Vài cảm nghĩ về một vị linh mục mới qua đời

Mấy ngày qua, cứ đi ngang qua khu vực nhà thờ Chí Hòa, Sài Gòn, thấy kẻ ra người vào tấp nập, tôi lại thấy lòng chùng xuống nhưng tâm trí vẫn xoáy lên một ý tưởng khi vị linh mục chánh xứ ở đây vừa từ trần.

Bình thường, khi có người qua đời, người ta dán lên một bản cáo phó ghi ngày sinh, ngày tử, quê quán…Nhưng đối với một linh mục, người ta ghi thêm những giai đoạn dấn thân, phục vụ Giáo Hội như đi tu năm nào, làm cha phó ở đâu, dẫn dắt đoàn chiên nhà thờ nào, làm những chức vụ gì…

Đối với tôi, điều đó là xứng đáng, được coi là công trạng của người hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và phục vụ Giáo Hội.

Trên bản cáo phó của cha Augustinô Nguyễn Thái Sanh, tôi chú ý thêm hàng chữ: “ - 12 năm học tập cải tạo” và tự hỏi: “Đây có phải là một giai đoạn phục vụ không? Có được coi là một công trạng?” Tôi thầm nghĩ, đó là một giai đoạn cha có vai trò chứng nhân chứ không phải vai trò chăn dắt đoàn chiên.

Mười hai năm là một chặng đường dài mà người ta phải sống như thế nào mới có đủ niềm tin, nghị lực, sức mạnh nội tâm và cả sự thánh đức bên trong để khi trở về, Chúa vẫn tín nhiệm và tiếp tục trao phó những chặng đường phục vụ mà chặng cuối là nhà thờ Chí Hòa, vì điều gì tốt đẹp Thiên Chúa mới cho tồn tại.

Ở chặng đường mười hai năm, người ta có thể tìm thấy:

- Làm chứng nhân ở trong cảnh sốp tập trung: đây là một hoàn cảnh vừa khó vừa thuận tiện nhưng không dễ dàng! Khó vì phải chịu đựng những cái khác biệt của đời linh mục; vì đời linh mục thì thường sống gắn bó với thánh đường, có giáo dân hoặc phục vụ ở lãnh vực chuyên biệt cho Giáo hội và tâm hồn luôn yên ổn vì nhìn lên thì có bề trên, nhìn ngang thì có linh mục đoàn đồng hành, nhìn xuống thì có những con chiên ngoan hiền, được nghe tiếng chuông hằng ngày…thế nên sống tập trung học tập cải tạo thì không phải là sở trường của lý tưởng. Hơn nữa, lại phải tuân thủ nhưng luật lệ của trường trại…thì sống tốt đã trở thành chứng nhân.

Mười hai năm có một sự phấn đấu của riêng bản thân: Có lẽ ở chặng đường dài của cuộc sống này, linh mục phải biết sống nề nếp, giữ gìn sức khỏe, kiên nhẫn sao cho có đủ độ bền bỉ để giữ cho thân xác của mình như một chiếc bình giữ cho niềm tin kiên cường và niềm hy vọng không đổ vãi ra hay vơi dần theo thời gian.

- Nhìn thấy tương lai bằng sự phó thác: Không ai biết được tương lai vì thế trước hoàn cảnh éo le, để có được sức mạnh nội tâm, đó là điều không phải ai cũng làm được.

Trong cuộc sống tập trung, món ăn tinh thần không dư dả, chén thánh là bàn tay, máu thánh là những giọt nước uống, lời cầu nguyện chỉ thầm thì…..có ai dám tin rằng đời mình sáng lên ở phía trước? Chắc chắn người ta phải nhờ lời cầu nguyện để nuôi dưỡng niềm tin; muốn có sự sốt sắng để thốt lên lời cầu nguyện, lại phải cố gắng và cố gắng liên lỉ để tin rằng những tâm tình nguyện cầu được Thiên Chúa lắng nghe.

Kết thúc những suy tư, tôi nhớ lại mẩu đối thoại giữa tôi và cha:

“ – Con là …., xin cha cho nhóm xã hội của con được dâng lễ tạ ơn ở nhà thờ này.

- Tôi biết chị rồi. Cám ơn chị đã tường thuật những sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ Chí Hòa trên Vietcatholic. Tôi sẵn lòng để chị tổ chức lễ. Có cần lễ đồng tế thì tôi cũng sẵn sàng!

- Ôi, cha thương chúng con quá!”

Sau đó tôi thay đổi ý định và điện thoại đến cha, thế mà cha vẫn từ tốn nói: “Thôi để dịp khác nghe!”

Vâng, còn dịp nào cha đồng ý giúp con nữa không? Vĩnh biệt Cha.