Rước trong văn hoá Việt nam

Chủ nhật Lễ Lá, chúng ta thường đọc đoạn Kinh thánh nói về Chuá Giêsu vào Giêrusalem “… Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường. một số khác lại chặt nhành lá mà trải lên lối đi. Đám đông, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy …” (Matthêu, 21, 8-9). Đây chính là một đám người Do Thái đã rước Chuá Giêsu lần đầu tiên. Rước cũng thường thấy trong lễ hội của văn hoá Việt Nam.

Rước là gì?

Trong tiếng Việt, rước có 3 nghĩa:

• Diễn tả một đám đông người đi diễu ở ngoài đường trong các cuộc vui như rước đèn, rước sư tử.

• Diễn tả một đám đông người đang tham gia một nghi thức tôn giáo như rước Chuá vào lòng, rước thần, rước xác ( thi thể người qua đời được mang vào nhà thờ để làm phép xác trước khi chôn cất)

• Đón tiếp một cách long trọng như rước dâu trong đám cưới.

Ngoài ra, từ rước còn là một từ đệm như rước ông xơi nước (để chỉ lời mời một cách lịch sự)

Rước được sử dụng như thế nào?

Từ “rước” phần nhiều mang ý nghĩa tích cực, để chỉ một hình thức vui trong hội hè đình đám như đã nói trên, hoặc nói lên tình cảm tôn kính và quý trọng dành cho một vị thần hoặc một người nào đó. Song không phải luôn luôn tích cực như thế mà còn có ý chê bai như “Rước voi về dày mồ” (tương tự như cõng rắn cắn gà nhà), hoặc tỏ ý tức giận khi có điều không hài lòng ( thí dụ: Mày rước cái xe đạp cũ rích này về làm gì?)

Từ “rước” cũng thường đi với “kiệu” để trở thành “rước kiệu” thường thấy trong nghi lễ tôn giáo. “Kiệu” là vật dụng để tỏ lòng tôn kính hoặc quý mến. “Kiệu” cũng trở thành một động từ như “Kiệu Chuá Hài Đồng”, “Kiệu Đức Mẹ La Vang”, “Kiệu thánh bổn mạng”…

Rước trong lễ hội Việt nam

Rước thành hoàng: Rước là một hình thức không thể thiếu trong các hội hè đình đám ở Việt Nam. Trước đây có những đám rước trong các làng xã để cung nghinh một vịthần trong làng như rước Thần thành hoàng sau khi làng có sắc phong của nhà vua công nhận một người trong làng đã có công lao to lớn đối với làng. Mỗi năm làng rước thành hoàng một lần theo ngày tháng làng quy định. Thành hoàng được rước quanh làng rồi sau đó lại đặt vào đình làng, sau đó là một bữa tiệc được tổ chức cho cả dân làng cùng tham dự.

Ngoài ra còn có những buổi rước kiệu hơi khác với những buổi rước kiệu như ta thường thấy.

Rước “chạ” của hai làng Phú Đa và Trinh Nữ: Hai làng này nay thuộc huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương có tục giao hảo với nhau, coi nhau như anh em một nhà nên trai gái hai làng này không được lấy lẫn nhau. Tương truyền thì Thành hoàng của làng Trinh Nữ là một người đàn bà quê mùa ở làng Phú Đa về làm dâu làng Trinh Nữ. Một lần có giặc đến quấy phá, bà can đảm vượt vòng vây của giặc từ làng Trinh Nữ về làng Phú Đa để báo tin và xin cứu giúp. Dân làng Phú Đa kéo sang đánh đuổi bọn giặc và từ đó hai làng kết thân với nhau. Mỗi năm, làng này rước thành hoàng của mình sang làng kia và năm sau ngược lại. Làng nào đón tiếp thành hoàng thì khoản đãi một bữa tiệc và sau đó lại rước thành hoàng về.

Rước lão: mỗi năm cứ đến dịp làng mở lễ hội thì có tục đón các vi bô lão trong làng ra đình làng với những nghi thức đón rước trọng thể bàng võng và lọng theo tuổi tác. Cụ nào sống lâu trăm tuổi thì được rước bằng võng điều che bốn lọng xanh. Cụ nào chín mươi tuổi thì hai lọng xanh và giảm số lọng cho những cụ ít tuổi hơn. Đám rước do trai tráng trong làng phụ trách và diễn ra rất trọng thể.

Tóm lại, rước là hình thức không thể thiếu trong các nghi lễ tôn giáo và trong lễ hội đình đám ở Việt Nam vì nó tỏ lòng tôn kính hoặc mang lại niềm vui cho cả dân làng.