Chuyện phiếm: THƯỜNG NÓI DỐI



Ông Từ Hoè từ miền tây về ăn tết, ông ở hai tuần, cả làng tôi vui qúa sức. Ngày ông lên đường, làng làm tiệc tiễn trọng thể. Hai cô Tôn Nữ và Cao Xuân làm món bún bò Huế, Chị Ba Biên Hoà làm món cá nướng trui, Cụ B.95 làm món miến cua. Còn chính ông Từ Hoè làm món Ratatouille. Các cụ biết món tây này chứ ? cái món gồm mấy thứ thứ rau như cà chua, cà tím, tất cả bỏ chung vào xào ấy mà. Bữa ăn tổng hợp hương vị 3 miền đất nước VN và hương vị Tây, chưa bao giờ ngon thế.

Ông Từ Hoè mang món Ratatouille nóng hổi từ bếp lên, đặt vào giữa bàn rồi nói: Đây là món chuột thứ hai nha. Năm chuột phải ăn món chuột. Bữa tân niên tôi đã đãi món dưa chuột, bữa nay xin đãi món chuột vườn. Thấy mọi người ngơ ngác, ông cười ha ha: món này gốc bên tây, tên nó là Ratatouille, ba chữ đầu của món này là RAT, mà ‘rat’ cả tiếng Pháp cả tiếng Anh đều nghĩa là chuột. Gọi nó là chuột vườn vì mấy thứ này đều trồng ngoài vườn. Bữa nay xin làm món chuột chay. Bà Cụ B.95 nghe xong thì nói ngay: Xin tạ ơn Bác và xin chịu Bác, lời Bác bao giờ cũng ngọt như mật như đường ! Năm nay là năm chuột, bác đã cho làng ăn 2 món chuột chay, sang năm là năm trâu, bác có định làm món trâu chay không ? Chị Ba Biên Hòa nháy mắt: Cụ ơi, cái bác Bắc Kỳ này kinh lắm, VC còn phải nể bác ta cơ mà, ta phải chờ tết sang năm mới biết được.

Rau nóng, ăn với món cá nướng, thật tuyệt. Tôi chưa khoe các cụ về món cá này. Các cụ còn nhớ anh Mike, hàng xóm da trắng của tôi chứ ? cái anh mà mùa hè cũng như mùa đông hay rủ tôi đi câu ấy mà. Mùa hè đi câu là chuyện bình thường, mùa đông đi câu, các cụ có thấy lạ không ? Chuyện này chỉ ở Canada mới có. Năm ngoái hay năm kia gì đó tôi đã đi câu mùa đông với Mike. Đi một lần cho biết rồi tởn luôn, các cụ ạ. Năm nay anh đi câu một mình. Anh lên miền bắc nhập làng câu trên mặt hồ. Làng câu đã cho khoan nhiều lỗ trên mặt băng. Bạn chỉ việc mắc mồi vào lưỡi câu, thả xuống, ngồi chờ. Anh Mike bảo tôi năm nay anh định câu cá trout, tức là loại thuộc gia tộc cá hồi salmon, nên anh dùng mồi bằng thịt bacon. Cá trout mê bacon lắm. Thả xuống là nó cắn ngay. Nghĩ cũng lạ. Mồi câu cá xưa nay phải dùng côn trùng chứ, bây chừ sao lại bacon, thịt heo xông khói, là thế nào. Anh Mike đi có một buổi sáng, câu được 3 con cá bự rồi xách giỏ về ngay. Anh đúng là mẫu ngưòi Canada điển hình. Câu vừa đủ ăn, không câu thêm. Anh ăn một con, cất vào ngăn đá tủ lạnh để dành một con, đem cho tôi một con. Con cá dài đến 3 tấc. Tôi mang đến biếu Chị Ba Biên Hoa ngaỳ. Chị bèn cuốn giấy bạc bỏ lò. Lúc mang cá ra, con cá vàng chảng thơm điếc mũi. Làng tôi đã nhậu cá với bún, với rau sống, với mắm nêm, ăn thêm với ratatouille.

