chuyện phiếm: T Ì N H Y Ê U ?



Canada tháng Tám, trời nắng chang chang, như Paris, như Cali. Không ai muốn ở trong nhà. Ông hàng xóm da trắng của tôi cứ cuối tuần là đi cắm trại, đi bơi thuyền, đi câu. Ông gặp tôi bữa qua. Ông cười hì hì : dân Canada mình bị ông trời giam trong nhà 3 tháng mùa đông, nay ông giải phóng cho 3 tháng mùa hè, mình phải bung ra, phải hưởng tối đa. Người ông rám nắng, trông khoẻ mạnh hết sức.

Bữa ăn tháng này của làng tôi được tổ chức tại một công viên nhỏ của thành phố. Tôi yêu cái xứ Canada này qúa. Chỗ nào cũng có công viên, cũng có bàn ăn pinic, cũng có sẵn bếp ga. Ai đến trước có quyền xử dụng trước. Dân làng tôi đến sớm nên chiếm được một địa điểm thật tốt. Phe liền ông phụ trách kê bàn xếp ghế, phe liền bà phụ trách nấu ăn. Nói là nấu chứ lần này các bà không vất vả bao nhiêu. Các bà bật bếp ga và nướng các thứ hầm bà lằng. Trước khi tới đây các bà đã kéo nhau đi chợ. Bà nào thích món nào thì mua món đó. Bò, gà, cá, tôm, đủ hết. Trước giờ ăn các bà chỉ việc ướp tiêu hành tỏi nước mắm. Cụ B.95 mang theo một túi lớn các loại rau thơm trồng trong vườn nhà. Trong khi các bà dọn bữa trưa thì các nhà quân tử trong làng tôi tụm lại bàn các chuyện quốc sự. Chẳng hạn chúng tôi có nên đồng ý cho Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq không. Chẳng hạn chúng tôi có nên cho Canada tiếp tục nhập cảng thực phẩm từ Trung Quốc nữa không. Chúng tôi sắp sửa biểu quyết những việc quan trọng như vậy thì được phe các bà mời vào bàn ăn.

Bữa ăn lối picnic. Ai thích gì thì lấy thức đó. Tôi mê cái món salad của Cụ B.95 quá. Cụ làm món này rất lẹ làng. Các thứ rau diếp và rau thơm trộn với nước sauce. Cái món sauce này đơn sơ mà ăn vào thấy nhẹ và ngon kỳ lạ. Hỏi mãi cụ mới cho bí quyết : Khó gì đâu ! Cứ lấy nước mắm pha kiểu người Nam, loại ăn với chả gio, rồi thêm mấy muỗng dầu olive, là xong. Các cụ thử mà coi. Nhẹ nhàng, không cầu kỳ, lại có hương vị VN.

Bữa nay, cụ B.95 phụ trách món salad và tráng miệng. Khi món tráng miệng được bày ra thì cả làng ồ lên mọt tiếng sung sướng. Các cụ có biết là món gì không ? Cụ B.95 vừa cười vừa nói với mọi người : lần trước nghe cô Cao Xuân nói về lời khuyên của ông Giáo Sư Trung Hoa Tề Quốc Lực làm cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới LHQ, lão thích lắm. Ông khuyên ta nên ăn nhiều cà chua, ngô, đậu, kê và uống trà xanh. Lão nhớ ngay đến kê và đậu, nên hôm nay lão làm món ‘ bánh đa kê’, một món ăn dân giả miền Bắc mà lão rất thích. Mấy trượng phu Bắc Kỳ trong làng như Cụ Chánh, ông ODP và ông H.O. nghe tới bánh đa kê thì mắt sáng lên.

Các cụ biết món bánh bình dân này chứ. Theo Cụ B.95 thì làm rất dễ. Kê nấu chín thì cho thêm chút đường và mấy giọt nước hoa bưởi. Đậu xanh đãi vỏ xôi cho chín, bỏ vào máy xay nhuyễn. Bánh đa vừng nướng dòn, bẻ ra, phết một lớp kê, một lớp đậu xanh, một lớp kê nữa, rồi bẻ thêm một miếng bánh đa kẹp lại. Mời các cụ xơi. Xin cụ nhai từ từ, cụ sẽ thấy tất cả hương hoa đồng quê ở trong miếng bánh này.

