(Bài suy niệm 4 trong tuần Tĩnh Tâm Linh Mục TGP Huế)

Thư Mục Vụ 2006 của HĐGMVN thúc giục chúng ta hãy góp phần xây dựng một xã hội công bằng: lòng mến Chúa yêu người thôi thúc chúng ta góp phần xây dựng một xã hội trong đó con người có điều kiện để sống xứng với phẩm giá của mình.

Giáo Hội Việt Nam hiện nay có được 6 triệu tín hữu. Dân số Việt Nam hiện nay hơn 80 triệu. Như vậy, người công giáo chúng ta chỉ chiếm được 8%: một sự hiện diện trong lòng dân tộc đang còn ít. Trong bộ máy chính quyền, người công giáo lại rất là ít. Người công giáo chúng ta thật là một đoàn chiên bé nhỏ. Dầu vậy, HĐGMVN vẫn mời gọi chúng ta góp phần xây dựng một xã hội công bằng cho dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta, cho quốc gia Việt Nam yêu mến của chúng ta.

Thánh Gioan nói: Chúa Giêsu là Vua. Trên thập giá Chúa Giêsu, có treo tấm bảng đề chữ "GIÊSU NADARÉT, VUA DÂN DO THÁI" viết bằng ba thứ chữ được thịnh hành lúc đó: chữ Do Thái (làm cho người Do Thái rất đỗi kinh ngạc), chữ Hy Lạp (có tính cách quốc tế lúc đó: Chúa Giêsu là Vua toàn thể thế giới), chữ Latinh, dùng để viết các luật lệ (Chúa Giêsu là Vua lịch sử).

Tấm bảng lạ lùng nầy là do quan Philatô, vị quan đã lên án xử tử Chúa Giêsu. Thật là huyền nhiệm: Chúa Thánh Thần nói qua các người có trách nhiệm.

Trong cái nhìn đức tin, chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu là chủ loài người, chủ lịch sử, chủ vũ trụ. Mọi giai đoạn của lịch sử con người, đều do Chúa an bài sắp đặt. Vì thế, xã hội nào muốn có công bằng, xã hội đó phải nhìn nhận Chúa Giêsu là Vua của mình.

Chúa Giêsu tỏ mình ra các môn đệ

Đã đến giờ Con Người được tôn vinh, đã đến giờ Thiên Chúa tỏ hiện vương triều của Ngài ra.

Cúa Giêsu đưa các môn đệ vào một vườn, vườn Giếtsêmani. Giuđa dẫn đầu đoàn người cầm khí gới và đèn đuốc để bắt Chúa Giêsu. Chính lúc nầy, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ: Chính Ta đây. Đáng lý ra, Giuđa quay trở về với Thầy mình, nhưng Giuđa vẫn ở về phía quân dữ.

Chúa Giêsu tỏ mình ra trong một vườn Cây Dầu. Xưa kia, tại vườn Eden, Giavê Thiên Chúa xuất hiện, đàm đạo với hai ông bà. Vì có Chúa hiện diện, xã hội lúc bấy giờ là một xã hội công bằng,sống trong yêu thương và hoà hợp: Thiên Chúa hài hoà với hai Ông Bà Tổ Tông, hai Ông Bà Tổ Tông sống hài hoà với nhau, và mọi loài trong vũ trụ lúc đó cũng sống hài hoà với loài người.

Nhưng sau khi phạm tội, hai Ông Bà không dám gặp Chúa: họ núp Chúa. Và cũng sau khi phạm tội, ông Ađam không còn nhận ra bà Eva nữa. Một xã hội khước từ Chúa thì làm sao sống công bằng, yêu thương và hoà hợp được.

Chúa Giêsu cho quân dữ tiến tới để bắt mình. Chúa nói thẳng với Phêrô: Hãy bỏ gươm vào bao. Chén Cha đã trao cho Thầy, Thầy không uống sao?

Tại vườn xưa Eđen, loài người bất tuân, bất hiếu đối với Thiên Chúa. Giờ đây, tại vườn Giếtsêmani, Chúa Giêsu vâng phục thánh ý của Thiên Chúa Cha, vâng lời chịu chết để cứu rỗi nhân loại. Và hậu quả của sự vâng phục nầy đem lại sự giao hoà giữa Thiên Chúa và loài người, và giữa loài người với nhau.

Sự hiện diện của Thiên Chúa mới đem lại sự công bằng cho thế gian. Không có Chúa trong xã hội, không đem Chúa vào trong xã hội, chúng ta không thể nào xây dựng một xã hội công bằng được, không thể nào góp phần xây dựng được một xã hội công bằng.

Chúa Giêsu gắn bó với các môn đệ:

Trong khi bị thẩm vấn, Chúa Giêsu nói: tôi nói công khai … Hãy hỏi các môn đệ của tôi. Chúa Giêsu hết lòng tín nhiệm các môn đệ.

Chúa Giêsu tin tưởng các môn đệ, giao tất cả uy tín của mình cho các môn đệ.

Trong khi Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi các môn đệ của mình, thì các môn đệ lại bỏ rơi Chúa: người thì bán Thầy, người thì bỏ Thầy chạy trốn, người thì chối Thầy.

Gương Phêrô: dùng phương tiện thế gian; sống tự lập: không có Chúa, không có anh em. Phêrô quá tự phụ: không tin vào Chúa, không tin vào anh em mình. Và Phêrô vấp ngã nơi mình đáng lý ra không ngã. Phêrô cũng vấp ngã với những con người mình không ngờ.

Anh em linh mục chúng ta muốn làm cái gì cũng phải có Chúa.

Sức mạnh của hàng linh mục chúng ta là vâng lời Đức Giám Mục của mình. Đức Giám mục là dấu chỉ hiệp thông của toàn dân Chúa. Thông hiệp với Đức Giám Mục, chúng ta mới có Chúa trong mình, và chỉ khi đó, chúng ta mới góp phần xây dựng được một xã hội công bằng.

Nầy là Vua các ngươi

Nầy là Vua các ngươi! Chúa Giêsu là chủ tể của lịch sử: Vua Giêsu trong đời sống chúng ta. Cái mở nút của Chúa Giêsu là chấp nhận Thiên Chúa, tùng phục Thiên Chúa để đem lại hài hoà cho dân Chúa.

Dân Do Thái trả lời Philatô: Chúng tôi không có Vua nào khác ngoài Xêda. Dân Do Thái loại bỏ Chúa ra khỏi xã hội mình. Dân Do Thái còn đòi đóng đinh Chúa cho chết. Dân Do Thái muốn quên Chúa Giêsu nhưng không thể nào quên được: Chúng sẽ nhìn thấy Đấng chúng đã đâm thâu qua,

Thập giá Chúa Kitô

Thập Giá Chúa Kitô là phương thế đem lại sự hoà hợp, trật tự và công bằng cho xã hội. Xã hội nào có Chúa Giêsu làm Vua, xã hội đó mới có công bằng