TRUYỆN VÙNG SÂU VÙNG XA



Về Việt Nam lần này, tôi có dịp đến thăm một số giáo xứ vùng sâu vùng xa ở Miền Tây. Thật cảm động được chứng kiến lối sống đạo hài hòa của bà con giáo dân tại đó. Giáo Xứ Kinh Ðức Bà, thuộc giáo hạt Hạt Trà Lồng, toạ lạc tại Ấp Phương Thành, Xã Phương Phú, Huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang là một trong những giáo xứ này. Từ Phụng Hiệp tới giáo xứ Kinh Đức Bà chỉ có hai phương tiện di chuyển là xe ôm và thuyền đuôi tôm. Chúng tôi đông người, nên đã chọn phương tiện sau. Muốn tham dự thánh lễ sớm Chúa Nhật với bà con giáo dân, chúng tôi phải lên đường lúc 4 giờ sáng. Đường từ Phụng Hiệp vào chỉ dài chừng 24, 25 cây số, nhưng thuyền đuôi tôm phải đi trong hai tiếng, qua khúc sông Ngã Bẩy, rồi rẽ vào Kinh Đức Bà, mỗi khúc chừng một tiếng đồng hồ. Trời tối, nên không thấy gì ở hai bờ Kinh, chỉ thấy những ngọn đèn điện leo lét hắt ra từ những mái nhà hay mái lều rải rác đây đó. Trong thuyền, không một ngọn đèn, nên khó mà đọc được ý nghĩ của các bạn đồng hành. Thỉnh thoảng nhờ ánh đèn từ trên bờ chiếu xuống, mới thấy đa số đang co ro vì hơi lạnh từ mặt nước Kinh hắt lên. Nhưng kìa, Cha Xứ Đinh Văn Chuân đang tươi cười chờ đón anh chị em trên bờ. Một cảm giác ấm áp bỗng tràn ngập tâm hồn chúng tôi. Nhà thờ, nhìn thẳng ra bến, đã lên đèn sáng choang và đây đó đã có những giáo dân đến Nhà Thờ sớm. Cha Xứ dẫn chúng tôi vào nhà xứ, luôn miệng giới thiệu sinh hoạt giáo xứ với chúng tôi. Gặp một nữ tu trẻ đang lo hướng dẫn các em thiếu nhi, tôi lên tiếng: nghe cha xứ nói về giáo xứ mà ham! Dì nhoẻn cười “phang” ngay cho một câu: Thôi bác ơi, cha vốn xuất thân ở Hố Bom đó, bác không biết sao? Tôi trả lời: Hố Bom liên quan gì tới chuyện này? Thì hay nổ đó! Nội cái tinh thần hài hước “đùa cợt” thoải mái với Cha Xứ như thế cũng đủ nói lên nét hài hòa của người giáo dân vùng sâu vùng xa rồi.

Chúng tôi cũng tới giáo xứ Tân Phú (tên cũ là Bào Ráng) thuộc hạt Vị Thanh, tỉnh Chương Thiện ngày xưa, nay thuộc tỉnh Hậu Giang. Nhờ Cha Xứ Phạm Văn Phán với chiến dịch xóa cầu khỉ, xe hơi nhỏ từ Huyện Long Mỹ nay đã có thể vào được tận chợ Lương Tâm, cách nhà thờ Tân Phú hơn một cây số. Khoảng cách còn lại này có xe ôm giải quyết. Trước đây, từ Long Mỹ chỉ có thể tới Tân Phú (hơn 20 cây số) bằng thuyền.

Vì đến vào ban trưa, nên chúng tôi không tham dự được sinh hoạt nào chung với giáo dân sở tại. Nhưng nhìn ngôi thánh đường khang trang, mới xây theo lối kiến trúc nửa La Mã nửa Gô Tích, đài Đức Mẹ với “núi non” trùng điệp và những khe suối nhân tạo, và ngôi nhà xứ đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn địa phương, người ta không thể đánh giá thấp tinh thần tích cực của giáo dân ở đây.

Điều lý thú là Cha Xứ đã huy động toàn thể lực lượng xe ôm của nhà xứ để đưa anh chị em chúng tôi trở lại Chợ Lương Tâm, dù phương tiện xe ôm thương mãi rất sẵn. Nhờ thế, cũng có người đã được… ôm ma soeur hoặc được… ôm cha phó! Tinh thần hiếu khách đã xóa bỏ hết những dè dặt không cần thiết. Vùng sâu vùng xa nay đã ra khác rồi chăng?

Sau hai địa điểm trên, chúng tôi tới thăm giáo xứ Trung Hải, thuộc hạt Đại Hải, Kế Sách, Sóc Trăng. Xe khách chỉ có thể chở chúng tôi tới Đại Hải, từ đó, hoặc phải đi thuyền hoặc phải đi xe ôm để vào Trung Hải. Chúng tôi chọn đi thuyền.

Xuống Miền Tây mà không dùng sông nước làm đường giao thông thì cũng uổng. Phiền một điều chưa đến giờ nước lên, thuyền chưa chạy được. Anh chị em chúng tôi đành cuốc bộ một quãng xa để tới khúc Kinh sâu hơn. Từ đó mà vào Trung Hải, hai bên bờ xem ra chỉ là cánh đồng, thỉnh thoảng điểm một vài bụi chuối, rất ít nhà cửa.

Ở Trung Hải, chúng tôi thăm mộ cha Giác, bào huynh của một anh em cùng lớp từ những thập niên 1950, một linh mục có học vị tiến sĩ, nhưng sau 1975, đã đem dân từ vùng gần vào tận đây sinh sống. Phần lớn số dân ấy nay đã có của ăn của để và họ đã bắt đầu xây dựng được một ngôi thánh đường khang trang. Nhưng Cha Giác thì đã qua đời vì kiệt lực do làm việc quá sức và thiếu dinh dưỡng trong những năm tháng mới vào đây.

Ở đây, chúng tôi cũng được gặp lại cha giáo Trường, người thầy cũ của lớp tôi từ những ngày còn ở Bùi Chu, Bắc Việt. Thầy trò gặp lại nhau, có gì, đem ra cho nhau thưởng thức hết kể cả con dê và hai chai Cointreau giấu kỹ! Lúc về, cha còn cho mỗi anh chị em một bọc đủ cả bưởi thơm lẫn kẹo đặc sản. Người vùng sâu vùng xa vừa can đảm, biết quên mình vì người khác, vừa có tâm hồn hào phóng, đãi khách chẳng bằng môi miệng mà bằng tất cả những gì mình có.

I. Phép Rửa Thế Cho Người Chết

Nhưng trong chuyến đi Miền Tây này, chúng tôi gặp một sự kiện làm chúng tôi thoạt đầu bỡ ngỡ sau đâm ra lo âu. Đó là sự kiện rửa tội cho người đã chết qua người còn sống. Chúng tôi được chính hai vị linh mục tại một giáo xứ nọ (tạm dấu tên người và tên nơi) thuật lại sự kiện, có cả hình ảnh lẫn âm thanh ghi lại hỗ trợ.

Người sống được người đã chết nhập vào kêu gào thảm thiết xin được rửa tội để được cứu thoát và hễ được rửa tội như yêu cầu, thì hết kêu gào và người sống trở lại sinh hoạt bình thường. Nhiều trường hợp xẩy ra như thế và trong nhiều năm tại vùng sâu vùng xa này. Được hỏi: các đức cha giáo phận (Cần Thơ) có được phúc trình hay không và thái độ của các ngài ra sao về thực hành này. Câu trả lời không được rõ ràng, chỉ vỏn vẹn như sau: cũng vậy thôi à!

