Thôn Bình, mùa Giáng Sinh xưa

Mùa lễ Giáng Sinh nhộn nhịp với không khí vui tươi, mọi người tưng bừng mua sắm đã như là một phần sinh hoạt hàng năm hầu như không thể thiếu trên khắp cả các nước trên thế giới, và những bản nhạc “Jingle Bell” hoặc là “Silent Night, Holy Night" nổi tiếng từ xưa đến nay vẫn sống mãi vang lên trong lòng mọi người!

Càng ngày, mùa lễ Giáng Sinh càng được con người chào đón nhiều hơn và cũng “bị thương mại hoá” nhiều hơn! Ngay cả Bình Giã bây giờ Noel đến cũng cây thông với đèn đóm chớp nháy khắp mọi nhà, quán hàng.

Làng Quê Bình Giã ngày xưa khoảng thập niên Sáu Mươi rất khác với bây giờ. Thuở còn mái tranh vách đất, đường quê gió bay cát bụi mù trời đã “theo giòng Lịch sử” cuốn gói ra đi! Tuy vậy, một trong những cái thú vui của bà con trong mùa Noel ngày xưa thật đáng nhớ, đó là làm hang đá, đèn ngôi sao!

Tháng Mười Hai, sau khi đã xong mùa gặt lúa, bà con chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Làng quê mình hồi đó chưa có đèn điện, và cái không khí Noel với đèn hoa sáng trưng chỉ có ở khu vực nhà thờ của mỗi làng. Trước lễ Giáng Sinh vài tuần, Cha Xứ xin mỗi gia đình làm một chiếc đèn ngôi sao để treo trong nhà thờ, vậy là các ông có công việc trong những ngày rảnh rỗi chờ đón Noel.

Trước tiên các ông cưa một khúc tre, dài ngắn tuỳ theo độ lớn nhỏ của đèn, sau đó chẻ ra thành từng thanh dẹp nhỏ, dùng dao sắc vuốt trơn tru. Một chiếc đèn ngôi sao theo kiểu đơn sơ nhất, chỉ cần khoảng mười thanh tre nhỏ để nối với nhau, năm thanh ngắn, tròn cứng chống năm góc trong của đèn. Cách làm cũng rất dễ, xếp mười thanh tre thành hai hình ngôi sao, đặt chồng lên nhau, dùng dây kẽm hay dây dù cột chặt năm đỉnh góc lại, mỗi đỉnh góc gồm bốn đầu thanh tre, sau khi cột xong, dùng năm thanh cứng chống vào khoảng giữa của ngôi sao, người cẩn thận còn cột chặt các thanh chống này vào thanh dẹp ở chỗ giao nhau nữa.

Sau khi đã có cái khung tre hình ngôi sao, được sửa nắn cho cân đối hoàn chỉnh, bây giờ là khoản phết hồ gắn giấy màu lên khung tre. Cái khoản này trông thì đơn giản, nhưng xem ra rất tỉ mỉ, vì nếu không làm kỹ lưỡng thì giấy màu sẽ nhăn nheo trông rất khó coi. Giấy cũng có hai thứ, một thứ đục mờ, một thứ trong suốt bóng loáng. Có người năm cánh màu xen kẽ khác nhau, có người làm chỉ một màu mà thôi. Phần trang trí bên ngoài cũng lắm thứ, mỗi góc ngôi sao là một chùm tua nhiều màu bằng giấy, muốn đẹp hơn thì làm thêm một vòng tròn bằng tre hay kẽm nối các góc ngôi sao, vòng tròn này cũng được quấn giấy tua trông rất đẹp mắt.

Đó là kiểu ngôi sao đơn giản nhất, ai cũng có thể làm. Người khéo tay có thể làm ngôi sao “úp”, khác với ngôi sao đơn giản hai phía là mặt bằng, còn ngôi sao “úp” hai phía lồi theo hình ngôi sao. Loại ngôi sao này khó làm, mất nhiều thời gian hơn, nhưng rất đẹp. Dùng ít nhất phải là mười lăm thanh tre dài ngắn, có người dùng mấy miếng nhôm hay tôn mỏng để nối các góc, nhất là hai phía lồi của ngôi sao hai bên, mười đầu nối thanh tre gom lại rất khó cân đối. Một vài người còn làm loại ngôi sao này với hai bên có hai khoảng tròn phẳng, nơi khoảng tròn này trang trí những hình ảnh, hoa văn…khi thắp cây nến bên trong nhìn rất đẹp.