Nhìn mấy đĩa rau thơm trên bàn, ông ODP nói ngay: Ngày xưa ở quê nhà, đĩa rau trên bàn ăn là những rau hái trong vườn nhà, cùng lắm là mua ngoài chợ, nhưng vẫn là rau VN. Sang đây, trên bàn ăn này, chúng ta có đĩa rau quốc tế. Thấy có người làng ngơ ngác chưa hiểu ý, ông ODP nói ngay: Tôi nói ở Canada này chúng ta ăn rau quốc tế. Này nhá, rau húng này hình như từ Mỹ đem qua, rau dấp cá này hình như nhập cảng từ VN, rau salad này từ Nam Mỹ đem lên. Có phải đĩa rau thơm này có chất quốc tế không ? Tờ báo Time số 21 tháng Giêng vừa qua, có bài rất hay của ký giả Joel Stein. Ông này nói về các món thực phẩm quốc tế trong bếp của chúng ta. Nào hạt hạnh nhân từ Tây Ban Nha, nào trái olive từ Hy lạp, nào thịt trừu từ Tân Tây Lan, nào cá bass từ Argentina, nào măng tây từ Peru, nào trái dứa từ Hawaii, nào trái dừa từ Thái Lan, nào chai rượu vang Beaujolais từ Pháp... Rõ ràng cái bếp chúng ta đã được ‘toàn cầu hóa’. Tôi thấy ông Stein kể sót một thứ: chai nước mắm Phú Quốc từ VN nữa chứ.

Rồi ông ODP quay vào ông Từ Hoè xin thêm ý kiến. Hai ông này xưa nay như cặp bài trùng vì hai ông đều là hai bồ chữ. Ông H.O. lên tiếng ngay: Hạ giới chỉ có bốn bồ chữ, hai ông chiếm mất hai bồ, Đức Khổng Tử một bồ, còn lại một bồ chia cho cả thiên hạ. Vậy xin bồ chữ Từ Hoè lên tiếng.

Ông Từ Hoè phát biểu: Bác ODP đã nói đúng qúa rồi. Sang đây, bây giờ, ngày nào chúng ta cũng ăn các món quốc tế. Đây qủa là đất thiên đàng, thức ăn đầy bàn, thừa mứa. Tôi chỉ còn thắc mắc này xin hỏi các bà trước khi về miền tây. Rằng bữa trước tôi có đề nghị rắc một chút bột ngọt MSG vào gạo gói bánh chưng, nghe nói phe các bà phản đối dữ lắm vì cho là MSG là chất độc. Vậy bây giờ các bà còn cho là chất độc nữa không cơ ? Phe các bà nín khe, không bà nào nói gì, vì đã sáng mắt. Đúng vậy các cụ a. Kỳ tết vừa qua, khi làng tôi gói bánh chưng, Cụ B.95 đã trộn chút xíu bột ngọt vào gạo, đồng bánh chưng ngon hẳn lên, lạ thiệt chứ.

Ông Từ Hoè diễn thuyết tiếp: Bột ngọt gốc nó bên Nhật, tên nó là Aji-No-Moto, nhưng lại được sản xuấtt bên Mỹ. Các hộp các chai gia vị đều ghi rõ thành phần, bao giờ cũng ghi rành rành MSG. Không tin bạn nhìn kỹ gói bột me nấu canh chua ‘ Tamarind Soup Base’ của hãng Knorr mà coi, bạn nhìn kỹ chai dầu hào oyster sauce của hãng Lee Kum Kee mà coi, bạn nhìn kỹ gói mì ăn liền mà coi. Có ghi MSG rõ ràng. Thế mà ta ăn tỉnh bơ, đâu có hãi.

Lúc này Chị Ba Biên Hoà mới lên tiếng: Bữa nay đầu năm mà sao phe các ông toàn nói những chuyện nghiêm trang vậy ? Chúng tôi đang thèm tiếng cười mà chờ hoài chưa thấy. Bác Từ Hoè đâu, xin kể chuyện cười. Ông Từ Hoè lắc lắc cái đầu rồi chỉ ngay vào anh John: Đây mới chính là kho chuyện cười. Chị thấy núi Thái Sơn trước mặt hằng ngày nên không nhìn ra đó thôi. Xin Anh John khai mạc, tôi xin giữ phần kết.

