Vài nét về quá trình đón nhận Tin Mừng của đồng bào Hmông ở tây bắc Việt Nam



DẪN NHẬP

Trong số 54 dân tộc ở Việt Nam, dân tộc Hmông là một cộng đồng quan trọng, đứng hàng thứ 5 về số lượng sau các dân tộc Kinh, Thái, Khơ Me, Mường, Hoa, Nùng.

Người Hmông trước đây đã trở nên quen thuộc với chúng ta qua những sự kiện liên quan đến Vàng Pao, qua truyện “Vợ chồng A Phủ”. Từ thời mở cửa người Hmông lại trở nên quen thuộc với chúng ta hơn nữa qua các bài viết của du khách đây đó về những phong tục, tập quán văn hoá đặc sắc của họ, nhất là của người Hmông ở Sapa và Bắc Hà, thuộc tỉnh Lào Cai.

Một em bé người Hmong
Khi tìm hiểu vấn đề cũng như khi gặp gỡ đồng bào Hmông đây đó, chúng tôi thấy đời sống của người Hmông hiện nay đang đặt ra những vấn đề quan trọng, cấp thiết không chỉ cho bản thân dân tộc này, mà còn cho toàn thể nước Việt Nam và các nước Đông Nam Á có người Hmông sinh sống. Một trong các vấn đề ấy là tiến trình tiếp nhận Kitô giáo bắt đầu từ hơn hai thập kỷ nay.

Trong tinh thần hiệp thông của những người có cùng một đức tin, chúng tôi mạo muội trình bày sơ lược về quá trình tiếp nhận Kitô giáo của đồng bào Hmông. Chúng tôi mà chỉ mô tả những nét chính liên quan đến quá trình đón nhận Tin mừng của dân tộc này, đồng thời phân tích sơ lược những nguyên nhân và ảnh hưởng của quá trình ấy.

Hy vọng qua bài viết này những tâm hồn thiện chí sẽ gia tăng lời cầu nguyện và sự chia sẻ cho anh chị em Kitô hữu Hmông.

I. KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI HMÔNG Ở VIỆT NAM

Dân tộc Hmông là một trong những chủ nhân của vùng đất thuộc lưu vực sông Hoàng Hà, cách nay hơn ba nghìn năm, đã từng có nhà nước và chữ viết riêng. Trước sự xâm lấn của người Hán, họ bị dồn về phương Nam, đến vùng Quý Châu, Trung Quốc, cách nay khoảng 1000 năm, tới Đông Nam Á cách nay khoảng 500 năm và ngày nay, vì lý do kinh tế-chính trị, nhiều người Hmông đã định cư ở Mỹ, Australia, Pháp, Canada, cả vùng Nam Mỹ như Guyane thuộc Pháp. Tổng số người Hmông hiện nay trên thế giới khoảng hơn 10 triệu, trong đó có khoảng 9 triệu sinh sống tại Trung Quốc, khoảng 1 triệu tại Đông Nam Á và khoảng 2 trăm nghìn ở các nước ngoài châu Á (1).

Những người Hmông đầu tiên đến Việt Nam cách đây khoảng 5 thế kỷ và những đợt di cư cuối cùng sang Việt Nam cách đây khoảng 1 thế kỷ. Hiện nay, người Hmông ở Việt Nam có khoảng 600.000 nguời, tập trung tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hoá và Nghệ An. Như vậy, người Hmông thường cư trú ở vùng núi cao dọc biên giới phía Bắc và phía Tây Bắc Trung Bộ, là những nơi có vị trí chiến lược về kinh tế và an ninh-quốc phòng của Việt Nam.

Về phương diện kinh tế, người Hmông ở Việt Nam, sinh sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Nền kinh tế nặng tính tự cung tự cấp, do đất đai ít ỏi lại bị sói mòn và thiếu nước; hơn nữa do khó khăn trong việc giao thông, nên sự giao lưu với các dân tộc khác bị hạn chế. Môi trường sống khắc nghiệt đã khiến người Hmông rất cần cù, chịu khó lao động và vừa bảo lưu được những nét văn hoá và cách thức sản xuất độc đáo.

Về phương diện xã hội, người Hmông ở nước ta thường du canh du cư mỗi khi gặp khó khăn thiếu thốn. Khi đi đến vùng đất nào, họ cũng sống tập trung xen lẫn các dân tộc khác, tạo thành các làng bản và dòng họ riêng mà trong đó vai trò của người trưởng họ đặc biệt quan trọng. Bên trên tổ chức dòng họ là làng bản và gồm tổ chức của vùng bao gồm nhiều làng có cùng địa vực cư trú. Vị thủ lĩnh của vùng sẽ là người của dòng họ có thế lực nhất.

Về phương diện tôn giáo tâm linh, người Hmông thờ kính tổ tiên và có các hình thức tín ngưỡng của vật linh giáo, tôtem giáo, saman giáo, và tín ngưỡng đa thần. Dưới mỗi nóc nhà họ thờ cúng tổ tiên. Thần nhà và thần cửa được coi là chỗ thiêng liêng nhất, tiếp đó là thần vườn, thần thuốc, thần giường, thần cột ma nhà, v.v. Việc thờ các thần này đều có lý do rõ ràng và thường được giải thích bằng những sự tích liên quan đến cuộc sống của họ.

Trong những thập niên gần đây, những biến đổi trong đời sống của người Hmông, đặc biệt là người Hmông ở Việt Nam, đang thu hút sự chú ý của nhiều người. Một trong những biến đổi ấy là phong trào tiếp nhận Kitô giáo nơi người Hmông bắt đầu từ đầu thập niên 1980 mà nay vẫn còn đang tiếp diễn.

II. QUÁ TRÌNH ĐÓN NHẬN TIN MỪNG CỦA NGƯỜI HMÔNG

Kitô giáo là từ để chỉ các đạo thờ Chúa Giêsu Kitô và lấy Kinh Thánh làm nền tảng giáo lý. Tại Việt Nam nước ta, chính thức Kitô giáo mới chỉ có Công giáo và Tin Lành. Cả hai đạo này đều đã được người Hmông tiếp nhận.

