Đức Giêsu giải thế cờ bí



Trong khi đang chơi cờ tướng, gặp những nước cờ nan giải không biết nên lùi xe hay chống mã, người trong cuộc thường hay gãi đầu, vuốt râu, rồi chép miệng nói, “Đúng là tiến thoái lưỡng nan”!

Trong hơn ba năm đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giêsu gặp gỡ khá nhiều chống đối từ phía những nhà lãnh đạo tôn giáo. Bởi những bất đồng giữa Đức Giêsu và những nhà lãnh đạo Do Thái, có một số người thuộc giới cầm quyền đã âm mưu ám hại Ngài. Phương cách nhanh chóng và hiệu quả nhất để đạt tới giấc mơ này là chụp lên đầu Đức Giêsu cái mũ cối có dán nhãn hiệu “Do Thái gian”, hoặc tung tin đồn là Ngài chống đối luật Môisen. Bởi thế, ít ra đã có hai lần những nhà lãnh đạo Do Thái gài cờ triệt chiếu bí Đức Giêsu nơi công cộng. Trường hợp thứ nhất xuất hiện trong bản Phúc Âm của Gioan bàn về người phụ nữ ngoại tình trong Gioan 8:1-11. Trường hợp thứ hai được ghi lại trong bản Tin Mừng theo thánh sử Máccô 12:13-17, tranh luận về vấn đề thuế má giữa người Do Thái và Hoàng Đế Cêsar.

Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều giải quyết vấn đề nhanh, gọn, và chính xác. Đặc biệt hơn nữa, trong cả “hai bàn cờ”, Ngài không tiến cũng không thoái, nhưng chọn lựa một nước cờ thứ ba, nước cờ nằm giữa thế công và thế thủ để gỡ giải nước cờ chiếu bí. Triết học Tây Phương gọi nước cờ thứ ba này với một cái tên khá ngộ nghĩnh, “escaping the horns”.

Người Kitô hữu ai lại không quen thuộc với câu chuyện Người Đàn Bà Ngoại Tình và Tranh Luận Về Đóng Thuế Cho Cesar. Nhưng vẫn có một số người không hiểu rõ vị thế bị chiếu bí, chết kẹt, tiến thoái lưỡng nan của Đức Giêsu trong cả hai câu chuyện. Bài tham khảo này do đó sẽ chú trọng vào hai điểm.

(1). Phân tích vị thế tiến thoái lưỡng nan của Đức Giêsu trước thế cờ bí trong Gioan 8:1-11 và Máccô 12:13-17.

(2). Phân tích nước cờ Đức Giêsu đã đi để giải thế cờ chiếu bí.

I. Người Phụ Nữ Ngoại Tình (Gioan 8:1-11)

Theo như thánh sử Gioan, một ngày kia trong Đền Thờ Giêrusalem, những người Biệt Phái và Luật Sĩ mang đến trước mặt Đức Giêsu người thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ nói với Ngài,

— Thưa Thầy, người đàn bà này đã bị bắt quả tang đang ngoại tình. Theo như sách Luật, Môisen đã dạy chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Riêng Thầy, Thầy nghĩ sao?

Trước câu hỏi của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Đức Giêsu yên lặng. Ngài không trả lời, rồi cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất...

A. Danh Tính

Đến ngày hôm nay, rất nhiều người vẫn còn lầm tưởng người thiếu phụ trong câu truyện chính là Maria Mađalêna. Gần đây nhất bộ phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô do tài tử Mel Gibsons đạo diễn cũng vẫn đi theo vết xe đổ của hiểu lầm này. Thật sự ra người đàn bà trong câu chuyện tên chi, không ai biết. Cô ta cũng không phải là một cô gái giang hồ. Nhưng, theo như lời tố cáo của những nhà lãnh đạo tôn giáo, cô ta bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (Gioan 8:4-5). Người phụ nữ trong Gioan 8:1-11 chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong Kinh Thánh (Xem Chú Thích).

B. Tiến Thoái Lưỡng Nan

Theo phong tục Việt Nam, khi một người phụ nữ trong thôn làng không có chồng mà mang thai, hoặc bị bắt quả tang đang lăng nhăng với một người không phải chồng của mình, bản án dành cho người phụ nữ thông thường là cạo đầu bôi vôi. Ngoài cạo đầu bôi vôi, họ còn dẫn người đàn bà đi khắp làng bêu xấu. Có những thôn làng, họ còn mang người thiếu phụ bỏ lên bè thả trôi theo dòng sông.

Riêng người Do Thái, nếu bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, cả hai người đàn ông và đàn bà trong cuộc sẽ bị dẫn ra đầu làng, cả hai sẽ bị ném đá cho tới chết (Lêvi 20:10, Đệ Nhị Luật 22:22-24).