Thoạt nghe, chúng tôi đóng góp ngay những ý kiến dựa vào vốn giáo lý xưa nay của mình: việc rửa tội này xem ra đi ngược hẳn lại giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo vì Giáo Hội vốn dạy rằng: khi chết, mỗi người chúng ta (kể cả những người ngoài Thiên Chúa Giáo) đều được phán xét riêng: ai có ơn nghĩa với Chúa thì được lên thiên đàng, ai không có ơn nghĩa với Chúa, thì xuống hoả ngục, ai tuy có ơn nghĩa với Chúa, nhưng còn vướng mắc đôi chút thì được thanh luyện trong luyện ngục, trước khi được về với Chúa trên thiên đàng.

Ngoài ba tình trạng ấy ra, may lắm còn “ngục tổ tông”, nhưng ngục này đã không còn khi Chúa Kitô xuống đó giải thoát hết các thánh của Cựu Ước, trước khi Người sống lại; và “lâm bô”, nơi trước đây, người ta bảo để giam các linh hồn trẻ thơ chết lúc chưa được chịu phép rửa tội, nhưng nay Giáo Hội đã nhận ra cái vô lý của nó nên đã không còn nhắc đến.

Vậy thì các người chết nhập vào người sống trên đây ở đâu sau khi chết? Ở thiên đàng thì đâu cần rửa tội. Ở hỏa ngục lại càng không cần hơn. Còn ở luyện ngục, rửa tội không thêm gì, vì họ đã được ơn nghĩa của Chúa rồi, chỉ vướng mắc một hai điều phải đền trả nữa thôi, hết thời thanh luyện sẽ được kết hiệp trọn vẹn với Chúa. Rửa tội bao giờ cũng bao hàm ơn tái sinh, từ chết (không ơn nghĩa) tới sống thiêng liêng (có ơn nghĩa).

Khi nghe các đóng góp trên, hình như hai vị linh mục cho chúng tôi là những kẻ múa rìu qua mắt thợ, bèn trưng dẫn ba câu Thánh Kinh sau đây để hỗ trợ cho thực hành xem ra hết sức lạ lẫm này, lần đầu được nghe nói tới. Đó là Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, chương 15 câu 29: “ Chẳng vậy, những người chịu phép rửa thế cho kẻ chết thì được gì? Nếu tuyệt nhiên kẻ chết không chỗi dậy, thì tại sao người ta lại chịu phép rửa thế cho kẻ chết” . Câu thứ hai trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, chương 4 câu 6: “Quả thật, chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa”. Còn câu sau cùng cũng được trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, chương 3 các câu 19-20: “Người [Đức Kitô] đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-e đóng tầu…” (trích theo bản Kinh Thánh Tân Ước của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh). Ý của hai cha là có những điều ta không ngờ, nhưng vẫn xẩy ra, và những việc đó có dự liệu trong Thánh Kinh.

Thoạt mới nghe, chúng tôi khá choáng váng. Quả tình có nhiều điều trong Thánh Kinh mình chưa được học. Phải chăng vì thế mà có nhiều chân lý không những chưa được giáo lý của Giáo Hội nói đến, mà còn đi ra ngoài giáo lý ấy nữa, nếu không muốn nói là đi ngược hẳn lại. Hay mình chưa nghiên cứu giáo lý của Giáo Hội một cách thông suốt?

II. Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo

Việc đầu tiên là đọc lại Sách Giáo Lý Của Giáo Hôi Công Giáo, bản tiếng Pháp xuất bản năm 1992, được cựu linh mục Trần Thái Đỉnh chuyển sang tiếng Việt năm 1993. Chúng tôi khá an tâm khi không thấy Sách nhắc gì xa gần tới việc chịu phép rửa thế cho người chết, trong phần nói về Bí Tích Rửa Tội từ số 1213 đến số 1284.

Trước đó, khi nói về phán xét riêng, Sách cho hay: “mỗi người lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình, phần trả công muôn đời cho mình, ngay sau khi chết, trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng diễm phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời.” (số 1022). Nên chú ý: mỗi người đây không phải chỉ nói về mỗi Kitô Hữu, càng không có ý nói mỗi người Công Giáo, mà là mỗi người sinh ra làm người trên cõi dương gian này, bất luận tôn giáo, tín ngưỡng. Vì ít nhất từ Công Đồng Vatican II trở đi (xem Gaudium et Spes số 22, Lumen Gentium số 16 và Ad Gentes số 7), Giáo Hội dạy rằng: “Vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người… cho nên chúng ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần dành cho tất cả mọi người một cách nào đó mà một mình Thiên Chúa biết, để mọi người đều có thể được kết hiệp với Mầu Nhiệm Phục Sinh. Tất cả những người không biết gì về Phúc Âm Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng tìm kiếm chân lý và thực hiện thánh ý Chúa như họ hiểu biết, thì có thể được ơn cứu độ. Người ta có thể giả thiết rằng nếu những người này biết có nhu cầu phải lãnh nhận phép Rửa Tội, chắc họ đã ước ao tỏ tường lãnh nhận phép này” (số 1260). Có thể nói, những người này đã được chịu phép rửa bằng ước ao, là phép cùng với phép rửa bằng máu (tử đạo), “tuy không là bí tích, nhưng mang lại tất cả các hoa trái của Phép Rửa Tội” (số 1258). Được như thế là bởi vì “Thiên Chúa đã gắn chặt ơn cứu độ vào Phép Rửa Tội, nhưng Ngài không bị trói buộc vào các bí tích của mình” (số 1257).

Tóm lại, ta phải hiểu Phép Rửa một cách rộng rãi chứ không chật hẹp theo lối dội nước hay dìm trong nước, vừa gội hay vừa dìm vừa đọc: tôi rửa bạn nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Những người vì lý do này hay lý do khác không thể tiếp nhận Phép Rửa theo lối này, họ vẫn có thể “được rửa” theo lối khác, lối mà nhiều khi chỉ một mình Thiên Chúa biết mà thôi. Ngài không cần họ phải chịu phép rửa theo nghĩa hữu hình trên. Phép Rửa ấy không hoàn toàn tất yếu phải có mới được cứu rỗi.

III. Phép Rửa Tội Thế Cho Người Chết Trong Lịch Sử

Chẳng may, một số nhóm đã hiểu Phép Rửa chỉ theo nghĩa hữu hình trên, dù những nhóm này đều là những nhóm lạc giáo thời Giáo Hội Sơ Khai và gần đây trong Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô Của Các Thánh Thời Sau Cùng (the Church of Jesus Christ of the Latter-Day Saints) còn gọi là Đạo Mormons.

