Giữa bãi đời còn ngập ngụa những lương tâm rác rưởi vẫn có những tâm hồn như những giọt nước trong veo!

Đó là kết luận của bài phóng sự có tựa đề Những Mảnh Đời Trên Rác của tác giả Vũ hữu Sự trong tuyển tập Sự Đời do nhà xuất bản Lao Động ấn hành cách đây vài năm.

Bãi rác được tác giả chọn trong loạt bài phóng sự là con đường Giãng Võ cách đê La Thành một nhát thước thợ tạo thành ngã tư Thành Công, một ngã tư đặc biệt vì có hai cái chợ đặc biệt. Bên này là chợ Cơ Bắp tức chợ gồm những phu khuân vác; bên kia là chợ rác gồm từ đàn bà trẻ con nhóm từ 3, 4 giờ chiều tới tối thẩm. Tác giả tả cái chợ rác ấy như sau:

Một đoạn hè phố gần 20 mét sát tường khu hội chợ triển lãm ngộn lên những quang gánh, bao tải, túi ni lông lỏng chỏng và nhấp nhô kẻ đứng người ngồi. Đèn đường không đủ sáng, những gương mặt nhô ra thụt vào giữa đống hàng rác rưởi đó bị vỗ nhòa hết cả những đường nét góc cạnh chỉ còn như những mảnh vở, mảnh trắng bệch, mảnh đen thui mảnh nhờn nhơ nước hến, nhấp nhô trong bóng tối lòa xòa, rủ rượi như một đoàn cô hồn thất thểu giữa khoảng âm dương lẩn lộn. Những phế liệu được bới ra từ rác, từ rất nhiều nẻo đường chảy về đây trên những đôi vai chín rạng như sành và những đôi gót chân nứt toát đen sì. Vỏ bia lon, vỏ đồ hộp, giấy lộn, báo cũ, ni lon rách, cho đến xương trâu, xương bò và hàng trăm ngàn thứ khác không sao liệt kê hết được.

Tác giả phân biệt hai hạng dân bới rác: Hạng sang là hạng có tí ti vốn liếng, quang gánh trên vai, có người có cả xe đạp thồ len lách hết hẻm này, hẻm nọ thu mua. Hạng này có chỗ đổ riêng, có nhà thầu riêng chuyên mua của họ; giá cả cũng ổn định không phải kỳ kèo chèn ép. Hạng thứ hai thường tụ tập ở những chợ rác là những kẻ lưng vốn nhẳn như chùi; tài sản đáng giá nhất để hành nghề là cái rổ hay cái bao tải và cái que sắt nhọn một đầu uốn cong. Hầu hết những người bới rác này đều từ các tỉnh xa đổ về. Một tấm ni lon, dăm cái áo rách nhốn nháo gói tất cả vào cái bị, đặt cạnh cái rổ đựng rác hay gởi quanh đâu đó. Ngày đi bòn vo đãi sạn; tối về một hàng cơm quen; thường là cái bọc đồ gia bảo ấy gởi luôn ở hàng cơm. Ăn xong quanh quét một lát chờ nhà hàng đóng cửa một lúc là rải luôn ni lon ra hiên; có đồng nào lận cho chặt vào lưng quần, lăn ra. Không phải tất cả đều là người cô đơn không thân thích ở làng đâu!

Tác giả kể lại trường hợp của một bà cụ tên là Qui, con trai phương trưởng kiểm tra tiền; nhưng thằng quái tử này quí vợ hơn mẹ; suốt ngày chỉ biết sấp mặt đội vợ lên đầu. Con vợ nó lăng loàn ghớm ghiếc chém cả chồng đến toạt máu đầu phải khâu 7, 8 mũi. Bà đã quần quật suốt ngày mà đến bữa đưa bát cơm lên mồm còn bị nó nói như móc cơm ra. Có lần xô xát có cả chồng ngồi đấy, nó bảo chồng: “Có con gái già kia thì không có tôi, anh liệu thế nào thì liệu!” Uất quá bà than: “Nhục thế này thà tao đâm đầu xuống sông cho xong!” Nó giục con: “Mày đi mua sẳn bánh pháo về đây, bao giờ bà ấy đâm đầu xuống sông, tao đốt.” Thế mà thằng chồng cứ trắng mắt ra, nhục quá bà bỏ nhà đi nhập vào đoàn quân bới rác. Có lần trong đống rác bà nhặt được cái ví mở ra một xất tiền 2000, chưa kịp mừng mấy thằng ngồi quán nước gần đấy xô lại: “Bà nhặt được ví của cháu, cho cháu xin!” Bà già vặn hỏi: “Của anh thì trong ví có bao nhiêu tiền nào?” Bọn chúng hét lên: “À, con khọm còn lý sự hả?” Chúng nó đạp bà một cái, giựt phăng cái ví ào lên xe phóng đi. Bà đành im.

