ chồng tại nhà thờ Cana. Có những đoàn chọn Cana để kỷ niệm ngày thành hôn. Xin Chúa chúc lành cho hạnh phúc lứa đôi tại nơi này thì thật là ý nghĩa.

Bên cạnh Nhà thờ Công Giáo còn có Nhà thờ Chính Thống Hy Lạp, cũng được xây dựng để kính nhớ phép lạ Cana.

Chúng tôi quỳ gối đọc kinh, cầu nguyện cho những người sống đời đôi bạn được hạnh phúc, tín trung.

Có nhiều quày bày bán quà lưu niệm. Những chai rượu Cana là quà mừng cho người thân bạn bè được du khách ưa chuộng nhất. Rượu nho sản xuất tại Cana, nhưng ai cũng mua vài chai làm quà tặng quý giá như rượu chính phẩm được Chúa làm phép lạ năm xưa.

Biển hồ Galilê.

Thời chủng viện, học môn Tân ước với cha giáo Giuse Kỷ, chúng tôi nghe ngài kể về biển hồ Galilê, nước trong xanh có nhiều cá, nay đứng trên du thuyền dạo chơi khắp hồ, thoả thuê ngắm trời ngắm nước, ngắm cá bơi lội tung tăng. Thật thú vị và cảm động khi đứng nơi đây nghĩ về một thời, Chúa đã sống một quãng đời sứ vụ rao giảng.

Thuyền tắt máy giữa trời đất bao la, nước trôi lặng lẽ, người hướng dẫn đề nghị thinh lặng để suy gẫm. Phía trước mặt là núi bát phúc, thành cổ Caphanaum, bao nhiêu là câu chuyện phúc âm…

Biển hồ Galilê có hình bầu dục dài 21km rộng 12km, còn được gọi là hồ “Giênêzarét” (Lc5,1). Thánh kinh cựu ước gọi là biển “Kinnerét” (Ds 34,11; Gs 12,13) hay còn gọi là “biển Tibêria” (Ga 6,1). Tibêria hiện nay là một thành phố sầm uất ở Galilê, nằm trên bờ tây nam biển hồ. Nằm về hướng bắc Giêrusalem 100Km, biển hồ Galilê là nơi mà dòng sông Jordan đổ vào trước khi chảy qua biển Chết. Thung lũng và sông Jordan mang một sắc thái địa lý rất đặc biệt, duy nhất trên thế giới vì thấp hơn mực nước biển:208 mét tại biển hồ Galilê và 300 mét tại biển Chết. Thực vật ở đây thuộc dạng nhiệt đới, chung quanh biển hồ núi non bao phủ, lẫn vào con sông Jordan, thời tiết bất thường ở miền đất từ miền nam đến biển Chết, đó là những yếu tố hình thành những vùng gió giật và giông bão xảy ra bất ngờ trên biển hồ (Mt 8,23-27; 14,22-23).

Đối với Tân ước, biển hồ Galilê được nói đến nhiều vì là một trong những trung tâm hoạt động của Chúa Giêsu. Rất nhiều biến cố đã xảy ra tại đây: Bão tố ngừng lại (Mt 8,24-26), Mẻ lưới kỳ diệu (Lc 5,4-14), Đức Giêsu rảo trên thuyền (Mc 4,1), đi trên biển (Ga 6,16-21). Những thành ven bờ hồ như Khôrazin, Bếtsaiba, Caphanaum, Magđala là những nơi Chúa Giêsu thường lui tới, qua nhiều thế kỷ, biển hồ Galilê được gọi dưới nhiều tên: Hồ Kinnêzét, hồ Giênêsarét, và biển hồ Tibêria.