Phần ẩm thực quả là ngon. Phần nói chuyện còn ngon hơn. Vừa ngồi vào bàn thì ai cũng than là mấy tháng nay phải đi dự nhiều lễ cưới và tiệc cưới qúa. Đúng như vậy. Ở VN quê mình thì người ta làm lễ cưới vào cuối năm, lại còn chọn ngày lành tháng tốt và giờ tốt. Bên này người ta cưới nhau vào mùa hè. Ngày lành tháng tốt bao giờ cũng là ngày thứ bảy hay chủ nhật. Giờ tốt bao giờ cũng là 6 giờ tối trở đi.

Nghe đến đây thì cụ Chánh cười hà hà : Thời xưa, ở miền quê ngoài Bắc ngoài Trung, người ta rước dâu thường bằng thuyền. Nếu phải theo đúng giờ tốt thì nhiều khi lại trùng giờ con nước ròng, nhà trai nhà gái phải xắn quần lội bùn xuống thuyền. Còn trong Nam giờ rước dâu bao giờ cũng theo con nước lớn, sông đầy, thuyền đi ào ào. Rước dâu bằng thuyền, hình ảnh quê hương đẹp quá nhưng bây giờ lối đó lỗi thời rồi. Ngươì ta rước dâu bằng xe hơi.

Cụ B.95 tiếp lời : Ấy, ở Việt Nam cưới xin có chọn ngày lành tháng tốt và giờ tốt bởi vậy lấy nhau là ở với nhau trọn đời. Sang đây không chọn ngày chọn giờ nên lấy nhau một thời gian rồi bỏ nhau.

Ông ODP góp ý ngay : Theo tôi thì việc ly dị ở đây không phải do lỗi không chọn ngày, mà do lỗi đôi trẻ đã không có tình yêu đích thực. Tình yêu là lẽ sống. Không có tình yêu thì không sống được. Kìa xem những tài tử nổi danh thế giới như ca sĩ Dalida, một tiếng hát Pháp quốc đã làm say mê cả thế giới thập niên 1960. Kià xem nữ tài tử bốc lửa Hoa Kỳ Marilyn Monroe. Kìa xem Ava Gardner ngôi sao chói lọi trong 60 bộ phim danh tiếng. Tất cả 3 người đẹp này ngồi trên danh vọng và tiền bạc nhưng đã quyên sinh vì không tìm được tình yêu đích thực.

Hôm nay ông ODP thật hùng biện. Ông trọng tuổi mà nói về tình yêu giọng vẫn nồng nàn. Nể ông qúa. Ông còn giảng cả đạo Chúa nữa mới kinh. Ông giảng rằng Chúa Giêsu ngày xưa nói rằng con trai con gái bỏ cha bỏ mẹ mà đi sống với nhau, cả hai cùng trở nên một xương một thịt. Người VN mình lãnh hội được ngay cái ý ‘ một xương một thịt ‘ này nên vợ chồng VN mới gọi nhau bằng ‘MÌNH’. ‘Mình ơi’ nghe tình vô cùng. Tiếng mình này tuyệt vời. Mình thì rõ ràng một xương một thịt. Mỗi người là một nửa của nhau. Ông Anh ông Mỹ thấy tiếng ‘mình’ của VN hay quá, đúng qúa, mới dịch ra tiếng Anh là ‘ my better half’. Đáng lẽ là ‘my half’ thôi nhưng vì lòng tương kính nên họ mới thêm tiếng ‘better’ vào... Ông Pháp cũng vậy, vợ chồng gọi nhau là ‘ ma chère moitié’.

Anh John lần đầu tiên nghe chuyện tiếng ‘my better half’ trong Anh văn có gốc từ tiếng VN thì tròn xoe mắt lại, tay ôm ngực, miệng nói lớn : My God ! Ông ODP liền hỏi ngay : việc này khiến anh ngạc nhiên lắm sao ? Từ xưa khi anh nghe bọn tôi lập luận rằng sắc dân đầu tiên ở Canada là người Da Đỏ, mà người Da Đỏ có gốc VN rõ ràng, thì chúng tôi có thấy anh sửng sốt gì đâu. Hay anh cho việc này là lẽ đương nhiên rồi, chỉ có từ ‘my better half’ là mới lạ thôi ?