1. Quá trình tiếp nhận Công giáo

Công giáo là Giáo hội Kitô lớn nhất, được Chúa Giêsu thành lập vào khoảng giữa thập kỷ 30 của Công nguyên, dựa trên nền tảng 12 thánh tông đồ. Theo Việt sử Thông giám Cương mục, Công giáo được truyền vào Việt Nam từ năm 1533.

Công giáo được truyền bá cho người Hmông được bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, sau khi người Pháp hoàn tất việc thôn tính Việt Nam và thiết lập các khu hành chính ở Tây Bắc. Năm 1887 đến năm năm 1904 các cha trong Hội Thừa sai Paris đã truyền giáo cho người Hmông ở Sapa. Sau đó, các vị mở rộng việc truyền giáo đến Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Kết quả là nhiều bản người Hmông ở Sapa, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Văn Chấn đã đi theo Công giáo. Nhiều nhà thờ đã được xây dựng tại đây như: Tả Phìn (1887-1904), Sapa (1905), Nghĩa Lộ (1906). Năm 1911 các tu sĩ Dòng Biển Đức còn lập một đan viện lớn mà nay vẫn còn phế tích, nằm ở phía xa xa bên phải con đường vào thị trấn Sapa, cách trung tâm khoảng 6 km.

Từ năm 1944, đặc biệt là từ năm 1954 cho đến những năm đầu thập niên 1980, tiến trình lan toả và phát triển của Kitô giáo ở vùng này bị chững lại do nhiều nguyên nhân khác nhau mà chủ yếu là do chiến tranh lan rộng, do các linh mục và tu sĩ Công giáo không còn hiện diện trong vùng này và nhất là do chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn và loại trừ tôn giáo trong bối cảnh chính trị của thời bấy giờ. Thậm chí Kitô giáo lúc này còn có nguy cơ bị xoá sổ. Có tài liệu cho rằng đến năm 1985 chỉ còn khoảng 70 hộ người Hmông ở Văn Chấn và Sapa theo Công giáo (2)

Từ giữa những năm 1980, phong trào theo Kitô giáo của người Hmông bùng phát và mở rộng. Nhiều người Hmông đã tiếp nhận Công giáo qua giao tiếp với những người đồng tộc và do nghe đài Nguồn Sống của Tin Lành đặt tại Philippine, phát thanh bằng tiếng Hmông. Một bộ phận người Hmông ở các khu vực khác thuộc Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã tiếp nhận Công giáo từ người Hmông Công giáo ở Văn Chấn và Nghĩa Lộ.

Tiến trình lan toả của Công giáo chủ yếu do người Hmông chủ động tiếp thu sau khi được nghe các chương trình phát thanh của đài Nguồn Sống. Giáo hội Công giáo không có tác động nào đáng kể trong tiến trình này. Một mặt, vì các Giáo phận liên quan (chủ yếu là Giáo phận Hưng Hoá, một phần là Giáo phận Thanh Hoá và Giáo phận Vinh) không đủ linh mục để phục vụ những người có đạo, chứ đừng nói đến việc truyền giáo cho người ngoại đạo ở những vùng xa xôi; mặt khác, trong trường hợp có linh mục, thì chính quyền địa phương nơi có người theo đạo cũng không cho các linh mục đến phục vụ đồng bào Hmông. Theo tài liệu điền dã, chúng tôi thấy người Hmông ở những vùng mới theo Đạo thuộc Tây Bắc Việt Nam đã chủ động tiếp thu Công giáo từ năm 1985. Người Hmông tự động giúp nhau đón nhận đức tin. Vì thế, ngay tại Toà Giám mục Hưng Hoá ở Sơn Tây cũng không thể biết chính xác hiện nay có bao nhiêu tín hữu Công giáo Hmông và cụ thể là ở những bản nào. Cũng vì thế, có bản theo Công giáo từ 20 năm nay, nhưng chưa hề một lần được gặp linh mục, chưa được xưng tội, rước lễ lần đầu.

Sau cùng, từ các bản ở Sơn La, Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái, những người Hmông Công giáo di cư đến miền Tây Thanh Hoá và Nghệ An vào những năm 1989 trở lại đây, thậm chí một số gia đình đã vào cả Tây Nguyên. Thế là những vùng này ở Tây Bắc Trung Bộ có người Hmông theo Công giáo. Những năm gần đây, ở nhiều khu vực có người Hmông sinh sống, dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau, nhiều người tiếp tục tự nguyện bỏ tôn giáo đa thần truyền thống để đi theo Công giáo, cũng như theo Tin Lành với số lượng ngày càng lớn và phạm vi ngày càng rộng (3).

2. Quá trình tiếp nhận Tin Lành

Đạo Tin Lành là được tách ra từ Công giáo vào thế kỷ XVI, tại Đức và Thuỵ Sĩ. Từ châu Âu, đạo Tin Lành theo chân những người di cư sang Mỹ. Tại đây đạo Tin Lành phát triển rất mạnh, theo phong cách Mỹ với hàng trăm giáo phái khác nhau mà trong đó có hai phái chủ yếu là Tin Lành Phúc Âm và Tin Lành Ngũ Tuần. Hiện nay số tín hữu Tin Lành tại Hoa Kỳ đã lên đến khoảng 150 triệu người, biến Hoa Kỳ thành trung tâm lớn nhất của đạo Tin Lành.

Đạo Tin Lành được truyền bá vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trong cộng đồng người Hmông ở Việt Nam, đạo Tin Lành mới được du nhập từ giữa những năm 1980 trở lại đây, đồng thời với phong trào theo Kitô giáo của người Hmông ở Lào và Thái Lan. Đạo Tin Lành được rao giảng trong cộng đồng người Hmông, còn được gọi là đạo Vàng Chứ. Đạo Vàng Chứ xuất hiện vào năm 1980 tại bang Colorado (Mỹ) nơi có khoảng 5000 người Hmông sinh sống, sau đó phát triển sang bang California và các bang khác. Năm 1984 đạo này vào Thái Lan và Lào, đến năm 1987 vào Việt Nam.

