LITTLESAIGÒN (NV) -- Khi nhìn hai phái đoàn lực sĩ Nam Hàn và Bắc Hàn diễn hành dưới một lá cờ chung tại Thế Vận Hội 2004 tại Úc, dư luận thế giới đã hy vọng rằng việc thống nhất Nam-Bắc Hàn bằng phương tiện hòa bình sẽ có thể là một mẫu mực cho những quốc gia chia đôi, chia đôi về địa lý cũng như chia đôi về ý thức hệ. Cả hai bên Nam và Bắc Hàn đồng ý để lá quốc kỳ của mỗi miền sang một bên và dùng lá cờ trắng trên có một bán đảo Hàn Quốc màu xanh dương, màu tượng trưng cho hòa bình để làm lá cờ chung. Vụ này diễn ra tiếp theo việc quyền hai miền Nam và Bắc Hàn thỏa thuận cho những công dân Nam-Bắc Hàn viếng thăm nhau và hiện nay thì họ đã thực hiện được một đường xe lửa xuyên Hàn.

Tuy nhiên, cho tới nay, việc thống nhất Nam-Bắc Hàn bằng phương tiện hòa bình vẫn còn rất nhiều trắc trở. Trắc trở vì những ảnh hưởng từ bên ngoài cũng có, từ những rắc rối trong vụ giải quyết vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn cũng có. Tuy nhiên, trở ngại chính yếu, theo một số viên chức trong Bộ Thống Nhất Nam Hàn, là do Kim Chính Nhật, chủ tịch nhà nước Bắc Hàn “vẫn còn cân nhắc giữa việc thực hiện tiến trình thống nhất” hay “cứ áp dụng chính sách mè nheo” hiện nay. Cũng vẫn theo những viên chức này, Kim Chính Nhật và bộ sậu của ông ta vẫn còn nghi ngại việc dẹp bỏ quá khứ của mỗi miền để hòa giải và thống nhất cuối cùng sẽ làm quyền lực của chính ông ta và đám bầy tôi sụp đổ. Nói một cách khác, Bình Nhưỡng vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng để chơi trò chơi hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Quay sang vấn đề Việt Nam, hòa hợp và hòa giải dân tộc đã được Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam rêu rao từ thời còn chiến tranh, nhưng không người Việt Nam nào vào lúc đó tin cậy vào bản tuyên bố 12 điểm của họ để thực hiện hòa hợp hòa giải dân tộc hàng ngày được phát tranh trên đài phát thanh giải phóng. Hòa hợp và hòa giải theo đường lối của bản tuyên bố 12 điểm chỉ là một cách diễn tả khác của việc miền Nam Việt Nam buông súng qui hàng.

Biến cố Tháng Tư sau khi người Cộng Sản thắng trận khiến bản tuyên bố 12 điểm của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một thứ vệ tinh của Hà Nội, trở thành một thứ giấy lộn. Ðiều này cũng dễ hiểu vì khi đã thắng rồi thì không ai lại muốn hòa hợp hòa giải với người thua.

Thời gian những người bại trận như chúng tôi vào trại cải tạo cũng đã được nhắc nhở là hãy quên đi quá khứ để cùng nhau bắt tay xây dựng đất nước. Rồi họ giải thích cái tinh thần hòa hợp hòa giải như thế này: “Nhà nước cũng rất buồn khi phải nhốt các anh trong những trại giam, không phải vì sợ các anh làm loạn mà vì sợ các anh bị nhân dân phẫn nộ đánh đập. Chúng tôi không đem xử bắn các anh là khoan hồng rồi, là hòa giải rồi”. Dĩ nhiên, đám cán bộ trại giam Cộng Sản thuộc vào loại người chỉ biết quản thúc, câu thúc thân thể con người chứ nào có ý thức gì về hòa hợp hòa giải dân tộc. Chúng tôi cũng hiểu như thế, nên không ai chấp nhất gì và cũng chẳng ai tin tưởng gì vào những con vẹt nói giả tiếng người này.

Trong suốt 32 năm qua, có ba sự kiện đáng chú ý tại Việt Nam: sự thất bại của nền kinh tế “ăn quẩn cối xay” hay còn gọi là “chính sách hợp tác hóa” nghĩa là trưng thu hết ruộng đất vào hợp tác xã, trong đó chủ nhân là nhà nước và nông dân là đầy tớ, thất bại của chính sách kinh tế mới, và thất bại của chính sách “đổi mới” theo chân Liên Xô. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những thất bại này, nhưng nguyên nhân chính vẫn là: Cộng Sản không hề coi trọng con người, vẫn chuyên chính và cai trị đất nước theo cung cách những những cai tù trong nhà tù vĩ đại Việt Nam. Ông bà ta đã có một so sánh vô cùng chính xác “nước sông công tù”, nghĩa là công sức của những người tù thì quá rẻ nếu không muốn nói là cho không.