Biển hồ và những vùng lân cận, có rất nhiều di tích liên hệ đến cuộc đời của Chúa và các môn đệ Ngài. Galilê là vùng có núi đồi khô cằn, nhưng các thung lũng phì nhiêu trải dài từ biển Địa trung Hải cho đến biển hồ Galilê. Chính trong các thung lũng này đã hình thành nhiều đồn điền trái cây nổi tiếng đem lại nguồn lợi xuất khẩu. Vào năm 1960, biển hồ là điểm xuất phát cho ngày quốc gia tưới tiêu, chính quyền Israel cho đào một con kênh lớn dẫn nước từ tận biển hồ đến sa mạc Negew. Công trình thuỷ lợi mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho một nước mà địa dư, khí hậu đa phần được xem là không mấy thuận lợi. Nhiều nước trên thế giới đã gởi người tới học tập.Trong giáo xứ của tôi cũng có một nghiên cứu sinh du học nông nghiệp tại đây.

Tại Galilê và trên bờ sông Jordan, Chúa đã chọn 12 tông đồ. Khởi đầu là Giacôbê, Gioan, Anrê. “Các ngươi tìm ai? Họ thưa: Rabi, Thầy ở đâu? Ngài đáp: Hãy đến mà xem”... Và sau đó là Phêrô, rồi đến Phlípphê, Batôlômêô và lần lượt các môn đệ khác (trong đó có cả Giuđa bán Chúa). Con số 12 là một biểu tượng: Giáo hội sẽ có 12 nền tảng cũng như Israel có 12 chi tộc. Vì thế, sau ngày Chúa sống lại, các tông đồ đã chọn Matthia thay thế Giuđa Iscariot cho đủ số.

Đoàn chúng tôi trở về Nazareth theo đường qua thành phố Tibêrias.

Thành Phố Tibêria được coi là một trong 4 thành thánh của Do Thái (Jerusalem, Hebron, Safed, Tiberias). Vào năm 1033 Tiberia bị tàn phá bởi trận động đất lớn, sau đó thành phố được xây lại. Hiện thời dân cư ngụ nơi đây toàn là người Do Thái. Với bờ biển tuyệt đẹp. Ngày nay Tibêria là nơi nghỉ mát nổi tiếng với những khách sạn nhà hàng sang trọng.

Caphanaum

Hội đường Caphanaum
Sau phép lạ tiệc cưới Cana mà Thánh Gioan gọi là “dấu lạ”, Chúa cùng với Mẹ, các môn đệ xuống Caphanaum và ở lại đó ít ngày (Ga 2,12) rồi Ngài lên Giêrusalem dự lễ Vượt qua, ở đó Ngài làm nhiều phép lạ, nhiều người tin Ngài. Ở đó, Ngài đàm đạo với ông Nicôđêmô, thuộc nhóm Biệt phái, là nhân viên hội đồng, người học rộng, bậc vị vọng. Ông ngạc nhiên khi ngồi nghe Chúa nói, nhưng vẫn còn chút dè dặt. Sau đó, Chúa Giêsu về lại Galilê. Ngài phải đi qua xứ Samaria (Ga 4,4). Tại đây, Ngài truyện trò với một thiếu phụ Sammaria, Người thiếu phụ được nghe Chúa nói và bà nhận ra Ngài là ai, vội vàng đi loan tin cho cả làng biết mình đã gặp Đấng Messia.

Caphanaum là một thành phố trên bờ Tây-Bắc biển hồ Galilê. Ngày nay gọi là Tellhum. Chúa Giêsu lấy thành này làm trung tâm hoạt động vào đầu thời kỳ truyền giảng công khai. Caphanaum thời đó là nơi sầm uất nối liền Damas và Ai Cập, dân cư làm nghề đanh cá, buôn bán. Chung quanh hồ Galilê, ngoài Caphanaum còn có thị trấn Hippos, Sennabris, Tarichée, Tibêria, Magdala, Bếtsaiđa đều nằm trên vành đai nhìn ra biển hồ.