Kiểu đèn quả trám thì lại càng dễ làm, nó không thuộc dạng ngôi sao nhưng có nó chen lẫn giữa những đèn ngôi sao trông cũng đẹp mắt. Đèn quả trám có khi được làm bốn cạnh có khi năm hay sáu cạnh, loại đàn này có chuôi để cầm rất tiện khi rước tượng Chúa Hài Đồng quanh nhà thờ.

Trong khi mấy ông làm đèn, thì các cô cậu nhóc cũng phụ giúp được bằng những việc như giữ cho mấy thanh tre ngay ngắn để cột góc lại, cắt giấy màu đúng với góc cạnh…có khi được sai vặt ra chợ mua thêm giấy hoặc vài thứ cần dùng nữa.

Ngoài mấy kiểu đèn ngôi sao thông thường đó, cũng có dăm bảy cái thuộc loại “Nghệ nhân” mới làm được, như đèn ngôi sao mười, mười hai cánh, đèn kéo quân…Mấy chiếc đèn đặc biệt này treo lên thì đúng là “ngôi sao” trong hàng trăm chiếc đèn thông thường khác. Trước lễ Giáng Sinh vài ba ngày, bà con đi lễ đem đèn nhà mình lên treo vào hai hàng dây từ gần trên cung Thánh xuống tận cuối nhà thờ. Hàng trăm chiếc đèn trang trí đủ màu sắc nhìn cũng rất đẹp, và rất khó để nhận ra đèn nào là đèn nhà mình nữa! Vậy mà có khi cha con làm đèn đưa đến nhà thờ treo lên rồi, mẹ đi lễ về phê bình:

-Sang năm cha con rán làm khéo một chút, vô nhà thờ đèn nhiều thế, mà đèn nhà mình thấy biết liền!

Ngoài chiếc đèn làm để đưa lên nhà thờ, nhiều người còn làm thêm một cái để treo trước hiên nhà trong dịp lễ Noel. Hồi đó chưa mấy nhà có được cái hang đá nhỏ với bộ tượng Chúa Giáng Sinh, còn cây Noel lại càng hiếm hoi nữa, cho nên hang đá trong nhà thờ dịp Lễ Noel được bà con để mắt chiêm ngắm rất nhiều.

Hang đá trong nhà thờ được giao cho các Họ luân phiên hàng năm trang trí, công tác này cũng là một dịp để các ông trổ tài khéo tay và thể hiện tinh thần chung trong Giáo Họ, Giáo Xứ. Gần đến ngày Lễ, các ông Câu Họ kêu gọi một số người trong Họ mình làm công tác trang trí hang đá tại nhà thờ Xứ.

Mùa Noel tương đối rảnh việc nên công tác làm Hang đá được rất nhiều người tham gia. Hang đá trong nhà thờ rất to, nên các ông tha hồ vẽ vời hoa lá cành. Trước tiên các ông làm một cái khung tre vòm theo hình bán nguyệt, có thể hình dung nó như là một phần tư quả cam cắt dọc ra vậy, trên chóp nhô cao hơn. Trong khi nhóm này làm khung tre, thì nhóm khác lấy bao xi măng phết lên một lớp dầu nhớt đen cho loang lổ giống màu đá tự nhiên, những mảng bao giấy xi măng này sẽ được các ông khéo léo túm lại trông giống như những viên đá, đặt lớp này chồng lên lớp kia rồi cột vào khung tre. Một vài nhóm khác cắt hình những con chim để trang trí thêm, hoặc đi tìm về vài ba cây chuối, đu đủ…mấy chậu hoa đặt quanh hang đá cho khung cảnh thêm phần tự nhiên!

Cũng mùa này, các cậu nhóc đi bò ngoài ruộng cũng tha hồ vắt đất bùn nhão thành những hình tượng Thánh gia Giáng sinh. Đa số các “tác phẩm” này vừa khô là cũng vừa bị bỏ lại ngoài đồng, chỉ có cậu nào khéo tay lắm mới mang về nhà để nơi góc nhà, hay có làm cái chòi nhỏ sau vườn bằng lá chuối thì mới hí hửng đem chưng vào đó để khoe bè bạn!