Anh John cười ha ha: Chuyện cười nhiều vô cùng. Biết bắt đầu từ đâu bây giờ ? À, mà tôi nghĩ ra rồi. Vì thành phần làng ta đủ miền Nam Trung Bắc, tôi xin kể chuyện tiếng ba miền theo cái nhìn của tôi. Mà xin nói ngay, tôi không có ý xúc phạm ngôn ngữ địa phương nào nha. Tiếng miền Nam quê vợ tôi, hình như có lần tôi đã nói tới câu ‘lợi biểu’, lời bà mẹ gọi đứa con lại để bà sai bảo. Câu này ngắn gọn mà nghe thật hay. Mà nói về ngắn gọn, tôi thấy còn tiếng ‘giô’, viết là vô mà phát âm giọng miền Nam là giô, nghe hay vô cùng. Nhóm bạn bè ngồi nhậu, khi ép ai uống rượu thì cả bàn hô ‘giô giô giô’. Tiếng này như vừa thúc dục, vừa như cổ võ. Trên sân đá banh, khi cầu thủ đưa banh vào được vùng cấm địa, sắp đá vô khung thành, cả cầu trường như cùng hét lên ‘ giô giô giô’, nghe nó khích động làm sao. Phải nói ‘giô’ mới hay, chứ nếu nói theo tiếng ‘vào’ của Bắc Kỳ thì tự nhiên thấy nó vô duyên và trơ trẽn vô cùng ! Chỉ một tiếng ‘giô’ mà nó làm ta muốn đứng tim. Cũng như bà già đi chợ, bà chỉ tay vào bó rau rồi hỏi ‘ nhiêu ? ’, chỉ một tiếng nhiêu thay cho ‘ giá bao nhiêu ? ‘ mà đủ hết nghĩa.

Rồi sang tiếng Huế miền Trung mới hay hơn nữa. Nghe tin có người quen chết, người Huế hỏi nhau: ‘Đau răng mà chết ?’ Đây là câu hỏi, nhưng cái tai anh Bắc Kỳ và Nam Kỳ thì nghe ra đây không phải là câu hỏi, mà là một câu nói về cái nguyên nhân gây ra sự chết, chết vì đau răng ! Cũng như một anh Bắc Kỳ đến thăm cô bạn gái Huế, bị con chó nhà người đẹp nhe răng táp cho một miếng vào chân đau điếng, thế mà cô Huế trấn an: ‘ Không có răng mô’, có nghĩa rằng ‘không có sao đâu !’. Anh Bắc Kỳ nghĩ trong bụng: Nó có răng rõ ràng, răng nó táp vào chân tôi rõ ràng, tại sao em lại bảo nó không có răng ? Cụ B.95 nghe đến đây thì thích chí qúa. Cụ lên tiếng: Con Tôn Nữ đây là dâu của tôi, suốt ngày nghe nó nói: mô tê răng rưá, bên ni bên nớ, o nớ o tê, ban đầu tôi không hiểu gì cả, nay thì nghe không những đã quen mà còn thấy hay nữa. Nó nói mà như hát cung đình.

Anh John kể tiếp: Còn tiếng Bắc Kỳ thì ôi thôi, hết sẩy. Tiếng Việt mà tôi học trong sách thì khác, mà nghe mấy anh mấy chị Hà Nội bây giờ nói thì lại khác. Chẳng hạn các bạn ấy khen cái anh đẹp trai đó có ‘ nhiều cô mê lắm nhỉ ‘, thì họ nói ‘ ối cô mê nhẩy ! ‘Ối’ là ‘rất nhiều’đấy, Nhá hoá ra nhé hoá ra nhỉ rồi hoá ra nhẩy đấy, các cụ ạ, chứ không phải mê nhẩy đầm đâu !