Caphanaum, Chúa dành một sự trìu mến ban đầu, Matthêu viết “Người về thành của Người” (Mt 9,1), nơi Chúa hứa ban phép Thánh Thể, vị trí nhà của ông Giairô được Chúa ban cho con gái sống lại (Mc 5,22; Lc 8,41-56), nơi Chúa chữa lành người đàn bà loạn huyết (Mt 9,20-22; Mc 5,25-34; Lc 8,43-48), người bất toại do bốn người khiêng đến (Mt 9,1-8; Lc 5,17-26), người phong hủi và những bệnh nhân được Tin Mừng nhắc đến cách chung (Mc 2,40-45).

Nhà thờ trên nến móng nhà Phêrô
Caphanaum thời xưa là một ngôi làng rất sầm uất. Còn bây giờ chỉ là những phế tích lịch sử ghi dấu thánh thiêng của Chúa và các Tông đồ. Các dấu tích nơi đây không phai mờ với thời gian.

Sau 2000 năm Caphanaum không được tái tạo bao nhiêu. Nó vẫn còn nhiều phế tích. Người ta giải thích là do lời chúc dữ của Chúa Giêsu,vì dân ở đó không tin, dù đã thấy nhiều phép lạ (Mt 11,23-24). Cả ba thành bị chúc dữ: Khốn cho người hỡi Khorazin ! khốn cho ngươi hỡi Bếtsaiđa, còn ngươi nữa hỡi Caphanaum…

- Khorazin: Một thành ở miền Galilê, cách Capharnaum 3 Km về hướng Bắc. Thành bị chúc dữ, đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon được xử khoan hồng hơn các ngươi.

- Bétsaiđa: Một thành ở bờ hồ Galilê, dân cư sống bằng nghề chài lưới. Ngày nay gọi là Kh.el Araj. Quê hương của các tông đồ Philipphê, Anrê và Phêrô (Ga 1,44; 12,21). Một người mù được Chúa chữa khỏi ở thành này (Mc 8,22-26). Trong biến cố bánh hoá ra nhiều, các tông đồ lên thuyền về Betsaida, gần tới nơi, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước (Mt 6,45-52). Chúa cũng nguyền rủa thành này vì dân ở đây đã chứng kiến nhiều dấu lạ mà không hối cải.

- Nhà thánh Phêrô:

Tượng Thánh Phêrô trước nhà thờ
Thánh đường thánh Phêrô ở giữa một khuôn viên rộng lớn với nhiều chứng từ được khai quật. Nhà thờ được xây từ thế kỷ thứ 5, theo lưu truyền đó là nhà Thánh Phêrô, một trong những tông đồ đầu tiên. Tại nhà này, Chúa chữa nhạc mẫu ông Phêrô, chữa nhiều bệnh nhân, người bị qủi ám (Mc 1,29-34), chữa người bất toại (Mc 2,1-12) Chúa quả quyết Ngài có quyền tha tội (Mc 2:10). Chúa thường nghỉ ở nhà ông Phêrô trong thời gian người thi hành sứ vụ tại Galilê...



- Hội Đường Caphanaum:



Tại hội Đường Caphanaum, Chúa giảng về “Bánh hằng sống” (Ga 6:26-40). Chữa người bị quỉ ám trong hội đường (Mc 1,23-28). Một máy ép dầu Ôliu cổ ở Caphanaum được phát hiện trong lúc khai quật Hội đường Do Thái năm 1950. Kinh Thánh nói đến máy ép vì Palestin là vùng có nhiều nho (Tl 7,27; G 24,11). Có lúc người ta đưa máy ra vườn để sơ chế, lấy nước, cùng với máy ép là một thùng ủ để làm rượu, lấy dầu. Ngoài lúa mì và rượu, dâu là loại nhu yếu phẩm chính của người Palestin. Dầu nấu ăn (Lv 2,4), dầu thắp đèn (Mt 25,3-8), dầu là dược liệu chữa trị bệnh tật. Chúa Giêsu dùng dầu để chữa các bệnh nhân (Lc 10,34; Mc 6,13...).



