Truyện ngắn: Đường tử tức

Trong vườn Địa Đàng, Chúa lắc đầu nói, "Đàn ông ở một mình thì không tốt". Bởi thế, Chúa mới tạo ra một người con gái xinh đẹp. Và từ đó, nhân gian mới nẩy sinh ra con và cái. Truyện ngắn Đường Tử Tức nói về một ông bố... Ngày Lễ Father's Day gần tới, ông bố mồ côi vợ con lúng túng loay hoay với đời sống quạnh hiu. Trong hoàn cảnh cô quạnh, "không vợ không con, chó mèo cũng không", ông bố tức cái bà thầy bói năm xưa, ăn nói vớ vẩn, chẳng ra đâu vào với đâu, dám nói thánh nói tướng là ông phải là hai đời vợ, và rất nhiều con. Cuộc sống có phút vui phút buồn, ngọt bùi pha lẫn chua cay, niềm vui chen lẫn giận hờn. Trong tâm tình đó, mời bạn đón đọc Đường Tử Tức sẽ xuất hiện trong Dân Chúa ÚC CHÂU, số 150, tháng 9, 2007, số đặc biệt chủ đề về Bố Việt Nam tại Úc Châu để biết ông bố trong truyện ngắn Đường Tử Tức hòa giải với bà thầy bói và với quá khứ của ông ra sao?...

Bóng thời gian, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Số tôi cô quả, mạng tôi cô độc, cho nên không vợ không con. Thế thì còn nói chi về đường tử tức vượng suy. Cái bà thầy bói hồi xưa, đến là vớ vẩn. Cầm tay tôi bà ta nói thánh nói tướng,

— Cậu này đường tử tức vượng. Đông con nhiều cháu.

Tôi hai mươi tuổi, đang kiếm đường đi vượt biên. Chị Hương tôi mang bà thầy bói về để coi chuyến đánh ở Rạch Giá tuần tới có may mắn thuận buồm xuôi gió hay không. Thế mà bà thầy lại lãng òm sang chuyện đường tử tức đông con nhiều cháu. Đến là vớ vẩn. Chẳng ra đâu vào với đâu. Thấy bà thầy bói lạc đường, chị tôi nói, nửa như giỡn, nửa như muốn thử thách công phu của bà thầy,

— Cậu này đi tu…

Cái bà thầy bói có mái tóc cạo trọc dừng lại, trợn mắt. Tôi nhớ đường chân mày rậm nhưng đều như hình vẽ trong tranh lụa của bà ta nhíu lại, bà phản đối, nhái giọng Bắc kỳ Ông Tạ của chị em tôi,

— Cậu này mà đi tu. Tôi lậy chị! Cậu này mà không ít nhất là hai vợ thì tui là tui chặt đầu tui xuống cái bốp, đặt ở cái mâm đồng, rồi hai tay tui te te dâng lên cho bà chị coi chơi...

Nhìn tôi một lần nữa, bà thầy bói lại phán những câu nghe lạnh người, rợn tóc gáy,

— Nhà chị là còn hên, hồng đức của ông bà để lại cao lắm. Chứ không, hồi đó bà mụ lỡ tay mà nặn cái cậu này ra con gái thì là mệt cầm canh rồi đa. Nhìn coi, con mắt ướt rượt, đuôi mắt cười cười có đuôi. Không rước cửa trước, cũng đóng cửa sau là cái cậu này. Mà tui nói tình thiệt đó nghen, người này mà là con gái thì hên lắm cũng chỉ là nhà thổ, mà xui hơn nữa thì lại nhà chòi mà thôi.

Nhìn hai chị em tôi đang xanh mặt, bà thầy đổi đề tài, quay lại chuyện coi bói,

— Nhưng mà thôi, chuyến tàu này lành ít, dữ nhiều. Tôi khuyên cô không nên đi, bởi cung mạng của cô xấu lắm.