A. Theodotus: Thánh Clêmentê thành Alexandria (153-217 A.D.), trong tác phẩm Excerpta ex Theodoto, có nhắc đến phép rửa thế cho người chết trong chủ trương của một phái Ngộ Đạo doTheodotus lãnh đạo. Theo phái này, những người được rửa tội như 1Cor. 15:29 nhắc đến chính là các thiên thần, các tạo vật thuần thần vốn không bị giam cầm trong vật chất. Chỉ những thuần thần này mới thực sự sống và mới có thể khởi đầu diễn trình cứu chuộc. Những người được các thuần thần này chịu phép rửa thế cho chính là con người chúng ta vốn được Theodotus coi như những người chết vì bị giam hãm trong xác thịt phàm trần. Thành ra, một thiên thần trên trời phải chịu phép rửa trước thế cho người “chết”, sau đó con người ta mới chịu thành sự phép rửa trên trần gian. Ngộ Đạo của Theodotus cho rằng “phục sinh” là việc ‘linh hồn’ người ta được giải thoát khỏi thân xác và được nâng lên ngang hàng với thiên thần. Xem như thế, đây không hẳn là phép rửa một người sống về thể xác chịu thay cho một người chết về thể xác, và phục sinh đây không có nghĩa như Thánh Phaolô đề cập, dù nhóm này xem ra sống cùng thời với Ngài.

B. Cérinthe: Epiphanius, một văn sĩ thế kỷ thứ tư, có đề cập đến phép rửa thế cho người chết của người theo Cérinthe, một nhóm sống ở nửa bán thế kỷ thứ hai, cũng thuộc nhóm Ngộ Đạo, như sau: “khi một người trong số họ chết trước khi chịu phép rửa, thì những người khác chịu phép rửa thay cho họ, nhân danh họ, để khi sống lại, họ không phải chịu hình phạt vì đã không chịu phép rửa…” (Haer.28:6). Ta thấy nhóm này hiểu phép rửa như ta hiểu ngày nay, và người chết đây đúng là người chết phần xác, nên có thể đã dựa vào câu 1 Cor 15:29 của Thánh Phaolô mà chủ trương như thế.

C. Marcion: Sống ở giữa thế kỷ thứ hai, cũng là người chủ trương Ngộ Đạo, được ta biết nhiều hơn qua chủ trương ảo thân thuyết (docetism => Chúa Kitô không phải là người thực mà chỉ là một ảo nhân), từng bị hai thánh Justinô, Irênê và Tertulianô đánh bại. Cả Tertulianô (160-230) lẫn thánh Chrysostômô (345-407) có nhắc đến phép rửa thế cho người chết của nhóm người theo ông này như sau: “khi một dự tòng từ giã cõi đời, họ dấu một người sống dưới giường người chết ấy, rồi tiến lại gần xác chết mà nói với xác chết và hỏi xác chết xem có muốn chịu phép rửa hay không; khi người chết không trả lời, thì người đang ẩn dưới giường người chết lên tiếng thế cho họ mà nói rằng lẽ dĩ nhiên họ muốn chịu phép rửa. Thế là người ta làm phép rửa cho người vừa nói thế cho người chết…”

D. Mormons: Tất cả các thực hành trên đều đã bị hai công đồng Hippo năm 393 và công đồng Carthage lần thứ 3 trong các năm 393-424 chính thức kết án. Nhưng 14 thế kỷ sau, nó lại tái xuất hiện, với một nghĩa triệt để hơn và với phạm vi áp dụng “rộng rãi” hơn nhiều, trong chủ trương của Đạo Mormons. Đạo này do ông Joseph Smith (1805-1844), một người Mỹ, thành lập, dựa trên Sách Mormons, một câu truyện mạo xưng về lịch sử một nhóm người Palestine từ cuộc ly tán Tháp Babel cho đến khi định cư ở Mỹ Châu. Smith và những người kế vị ông thành lập ngay giữa sa mạc Thành Phố Salt-Lake City và tổ chức một loại Nhà Nước kiểu mẫu thật phồn thịnh, nhưng cũng gặp phải một sự chống đối mạnh mẽ, đặc biệt vì chế độ đa thê được cho phép và ngay cả được khuyến khích trong Nhà Nước đó. Ngày nay, những người theo phái Mormons là gần 400,000 người, phần lớn ở tại Tiểu Bang Utah. Tuy nhiên, con số các “giáo hữu” Mormons thì gần như vô số kể, gồm luôn những người sống trước xa thời ông Smith như Christopher Columbus (1446-1506), người tìm ra Mỹ Châu, thậm chí cả Maimonides (1135-1204), nhà thần học Do Thái Giáo nổi tiếng của Tây Ban Nha.

Tất cả đều có nghĩa với chủ trương rửa tội thế cho người chết của ông Smith, bất luận người chết ấy, theo tôn giáo nào, tín ngưỡng lúc còn sống ra sao. Chính vì thế mà Đạo Mormons là đạo hết sức “chuyên nghiệp” trong việc sưu tầm gia phả mọi người trên thế gian, đến nỗi đã lập ra cả một Danh Bộ Gia Phả Quốc Tế (International Genealogical Index). Một câu truyện “kỳ thú” kể về cố gắng thu thập gia phả này đã dẫn một phái bộ Mormons tới Israel năm 1977 để thương lượng với chính phủ Do Thái cho phép họ chụp vi phim văn khố của Nước này, với mục đích không che đậy là để rửa tội theo “Kitô Giáo” cho tổ tiên Nước này mà một số cũng là tổ tiên của người Mormons. Lạ một điều, chính phủ ấy đã chấp thuận lời yêu cầu (Boyd K. Packer, The Holy Temple, Bookcraft 266). Khiến ngày nay, Thư Viện Lịch Sử Gia Đình tại Salt-Lake City có hơn 2 tỉ tên người trên rất nhiều hồ sơ khác nhau, hơn 700,000 hồ sơ vi phiếu, và gần 2 triệu cuộn hồ sơ vi phim gồm từ các gia phả của Triều Tiên đến các hồ sơ của giáo hội Tô Cách Lan cũng như danh bộ tử của Cơ Quan An Sinh Xã Hội Mỹ.

Dù không có trong Sách Mormons, Ông Smith cũng đã công bố “mạc khải” này nhân đám tang của Seymour Brunson, một thành viên Mormons, và năm 1840, Ông viết cho một phái bộ Mormons đang đi công tác tại Anh như sau: “Tôi giả thiết học lý rửa tội thay cho người chết đã đến tai các bạn, và có thể đã khơi dậy nhiều câu hỏi trong tâm trí các bạn. Trong thư này, tôi không thể cung cấp cho các bạn mọi thông tin các bạn muốn biết về nó; nhưng ngoài những hiểu biết độc lập với Thánh Kinh ra, tôi xin nói rằng chắc chắn nó đã được các giáo hội thời xưa thực hành; và Thánh Phaolô đã dựa vào nó để cố gắng chứng minh học lý phục sinh khi nói rằng: “chẳng vậy những người chịu phép rửa thế cho người chết được gì, nếu người chết tuyệt nhiên không chỗi dậy? Tại sao họ lại chịu phép rửa thế cho người chết?” (Lịch sử Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô Của Các Thánh Thời Sau Cùng, 4:231).

Như thế, Ông Smith dựa vào Thư Thánh Phaolô mà bênh vực phép rửa thế cho người chết. Tuy nhiên, Đạo Mormons đi xa hơn các phe lạc giáo thời Thánh Phaolô và thời tiếp liền sau đó nhiều lắm, ở chỗ các lạc giáo ấy chỉ dám rửa tội cho những người đã chết từng có ý muốn rửa tội nhưng chết trước khi ý muốn ấy được thực hiện (một việc thực ra không cần thiết, vì họ đã được rửa tội do lòng ước ao rồi). Trái lại, Đạo Mormons rửa tội cho người chết bất cứ lúc sống họ có muốn rửa tội hay không. Theo họ, Chúa muốn mọi người được cứu rỗi, mà muốn cứu rỗi thì phải chịu phép rửa. Nghĩa là: Nếu người ta không chịu phép rửa lúc còn sống, ta có nhiệm vụ phải vì tình thương rửa tội cho họ lúc họ đã qua đời, y như vì tình thương ta phải lấy nhiều vợ vậy! Smith nhấn mạnh nhiệm vụ này rất quan trọng, nếu sao lãng “liều mình mất ơn cứu rỗi”. Nhiều người cho rằng: không hẳn vì thế mà người Mormons rửa tội cho người chết, cho bằng để tăng con số các giáo hữu của mình, một con số cho đến nay, khá khiêm nhường.

