chuyện phiếm: THẦN DƯỢC

Đầu tháng Bảy, Canada mừng lễ Quốc Khánh 140 tuổi, rất trọng thể. Trời xanh bát ngát, nắng vàng chói chang, hòa nhạc, trình diễn văn nghệ, diễn hành. Vui vẻ qúa sức.

Tôi ở đất thiên đàng này đã trên 30 năm mà nay mới nhận ra một nét rất đặc thù và rất đáng yêu này : ngày lễ quốc khánh, các nhà thờ đều treo quốc kỳ và sau mỗi thánh lễ, linh mục chủ tế cùng với toàn thể giáo dân đều đứng lên hát quốc ca, sau đó vỗ tay râm ran. Viêc này tôi chưa bao giờ thấy xẩy ra ở VN. Các nước khác thì sao, các cụ ?

Sau ngày lễ có một tin làm người ta suy nghĩ : nhiều sản phẩm của Canada và gốc ở Canada bây giờ đang có chủ nhân mới. Chẳng hạn công ty The Bay được thành lập từ năm 1670 nay có chủ mới là người Hoa Kỳ. Chẳng hạn công ty bia Molson nay đang sát nhập với công ty Coors cũng bên Hoa Kỳ. Công ty la ve lớn thứ hai ở Canada là Labatt nay chủ nhân mới là người Bỉ. Chẳng hạn hãng nước ngọt Canada Dry Ginger thành lập từ năm 1904 nay sát nhập với đại công ty Seven Up bản doanh đặt tại Texas. Bình luận về tin này, anh John bạn chúng tôi cười hì hì : Đó là việc đương nhiên của chính sách kinh tế toàn cầu mà. Tôi vẫn u mê chả hiểu gì, trong lòng vẫn thấy xốn xang như nhà mình đang bị xâm chiếm.

Lễ quốc khánh Canada còn một nét đặc biệt này nữa: phố VN tràn ngập người Mỹ gốc Việt. Các cụ có thể nhận ra phe ta rất dễ dàng : cụ thấy nhóm người nào vừa đi vừa ăn nhãn ăn vải và chôm chôm và nét mặt rất mực sung sướng thì đích thị là phe ta từ Hoa Kỳ sang. Tại sao vậy ? Thưa, vì Canada là xứ rất dễ dãi trong việc cho phép nhập cảng các thứ trái cây nhiệt đới. Hình như Hoa Kỳ còn rất chậm tiến về mặt này. Lễ quốc khánh Hoa Kỳ đi sau quốc khánh Canada bốn ngày, do vậy phe ta bác cầu ngày lễ nghỉ, gần thì lái xe, xa thì đi máy bay sang miền đất hạnh phúc này. Phải ăn cho đã thèm, phải ăn ngay tại chợ, chứ không thể chờ tới lúc về khách sạn. Cư dân VN ở đây thì mua xong trái cây, đem về nhà, rồi mới ăn.

Theo thông lệ, Anh John và Chị Ba Biên Hoà làm cơm đãi cả làng ngày lễ quốc khánh. Món chính không có gì đặc biệt, vẫn thịt gà và thịt bò nướng BBQ ăn với bánh mì và khoai chiên, như mọi năm. Phe liền ông la ve, phe liền bà nước ngọt. Món tráng miệng mới đặc biệt, toàn trái cây gốc Á Châu, rất quê hương VN. Các cụ đã đoán ra chúng tôi ăn những trái cây nào chưa ? Dễ mà. Thưa đó là sầu riêng, xoài và mít.

