Linh Đạo Hôn Nhân hiện đại: Thừa tác vụ Hôn nhân

5. Thừa Tác Vụ Hôn Nhân

Trong sách này, chúng tôi đã đề cập tới ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân. Thực tại tôn giáo của hôn nhân đụng chạm tới cả cuộc sống nội tâm của yêu thương hỗ tương và cam kết lẫn việc nó tham dự vào sứ mệnh to lớn hơn của Chúa Giêsu. Chính cuộc sống nội tâm của hôn nhân đã phát hiện cho ta thấy quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Ta ngạc nhiên khi thấy diễn trình đầy huyền nhiệm gồm cả tận tụy lẫn ngã lòng, cả niềm vui lẫn thỏa hiệp, cả hoài nghi lẫn hạnh phúc từng nối kết chúng ta lại với nhau trong yêu thương. Đôi khi ta biết rõ một cách đáng sợ rằng cái hình ảnh rắc rối và lắm lúc mỏng dòn về cuộc sống chung kia hoàn toàn tùy thuộc ở ta, mà cũng không hẳn hoàn toàn tùy thuộc ta. Nó vừa là trách nhiệm của ta, mà đồng thời cũng là một tặng phẩm ta nhận được.

Lấy nhau trong Chúa là cảm nghiệm được quyền năng và sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống chung của ta: là nhận ra tình yêu hàn gắn của Ngài trong tình yêu em dành cho anh; là cảm nghiệm được lời mời gọi mầu nhiệm của Chúa trong thách thức tăng trưởng và thay đổi cuộc sống chung; là cảm nhận được niềm vui khoái của Chúa trong niềm vui ân ái với nhau của bọn mình; là thấy được sự mầu mỡ phong phú của Chúa trong huyền nhiệm con cái mình. Nhưng ở đây cũng như bất cứ nơi nào khác, cái nhìn Kitô giáo không tự đóng khung chính mình (self-contained). Ta thấy là để ta có thể sống biến đổi nhờ cái thấy đó. Lấy nhau trong Chúa là có được đôi mắt để nhìn ra một ý nghĩa và một hiện diện sâu sắc hơn trong tình yêu hai đứa mình. Nó cũng là việc đáp ứng lại sự hiện diện kia, một hiện diện mời gọi ta cùng nhau vươn quá hiện trạng “chỉ có hai đứa mình” mà ý thức được sự can dự vào công việc của Chúa trong trần gian. Là tín hữu, ta dự phần vào sứ mệnh của Chúa Giêsu: qua các hành vi đức tin và công lý, ta tuyên xưng với các thế hệ tương lai rằng Thiên Chúa chúng ta quả là Chúa Tể. Đối với nhiều người chúng ta, hôn nhân là chủ yếu đối với mục đích tôn giáo rộng lớn hơn của đời ta này. Hôn nhân thử nghiệm và củng cố giá trị nền tảng là các cam kết vốn lên khuôn cuộc sống ta. Chính trong hôn nhân và cuộc sống như gia đình của mình, cảm nghiệm về Thiên Chúa của ta được thâm hậu và tinh lọc. Con cái ta đặc thù hóa và mở rộng cảm thức nơi ta rằng ta liên kết với cả cộng đồng nhân loại và chịu trách nhiệm về tương lai của nhân loại ấy.