IV. Thánh Phaolô Muốn Nói Gì?

Như vậy đã rõ, ngoại trừ các phe lạc giáo ra, không một giáo hội chính thống nào từng thực hành phép rửa thế cho người chết cả. Phép rửa ấy đã bị các công đồng lên án và việc lên án này đã được mọi giáo hội Kitô Giáo ngày nay chấp nhận, ngoại trừ Đạo Mormons. Nhưng còn Thánh Phaolô, phải hiểu câu nói của Ngài ra sao?

Đây là vấn đề không hẳn đơn giản, nếu ta cứ muốn vượt ra ngoài nguyên tắc muôn thuở là phải đọc Thánh Kinh trong lòng Giáo Hội. Xét cho cùng thì chính Thánh Kinh ta có trong tay cũng hình thành từ trong lòng Giáo Hội ấy. Nó là niềm tin của Cộng Đồng Giáo Hội, nên chỉ Cộng Đồng ấy có tư cách giải thích Thánh Kinh mà thôi, không ai khác. Nếu Giáo Hội ấy đã lên án phép rửa thế cho người chết, thì chắc chắn phép rửa ấy không được các Tông Đồ, trong đó có Thánh Phaolô, ủng hộ. Hệ luận là câu 1Cor 15:29 cũng như hai câu 1Pr 4:6 và 1Pr 3:19-20 không thể dùng để biện minh cho phép rửa ấy được. Tuy nhiên vì Đức Tin luôn đi tìm hiểu biết (fides intellectum quaerens), nên ta thử đi tìm ý nghĩa đích thực của các câu Thánh Kinh trên, nhất là câu của Thánh Phaolô, vì xét cho cùng, những người thực hành phép rửa thế cho người chết đều đã chỉ căn cứ vào câu của Thánh Nhân, ngoại trừ hai linh mục ở Miền Tây còn trưng dẫn thêm hai câu của Thánh Phêrô nữa.

1. Các Bản Dịch: Cha An Sơn Vị và Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh dịch câu của Thánh Phaolô khá giống nhau vì cùng dùng cụm từ thay cho hoặc thế cho để dịch giới từ uper của Hy Ngữ hay pro của La ngữ. Trong khi Thánh Kinh Tin Lành, và Cha Nguyễn Thế Thuấn lại dịch giới từ ấy là vì: “bằng chẳng vậy, những người vì kẻ chết chịu phép báptêm sẽ làm chi? Nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì sao họ vì những kẻ ấy mà chịu phép báptêm?” (Tin Lành). “Chẳng vậy, những người chịu thánh tẩy vì kẻ chết, thì họ làm thế để được gì? Nếu tuyệt nhiên kẻ chết không sống lại, thì tại sao lại chịu thánh tẩy vì người chết?” (Nguyễn Thế Thuấn). Các bản dịch tiếng Anh (cả Tin Lành lẫn Công Giáo) cũng thế, phần lớn dịch giới từ ấy là for, riêng bản Revised Standard Version, thì dịch là on behalf of: “Otherwise, what do people mean by being baptized on behalf of the dead? If the dead are not raised at all, why are people baptized on their behalf?” Dĩ nhiên chữ for trong tiếng Anh có rất nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa on behalf of (thay cho, thế cho), tuy nhiên nó cũng có nghĩa chỉ mục tiêu giống chữ vì của Việt Nam. Vì người chết mà chịu thánh tẩy thì khác, mà chịu thánh tẩy thay cho người chết lại là một việc khác hẳn.

Xem vậy đủ thấy cái “nhức đầu” mà câu viết của Thánh Phaolô đã gây nên. Vì nếu hiểu giới từ ấy là “thay cho, thế cho” thì rõ ràng là có một thứ phép rửa do người sống chịu thay thế cho người đã chết, như Thánh Chrysostômô đã miêu tả chi tiết. Và nếu quả đúng như thế, thì phép rửa ấy đã có từ thời các Tông Đồ, được Thánh Phaolô dùng làm luận chứng chống lại những ai không nhận có phục sinh?

2. Các Chú Thích: Dù dịch giới từ uper, nhưng khi chú thích câu này, Cha Nguyễn Thế Thuấn xem ra lại hiểu chữ này theo nghĩa thay thế, “gốc tích và thể thức của nghi tiết kỳ dị này, ta không còn biết được nữa. Thánh Phaolô không tán thành mà cũng không chê trách. Lý đưa ra đây chỉ là tạm bợ và chỉ có hiệu lực cho độc giả Côrintô”. Tựu chung, đó cũng là lời chú thích của Cha An Sơn Vị và của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Ta hãy nghe Cha Vị: “Không biết bản tính và mục tiêu của thực hành này làm sao. Thánh Phaolô không phán đoán về giá trị việc ấy. Ngài chỉ xác nhận là nếu kẻ chết không sống lại, thì việc ấy là vô lý”. Còn Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh: “Không rõ Thánh Phaolô đề cập đến tập tục nào, nhằm mục đích gì. Ngài không đánh giá, nhưng chỉ cho thấy nó vô nghĩa trong trường hợp kẻ chết không sống lại”. Các bản Thánh Kinh tiếng Anh phần lớn của Tin Lành nên không có chú thích, chỉ có bản của Knox, do Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Anh, Wales và Tô Cách Lan xuất bản tại London năm 1957, là có chú thích và chú thích ấy cũng vắn tắt như các chú thích vừa nhắc: “There may be an allusion to the practice of vicarious baptism on behalf of those who had died unchristened which is known to have existed (though only among the heretics) in second Century A.D. The other explanations are only conjectures” (tạm dịch: có lẽ ám chỉ tập tục rửa tội thế cho người khác, nhân danh những người khi chết chưa được rửa tội, một tập tục người ta biết từng hiện hữu [dù chỉ trong hàng ngũ những người lạc giáo] trong thế kỷ thứ hai sau Chúa Giáng Sinh. Các giải thích khác chỉ là phỏng đoán).

3. Các Chú Giải: Các chú thích trên không soi sáng cho ta hiểu tại sao Thánh Phaolô lại dùng một “nghi tiết kỳ dị” là phép rửa thế cho người chết để biện chứng cho sự phục sinh trong một thư quan trọng gửi tín hữu Côrintô mà không ủng hộ và nhất là không lên án nếu nó “kỳ dị” đến độ phá hủy toàn bộ giáo lý về trách nhiệm cá nhân của người tín hữu sống trên trần gian.

Đã đành, trong thư và nhất là trong chương này Ngài không có ý bàn đến phép rửa mà là nói tới việc xác người ta sẽ sống lại. Nhưng nếu phép rửa thế cho người chết không phải là một thực hành lúc đó đang được áp dụng và được các Tông Đồ cũng như Ngài ngầm ủng hộ, thì Ngài làm sao dùng nó mà biện minh cho việc xác loài người sẽ sống lại? Một số tác giả đã cố gắng giải thích việc này.

