Đọc sách triết gia Plotin: Enneaden

Vươn lên tới cái độc nhất


«Noli foras ire, in te ipsum redi…» - Đừng đi ra bên ngoài, hãy quay trở về trong chính mình. Đây là một câu nói thời danh của thánh Augustinô, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại của thế giới Kitô giáo. Tuy nhiên, câu nói đó không đặt nặng về nghĩa luân lý hay như là một cảnh báo trước tình trạng bị phân hóa trong những sự vật thuộc ngoại giới, nhưng là một sự hướng dẫn giúp thấu triệt sự thành công trong công trình tri thức được hệ thống hóa. Và đúng 1200 năm sau, nội dung tư tưởng đó lại tái xuất hiện trong ý niệm về ‘sum cogitans’: «Cogito ergo sum» - Tôi tư duy, nên tôi hiện hữu - như một phương pháp tri thức chắc chắn nhất - của triết gia René Descartes, người sáng lập tân học thuyết duy lý trong thời tân đại.

Nhưng cũng chính với mục đích nhằm tới đó, và với những lời sau đây của thánh Augustinô: «Trong nội tâm con người có chân lý ngự trị…» - câu nói trên cho thấy hoàn toàn trùng hợp với khuynh hướng tư tưởng của triết gia Plotin (Enneanden I 6,9,7), người sáng lập tân chủ thuyết Platon và là nhà tư tưởng ngoại giáo vĩ đại cuối cùng của thời hậu cổ đại. Khuynh hướng tư tưởng của Plotin (204-270) đã từng một thời đóng vai trò chủ động trong lịch sử triết học nhân loại và soi sáng cho nền tư tưởng Tây Phương, tạo nên một đường hướng ngược dần về đến Platon, với sự thâm tín rằng bản thể của thực tại có thể nắm bắt được bằng tinh thần, bởi vì chính thực tại được cấu thành một cách bản thể bằng tinh thần. Qua đó, Plotin đã công khai đóng vai trò người «chú giải» Platon một cách chân chính. Tuy nhiên, người ta đã có lý khi gắn liền con đường «hướng nội» của Plotin với khả năng thần bí và tôn giáo đặc biệt của ông. Chính dựa trên nền tảng khả năng đó, Plotin đã nối kết học thuyết Platon một cách đặc biệt với chủ thuyết về tinh thần (Nous) của Aristote cũng như với tư tưởng đạo đức của phái khắc kỷ Stoa và của khoa thần bí học duy trí.

Triết gia Plotin
Chính đường hướng đó đã làm cho ông trở thành người đại diện cho khoa siêu hình học về cái tuyệt đối, và là thầy dạy về ba cấp của thực tại chân chính, bắt đầu từ đệ nhất hay duy nhất tuyệt đối (Hen: cũng có nghĩa là sự thiện hảo hay Thiên Chúa hoàn toàn siêu việt), bất khả diễn tả. Từ đệ nhất tuyệt đối đó phát xuất ra tinh thần (Nous) như là cấp thứ hai của bản thể (Hypotastase) trong một luồng sáng thứ nhất (Emanation), «như ánh sáng phát xuất từ mặt trời», tiếp đến từ tinh thần lại xuất phát ra linh hồn của vũ trụ (Psyche) như là cấp thứ ba. Còn các linh hồn cá nhân của từng người đều tham phần vào linh hồn của vũ trụ, và ngoài linh hồn của vũ trụ, linh hồn từng cá nhân còn tham phần vào tinh thần và sau cùng vào Duy Nhất Tuyệt Đối như là nguyên ủy sản sinh ra tất cả mọi sự.

