Bài mở đầu niên giám 2008: GỐC DÂN DA ĐỎ CANADA



Những người đầu tiên trên giải đất Canada này xuất hiện vào thời tiền lịch sử, cách nay tới cả 100.000 năm. Con số được nhiều nhà khoa học đồng ý về khoảng cách đó là15.000 năm. Họ là những người Á Châu đã theo eo biển Beringia miền cực bắc vào Mỹ châu qua ngả Alaska. Những người gốc Á Châu này đã toả đi khắp miền Bắc Mỹ. Tuy mang cùng bộ mặt Á Châu nhưng họ rất khác biệt nhau. Riêng ở Canada có tới hơn 50 sắc dân, căn cứ vào những ngôn ngữ còn lại dấu vết. Họ trao đổi hàng hóa với nhau nhưng cũng thù nghịch nhau, tiêu diệt lẫn nhau.

Người da trắng Âu Châu tới đây vào thế kỷ thứ 15. Những người đầu tiên là người Pháp, người Hòa Lan và người Anh. Ban đầu họ trao đổi hàng hóa với dân Da Đỏ ở miền đông Canada. Món hàng trao đổi ban đầu của Da Trắng là sắt, súng đạn và xoong chảo nấu ăn. Cùng với các món hàng này, người da trắng đã đem bệnh tật từ Âu Châu sang Bắc Mỹ: bệnh đậu mùa, bệnh lên sởi, cảm cúm, bệnh phổi. Các thứ bệnh này đã tiêu diệt phần lớn các sắc dân Đa Đỏ. Điển hình là dân Huron ở mạn bắc Ontario. Theo sử của người da trắng ghi thì năm 1600, dân số Huron là 25.000 người. Nhưng qua trận dịch đậu mùa, năm 1640 dân số Huron chỉ còn 9.000.

Theo sử gia nhân chủng Henry Dobyns: trước khi người da trắng tới Bắc Mỹ thì dân số các sắc dân Da Đỏ hơn 18 triệu, nhưng vì nhiễm bệnh của dân Da Trắng mà vô phương chống đỡ nên chỉ trong 130 năm, 95% dân số Đa Đỏ đã chết. Sử gia Charles C. Mann trong cuốn “1491” đã có chứng cớ rõ rệt về dân số Da Đỏ ở New England. Năm 1616, do trận dịch viêm gan, 90% dân số đã chết. Tới năm 1633, tức 17 năm sau, một trận dịch đậu mùa đã tiêu diệt 1/3 dân số còn lại.

Sử gia Will Ferguson phát biểu: Các con số thống kê đã không nói lên sự thật hãi hùng về các bệnh dịch đã tàn phá các sắc dân Da Đỏ sau khi tiếp xúc với các dân Da Trắng từ Âu Châu tới.

Từ con số 18 triệu hay 10 triệu ban đầu đến thống kê dân số năm 2001, tổng số người Da Đỏ ở Canada hiện nay là 976.305 người.

Nhìn tổng quát về địa bàn sinh sống thuở ban đầu, các sắc dân Da Đỏ có thể xếp loại theo những vùng rộng lớn sau đây:

1. Dân miền đông với Liên bang IROQUOIS / SIX NATIONS

Đây là những sắc dân sống ở miền Sông Laurent và Các Đại Hồ, nổi bật là sắc dân Iroquois. Người Iroquois làm nghề nông, canh tác đặc biệt bắp ngô, bí ngô và các loại đậu. Họ sống trong những căn nhà rất dài, có cái dài tới 100 thước, chứa tới 50 người, gồm tứ đại đồng đường: ông bà, con cái, cháu và chắt. Họ sống quy tụ thành những cộng đồng. Các cộng đồng Iroquois này đã kết hợp lại thành Liên Minh Iroquois. Liên minh này còn gọi là Five Nations. Five Nations gồm 5 sắc dân Mohawk, Oneida, Onondaga, Cayuga, và Seneca. Sắc dân Mohawk được coi là anh cả. Sau này, Five Nations đổi ra SIX NATIONS khi có thêm sắc dân Tuscarora ở phía nam gia nhập năm1722.