Núi bát phúc.



Là nơi Chúa giảng dạy về Tám Mối Phúc (Mt 5, 1-12), được gọi là Hiến Chương Nước Trời, là con đường nên thánh. Nhà thờ Bát Phúc được xây dựng theo mô hình bát giác, tượng trưng tám mối phúc. Toà Thánh đã mua đất khu vực rộng lớn này. Dòng Phanxicô quản lý, có nhiều cơ sở mới đang được xây cất.



Đoàn chụp hình lưu niệm
Chúng tôi hạnh phúc được dâng thánh lễ CN III Mùa Chay tại Nhà thờ Bát Phúc, trong khi đó có nhiều đoàn dâng lễ ở những lều bạt bên ngoài. Đủ mọi ngôn ngữ, khác biệt nhưng lại duy nhất trong tâm tình hiệp thông tạ ơn.



Vào năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến đây từ lộ trình Núi Sinai và dâng lễ trên một ngọn đồi với hàng ngàn người tham dự. Năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã theo lộ trình từ Núi Tabor viếng thăm nơi này.

Nhà thờ Tối Thượng Quyền

Sau thánh lễ, chúng tôi rời núi bát phúc, đến thăm nhà thờ Tabghar (7con suối), nơi Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Thật đáng tiếc, nhà thờ đóng cửa vì hôm nay là Chúa Nhật III Mùa Chay. Một thoáng buồn được lấp đầy bằng niềm vui khi viếng nhà thờ và nghịch nước biển hồ Galilê.

Nhà thờ Tối Thượng Quyền
Nơi đây Chúa trao quyền chăm sóc đàn chiên cho Phêrô (Ga 21, 1-19).



Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời ông ra làm hai: cuộc đời phần một,từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy; phần hai,từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma.



Trong cuộc đời phần một của ông, ông đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác. Cuối đời của Chúa, Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14,66-72). Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mảnh đời phần một của ông có nét chân dung thế này: Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.



* Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin ( Mt 14,31)

* Lần thứ hai: Ngu tối ( Mt 15,16)

* Lần thứ ba: Satan ( Mc 8,33)



Phần hai cuộc đời ông là một thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Gioan (Ga 21,2-3). Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đếm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời.



Chúng tôi đang đứng trên bờ biển hồ mà năm xưa Chúa hỏi về lòng mến và trao quyền cho Phêrô.



Nhớ đến đoạn Phúc âm kể câu chuyện, đêm hôm ấy họ không bắt được con cá nào…rất giống như lần đầu tiên lúc họ mới gặp Chúa. Rồi có một người đứng đó. Người ấy bảo đem lưới mà thả bên phải mạn thuyền. Họ làm như thế và bắt được rất nhiều cá. Gioan thốt lên: "Thầy đó" (Ga 21,1-7) Phêrô choáng váng. Ông vội khoác áo vào, nhảy xuống khỏi thuyền bơi thật nhanh lên bờ. Thầy đã nhóm lửa và bảo họ lấy cá. Phêrô vội vàng thi hành. Ông không dám hỏi một lời. Sau bữa ăn, Chúa phá vỡ im lặng. Ngài quay về phía Phêrô. Ông vẫn im lặng. Chúa hỏi: "Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?.(Chúa gọi ông bằng tên riêng của ông chứ không gọi bằng tên Chúa đặt: Phêrô: Đá) Ông cảm thấy như đau nhói ở trong lòng. Trả lời với Thầy làm sao bây giờ. Ông còn có quyền nói là ông yêu Chúa nữa hay không. Dù sao thì ông cũng không thể nói trái với sự thật. Ông để cho Chúa phán xét: "Thưa Thầy, thầy biết con yêu mến thầy". Có những điều người đời không thể biết nhưng Chúa biết. Ông không nói dối. Một con người đã có lần phản bội, đã có lần chối Chúa, đã có lần rất tầm thường như ông làm sao mà có thể dám quả quyết. Nhưng tự trong thâm tâm, tự trong đáy lòng ông vẫn mến Thầy chân thành. Ông nói rất thật. Chúa lại nhìn ông một lần nữa rồi Ngài lại lập lại cũng một câu hỏi trên: "Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?". Ông cũng lại lập lại câu trả lời như ông đã trả lời ở trên. "Thưa thầy có. Thầy biết rằng con yêu mến Thầy".