Cái bà thầy bói trọc đầu nói chỉ đúng được có câu này. Thiệt tình là như vậy, chuyến tàu tôi đi, con gái đụng hải tặc bị bắt hết, con trai bị chém bay đầu, chỉ còn sót lại những người già da mồi tóc bạc. Máy tàu bị gỡ, tàu lênh đênh trên biển, không lương thực, không nước uống, người ta ăn thịt nhau tỉnh bơ như ăn sáng một ổ bánh mì kẹp chả. Tôi nhớ bà cụ khoảng sáu mươi tuổi, đầu vấn khăn, ngồi yên, đưa vào miệng miếng thịt nhai sần sật. Nhai hết miếng thịt, bà cụ cúi xuống, lấy gấu quần lau miệng như một thói quen thường lệ. Thấy tôi nằm mê mệt trên khoang thuyền, nhiều cặp mắt trầm tĩnh đợi chờ giây phút sẽ tới. Như một phép lạ, tôi đặt chân lên bờ biển Trengganu của Mã Lai với đôi mắt vàng bệch! Người ta nói bởi vì những miếng thịt người! Cao Ủy Tỵ Nạn đưa tôi vào phòng cấp cứu của bệnh viện Sick Bay trên đảo Pulau Bidong. Một tuần sau, tôi gặp bà chị họ và con cháu gái đã bị mục đảo gần hai năm trong trại tỵ nạn Bidong tình xù.

Con cháu họ của tôi nghe tôi than thở về đường tử tức, nó nửa như an ủi, nửa như cười cười vào mũi tôi,

— Thì bây giờ cậu cũng có nhiều con vậy.

Tôi đưa tay sờ vào trán nó, cộ mắt ốc,

— Xem coi mày có mát hay không?

Hồi xưa nó nhỏ tí ti, bây giờ cao chồng ngồng, đã lấy chồng. Hồi đó hai cậu cháu ở bên đảo Bidong, mẹ nó thì bán bánh cuốn ngoài chợ. Nó bé tí, chạy lon ton ngoài đường chơi giỡn với mấy đứa bạn thò lò mũi xanh. Chị họ của tôi rít lên, không cho con bé đi chơi dưới gốc dừa Mã Lai, bởi sợ dừa rơi trúng đầu, chết, uổng mạng, phí bao nhiêu cây vàng ba số 9. Thấy tôi xanh mướt nằm trên giường bệnh của bệnh viện Sick Bay trên đảo, bả rú lên,

— Con Hương đâu?

Tôi lắc đầu,

— Chị ấy không đi theo.

Khi hai mẹ con của bà chị họ được phái đoàn Úc khùng nhận, còn tôi bị dộng mộc xù, con bé thò lò mũi xanh khoe với tôi,

— Cậu ơi, mẹ cháu được nhận rồi.

Tôi nhìn con bé cháu, gầy gò đen đủi như cây củi, tự nhiên tôi ghét nó vô cùng,

— Cho mẹ con mày sang bên đó, cưỡi kăng-ga-ru. Tao là tao đi Mỹ, cưỡi ngựa cao bồi Téch-xịt.

Mẹ nó nói,

— Nghe nói bên Úc người ít lắm. Có mấy triệu à.

Tôi nhìn chị tôi, tôi ghen tức bởi bả được phái đoàn Úc nhận. Tự nhiên tôi ghét bả như sáng nay tôi ghét con của bả. Tôi nói nửa đùa nửa thật,

— Hèn chi Úc khùng nó mới nhận hai mẹ con bà. Sang đó, bà lấy Úc, đẻ con cho nước Úc nhiều thêm dân số. Còn tôi, đàn ông con trai, không chửa đẻ, cho nên bị nó dộng mộc xù.