Five Nations do ‘thiên sứ’ Dakanahwideh lập ra năm 1451. Thời đó, các người Iroquois cũng đánh lẫn nhau dữ lắm, Dakanahwideh đã đi hoà giải họ và viết ra Đạo Luật Hoà Bình, Great Law of Peace. Đạo luật này chính là hiến pháp của liên bang Iroquois.. Đạo Luật Hòa Bình này gồm 117 chương, dài 75.000 chữ, được truyền khẩu qua các thế hệ. Đạo luật này phân định rõ ràng các cấp chính quyền, và các đặc quyền của phụ nữ. Nhiều người tin rằng chính Đạo Luật này đã sinh ra hiến pháp Hoa Kỳ.

Điều đặc biệt về người Iroquois là họ theo chế độ mẫu hệ. Xã hội Iroquois được cai trị bởi 2 hội đồng: Hội đồng các lãnh tụ ( Council of Chiefs) và Hội Đồng Đại Mẫu ( Clan Mothers )

Riêng sắc dân Mohawk trong liêng bang Iroquois nổi tiếng là nnhững người dữ tợn ăn thịt kẻ thù ( eaters of men ).

2. Dân Miền Rừng phiá bắc

Đây là các sắc dân sống ở phía trên lãnh địa Iroquois, ở bắc Quebec, dọc Ontario và lên tới các lãnh địa miền Tây Bắc ( Northwest Territories ). Khác với các sắc dân phía nam, dân miền bắc này là dân du mục, sống thành nhóm nhỏ, ở trong lều. Phía tây bắc là nhóm Dene, gồm các sắc dân Kutchin,Dogrib, Beaver va Chipewyan. Phía đông nam là nhóm Algonquian, gồm sắc dân Cree, Ojibwa, Ottawa. Phía giáp bờ Đai Tây Dương là sắc dân Maliseet và Mi’kmaq. Chính sắc dân Mi’kmaq này là những người Da Đỏ đầu tiên tiếp xúc với người Âu Châu.

Dân Miền Rừng phía bắc này nổi tiếng về các thuyền đi trên sông, làm bằng vỏ cây birch. Loại thuyền này nhẹ, dễ sửa chữa và chở được nhiều hàng. Nội địa Canada là sông và hồ. Nhờ loại thuyền này mà việc buôn bán trên sông hồ trở nên dễ dàng và phát đạt. Sử gia Arthur Lower đã định nghĩa: Canada is a canoe route. Xuồng là một biểu tượng Canada.

3.. Dân miền đồng bằng

Đây là các sắc dân Blacfoot, Cree, Assiniboine, Sioux, Crow. sống ở Alberta và Saskatchewan. Họ sống trong lều, khung làm bằng các cây sào lớn chụm lại và bao quanh bằng da thú. Điểm lợi của loại lều này là dựng lên và tháo đi rất lẹ, Hình ảnh tượng trưng cho các sắc dân ở miền này là ‘cỡi ngựa bắn súng’. Thời tiền sử, ngựa là con vật đầu tiên của Bắc Mỹ. Không hiểu vì lý do gì ngựa đã biến khỏi đây, rồi xuất hiện bên Âu Châu. Người Tây Ban Nha đã đem ngựa từ Âu Châu sang Nam Mỹ, và rồi ngựa được đưa trở lại Bắc Mỹ.

Ngựa xuất hiện đã thay đổi nếp sống Da Đỏ. Ngựa đã cho người ta nhiều tự do hơn, vận hành nhanh hơn, lưu động dễ hơn. Ngựa cũng cho người ta nới rộng khu săn bắn, và mở rộng mặt trận đánh nhau.