Anh John vái ông ODP một cái rồi nói lớn : Em chịu bác rồi ! Nói xong anh mở sổ tay ghi từ ‘my better half’ có gốc VN. Anh này mỗi ngày mỗi trau giồi tiếng Việt một cách tích cực vậy đó.

Làng tôi mê cái anh rể da trắng này qúa. Cụ B.95 bèn nói ngay : Bác ODP trọng tuổi rồi mà nói về tình yêu còn say đắm lắm. Anh John còn trẻ chắc sẽ nói say đắm hơn nữa. Nào, xin Anh diễn thuyết về tình yêu.

Anh John bèn kể chuyện tình yêu của Hoàng đế Edward VIII, cách đây 70 năm. Lúc đó đế quốc Anh còn hùng mạnh vô cùng. Vua yêu nàng Bessie W.S. Simpson, một cô gái Mỹ mới li dị chồng. Tình yêu sấm sét và dữ dội đến nỗi Vua bỏ ngai vàng để lấy người yêu Simpson. Vua đã nhường ngôi cho em trai là vua George VI, tức cha đẻ của Nữ hoàng Elizabeth bây giờ. Vua Edward thoái vị xong, trở về danh hiệu Công Tước Windsor. Nhiều sử gia bình luận rằng vua Edward đã cho người yêu hết mọi sự, trừ danh hiệu ‘nữ hoàng Anh Quốc’. Bỏ ngai vàng để lấy một cô gái ngoại quốc và đã một đời chồng, tình yêu mãnh liệt thế đó.

Đó là chuyện tình bên Âu Châu. Bây giờ xin kể chuyện tình bên Á Châu, chuyện vua Shah Jahan ở Ấn Độ, vào đầu thế kỷ 17. Dù có nhiều cung tần mỹ nữ, nhưng Vua yêu nhất hoàng hậu Mumtaz Mahal vì bà vừa đẹp vừa thông minh, vừa đạo đức. Bà đã sinh hạ cho vua 13 người con. Đến khi sinh người con thứ 14 thì bà kiệt sức và qua đời. Trước khi nhắm mắt bà xin vua xây cho mình một cái lăng. Vì yêu vợ tha thiết nên vua đã giữ lời. Đó là lăng Taj Mahal, xây mất 31 năm, một kỳ quan của thế giới. Khi vua Jahan qua đời, vua được an táng ngay bên cạnh hoàng hậu. Hai vị nằm bên nhau, trong tầng hầm thứ nhất của kỳ quan Taj Mahal. Tình yêu vĩ đại qúa.

Ông ODP lại xin góp ý. Rằng hai chuyện trên là chuyện tình vương giả, tình yêu trọn vẹn. Có nhiều chuyện vừa không vương giả vừa không trọn vẹn, nhưng rất đẹp vì chuyện tình không trọn vẹn đã nảy sinh ra nhiều hoa trái tuyệt vời. Chẳng hạn chuyện tình của văn hào Kim Dung người Trung Quốc. Ngài Kim Dung trước khi nổi danh văn sĩ đã làm nhiều nghề, chẳng hạn phóng viên, viết chuyện phim, thày tuồng, đạo diễn. Chính trong phim trường này mà Kim Dung đã bị tiếng sét ái tình làm choáng váng. Cơn choáng váng này âm ỉ trong lòng, nhập vào ngòi bút của Kim Dung. Đó là nàng tiên Hạ Mộng, một nữ tài tử trẻ trung nhí nhảnh. Hạ Mộng chính là người trong mộng của Kim Dung. Suốt 14 đại tác phẩm sau này của Kim Dung, chỗ nào ta cũng thấy bàng bạc Hạ Mộng. Từ Hoàng Dung trong Anh Hùng Xạ Điêu đến Vương Ngọc Yến trong Thiên Long Bát Bộ, đến Tiểu Long Nữ trong Thần Điêu Đại Hiệp, và rõ nét nhất là Nhạc Linh San trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Lệnh Hồ Xung, nhân vật nam thất tình, chính là tác giả. Tình yêu một chiều làm Kim Dung đau khổ khôn nguôi. Tội nghiệp văn hào qúa chứ. Cái vinh quang và danh tiếng của Kim Dung, vĩ đại đến độ không những Trung Hoa Dân Quốc mà cả Trung Cộng, cả Đại Học Havard Anh Quốc cũng phải kính nể, thế mà không khoả lấp được mối tình một chiều trong lòng ông, cõi lòng lúc nào cũng chỉ Hạ Mộng.