Có một lần, tôi kể câu chuyện Người Phụ Nữ Ngoại Tình cho một người bạn theo đạo Phật,

— Đây là một bàn cờ tướng, Đức Giêsu đang bị gài vào thế cờ bí qua câu hỏi, “Riêng Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Bởi nước cờ chiếu bí này, Đức Giêsu bị đặt vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Đồng ý cũng không được. Phản đối lại càng kẹt hơn.

Bạn tôi thắc mắc,

— Tại sao không được trả lời “đồng ý”?

— Có hai lý do chính để giải thích tại sao Đức Giêsu không được trả lời “đồng ý”.

(1). Nếu đồng ý với bản án ném đá người đàn bà cho tới chết, Đức Giêsu sẽ mắc kẹt với chính quyền bảo hộ La Mã. Do Thái vào thời của Đức Giêsu nằm trong lãnh thổ của đế quốc La Mã. Quyền quyết định về mạng sống của một người, do đó, không nằm trong tay của bất cứ một người công dân nào trong xã hội thuộc địa Do Thái. Quyền đó thuộc về nhà nước bảo hộ La Mã. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu không nên đồng ý với bản án ném đá, bởi nếu Ngài gật đầu, những nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ lập tức gõ cửa Sở Mật Thám La Mã, trình tấu là sáng hôm nay, trên sân Đền Thờ, Đức Giêsu đã ngồi trên ghế chánh án xử tội người đàn bà ngoại tình.

(2). Nếu đồng ý với bản án, Đức Giêsu sẽ mắc kẹt với chính những lời giảng dạy của mình. Đức Giêsu đã từng cất giọng giảng dạy, đề nghị là con người không nên xét đoán và lên án lẫn nhau, nhưng phải biết thương yêu và tha thứ cho những kẻ thù của mình (Lu-ca 6:27-42).

Bạn tôi lại thắc mắc,

— Còn nếu Đức Giêsu “phản đối”, không đồng ý với bản án ném đá?

— Trong trường hợp này, Đức Giêsu sẽ không mắc kẹt với chính quyền bảo hộ La Mã hoặc với chính Ngài, nhưng lại mắc kẹt với người Do Thái. Trong trường hợp phản đối bản án ném đá, Ngài sẽ bị chụp lên đầu một cái mũ cối to tướng in đậm ba chữ Do Thái gian, bởi Đức Giêsu dám chống lại bộ luật của Môisen, bộ Luật đã được lưu hành trong xã hội từ khoảng năm 1250 trước Công Nguyên.

Sau khi giải thích cặn kẽ vị thế cờ bí của bàn cờ tướng trên sân đền thờ giữa Đức Giêsu và những nhà lãnh đạo tôn giáo, tôi hỏi bạn tôi,

— Nếu bạn là Đức Giêsu, bạn sẽ trả lời như thế nào?

— ???

Bạn tôi im lặng, không biết nói chi, nhưng, theo như thánh sử Gioan, vì người ta cứ hỏi mãi, nên Đức Giêsu ngẩng lên và bảo họ,

— Ai trong các ông là người sạch tội, hãy lấy đá ném người phụ nữ này trước đi (Gioan 8:7).

Bởi câu nói này, hình thể tròn đều của đám đông đang bao vây Đức Giêsu và người thiếu phụ ngoại tình từ từ méo dạng, rồi dần dần bốc hơi tan loãng vào trong thinh không. Bắt đầu là những người lớn tuổi, sau cùng là những người trẻ hơn. Mọi người bỏ đi hết.

II. Đóng Thuế Cho Cêsar (Máccô 12:13-17)

Mặc dầu nội dung và chi tiết không giống nhau, bài Tin Mừng theo thánh sử Máccô 12:13-17 diễn tả những tranh luận giữa Đức Giêsu và với một số nhà lãnh đạo người Do Thái về vấn đề thuế má có những cấu trúc tương tự với câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình trong Gioan 8:1-11.

Theo như thánh sử Gioan, vào một ngày kia những người Biệt Phái và một số người trong nhóm Hêrôđê gặp Đức Giêsu. Họ hỏi Ngài có nên đóng thuế cho hoàng đế Cêsar hay không?

Tương tự như câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình, nếu Đức Giêsu lắc đầu đề nghị với những nhà lãnh đạo tôn giáo là không nên đóng thuế cho hoàng đế Cêsar, Ngài sẽ mắc kẹt với chính quyền bảo hộ La Mã. Có lẽ sau khi những tranh luận về thuế má vừa chấm dứt, những nhà lãnh đạo sẽ lên dinh Quan Tổng Trấn bẩm trình là Đức Giêsu ra mặt chống đối đóng thuế cho mẫu quốc La Mã. Trong trường hợp này, rất có thể Quan Tổng Trấn Philatô sẽ thân chinh ký giấy tống giam Đức Giêsu vào ngục. Sau đó cũng có thể ông ta sẽ đích thân đưa Ngài ra Núi Sọ, để có dịp chứng kiến tận mắt giây phút hấp hối của một tên phiến loạn, dám đe dọa đến nền an ninh và sự bảo hộ của mẫu quốc La Mã.