Các tác giả Công Giáo phần lớn muốn hiểu câu của Thánh Phaolô theo nghĩa không hẳn chiểu tự để cho thấy Thánh Nhân không có ý nhắc đến phép rửa thế cho người chết. Từ Điển Bách Khoa Công Giáo (The Catholic Encyclopedia) ấn bản năm 1917 có nhắc đến lối chú giải của Tổng Giám Mục MacEvilly khi vị này diễn dịch (paraphrase) câu này như sau: “Một biện chứng khác bênh vực cho sự sống lại. Nếu kẻ chết không chỗi dậy, thì việc tuyên xưng đức tin vào sự sống lại của người chết, lúc chịu phép rửa, có nghĩa lý gì nữa? Tại sao tất cả chúng ta đã chịu phép rửa với lời tuyên xưng đức tin vào sự sống lại?” Vì theo vị tổng giám mục này mọi giải thích đối với những hạn từ mà ngài cho là “khó hiểu” (abstruse) này đều vô nghĩa nếu chúng được dùng để nói đến những thực hành sai lạc hay lầm lẫn. Thánh Phaolô không thể nào lại đặt căn bản cho biện luận của mình trên một thực hành sai lầm, dù là dưới hình thức lối biện bác nhắm vào người (argumentum ad hominem) mà khá nhiều nhà chú giải muốn dựa vào. Thành thử ra, không nên hiểu các hạn từ này theo nghĩa lâm sàng (clinics): rửa tội cho người sắp chết, hay theo nghĩa thay thế (vicarious): rửa tội thay thế cho người đã chết như thói quen của người Do Thái lúc ấy (sic).

Sách Bách Khoa nhận định rằng lối diễn dịch này khiến ta nhớ đến những ngôn từ dùng khi chịu Bí Tích Rửa Tội, là Bí Tích mà mọi người tiến đến buộc phải tin vào mầu nhiệm kẻ chết sống lại như một điều kiện phải có: “Tôi tin kẻ chết sống lại”. Do đó, nó có cái lợi là đem lại cho hai hạn từ “phép rửa” và “kẻ chết” cái nghĩa bình thường của chúng. Chính Thánh Chrysostômô cũng muốn hiểu như vậy. Điều bất tiện là hạn từ “sống lại” được đưa vào đây, nhưng xét theo toàn diện mạch văn, thì có thể hiểu được, vả lại nó được bảo đảm nhờ nhắc đến các đoạn văn khác của Thánh Kinh. Thực thế, theo Thư Do Thái (6:2), xem ra kiến thức về niềm tin phục sinh là một trong những điều căn bản phải học nếu người lớn muốn được rửa tội. Nhận định như thế xong, Sách Bách Khoa cho hay còn một lối giải thích khác theo nghĩa bóng, được Sách cho là có thể có lý (probable), coi “phép rửa” ở đây chỉ về những đau khổ mà các Tông Đồ và các người loan báo ơn cưú rỗi phải chịu trong việc rao truyền Phúc Âm cho người không tin (infidels), vốn được coi như những kẻ chết đối với ơn thánh và sự sống thiêng liêng, với hy vọng biến họ thành những kẻ cùng chia sẻ vinh quang phục sinh với mình. Hai nghĩa gán cho “phép rửa” và “kẻ chết” này vốn có sẵn trong Thánh Kinh. Chính Chúa Giêsu gọi nỗi thống khổ này là phép rửa mà Người sẽ chịu (Mc 10:38,39; Lc 12:50).

Giáo sư thời danh của Trường Thánh Kinh Giêrusalem, Jerome Murphy-O’Connor O.P., trong cuốn chú giải về Thư Thứ Nhất gửi Tín Hữu Côrintô đăng trong Bộ “The New Jerome Biblical Commentary” do ba học giả Thánh Kinh là Raymond E. Brown, Joseph A. Fitzmyer và Roland E. Murphy chủ biên, ấn bản 1990, cũng đi theo chiều hướng “nghĩa bóng” này. Tác giả này cho hay: thần học về bí tích của Thánh Phaolô không thể cho phép Ngài tha thứ cho cái phép rửa thế cho người chết, đầy tính đị đoan mê tín, được… Mặt khác, mạch văn trước đó khiến ta cần phải đọc câu 1Cor 15:29 như để gợi lại thừa tác vụ nói chung của Thánh Phaolô. Điều này được các câu 30-32a củng cố. Do đó, nên diễn dịch câu 1Cor 15:29 như sau: “Tại sao họ lại tự hủy vì những người chết kia? Nếu những người thực sự chết không sống lại, thì tại sao họ lại tự hủy vì những người này?”

Ta nên để ý hai cụm từ quan trọng: “người chết” và “người thực sự chết”. Theo Giáo Sư Murphy-O’Connor, trạng từ “oloxs” được phần lớn các bản dịch, kể cả bản King James Version và hai bản Cựu và Tân Phổ Thông, dịch là “tuyệt nhiên (at all, omnino)” dùng bổ nghĩa cho động từ chỗi dậy hay sống lại. Nhưng trong bản Hy Lạp, nó được đặt trước và bổ nghĩa cho chữ “người chết”. Trong Thư Thứ Nhất này, nó còn được sử dụng cùng cách đó tại hai chỗ khác nữa là 5:1 và 6:7 mà ta phải hiểu với nghĩa là ‘thực sự’ (actually or truly). Thành ra, đáng lẽ không nên dịch Nếu người chết tuyệt nhiên không sống lại, thì tại sao… mà nên dịch: Nếu những người thực sự chết không sống lại, thì tại sao… Mà đã có “người thực sự chết” thì phải có người “thực sự không hay chưa chết” mà chỉ chết về phương diện thiêng liêng; đó chính là “người chết” ở phần đầu, những người chết theo nghĩa bóng, còn người chết ở phần sau là người chết theo nghĩa thể lý, chết thật. Về phương diện này, giải thích của Giáo Sư Murphy-O’Connor tương tự như lối giải thích của Từ Điển Bách Khoa Công Giáo ở trên. Ngoài lối hiểu nghĩa bóng ấy ra, còn một lối hiểu nghĩa bóng khác được Joel R. White trình bầy trong Journal of Biblical Literature số 116/3 năm 1997. White đồng ý với Murphy-O’Connor về vị trí của trạng từ oloxs và do đó ý nghĩa thực của nó. Nhưng tác giả này cho rằng người chết ở đầu câu 29 chỉ chính các Tông Đồ. Muốn hiểu điều này ta phải căn cứ vào các đoạn khác trong Thư Côrintô. Theo đó, Thánh Phaolô thường gọi mình và các Tông Đồ khác là người chết. Bản dịch của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh dịch câu 1Cor 15:31 là “mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết”, nhưng bản Phổ Thông dịch rõ “tôi đang chết”: cotidie morior per vestram gloriam fratres quam habeo in Christo Iesu Domino nostro. Các bản tiếng Anh cũng dịch là “dying daily” . Dù hai chữ: nekron ở câu 29 và apothnesko ở câu 31 không giống nhau về phương diện từ vựng (lexical) nhưng rõ ràng giống nhau về ngữ nghĩa học (semantic) (xem thêm 1Cor 4:9; 2Cor 2:16; 4:11; 6:9). Viết như thế rồi, White đặt câu 15:29 vào đồng văn lớn hơn của cả Thư 1Cor. Ta thấy nơi 1:13-16, Thánh Phaolô viết: “Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao? Tôi tạ ơn Thiên Chúa, vì tôi đã không làm phép rửa cho ai, trừ ông Cơrípô và ông Gaiô. Như thế, không ai nói được rằng anh em đã chịu phép rửa nhân danh tôi
. À, tôi còn làm phép rửa cho gia đình Têphana nữa. Ngoài ra, tôi không biết có làm phép rửa cho ai khác nữa hay chăng” .