Hôn Nhân Như Nguồn Thừa Tác Vụ

Cộng đồng đức tin can dự vào thực tại tôn giáo của hôn nhân. Giáo Hội có một thừa tác vụ đối với hôn nhân: nâng đỡ mối liên hệ, sự cam kết và lối sống của hôn nhân Kitô giáo vốn được coi là hậu cảnh của kinh nghiệm và trưởng thành tôn giáo cho rất nhiều tín hữu. Nhưng dịch vụ đối với hôn nhân này không phải là mối liên kết duy nhất giữa hôn nhân và thừa tác vụ của cộng đồng đức tin. Mà còn có cả một thừa tác vụ dành cho các Kitô hữu đã lập gia đình nữa. Thừa tác vụ là dấu chỉ sự trưởng thành về mặt tôn giáo. Nó được chờ mong, hay đúng hơn nên được chờ mong, nơi tất cả mọi tín hữu đã trưởng thành, không phải chỉ là những vị được nhận diện như là chuyên nghiệp mà là cái khối đại đa số trong cộng đồng đức tin này, mà phần đông lấy vợ lấy chồng, chứ không phải theo đuổi “nghề nghiệp” tu trì. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Giáo Hội ngày nay đang bắt đầu chờ mong, một lần nữa, thứ thừa tác vụ của các tín hữu trưởng thành này. Quả là những bước đầu quan trọng. Nếu các Kitô hữu có gia đình được quan niệm chủ yếu chỉ như các đối tượng hay người lãnh nhận thừa tác vụ của Giáo Hội, thì các chương trình từ thừa tác vụ ấy chỉ càng tăng cường tính thụ động và khó lòng góp phần được gì vào tính trưởng thành tôn giáo của họ. Tự quyết, tự lập và tự động lực hóa bản thân mới là dấu chỉ của hành động trưởng thành. Giáo Hội ngày nay được thách thức phải khai triển các phương cách giúp các Kitô hữu có gia đình, và nói tổng quát hơn, các giáo dân Kitô giáo, biết đem những điểm mạnh của tự quyết, tự lập và tự động lực hóa bản thân kia vào cuộc đối thoại hiện đang tiếp diễn trong cộng đồng đức tin. Có nhiều dấu chỉ cho thấy việc ấy không dễ dàng gì, nhưng sự chín mùi tôn giáo chỉ xuất hiện nhờ cách đó mà thôi.

Như thế, hôn nhân và gia đình không phải chỉ là đối tượng của thừa tác vụ Kitô giáo, trong tư cách chỉ là những mối liên hệ cần được chăm sóc và thừa tác cho. Hôn nhân và gia đình tự nó là một nguồn tài nguyên của cộng đồng đức tin, một nguồn cung cấp năng lực và tầm nhìn, một nguồn của thừa tác vụ Kitô giáo. Trong chương cuối cùng này, chúng tôi muốn tóm kết các thể tài khác nhau đã được bàn tới vào chủ đề chung là thừa tác vụ của hôn nhân và gia đình Kitô giáo. Ở đây chúng tôi muốn bàn đến động lực và công lực tôn giáo của hôn nhân.

Thừa tác vụ của hôn nhân này phân thành hai hướng: chăm sóc mình và chăm sóc quá bên ngoài mình. Sự kiện hôn nhân và gia đình Kitô giáo phải tự thừa tác lấy mình, chứ không phải chỉ đơn giản ngồi chờ một thừa tác viên được chính thức đề cử tới thừa tác cho mình đã được nhìn ra ngay trong Bí Tích Hôn Phối: cặp vợ chồng chính là thừa tác viên, là chủ tế bí tích này. Và vì bí tích Hôn Phối không chấm dứt với một nghi thức duy nhất nhưng tiếp diễn cùng với sự tăng trưởng của hôn nhân, ta phải đặt câu hỏi là đôi vợ chồng tiếp tục cử hành bí tích này ra sao. Họ tiếp tục thừa tác ra sao đối với mối liên hệ của chính họ và gia đình đang tăng trưởng của họ?

Thanh Tẩy Các Hoài Mong

Tóm lược các điểm đã bàn từ trước đến nay, ta có thể kể ra hai loại thừa tác vụ gia đình hết sức quan trọng. Loại thứ nhất quan tâm tới các giả thiết ta thừa tự được về hôn nhân; ta có thể đặt tên cho loại này là thừa tác vụ thanh tẩy các hoài mong của ta. Khi kết hôn, ta đem theo với mình một loạt các giả thiết phong phú và phức tạp về điều hôn nhân “nên là”. Các giả thiết này thường là những giả thiết không được nói ra, ngay cả với chính ta. Chúng thường được thừa tự từ các cảm nghiệm ta có về cha mẹ và gia đình mình, từ nền giáo dục Kitô giáo và từ những mô tả về hôn nhân trong đời sống văn hóa của ta. Ta “biết”, một cách không suy nghĩ, hôn nhân là gì, vợ chồng giả thiết phải hành xử ra sao, con cái phải được nuôi dưỡng như thế nào. Một số các hoài mong này tốt và có giá trị; số khác có thể phá hoại hay đơn thuần không xứng hợp với cuộc hôn nhân của ta. Quan trọng hơn hết, chúng xem ra ở bên ngoài ta, ít nhất cũng ở buổi đầu cuộc sống trưởng thành của ta. Phần nhiều chúng là hoài mong của một ai khác chứ không phải của chính ta, chúng là những “của thừa tự” ta mang theo với mình vào hôn nhân.