Người Da trắng đã đem tới Bắc Mỹ ngựa và súng. Hễ nhắc tới người Da Đỏ ở miền này là người ta nghĩ tới nguười da đỏ Sioux mặc áo da thú, đầu đội mũ lông chim, cỡi ngựa và bắn súng

Loại thú mà người Da Đỏ săn ở miền này là loại bò rừng. Con thú này nhiều vô cùng. Đây là nguồn lương thực, y phục, keo hồ, và làm giây cung săn bắn. Da được dùng che lều, chăn đắp, giầy dép và vật liệu bọc thuyền. Phân được dùng làm chất đốt. Sừng được dùng làm đồ để uống nước. Bong bóng được dùng đựng nước. Người ta đã tính ra tới 300 công dụng từ con bò săn được. Có 3 cách săn bò: giương bẫy, bắn bằng cung tên, lùa cho chúng rơi xuống vực.

Săn bò tuy vất vả nhưng đem lại một nguồn lương thực lớn lao. Mỗi con bò rừng trung bình nặng tới 900 kí lô. Người da đỏ thường có thói quen bắt hết cả đàn, mà trung bình mỗi đàn có tới 250 con.

Người Da Đỏ tuy bắt được nhiều bò rừng như vậy, nhưng theo sử ghi thì con số này không thấm thía gì với số bò rừng mà người da trắng đã giết. Năm 1800, toàn vùng Bắc Mỹ có tới 60 triệu con bò, thế mà tới năm 1889 số bò rừng còn lại chỉ vào khoảng 800 con. Người da trắng giết bò không nương tay. Họ giết bò cốt để lấy da, và nhiều người cho rằng người da trắng cũng có thâm ý là tiêu diệt kho lương thực của thổ dân.

4. Dân Miền Tây

Nhờ khí hậu ấm áp và đất đai mầu mỡ, người Da Đỏ vùng này đã phát triển rất mạnh và sống rất trù phú. Khi người da trắng đến đây, họ ước tính nửa tổng số dân Da Đỏ đang sống ở miền British Columbia với 30 ngôn ngữ khác nhau. Các sắc dân chính ở miền này là Haida, Tlingit, Tsimishian, Kwakiut, Salish, Nootka.

Điều nổi bật ở các sắc dân giầu có này là chế độ chủ tớ. Tớ đây thường là các nô lệ bắt được từ các cuộc chiến. Giai cấp giầu có sống xa hoa, nhà cửa sang trọng. Giai cấp nô lệ chiếm tới một phần ba dân số. Nghệ thuật điêu khắc, hội họa được đề cao trong xã hội Da Đỏ ở đây.

Một đặc điểm của văn hóa Da Đỏ miền này là các cột gỗ ‘Totem’. Đây không phải là biểu tượng tôn giáo mà là biểu tượng sự giàu sang cũng như để ghi dấu các biến cố của một bộ lạc, một dòng họ. Có những cột cao tới 20 thước và nặng tới 4 tấn. Totem phát xuất từ sắc dân Nisga’a, và sau này sắc dân Kwakiutl thêm 2 cánh gỗ vào cột. Totem cũng được dùng làm mồ giữ xác các tù trưởng. Sắc dân Haida bao giờ cũng dựng cột totem truớc lối vào nhà. Điêu khắc trên cột totem là một nét văn hóa Da Đỏ hiện còn tồn tại ở miền bờ biển Thái Bình Dương này.