Một lần khác, bới từ rác ra một cái bọc bằng vải quí giở ra, bỗng bà lăn còng ra đất líu lưỡi không kêu được. Trong bọc là một đứa trẻ sơ sinh, cuốn rốn còn lòng thòng, người tím ngắt đã chết tự bao giờ! Bà gượng dậy, lùi xa lại chạnh lòng thương đứa trẻ vô tội. Bà quay lại gói kỹ dấu vào rổ rác mang đến bờ sông Hồng, moi một cái lổ con chôn cất. Phải chôn dấu chôn diếm vậy thôi, người khác biết họ báo công an thì rầy rà. Họ còn cho là mình giết người, có thanh minh được cũng vài ngày ở đồn. Đấp đếm xong bà ngồi thừ; cũng sợ người khác biết nên không dám thắp cho cháu một nén hương nữa! Lòng dạ bà áy náy: Thôi con ạ, con cứ nằm đây rồi đêm bà lại ra. Đến tối bà mua thẻ hương, hộp sữa mang đến thắp hương, chôn hộp sữa xuống đầu mộ, ngồi một lát mới về. Càng nghĩ càng khiếp cho nhân tình thế thái.

Họp với những bà già để tạo thành những đội quân bới rác là bọn trẻ con thường ở độ tuổi từ 7, 8 đến 14, 15. Chỉ một số ít là vô gia cư còn phần lớn các cháu là con của gia các đình nghèo ở thành phố không có điều kiện đi học hay là bỏ dở giữa chừng đi bòn mót kiếm thêm giúp bố mẹ. Nhưng nghèo thất học mà vẫn còn tấm lòng tử tế đó là điều tác giả không ngờ còn tìm thấy được giữa các chợ rác ngập ngụa rác rưởi ấy. Tác giả kể:

Tôi để ý đến một cháu gái chừng mười tuổi ôm kè kè một cái bọc ni lon ngồi trước bao tải rác chờ cân.

- “Bọc gì thế cháu?” Em bé đáp:

- “Cháu vừa mua cho em cháu hai cái áo rét, 72 ngàn hai cái chú ạ. Cháu để dành hai tháng mới được.” Tác giả hỏi:

- “Cháu có mấy em?” Đứa bé cho biết:

- “Có hai em thôi.”

- “Bố mẹ cháu làm gì?” Em bé gái kể:

- “Mẹ cháu bán rau ở chợ Giảng Võ; bố cháu bỏ đi từ lúc em út cháu chưa đầy năm. Mẹ cháu làm ruộng ở nhà không đủ nuôi ba chị em cháu, có ngày phải ăn cháo. Sau rồi có người quen rủ lên đây buôn rau, mẹ cháu để hai em ở nhà đem cháu lên đây. Cháu xin nhặt rác mãi mẹ cháu mới nghe.” Tác giả hỏi tiếp:

- “Nhà cháu ở đâu?” Đứa bé đáp:

- “Làm gì có nhà chú! Chút nữa là cháu về chỗ mẹ cháu. Hai mẹ con cáng cái ni lon ra ngủ ngay vĩa hè chỗ gần bộ y tế ấy. Tờ mờ sáng mẹ cháu đi lấy rau về bán, còn cháu đi nhặt rác.”

Cảm thương trước cảnh khốn khổ của đứa bé, tác giả lén bỏ vào rỗ của nó 2 ngàn. Nhưng con bé nhanh mắt chặn tay ông lại và nói:

- Chú đừng làm thế chú à.

Tác giả kết thúc thiên phóng sự như sau:

Tôi vội rụt tay về, cho đến bây giờ tôi vẫn thấy xấu hổ vì cái hành động vô duyên ấy của mình nhưng lòng tôi ấm lên mỗi khi mường tượng lại cái ánh mắt cương quyết của cháu bé lúc nó từ chối đồng tiền bố thí. Trong đống người bị bần cùng đẩy xuống tận đáy xã hội này có rất nhiều tâm hồn đẹp. Những tâm hồn như những giọt nước trong veo giữa cái bãi đời còn ngập ngụa những lương tâm rác rưởi!