Rồi lần thứ ba Chúa hỏi lại để được nghe lại một lần nữa lời tuyên xưng tình yêu của một kẻ được Chúa yêu thương nhất nhưng cũng đã vấp phạm nhiều nhất. "Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy không?. "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy".



Tảng đá nơi Chúa ăn cá và bánh cùng 07 môn đệ
Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dở, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Ba lần ông chối Chúa, ba lần Chúa cho ông cơ hội để nhắc lại tiếng nói tình yêu, để tuyên xưng lòng tin tưởng của mình. Không một lời rầy la, không một lời trách móc, không một lời buộc tội, chỉ là cơ hội để xác định lại mối dây liên hệ yêu thương. Đó là cách Chúa cư xử với những kẻ khiêm nhường. Nhờ vậy Phêrô bắt đầu một đoạn đời mới. Chúa trao quyền cho Phêrô: "Hãy chăn giữ các chiên của ta". Thế rồi Chúa bảo ông: hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời
Thưởng thức món «cá Phêrô»
mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao. Từ đây trên tảng đá Phêrô, Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được. Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.

Trời đã trưa, chúng tôi đi ăn món « cá Phêrô » tại nhà hàng Tanureen. Cá đánh bắt ở hồ Galilê trông giống như cá điêu hồng, nhưng với thương hiệu « cá Phêrô », món ăn càng thêm hấp dẫn.

Jordan



Sau 30 năm sống âm thầm, ẩn dật ở Nazareth, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai về Nước Thiên Chúa. Người đến chịu Phép rửa ở sông Jordan. Đọc Phúc Âm tôi nghĩ Jordan là một con sông lớn lắm, ai dè khi đến nơi, thấy nó bé nhỏ như một con kênh giữa miền Tây sông nước.

Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênh mang thuyền qua lại thì dòng nước Jordan nơi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn xiết chảy thì dòng Jordan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Jordan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Jordan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn. Thế mà Chúa Giêsu đã chọn dòng nước bé nhỏ này, không phải như Môisen hay Giôsua giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng nước nhỏ cùng với đoàn chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Thiên Chúa, Đấng cho Cửu Long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho
Một nơi nghỉ mát trên bờ hồ Galilêa
Hương giang lững lờ lãng mạng gợi hồn thơ đã chọn dìm mình vào dòng nước Jordan bé nhỏ. Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì dòng sông Jordan bé nhỏ ấy là dòng sông quen thuộc nhất đối với người Kitô hữu chúng ta. Chính tại đây Chúa Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả. Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” (Mc1,5) và chịu “phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối? Ngài là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là sự hạ mình sâu thẳm của Đấng Thánh và là một cuộc gặp gỡ lịch sử Cưụ ước – Tân ước. Biến cố không chỉ loan báo trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà còn loan báo về sự phục sinh vinh quang của Người. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân - Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô, vị ngôn sứ của thời kỳ mới. Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc tranh cãi dành ưu thế, nhưng thật thú vị tuyệt vời khi cả hai đại biểu đều khiêm nhường đón nhận nhau trong sứ vụ. Chúa Giêsu từ tốn bước xuống nước Jordan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.Gioan hân hạnh xin Chúa Giêsu rửa cho mình vì ông nhìn thấy đây mới chính là nhân vật ban phép rửa trong Thánh Thần như ông đã loan báo. Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này, Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là Con Ta yêu dấu. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao. Từ nay Chúa Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với niềm hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha. Cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng tại sông Jorđan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và nước, giữa Tân ước và Cựu ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu, chúng ta nhận đước ấn tín của Chúa Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa.