5. Dân Inuit miền bắc cực

Dân Inuit là sắc dân Da Đỏ sống cực khổ nhất tại niền Bắc Cực. Họ chính là những người đã từ Á Châu sang tới đây qua ngả Siberia. Họ thuộc 8 bộ lạc khác nhau nhưng nói cùng một ngôn ngữ: tiếng Inuktitut. Những người da trắng mà họ tiếp xúc ban đầu là những người đi săn cá voi, những nhà thám hiểm bị lạc trên băng đảo, và xưa nhất là nhóm Viking. Sắc dân Inuit kỳ cựu nhất là sắc dân Sadlermiut sống ở miền bắc Hudson Bay. Nhóm này sau khi tiếp xúc với người da trắng đi săn cá biển, đã nhiễm bệnh của da trắng và bị tận diệt. Dân số Inuit hiện nay vào khoảng 40.000. Họ sống bằng việc săn bắn. Hiện nay họ đi xe tuyết có gắn động cơ chứ không còn do đàn chó kéo như xưa nữa. Dân Inuit đi săn hươu caribou, bò tót, cá voi, hải cẩu, gấu bắc cực.

Ngày xưa các sách đều gọi họ là dân Eskimo. Eskimo có nghĩa ‘người ăn thịt sống’. Dân Inuit coi đây là một sự xỉ nhục họ. Danh xưng Inuit chính ra là tên gọi những người da đỏ sống ở miền đông bắc cực, còn những người sống ở miền tây tên là Inuvialuit, và cư dân phía bắc Alaska xưng tên mình là Inupiat. Hiện nay, các sách báo đã dùng danh xưng Inuit để chỉ chung các cư dân ở bắc cực.

Nét đặc trưng của người Inuit là cổng đá Inuksuk. Vì sống trên một giải đất rộng mênh mông, để đánh dấu phương hướng và các lộ trình, người Inuit đã dựng lên những cổng làm bằng nhiều tảng đá chồng lên nhau. Nhiều cổng Inuksuk đã tồn tại hàng ngàn năm. Inuksuk còn được dùng để kính nhớ các danh nhân.

Năm 1999 đặc khu Nunavut được thành lập, và Inuksuk được chọn làm biểu tượng của miền đất tân lập này. Thế Vân Hội Mùa Đông năm 2010 sắp tới sẽ được tổ chức tại Vancouver, và Inuksuk đã được chọn làm biểu tượng của thế vận hội này.

Khi nói tới người Inuit, người ta thường nhớ ngay tới những đặc phẩm sau đây:

- IGLOO: nợi cư trú của người Inuit làm bằng tuyết

- PARKA: áo ấm của người Inuit làm bằng da thú caribou, chống lạnh, chống nước, chống gió. Hiện nay parka là loại áo mùa đông rất nổi tiếng của Canada

- KAYAK: loại thuyền độc mộc làm bằng gỗ cây birch, ngoài bọc bằng da

thú, không ngấm nước và không thể chìm, đi rất nhanh.

- UMIAK: loại thuyền lớn, đáy bằng, dùng để chuyên chở hàng hoá và gia

đình. Thuyền có thể chở tới 20 người. Thuyền này được dùng trong mùa săn bắn.

Trên đây là nói về các sắc dân Da Đỏ thuở ban đầu. Hiện nay bản đồ Canada được được ghi là có 10 tỉnh bang giáp giới với Hoa Kỳ, miền cực đông là tỉnh bang Newfoundland và miền cực tây là British Columbia. Nằm trên 10 tỉnh bang này là giải đất rộng mênh mông, phía trên là bắc cực. Trên giải đất mênh mông này có 3 tỉnh bang đặc biệt mà đa số là người Da Đỏ:

- Yukon, rộng 482.443 cây số vuông, thủ phủ là Whitehorse

- North West Territories, rộng 1.346.106 cây số vuông, thủ phủ là Yellowknife

- Nunavut, rộng 2.093.190 cây số vuông, thủ phủ làIqaluit

Theo hiến pháp Canada, 1982, điều 25 và 35, tất cả các người Da Đỏ đều được xếp vào 3 lớp này: Indians, Metis, Inuit

Chính quyền liên bang có một cơ quan lớn đặc trách người Da Đỏ, mang tên ‘Indian and Northern Affairs Canada’. Vì gồm nhiều sắc dân và không thống nhất với nhau được, nên người Da Đỏ không có một hội đồng đại diện trung ương. Mỗi khi có sự tranh chấp thì chính quyền liên bang phải thoả hiệp với từng sắc dân.