Quản lý con người theo kiểu nhà tù như vậy thì hà tất gì phải hòa giải với ai thành thử hòa hợp hòa giải dân tộc mà những nhà lãnh đạo CSVN nói ra cũng không hay hơn gì lời tuyên bố về hòa hợp hòa giải mà những người cai tù trong những trại giam của Cộng Sản nói với đám tù nhân sa cơ như chúng tôi.

Tôi không ngạc nhiên lắm khi thấy một vài anh em chủ trương tờ tuần báo Việt Weekly lại tự nguyện làm cái loa cho ông Võ Văn Kiệt nói về hòa hợp hòa giải, một loại câu chuyện có từ thời chiến tranh chứ đâu có phải là một điều gì mới mẻ ghê gớm? Các anh em này có thể chỉ biết được cái hay cái dở của nền văn hóa Mỹ chứ liệu có ai tin rằng có một giây phút nào trong đời sống này suy nghĩ về hòa hợp hòa giải dân tộc, nguyên nhân hay hoàn cảnh khiến ngày nay những người lãnh đạo Cộng Sản lại phải đặt ra vấn đề đó trong khi suốt 32 năm qua họ không hề đặt ra? Phải chăng bây giờ, Việt Nam đã không còn là một nhà tù vĩ đại nữa hay họ chỉ muốn đặt ra vấn đề này để gây chia rẽ, xáo trộn trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại?

Tìm một câu trả lời cho những thắc mắc này không có gì khó khăn lắm. Này nhé, Việt Nam bây giờ được “quản lý” bởi một đảng duy nhất là đảng Cộng Sản cũng giống như trong một trại tù, ông trại trưởng là uy quyền nhất, ông ta muốn bớt xén phần ăn của tù nhân sao cũng được, thậm chí bắt hàng ngàn tù cải tạo phục vụ cho quyền lợi riêng tư của ông cũng được, ai dám lên tiếng? Họa chăng chỉ có các đảng viên của mấy ổng tị nạnh hay tranh nhau mới dám lên tiếng thôi. Tình hình này đâu có khác gì cuộc sống hiện nay của 80 triệu dân Việt Nam: không có tự do, luật pháp không nghiêm minh, không có quyền tự do ngôn luận, chỉ có báo đài nhà nước, không có báo đài tư nhân và độc lập, không có tam quyền phân lập. Vậy thì ông chủ tịch nước, thủ tướng và tổng bí thư lập thành một cái kiềng ba chân quá vững ai mà chen vào được? Chỉ có điều khoảng không gian ở nhà tù Việt Nam rộng lớn hơn khoảng không gian của hàng trăm nhà tù nhỏ hơn ở Việt Nam. Nghĩa là những tù nhân trong trại giam nhỏ được thở bằng nửa lỗ mũi, còn ở nhà tù vĩ đại là Việt Nam họ được thở bằng một lỗ mũi, được ăn phần cơm nhiều hơn cơm tù, nhưng tự do thì vẫn bị tước đoạt như thường.

Cho nên, những người như ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang... có muốn nói tới hòa hợp hòa giải gì đi nữa thì cũng không ai tin trừ phi các ông này phá bỏ cái nhà tù vĩ đại ở Việt Nam trước bằng cách cho đa nguyên, đa đảng và bầu cử tự do, chấp nhận đối lập chân chính (chứ không phải đối lập cuội, đối lập có kiểm soát như ở các chế độ độc tài khác). Phá bỏ cái nhà tù vĩ đại ở Việt Nam tức là các ông ấy đã đi bước trước trong việc hòa giải với chính nhân dân Việt Nam. Ðây cũng chính là một hành động yêu nước và lúc đó ông Võ Văn Kiệt cũng không cần phải gióng tiếng qua một tờ tuần báo ở hải ngoại để yêu cầu một chỗ đứng yêu nước cho những người Cộng Sản, dân chúng Việt Nam cũng sẽ đương nhiên dành cho các ông cái chỗ đứng ấy mà bỏ qua tội lỗi của các ông.