Các đấng thông thái trong làng tôi vừa ăn vừa bàn luận bao nhiêu chuyện về trái cây. Cụ B.95 thì kể rằng con Ry với thằng Ny phải mất rất nhiều công sức mới làm cho cụ biết ăn sầu riêng. Khi nghe tới tên Ry và tên Ny, cả làng sửng sốt, ai vầy nè ? Nghe Chị Ba giải thích thì cả làng bò ra cười. Cụ B.95 vốn gốc Bắc Kỳ đặc, không nói được tiếng Anh, không phát âm được tiếng Mary và Tony tên hai cháu nội, nên cụ gọi tắt là con Ry và thằng Ny. Chị Ba kể : Cụ cũng ý tứ lắm nha. Con Mary thì cụ không gọi là con Ma mà là con Ry, cháu cưng của cụ mà sao là ma được. Còn Thằng Tony thì Cụ gọi là thằng Ny chứ không phải thằng Tô. Ở VN, nhiều nhà gọi con chó là con Tô. Cụ B.95 giỏi qúa chứ, phải không ạ ?

Trái sầu riêng gốc từ Mã lai. Các nhà truyền giáo đã mang trái này vào Miền Nam. Có người nói ông Petrus Trương Vĩnh Ký khi đi học học từ Mã lai về nước đã đem sầu riêng về trồng ở Cái Mơn Bến Tre và Bình Dương, Thủ Đầu Một. Tên tiếng Anh của nó là Durian, tiếng Pháp là Durion, bởi cái gốc tiếng Mã Lai ‘duri’ là ‘gai’. Quả thực vỏ trái này toàn gai cứng. Trái này mà rớt trúng đầu ai thì người đó coi như bể sọ. Có lẽ vì vậy mà ông Trời cho nó chỉ được rụng vào ban đêm. Ông ODP nghe đến đây thì phát biểu : Những thứ trái cây ngon thì bao giờ ông Trời cũng bao bọc bằng cái vỏ rất chắc chắn. Như trái sầu riêng, trái mít, trái dứa, trái măng cụt.

Anh John nêu thắc mắc là tại sao tên VN của nó lại là ‘sầu riêng’ ? Tại sao lại sầu riêng sầu chung ở chỗ này ? Cả làng đều chịu. Tôi tra sách vở thì thấy có tác giả nói tên ‘sầu riêng’ là tên phiên âm từ tiếng ‘thu-rian’ của Thái Lan. Có lẽ vậy, thu- rian đọc lên nghe mài mại như ‘sầu riêng’, các cụ có đồng ý với tôi chứ ? Hay không phải như thế ? Xin các cụ chỉ dẫn cho tôi.

Sầu riêng gốc Mã Lai đã toả đi khắp miền nhiệt đới, nghe nói ở miền bắc Úc Châu và Hawaii cũng có. Ở VN, từ Cái Mơn và Thủ Đâu Một sầu riêng đã đi tới Long Thành, Long Khánh, và Ban Mê Thuột. Tác gỉa Phạm Đình Lâm đã viết một bài hay tuyệt vời về Sầu Riêng, Mít và Xoài. Tôi đọc được bài này trên Thời Báo Toronto.Người ta dùng mũi dao nhọn để khui trái chín. Sầu riêng ngon là sầu riêng có cơm dày, không nhão, không sượng. Cơm sầu riêng vàng rực, đầy chất béo chất bổ. Cụ mua trái sầu riêng đem về nhà, khoan ăn, xin cụ bỏ vào tủ lạnh. Hôm sau miếng sầu riêng ngon hơn cả cà rem loại hảo hạng.