Trong khi các ông làm Hang đá, các bà quét dọn sạch sẽ bàn ghế trong nhà thờ, các cô trong Đoàn Con Đức Mẹ lau chùi cửa, sàn nhà, các cô cậu trong Đoàn Thiếu Nhi dọn sạch cỏ rác quanh nhà thờ, các anh Thanh niên tu sửa hàng rào dâm bụt bao quanh khu vực nhà thờ nhà xứ. Mọi người vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ, vừa nghe đĩa nhạc Giáng sinh từ nhà xứ, hoặc từ loa phóng thanh trên tháp nhà thờ vang lên những bản Thánh ca Giáng sinh Việt Nam bất hủ như Đêm Đông, Cao Cung Lên, Hội Nhạc Thiên Quốc…Giờ nghỉ tay, các bà “tiếp tế” cho vài chục bánh khô nướng sẵn, bánh mướt, bánh nếp…thêm vài xị rượu trắng! Và cũng không quên ngắm nghía hang đá:

-Các ông khéo tay quá! Đẹp lắm, đẹp hơn năm ngoái rồi!

Nghe các bà khen vậy, các ông càng phấn khởi. Lắm khi Cha xứ cũng mang ra quà bánh kẹo để đãi mọi người trong lúc nghỉ tay nữa! Những lúc đó Cha con thấy vui vẻ đằm thắm biết bao!

Ca đoàn Xứ trong những ngày cuối cũng tổng dượt lại, để trong đêm Lễ Vọng sẽ đem hết khả năng hát cho bà con thấm thiá nâng cao cõi lòng hơn nữa trong lời kinh cầu nguyện! Có Cha xứ như Cha Trọng làng Ba còn đích thân cầm nhịp tập hát cho ca đoàn! Và hồi đó đã có năm với Ca Đoàn Tổng hợp, tất cả các Ca Đoàn trong Giáo xứ họp lại hát chung lễ Vọng Giáng Sinh thật là náo nức tinh thần!

Thường thường chiều 24-12 thì các ông mới đặt các tượng Thánh gia vào Hang đá, tượng Chúa Hài Đồng có khi được Cha Chủ tế rước từ cuối nhà thờ lên đặt vào Hang đá rồi mới dâng Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh. Cũng trong đêm này, các ngôi sao trong nhà thờ được thắp sáng lên, và với hàng trăm ngôi sao, hàng trăm ngọn nến cháy sáng bên trong, thỉnh thoảng cũng có một vài đèn “chịu không nổi” bốc cháy!

Bên ngoài nhà thờ cũng có phần trang trí, đó là cổng chào trước lối chính đi vào nhà thờ, phần này cũng được phân công cho một Giáo họ khác đảm nhận, có khi rất đồ sộ như cổng tam quan vậy. Ngôi sao lớn trên đỉnh tháp nhà thờ cũng được Giáo họ này trang trí, công việc có vẻ đơn giản nhưng cũng có phần khó khăn vì phải đưa ngôi sao lớn lên đỉnh tháp, những ông “gan dạ” quen trèo cao mạo hiểm thì mới dám leo lên, còn đa số nhìn tháp cao lạnh cẳng chẳng dám trèo! Đèn điện đã được thiết kế sẵn thử trước, nên Lễ đêm Vọng Giáng Sinh, đi từ phía trước vào nhà thờ đèn đuốc sáng trưng từ đỉnh tháp xuống cổng chào vào tận trong nhà thờ. Loa phóng thanh trên tháp nhà thờ vang lên bài Thánh ca: “Cao cung lên khúc nhạc Thiên Thần Chúa, hoà trong làn gió…!” Đi lễ nửa đêm với khung cảnh đó, trong lòng ai cũng có một cảm giác thật ấm cúng, êm đềm mừng Chúa Giáng Sinh!

Sau năm 1975, nhiều Hội dòng các Sơ về hoạt động tại các Giáo xứ, các Sơ còn tổ chức những buổi canh thức cầu nguyện trước Lễ Vọng nửa đêm với hoạt cảnh Chúa Giáng Sinh, do các em Thiếu nhi diễn xuất. Đây là một hình thức gây nhiều ấn tượng cho mọi người, nhất là các em Thiếu Nhi, có khi cả đời vẫn nhớ những hoạt cảnh đêm Giáng Sinh, nhất là các em tham gia diễn xuất hoặc ngồi phía trước lại còn thấy rõ hơn nữa!