Thánh Phaolô có ý nhắc đến việc người thành Côrintô có thói quen tỏ dạ trung thành với vị tông đồ đã rửa tội cho họ. Như thế rõ ràng có thói quen rửa tội nhân danh một ai đó. Trường hợp ở đây, White cho rằng Thánh Phaolô có ý nói đến những người chịu phép rửa nhân danh các Tông Đồ. Như trên đã nói, giới từ uper có rất nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa nhân danh (on account of). Theo White, Thánh Phaolô muốn chống lại cái giáo huấn sai lạc chủ trương không có sống lại bằng cách minh chứng rằng chứng tá của Ngài và việc Ngài sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết cho lời chứng ấy đủ xác minh cho thực tại Phục Sinh của Chúa Giêsu và nguuồn năng lực trong cuộc sống và thừa tác vụ của chính Ngài cũng như của các Tông Đồ khác. Việc người Côrintô muốn vẽ những đường ranh dựa trên dạ trung thành với các người chết là các Tông Đồ chứng tỏ họ nhìn nhận nguồn năng lực kia. Như thế thì tại sao họ lại phủ nhận nguồn năng lực ấy bằng cách dạy rằng không có phục sinh nghĩa là Chúa Giêsu không sống lại.

Lối diễn giảng của White có cái lợi là vẫn làm nổi bật được khía cạnh Thánh Phaolô tấn công điểm không nhất quán (inconsistence) của niềm tin cho rằng không có phục sinh của một số người thành Côrintô. Tuy nhiên, phải nhận rằng dù giải thích thế nào đi nữa (có người như James P. Holdings cho rằng đã có từ 40 đến 200 lời giải thích về câu Thánh Kinh này), vẫn có những khó khăn. Nên Từ Điển Bách Khoa Công Giáo vẫn có lý khi nhận định rằng: “Chỉ người thành Côrintô thời các Tông Đồ mới thực sự hiểu ý nghĩa các chữ này. Tất cả những điều chúng ta có thể biết về ý nghĩa của thời gian xa xôi ấy không thể nào vượt qua giới hạn các phỏng đoán rất có thể có lý mà thôi”. Chính vì thế, phần đông các nhà chú giải vẫn tin rằng ở đây quả Thánh Phaolô có ý nói đến một thứ phép rửa thế cho người chết, một thói quen mà chỉ dân thành Côrintô áp dụng mà thôi, vì ngoài thư này, không một chỗ nào trong Tân Ước nhắc đến nó. Vấn đề là Thánh Phaolô nghĩ sao về nó?

4. Quan Điểm Của Thánh Phaolô Về Phép Rửa Thế Cho Người Chết: Nhiều người cho rằng Thánh Phaolô không kết án cũng không bênh vực phép rửa này, chỉ kể ra để làm nổi bật điểm không nhất quán và do đó phi lý của chủ trương tin rằng không có phục sinh. Thực ra có đúng như thế không? Nhiều nhà chú giải, như Reed và Farkas chẳng hạn cho rằng khi đề cập đến phép rửa này, Thánh Phaolô đổi hẳn chủ từ, có ý nói tới một nhóm người bên ngoài cộng đồng Kitô Giáo: “Từ câu 1 và xuyên suốt cả chương, Thánh Phaolô thưa chuyện với anh em trong Chúa và dùng những từ như anh em, chúng tôi… Chỉ ở câu 29, chữ họ (ngôi thứ ba số nhiều) đột nhiên được sử dụng (Bản tiếng Việt không rõ chữ họ bằng bản tiếng Anh [KJV], xin trích tiếng Anh): Else what shall they do which are baptized for the dead, if the dead rise not at all? why are they then baptized for the dead? ). Do đó, ta có lý kết luận rằng Thánh Phaolô, trong câu 29, đề cập tới một nhóm ở bên ngoài Cộng Đồng Kitô Giáo” (David A. Reed & John R. Farkas, Mormons Answered Verse by Verse. Grand Rapids: Baker 1992). Luận điểm này bị nhà hộ giáo Mormons, John Tvedtnes, bác khước cho rằng trong nguyên ngữ Hy Lạp, không hề có đại danh từ ngôi thứ ba số nhiều mà chỉ là : ”Otherwise, what will do the ones being baptized for the dead? “, nghĩa là chỉ sử dụng hình thức phân từ thụ động (passive participle) “the being baptized (ones) ” làm chủ từ (substantive). Đây cũng là cách dịch của hầu hết các bản dịch sau này. Tuy nhiên nhà hộ giáo Mormons không nói lên được gì vì rõ ràng giọng văn cũng như lối biện luận của Thánh Phaolô cho thấy Ngài liên kết phép rửa thế cho người chết với những người chủ trương không có phục sinh. Thực thế, nếu phép rửa thế cho người chết cũng có cùng một hiệu lực như phép rửa cho người sống, và đo đó được mọi cộng đoàn Kitô Giáo thực hành, thì trong khi biện luận chống lại những người chủ trương không có phục sinh, Thánh Phaolô chỉ cần nhắc chung đến phép rửa, cần chi phải đề cập riêng đến phép rửa thế cho người chết, vì phép rửa bao giờ cũng là biểu tượng bên ngoài minh chứng sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô (Rm 6:3-4)? Phép rửa thế cho người chết, trong tư duy của Thánh Phaolô, hiển nhiên là một thực hành không phù hợp với Kitô Giáo.

Trước nhất, Ngài dùng câu 29 để lột cái mặt không nhất quán của những người chủ trương nó. Một mặt họ nói không có phục sinh, mặt khác họ lại đi rửa tội thế cho người chết, một việc làm biểu tượng cho sự phục sinh ấy.

Thứ hai, phái Mormons cho rằng Thánh Phaolô không bao giờ dùng một thực hành sai lạc để chứng minh sự phục sinh, đúng hơn Ngài đã dùng nó làm chứng cớ hiển nhiên (evidential proof) chứng minh có phục sinh. Nói như thế chứng tỏ họ không quán triệt bao nhiêu nghệ thuật tranh biện của thế giới La Hy vào thời Thánh Phaolô, một nghệ thuật từng được các tác giả lừng danh như Quintilian, Cicero và Aristotle, sử dụng. 1Cor 15 là một điển hình hoàn hảo của nghệ thuật này. Các câu 1 và 2 dẫn ta vào chủ đích của người viết (exordium). Sau đó là phần trình bầy những dữ kiện nền tảng tại các câu 3 đến 5 (narratio). Tiếp đến là phần chứng minh (refutatio,các câu 12-19): thường bắt đầu bằng cách đưa ra phản đề (không có phục sinh) rồi bác khước phản đề ấy. Nếu Thánh Phaolô muốn dùng phép rửa làm bằng chứng (evidential proof) cho phục sinh, thì đáng lẽ Ngài phải đề cập đến nó ở chỗ này: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì thực hành phép rửa của chúng ta vô nghĩa…”. Nhưng Ngài đã không dùng phép rửa thế cho người chết, một thực hành sai lạc, làm “evidential proof” ở đây, mà chỉ dùng nó ở phần peroratio (các câu 29-34) là phần nhắc lại các điểm chính đã trình bầy ở phần probatio (các câu 20-28) tức phần trình bầy luận đề (propositio) để chứng minh, lý lẽ để chứng minh luận đề ấy. Chính ở phần peroratio này, người viết có thể vừa tóm kết vừa quay mũi dùi tấn công phe đối thủ, dùng chính thực hành của họ để vạch trần điều không nhất quán trong chủ trương của chính họ. Và đó chính là điều Thánh Phaolô đã làm.