Một số người cho rằng đạo Vàng Chứ là sản phẩm của cuộc gặp gỡ giữa người Tin Lành Mỹ với người Hmông ở Đông Nam Á. Tuyệt đại đa số các tín hữu của đạo này quan niệm Vàng Chứ là Con Đức Chúa Trời, là đấng tài giỏi, từ trời xuống trần gian để cứu giúp người Hmông thoát khỏi mọi đau khổ, bất hạnh, đưa họ bước vào một thế giới sung sướng, hạnh phúc và người ta phải chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp khi Người xuất hiện. Tất nhiên, cũng nhiều người Do Thái ngày xưa có quan niệm sai lầm về Đấng Mêsia, nhiều người Tin Lành Hmông cũng hiểu Vàng Chứ mang một khuôn mặt chính trị là Vua Hmông hay một người thật nào đó đang sống bên Mỹ có thể mang lại sự đổi đời cho dân tộc Hmông về chính trị và kinh tế.

Các chương trình phát thanh về Vàng Chứ của Đài Nguồn Sống được bắt đầu vào giữa thập niên 1980. Người Hmông ở các địa phương nghe đài này và đã tiếp thu và phổ biến quan niệm trên đây về Vàng Chứ. Gần như cùng một thời điểm là năm 1987, người ta thấy có những người Hmông ở Hàm Yên, (Tuyên Quang), Điện Biên (Lai Châu), Sông Mã (Sơn La), Hoàng Su Phì (Hà Giang) nghe đài và xưng mình là người thừa hành của Vàng Chứ, công bố những lời sấm hư hư thực thực và kêu gọi người ta tin theo Vàng Chứ để được cứu độ.

Người Hmông ồ ạt tin theo Vàng Chứ. Ở tỉnh Lào Cai, trong vòng vài tháng có 2.029 hộ người Hmông ở 54 xã đi theo Vàng Chứ. Cũng giống như những người đang mong muốn đổi đời mà lại bắt gặp một trào lưu cứu thế, đồng bào Hmông lúc này bị cuốn hút khỏi đời sống thực tiễn thường ngày để hoàn toàn tập trung vào nỗ lực chuẩn bị đón nhận sự cứu thế do Vàng Chứ đưa lại. Đồng bào bán rẻ hoặc giết thịt gia súc, đồng thời đóng góp tiền bạc để sửa soạn đón mừng Vàng Chứ, không thờ kính tổ tiên, bỏ các bàn thờ ma,v.v.

Trong quá trình giao tiếp, những người Hmông nghe nói đến Vàng Chứ kia đã đi theo Công giáo. Có bốn yếu tố dẫn đến hiện tượng này:

Một là những người Hmông kia đã gặp gỡ những người đồng tộc đã đi theo Công giáo từ trước đó ở Nghĩa Lộ, Văn Chấn và Sapa. Họ nhận ra rằng vị Vua họ nghe đài Nguồn Sống ở Manila nói đến chính là Chúa Giêsu của Công giáo mà đồng bào họ đã đi theo.

Hai là Giáo hội Tin Lành ở Miền Bắc lúc này còn chưa mạnh và chưa đủ nhân sự cũng như chưa bắt liên lạc được với những người nghe đài Nguồn Sống. Ngay tại Hà Nội và một vài địa phương khác ở đồng bằng Bắc Bộ, Tin Lành cũng chưa thể gọi là đã thực sự hồi sinh.

Ba là những người Hmông theo Tin Lành ở Lào và Thái Lan chưa kịp di cư về Việt Nam. Những sự trợ giúp về kinh tế chưa được thực hiện, những phương tiện truyền giáo như băng đĩa và sách Kinh Thánh bằng tiếng Hmông chưa được chuyển về Việt Nam.

Bốn là Giáo hội Công giáo nơi người Hmông đã được nhà nước công nhận. Nếu họat động đón “Vị Vua” (Vàng Chứ) nào đấy bị coi là bất hợp pháp, thì việc theo Chúa Giêsu của Công giáo, có vẻ thuận lợi hơn vì nay là một tôn giáo hợp pháp, đã được nhìn nhận từ lâu ở mức độ nào đó trong một số vùng của người Hmông ở Lào Cai và Yên Bái.

Chính nhờ bốn yếu tố trên đây nhiều người Hmông ở Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng (Lào Cai) cũng như Mai Châu (Hoà Bình), Mường La, Sông Mã (Sơn La), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Hàm Yên (Tuyên Quang) đã đi theo Công giáo và từ bỏ hình thức cúng tổ tiên, bỏ làm ma chay tốn kém, bỏ việc kiêng kỵ ngày giờ chôn cất. Họ còn họp cầu nguyện tập thể và cầu nguyện trước khi dùng bữa.

Từ đầu thập niên 1990, sau một thời gian đi theo Công giáo, nhiều người Hmông bắt đầu trở lại đi theo đạo Tin Lành. Điều này do các yếu tố sau đây:

Một là những người Hmông nhận thấy Công giáo có nhiều điều không giống với những gì họ nghe đài Nguồn Sống rao giảng. Những nghi lễ Công giáo phức tạp hơn những nghi lễ của Tin Lành. Theo Công giáo không được quan tâm giúp đỡ bằng theo Tin Lành.

Hai là vào thời điểm này, dưới tác động của xu hướng mở cửa và hội nhập của Việt Nam, nhiều người Hmông Tin Lành ở Thái Lan và Lào đã bắt liên lạc được với đồng bào của họ ở Việt Nam. Hầu hết số Kinh Thánh và băng đĩa có nội dung giáo lý được thực hiện bằng tiếng Hmông và được chuyển từ Thái Lan hoặc Lào về Việt Nam.

Ba là các mục sư và các nhà truyền giáo Tin Lành đã liên lạc được với người Hmông ở nhiều địa phương thuộc miền núi phía Bắc. Họ họat động rất tích cực. Họ không ngại ngần đi vào các bản làng xa xôi để học hỏi ngôn ngữ, phong tục, tập quán, với mục đích là để mở rộng công cuộc truyền giáo. Một số mục sư đã nhiều lần chạm trán với chính quyền địa phương, với các cán bộ an ninh, thậm chí là bị tạm giữ.