dòng Như một thân thể của xứ Palestine, góp phần quan trọng trong lịch sử Israel ngay từ những ngày đầu Chúa chọn dân Do thái. Từ Jordan chuyển từ tiếng Do thái, hayyarden, có nghĩa “chảy xuôi dòng thời gian”. Bắt nguồn từ Syria, do ba phụ lưu hợp thành. Sộng dài 300km, rất nhiều chỗ cạn, nhiều chỗ uốn khúc, chảy qua biển hồ Galilê và cuối cùng đổ vào Biển Chết. Lòng sông rất dốc, thượng lưu ở độ cao 45 mét, đến cửa sông là 390 mét với mặt nước biển, lưu vực 93 mét khối/s. Mặc dù là con sông rộng nhất của Palestin, sông Jordan khác với những con sông của nhiều nước ở chỗ: Khúc sông từ Biển hồ Galilê đến Biển Chết có đến 27 ghềnh thác khó lưu thông, lắm chỗ nước chảy qua tạo thành những thung lũng như đầm lầy, nhiều nơi có thú dữ, cây cối hai bên dòng sông mọc tươi tốt, không có thành phố lớn nào được thành lập dọc theo dòng sông. Kinh Thánh nói nhiều đến dòng sông này, khởi đầu là việc liên hệ giữa Abraham và ông Lot ở sông Jordan (St 13,10). Giacob từ Kharan trở về đã vượt qua sông Jordan, các chi tộc vượt sông Jordan cách kỳ diệu dưới sự hướng dân của Giosuê (Gs 3,14-17). Con sông là ranh giới vì dân du mục vượt qua sông vào Cannaan để cướp bóc. Người Israel tìm nơi nương náu bên kia tản ngạn sông Jordan (Tl 6,33; 2Sm 17,22) và được xem như sự che chở: “Trong bụi rậm sông Jordan...” (Gr 12:5; 49:19; 50:44) qua Naaman nước Aran nghe lời ngôn sứ Êliđeo xuống sông tắm 7 lần nên được khỏi bệnh phong hủi (2V 5,1-19). Ngôn sứ Êdêkiel (chương 47) diễn tả sức sống sung túc của sông Jordan, nước sông chảy đến đâu thì trao ban sự sống đến đó. Với Kinh Thánh Tân ước, sông Jordan là nơi Gioan làm phép thanh tẩy, thống hối và Chúa Giêsu nhận lãnh nghi thức thiên hạ này để mở đầu hoạt động công khai.

Rời Jordan, xe đưa chúng tôi đi qua nhiều sa mạc miền Trung. Đường sá ở Israel thật tốt, 2 làn xe phân biệt trên quốc lộ, có nhiều cầu vượt. Một hành trình dài mấy trăm cây số chẳng thấy bóng cảnh sát giao thông. Việt nam thì quá nhiều, huyện nào, tỉnh nào cũng thấy công an giao thông.

Đi qua thung lũng Jordan, bên trái thuộc lãnh thổ Jordan, bên trái thuộc Israel. Qua trạm gác có nhiều anh lính Palestin cầm súng kiểm soát, chúng tôi đến lãnh thổ Palestin rồi ngang qua vùng đất Giêricô tiến về Giêrusalem trong nắng chiều vàng nhạt.

Giêrusalem, thành thánh với bao câu chuyện Thánh kinh hấp dẫn. Bêlem,nơi Chúa Giáng sinh,Giêricô với cây sung Giakêu, núi cám dỗ, Bêtania nơi có mộ Lazarô, rồi Biển chết, Qumran…biết bao địa danh lôi cuốn lữ khách.



(Còn tiếp)