Khi hôn nhân chín mùi hơn, ta sẽ có được một hiểu biết sâu sắc hơn mình là ai, cuộc hôn nhân và cái gia đình đặc thù này đã nên như thế nào rồi. Ta sẽ bắt đầu một diễn trình cần thiết cùng nhau suy tư về các hoài mong của mình và đánh giá xem hoài mong nào thích hợp với cuộc sống chung và hoài mong nào không thích hợp với nó. Diễn trình này chính là cuộc hành trình đi vào thế giá và tính độc đáo của cuộc nhân của mình. Rất có thể lúc khởi đầu cuộc sống chung, ta tưởng tranh chấp không có chỗ đứng trong hôn nhân. Vì ta được người ta dạy rằng tranh chấp và tranh đua chỉ có hại, nên không thể có chỗ đứng trong căn nhà của chúng ta. Bởi thế khi tranh chấp nổ ra, như nó phải nổ ra, ta bèn bối rối và xấu hổ: cảm nghiệm của ta do đó không đi đôi với hoài mong của ta. Điều này làm ta bẽ mặt và dẫn ta đến việc giập tắt tranh chấp. Ta ráng làm lơ nó vì ta thấy nó không nên có mặt ở đây. Kiểu đáp ứng khác, và là kiểu điển hình cho một thừa tác vụ hữu hiệu đối với mối liên hệ của ta, là khảo sát cái giả thiết ấy về tranh chấp. Ta đã học điều ấy từ đâu và nó giá trị đến mức nào? Há truyền thống Kitô giáo và các nghiên cứu tâm lý học không từng cho thấy tranh chấp vốn là một phần trong bất cứ mối liên hệ có ý nghĩa nào và nó vốn là phương thế mạnh mẽ để tăng trưởng, để thân mật thêm lên rất nhiều đó sao? Há sự chờ mong của ta đối với tranh chấp chỉ là một giả thuyết ngây thơ và vô ích đó sao? Diễn trình suy tư này, nếu được cùng nhau đưa ra, dù là một cách lộn xộn đi chăng nữa, cũng là một thanh tẩy đối với các hoài mong. Nó là một phần trong nhiệm nhặt học quan trọng đang khai diễn về hôn nhân Kitô giáo, một nhiệm nhặt học ta có trách nhiệm phải khai trriển.

Một hoài mong khác được ta mang theo vào hôn nhân có lẽ là mình sẽ thoả mãn được mọi nhu cầu của nhau. Vừa là bạn, vừa là người yêu và người đồng hành: tình yêu hỗ tương của hai đứa mình nồng nàn đến nỗi chẳng đứa nào trong bọn mình thèm một ai khác. Nhưng hôn nhân càng lớn thêm, ta càng thấy cuộc đời chẳng giống như thế. Ta không thể mà cũng chả dám cả quyết ta là tất cả mọi sự đối với nhau. Phải chăng điều ấy có nghĩa là ta đang đi trật ra ngoài tình yêu dành cho nhau hay hôn nhân của ta đang rơi vào thất bại? Có thể như thế lắm, nhưng cũng có thể đó chỉ là dấu chỉ cái hoài mong đầy chất lãng mạn của tuổi trẻ kia đang được thanh tẩy. Cái giả thuyết chung chung về hôn nhân kia đang được kinh nghiệm hôn nhân của ta thử nghiệm và lên khuôn lại. Đây là một cuộc thanh tẩy và là một thứ kỷ luật vì nó thách thức các ý niệm và lý tưởng vốn được ta trân quí, những ý niệm và lý tưởng được ta mang theo với bản thân mình. Và ta biết rằng đơn giản sống cuộc hôn nhân và đời sống gia đình theo những hoài mong ta có được từ bên ngoài và có khi từ ngay bên trong mình đi chăng nữa là làm ngơ, là quên khuấy nét duyên dáng đặc thù trong tình yêu của ta.