Nhưng liệu ông Triết, ông Dũng hay ông Kiệt có dám làm điều ấy không. Cứ cho rằng ông đã ôm chân được Mỹ rồi, nhưng phe thân Bắc Kinh ở Hà Nội cũng còn mạnh lắm. Họ lại nắm được quân đội. Cho nên liệu họ có để yên để cho ông Triết quay lưng lại với họ không hay để yên để cho các ông lãnh đạo xuất thân từ miền Nam Việt Nam “ăn trùm” không? Có thể nói ngay bây giờ, những điều kiện khách quan và chủ quan giúp người Cộng Sản đặt vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc đều không có. Ông Võ Văn Kiệt chỉ nói ra những điều mà ai cũng có thể nói được, nhưng làm thì rất khó. Ngay bản thân Võ Văn Kiệt cũng chưa chịu quên quá khứ để hướng vào tương lai như chính lời ông nói. Trước hết, thời ông còn làm thủ tướng, tức là còn có quyền hành, không thấy ông đưa ra vấn đề này một cách chính thức. Thứ hai, khi ông đã không còn quyền hành tức là tương đối được tự do hơn để chính thức đặt vấn đề với đối tượng mà ông muốn hòa giải, mà lại phải úp mở qua việc mạn đàm với một tờ báo mà ông chọn lựa. Tại sao khi đặt một vấn đề lớn như thế mà ông lại phải chọn lựa báo chí? Tại sao khi muốn nói chuyện hòa giải với những đối tượng vốn là cựu thù, ông không tổ chức một cuộc họp báo lớn ở Sài Gòn, mời hết báo chí ở trong nước báo chí ở hải ngoại về nước tham dự mà lại chỉ nói chuyện với một số ký giả mà cuộc đời của họ đứt đoạn hẳn với những tồn tại của quá khiến ông phải giải quyết.

Nói tóm lại, đặt một vấn đề lớn của dân tộc bằng một phương thức cục bộ, cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã để lộ cho thấy rằng ông chỉ muốn nhờ trung gian quăng một quả “lựu đạn dư luận” để khiến cho cộng đồng tị nạn, tức là một cộng đồng gồm hầu hết là những nạn nhân Cộng Sản, thêm thương tổn và chia rẽ.

Như lời một ký giả ở đây đã viết, phía cộng đồng Việt Nam không có nhu cầu hòa giải. Cuộc chiến đã chấm dứt 32 năm qua, những người Việt tị nạn Cộng Sản bỏ nước ra đi vì không chịu nổi chính sách hà khắc của chế độ Cộng Sản. Ba mươi hai (32) năm qua, họ đã tạm gác (tạm gác chứ không quên) quá khứ để tái xây dựng cuộc đời của họ. Ngày nay, những người Việt tị nạn đã trở thành công dân của một đất nước tự do vào bậc nhất trên thế giới. Họ đã đổi sinh mạng của mình để chọn lựa tự do, người tị nạn Việt Nam xứng đáng được hưởng sự tự do đó. Người Cộng Sản là những người tước đoạt hết mọi tự do kể cả tự do ngôn luận, tự do chọn lựa cuộc sống của nhân dân Việt Nam thì không xứng đáng hưởng một chút gì tự do tại đất nước này.

Cho nên, người Việt tị nạn không có nhu cầu hòa giải với người Cộng Sản ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng Sản, vì những quyền lợi khác nhau nếu đưa ra những điều kiện dễ dãi thì người Việt Nam ở đây trở về nước thăm nhà, nếu không dễ dãi và bị làm phiền thì họ không về nữa. Nỗi nhớ quê cũ không phải là một yếu tố quyết định khiến họ phải trở về nước mà ngược lại bầu không khí tự do, dân chủ, nhân phẩm của người Việt Nam ở trong nước được tôn trọng, luật pháp được áp dụng đồng đều và công bằng cho mọi người dân trong nước mới là yếu tố quyết định khiến một người Việt tha hương phải trở về quê cũ để nhìn thấy sự thay da đổi thịt của quê hương.

Cho nên, sự hòa giải trước nhất mà những người Cộng Sản như ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Minh Triết hay Nguyễn Tấn Dũng phải làm là hòa giải với người Việt trong nước. Ðảng Cộng Sản phải chính thức xin lỗi họ về chế độ hà khắc mà họ đã áp đặt lên vai dân chúng Việt Nam từ nhiều thập niên qua, tuyên bố hủy bỏ chế độ độc đảng, thiết lập chế độ chính trị đa nguyên, bầu cử tự do và công bằng, cho tự do báo chí trong đó có việc cho phép báo tư nhân và độc lập được hoạt động, thả hết những tù nhân chính trị và những nhà bất đồng chính kiến.