Bà chị hiểu tôi đang rầu thúi ruột, nhoẻn miệng cười, không nói năng chi, không đối đáp ăn miếng trả miếng như thói quen thường lệ. Còn tôi, nhìn mặt bà chị hớn hở, tự nhiên tôi lại nhớ lời bà thầy bói trọc đầu và lời phán năm xưa, “Đường tử tức vượng, nhiều con nhiều cháu”. Tôi lẩm bẩm trong miệng,

— Có mà rỗi hơi tin vào những chuyện bói toán!

Từ năm 84 khi hai mẹ con bà chị tôi tái định cư bên Úc, bà chị họ đẻ thêm một đứa con gái nữa. Nhà lại thêm một cái hĩm. Nước Úc lại thêm một người. Riêng đứa cháu gái hồi xưa, nó đã có hai đứa con. Đứa thứ nhất, con gái, được thủ tướng Howard tặng cho ba ngàn đô la xanh lè. Thằng thứ hai, mới sanh được mấy ngày, thủ tướng lại ký tặng cho năm ngàn chẵn. Sướng nhé! Vừa có chồng, có con lại vừa có tiền. Nhưng con cháu không lập được thành tích, bởi cách đây mấy tuần, người Úc thứ hai mươi mốt triệu đã được sinh ra tại thành phố Melbourne của tiểu bang Victoria, mà lại là một em bé có gốc Việt Nam. Nhưng người mẹ Việt Nam của em bé không phải là cô cháu gái của tôi. Nếu vợ tôi còn sống, dám cô ta đã lập thành tích làm cho dân số của nước Úc tăng lên chẵn tròn con số hai mươi lăm triệu. Lúc đó con tôi tha hồ mà được nước Úc cưng chiều. Dám thủ tướng Howard cúi xuống cầm viết ký check tặng chơi chơi cho con tôi mấy triệu đô la. Nhưng đó cũng vẫn chỉ là chuyện nếu. Mà cuộc đời này thì không chỉ có những chữ “nếu”, mà thực tế bây giờ là tôi vẫn cô độc, không con. Tự nhiên tôi lại ghét cái bà thầy bói trọc đầu năm xưa. Chị họ tôi đã thế lại còn mắng tôi mấy mắng,

— Ai biểu hồi xưa già kén kẹn hom? Người ta nói trai ba mươi tuổi còn soan. Nhưng cậu thì cũng hơn bốn chục rồi. Còn soan cái nỗi gì, có mà soan cái hột “soàn!”. Bây giờ may ra về Việt Nam thì hốt ổ được mấy bà góa.

Tôi cự nự,

— Bà cả đời ăn mắm, nói mà không sợ độc miệng.

— Vậy sao đang ở bên Mỹ, sung sướng ngon lành không ở, tự nhiên bán nhà bán cửa dọn nhà sang đây.

— Thì cũng biết đâu, ở bên đó ế độ quá… Vợ bỏ, con không có, chó mèo cũng không!

Bà chị đốc vào thêm mấy câu,

— Mai mốt lỡ có chuyện gì, dám cũng không có người cúng gà đốt nhang.

Tôi càu nhàu,

— Chắc chắn là như vậy rồi.

Tuần trước, tôi ghé vào thương xá tìm mua những đôi vớ mới. Chị tôi hỏi,

— Để làm gì?

Tôi không dám nói cho bả ấy biết là trời tiểu bang Victoria năm nay lạnh quá, tuyết rơi dầy phố phường. Tối ngủ, chân lạnh, tôi trằn trọc ngủ không được. Nhưng có đôi vớ bao kín đôi chân, đêm tối lạnh teo tự nhiên hóa ra ngủ yên đẫy giấc. Đi tới đi lui trong khu thương xá, tôi thấy thương xá treo bảng, “Happy Father’s Day” khắp nơi. Dừng lại khu bán TV, tôi cũng thấy hàng chữ, “TV màn ảnh Plasma là món quà tốt nhất cho bố!”. Tôi chép miệng,

— Bố thì chết bốc mộ lên rồi. Con thì không có, chó mèo cũng không, bây giờ mua cái TV Samsung để làm chi? Để cúng hà bá à?