Bốn là các giáo sĩ và giáo dân Tin Lành thực hiện triệt để chủ trương dùng vật chất và sự phát triển để lôi kéo người ta theo đạo, theo nguyên tắc ở đâu có Tin Lành ở đó có phát triển, ở đâu đổi đạo theo Tin Lành, ở đó có sự đổi đời. Trong hoàn cảnh quẫn bách về kinh tế và trong tâm lý mong muốn đổi đời, biện pháp này rất hiệu quả trong việc truyền đạo.

Hiện nay công cuộc truyền giáo của Tin Lành tiếp tục phát triển và trở thành tôn giáo chủ đạo ở vùng núi Tây Bắc. Ở hầu hết các tỉnh miền núi có người Hmông sinh sống, từ Cao Bằng đến Nghệ An, đều đã có những bản đi theo Tin Lành. Cũng phải nói thêm rằng, theo thời gian, khi người Hmông theo Tin Lành, được tiếp cận trực tiếp với Thánh Kinh và qua các mục sư và các truyền đạo viên (thường là lên từ Hà Nội )cũng như khi các tài liệu nghe nhìn được phổ biến rộng rãi, thì quan niệm nhuốm mầu di đoan và chính trị về Vàng Chứ giảm dần và họ càng ngày càng hiểu và sống theo một nền giáo lý tinh tuyền hơn dựa trên nền tảng Thánh Kinh.

III. NGUYÊN NHÂN ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

Tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng rời bỏ tôn giáo truyền thống để đi theo Kitô giáo của người Hmông cũng là một vấn đề phức tạp. Người ta thấy ở đây những nguyên nhân, những lý do bên trong bên ngoài, khách quan và chủ quan, đan xen vào nhau và cùng tác động trên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Hmông.

1. Những yếu tố liên quan đến kinh tế

Quan điểm triết học Max-Lénine thường cho rằng yếu tố kinh tế có tác động chủ đạo đến tinh thần của người dân. Điều này đúng ở mức độ nào đấy trong trường hợp theo Kitô giáo của người Hmông. Tại Tây Bắc Việt Nam, người Hmông sống chon von trên những dãy núi cao nhất nước. Nguồn sống chủ yếu của họ là rừng và đất rừng. Thế mà từ đầu thập niên 1980, ở Miền Bắc nước ta rừng bị tàn phá nghiêm trọng và bị khai thác kiệt quệ. Đất đai ít ỏi của đồng bào Hmông bị sói mòn và bị thiếu nước, trong khi đó cũng vào thời điểm này, nước ta chủ trương xóa bỏ bao cấp và xoá bỏ cây thuốc phiện, vốn là hai yếu tố mang lại lợi ích nhiều mặt về mặt kinh tế cho người Hmông. Vì thế, từ đây đời sống của người Hmông vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Do đó, họ không ngừng di cư từ Lào Cai sang Sơn La, Lai Châu, vào Thanh Hoá và sang Lào.

Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tỷ lệ người dân theo Kitô giáo tăng vọt. Lý do là họ tìm thấy trong tôn giáo này nguồn sức mạnh, nguồn an ủi trước những khó khăn của cuộc sống thường ngày và hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Tuy nhiên, không phải đồng bào không tìm thấy những lợi ích kinh tế cụ thể khi theo Kitô giáo. Nhất là đối với những người theo đạo Tin Lành. Các mục sư và các nhà truyền giáo của đạo Tin Lành biết khai thác triệt để sức mạnh của vật chất. Giữa cảnh quẫn bách của đồng bào, họ xuất hiện và trình bày bằng hình ảnh cho đồng bào thấy người Hmông bên Thái Lan, trước khi theo đạo thì nghèo khổ thế nào và sau khi gia nhập đạo thì cuộc sống thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp và thịnh vượng ra sao. Hơn nữa, ai đồng ý tin theo đạo Tin Lành, lập tức họ sẽ được giúp đỡ kinh tế ở mức độ nhiều ít khác nhau. Nhiều người Hmông theo Tin Lành bắt đầu bằng con đường ấy. Quả thật “nghèo đói bao giờ cũng là cơ hội của Chúa”.

Tất nhiên không phải mọi trường hợp theo Kitô giáo cũng vì lợi ích kinh tế, nhất là đối với những trường hợp theo Công giáo. Tiếp xúc với đồng bào Hmông ở một số bản ở Sơn La mới theo Công giáo trong khoảng thời gian 20 năm nay chúng tôi thấy như vậy. Sự thật là những người Hmông Công giáo ở đây không được trợ giúp gì về kinh tế. Trái lại, để được yên hàn sống theo tôn giáo của mình nhiều người Hmông đã chấp nhận nộp phạt bằng tiền hay bằng gia súc cho chính quyền cấp xã.

Tuy nhiên, xét ở diện rộng, thì việc theo Kitô giáo vẫn luôn có tác động tích cực về phương diện kinh tế. Vì những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi rất tốn kém được xoá bỏ và vì người ta theo những nghi lễ tôn giáo và lối sống giản dị hơn và hợp lý hơn. Các tệ nạn ma tuý, rượu chè cũng bớt đi. Người ta cảm thấy mình đã trút bỏ được những gánh nặng lớn về phương diện kinh tế. Sau nữa, dưới sự tác động của giáo lý và của lối sống mới và của các dự án phát triển cộng đồng, các làng bản theo khi theo Kitô giáo đều bớt nghèo đói hơn. Người ta thấy rằng chỗ nào có Tin Lành, đời sống kinh tế ở đấy khá nhất, tiếp theo là các bản theo Công giáo và sau cùng là các bản phi Kitô giáo.

Tất nhiên sẽ là ngô nghê nếu cho rằng người Hmông theo Kitô giáo chỉ vì lý do kinh tế mà thực ra vấn đề còn bắt nguồn từ những lý do thâm sâu hơn nhiều liên quan đến yếu tố lịch sử, tâm lý và văn hoá của người Hmông.

