TƯ DUY CẤU TRÚC TRONG LÃNH VỰC GIÁO DỤC

Kính gửi những cha mẹ, giáo viên và chuyên viên đặc trách về vấn đề giáo dục trẻ em Tự Kỷ

Khi một trẻ em có nguy cơ tự kỷ vừa được phát hiện trong môi trường gia đình hoặc học đường, điều quan trọng bậc nhất, chúng ta cần thực hiện ngay lập tức, bao gồm những động tác nào ?

Xuyên qua những bài chia sẽ, được lần lượt trình bày trước đây, nhằm giải đáp vấn nạn nầy, tôi đã đề nghị ba đường hướng giáo dục rất thiết yếu, được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau :

- Ưu tiên số một : Chúng ta có mặt một cách tích cực và năng động với trẻ em.Từ đó, xây dựng quan hệ đồng cảm với trẻ em, để giúp trẻ em từ từ biết đồng cảm với những người cùng có mặt trong gia đình, nhất là trong môi trường tiếp xúc và trao đổi có tính xã hội.

- Ưu tiên số hai : Chúng ta lắng nghe, tôn trọng và phản ảnh những xúc động của trẻ em, để giúp trẻ em từ từ ý thức đến nội tâm của mình, trên con đường làm người. Nhờ cách giáo dục nầy, vừa khi bắt đầu sử dụng loại ngôn ngữ « không lời », như thét la, khóc nhè, quay mặt qua nơi khác… thay vì bị ức chế và trừng phạt, trẻ em đã được cha mẹ đón nhận, khuyến khích, tôn trọng và nâng đỡ, để bộc lộ ra ngoài những gì đang có mặt trong nội tâm của mình. Nói cách khác, xuyên qua những phản ứng xúc động, trẻ em đã nói ra những nhu cầu của mình. Dựa vào đây, cha mẹ có thể tạo nhịp cầu trao đổi, chia sẻ, nhận và cho, nghĩa là đáp ứng một cách thích hợp, coi trọng « câu chuyện không lời đầu tiên » (protoconversation) của trẻ em.

- Ưu tiên số ba : Chúng ta giúp trẻ em phát huy tư duy cấu trúc, để trẻ em có thể phân biệt điều gì có thể làm và điều gì không có phép làm, trong cuộc sống xã hội hằng ngày. Nhờ bài học nầy được lặp đi lặp lại một cách liên tục, trẻ em chỉ cần nghe giọng nói hay là nhìn thấy điệu bộ qua khóe mắt, đã có thể khám phá ý định của cha mẹ : cho phép hay là không cho phép, đồng ý hay là không bằng lòng.

Hai ưu tiên số một và số hai đã được quảng diễn một cách sâu rộng, khi tôi bàn đến trí Thông minh xã hội (*).

Trong bài chia sẻ nầy, tôi chỉ muốn chắt lọc một vài trọng điểm, nhằm giải thích một cách vắn gọn :

- Cấu trúc là gì ? Cấu trúc được thành hình như thế nào ?

***

Trong ba năm đầu đời, kể từ ngày sinh ra, học hành đối với một trẻ em, có nghĩa là vui đùa, bắt chước, lặp lại và phản ảnh. Vào giai đoạn nầy, hệ thần kinh trung ương còn mang tên là Não Bộ, đang ở trên tiến trình phát triển.

1) Tân vỏ não của trẻ em còn thiếu những đường dây thần kinh nối kết các thùy và các trung tâm lại với nhau. Bao my-ê-lin chưa có mặt đầy đủ khắp nơi, trên mọi sợi trục axôn, nhằm gia tăng khả năng dẫn điện, gửi đi những tin tức từ khớp Xi-nắp nầy đến khớp Xi-nắp khác (Synapsis). Từ vùng ngoại vi lên đến Trung tâm. Hay là từ Trung tâm gửi xuống những mệnh lệnh cần thi hành một cách nhanh chóng.

Một cách đặc biệt, trong những điều kiện vừa được mô tả, Thùy Trán chưa thể điều hướng và điều hợp mọi hoạt động của Cấu Trúc Hạnh Nhân. Chính vì lý do nầy, thay vì biết chọn lựa và quyết định một cách có ý thức, trẻ em chỉ phản ứng một cách máy móc và tự động, trước hai loại kích thích có mặt ở bên ngoài hay là xuất phát từ bên trong cơ thể. Khi đói khát, khó chịu, trẻ em cảm thấy mất an toàn, sợ sệt, cho nên khóc la, thét gào, bùng nổ... Trái lại, khi được đáp ứng, thỏa mãn, ấm no, thoải mái, trẻ em sẽ có phản ứng vui đùa, mở rộng các giác quan… hay là ngủ nghỉ một cách bình lặng.

2) Nhờ có mặt thường xuyên suốt ngày và « đặt trọng tâm » vào nội tâm của trẻ em, bà mẹ, hay là một người thay thế mẹ, có thể khám phá và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của em, ẩn núp ở đằng sau mỗi phản ứng xúc động.

3) Nhờ thái độ của người mẹ biết đồng cảm và coi trọng xúc động, khi đứa con lên 3 tuổi, bắt đầu biết nói, biết đi, em sẽ có khả năng thoát ra khỏi vòng tay ôm ẵm của mẹ, mở rộng năm giác quan nhằm khám phá những sự vật có mặt trong môi trường gia đình và xã hội.