Vì nhập thể vào trong vật chất, vào trong thế giới giác quan, nghĩa là sống trong thân xác trần gian, con người với phần linh hồn hạ đẳng của mình hoàn toàn cách biệt khỏi nền tảng bản thể. Để có thể quay trở lại với nền tảng bản thể - đương nhiên phải lần tìm lại con đường hướng nội, chìm sâu vào trong chính nền tảng của mình, cho đến khi đạt tới con người thượng cấp – thì đòi hỏi phải có sự nhất trí thực sự của linh hồn. Trong sự vươn tới này, trong sự hợp nhất (Henosis) mang tính cách suy niệm, suất thần và huyền bí với Duy Nhất Tuyệt Đối như với thế giới thần linh, linh hồn có thể đạt tới được hạnh phúc của mình cũng như sự nhận thức thực sự của hữu thể.

Plotin đã công khai đề xướng học thuyết này hơi muộn, tức lúc ông đã 40 tuổi, nhân dịp thiết lập một ngôi trường tại Roma, và khi ông 50 tuổi thì mới thực sự bắt đầu trình bày rõ ràng trên văn bản. Học trò của ông là Porphyrios đã qui tụ lại thành 54 tập khảo luận, và về sau lại sắp xếp thành 9 nhóm, mỗi nhóm gốm 6 tập. Do đó toàn bộ tác phẩm mang tên của nó như chúng ta thấy ngày nay là Enneande («Cửu Trụ»). Toàn bộ tác phẩm được hệ thống hóa như sau:

- Enneanden I: Nội dung bàn về đạo đức học.

- Enneanden II-III: Nội dung bàn về triết học tự nhiên.

- Enneanden IV: Nội dung bàn về linh hồn.

- Enneanden V-VI: Nội dung bàn về tinh thần và về duy nhất thể.

Một số bản chuyễn ngữ từ bản gốc bằng tiếng Hy-lạp rất nổi danh. Vì thế, từ rất sớm việc chuyễn sang tiếng La-tinh qua Marius Victorimus - một Kitô hữu và là đồ đệ của tân phái Platon, người cùng thời với thánh Augustinô – người đã hoàn toàn chấp nhận ông: Trong sự phối hợp đó lại trở nên mẫu mực cho sự tổng hợp tư tưởng Kitô giáo và tư tưởng Hy-lạp. Điểm đặc biệt ở đây là từ tinh thần của phái Platon, ông đã có một ảnh hưởng mạnh trong khoa Giáo Phụ và trong thời tiền trung cổ. Một bản dịch quan trọng khác chính là bản dịch của Marcilio Ficino, một học giả thời phục hưng. Và từ đây, bản dịch của Ficino đã trở thành khởi điểm cho sự tiếp nhận tư tưởng của Plotin một cách rộng rãi, có khi vô ý thức và mang tính cách «thế tục», trong thời tân đại (Neuzeit), chẳng hạn như nơi Goethe, Novalis, Hegel, Schelling và những học giả khác.

Tính cách phát khởi của tất cả mọi cái hữu và của tất cả mọi thực tại đều do từ «Hen», một nguyên lý độc nhất về một sự cao cả và tối thượng bất khả tri. Đó là trọng tâm của tư tưởng Plotin. Bởi vậy, người ta không còn lấy lạ khi những nhà tư tưởng Kitô giáo nhìn thấy hệ thống tư tưởng Plotin – cũng như tư tưởng của Platon – một sự chuẩn bị cho sự mặc khải ơn cứu độ mang tính cách lịch sử đối với thế giới ngoại giáo thời cổ đại. Một quan niệm hoàn toàn đúng đắn về một Vị Thiên Chúa như là Đấng Sáng Tạo mọi hữu thể như thế, có thể còn phong phú hóa cho cả đức tin của các tín đồ Do-thái giáo về Đấng mà họ tôn thờ như là Thiên Chúa duy nhất và giúp họ cảm nhận được sự cao cả của Thiên Chúa như thế nào: vượt lên trên mọi hữu thể, trên mọi thụ tạo trong vũ trụ. Chính đây là điểm mở đường dẫn tới quan niệm độc thần, và tiếp đến, lý thuyết của Plotin về bản thể cũng cung cấp cho các nhà thần học Kitô giáo những ý niệm suy luận về Ba Ngôi Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, khi Plotin tìm cách giải thích về Tam Vị cũng như sự đa phức của vũ trụ một cách tổng quát như là «sự xuất phát» từ cái duy nhất, hay người ta cũng có thể gọi đó là một sự rò chảy vô ngã (a-personale) từ một nguyên ủy, thì điều đó không hề có nghĩa là người ta có thể dễ dàng hoặc áp dụng vào sự mặc khải của một Thiên Chúa bản vị hoặc vào vai trò quan trọng đặc biệt của Đức Giêsu, hay vào giáo huấn về «Creatio ex nihilo» – sự tạo dựng từ hư không.