Người Việt hải ngoại khó chấp nhận một tình hình rất rõ ràng trong lúc ông Võ Văn Kiệt đưa ra lời kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc: một ông cựu Thủ Tướng mới vừa lên tiếng đặt vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc với người hải ngoại thì không bao lâu sau nhà cầm quyền Cộng Sản thực hiện một đợt khủng bố những nhà bất đồng chính kiến trong nước với sự thô bạo chưa từng có từ trước đến nay: bịt miệng Linh Mục Nguyễn Văn Lý ngay trước phiên tòa tại Huế. Cho nên, trước khi đặt vấn đề hòa giải với người ngoài, ông Võ Văn Kiệt đã đặt vấn đề với đảng của ông là phải hòa giải với người trong nước bằng cách trả lại sự tự do và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam hay chưa?

Tôi không nghĩ những anh em trong tờ Việt Weekly là Cộng Sản mà chỉ vì anh em do quá non yếu đã trở thành cái loa để ông Võ Văn Kiệt tung “lựu đạn” vào dư luận. Khi trái lựu đạn dư luận nổ ra thì anh em trong tờ Việt Weekly đã vội vã nghĩ ngay rằng đây là đây là chuyện tranh ăn. Tôi có thể nói một cách thẳng thắn rằng, chính tuần báo Việt Weekly chủ xướng việc tranh ăn trước: ông Etcetera Nguyễn Quang Trường xuất thân từ lò Người Việt đã “can đảm” cầm tờ Người Việt bịt mũi và còn hăng tiết vịt tuyên bố là nếu ông vận động đủ 3 triệu ông ta sẽ đánh gẫy tờ Người Việt. Cả cộng đồng người Việt Nam ở quận Cam đều biết rằng tờ Người Việt đã im lặng chẳng thèm “trả lời trả vốn” gì. Nhưng vụ vừa rồi liên quan đến biên giới Quốc-Cộng chứ không phải là các báo “đánh nhau” như lời nhận định của ông Nguyễn Tú A (cũng là một cây viết của tờ Việt Weekly). Nên nhớ xuất nguồn của vụ này là Bản Lên Tiếng, sau đó cả tuần lễ báo chí mới nhảy vô. Ðiểm cần chú ý là cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt được đăng tải trên tờ Việt Weekly rất nhiều tuần lễ, nhưng có báo nào phản ứng gì đâu cho đến khi bài của Hà Văn Thùy xuất hiện.

Ðã nói thì nên nói cho đúng. Rõ ràng những nhà báo ở Việt Weekly đã không thể ngờ được những phản ứng của cộng đồng. Lý do dễ hiểu, khi lớn lên ở Mỹ, cuộc đời của họ đã có khoảng đứt quãng với quá khứ. Họ không hiểu nổi tầm mức quan trọng khi đăng bài của một tác giả gọi Hồ Chí Minh là một thánh nhân, hay ca tụng chiến thắng của Cộng Sản hồi Tết Mậu Thân hoặc chiến thắng của Al-Qaeda trong vụ khủng bố 911. Khi bị phát giác và bị phản ứng thì y như rằng họ bám lấy quyền tự do ngôn luận mà họ gọi là quyền tuyệt đối ở Mỹ làm cái phao, hoặc biện minh cho lý do họ làm như vậy là một khai phá, tạo một diễn đàn trong khi họ không có một ý niệm là một diễn đàn thì phải như thế nào. Sự thiếu ý thức cộng thêm với tính ngông cuồng nên họ đã biến tờ báo của mình thành một thảm kịch. Người Mỹ gọi cách làm báo “nổ” để bán báo là “báo vàng”. Ðã làm “báo vàng” thì phải chấm nhận một rủi ro: khi thịnh thì không ai dám làm gì mình bởi không ai muốn dây tới tờ báo chỉ đâm thương tổn thêm, nhưng khi đã suy thì họ bị cắt tất cả các nguồn tin vì không ai dám tới gần nữa, không ai dám cho phỏng vấn nữa, không ai dám nói một điều gì. Trong trường hợp ấy, họ viết gì, nói gì, lấy gì để bóp méo, để thêm thuốc nổ vào? Quay lại chính văn để viết đàng hoàng, thì làm sao viết được mà nếu có viết được thì ai tin nữa? Thực tế của mấy tuần qua khiến cho nhiều người hy vọng rằng anh em Việt Weekly rồi sẽ tới lúc phải nằm vắt tay lên trán để thấy rằng làm “báo vàng” không thích hợp với người còn trẻ. Hy vọng đó có thành sự thật không thì chưa ai biết, nhưng rõ ràng những bài chỉ trích nhiều cá nhân trong những số báo Việt Weekly gần đây không còn tạo được phản ứng gì nữa. Những trái bom họ tạo ra đã không thể gây nổ được nữa rồi chỉ vì ai lại dám tin một người từng nói dối?

(Nguồn: Người Việt, Friday, July 27, 2007)