4) Thoảng hoạt nhớ đến mẹ, em trở lui tìm mẹ. Khi gặp một khó khăn, em đặt câu hỏi cho mẹ. Sở dĩ em có khả năng đưa thoi lui tới như vậy, vì em đã cảm nghiệm gắn bó và an toàn bên cạnh với mẹ. Mẹ là nơi xuất phát và cũng là nơi trở về. Mẹ là điểm tựa vững chắc và đồng thời cũng là bến đậu tạo an toàn, tin tưởng.

5) Đó là nội dung đầu tiên của bài học về cấu trúc : Mẹ là điểm tôi qui chiếu, khi lo sợ, buồn phiền, tức giận. Khi qui chiếu vào mẹ, tôi sẽ biết được điều gì tôi có thể làm, điều gì tôi không có phép lại gần.

6) Lúc đầu, mẹ luôn luôn có mặt với tôi và cho tôi. Tuy nhiên, sau lứa tuổi 36-40 tháng (3 năm rưởi), tuy dù mẹ vắng mặt, vì công ăn việc làm, hình ảnh của mẹ, lời nói của mẹ, những gì mẹ dạy và nhất là tình thương yêu của mẹ… vẫn luôn luôn có mặt trong nội tâm của tôi. Mẹ trở thành bất tử và bất diệt, đối với tôi, trong tâm tư của tôi.

7) Nhờ những bài học của mẹ được ôn đi học lại, Cấu Trúc Thùy Trán đã phát huy những đường dây và những khâu Xi-nắp nối kết những trung tâm khác nhau của Não bộ. Một cách đặc biệt, từ đây, Thùy Trán đặc trách về Tư Duy có khả năng điều chỉnh và điều hợp Hạnh Nhân, trung tâm đặc trách về đời sống Xúc Động. Thùy Trán (Frontal) thuộc Giai Tầng Tân Vỏ Não (Neocortex), cấu trúc Hạnh Nhận (Amygdala), trái lại, thuộc Giai tầng Trung Não hay là Hệ Viền (Limbic). Ngoài ra, Não Bộ còn có một Giai Tầng thứ ba, nằm ở dưới cùng, và ở trên chóp của Tủy Sống, mang tên là Thân Nảo (Brainstem) đặc trách về đời sống phản xạ của hai hệ Giao Cảm và Đối Giao Cảm.

8) Dựa vào hai cơ sở thần kinh Não Bộ là Thùy Trán và Hạnh Nhân, trẻ em có thể từ từ khám phá và hội nhập bao nhiêu cấu trúc khác. Và khi đứng trước một vấn đề cần giải quyết, trẻ em dựa vào TƯ DUY CẤU TRÚC, sau khi tham khảo và lắng nghe HẠNH NHÂN, có thể đưa ra những câu trả lời cơ bản, một cách vừa có Tình và vừa có Lý :

- Hiện tại tôi bắt đầu từ đâu ?

- Điểm tôi phải hướng đến là gì ?

- Tôi đi con đường nào ?

- Những chướng ngại cần tránh bao gồm những gì ?

- Những năng động có sẵn và cần được tôi vận dụng gồm có những yếu tố nào ?

- Khi đánh giá công việc, nếu có những thất bại, tôi sẽ chuyển hướng làm sao ?

- Với những thành tựu, tôi cần tiếp tục và kiện toàn bằng cách nào ?

9) Xuyên qua những nhận định vừa được đề xuất trên đây, tôi đã nói rất nhiều về trách nhiệm của người mẹ đối với tiến trình phát triển và tăng trưởng của đứa con.

10) Tuy nhiên, không có sự nâng đỡ thiết thực và hữu hiệu của người cha cũng như của những người đảm nhiệm vai trò giáo dục, trong môi trường xã hội và Đất Nước, làm sao người mẹ có thể một mình « đứng mũi, chịu sào… trước bao nhiêu sóng gió, bão bùng giông tố trong lòng cuộc đời » ?

***

Trong Huyền Sử Việt Nam, cho đến 3 tuổi, Thánh Gióng đã không biết đi, không biết đứng, không biết nói… Thế nhưng, bà con, bạn bè xa gần đã lắng nghe lời kêu gọi của bà mẹ. Họ đã mang đến « lương thực, ngựa sắt, roi sát và áo sắt ». Nhờ đó, Thánh Gióng đã lớn lên vùn vụt, đi ra biên thùy, cứu nước, cứu nhà…Ngày hôm nay, vào thời đại Nghìn Năm Thứ Ba, chúng ta có thể làm gì cho các trẻ em đang có những nguy cơ tự kỷ ? Biết đâu, trong số các em, có một vài Thánh Gióng đang thành và sẽ thành, có khả năng mang lại Hạnh Phúc và Thanh Bình cho Quê Hương và Anh Chị Em Đồng Bào ?

Để ghi nhớ những khóa học về Trẻ Em Tự Kỷ tại Saigòn và Hà Nội trong 3 Mùa Hè 2005, 2006, và 2007

Lausanne, Thụy Sĩ

NB-Tìm đọc và nghiên cứu thêm cùng một tác giả :

- Trẻ em Tự kỷ, cách nuôi nấng và giáo dục – 2005

- Lượng giá mức độ phát triển – 2006

- Chương trình Can Thiệp Sớm từ 0-7 tuổi – 2006

- (*) Phát huy Quan Hệ Xã Hội (Trí Thông Minh Xã Hội) – 2007

- http://www.congiaovietnam.net

- http://www.vietcatholic.net/news