Sầu riêng là bùa mê. Nhiều người nghiện nó đến độ bán cả nhà để lấy tiền mua ăn cho đã cơn nghiền. Nó thơm ngon như thế nhưng chỉ vừa mũi người đã biết ăn. Những ai chưa biết ăn sầu riêng, đặc biệt người da trắng thì cho rằng sầu riêng có một mùi hôi kinh khủng. Tôi có ông bạn già lập nghiệp bên Đức. Một hôm ông mua mấy trái sầu riêng tại Paris rồi bỏ vào thùng xe chở về Bá Linh. Mùa hè trời nóng chang chang, sầu riêng tỏa mùi rất mạnh. Ông bạn kể : suốt dọc đường, xe ông chạy đến đâu là các xe chung quanh bóp kèn inh ỏi đến đó. Rồi cũng ông bạn già này kể tiếp : ít lâu sau ông về Paris, đi qua hàng sầu riêng, thèm qúa mà không dám mua. Cô bán hàng nhận ra ông ngay vì lúc trước ông mua nhiều. Cô mời ông mua,ông lắc đầu. Ông bảo ông và bạn bè bên Đức mê sầu riêng lắm, nhưng vì nó toả mùi nên khắp dọc đường đã bị mọi người phản đối. Cô hàng cười tươi như hoa, bảo ông cứ mua cho nhiều rồi cô chỉ cách diệt mùi dọc đường. Các cụ có biết cách gì không ? Nhìn cô hàng vừa đẹp vừa có duyên, ông bèn tặc lưỡi mua một thùng lớn. Nhận tiền xong, cô hàng đưa cho ông mấy gói than đước, loại than để nướng chả ấy mà. Quả là kỳ diệu. Than đước hút hết mùi sầu riêng. Lần này suốt dọc đường, ông tây bà đầm không còn nhăn mũi, không còn nhấn kèn nữa. Các cụ nhớ nha, than đước khử mùi sầu riêng.

Rồi mít, một thứ trái cũng vỏ sần sùi nhiều gai nhọn như sầu riêng, nhưng gai không lớn bằng. Gốc nó bên Ấn Độ. Không biết mít đã tới nước ta từ hồi nào, chắc lâu lắm. Từ bé tí ngoài Bắc tôi đã được ăn mít, chứ không như sầu riêng, mãi sau 1954 tôi mới được nếm mùi. Nghe nói ở Bangladesh và Indonesia, trái mít được coi là ‘quốc quả’ tức là trái cây biểu trưng quốc gia. Mít chín có đầy chất bổ dưỡng, nhuận trường, và mát. Hột mít luộc, nướng hay rang đều rất bùi, thơm và ngon. Hình như hột mít dễ làm cho người ăn nó có khả năng ‘thả bom’ rất mạnh. Gỗ cây mít màu vàng, đẹp và cứng, thường được dùng để tạc tượng Đức Phật. Bàn ghế giường tủ đóng bằng gỗ mít rất đẹp và có giá.

Anh John kể rằng khi anh học đến chữ ‘mít uớt’ và ‘mít đặc’ thì anh thích lắm. Mít ướt chỉ cô gái nhõng nhẽo hay khóc. Mít đặc chỉ người dốt nát vì trong bụng cứng như gỗ mít nên không có chữ nào len vào được.

Rồi anh lại cười ha ha khi nóí rằng ‘mít’ còn chỉ người VN. ‘Mít’ là âm cuối cùng của chữ ‘Annamite’, tiếng mà người Pháp ngày xưa gọi người mình. Anh John dùng tiếng ‘người mình’ đấy, các cụ đã thấy cái anh Canada da trắng này được Việt hoá dễ nể chưa !