Đến đây thì bồ chữ ODP góp ý: ngôn ngữ biến đổi theo thời gian. Ta phải chấp nhận sự biến đổi này. Tiếng Việt ở Hà Nội thế kỷ trước và thế kỷ này đã thay đổi nhiều lắm. Rõ ràng nha. Tiếng Việt ở Saigon trước 1975 và sau 1975 thay đổi thấy rõ nha. Bây giờ tôi xin nói về tiếng Pháp và tiếng Anh. Bên Pháp có Hàn Lâm Viện quy định phải nói thế này, phải viết thế này. Tự nhiên ngôn ngữ bị khựng lại, do đó ngôn ngữ Pháp văn hiện nay chỉ có khoảng 100 ngàn từ. Cũng vậy, bên Anh Quốc, ngôn ngữ tiếng Anh cũng như bị chận đứng lại. Nhà soạn tự điển Noah Webster ở Hoa Kỳ đã làm một cuộc cách mạng. Ông đã phân biệt tiếng Anh ở Anh Quốc và ở Hoa Kỳ. Tiếng Anh ở Hoa Kỳ đã phát triển, đã biến hoá, đã mở rộng. Cuốn tự điển ‘An American Dictionay of the English Language’ của Webster xuất bản lần đầu năm 1828 là một cuộc cách mạng ngoạn mục. Theo Cơ quan Giám sát Ngôn Ngữ Toàn Cầu, Global Language Monitor, thì hiện nay tiếng Anh tại Hoa Kỳ đã lên đến một triệu từ.

Thấy bà con trong làng mặt mũi ai cũng nghiêm trang như nghe bàn về quốc sự, ông ODP đã làm cho bầu không khí loãng ra và nhẹ nhàng đi. Ông cười ha ha: Trong số 1 triệu tiếng Mỹ thì đã có những tiếng gốc VN, như ‘ phở’, ‘chả giò’, ‘áo dài’ nha. Bạn cứ mở tự điển ra mà coi.

Rồi ông ODP kết thúc phần phát biểu bằng trích dẫn lời khen tiếng Mỹ trẻ trung và phong phú của học giả Huy Lực Bùi Tiên Khôi. Tiến sĩ Khôi đã viết trong bài ‘ Anh Ngữ tại Hoa Kỳ’ đăng trên Thế Kỷ 21 số 224 vừa qua thế này:

‘... Cuối năm 2002 tại diễn đàn Houston, tôi ngồi cạnh GS Paul Chu, người đã từng cùng tôi giảng dạy tại Đại Học Houston, hiện là Chủ tích Đại Học Hong Kong. Ông ta thì thầm vào tai tôi phê bình diễn giả là bà Margaret Thatcher ( lúc đó là thủ tướng nước Anh ): Bà nói tiếng Anh ngọng ngịu thụt lưỡi đả đớt, chỉ có tiếng Anh tại Hoa Kỳ là du dương đầy nhạc điệu trầm bổng hùng hồn...’

Nghe đến đây thì Cụ B.95 lên tiếng: các ông các bà nói chuyện gì khô khan, chả có tiếng cười gì cả. Ông H.O. cũng gật gù đồng ý là các quan bác đã nói chuyện khô khan. Ông xin kể một câu chuyện ướt. Đây là một câu đố dân gian gốc Bắc Kỳ:

Mân mân mó mó đút ngay vào,

Thủy hoả tương giao sôi sùng sục,

Am dương nhị khí sướng làm sao !

Xin đố cả làng: Ai và người đó đang làm cái gì ?

Vừa nghe xong thì phe các bà giơ hết tay lên, la rằng tục quá. Ông H.O. cười hê hê. Ối giời ơi! Các bà đòi chuyện ướt, người ta mới kể chuyện ướt có một tí mà các bà đã thét lên. Câu đố của tôi ướt thì có nhưng không tục tí nào. Nó tả cảnh người hút thuốc lào, hút cái điếu cày Bắc Kỳ. Vị nào đã từng xem người hút thuốc điếu cày mới thấy câu thơ tả chân hay và đúng tuyệt vời.

