Ký ức một thời về Phát Diệm



1. Cha Trần Lục và viên sĩ quan người Pháp



Người ta kể rằng một lần trên đường đi làm mục vụ, Cha Trần Lục, người kiến thiết quần thể Nhà thờ Phát Diệm, thấy một viên sĩ quan Pháp đang đánh đập một phu làm đường người Việt Nam. Cha liền phóng tới chỗ viên sĩ quan, xuống ngựa và nói : « Sao anh lại đánh người ? Tôi nói cho anh hay, nếu người đó mà sinh ra ở Pháp thì anh không đáng xách dép cho anh ta đâu ! » Có lẽ, khi nhận ra đó là một linh mục bản quốc tài đức, tiếng tăm lẫy lừng, nhất là qua thái độ cương quyết, và tấm lòng nhân ái của Cha, viên sĩ quan Pháp đã phải quỳ xuống xin Cha thứ lỗi và hứa sẽ không đánh ai nữa.

3. Có một thời như thế



« Đó là vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi trường Chủng viện Thượng Kiệm giải tán, tôi cũng như hàng trăm chủng sinh khác phải về gia đình làm đủ mọi việc để kiếm sống. Tuy cuộc sống mưu sinh lam lũ vất vả, nhưng chúng tôi vẫn âm thầm giữ lý tưởng hiến dâng, làm tông đồ giữa đời. Một lần tôi vào Nhà Chung Phát Diệm thăm Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, khi ra về tôi có mang theo một tài liệu viết tay về Giáo lý do Đức Cha soạn. Khi ra đến cổng Nhà Chung Phát Diệm, tôi bị công an Kim Sơn phục kích tại đó bắt tôi vào đồn. Tại đồn Công an Kim Sơn, khi khám người tôi hai anh công an đã tìm thấy trong túi quần tôi tài liệu Giáo lý đó. Khi họ vừa moi tờ giấy trong túi tôi ra và đặt lên bà làm việc, tôi vội vàng chộp lấy bỏ luôn vào trong miệng nhai ngấu nghiến hòng phi tang. Anh công an thấy tôi làm thế, liền xông vào chịt cổ tôi, buộc tôi phải nhả tài liệu ra. Sau đó họ đưa tờ giấy đã bị nhai đó đi trình cấp trên. Chắc là đó là tài liệu Giáo lý nên họ chỉ giam tôi tại đó vài ngày rồi cho tôi tự do. Tuy nhiên tôi cũng lấy làm lạ vì cách đó ít lâu, chị Sáng, nữ tu Mến Thánh Giá Lưu Phương, cũng mang tài liệu Giáo lý trong người, khi công an bắt được đã phải đi tù vì việc đó. Chuyện xảy ra đã lâu và tôi cũng không tiện kể ra cho nhiều người, nhưng đúng là đã có một thời như thế.

Ghi lại theo lời kể của Cha Trần L. H, nhân dịp gặp ngài vào đầu tháng 10/2007

3. Nhớ mãi một tấm lòng



« Tôi có thời gian sống khoảng gần một năm bên cạnh Cụ cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận tại trại cải tạo B14, Thanh Liệt, Hà Nội. Tôi là người ngoài Công giáo, nhưng tôi rất kính trọng Cụ vì trước khi vào tù vợ tôi là người Nha Trang đã từng nói với tôi về Cụ, một cha đạo tài đức. Hai buồng giam của chúng tôi bị ngăn cách bởi một bức tường vững chắc, nên không bao giờ chúng tôi nhìn thấy nhau được. Nhưng qua một vài cái lỗ nhỏ ở phía trên gần mái nhà, chúng tôi vẫn có thể nói chuyện được với nhau những lúc không có bảo vệ. Cụ Thuận rất thương tôi vì nhà tôi tận Sài Gòn và hơn 7 năm bị tù ở Miền Bắc tôi hầu như không được gia đình viếng thăm, tiếp tế. Cứ sau ngày 15 và ngày 30 hàng tháng Cụ thường tìm cách chuyển cho tôi và một vài buồng giam chung quanh chút quà mà Cụ nhận được từ người thân ở bên ngoài, khi thì một ít muối vừng khi thì một ít lạc rang, khi thì một vài cái kẹo. Hành động chuyển quà hoặc nói chuyện giữa các buồng giam là một việc không thể, nhưng vì tình thương, Cụ đã bất chấp những sự phiền phức để làm việc đó với tất cả tấm lòng chân thành, quý mến của Cụ. Tôi không bao giờ quên một lần Cụ trèo lên để chuyển quà cho tôi, không may Cụ trượt chân bị ngã. Tôi nghe thấy tiếng « uỵch » rất nặng từ phòng giam của Cụ, liền hỏi rất to : « Cụ ơi, có chuyện gì vậy? », nhưng không thấy Cụ trả lời. Tôi lo lắng liền gọi cán bộ trại giam nhưng vì lúc đó là giờ nghỉ nên không thấy ai đến ứng cứu. Một giờ sau, Cụ mới cho biết Cụ bị ngã đau quá nên không trả lời tôi được.Tôi rất cảm động không phải chỉ vì chút quà nhỏ của Cụ dành cho những người tù như tôi, nhưng còn vì tấm lòng của Cụ. Cái làm tôi ấn tượng nhất về Cụ là lòng nhân hậu, tình yêu thương của Cụ đối với mọi người xung quanh.