Và sau cùng làng tôi đã bàn tới trái xoài. Xoài có gốc từ xứ Sri Lanka. Tiếng địa phương Tamil gọi trái xoài là ‘mangay’. Từ này đã đẻ ra tiếng ‘mango’ trong tiếng Anh, ‘mangue’ trong tiếng Pháp. Nhưng không hiểu sao khi nó tới VN thì tên nó là ‘Xoài’. Tôi nhớ ở miền quê ngoài Bắc họ hàng nhà nó có tên là ‘quả muỗm’. Từ Sri Lanka, cây xoài đã đi khắp nơi, những chỗ khí hậu ấm áp. Xoài trồng ở Mễ Tây Cơ tràn ngập chợ Canada. Hột nó mỏng như tờ giấy. Xoài là một trái cây có rất nhiều sinh tố và bổ dưỡng. Xoài có nhiều loại. Khi trái chín thì mùi thơm ngon. Xay xoài chín làm kem hay làm nước sinh tố, ngon hết biết. Xoài xanh ăn sống chấm với nước mắm đường là món các bà các cô say mê. Cô dâu lấy chồng ít lâu tự nhiên thèm ăn trái xoài xanh, đó là dấu hiệu sắp có kẻ nối dõi tông đường. Cô gái chưa chồng, tự nhiên thèm xoài chua, đó là dấu hiệu một tình yêu qúa lố. Ăn gỏi cá sống theo lối Bắc kỳ phải có lá xoài non mới ngon. Chị Ba Biên Hòa đố mọi người tiếng miền Nam ‘nói chuyện trồng xoài’ nghĩa là gì. Các vĩ nhân Bắc Kỳ lắc đầu chịu thua. Nhưng rồi may qúa, ông ODP, suy nghĩ một chập, đã trả lời được. Ông bảo trồng xoài ít là bảy năm mới có trái, nghĩa là ta phải chờ một thời gian dài. Bởi vậy ‘ nói chuyện trồng xoài’ tức là nói chuyện xa vời, viển vông, không có kết quả tức thì. Nghe xong, chị Ba vái ông ODP một cái mà rằng : Chịu thày !

Các cụ đãthấy dân làng tôi nói chuyện miên man chưa ? Mà vẫn chưa hết cái miên man đâu. Khi uống cà phê, phe liền ông còn nói tới chuyện ‘cà phê bệt’ ở VN. Bạn tôi kể rằng trong chuyến về VN năm ngoái, khi đi qua một công viên, tự nhiên có người đến mời uống cà phê. Bạn tôi nhìn quanh mà không thấy có hàng cà phê nào cả. Ông chào hàng liền cười rồi bảo ông bạn tôi cứ kiếm chỗ ngồi cho thoải mái, ông sẽ mang cà phê tới liền. Thì ra cái xe hơi 10 chỗ ngồi đậu sát lề đường kia chính là cái nhà hàng lư u động bán cà phê chui. Tại công viên này, các vị tập dưỡng sinh, các vị ngồi đánh cờ, ai cũng biết mặt dũng sĩ bán cà phê. Bạn cứ việc trải tờ báo xuống cỏ rồi ngội bệt xuống, sẽ có người phục vụ bạn liền. Hay qúa chứ. Không có đất mở nhà hàng thì ta dùng cái xe lư u động vậy. Cùng biến tắc thông là thế.

‘Cà phê bệt’ là cái tên nghe lạ tai nhưng rất thực tế. Cũng y như cái tên món ‘bò né’. Các cụ đã ăn món bò né bao giờ chưa ? Chuyện này cũng ly kỳ lắm. Tháng Sáu vừa qua tôi sang Cali thăm bạn bè, được bạn dẫn đến một quán ăn trưa. Trên thực đơn có ghi món ‘bò né’ ăn với bánh mì. Tại sao lại gọi là ‘bò né’ ? Chủ nhân nhà hàng giải thích : Đây là món bò nướng trên vỉ sắt. Lúc mang ra cho khách ăn thì đĩa vỉ sắt còn nóng xèo xèo. Ai thấy nó nóng cũng đều né sang một bên. Vì né nó nên nó mang tên là ‘bò né’. Danh xưng ‘bò né’ gợi hình qúa chứ. Thế mới biết tiếng Việt mình giầu và người VN mình giầu óc sáng tạo.

Chưa hết tuần cà phê thì Cụ bà B.95 đã xin anh John kể chuyện thời sự.

Anh John liền làm phận sự thông tin ngay. Rằng có một tin liên hệ tới tình yêu rất đáng chú ý : cuối tháng Sáu vừa qua, ở thành phố Columbia bên Hoa Kỳ, đã xảy ra một tai nạn chết người khác lạ. Một cặp nam nữ chừng 20 tuổi đã rơi từ mái một cao ốc xuống đất, thân thể lõa lồ. Quần áo của đôi trẻ vẫn còn trên mái. Cảnh sát suy đoán rằng đôi trẻ đã rủ nhau leo lên mái nhà, vừa cho mát, vừa cho khuất mắt thiên hạ, rồi họ làm tình. Chắc họ lăn lộn yêu nhau mãnh liệt lắm nên không để ý tới độ dốc của mái nhà. Họ đã chết trong lúc đê mê ngất ngây. Chết như vậy là sướng chứ.