Ông Từ Hòe nghe đến đây cũng hứng chí kể một chuyện ướt. Đó là chuyện ‘đực cái’. Chuyện Tả Quân Lê Văn Duyệt trong Nam. Tả Quân được vua phong chức ‘phó vương’, tiền trảm hậu tấu, uy quyền lớn vô cùng. Bữa đó Tả Quân ngồi xem kịch. Trong màn diễu, anh hề này hỏi anh hề kia: Đố mi biết vật gì vừa cái vừa đực ?’ Tả Quân vốn là người ái nam ái nữ nên ông nghĩ tên hề dám chọc mình, ông bèn sai lính hầu xách gươm lên sân khấu nạt lớn: Bay phải nói cho ra lẽ đó là con gì, nếu không thì bay đầu !

Anh hề đáp ngay: Đó là ‘con thằng lằn’.

Cả rạp đang đứng tim, nghe xong lời giải thích, bèn thích chí cười vang. Ôi chữ G trong tiếng ‘thằng’ hay biết chừng nào. Nó cứu mạng anh hề. Thằng là giống đực, con là giống cái. Rõ ràng vừa cái vừa đực.

Thấy cả làng vỗ tay khen chuyện đực cái, ông Từ Hoè được hứng nên kể tiếp chuyện đi thi ngày xưa. Rằng có ông giáo sư người Pháp kia khét tiếng là cho điểm khắt khe. Bữa đó ông hỏi thi vấn đáp tú tài. Có một thí sinh học giỏi vào thi. Ông tây giám khảo hỏi: Anh hãy cho tôi biết cây cầu lớn nhất Bắc Kỳ tên là gì ? Anh thí sinh này học chương trình tây, học sử ký địa dư bên tây, đâu có học sử ký địa dư bên ta, do đó anh tắc tị. Nghĩ mãi mà không ra câu trả lời. Tức qúa, anh thốt ra tiếng chử thề: Đ.M. ! Quan giám khảo nghe hai tiếng Đ.M. liền nói lớn: Đúng, đó là cây cầu Doumer ! Nào ai có thể ngờ tiếng chửi thề VN lại là tên cây cầu trong tiếng Pháp. Đó là cầu Doumer bắc ngang sông Hồng Hà, do quan toàn quyền Pháp Doumer xây. Doumer phát âm y chang tiếng chửi thề Đ.M. giọng miền Nam.

Ông ODP phụ họa: Nếu anh thí sinh kia là dân Bắc Kỳ và phát âm Đ.M. theo lối Bắc Kỳ thì anh rớt là cái chắc. Các cụ biết lối phát âm Đ.M. Bắc kỳ như thế nào rồi chứ? Nó không hề là tên quan toàn quyền Doumer !

Ông ODP vừa phụ họa xong thì Chị Ba Biên Hoà ngắt lời: Xin các quan bác thôi chuyện nói tiếng tây. Cụ B.95 đang chờ nghe thần tượng John kể chuyện thời sự đây nè. Mà chẳng riêng gì cụ B.95, hầu như cả làng ai cũng thích mục này. Anh John xưa nay vẫn là cái radio của làng mà. Anh vui vẻ làm phận sự ngay.

Tin đáng chú ý là dân số Canada vừa tăng lên 1.6 triệu người. Đây không phải là con số trẻ sơ sinh ở Canada đâu. Canada giá lạnh nên dân chúng lười đẻ lắm. Trong số 1.6 triệu thì 1.1 là di dân đấy. Cũng trong lãnh vực dân số, trước năm 2006, dân số Da Đỏ non một triệu người. Nay con số Da Đỏ ở Canada đã lên tới 1.2 triệu, tức là chiếm 3.8% dân số toàn quốc.

Anh John là người mê Da Đỏ. Nhân nói tới người Da Đỏ Canada, anh John lạc đề kể luôn sang dấu vết tiếng Da Đỏ trong các điạ danh Canada. Nhiều lắm. Chẳng hạn những danh xưng quen thuộc, như Canada có nghĩa là ‘xóm làng’, Ottawa là ‘nơi buôn bán trao đổi’, Niagara Falls la ‘thác nước đổ như sấm sét, Toronto là ‘nơi hẹn hò’, Québec là ‘eo biển’. Riêng địa danh Montréal là một sự phối hợp giữa tiếng Da Đỏ ‘Real’có nghĩa là cánh buồm, và tiếng Pháp ‘mont’ là núi. Montreal là một hòn đảo có ngọn núi trông giống như cánh buồm. Thơ mộng chứ. Người Việt mình tới đây định cư đã gọi Montréal là xứ ‘Mộng Lệ An’. đẹp qúa chứ.