Khi khởi sự suy tư về những giả thuyết ta đã đem vào hôn nhân, có lẽ ta đã thấy con số những giả thuyết này không phải là nhỏ: nào là giả thuyết liên quan đến anh phải là ông chồng nuôi sống gia đình, còn em chỉ là bà vợ; nào là hoài mong liên quan đến việc mình phải làm tình ra sao và bao nhiêu lần một tuần; lại còn giả thuyết mình phải có bao nhiêu nhóc tì mà một “cặp vợ chồng Công Giáo tốt” buộc phải có. Mình cũng thấy hôn nhân của mình là giao điểm của nhiều hoài mong, cả của anh lẫn của em; các giả thuyết không nói ra ấy xuất hiện qua những đòi hỏi tế nhị và không tế nhị vợ chồng mình khoác lên nhau.

Thanh tẩy hoài mong là một thừa tác vụ chuyên biệt mà hai vợ chồng được mời gọi đảm nhiệm; nó thử nghiệm tính co dãn (resiliency) trong hôn nhân. Rất có thể ta sẽ bối rối hay mất hướng khi các giả thuyết ta ưa thích từ lâu nay bị tấn kích. Có khi ta còn đau đớn hay buồn khổ khi buộc phải từ bỏ những giả thuyết lâu đời nhưng không còn thích hợp với cuộc hôn nhân của mình nữa. Nhưng, trong thanh tẩy, ta cũng có thể nhìn về phía trước, hướng tới một gọt dũa tinh tuyền hơn cho cuộc tình của mình. Trong diễn trình tinh lọc mà ta là thừa tác viên chính này, ta biến cuộc hôn nhân của ta thành hoàn toàn là của ta. Nó vẫn là một cuộc hôn nhân Việt Nam và Kitô giáo vì đây không phải là một hành trình đi tìm tư riêng. Cuộc hôn nhân Việt Nam và Kitô giáo này nay đã trở thành của ta cách trọn vẹn hơn, với các biểu thức yêu thương, tranh chấp và thông đạt, các khuôn mẫu sinh hoạt gia đình và tham dự vào xã hội thích ứng với ơn gọi hôn nhân đặc thù của ta.

Khả năng thi hành thừa tác vụ này, cũng như các thừa tác vụ khác mà vợ chồng được mời gọi, thực ra cũng đặt căn bản trên một hoài mong. Đó là hoài mong: vợ chồng sẽ lãnh lấy trách nhiệm tôn giáo làm cho hôn nhân của mình trở nên chín chắn. Cuộc sống chung của ta không diễn tiến cách tự động hay tự nhiên, mà ta cũng không mong chờ một thừa tác viên Kitô giáo được cử nhiệm nào đó đứng sẵn bên cạnh để nâng đỡ diễn trình tăng trưởng của ta. Vì ta là thừa tác viên của bí tích Hôn Phối, nên ta cũng phải liên tục là thừa tác viên của diễn trình bí tích đang diễn biến này. Lòng hoài mong vào năng lực tôn giáo của ta là một hoài mong mà Giáo Hội Kitô giáo và các thừa tác viên của Giáo Hội này rất sẵn sàng đem tới cho các cặp vợ chồng.

Thừa tác vụ nội tại về hôn nhân và gia đình này đòi phải có cả tầm nhìn lẫn nhân đức. Ta có thể nói rằng thừa tác vụ thanh tẩy các hoài mong bắt đầu bằng một tầm nhìn, tức là thấy mình có khả năng cùng nhau đối chất thách thức. Sau đó, nhờ nhân đức, ta sẽ theo đuổi thừa tác vụ này. Tóm lại, hai vợ chồng phải được trang bị đầy đủ cho trách nhiệm nhiều đòi hỏi này. Các kỹ năng chuyên biệt giúp hai vợ chồng chia sẻ tâm tư tình cảm một cách cụ thể và không đổ lỗi lẫn nhau và các kỹ năng giúp họ xử lý các tranh chấp sẽ lên khuôn hình thực tiễn cho thừa tác vụ này.