Thứ ba, cấu trúc của câu 1Cor 15:29 so sánh với các câu khác có cấu trúc tương tự cho thấy việc rửa tội thế cho người chết là một thực hành trái phép. Thực vậy, Thánh Phaolô thường sử dụng cấu trúc “nếu…tại sao” để thách thức đối thủ giải thích các hành vi của họ. Ta hãy xem một số thí dụ:

“Nhưng nếu sự giả dối của tôi làm cho thấy rõ hơn Thiên Chúa là Đấng chân thật, và như vậy càng tôn vinh Người, thì tại sao tôi lại còn bị kết án là kẻ tội lỗi?” (Rm 3:7);

“Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh? (1Cor 4:7)

“Tôi không có ý nói lương tâm của anh em, nhưng lương tâm của người khác, bởi vì chẳng lẽ quyền tự do của tôi lại bị lương tâm kẻ khác xét xử? Nếu tôi vừa tham dự, vừa tạ ơn Thiên Chúa, tại sao tôi lại bị khiển trách vì của ăn mà tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho?” (1Cor 10:29-30)

“Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại?” 1Cor 15:12)

“Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: "Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái? " (Gl 2:14)

“Về phần tôi, thưa anh em, giả như tôi còn rao giảng phép cắt bì, thì tại sao tôi lại vẫn bị ngược đãi? Như thế, thập giá đâu còn là chướng ngại nữa” (Gl 5:11)

“Nếu anh em đã chết cùng Đức Ki-tô và được giải thoát khỏi các yếu tố của vũ trụ, thì tại sao lại rập theo những quy luật, như thể anh em còn sống lệ thuộc vào thế gian? Chẳng hạn: "Đừng ăn cái này, đừng nếm cái kia, đừng đụng vào cái nọ", toàn những cấm đoán về những cái dùng đến là hư. Đó chỉ là những giới luật và giáo huấn của người phàm” (Cl 2:20-22).


V. Rao Giảng Cho Người Chết

Tóm lại, phép rửa thế cho người chết là một phép rửa được những người bác khước sự phục sinh thực hành. Dù Hy Ngữ không dùng đại danh từ “họ” thì thực hành trên cũng là của “họ”, không phải của anh em mình, ranh giới ở đây rất rõ là vì thế, đủ cho thấy phép rửa ấy không những không được các giáo hội chính thống thời các Tông Đồ cũng như sau này thực hành, mà còn bị chính Thánh Phaolô lên án nữa. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội Tông Truyền, tín điều này đủ làm cơ sở để ta không thực hành phép rửa thế cho người chết.

Đã đành nhiều việc lạ vẫn xẩy ra hàng ngày chung quanh ta. Nhưng Giáo Hội Công Giáo chỉ lo phần rỗi cho con người, không lo giải đáp những việc lạ ấy, nếu chúng không mưu ích gì cho phần rỗi con người. Huống chi những thực hành đi ngược lại các tín điều căn bản của Đạo, dù đem lại những hiệu quả lạ lùng, ta cũng không bao giờ cố gắng tìm cách thực hành bằng việc biện minh cho chúng dựa vào Thánh Kinh. Người Mormons có thể vin vào những mạc khải riêng của họ, như họ vẫn làm qua Sách Mormons, mà thực hành phép rửa thế cho người chết. Nhưng khi lấy 1 Cor 15:29 làm cơ sở cho phép rửa thế cho người chết của mình là điều không đúng. Hai linh mục ở Vùng Sâu Vùng Xa còn đi xa hơn phái Mormons bằng cách nại tới hai câu Thánh Kinh khác để biện minh cho việc rửa tội thế cho người chết. Thực sự việc rao giảng cho người chết này ra sao?

1. Hai Mạch Văn Khác Nhau: Khi nại ra hai câu này, hai vị linh mục ở Vùng Sâu Vùng Xa chắc chắn muốn hàm nghĩa người đã chết vẫn có cơ hội nghe Lời Thiên Chúa và do đó, được cứu rỗi, chứ không hẳn nhằm bênh vực cho việc rửa tội thế cho người chết. Tuy nhiên, hai câu Thánh Kinh này không có cùng một mạch văn, cho dù chúng cùng được dùng để khích lệ tinh thần các tín hữu Kitô đang bị bách hại bằng cách nói lên chân lý Chúa Kitô đã toàn thắng trên mọi quyền lực, kể cả sự chết và kẻ gây ra cái chết là ma qủy.

Thực thế, nếu kẻ chết minh nhiên được nói tới trong 1Pr 4:6, thì trái lại trong 1Pr 3:19-20, Thánh Phêrô nhắc đến các vong linh bị giam cầm. Đó là lối dịch của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Vong linh chỉ linh hồn người đã chết, nên có thể đồng nghĩa với người đã chết. Theo chúng tôi, An Sơn Vị có phần xát nghĩa hơn khi dịch là các thần linh bị tù. Các bản dịch tiếng Anh cũng như bản Phổ Thông đều dịch là “spirits” hay “spiritibus” (in quo et his qui in carcere erant spiritibus veniens praedicavit…). Theo linh mục William J. Dalton S.J. trong The New Jerome Biblical Commentary, chữ “spirits” khi được Tân Ước dùng trống không, không có thuộc từ đi kèm, thì thường chỉ các hữu thể siêu nhiên (supernatural beings), cả tốt lẫn xấu, chứ không chỉ hồn con người. Hiểu theo nghĩa đó, câu 1Pr 3:19 không cố ý nhắc đến người chết, và đo đó không thể dùng nó biện minh cho việc rửa tội thế cho người chết được. Mặt khác thuật ngữ bị giam cầm hay bị tù rất ít khi được Thánh Kinh dùng chỉ nơi ở của những người đã qua đời. J.N.D.Kelly, trong A Commentary on the Epistles of Peter and Jude, Baker Book House, 1981, dựa thêm vào thuộc tính “không vâng phục” của các thần linh này mà đồng nhất họ với “các con trai Thiên Chúa” hay các thiên thần sa đọa được Sáng Thế 6:1-4 nhắc đến, tức những kẻ “thèm thuồng” con gái loài người, quên thân phận mình, dan díu với chúng mà sinh ra những đứa con khổng lồ. Văn chương Do Thái sau này khai triển thêm nhiều điều về các tác phong xấu xa của những thần linh này. Cuốn 1 Enoch, một tác phẩm xuất hiện ở thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng Sinh, một cuốn sách gây nhiều ảnh hưởng trên các tác giả Kitô giáo, cho hay tội của chúng chính là bất tuân ví “chúng đã vi phạm giới răn của Chúa” (1 En. xxi.6) nên chúng bị phạt cầm tù (1 En. xviii.14). Dalton cũng đồng ý như thế, và thêm: chúng là tượng trưng cho sự dữ nói chung được Chúa Kitô đến để chính thức công bố ngày tàn của chúng, giống như Enoch đến gặp các thiên thần sa đoạ, không phải để chúng ăn năn trở lại mà là loan báo ngày chúng mạt vận. Chữ “rao giảng”, vì thế, xét cho cùng không chỉnh bằng chữ “loan báo” hay “công bố”, công bố rằng qua cái chết và sự sống lại, Ngài đã toàn thắng, và “đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền” (1 Pr 3:22), đến nỗi “khi nghe tên gọi Giêsu, tất cả mọi đầu gối trên trời, dưới đất và trong âm phủ đều phải bái lậy… và tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:10-11). Sứ mạng Messia của Đức Kitô quả đã đến giai đọan cuối cùng.