Chị Ba Biên Hoà nghe đến đây liền la chồng dámkể chuyện tục. Chị bảo : Anh chỉ được phép kể sự việc chứ không được phép tả cảnh và thêm mắm thêm muối. Anh John vốn dòng sợ vợ bèn vái vợ một cái rồi kể tiếp chuyện thời sự khác.

Tin thứ hai là công ty Mercer vừa công bố kết quả thăm dò những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Đứng đầu là Moscow, rồi London, Seoul, Tokyo... Canada, tạ ơn Trời, không đắt đỏ bao nhiêu. 3 thành phố lớn Toronto, Vancouver và Montreal ở mãi hạng 82,89 và 98 cơ.

Tin thứ ba, Montréal một thành phố miền đông Canada xưa nay nổi tiếng về các lễ hội mùa hè. Năm nay có 2500 ca nhạc sĩ từ 30 quốc gia tới đây trình diễn 500 buổi ca nhạc. Ban đêm có 10 nước đã ghi danh tham dự thi đốt pháo bông. Các cụ phương xa nếu có chương trình thăm viếng Canada mùa hè này, xin mời ghé Montréal, thành phố nói tiếng Pháp ở Canada, để tham dự các sinh hoạt văn nghệ trên đây nha. Các cụ sẽ có dịp nghe tiếng Pháp, hình như là tiếng Pháp của những thế kỷ trước còn sót lại.

Tin tiếp theo là Liên Hội Người Việt Canada đã được bộ Di Trú Canada cho phép bảo trợ 161 người Việt thuyền nhân cuối cùng ở Phi Luật Tân. Đây là những người tỵ nạn đã rớt các đợt thanh lọc, đã bị bỏ quên trên đất Phi 16 năm liền. Nay Canada nhân từ đã mở cửa cho chúng ta đón hết những đồng bào thiếu may mắn này. 161 người này hiện đã được nhiều người Việt khắp cõi Canada nhận cộng tác với chính phủ trong công tác nhân đạo này. Tôi yêu nước Canada này quá. Ngày xưa vào thập niên 1980 khi cao trào thuyền nhân lên cao, Hoa Kỳ tuyên bố họ chỉ có trách nhiệm với người Miền Nam và chỉ nhận những người tỵ nạn gốc Miền Nam, Canada liền tuyên bố mình sẽ nhận nhiều thuyền nhân gốc miền Bắc. Đó là lý do tại sao hiện nay có rất nhiều đồng bào miền Bắc ở Canada.

Tin cuối cùng cũng liên hệ tới lòng từ bi bác ái của người Canada. Đó là tin em bé Phạm Hoàng Sơn lên 10 tuổi được đưa từ VN sang Canada chữa bệnh méo mặt. Việc này bắt đầu từ chuyến đi của Bà Kete Maslen giám đội hội bảo trợ các trẻ em mồ côi Children’s Bridge Foundation ở Ottawa. Bà sang VN cuối năm ngoái. Khi bà tới cô nhi viện Hải Dương ngoài Bắc, bà nhìn thấy một em bé dị tật, gò má môi miệng sưng to như trái bưởi che hết nửa mặt. Cha mẹ em đã vất em vào trại mồ côi lúc em 3 tuổi. Bà xúc động qúa. Bà chụp ảnh và đem ảnh về nước. Dân Canada cũng xúc động y như bà. Một phong trào dấy lên, mong đưọc chữa dị tật cho em ở Canada. Người Việt cũng xúc động không kém. Bán tuần san Thời Báo ở Toronto đã đăng tin và hô hào giúp đỡ bé Sơn. Chỉ trong 2 tuần lễ, 150 ngàn đồng đã được trao tặng cho ủy ban tiếp cứu. Một vị đại tâm người Việt ở Toronto tuyên bố sẽ tiếp rước em và bảo mẫu trong suốt thời gian sau khi giải phẫu. Cụ B.95 thấy hình bé trên báo đãrơm rớm nước mắt. Cụ móc ngay 50 đồng nhờ tôi đưa cho bé Sơn. Máu chảy ruột mềm rõ ràng. Xin tạ ơn tổ tiên.