Cử Hành Trong Gia Đình

Cách thứ hai trong đó gia đình tự thừa tác cho chính mình liên quan đến các thực tại chính yếu của đức tin Kitô giáo. Đó là việc tha thứ và cử hành sự hiện diện của Chúa. Mới gần đây thôi, người ta vốn hiểu bí tích Thống Hối và bí tích Thánh Thể rõ ràng tách biệt hẳn cuộc sống hàng ngày của gia đình. Việc thống hối thời đó hoàn toàn là việc riêng giữa Chúa và linh hồn, được thi hành trong nhà thờ. Mối liên kết giữa bí tích và sự tha thứ mà cuộc sống như gia đình thường đòi hỏi và cảm nghiệm vốn dễ dàng bị làm ngơ. Cuộc canh tân bí tích Hòa Giải đã nhấn mạnh nhiều hơn tới các khía cạnh cộng đoàn và công khai của hành vi ăn năn thống hối và tha thứ này. Như đã đề cập tại Chương 24, bước kế tiếp chắc chắn sẽ bao gồm các cố gắng tìm cho ra các phương thế đơn giản và hữu hiệu để gia đình có thể tham dự cách trực tiếp vào việc cử hành sự tha thứ theo Kitô giáo. Nếu hôn nhân và gia đình được kêu gọi tự thừa tác lấy mình, thì lời kêu gọi này chắc chắn phải bao gồm việc học hỏi các cách thế biết tha thứ lẫn nhau. Một nghi thức đơn giản cho gia đình sẽ là nghi thức giúp vợ chồng và gia đình tham dự mạnh mẽ hơn vào hành vi chính yếu này của Kitô giáo. Một khai triển như thế, hiện đang xẩy ra trong nhiều gia đình Kitô giáo, sẽ không hạ giá bí tích Hòa Giải, trái lại, còn làm nó tăng sinh lực hơn.

Hành vi tôn giáo chính yếu thứ hai của cộng đồng Kitô giáo là cử hành sự hiện diện của Chúa. Cuộc canh tân phụng vụ trong Giáo Hội Công Giáo trong mấy thập niên qua đã biến kinh nghiệm này từ “Thánh Lễ do linh mục đọc” thành “Lễ Tạ Ơn do cộng đoàn cử hành”. Tuy nhiên, sự tăng gia tham dự của người giáo dân cho ta thấy cái phần vẫn chưa được phát triển trong thừa tác vụ Kitô giáo: đó là việc cử hành sự hiện diện của Chúa ngay tại gia đình. Nhiều lý do phức tạp thuộc lịch sử đã dẫn tới việc hạn chế các bí tích Hoà Giải và Thánh Thể trong phạm vi nhà thờ cũng như chỉ do các giáo sĩ cử hành. Nhưng vì nay việc hòa giải Kitô giáo đã được di chuyển ra khỏi tòa giải tội, thì việc cử hành sự hiện diện của Chúa cũng đang được thực hiện bên ngoài cung thánh. Việc linh mục cử hành “thánh lễ tại gia” cho thấy ý niệm chính gia đình thực hiện một cử hành tương tự như thế không còn xa lạ nữa. Người ta có thể so sánh việc người chủ gia đình Do Thái cử hành bữa ăn Vượt Qua (Seder) với việc người Kitô hữu cử hành sự hiện diện của Chúa trong tương lai. Trạng huống nhăn nhó của thừa tác vụ gia đình này có thể nhận ra trong lời cầu nguyện khiêm tốn của gia đình trước bữa ăn tối. Nhưng hiện nay, ở nhiều nơi, các gia đình đang thử nghiệm một số hình thức đơn giản để cử hành cả các dịp vui lẫn các dịp buồn trong cuộc sống chung của họ. Những cử hành sự hiện diện của Chúa trong các biến cố quan trọng của cuộc sống gia đình ấy sẽ không thay chỗ lễ Tạ Ơn chung nơi giáo xứ cũng như các cộng đoàn khác nhưng sẽ bổ túc và củng cố nó.