Một số lãnh tụ Da Đỏ nổi tiếng:

- Kedanahwideh, được dân Da Đỏ coi là một vị thiên sứ Trời sai xuống giúp người Inroquois. Ông đã liên kết người Iroquois thành một liên minh chặt chẽ và đã viết ra một hiến pháp hoà bình danh tiếng mang tên ‘Great Law of Peace’. Nhiều người tin rằng hiến pháp Hoa Kỳ hiện nay đã lấy cảm hứng từ hiến pháp của người Iroquois này.

- Membertou, người đã giúp dân Acadians không những khỏi bị người Iroquois tiêu diệt, mà còn kết thân được với người Iroquois đầu thế kỷ 17.

- Maquinna, lãnh tụ của sắc dân Nootka ở miền tây đã cho các nhà buôn người Anh vào buôn bán và lập thương điếm ở Vancouver vào thập niên 1780

- Tecumseh, vị lãnh tụ sắc dân Shawnee đã hướng dẫn đạo binh Da Đỏ First Nations đánh bại đoàn quân Hoa Kỳsang xâm lăng Canada và đã chiếm được Detroit năm 1812.

- Louis Riel, 1844-1885, lãnh tụ của người Metis ( Metis là những người lai, mẹ Da Đỏ, bố da trắng ). Ông đã lập ra tỉnh bang Manitoba, đã lãnh đạo cuộc chiến nổi tiếng chống lại chính quyền Canada và đã bị Canada kết án tử hình.

- John Amagoalik, một lãnh tụ người Inuit, người đã góp công rất nhiều cho việc thành lập tỉnh bang Nunavut năm 1999.

Một số địa danh có gốc Da Đỏ:

- Canada, do tiếng ‘Kanata’ của người Huron, có nghĩa là ‘ làng xóm’

- Saskatchewan, tiếng người Cree, ‘ dòng sông chảy mạnh’

- Manitoba, tiếng người Cree, ‘ hồ đồng cỏ’

- Ontario, tiếng người Huron, ‘hồ đẹp’

- Quebec, tiếng người Algonquin, ‘lối đi chật’

- Yukon, tiếng người Loyukurah, ‘ dòng sông lớn’

- Nunavut, tiếng ngườì Inukitut, ‘đất của chúng ta’

- Saskatoon ( Manitoba), tiếng người Cree, ‘ trái dâu’

- Winnipeg ( Manitoba), tiếng người Cree, ‘ dòng sông nước đục’

- Etobicoke ( Ontario), tiếng người Ojibway, ‘rừng cây alders’

- Mississauga ( Ontario ), tên bộ lạc Mississauga, ‘ dòng sông có nhiều nhánh’

- Oshawa ( Ontario ), tiếng người Seneca, ‘ băng qua dòng thác’

- Ottawa ( Ontario), tiếng người Algonquin, ‘ nơi buôn bán trao đổi’

- Chicoutimi ( Quebec), tiếng Montagnais, ‘ nơi nước hết sâu’

- Gaspe ( Quebec ) tiếng Mi’kmaq, ‘tới biên giới’

- Niagara Falls ( Ontario ), tiếng Iroquois, ‘ thác nước đổ như sấm sét’

- Toronto ( Ontario ), tiếng Mohawk, ‘ nơi hẹn hò’

Trần Trung Lương

Toronto, tháng 12, 2007

Tài liệu tham khảo:

- Structure of Canadian History, J.L.Finlay / D.N.Sprague,

Prentice-Hall Canada Inc., Scarborough, On. 1989

- Fact Finder, Chambers Harrap Publishers Ltd 2004

- Canadian History for Dummies, Will Ferguson,

John Wiley & Sons Canada Ltd, Mississauga, On. 2005