Anh John vừa ngưng tin thời sự thì cô Cao Xuân đòi thuốc bổ. Cả làng ngạc nhiên nhìn cô tân hội viên xứ Huế này. Xưa nay hội làng làm gì có mục uống thuốc bổ ? Cô Tôn Nữ bèn lên tiếng : Bạn tôi xin tiếng cười đấy. À, té ra phe các bà thèm tiếng cười. Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ, là thế.

Anh H.O. lên tiếng ngay. Anh kể rằng công ty giao tế của hãng bia Moosehead ở Canadavừa công bố một kết quả rất buồn cười. Họ thăm dò ý kiến khắp miền đất nước với câu hỏi : Nếu bạn có sự chọn lựa giữa uống bia và sex, bạn chọn cái nào ? 72% dân các miền đã chọn sex, trừ dân miền đông tức vùng Đại Tây Dưong, vùng nổi tiếng về hải sản. 40% dân miền này chọn bia chứ không chọn sex. Lạ chứ. Người ta bảo hải sản nhiều chất kích dục, dân ở đây ăn hải sản hằng ngày, nhất là tôm hùm lobster, sao lại thế ? Kể đến đây rồi anh H.O. cười hề hề : Phần tôi, tôi chọn cả hai. Nó lợi đôi bề.

Cụ Chánh không cười về chuyện chọn uống bia. Cụ trở lại chuyện bé Sơn được sang Canada chữa bệnh. Cụ bảo con người ta có số. Số bé Sơn là số đi Canada. Cũng như tôi ngày xưa ở trại tỵ nạn, văn phòng các nước Pháp, Đức, Úc Đại Lợi sẵn sàng nhận gia đình tôi, thế mà tôi lại chọn đi Canada. Tôi có số làm công dân xứ giầu lòng bác ái này, cụ vừa cười vừa bảo thế.

Anh John nghe tới chuyện số mệnh bèn xin kể ngay chuyện nhà văn nữ J.K.Rowling, tác giả bộ tiểu thuyết Harry Potter hiện ăn khách nhất thế giới, cũng đang là tin thời sự nóng. Ban đầu bà nghèo phải xin trợ cấp xã hội để nuôi con. Hằng ngày ngồi tầu điện, bà giết thời giờ bằng cách viết chuyện tưởng tượng về câu bé Potter. Truyện lọt vào mắt nhà xuất bản. Cuốn đầu in có 50.000 ấn bản. Ngòi bút của Rowling tự nhiên có thần. Năm 2000, tập Goblet of Fire bán hết 3 triệu cuốn trong hai ngày. Năm 2003, tập Order of the Phoenix bán hết 5 triệu cuốn trong 24 giờ. Năm 2005, tập Half-Blood Prince bán hết 7 triệu cuốn trong 24 giờ. Năm nay, cuối tháng Bảy này, cuốn Harry Potter and the Deathly Hallows dự trù sẽ phát hành 12 triệu ấn bản, chắc cũng sẽ bán hết trong một ngày. Cái số đỏ lạ lùng làm sao. Báo Time số 9-7-2007 đã dành hẳn 5 trang nói về cái số đỏ rực của nhà văn nữ này. Tôi thấy thương cụ Tản Đà qúa. Ngày xưa cụ sống vì ngòi bút mà lúc nào cụ cũng túng thiếu. Cụ đã từng than : Nhà văn An Nam khổ như chó !