Tiếp theo là tin bưu điện Canada vừa phát hành tem hình con chuột để mừng năm Mậu Tý của chúng ta. Canada đúng là xứ đa văn hóa. Xứ này qúy trọng và tôn vinh văn hóa của các sắc dân thiểu số. Lâu nay người Canada gốc Á Châu đã nổi bật. Ba nơi đông dân Trung Hoa và Việt nam là Toronto, Montreal và Vancouver. Kể từ năm Con Trâu 1997 trở đi, mỗi năm bưu điện xứ này phát hành một con tem mang hình một con giáp. Năm ngoái đã hình con heo, năm nay vừa hình con chuột.

Rồi Anh John xin kể chuyện Bà Madeleine Albright. Các cụ còn nhớ nữ ngoại trưởng Hoa Kỳ (1997-2001) thời Tổng Thống Clinton chứ ? Bà là người đã tham dự vào việc cứu dân Kosovo ở Đông Âu trong cuộc chiến vừa qua. Bà nói với phóng viên báo Time là bà mới sang thăm xứ này. Nhiều người dân đã trương bảng ‘Thank You’ nơi bà đi qua. Điều làm bà cảm động nhiều nhất, không phải là những tấm bảng cám ơn, mà là sự kiện nhiều bé gái sinh ra ở Kosovo đã mang tên Madeleine, tên của bà.

Người da trắng qúy ai thì lấy tên người đó đặt tên cho con mình, đây là nét văn hóa tây phương. Nó khác hẳn nét văn hóa da vàng quê mình. Ngày xưa ở VN, gia đình nào đẻ con thì phải kiêng tên ông tổ, ông cố, ông cụ, tên ông chánh tổng, tên ông lý trưởng. Thí sinh nào đi thi thì phải thuộc danh sách tên húy của triều đình. Ai phạm húy là trượt ngay. Bà Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng nên những ai tên Hoa phải đổi ra Huê. Hoàng là tên Chúa Nguyễn Hoàng nên ai tên Hoàng phải đổi ra Hùynh. ..

Nghe đến đây thì ông H.O. cười hê hê. Chuyện húy kị này có thực trăm phần trăm. Tôi là chứng nhân đây nè. Ngày xưa tên tôi là Hùng. Ông bạn của ông nội tôi cũng tên là Hùng, do vậy mỗi lần ông bạn đến thăm ông nội tôi thì trước mặt ông bạn, ông nội gọi tôi là ‘ Cu’. Này Cu, cháu lấy cho ông cái điếu. Này Cu, lấy cho ông bình chè.

Rõ ràng Đông và Tây không gặp nhau nha.

Người mà từ đầu buổi họp làng đến giờ chỉ ngồi gật gù và mỉm cười, bây giờ mới lên tiếng. Đó là Cụ Chánh, tiên chỉ làng. Cụ xin nhờ Ông Từ Hoè chuyển lời thăm hỏi và chúc tết vợ chồng chú chính uỷ, ý quên, chính uỷ là tên lý lịch ngày xưa ở VN, bây giờ vợ chồng chú đã là người mới, tên Canada của chú là Paul. Cụ còn mời vợ chồng chú đến tết Con Trâu sang năm thì sang ăn tết với làng.

Chị Ba Biên Hòa gửi biếu vợ chồng chú Paul cặp bánh tét do chính chị gói. Của một đồng mà công một nén đó, chị Ba vừa cười vừa nói với ông Từ Hoè. Chị còn nhắc ông Từ Hoè mua qùa đem về cho chú nữa. Ông Từ Hoè gật đầu rồi đố cả làng là ông đã mua món qùa gì. Làm sao mà ai đoán nổi. Ông cười hà hà rồi khai: tôi mua một chai rượu khai vị Ice Wine của miền Niagara Falls. Các cụ phương xa đã biết Ice Wine nổi tiếng của Canada, sản xuất ở miền Thác Niagara rồi chứ ? Loại rượu làm bằng trái nho đông lạnh ngoài trời ấy mà. Ngon đặc biệt. Và ông Từ Hoè khai tiếp: Chưa hết. Ngoài chai rượu, tôi còn mang về cho vợ chồng chú 2 câu chuyện liên hệ tới việc thiện nguyện vợ chồng chú đang làm.