2. Những yếu tố liên quan đến văn hoá và tín ngưỡng

Yếu tố văn hoá cũng là một nguyên nhân khiến đông đảo người Hmông theo Kitô giáo. Hầu hết người Hmông không biết chữ Kinh và chữ Hmông. Nhiều người, nhất là phụ nữ còn không biết nói cả tiếng Kinh. Chỉ một số rất ít, thường là nam giới, mới được đi học mới biết nói và viết tiếng Kinh. Theo con số điều tra năm 1999 thì số người Hmông mù chữ là 68,99% (4). Ai đến các bản làng của người Hmông thì thấy thực tế tỷ lệ mù chữ còn cao hơn rất nhiều. Rất khó tìm được một người Hmông có khả năng thông dịch những nội dung giao tiếp tối thiểu của đời sống thường ngày. Hơn nữa, trong trường hợp biết chữ quốc ngữ, cũng khó lòng có sách báo để đọc hàng ngày. Do đó, hầu hết người Hmông thường tiếp cận thông tin chủ yếu qua gia đình và những người đồng bào trong làng bản và qua các sản phẩm nghe nhìn.

Chính ở phương diện này mà người Hmông tiếp cận với Kitô giáo một cách thường xuyên và sâu rộng. Hằng ngày chương trình của đài Nguồn Sống phát những bài hát, những làn điệu dân ca Hmông, kèm theo các bài thánh ca đã được sáng tác theo âm điệu Hmông và các nội dung Kinh Thánh và giáo lý đơn giản đã được thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của đồng bào Hmông. Bên cạnh đó là các sản phẩm nghe nhìn như băng cassette, đĩa VCD về các chương trình giải trí du nhập từ Thái Lan hay Lào về Việt Nam mang nội dung giáo lý được phổ biến trong các bản làng. Trong khi chính quyền trung ương và địa phương ở Việt Nam trước đây không có chương trình phát sóng riêng bằng tiếng Hmông, thì những băng đĩa kia có tác động rất lớn đến ý thức của họ và dẫn đưa họ đi theo tôn giáo và các sản phẩm kia hướng dẫn.

Một yếu tố khác là sự khủng hoảng niềm tin trong tâm thức của người Hmông. Họ thấy rằng cuộc sống của họ bao nhiêu năm nay dường như không thay đổi, trái lại càng ngày càng có vẻ càng khó khăn hơn. Việc làm của chính quyền các địa phương đã không có sức thuyết phục và không mang lại cho họ niềm hy vọng. Chẳng hạn, chúng tôi biết, ngay trong lúc chúng tôi viết những dòng này, thì có nơi, cán bộ địa phương vẫn đang đi dẹp bàn thờ Chúa của dân, dựng bàn thờ ma cho họ và bắt phạt tiền bạc hoặc gia súc những người theo đạo. Trong khi đó, Kitô giáo lại có những việc làm thiết thực và hiệu quả để cải thiện đời sống qua các việc bác ái xã hội, qua lối sống lành mạnh của những người cải đạo dựa trên nền tảng Kitô giáo. Những điều này có giá trị thuyết phục người Hmông tin theo Kitô giáo hơn mọi lời thuyết giáo.

Một trong những lý do khác thuộc về văn hoá đó là sự thiếu hụt những sinh họat và sản phẩm văn hoá đủ sức đáp ứng nhu cầu của người Hmông trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà các điều kiện sống và chuẩn mực của xã hội đã khác xưa rất nhiều. Người ta vẫn đề cao chợ phiên với những sinh hoạt văn hoá đặc thù của nó. Nhưng thực ra thì một món ăn, một bài khèn, một phiên chợ hàng tháng không đủ để đáp ứng được nhu cầu của họ. Cũng giống như người Việt hiện nay ít thích hát chèo và cải lương, hiện nay người Hmông thích nghe nhạc phát ra từ các máy cassette và từ các băng đĩa VCD hơn là các bài khèn. Trong hoàn cảnh thay đổi, âm nhạc và giải trí cũng thay đổi. Ai đến các bản người Hmông thì biết sản phẩm văn hoá và tôn giáo được nhập từ Lào và Thái Lan, được phổ biến rộng rãi, được chờ đợi và mang lại cho họ nguồn vui thế nào. Nếu những sản phẩm đó mang nội dung Tin mừng thì việc họ đón nhận Chúa cũng là dễ hiểu.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn người Hmông đến với Kitô giáo là yếu tố tín ngưỡng. Tín ngưỡng truyền thống của người Hmông là thờ cúng tổ tiên, thờ vật tổ, theo saman giáo và đa thần giáo. Họ thấy những tín ngưỡng này gắn liền với những phong tục tập quán phức tạp, lạc hậu, rườm rà và rất tốn kém, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và các chuẩn mực sống hiện nay và không thoả mãn nhu cầu tâm linh của mình trong hoàn cảnh mới. Do đó, người dân vừa muốn từ bỏ các tín ngưỡng này mà vẫn giữ được bản sắc của mình. Trong bối cảnh đó thì việc đón nhận Kitô giáo là một giải pháp cho vấn đề của họ. Kitô giáo mang lại cho họ một nhân sinh quan và một vũ trụ quan thống nhất hơn, tiến bộ hơn, một lối sống lành mạnh hơn trong khi vẫn bảo đảm sự khác biệt về bản sắc văn hoá, xác định họ với các dân tộc chung quanh. Kitô giáo vừa cho họ cơ may tạo ra một không gian văn hoá cho riêng mình, vừa cho phép họ hội nhập với thế giới.

Có người nói người Hmông luôn bị động trong quá trình tiếp nhận Kitô giáo. Đấy là quan điểm xem người Hmông như là nạn nhân bị lừa gạt khi theo Kitô giáo. Thực ra, phải nói ngược lại. Họ rất có ý thức về đời sống văn hoá và tâm linh của mình và họ nhận thức rõ cái được và cái mất khi chủ động tiếp nhận Kitô giáo. Điều này còn liên quan đến tâm lý và ý thức dân tộc của họ.

3. Những yếu tố liên quan đến tâm lý và ý thức dân tộc

Người Hmông vốn có quốc gia và chữ viết riêng. Do bị người Hán thống trị và đàn áp mà họ phải di cư về phương Nam, trở thành một dân tộc du canh du cư và dần dần đánh mất di sản văn hoá và vài trò kinh tế của mình. Chẳng những thế, càng ngày họ càng bần cùng, do đó, trong tâm thức của họ, họ luôn mơ về một đấng cứu thế nào đó có thể giải thoát họ khỏi cảnh cùng quẫn về kinh tế, văn hoá, chính trị, tôn giáo. Vị cứu thế ấy không tìm thấy ở trong chính trị thì họ đi tìm trong tôn giáo. Trong hơn một thế kỷ qua, phản ứng của người Hmông ở Đông Nam Á luôn luôn thể hiện dưới hình thức tôn giáo và yếu tố trung tâm luôn luôn là một vị cứu thế được dân mong đợi. “Cứu thế là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hiện tượng phản kháng và Đấng cứu thế là nhân vật trung tâm thu hút sự hưởng ứng của người dân” (5).