Người Công Giáo đang được dạy rằng có nhiều cách khác nhau để cử hành cả sự tha thứ lẫn sự hiện diện của Chúa. Một số cách đó phải xẩy ra trong các cộng đoàn chính thức, rộng lớn hơn, với các vị cử hành thay mặt cho cộng đoàn và Giáo Hội nói chung. Một số khác xẩy ra trong gia đình và xem ra hai vợ chồng là những người cử hành thích hợp. Hình thức thừa tác vụ bên trong gia đình này còn có một chức năng mạnh mẽ khác: nó dạy con cái ta biết người Kitô hữu phải sống ra sao. Vì hiện nay, ảnh hưởng của các trường Công Giáo đang suy giảm ở một vài khu vực, nên cha mẹ ngày càng được mời gọi tham gia thừa tác vụ này. Ta không còn có ai khác để huấn luyện đức tin cho con cái mình nữa. Nên gia đình một lần nữa đã trở thành địa điểm cho việc đào tạo tôn giáo này. Đối với việc đào tạo ấy, thử hỏi còn có tập chú nào tốt bằng việc gia đình thực hiện tha thứ và cử hành sự hiện diện của Chúa trong các biến cố đời mình? Giống như thừa tác vụ thanh tẩy các hoài mong, thừa tác vụ này cũng cần phải có tầm nhìn và nhân đức: ta phải biết chờ mong nó và khai triển một số kỹ năng căn bản trong việc chia sẻ và cử hành.

Thừa tác vụ hôn nhân cũng được điều hướng để vượt quá nó. Gia đình Kitô giáo là một tài nguyên cho chính nó nhưng cũng là tài nguyên cho cộng đồng rộng lớn hơn. Nó cũng khởi đầu với tầm nhìn và hoài mong: ta phải coi gia đình mình không phải chỉ cho riêng mình. Có nhiều lực đẩy trong cuộc sống của ta hiện nay, như các động lực thúc đẩy ta thèm muốn cho con cái mình trổi vượt cũng như bảo vệ gia đình mình khỏi tội ác và bạo lực. Những lực đẩy này đủ khiến một gia đình tự quay vào chính mình. Khiến nẩy sinh ra cái tâm thức “ta đối mặt với cả thế giới”. Ta liều mình dùng hết mọi cố gắng của mình vào việc đem lại cho cái những điều tốt nhất; chả còn lại gì, cả năng lực lẫn tiền bạc, cho bất cứ ai khác. Nhiều gia đình Kitô giáo ngày nay cảm thấy sâu sắc mình đang rơi vào cơn cám dỗ của gia đình hạch nhân này: cơn cám dỗ cả tập thể quá tự yêu mình (collective narcissism). Việc tự quay vào chính mình mà đôi lúc xem ra rất cần thiết này đã tách biệt ta với người khác, nhất là những ai “không cùng loại” với ta, người xa lạ, người bị bóc lột, người ở ngoài lề được cả Cựu lẫn Tân Ước nhắc đến. Nhiều người chúng ta bị xâu xé giữa các đòi hỏi gắt gao của gia đình mình (“bác ái từ nhà bác ái ra”, ta vốn nhủ ta như thế!) và các nhận xét lặp đi lặp lại vốn làm ta bối rối của Chúa Giêsu: “Ai chuộng cha mẹ hơn Ta không xứng với Ta. Ai chuộng con cái hơn Ta không xứng với Ta” (Mt 10:27). “Ai làm theo ý Thiên Chúa, người ấy là anh chị em và là mẹ Ta” (Mc 3:35). Giải pháp cho thách thức này là để gia đình tìm ra lối đi giữa mặc cảm tội lỗi và đành bỏ rơi. Chúng ta, như gia đình này, được mời gọi góp phần ra sao vào thế giới rộng lớn ngoài kia, săn sóc người nghèo và kém thế như thế nào? Tính trưởng thành trong đáp ứng của ta tùy thuộc hành trình tìm hiểu thế giá gia đình và hôn nhân của mình: biết được mình là ai sẽ giúp ta có được một cảm thức tốt hơn về việc mình có thể cho mình đi như thế nào.