Chính Cụ đã truyền cho tôi những tia hi vọng trong những lúc tôi tuyệt vọng, tưởng rằng không bao giờ vượt qua được. »

Ghi lại qua lời kể của Anh Nguyễn Ngọc Ch. nhân dịp Anh ghé thăm Phát Diệm ngày 29 tháng 10 năm 2007

4. Chiếc nhẫn



Năm 1989, Kim Sơn quê tôi có phong trào đi đào vàng, nên thanh niên làng tôi cũng lũ lượt rời làng đi vào tận Nghệ An, Đà Nẵng đào vàng mong có cơ may đổi đời. Học xong đại học, nhưng tôi và Ân không thể tìm được một việc làm cho đúng ngành học, nên hai chúng tôi cùng nhóm thanh niên trai làng đi vào Đà Nẵng để đào vàng, một phần cũng là để đỡ gánh nặng cho bố mẹ ở quê.

Lần đầu tiên trong đời tôi phải sống trong rừng sâu, nước độc. Từ nhỏ đến lúc đó chỉ đi học nên những công việc chân tay quả là khó khăn đối với một cựu sinh viên dáng vẻ thư sinh như tôi. Sau hơn một tháng vất vả đào vàng trong rừng sâu thuộc huyện Hiên, Đà Nẵng, mỗi người chúng tôi chia nhau được hơn một chỉ vàng. Không chỉ được vàng tôi còn « được » thêm bệnh sốt rét khá nặng sau một trận mưa rừng dữ dội. Các em người làng lo lắng chăm sóc tôi. Khi cảm thấy đỡ sốt, vì quá yếu, tôi quyết định trở về nhà một mình còn các em tiếp tục ở lại làm việc. Suốt cả mấy tiếng đồng hồ ở Đà Nẵng tôi chỉ tìm được một chiếc xe tải đi hướng Hà Nội. Khi tôi bước lên xe thì trong xe đã chật cứng người. Suốt cả mấy ngày đường tôi phải ngồi bó gối trong một khoang xe nồng nặc đủ thứ mùi. Không ngờ khi xe đến Quảng Bình thì đường bị ngập không thể đi tiếp được mà người trên xe cũng không xuống được vì bên ngoài trời mưa và chung quanh là nước. Đúng lúc đó thì tôi lên cơn sốt rất cao. Tôi như hôn mê trên xe giữa những tiếng kêu đói, kêu khát, kêu chật của những người chung quanh. Đến một lúc tôi không còn biết gì nữa, chỉ nhớ rằng đã có một người nào đó cho mình uống thuốc và cho nước uống trong cơn sốt mê man. Nếu không có người đó chắc rằng sự sống đối với tôi lúc đó thật mỏng manh. Khi xe đến Nghệ An, mở mắt ra tôi thấy bên cạnh mình là một thanh niên hơn tôi vài tuổi mặc quân phục. Anh vui mừng khi thấy tôi tỉnh lại, trao cho tôi một cốc nước. Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn thì đúng lúc đó xe dừng lại để anh xuống. Anh tươi cười chào tôi và vội vã đưa ba lô xuống. Qua những tia nắng yếu ớt hiếm hoi của một buổi chiều tôi kịp nhìn thấy một chiếc nhẫn dùng để lần hạt mầu trắng có khắc một hình Thánh giá nhỏ xíu trên ngón tay anh.

Từ đó đến nay đã gần hai mươi năm qua trôi qua, dù không hề gặp lại anh thanh niên đó nữa, dù không biết tên anh, không có một dòng địa chỉ của anh, nhưng hình ảnh chiếc nhẫn tràng hạt màu trắng có hình Thánh giá trên ngón tay anh cũng đủ làm tôi luôn xúc động và suy nghĩ.

Cựu sinh viên Phát Diệm