Từ thực trạng trên đây, thật là logic khi người Hmông tiếp nhận Kitô giáo. Vì Kitô giáo đã đụng chạm đến khát vọng thâm sâu của người Hmông, phù hợp với tâm thức và hoàn cảnh của họ trong hiện tại cũng như trong quá khứ, với tư cách là một tôn giáo cứu thế. Nội dung các chương trình của đài Nguồn Sống và các sản phẩm nghe nhìn bằng tiếng Hmông đề cập đến việc loan báo và đón nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế: Ai cứ đi theo Chúa Giêsu để thờ phượng Đức Chúa Trời thì sẽ được giải thoát khỏi mọi cơ cực, hết nghèo đói, hết bị khinh miệt. “Đừng vì không có tổ quốc mà tủi thân, cứ đi theo Chúa thì ở đâu Chúa cũng không bỏ”. Do đó, người Hmông rất dễ tiếp nhận Kitô giáo và sự kiện này là một dạng phản ứng bắt nguồn từ tâm thức hụt hẫng sâu xa về đời sống hiện tại của những con người thuộc về một dân tộc đã từng có một quá khứ huy hoàng và từ khát vọng cứu độ phát xuất từ hoàn cảnh ấy.

Ở một phương diện khác, như đã nói, người Hmông hiện nay cư trú ở Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam, Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Guyanne. Một không gian sinh tồn rộng lớn như vậy đã làm cho ý thức đồng tộc và thân tộc trội hơn ý thức về chính trị và quốc gia. Và việc tiếp nhận Kitô giáo chẳng những không làm tổn hại mà còn gia tăng tính có kết cộng đồng này, vì Kitô giáo vốn bản chất là một tôn giáo vượt qua mọi nền văn hoá, mọi biên giới chính trị và quốc gia. Đồng bào Hmông ở Việt Nam một khi theo Kitô giáo, họ liên hệ và có những trao đổi với đồng bào cùng tôn giáo của mình đang cư trú trong nước hay ở Lào và Thái Lan. Kitô giáo từ nay với họ trở thành một yếu tố liên kết và thống nhất người Hmông trên phạm vi Đông Nam Á và thế giới.

IV. NHỮNG CHUYỂN BIẾN TỪ VIỆC ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

Hiện tượng đón nhận Tin mừng của người Hmông đã dẫn đến những chuyển biến tích cực hoặc tiêu cực trong đời sống kinh tế, văn hoá. Sự phân định những yếu tố tích cực hay tiêu cực ở đây có thể thay đổi và chuyển hoá cho nhau tuỳ tiêu chí để xếp loại và lập trường quan điểm để đánh giá.

1. Chuyển biến tích cực

Ở mặt tích cực, người ta thấy, khi đi theo Kitô giáo thì những tập tục và lối ứng xử mê tín dị đoan, phiền phức và tốn kém bị lọai bỏ dần. Điển hình là các hủ tục liên quan đến tang ma hiếu hỉ. Khi theo Kitô giáo, người Hmông sẽ không còn tảo hôn, không còn lấy vợ lẽ, không còn thách cưới bằng bạc trắng và rượu thịt, không còn xem tuổi đôi nam nữ, đổi họ cô dâu khi về nhà chồng hoặc làm lễ nhập ma. Các bài thánh ca dùng trong đám cưới được sáng tác theo âm điệu dân ca Hmông rất nhiều và rất phong phú, lời lẽ phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đôi tân hôn và của gia đình hai bên.

Trong đám tang không còn tục đuổi ma giặc Hán, không còn tục hát bài chỉ đường, không còn tục nhà tang có bao nhiêu con trai phải giết bấy nhiêu con trâu đãi khách, không còn tục xem ngày giờ để chôn cất, không còn tục bón cơm tượng trưng cho người chết, không còn tục để người chết ở lâu trong nhà. Bây giờ gia đình có người chết chỉ việc làm nghi thức tẩm liệm đơn giản theo quy định và hướng dẫn của Hội Thánh và đọc kinh cầu nguyện. Người già yên tâm khi chết sẽ được lên thiên đàng. Người trẻ không còn phải lo lắng tốn kém khi làm ma cho bố mẹ. Bài hát dành cho người chết rất dài và phải hát suốt đêm, bây giờ được thay thế bằng các bài thánh ca súc tích và ý nghĩa. Cùng với việc lọai bỏ các hủ tục trên đây, các thầy cúng, thầy mo cũng biến mất dần.

Một trong những chuyển biến có tính cách tích cực nhất là về phương diện y tế sức khoẻ. Khi đón nhận Kitô giáo, người Hmông cũng bỏ các quan niệm về bệnh tật và cung cách điều trị bệnh tật phản khoa học và nặng mầu sắc mê tín dị đoan. Thay vào đó, đồng bào đã tiếp nhận các phương pháp chuẩn đoán và điều trị của y khoa hiện đại, đồng thời, trong trường hợp là người Công giáo, họ còn bảo lưu những phương pháp chữa bệnh cổ truyền. Đồng bào cũng thay đổi tâm lý muốn có nhiều con, hoặc chỉ muốn có con trai để nối dõi tông đường và thờ cúng tổ tiên, vì vậy tỷ lệ sinh sản của nhóm người Hmông theo Kitô giáo nhiều nơi giảm xuống, khoảng cách giữa các lần sinh con cũng dài thời gian hơn, tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm xuống, tỷ lệ người tử vong trong nhóm dân Hmông theo Kitô giáo cũng giảm xuống, như trường hợp ở xã Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai, theo Công giáo) thì tỷ lệ tử vong giữa nhóm người Hmông theo và không theo Kitô giáo là 2/6 (6).