Nghe đến đây thì Cụ Chánh nói : Ấy, vì không lấy được Hạ Mộng nên các nhân vật nữ trong tác phẩm của Kim Dung mới đáng yêu và kiệt xuất như vậy. Chứ nếu tác giả lấy được Hạ Mộng, tình yêu tràn đầy, thì chưa chắc đã có những nhân vật nữ tài ba và đáng yêu như thế.

Các cụ đã thấy ông bồ chữ ODP trong làng tôi thông thái chưa ! Xưa nay tôi đâu có biết chuyện tình là yếu tố sinh ra kiệt tác. Xưa nay tôi chỉ nghe nói Kim Dung giảng đạo Phật qua tác phẩm. Kỹ thuật ngụy trang giảng đạo của Kim Dung đạt đến độ siêu việt khiến người đọc khó bề khám phá ra thâm ý của tác giả. Kim Dung như một thiền sư đắc đạo đã làm chúng ta say mê một Triệu Minh duyên dáng thông minh, một Lệnh Hồ Xung cởi mở hào sảng, một Doanh Doanh kiều diễm lém lỉnh.

Nghe đến đây thì Cụ B.95 lên tiếng. Cụ than rằng sao bữa nay các ông nói toàn truyện gì cao siêu, toàn chuyện bên Tây bên Tàu. Tôi cứ thèm chuyện tình VN, chuyện gì bình dân và đơn sơ như chuyện cô Tâm cô Cám cơ.

Lúc này cụ Chánh tiên chỉ đáp lời : Tôi xin làm việc đó. Tôi xin kể chuyện tình ở VN. Chuyện xảy ra ở Hà Nội cách đây hơn 60 năm. Đó là chuyện tình của nhân vật lịch sử kiệt xuất Nguyễn Hữu Đang. Các bạn biết ông Đang chứ. Đó là người đã chỉ huy dựng lễ đài để Ông Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945 ở Vườn hoa Ba Đình Hà Nội. Lúc đó ông là thứ trưởng Bộ Thông Tin Tuyên Truyền, một người năng nổ, nhiệt tâm, hoat bát. Tình cờ ông gặp một giai nhân tuyệt sắc tên Huyền Nhiên. Trai tài gái sắc gặp nhau, sét ái tình đã nổ, việc đương nhiên. Hai người thề hứa sẽ lấy nhau. Để chứng minh tình yêu chân thành, Nguyễn Hữu Đang đã tặng Huyền Nhiên một bộ vòng đeo tay bảy màu, một nữ trang quý giá và thịnh hành lúc bấy giờ. Họ chưa kịp lấy nhau thì chiến tranh xảy ra, Nguyễn Hưũ Đang lên đường kháng chiến. Sau 1954, về thành, Nguyễn Hữu Đang tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, phản đối Đảng CS kiểm soát và chỉ đạo văn nghệ. Ông liền bị 35 năm tù đày và 15 năm biệt giam. Lúc bị an trí ở Thái Bình, Nguyễn Hữu Đang được tin người yêu Huyền Nhiên từ trần. Trước khi nhắm mắt bà nhờ tháo bỏ tất cả vàng bạc châu báu trên gnười để lối lại cho gia đình. Bà chỉ xin đeo vào tay bộ vòng 7 màu để bà đem về thế giới bên kia. Trên báo Thế kỷ 21 số 216 vừa qua có đăng bài ‘Cây Xương Rồng Nguyễn Hữu Đang’ của Nguyễn Đặng Bắc Ninh. Tác giả kể chuyện đã về Hà Nội và tới thăm cụ Nguyễn Hữu Đang. Tác giả thấy một bức ảnh lớn treo trên tường. Ảnh một người đàn bà đẹp, tuổi trung niên, vấn tóc trần, nét mặt hiền dịu. Tác giả hỏi cụ : Đây có phải là bà Huyền Nhiên không ạ?’ Cụ Đang trả lời ngay : ‘ Phải, hôm qua là ngày giỗ bà ấy. Năm nào các con bà ấy cũng đến đón tôi đến dự đám giỗ bà.’