Chưa ai hiểu chuyện gì mà hấp dẫn như vậy. Ông Từ Hoè kể: Tuần qua tôi đi lễ Nhà Thờ của Cha Paolo. Trong bài giảng Cha Paolo nói về đề tài ‘ Ta phải yêu tha nhân’. Mến Chúa thì phải yêu người. ‘Yêu người’ đến mức độ nào mới đủ ? Ngài đặt câu hỏi. Cả nhà thờ im lặng. Ngài bảo 2 câu chuyện sau đây là câu trả lời.

Thứ nhất là chuyện Cha Maxmillian Kolbe ở Ba Lan. Ngài là một linh mục đạo đức thánh thiện từ nhỏ. Thời Đệ Nhị Thế Chiến, Đức Quốc Xã xâm chiếm Ba Lan. Cha Kolbe ở trong lực lượng kháng chiến. Ngài bị bắt và bị giam ở trại Auschwitz, mang số tù 16670. Ngài luôn yêu thương và giúp đỡ các bạn tù hết lòng. Để làm nản chí việc tù nhân trốn thóat, Đức Phát Xít đặt ra luật: Mỗi khi một tù nhân trốn thoát thì 10 tù nhân khác do chúng bốc thăm sẽ bị giam đói cho tới chết. Bữa đó có một tù nhân trốn trại, trong số 10 tù nhân bị bốc thăm vào nhà biệt giam có một người lính trẻ, mới lấy vợ. Người lính trẻ xấu số khóc hết nước mắt. Cha Kolbe đã tình nguyện thế mạng cho anh này. Và ngài đã chết ngày 14.8.1941. Yêu tha nhân đến độ bỏ mạng sống mình vì tha nhân, đó là tuyệt đỉnh của bác ái. Cha Kolbe đã được Giáo Hội Công Giáo phong hiển thánh năm 1982.

Chuyện thứ hai là chuyện Nữ Tu Anne Thole ở Nam Phi. Nữ tu Thole phục vụ trong trung tâm chữa bệnh Aids ở Johannesburg, Nam Phi. Ngày đêm bà xả thân phục vụ người bệnh. Chuyện mới xảy ra năm ngoái: Ngày 31.3.2007, trung tâm bị hỏa hoạn. Nguyên nhân là do bệnh nhân ném tàn thuốc lá bừa bãi. Ngọn lửa cháy thật lớn thật mạnh, sở cứu hỏa thành phố trở tay không kịp. Nhân viên trung tâm cố ôm từng bệnh nhân chạy ra ngoài, nhưng cuối cùng vẫn còn kẹt một số. Sơ Thole liều chết chạy vào lần chót, nhưng không kịp. Sơ bị chết cháy, vai đang cõng một bệnh nhân và tay đang ôm một bệnh nhân.

Ông Từ Hoè thuật lại 2 chuyện Cha Paolo kể trong bài giảng lễ chủ nhật, giọng rất say sưa. Xưa nay ông vẫn mê Cha Paolo. Các cụ còn nhớ Cha Paolo của nhóm chúng tôi chứ ? Cái ông cha đã đứng bảo lãnh cho gia đình Cụ Chánh khi tới Canada mấy chục năm trước ấy mà. Cái ông cha coi xứ đạo mà mỗi khi có giờ rảnh là vào bệnh viện thăm viếng những bệnh nhân cô đơn ấy mà.

Ông Từ Hoè kết thúc câu chuyện như thế này: Ai nói bác ái mà không có việc làm chứng minh thì người đó nói dối.

Thế này thì hình như chúng ta thường mắc tội nói dối hết rồi, các cụ ơi !