Ở một phương diện khác, những người đi theo Kitô giáo thực sự có một cuộc đổi đời, các tệ nạn như buôn bán ma tuý, nghiện hút, trộm cắp, say sưa rượu chè, nói dối, đánh chửi vợ con v.v bị cấm hẳn và vì thế các tệ nạn này giảm hẳn trên thực tế. Những người theo đạo sống có trách nhiệm hơn với gia đình và với cộng đồng, đời sống của họ được tổ chức tốt hơn, kinh tế ổn định hơn. Điều này có thể do được trợ giúp kinh tế ở mức độ nào đó, nhưng chủ yếu là do sự thay đổi trong nhận thức và trong cách thức tổ chức đời sống.

Đối với những người đi theo Công giáo, còn thêm một điều nữa là các giá trị tinh hoa của văn hoá truyền thống được bảo tồn tốt hơn. Theo phong trào đọc Kinh Thánh bằng tiếng Hmông, nhiều người Hmông đã trở thành các “truyền đạo, các trưởng cộng đoàn ( người đứng đầu và đại diện giáo dân ở một khu vực). Các tín hữu trở nên quan tâm hơn đến vấn đề học chữ nghĩa, chữ Kinh cũng như chữ Hmông; số người biết chữ vì thế gia tăng hơn trước. Tuy nhiên, cũng có khi lại diễn ra theo chiều ngược lại: Có bản theo đạo mà chúng tôi biết đã không dám cho con em đi học ở trường. Lý do là họ bị những người không Công giáo phân biệt đối xử, thậm chí bị ép buộc bỏ đạo. Do đó, đồng bào đã chọn đức tin hơn là chọn văn hoá.

2. Chuyển biến tiêu cực

Sinh họat xã hội và văn hoá truyền thống của người Hmông còn thay đổi ít nhiều theo chiều hướng tiêu cực. Phải nói ngay rằng, theo chúng tôi thấy, những ảnh hưởng tiêu cực là rất ít, có thể nói là không đáng kể so với những chuyển biến tích cực do việc tiếp nhận Kitô giáo mang lại.

Một số nơi theo đạo Tin Lành đồng bào đã bỏ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã được truyền từ bao đời nay. Đây là một yếu tố tâm linh tồn tại ở nhiều dân tộc, ngoài nhu cầu phù hộ, chở che nó còn là biểu hiện của lòng biết ơn nhớ về cội nguồn. Tuy nhiên, một số người Tin Lành đã chối bỏ hoàn toàn với lý do rất đơn giản, từ trước đến nay bao đời mình thờ ông bà tổ tiên mà vẫn nghèo khổ; do vậy họ đoạn tuyệt hoàn toàn với cái cũ để đến với một tâm linh mới một tôn giáo mới mong tìm cho mình lối thoát.

Cùng với xu hướng trên, về phương diện xã hội, địa vị và vai trò của một số đối tượng có vị thế trong truyền thống bị suy giảm hoặc bị mất hẳn. Truyền thống người Hmông trước nay rất tôn trọng già làng, trưởng bản bởi họ là người tham gia quyết định các việc lớn nhỏ trong bản. Giờ đây vai trò của họ hầu như không còn hoặc nếu có thì cũng mờ nhạt. Vai trò của ông trưởng họ cũng suy giảm. Trước đây, ông là người quyết định chính trong việc dời chỗ ở, trong dám tang, đám cưới. Ông là người đọc bài hát chỉ đường cho người chết. Nhưng bây giờ tang lễ đã theo nghi thức của Kitô giáo, cho nên vai trò của ông không còn như trước.

Khi một bản làng đi theo Kitô giáo, thì cũng có nghĩa là những hiện tượng mê tín dị đoan phổ biến trong các bản làng ấy được xoá bỏ. Địa vị của những người làm nghề thầy cúng bị mất hẳn. Điều này có ý nghĩa tích cực về phương diện bài trừ hủ tục và mê tín di đoan, tuy nhiên lại có ý nghĩa tiêu cực về phương diện văn hoá truyền thống. Vì thầy cúng là trí thức của bản làng, ông am hiểu nhiều phong tục, tập quán, thuộc nhiều làn điệu dân ca và sử dụng được nhiều nhạc cụ. Ông mất đi cũng có nghĩa là nhiều tri thức của dân tộc mất theo. Ông bị loại trừ cũng có nghĩa là nhiều giá trị văn hoá nơi ông cũng bị lọai bỏ.

Ở đây chúng tôi thấy tiến trình tiếp biến Tin mừng diễn ra chưa tương xứng với tiến trình tiếp thu Tin mừng. Những người mới theo đạo chưa đủ bản lĩnh để chắt lọc những giá trị trong văn hoá truyền thống của mình và tìm cách thích nghi với những giá trị của Tin mừng. Từ đó nảy sinh vấn đề mất mát một số giá trị văn hoá trong truyền thống dân tộc.

Ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt nhất đấy là sự phân hoá diễn ra trong cộng đồng người Hmông, giữa những người theo Kitô giáo và những người không theo Kitô giáo, giữa những người theo Công giáo và những người theo Tin Lành. Người Tin Lành, cũng như ở các nơi khác trên thế giới, ngoài việc truyền giáo cho người ngoài Kitô giáo, người Tin Lành còn tích cực lôi kéo những người Công giáo đi theo mình. Thế là rất nhiều người, có khi cả bản đã đi theo Công giáo, nay lại đi theo Tin Lành. Từ đó nảy sinh những căng thẳng giữa cộng đồng Công giáo và cộng đồng Tin Lành. Sự phân hoá ấy có khi xảy ra trong một bản làng, một dòng họ và thậm chí trong một gia đình, giữa các anh em, giữa vợ và chồng, mỗi người theo một đạo khác nhau, chúng tôi đã thấy nhiều trường hợp anh em trong một gia đình bất đồng nhau vì người theo Tin Lành, kẻ theo Công giáo, chúng tôi cũng gặp một trường hợp hai vợ chồng không chăm sóc nhau, vì ông một đạo và bà một đạo, hai người đều kết án nhau và chối bỏ nhau vì niềm tin tôn giáo của mình. Thật là bi đát!