Tức mình! Tôi ôm cái TV Samsung bán hạ giá nhân ngày Lễ Của Mấy Ông Bố, một mình khệ lệ bê về nhà, mà trả tiền cash đàng hoàng, chứ không thèm chà thẻ nhựa với ký check. Trả tiền tươi cho Tây nó sợ! Ôm cái TV màn ảnh Plasma về tới nhà, bật máy sưởi lên, sỏ đôi vớ mới mua vào chân, tôi nằm trên giường một mình coi La Vie En Rose nói về cuộc đời của nữ danh ca Edith Piaf người Pháp. Mà coi vậy chớ Edith Piaf là còn có chồng con hẳn hoi, dù là mấy đời chồng, nhưng cũng có con, mặc dù đứa con gái Marcellei mắc bệnh hiểm nghèo, chết trong tuổi ấu thơ. Mơ màng với người nữ danh ca có giọng ca bất hủ, tôi nhắm mắt ngủ quên lúc nào không hay. Sáng mở mắt ra, mặt trời bắt đầu chiếu xiên xiên qua khung cửa. Tôi mắt nhắm mắt mở hốt hoảng nhào xuống giường. Chân vừa chạm đất, đã vội vàng rút lại. Chúa ơi! Nước ở đâu mà lênh láng trong phòng ngủ như thế này. Ít ra là phải một đốt ngón tay của nước ngập trong phòng! Chẳng lẽ global warming đã kéo tới, băng tuyết Nam Cực tan, cho nên mặt biển dâng cao, kéo nước biển sầm sập vào tận trong phòng ngủ của tôi. Tôi lắc lắc đầu, nhìn con số đồng hồ điện tử màu đỏ đe dọa. Chỉ còn ba mươi phút phù du nữa thôi, là tôi phải có mặt tại hãng rồi. Giời ạ! Bây giờ dù là có động đất giật sập tòa nhà con sò Oprah danh tiếng của Úc Đại Lợi, tôi cũng vẫn phải đi làm. Phù du là ba mươi phút nữa thôi, tôi phải có mặt trong văn phòng rồi. Nếu không, tháng tới, thằng bố mồ côi như tôi sẽ bị gậy ăn mày, gõ cửa trung tâm phát chẩn Vincent de Paul xin ăn, ngủ nhờ hằng đêm.

Lội trong làn nước lạnh mùa đông lênh láng vô tới phòng tắm, tôi nhận ra vòi nước tối qua tôi quên, chưa vặn hết, cho nên nước rỉ từ vòi rớt xuống bồn rửa mặt; bồn đầy nước, vòi tiếp tục tí tách nước, nước lênh láng tràn ra khỏi bồn làm lụt lội căn phòng ngủ đúng một đốt ngón tay. Chúa ơi! Tôi lắc đầu! Chết rồi! Chắc là tôi mắc bệnh Alzheimer, mất trí nhớ rồi, cho nên bắt đầu quên. Ăn rồi mà cứ chối đây đẩy, “Con cắn cỏ cắn rơm lạy quan lớn, con chưa ăn”.

Nếu mà có vợ có con, tôi sẽ nhờ vợ con hốt rác hộ. Nhưng bây giờ cô độc không con, tôi đành liều, vội vàng tắm rửa, hốt hoảng lái xe tới sở, để mặc cho căn phòng lênh láng nước lạnh cao tới một đốt ngón tay. Buổi trưa hôm đó, trong giờ ăn trưa, ngồi gặm miếng Meatpie thổ sản của dân Úc, tôi tự nhiên lại nhớ tới cái đầu trọc của bà thầy bói thời xưa, “Đường tử tức vượng, nhiều con lắm cháu”. Tôi lại cay cú với bà thầy,

— Thiệt tình! Ăn nói vớ vẩn chẳng đâu vào với đâu...

www.nguyentrungtay.com