Sao, đọc đến đây các cụ có thấy một mối tình đẹp tuyệt vời chưa ? Đáng lẽ tôi xin hết phần kể chuyện tình ở đây, nhưng tôi thấy không thể chấm hết ngay được. Cụ Đang là bậc cha chú của tôi, hơn tôi gần hai giáp. Cụ là một bậc hào kiệt, bao nhiêu sách báo đã ca tụng cụ. Tôi xin mượn bài thơ của Phùng Quán để tôn vinh Cụ. Phùng Quán gọi cụ là cây xương rồng :

Cây chi cây lạ lùng

Không cành cũng không lá

Chỉ toàn thân với thân

Mà thân thì dựng ngược

Như gậy gộc nghĩa quân

Toàn những góc với cạnh

Lại tua tủa gai chông

Nhựa độc hơn bọ nẹt

Gai buốt nhọn hơn gươm

Mọc lên từ cát lửa

Hồn vẫn xanh mát trong

Che chở người lương thiện

Trộm cướp đều ngại ngùng

Cây như một biểu tượng

Đời gọi cây xương rồng

Xương rồng ơi xương rồng

Anh có thật xương rồng

Hay xương người nghĩa khí

Ngã xuống rồi hóa thân ?

Phùng Quán đọc bài thơ này trong buổi tiệc mừng thọ bát tuần của cụ.

Lúc này anh H.O. lên tiếng : Giá tôi được có mặt trong buổi tiệc thượng thọ đó, tôi sẽ xin hát mừng cụ bài ca của Trịnh Công Sơn, mừng cụ có mối tình Huyền Nhiên trong sáng đẹp tuyệt vời.

Nghe đến đây, các bà trong làng nhao nhao lên : Anh hát bài gì nào, hát cho chúng tôi nghe đi nào. Nhìn mấy bàn chung quanh trong công viên cũng có nhóm trẻ đang đàn đang hát, lại được phái đẹp cổ võ, anh H.O. đã cất tiếng hát :

Tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình vẫn còn đầy

Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây

Tình ngờ chết trong nhau, nhưng tình vẫn rộn ràng

Người ngỡ đã quên lâu, nhưng người vẫn bâng khuâng...

Giọng anh ồ ề chứ không nhừa nhựa bùa mê như cô Khánh Ly nhưng nghe rất có hồn. Rồi anh ngưng. Anh bảo anh chỉ thuộc có vậy. Anh thuộc là vì bốn câu này có thần.

Bài hát trên đây của ca sĩ H.O. đã chấm dứt chươmg trình bàn về tình yêu. Chúng tôi bước sang những phần khác, những phần đã thành quen thuộc. Anh John nói tin thời sự. Tin đang gây chú ý là tin nước Nga đi xí phần trên Bắc cực. Nga cho cắm cờ dưới đáy biển xí một diện tích hơn một triệu cây số vuông. Vùng này được coi là có nhiều mỏ quặng và chất đốt. Mấy nước cùng chung đỉnh bắc cực như Hoa Kỳ, Canada và Đan Mạch đâu có chịu. Riêng Canada thì tuyên bố sẽ bỏ ra 8 tỷ đồng đóng 8 con tàu đặc biệt để canh chừng miền đang tranh chấp.

Nhân nói tới chuyện bắc cực, các cụ còn nhớ ngày xưa thời còn chiến tranh lạnh không ? Vì Nga và Canada đối đầu nhau qua đỉnh bắc cực, Mỹ sợ nhất Nga sẽ đem quân vượt bắc cực, băng qua Canada để đánh xuống Mỹ, cho nên thời đó Mỹ bao thầu luôn việc tuần hành miền bắc cho Canada. Nay thì quý vị không còn hầm hè nhau về quân sự mà hầm hè nhau về hầm mỏ đưới đáy biển.

Tin thứ hai tôi cho là rất độc đáo, vì chỉ có ở Canada. Đó là tin tỉnh bang Québec đang soạn thảo chương trình dạy bơi lội cho học sinh. Lý do là lâu nay số tử vong vì không biết lội đã tăng lên cao.

