GIÁO XU VIỆT NAM PARIS : 60 NĂM HỒNG ÂN, bài 15 : GIỚI THIỆU SÁCH « ÐƯỜNG VÀO TÌNH YÊU, Chuẩn bị hôn nhân đời sống gia đình công Giáo »



Ngày 01/10/1947 Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được Giáo quyền Pháp chính thức công nhận dưới danh hiệu Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Ðến nay, 2007, Giáo xứ đã tròn 60 năm tuổi đời. Ðây là dịp để mừng vui và kỷ niệm 60 năm Hồng Ân Chúa ban cho Giáo Xứ được tồn tại. Cũng là dịp để xem xét lại sự hoà nhập của văn hoá và đức tin qua cách sống đức tin và cách hội nhập đức tin công giáo vào văn hoá Việt Nam ở Giáo xứ. Trong chiều hướng ấy, mời bạn xem bài 15 : « GIỚI THIỆU SÁCH « ÐƯỜNG VÀO TÌNH YÊU, Chuẩn bị hôn nhân đời sống gia đình công Giáo »

GIỚI THIỆU SÁCH « ÐƯỜNG VÀO TÌNH YÊU,

Chuẩn bị hôn nhân đời sống gia đình công Giáo »



ÐƯỜNG VÀO TÌNH YÊU

Chuẩn bị hôn nhân đời sống gia đình công Giáo

Do Ban Mục Vụ Hôn Nhân

Giáo Xứ xuất bản

Paris : 2000; khổ 14x20; 336 trang

Sách Đường Vào Tình Yêu
« ÐƯỜNG VÀO TÌNH YÊU, Chuẩn bị hôn nhân đời sống gia đình công Giáo » là tác phẩm thứ sáu trong 20 tác phẩm Giáo Xứ đã biên soạn và xuất bản.

1. Ðọc « Ðường vào tình yêu », độc giả sẽ khám phá ra một khóa trình giáo dục khởi đầu mà Giáo Xứ đã tổ chức từ tháng 12 năm 1995 cho những thanh niên nam nữ muốn chuẩn bị hôn nhân và đi vào đời sống gia đình. Sau khóa trình giáo dục khởi đầu này, trong bước tiến của cuộc đời, bất cứ lúc nào cần, các phụ huynh, trẻ hay ít trẻ, đều có thể tham dự những khóa trình bồi dưỡng hôn nhân và gia đình. Ðó là những khóa trình giáo dục liên tục, thường được tổ chức một năm một lần, theo nhu cầu và đề nghị của các bậc phụ huynh. Những khóa trình này rất đa dạng. Cho đến nay, những khóa trình sau đây đã được tổ chức : Khóa trình gia đình trẻ, Khóa trình kỷ niệm hôn phối của phụ huynh, Khóa trình ngày gia đình, Thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ

Ðể chia xẻ trách nhiệm chung về công tác mục vụ trong giáo xứ, một số người trong cộng đoàn đã nhận lời mời của ban giám đốc, cộng tác và phụ trách giảng dạy các khóa CHUẨN BỊ HÔN NHÂN. Công việc này trước kia do các linh mục kiêm nhiệm. Các ngài mất quá nhiều thì giờ, đang khi công việc đa đoan. Những người được mời là những người có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm như linh mục, bác sĩ, luật sư và giáo sư với các môn, ngành chuyên môn của họ. Khóa trình Chuẩn Bị Hôn Nhân tổ chức một năm hai lần vào dịp Phục sinh và Giáng sinh, trong 5 tối thứ sáu liên tiếp, từ 20g đến 22g30, mỗi tối hai môn học, mỗi môn 1 giờ, nghỉ nửa giờ. Buổi tổng kết khóa vào chủ nhật tiếp theo, là buổi gặp gỡ và thảo luận chung giữa các giảng viên và học viên. Sau đó là thánh lễ, trao phát chứng chỉ và chụp hình lưu niệm. Bản chứng chỉ dùng để trình với giáo quyền nơi xin làm phép hôn phối. Học viên bắt buộc phải theo học đều đặn các buổi học. Ai vắng mặt, có thể xin gặp riêng với giảng viên phụ trách bài học để bổ túc bài vở. Mục đích mở khóa học vào Giáng sinh và Phục sinh là để tiện cho những ai muốn tổ chức đám cưới vào tết Việt Nam và mùa hè.