Cả đến quan niệm của Plotin về linh hồn con người như một phần của linh hồn vũ trụ (Thuyết Nhất Tính), thì dựa theo Aristote, không thể hòa hợp với giáo lý Kitô giáo được. Vậy, tại sao tân học thuyết Platon, chẳng hạn đối với thánh Augustinô, lại quan trọng như thế? Lúc bấy giờ thánh nhân đã nhận ra được rằng, tân học thuyết Platon là thẩm quyền duy nhất trong thời hậu cổ đại, đã bảo vệ chống lại chủ thuyết duy vật tiềm ẩn của trực quan thuyết và chống lại ý niệm Logos đầy tính cách bán phiếm thần của phái Khắc Kỷ Stoa cũng như chống lại ý niệm tinh thần thuần tuý. Đó cũng là điều đang tạo ra cho chúng ta ngày nay nhiều vấn đề. Và chúng ta cũng tỏ ra không còn có thể nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa hai chữ «tinh thần» có nghĩa là gì nữa và như thế đã đánh mất đi phần nào sự «rộng rãi bao la» của lý trí mà Đức Bênêđíctô XVI đã thường đề cập tới, đặc biệt trong bài diễn văn thời danh của ngài tại đại học Regensburg/Đức quốc. Và đương nhiên chính chúng ta sẽ không tránh khỏi được những hậu quả tiêu cực của tình trạng đó.

Để nhận diện được Plotin như là vị thầy và như người nhắc nhở đứng phía sau, chúng ta hãy đọc những dòng sau đây của ông: «Bởi vì khi một người ngưỡng mộ một điều gì và tìm đuổi bắt điều đó, thì đã tự thú nhận (…) mình thua kém hơn điều đó. Nhưng khi chính con người tự cho mình là vô giá trị và hay chết hơn các sự vật khác vốn thấp kém hơn mình, thì con người sẽ không bao giờ có thể có được tư tưởng về bản thể và sức mạnh của Thiên Chúa. Như vậy, đối với con người có một quan điểm như thế thì chỉ có thể đưa tới một lý luận lưỡng diện, tức nếu người ta muốn hướng dẫn họ đi trên con đường ngược lại để tiến tới cái Đệ Nhất và tiếp tục hướng dẫn tới cái Tối Cao, tức cái Độc Nhất và Đệ Nhất. Nhưng cả hai là gì? (….) Một cái chỉ cho thấy sự vô giá trị của cái thuộc về linh hồn giờ đây có giá trị (…) Và một cái khác giáo huấn linh hồn và kêu gọi linh hồn hổi tưởng lại, là theo nguồn gốc và giá trị của mình, linh hồn cao cả như thế nào (…) về điều đó bây giờ chúng ta muốn hành động…» (Enneanden V 1,1)

__________________

Sách tham khảo:

Plotin: Enneanden. Studienausgabe, griech.-dt. ausgewählte Einzelschriften, besonders Heft 3: Seele, Geist, Eines. Enneanden VI 8, V 4, V 6, V 3, hrsg. von Klaus Kremer. Felix Meiner Verlag, Hamburg 1990.