Thừa tác vụ của hôn nhân Kitô giáo như trên không hẳn là một khám phá mới mẻ gì. Nó vốn luôn luôn là một phần phong phú của các cộng đồng Kitô giáo, một sự kiện có lẽ cần được cử hành nhiều hơn vào lúc này. Bất kể đó là một cặp vợ chồng đã về hưu đang giúp bếp nấu cháo cho Hội Thánh Vinh Sơn Đệ Phaolô hay một gia đình đang đón tiếp một cặp vợ chồng tị nạn và con cái họ, các Kitô hữu luôn luôn thi hành các thừa tác vụ vượt quá bản thân mình hay “người cùng loại” với mình một cách đầy tương cảm. Khía cạnh mới mẻ của thừa tác vụ này có chăng là ở chỗ mối liên hệ giữa giáo sĩ và giáo dân nay đã thay đổi. Lúc sự phân biệt giữa hai lớp người này còn nổi bật, người ta dễ coi thừa tác vụ chỉ là lãnh vực của hàng giáo sĩ còn giáo dân thì chỉ có mỗi trách nhiệm là đóng góp tài chánh cho thừa tác vụ ấy. Nhưng nay, vì sự phân biệt ấy mỗi ngày một lỏng lẻo hơn, nên các Kitô hữu đã ý thức được rằng họ phải đóng góp nhiều thứ hơn là tiền bạc. Điều này không hẳn chì vì hiện nay không có “đủ” giáo sĩ hay tu sĩ để làm công việc nữa mà còn vì sự tăng trưởng về tôn giáo đòi họ phải tham dự không phải chỉ bằng túi tiền vào sứ mệnh công lý và sót thương. Việc người Công Giáo có gia đình chú tâm nhiều hơn vào loại thừa tác vụ này đang thách thức Giáo Hội phải khai triển các kênh đào mới để chuyển thông loại phục vụ này.

Loại thừa tác vụ vượt quá mình của gia đình này không những được thi hành qua các hoạt động chăm sóc, hàn gắn và đối chất bất công mà thôi, nhưng cũng nhờ việc làm chứng tầm thường hơn mà cũng mạnh mẽ hơn. Hôn nhân Kitô giáo là một bí tích: nghĩa là một dấu chỉ. Cuộc hôn nhân nào và gia đình nào sống thực ơn gọi đặc biệt của mình sẽ nổi bật giữa trần gian. Các quyết định của họ về tiền bạc và của cải, về việc phải dùng năng lực và thì giờ của mình ra sao, không phải giản đơn chỉ là bản sao các giá trị văn hóa và do đó không được ai chú ý. Xác tín của một gia đình Kitô giáo về điều ai là “đồng loại” của mình sẽ mang lại cho nó một sắc diện khác hẳn; tình yêu thương giữa vợ chồng họ cũng như việc kính trọng nhau giữa cha mẹ và con cái của họ sẽ đem đến cho họ một vóc dáng đặc biệt. Ở đây, thừa tác vụ gia đình đã được một chứng tá hầu như vô thức thực hiện: Đó chính là ý nghĩa và niềm hy vọng của hôn nhân Kitô giáo trong tư cách một bí tích đang không ngừng diễn biến.

Thay Đổi Và Tương Lai Hôn Nhân Kitô Giáo

Sau cùng, chúng tôi xin đề cập tới thay đổi: tới sự sống còn của cam kết hôn nhân trong một thế giới đang thay đổi; tới các hoài mong đang thay đổi của ta đối với hôn nhân, với chia sẻ tính dục, với tranh chấp và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống chung. Thay đổi có khi được nhìn như kẻ thù: nó đe doạ điều ta đã đạt được và nay đang được ta trân qúi. Nhưng, như đã bàn luận, thay đổi cũng được quan niệm là người bạn tốt. Nó mang đến cho ta cơ may và những mời gọi mới mẻ; nó bắt ta ra khỏi các khuôn mẫu tác phong cứng ngắc và các liên hệ trì trệ để bước vào các khả thể mang đến cuộc sống mới.