Cô Cao Xuân không thích Harry Potter, cô thích thuốc bổ cơ. Cụ Chánh liền hỏi sao cô mê thuốc bổ cười qúa vậy. Cô liền trả lời, rất bài bản như sau : Cháu vừa được đọc một bài diễn thuyết rất hay của GS Tề Quốc Lực, người Trung Hoa, một chuyên viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ( WHO ). Ông được Bộ y tế Trung quốc mời về Tàu diễn thuyết về đề tài sức khoẻ. Bài này có một tiếng vang lớn. Ông nói trực tiếp tới việc ăn uống và sức khoẻ hằng ngày. Bài nói rất đơn sơ dễ hiểu, không lý luận cao siêu gì cả. Về thực phẩm, ông đề cao canh nấm, canh xương, sữa chua, trà xanh, rượu đỏ, ăn ngô, ăn kê, ăn đậu, cà rốt, cà chua, tỏi, thịt gà, cá, rong biển. Về tâm lý ông khuyên ta hãy làm chủ cơn tức giận, và đặc biệt hãy cười thật nhiều. Ông viết rất lôi cuốn về tiếng cười : Một tiếng cười làm ta trẻ ra 10 tuổi. Miệng hay cười, người hay khoẻ. Tiếng cười làm cho việc tuần hoàn lư u thông. Y lý Trung Hoa bảo : Thông thì hết đau, không thông thì đau, thông tắc bất thống, bất thông tắc thống. Tiếng cười tốt cho việc hô hấp và đường tiêu hoá.

Mọi người thấy mệ Huế này nói có lý qúa bèn vỗ tay râm ran. Tiếng vỗ tay đã làm Cô Cao Xuân vui qúa. Cô bèn mở tờ giấy từ trong túi ra, và đọc tiếp bài diễn văn

...Bạn cứ thử làm thí nghiệm này mà xem : bạn sờ vào bụng và cười lớn tiếng, bạn có thấy bụng của bạn long lên sòng sọc không nào ? Bạn tập tay tập chân, nhưng có bao giờ bạn tập thể thao cho cái bụng không ? Cười to tiếng là tập thể thao cho dạ dày và đường ruột. Nếu bạn bị viêm khớp, bạn hãy nhìn vào khớp mà cười ha ha, cười một lúc thì cam đoan bạn đỡ đau ngay.

...Nước mắt bình thường có vị mặn. Nước mắt bệnh nhân tiểu đường thì ngọt. Nước mắt người lo buồn thì đắng. Nước mắt không cho nó chảy ra, nó sẽ tích luỹ và thành bệnh ung thư đấy. Cho nên ai đau khổ thì hãy khóc cho vơi nước mắt đi.

... Để kết luận, tôi xin các bạn hãy uống trà xanh, ăn đậu nành, ngủ cho tốt và cười luôn luôn.

Cả làng tôi, hôm nay không nghe các chuyện tiếu lâm mặn nhạt, nhưng vui vẻ quá chừng, vì không ngờ nghe được bài học lớn về lợi ích tiếng cười. Xin cám ơn và hoan hô cô Cao Xuân. Cô cười nhiều nên nét mặt cô bao giờ cũng rạng rở trẻ trung.

Các cụ có biết ai có tiếng cười trong sáng và hạnh phúc nhất không ? Thưa, đó là trẻ thơ ạ. Thống kê về nhi đồng cho biết : Trẻ thơ mỗi ngày cười 400 lần, còn người lớn chúng ta nhiều lắm chỉ nhếch mép cười có 14 lần. Tiếng cười không tốn kém gì nhưng ích lợi lớn vô cùng. Hình như cụ văn hào Shakespear ngày xưa có viết rằng ai cười nhiều sẽ sống lâu thì phải. A light heart lives long.

Tiếng cười là thần dược. Kính chúc các cụ mùa hè này đầy tiếng cười.

TRÀ LŨ