Cụ B.95 nghe đến tiếng ‘lội’ thì hỏi ngay : Lội thì cần gì phải ai dạy. Có chân là biết lội rồi mà. Nghe đến đây thì mấy nhà quân tử Bắc Kỳ phá ra cười. Ông ODP giải thích : Cụ ơi, anh John nói tiếng quê vợ tức là tiếng Nam. Miền Bắc nói bơi, còn miền Nam nói lội. Anh muốn nói là nhà trường sẽ dạy học sinh bơi đó cụ ơi.

Cụ B.95 cười khì khì, vỗ vào trán : lão sống với các bác đã hơn 10 năm mà vẫn chưa hiểu hết tiếng Nam. Nhớ hồi lão từ Hà Nội sang đây năm 1995, lão muốn ăn ‘bánh tây’ mà không tìm đâu ra. Mãi rồi mới biết ở đây các bác nói ‘bành mì’. Anh H.O. cười ha ha rồi hỏi : Thế cụ có biết chuyện bà Bắc Kỳ đi chợ Toronto tìm mua ổ ‘bánh không mùi’ chưa? Hình như ngày xưa tôi có kể chuyện này rồi thì phải. Cụ B.95 lắc đầu và xin anh cho nghe. Rằng có một bà từ HàNội sang đây đi phố. Bà vào cửa hàng bánh mì hỏi mua một ổ ‘bánh tây không mùi’. Cô bán hàng lắc đầu là không có loại bánh này. Bà Bắc Kỳ chỉ vào ngăn bánh mì : Đó, bánh đó đó, nhưng cô chọn cho tôi ổ nào không có mùi. Cô hàng người Nam lịch sự trả lời : Thưa bà, bánh mì chúng tôi nóng sốt, không có bánh nào có mùi cả. Đứng gần đó có một dũng sĩ Bắc Kỳ B.54 hiểu chuyện bèn vừa cười vừa bảo cô hàng : Bác này nói tiếng Bắc Kỳ đấy, ‘mùi’ đây là ‘ngò’ trong Nam. Bà ấy sợ lá ngò, bà xin mua bánh mà nhân bên trong không có lá ngò.

Thế là cả làng tôi lại bò ra cười.

Anh John thấy cả làng vui về tiếng Bắc tiếng Nam, anh giơ tay xin kể chuyện nhưng Chị Ba Biên Hòa đoán được ý chồng. Chị không cho anh kể. Chị nẹt : Chắc anh lại định kể chuyện ông cán bộ Hà Nội vào Nam mắc bệnh khó tiêu đi bác sĩ người Nam chứ gì ? Chuyện đó có đoạn nói về phản ứng của thuốc tiêu, ngôn từ nghe tục nha, kể ra đây là vô phép.

Anh John vâng lời vợ không kể chuyện tiếng Bắc tiếng Nam nữa mà kể chuyện Cô Tim ở Hà Nội. Tôi được bạn bè chuyển cho xem mấy băng hình về người đẹp Aline Rebeaud gốc Thụy Sĩ. Cô là hoạ sĩ, đi chu du thiên hạ để tìm đề tài và hứng khởi vẽ tranh. Đến VN cô bị bùa. Cô thấy một bầy em nhỏ đói khát bệnh tật vô gia cư. Cô đã gom các em lại. Cô đã nuôi các em, đã chữa bệnh cho các em, đã dạy các em học. Các em gọi cô là mẹ, Mẹ Tim. Đã ròng rã 10 năm. Nhiều người đang tiếp sức cho cô. Cô lập ra được một trung tâm mang tên là ‘Nhà May Mắn’, Maison Chance. Bây giờ cô quên hết bảng vẽ, thuốc mầu, quên cả đường về quê hương Thụy Sĩ. Bây giờ cô chỉ có một cơ nghiệp : các em bé VN.

Coi hình, cô Aline trẻ đẹp, duyên dáng và học thức qúa chứ. Cái gì đã làm cho Cô Thuỵ Sĩ này ôm các em bé VN vào lòng như thế ?

Tôi nghĩ đó là Tình yêu, các cụ ạ.