Chính Giáo Hội Công Giáo cũng đang thay đổi sâu sắc trong cái hiểu của mình về hôn nhân. Đôi khi ta thấy mình bị đe dọa bởi nhiều giá trị văn hóa đi ngược lại các hy vọng tôn giáo sâu sắc nhất của mình. Ta cũng có thể bị đe dọa bởi điều nhiều người Công Giáo chúng ta từng gây ra cho tính dục và hôn nhân nhân bản. Khi giải thích tính dục ấy như điều ta dễ sa phạm hơn cả, như cái phần tội lỗi hơn hết trong bản thân mình, là ta đã khoác lên cái phần đáng yêu, tuy đôi khi hơi ngang ngược này, của đời người một cái bóng quá nặng nề. Là Kitô hữu, ta vốn tuyên xưng Chúa đã mặc lấy xác phàm, trở thành một người như chúng ta. Nhưng rồi lại giải thích rằng việc mặc xác phàm ấy không có tính tính dục và không có tính sinh dục (non-sexual and non-genital), do đó mà truyền thừalại một Nhập Thể có sửa đổi.

Nhưng cả điều đó cũng có thể cho ta hy vọng. Nếu, trong tư cách Kitô hữu, ta từng đưa ra những giải thích hơi đen tối ấy về tính dục, thì ta cũng có thể căn cứ trên cảm nghiệm sâu sắc nhất của ta về tình yêu vợ chồng và ơn Chúa soi dẫn mà sửa lại quan điểm về tính dục ấy. Đối với hôn nhân cũng thế. Trong tư cách Kitô hữu, có lúc ta cũng đã giải thích khá cứng ngắc và khắt khe về hôn nhân. Từ một lý tưởng kỳ diệu trong liên hệ yêu thương bền bỉ ta đã làm nó khô cứng trở thành một thực tại siêu hình không thể nào biết thay đổi là gì. Một giải thích như thế, rất thường khi, đã dẫn ta tới việc bất khoan dung đối với những người có cuộc hôn nhân không những chỉ mỏng dòn mà còn tan vỡ nữa. Và một khi đã tưởng tượng rằng mối liên hệ hôn nhân giữa vợ chồng là một “phẩm trật” giữa bề trên và bề dưới, ta khó có thể bỏ qua cái hình ảnh mà giờ đây chẳng còn ăn nhập gì nữa. Nhưng cả ở đây nữa ta cũng hy vọng sẽ có thay đổi trong hình ảnh tôn giáo của ta về hôn nhân và các thay đổi theo hướng hỗ tương đã được khởi đầu trong các thực hành phụng vụ và chăm sóc mục vụ của ta.

Những thay đổi trong cái hiểu tôn giáo của ta về hôn nhân này đem hy vọng lại cho nhiều cặp vợ chồng ngày nay. Chúng cũng đem theo chúng cho ta một cái hiểu sâu sắc hơn về trách nhiệm của chính mình. Bằng hôn nhân của mình, ta cho các thế hệ tương lai hay đối với Kitô hữu, tính dục, hôn nhân và chung thủy là như thế nào. Ta là ngôn sứ, dù tốt dù xấu, của tương lai hôn nhân Kitô giáo. Ta là người truyền thừa, chuyển giao đức tin của mình. Việc chuyển giao này không diễn ra cách trườu tượng; nó mang hình thức cụ thể trong các hành vi thân mật và thủy chung đối với nhau của ta. Ta ráng sống thủy chung là điều nhất thiết phải có hai mặt: thủy chung với quá khứ tôn giáo của mình, với các mạc khải phong phú của nó, và thủy chung với cuộc hành trình hiện nay, với các mạc khải, đôi khi chẳng rõ rệt gì, của nó. Là người thực tế, ta biết chắc mình có thể dễ lầm lẫn như các tổ tiên tôn giáo của mình khi xưa. Về phương diện này, ta đừng mong có những thay đổi quan trọng! Nhưng khi đã tin rằng Thiên Chúa luôn hiện diện với ta, ta có thể dự ứng điều này: trong cuộc hành trình của mình, ta sẽ liên tục gặp gỡ tình yêu của Ngài, trong niềm vui chia sẻ tính dục, trong cảnh thân mật gay cấn hơn của tranh chấp, trong ân hận về tội lỗi liên tiếp của mình, trong sức mạnh của yêu thương tận tụy. Và cùng với diễn tiến của hành trình hôn nhân nói chung, hôn nhân Kitô giáo sẽ tiếp tục được tỏ hiện.