Cho đến ngày 31.12.2006, 23 khoá đã được tổ chức với số học viên trên 400 bạn trẻ tham dự. Đa số các anh chị, sau thời gian tìm hiểu, đi đến quyết định lấy nhau và đang chuẩn bị sống chung, đến ghi tên theo học khóa chuẩn bị hôn nhân, để chuẩn bị gần và kỹ hơn cho thủ tục ngoài tòa thị chính và trong nhà thờ. Sau khóa học, thiệp hồng được gửi đi, và một ngày đẹp trời họ hàng hai bên chứng giám con mình bước vào đời với đày đủ hành trang tinh thần lẫn vật chất. Ngày này, phụ huynh cũng như người phụ trách giáo dục vui mừng khi con em mình đang bay lượn tung tăng trong dòng đời mà bớt sợ vấp ngã.

Quí nhất và đáng thán phục nhất là có học viên theo ‘bạn’ đến học mà không phải công giáo. Sau khóa học, người ấy phát biểu: ‘Tôi chiều theo ‘bạn tôi’ đến học. Học xong tôi mới khám phá ra hôn nhân công giáo có giá trị lâu bền và bảo đảm hạnh phúc lâu dài. Tôi sẽ tìm hiểu và học đạo. Hôn nhân công giáo có nhiều ràng buộc hơn mà hôn nhân khác không có’. Nghe câu phát biểu chân tình ấy, chúng tôi quan sát thấy ‘người tình’ bên cạnh nhoẻn cười và cúi vai vào ‘người mình yêu’. Thiết nghĩ lúc ấy hai trái tim đập một nhịp thật mạnh hơn lúc nào hết.

Một vài anh hay chị ghi tên theo học một mình. Nhưng đã có ý trung nhân ở ngoại quốc hay bên Việt Nam. Theo học ở đây là anh hay chị ấy ý chức trách nhiệm về hôn nhân công giáo là quan trọng và nền tảng của đức tin. Chẳng bao lâu, giáo xứ có thêm một nhân danh trong sổ cộng đoàn.

Một số ít anh chị đã từng lập gia đình, đã làm đày đủ lễ cưới đời và đạo và đã có con khôn lớn, trên 20 tuổi, 15 tuổi, 10 tuổi, 5, 6 tuổi hay 1, 2 tuổi, cũng ghi tên theo học. Với những anh chị này theo học để tìm hiểu thêm về giáo dục và tâm lý. Chính những cặp đàn anh đàn chị trưởng thành này là chứng tá và trao truyền kinh nghiệm cho lớp đàn em và đôi khi làm sáng tỏ cho bài học trong lớp. Những ý kiến trao đổi trong ngày tổng kết của những anh chị kinh nghiệm này làm lớp trẻ thêm can đảm lãnh trách nhiệm, dấn thân vào đới sống hôn nhân.

Hai kết quả thật tốt sau khóa học mà ai cũng công nhận. Một là, sau khóa học, học viên rất bình thản, không hoang mang, biết nhìn thẳng vào thực tế và khó khăn mà không lùi bước hay sờn lòng, bắt tay ngay vào việc xây dựng gia đình bằng cách tiết kiệm tiền bạc và dành thời giờ cho công việc từ thiện bác ái. Hai là, phụ huynh hài lòng và sung sướng khi nhìn con cháu biết trách nhiệm sống trong gia đinh và quan hệ họ hàng, nhất là về mặt hiếu thảo và chuyên chăm dưỡng nuôi và giáo dục con cái.

2. Tất cả những ai tha thiết đến gia đình đều nên tìm đọc « Ðường vào tình yêu ». Bạn trẻ thanh nam thanh nữ muốn chuẩn bị hôn nhân sẽ tìm được những chỉ dẫn phong phú và cụ thể để hiểu rõ ý nghĩa và trách nhiệm trong khế ước hôn nhân và để chuẩn bị lễ nghi đời ở Toà Thị Chính, cũng như lễ nghi đạo ở Nhà thờ. Họ cũng sẽ có dịp nhìn thấy những khía cạnh khác nhau của hôn nhân và gia đình. Từ những khía cạnh rất vật chất cụ thể, như sinh lý, tiền bạc, tài chánh, qua những khía cạnh luận lý xã hội như liên lạc vợ chồng, vai trò người vợ, vai trò người chồng, liên hệ gia đình đôi bên, giáo dục con cái, đền những khía cạnh tôn giáo thiêng liêng, như bí tích hôn phối, đời sống đạo trong gia đình. Nhờ những cái nhìn đa phương về hôn nhân và gia đình ấy, họ dễ dàng nhìn ra những quyết định phải lấy, những chuẩn bị phái làm. Họ vừa khắt khe với mình hơn, vừa rộng lượng với người hơn; vừa dễ hội nhập vào xã hội tân tiến khoa học kỹ thuật âu châu, vừa tự tín, dám hãnh diện và dám giữ gìn và biểu lộ văn hóa truyền thống cha ông việt nam để lại.