Trong trường hợp ngược lại, nếu Đức Giêsu đề nghị nên đóng thuế cho hoàng đế La Mã, Ngài sẽ tự động bị người đồng hương khoác vào người Ngài bộ đồng phục của Sở Thuế IRS La Mã. Một khi đã được mặc áo Sở Thuế, Đức Giêsu cũng sẽ được đội lên đầu một cái mũ cối với nhãn hiệu “Do Thái gian”, bởi trong mắt của người dân bị thống trị Israel, Do Thái gian là tất cả những con và cháu của tổ phụ Abraham dám đi làm bồi La Mã, hợp tác với nhà nước bảo hộ đàn áp người đồng hương. Cho nên, một khi Đức Giêsu cất giọng giữa thanh thiên bạch nhật đề nghị nên đóng thuế cho Cêsar, Đức Giêsu tự động đội lên đầu mình một cái mũ cối “Do Thái gian”. Trong trường hợp này, không cần tới tin đồn truyền đơn, chẳng cần tới thư nặc danh tố cáo, Đức Giêsu sẽ tự động bị mọi người Do Thái tẩy chay, không giao tiếp.

Trong cả hai trường hợp, hoặc tiến hoặc thoái, hoặc phản đối hoặc đồng ý đóng thuế cho mẫu quốc bảo hộ La Mã, Đức Giêsu đều bị mất chỗ đứng trong lòng quê hương và dân tộc. Nếu vậy, Ngài sẽ không còn bất cứ một ảnh hưởng nào trên người dân đương thời.

Biết rõ những âm mưu đen tối và toan tính gài cờ triệt của đối phương, Đức Giêsu giải thế cờ chiếu bí bằng một đường cờ khác. Thế cờ này Ngài đi ba nước.

Nước cờ thứ nhất, Ngài nói,

— Tại sao các ông lại thử tôi? Hãy cho tôi xem một đồng bạc.

Nước cờ thứ hai, Ngài cầm đồng bạc trên tay, lật coi mặt hình, rồi cất giọng hỏi,

— Hình và danh hiệu này là của ai?

Những nhà lãnh đạo Do Thái trả lời,

— Của Cêsar.

Sau cùng, Đức Giêsu hóa giải thế cờ triệt của đối phương bằng nước cờ thứ ba qua câu nói,

— Hãy trả cho Cêsar những chi thuộc về Cêsar; hãy trả cho Thiên Chúa những chi thuộc về Thiên Chúa (Máccô 12:17).

III. Tiến Thoái Lưỡng Nan

Cả hai lần, trong khi đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi bị đối phương gài cờ triệt, Đức Giêsu đều đã giải gỡ thế cờ chiếu bí, xoay chuyển tình thế từ thủ sang công, từ thụ động sang thế chủ động. Trong câu chuyện về người thiếu phụ ngoại tình, chỉ bằng một nước cờ, Đức Giêsu đã gỡ giải thế cờ triệt qua câu hỏi của một nước cờ công, cũng là một nước cờ chiếu tướng, “Ai trong các ông là người sạch tội, hãy lấy đá ném người phụ nữ này trước đi?” (Gioan 8:7). Bởi bị chiếu tướng, đối phương của Đức Giêsu đứng dậy bỏ bàn cờ. Trong câu chuyện đóng thuế cho hoàng đế Cêsar, Ngài gỡ thế cờ triệt bằng câu nói bất hủ: “Hãy trả cho Cêsar những chi thuộc về Cesar; hãy trả cho Thiên Chúa những chi thuộc về Thiên Chúa” (Máccô 12:17).

www.nguyentrungtay.com

Chú thích

Riêng về nhân vật Maria Mađalêna, theo như thánh sử Luca, Maria Mađalêna là một trong những người môn đệ của Đức Giêsu (Luca 8:1-3). Không ai biết Maria Mađalêna làm nghề chi trước khi cô ta trở thành môn đệ của Đức Giêsu, bởi chi tiết này không được bốn thánh sử nhắc tới. Tuy nhiên, theo như thánh sử Máccô, Maria Mađalêna đã được Đức Giêsu trục xuất ra khỏi người bẩy con quỷ (Máccô 16:9). Theo như thánh sử Gioan, Maria Mađalêna là một trong những người phụ nữ xuất hiện dưới chân cây thập giá của Đức Giêsu (Gioan 19:25).