Dịp Noel hàng năm cũng là dịp nhiều Giáo xứ tổ chức Văn Nghệ vui, do Thanh Thiếu nhi trong Giáo xứ trình diễn. Miền Nam với hai mùa mưa nắng, lễ Giáng Sinh như là thời điểm kết thúc mùa mưa, mùa Giáng Sinh như là mùa nghỉ ngơi sau mấy tháng dài ngoài đồng ruộng mưa gió. Mừng lễ Giáng Sinh với cảnh trí do chính bàn tay bà con trang trí, với đêm văn nghệ do con cháu mình biểu diễn, thật là đầy ý nghĩa của một làng quê đầm ấm. Có khi đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể còn tổ chức vài ngày cắm trại trước sân nhà thờ vào dịp Noel, bà con lại càng thấy náo nức trong niềm vui hoà hợp các sinh hoạt trong Giáo xứ nhiều hơn nữa!

Những năm sau này, lễ Giáng Sinh thường được các Cha Xứ tổ chức ngoài trời, Thanh niên trong xứ dựng lên một lễ đài trước tiền đường nhà thờ dưới tháp chuông, để toàn thể Giáo dân có thể tham dự Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh một cách trọng thể. Thánh lễ nửa đêm thường rất đông người tham dự, cho nên nếu được cử hành trong Thánh đường thì không thể nào đủ chỗ.

Bây giờ với nhiều hình thức bên ngoài hiện đại hơn trong việc trang trí mừng lễ Giáng Sinh, chẳng mấy khi làm hang đá với rơm rạ hay bao xi măng loang lổ đầy dầu nhớt…nhưng tinh thần chung trong việc xây dựng Giáo xứ, Giáo họ của bà con ở Bình Giã, Bình Trung vẫn một ngày một lên cao, cụ thể qua các nhà thờ, các công trình… đã và đang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đoàn ngày càng đông đảo hơn. Đặc biệt về phương diện tinh thần còn có các Hội Bác Ái như Hội Bác Ái Cha Già Kiều, đã được các Cha Xứ kết hợp với Bà con trong và ngoài nước thành lập cùng chung tay để giúp đỡ những bà con nghèo khó, đây là một công việc có ý nghĩa theo tinh thần Bác ái của Phúc âm, cũng như truyền thống dân tộc Việt Nam “Lá lành đùm lá rách” nên bà con rất nhiệt tình hưởng ứng.

Mừng Lễ Giáng Sinh, bà con Bình Giã, Bình Trung có lẽ trong lòng ai cũng vui với Xứ đạo ngày càng phát triển, với tâm tình đó hầu hết bà con vẫn tri ân các Cha Xứ đã từng coi sóc tinh thần từ những năm mới di cư vào Nam, hầu hết đã về với Chúa, như Cha Già Kiều, Cha Già Đông, Cha Già Cần, Cha Già Công, Cha Hoá, Cha Trọng, Cha Thuỵ, Cha Bá (Phanxicô), Cha Minh, tiếp theo đó như Cha Lãm, Cha Bình, Cha Tích…Các Cha đã từng giúp các Xứ như Cha Thanh, Cha Minh, Cha Tín, Cha Thịnh, Cha Bộ, Cha Đại và hiện thời Cha Kỳ, Cha Kỷ, Cha Nguyên. Bà con cũng luôn nhớ đến các Hội Dòng như Dòng Mến Thánh Giá Huế, Dòng Phanciscainne, Dòng Đa-Minh Tam Hiệp, Dòng Chúa Quan Phòng, Hội Nữ Tử Bác Ái…với các Dì Sơ giàu lòng hy sinh đã âm thầm phục vụ bao nhiêu năm ở ba Giáo Xứ. Thêm vào đó bà con cũng không quên nhắc nhở công lao các vị Trùm Xứ, các vị trong Hội Đồng Giáo Xứ đã phục vụ từ trước tới nay, những người đã bỏ phần lớn việc nhà để chu toàn nhiệm vụ chung nơi nhà xứ nhà thờ.

Nhờ tất cả những vị đó cùng với bàn tay của các Giáo dân mà Xứ Bình nói chung, đã tạo dựng nên những thành quả to lớn qua các giai đoạn lịch sử và có được một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, sống đạo tốt đẹp như ngày hôm nay!