Ở đây xin thêm một điều, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, bên cạnh những điểm khác, xem ra hiểu câu này như ám chỉ việc Chúa Kitô xuống ngục tổ tông “để giải thoát những người công chính đã đi trước Ngài “ (số 633). Một lần nữa, ta không thể dựa vào câu trên để biện minh cho phép rửa thế cho người chết. Vì các người được Chúa đến công bố tin vui không phải là những kẻ tội lỗi, mà là “những người công chính”, những người đã tin và chờ mong ơn cứu chuộc từ lâu rồi, có thể nói họ đã chịu phép rửa do lòng ước ao rồi. “Xuống ngục tổ tông” vì thế nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh: Ngài quả đã chết thật rồi và đã đi vào thế giới kẻ chết, để từ đó, rực rỡ sống lại khải hoàn, chính thức loại trừ sự chết!

2. Chết Trước Ngày Chúa Tái Lâm: Bây giờ còn lại câu 1Pr 4:6, trong đó không thể hiểu chữ kẻ chết ở đây theo nghĩa nào khác hơn là kẻ chết phần xác. Chính vì thế, J.N.D. Kelly đã xếp câu này vào một trong những “câu rất tối nghĩa từng làm điên đầu các nhà chú giải” (sách đã dẫn, tr. 172). Đến nỗi Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh không trực tiếp chú thích câu này mà chú thích nó cùng một lúc với câu 1Pr 3:19 trên đây. Dalton trong “The New Jerome Biblical Commentary” tuy có chú giải câu này, nhưng không chi tiết lắm, chỉ chung chung cho rằng người chết ở đây chỉ các Kitô hữu khi sống đã tiếp nhận phúc âm nhưng nay đã qua đời, hàm ý cả họ nữa cũng sẽ được “tưởng thưởng” vào lúc Chúa Kitô phán xét (xem 1 Tx 4:13-18). Kelly cũng nghĩ như vậy. Theo ông, cần phải nối kết câu thoạt đầu thấy khó hiểu này với động lực toàn diện của tác giả bức thư. Động lực đó tất nhiên là để khích lệ các Kitô Hữu trong cơn bách hại. Họ nóng lòng chờ mong Chúa Tái Lâm. Và họ tỏ ra âu lo cho số phận những người đã ra đi trước ngày Chúa Tái Lâm đó, sợ không được dự phần vinh quang của Chúa Kitô khi Ngài tái xuất hiện. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalônica đoạn 4 câu 13-18 từng làm họ an tâm bằng cách đoan chắc với họ rằng: khi Chúa tái xuất hiện, các Kitô Hữu còn sống không có lợi điểm hơn những người đã ra đi. Tác giả Thư 1 Pr này thì cho rằng dưới con mắt những kẻ không tin, dường như những người này hoài công uổng phí, nhưng thực ra, dưới phán định của Thiên Chúa, họ là những người sẽ được sống muôn đời.

Theo thiển ý, người chết đây chỉ chung mọi người chết, vì Giáo Hội đã chính thức đưa mệnh đề “phán xét kẻ sống và kẻ chết” vào cả hai Kinh Tin Kính: Kinh Tin Kính Của Các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Nixêa. Mọi người, bất kể sống hay chết trong ngày Chúa Tái Lâm, đều được phán xét, dựa vào “lời rao giảng”. Lời rao giảng ấy “đã” được rao giảng rồi (nên để ý động từ eueggelisthe [rao giảng] ở thì aorist [quá khứ bất định]) cho mọi người, mọi thời (kể cả trước thời Chúa Giêsu giáng lâm). Trong viễn tượng cánh chung, không một ai có thể nói là mình chưa được nghe “lời rao giảng” ấy, vì thực ra nó đã được nói với lương tâm họ ngay từ lúc họ có trí khôn rồi. Ta hãy đọc lại lời bào chữa của “kẻ dữ” và lời đáp của Thẩm Phán Chung Cuộc: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? " Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời." (Mt 25:44-46). “Lời rao giảng” này hẳn nhiên đã được vị thẩm phán vô cùng công minh nói cho mọi người, cả sống lẫn chết, biết trước cả rồi, trước khi họ tới toà phán xét công minh của Ngài. Không hề có chuyện rao giảng cho kẻ chết để họ ăn năn và được cứu rỗi.

Kết Luận:

Để kết luận, chúng tôi chỉ xin trích lại lời chính Thánh Phêrô đã viết trong Thư Thứ Hai của Ngài, rằng: “không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh” (2Pr 1:20). Riêng về các thư của Thánh Phaolô, Thánh Phêrô có nhận xét như sau: “Trong các thư ấy, có những chỗ khó hiểu; những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh, bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy sự diệt vong” (2Pr 3:16). Muốn tránh được cảnh “vô học” và “nông nổi” trên, tài liệu Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội do Ủy Ban Giáo Hoàng Đặc Trách Kinh Thánh, dưới quyền điều khiển của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, công bố năm 1993, nhắc lại lời khuyên của Công Đồng Vatican Hai như sau: “… người đã chịu rửa tội, khi tham dự việc nghe lời Chúa, mang theo mình cái cảm thức đức tin (sensus fidei) từng là đặc điểm của toàn thể Dân Chúa… Vì nhờ cảm thức đức tin do Thánh Thần chân lý khơi dậy và nuôi dưỡng này, Dân Chúa, được hướng dẫn bởi huấn quyền thánh mà họ luôn trung tín tuân theo, không phải đã chấp nhận lời của con người mà chính là lời Thiên Chúa (xem 1Tx 2:13). Họ bám chặt một cách không sai lạc vào đức tin vốn được các thánh chuyển giao (xem Giuđa 3)… (Lumen Gentium 12)”. Đọc Thánh Kinh mà không dựa vào cái cảm thức đức tin ấy, quả là một liều lĩnh đáng sợ. Chúng tôi hy vọng rằng đây chỉ là những biểu hiện riêng rẽ, cá biệt. Tuy nhiên, các Đấng Bản Quyền chắc chắn không làm ngơ trước các biểu hiện tương tự để Vùng Sâu Vùng Xa thực sự phát triển đồng bộ về mọi phương diện, nhất là phương diện giáo lý chân truyền. Mong thay.

Sydney Tháng 4 Năm 2007

Vũ Văn An


Tài Liệu: Ngoài các tài liệu đã kê rõ trong bài, một số dữ kiện cũng đã được trích dẫn từ những tài liệu sau đây:

1. Wikipedia, Baptism for the dead

2. Eternal Word Television Network, Mormonism’s Baptism For The Dead, Catholic Answers at http://ewtn.com/library/answers/camom2.htm

3. James Patrick Holding, An Examination of “Baptism for the Dead” at http://www.tektonics.org/mordef/baptdead.html

4. David W.T. Brattson, Ancient Gnostic Heretics and Baptism for the Dead at http://www.irr.org/mit/brattson-article.html