THAY LỜI KẾT

Chúng tôi thấy lúc này tiến trình đón nhận Tin mừng của người Hmông đang diễn ra mạnh mẽ. Khác với trước đây hơn một thế kỷ, Tin mừng được các thừa sai mang đến cho họ, ngày nay người Hmông đang chủ động đi tìm Chúa và đón nhận Chúa đến với mình và theo mình về các làng bản và theo Kitô giáo đang trở thành tôn giáo chủ đạo của một Tây Bắc bao la không bóng dáng đình chùa, thánh thất.

Chúng tôi tin rằng chẳng một câu trả lời nào trong số những câu trả lời khác nhau, thậm chí trái ngược nhau khả dĩ giải đáp được căn nguyên của phong trào tòng giáo trên đây. Phần chúng tôi, khi gặp gỡ và trò chuyện với đồng bào trong tinh thần hiệp thông và chia sẻ của của những người cùng đức tin, chúng tôi thấy: Đồng bào Hmông xác tín mình được Chúa yêu thương và dẫn đưa đi theo Chúa và đó là cơ may hạnh phúc cho đồng bào. Điều này đang từng bước được thể hiện cách tỏ tường qua những đổi thay tích cực trong đời sống cá nhân và cộng đồng của họ.

Chúng tôi thấy phong trào tiếp nhận Kitô giáo của đồng bào Hmông vấn đang tiếp tục và đang đặt ra nhiều vấn đề mà những người liên hệ phải giải quyết. Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng một mình với những phương tiện của mình có thể mang lại hạnh phúc cho đồng bào. Càng là ảo tưởng hơn nữa nếu cho rằng bằng vũ lực hay các biện pháp hành chính có thể ngăn chặn được tiến trình đón nhận đức tin Kitô giáo của đồng bào.

Chúng tôi cũng thấy, càng là những nơi bị trấn áp, đồng bào càng sống chết với đức tin của mình hơn. Ở một nơi nọ cán bộ địa phương đến triệt hạ bàn thờ Chúa và dựng cho gia chủ bàn thờ ma, gia chủ đã nói rằng: “Chúng mày đừng phí công làm thế. Chúng mày về tao lại vứt bàn thờ ma xuống thung lũng và tao lại dựng bàn thờ Chúa lên thôi!”. Rồi cuối cùng thì các cán bộ địa phương cũng phải để cho gia đình này theo đạo của mình.

Chúng tôi đã gặp có những vùng không có linh mục, người Hmông tự mình đi hàng trăm km để tìm kiếm các bản văn của pháp lệnh và nghị định tôn giáo, rồi họ đọc và dịch cho nhau nghe trước giờ cầu nguyện chung để từng người có thể dùng luật pháp mà đấu tranh cho quyền theo tự do tôn giáo của mình mỗi khi bị cán bộ đến hạch sách, trấn áp. Việc làm của chọ khiến chúng tôi cảm thấy xấu hổ, vì chính chúng tôi khi ấy cũng chưa từng đọc qua một lần cái pháp lệnh và nghị định được in trên báo Công giáo và Dân tộc mà tôi có trong tay.

Tình thương của Chúa thật lạ lùng và kỳ diệu thay bước đi của Tin Mừng! Tuy nhiên chúng tôi vẫn lấy làm tiếc là anh chị em tín hữu Công giáo chúng ta không thể hành động và hành động có hiệu quả trên thực tế để giúp các anh chị em Hmông tòng giáo như những anh chị em Tin Lành, mặc dù ở Miền Bắc cũng như trên cả nước, theo chúng tôi, xét một cách tổng thể, người Công giáo chúng ta có nhiều lợi thế hơn các anh em Tin Lành.

Đồng bào Hmông Công giáo ở vùng Sơn La, Lai Châu, Điện Biên mơ ngày nào được đi lễ ở nhà thờ, mơ ngày nào được về Hà Nội thăm lăng Bác (một điều mà nhiều người có thể sẽ cười), mơ có được những chuỗi hạt xinh xắn để lần hạt kính Đức Mẹ, mơ có những ảnh tượng để thờ trong nhà, mơ có kinh sách và băng hình nếu không bằng tiếng Hmông thì bằng tiếng Việt để xem. Hỏi xem họ thích gì nhất, họ trả lời thích cha nhất; hỏi xem họ cần gì nhất, họ trả lời cần cha nhất.

Chúng tôi mơ tới một ngày nào đó, đồng bào Công giáo Hmông ở những vùng xa xôi hẻo lánh trên đây được quan tâm để giúp đỡ sống đức tin và văn hoá như người K’ho, người Mạ ở Lâm Đồng, như người J’rai ở Pleiku và Buôn Mê Thuột, hoặc ít nhất cũng được chăm sóc như những anh chị em Hmông Công giáo khác ở Sapa, Nghĩa Lộ, Văn Chấn, etc.

Chú thích :

(1) Tổng hợp tính toán từ tài liệu của Gary Lee và Nick Tapp, “Các vấn đề về dân tộc Hmông hiện nay: 10 điểm chính”, Tạp chí Dân tộc học, Số 4-2002, tr. 60 - 69.

(2) Vương Quy Quang, “Người Hmông và những hiện tượng tôn giáo liên quan đến phản ứng của họ ở Đông Nam Á: Quá khứ và hiện tại”, Tạp chí Dân tộc học, Số 6 (132)- 2004, tr. 64.

(3) Vũ Trường Giang, “Người Thái và người Hmông với Đạo Công giáo và Đạo Tin Lành ở Miền Núi Thanh Hoá”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4-2005, tr.58.

(4) Vũ Trường Giang, “Người Thái và người Hmông với Đạo Công giáo và Đạo Tin Lành ở Miền Núi Thanh Hoá”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4-2005, tr.56-60.

(5) Vương Quy Quang, “Người Hmông và những hiện tượng tôn giáo liên quan đến phản ứng của họ ở Đông Nam Á: Quá khứ và hiện tại”, Tạp chí Dân tộc học, Số 6 (132)- 2004, tr. 64-65.

(6) Nguyễn Văn Thắng, “Tôn giáo và cách ứng xử với bệnh tật ở người Hmông”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 5-2006, tr. 60

Nguồn: www.chuacuuthe.com