Các bậc phụ huynh đã lập gia đình, thậm chí bậc ông bà đã có cháu chắt sẽ tìm được một tài liệu cho phép ôn lại những điều đã học biết thủa thanh niên, hay tiếp cận với những tiến bộ mới về y học, về giáo dục, về quản trị.

Nội dung của cuốn « Ðường vào tình yêu » tương đối phong phú và quay quanh hai phần.

Phần I gồm 10 bài giảng huấn của mỗí khóa, đề cập đến 10 khía cạnh khác nhau của đời sống hôn nhân và gia đình. Ðề tài và cách trình bày có khác nhau, nhưng tất cả đều có một mục tiêu chung và một cách trình bày giống nhau. Mục đích chung là giúp các bạn trẻ xây dựng một gia đình Kitô giáo hạnh phúc theo tinh thần Phúc Âm trong xã hội hôm nay. Hình thức giống nhau là tất cả 10 bài đều được viết và trình bày một cách sáng sủa và đơn sơ, dùng tiếp cận thực tế để gần với đời sống hàng ngày của gia đình công giáo ở giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Âu Châu.

Phần II gồm 9 bài khảo luận, trong đó 4 bài đã là đề tài thuyết trình trong các khóa trình giáo dục liên tục, như Kỷ niệm hôn phối cho các phụ huynh, Ngày gia đình.

3. Bảng tóm lược sau đây về 19 bài trong « Ðường vào tình yêu » sẽ cho thấy rõ hơn nội dung phong phú của cuốn sách.

Phần I

1. Mục đích và đặc tính của Bí tích hôn phối / do Đức ông Mai Đức Vinh, giám đốc diều hành khóa học,
2. Gia đình trong dân luật của Pháp / do Luật sư Lê Đình Thông
3. Đời sống sinh lý vợ chồng / do Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, trưởng ban Mục Vụ Hôn Nhân
4. Vệ sinh và dinh dưỡng trong đời sống vợ chồng / do Bác sĩ Tạ Thanh Minh:
5. Sống đạo trong gia đình / do Phó tế Nguyễn Văn Thạch
6. Giáo dục con cái / do Giáo sư Trần Văn Cảnh, thư ký ban Mục Vụ Hôn Nhân
7. Tài chánh trong gia đình và Câu hỏi trắc nghiệm về tiền bạc và cuộc sống / Phó tế Phạm Bá Nha
8. Vai trò người chồng / do Bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh
9. Vai trò người vợ / do Bà giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh
10. Cử hành Bí Tích Hôn Phối / do Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách

Phần II

11. Một tư tưởng bình dân việt nam về hôn nhân gia đình / do Giáo sư Trần Văn Cảnh
12. Xã hội học gia đình công giáo việt nam / do Luật sư Lê Ðình Thông
13. Mạn Ðàm về hạnh phúc gia đình / do Giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh
14. Chữ tình và chữ yêu / do Bác Sĩ Nguyễn Văn Ái
15. Mười điều bảo vệ hạnh phúc gia đình / do Gs Bùi Thị Lý, Lm Mai Ðức Vinh, Gs Trần Văn Cảnh
16. Suy nghĩ về giáo dục trẻ em / do Gs Bùi Thị Lý, Km Mai Ðức Vinh
17. Gia lễ trong hôn nhân / do Ptvv Phạm Bá Nha
18. Hoa hồng mân côi mừng khánh nhật hôn nhân / do Ls Lê Ðình Thông
19. Tổng kết các khóa chuẩn bị hôn nhân / do Ptvv Phạm Bá Nha

« ÐƯỜNG VÀO TÌNH YÊU, Chuẩn bị hôn nhân đời sống gia đình công Giáo ». Ðọc tên sách đã thấy hết nội dung. Ðúng là « Trông mặt mà bắt hình dong, Con lợn có béo thì lòng mới ngon ». Một phật tử bạn tình cờ gặp tôi trong một dịp thảo luận về gia đình. Anh ta nhắc với tôi về cuốn « Ðường vào tình yêu » và bảo tôi : Ðọc xong cuốn « Ðường vào tình yêu » của các anh, tôi cảm thấy các anh quá gần Khổng Mạnh. Các anh chuyển giao cho các thế hệ tương lai cái văn hoá dân tộc về đạo hiếu rất chu đáo. Tôi trả lời anh : Xin cám ơn anh đã quá khen. Nhưng không chỉ có thế. Chúng tôi chuyển trao văn hóa dân tộc và đức tin công giáo.

Paris, ngày 24.05.2007