Tưởng nhớ: Sự thật và lịch sử



(Bài thuyết trình Mùa Chay tại nhà thờ Chính Tòa Ðức Bà Paris Chúa Nhật 4 tháng 3 năm 2007 của cha Gérard Pelletier do Văn Hào chuyển ngữ).

Trí tuệ, ký ức và ý chí : chúng ta biết các bậc cố xưa phân biệt ba khả năng này của con người như thế nào, và thánh Âu Tinh nhận thấy trong ba khả năng đó một hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi được khắc ghi vào trong sâu thẳm bản tính chúng ta như thế nào. Ký ức là một yếu tố cần thiết để đáp lại câu hỏi mà mọi người đặt ra cho chính mình về lí do hiện hữu. Vậy nhưng, Ba Ngôi Vị Thiên Chúa không thể tách rời nhau bao nhiều thì ký ức cũng không thể tách rời khỏi trí tuệ, và ý chí của chúng ta bấy nhiêu. Giáo sư Philippe Boutry mới trình bày với chúng ta đối với nhà lịch sử ký ức và lịch sử liên kết với nhau, khác nhau trong mối tương quan hộ tương với sự thật như thế nào. Chúng ta cần đào sâu thêm ở đây chiều kích thần học của chủ đề này. Ðiều này đòi phải đưa ra những quan hệ giữa ký ức- lịch sử- sự thật trong một cặp song song khác là đức tin- lí trí đã được bàn đến trong bài thuyết trình Chúa Nhật trước. Ở bài thuyết trình lần này, trước hết chúng ta hãy ở trước Lời Chúa mời gọi chúng ta tới một sự khiêm nhường nào đó trong tiến trình của chúng ta, khi Lời Chúa khẳng định trong sách Giảng Viên : « Thiên Chúa làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người nhận thức về vũ trụ, tuy thế con người cũng không thể hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử » (Gv 3, 11)

Khi người ki tô hữu suy nghĩ về vai trò của ký ức, điều chợt đến trước tiên trong thần trí là dân Ít ra en được mời không ngừng tưởng nhớ đến những kỳ công của Thiên Chúa trong lịch sử, điều chợt đến tiếp theo là rằng Ðức Ki Tô nói với các môn đệ vào chiều tối Bữa Tiệc Ly hình thành nên Lễ Tạ Ơn (Thánh Lễ) : « Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy » (Tin Mừng theo thánh Luca chương 22, câu 19); và điều chợt đến cuối cùng là rằng Chúa đã hứa với các môn đệ là họ sẽ không đơn chiếc trong hành vi tưởng nhớ của họ : « Ðấng bảo trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. » (Tin Mừng theo thánh Gio-an chương 14, câu 26). Vào lúc thật nhất của cuộc gặp gỡ của người tin Chúa qua bí tích thánh thể với Ðức Ki Tô thì có một hành vi tưởng nhớ được thể hiện : sự thật và ký ức xuất hiện trong sự liên kết với nhau mãi mãi trong cuộc sống ki tô hữu, cùng làm sáng tỏ những chiều kích khác của cuộc sống. Vậy nhưng, người tin Chúa thì không ở một mình, nhưng được Thánh Thần hướng dẫn trong hành vi tưởng nhớ mà Ðức Ki Tô đã hứa cho chính những môn đệ đã soạn thảo nên Kinh Thánh Tân Ước. Trong đức tin, chúng ta có thể thêm vào quan hệ giữa ký ức và lịch sử một quan hệ giữa lịch sử và Truyền Thống, và một quan hệ giữa lịch sử và bí tích, vì Thần Khí (Thánh Thần) vẫn làm việc trong lịch sử và là Ðấng có khả năng nhất đem đến cho lịch sử một ý nghĩa. Chúng ta hãy kế tiếp bàn đến những mối quan hệ này.

1) Lịch sử và Truyền Thống.

Gio-an Phao Lồ II đã đặc biệt quan tâm đến chủ đề lịch sử trong quyển sách cuối cùng của ngài, Ký ức và căn tính (1) : một chương dành để suy niệm tưởng nhớ đến Maria là người « trung thành giữ mọi sự trong lòng. » (Lc 2, 51), tiếp đến là tưởng nhớ đến các Tông Ðồ cấu thành nên Giáo Hội tiên khởi, để đi đến cái mà ngài gọi là « ký ức lúc sinh thời về Giáo Hội ». Những gì Thánh Kinh truyền lại cho chúng ta đều thuộc về ký ức, kể cả, ví dụ như, nội dung của sách Sáng Thế mang lại cho toàn thể nhân loại một ký ức trong trật tự hiểu và chú giải những nguồn gốc của nhân loại.

Ký ức đó, giống như mọi yếu tố về quá khứ, thuộc về lĩnh vực lịch sử, và tạo điểm nắm bắt cho khoa học lịch sử mà chúng ta quan tâm ngày nay : với những phương pháp, tính chắc chắn, ý muốn về tính khách quan được tiết chế bởi ý thức rõ về đóng góp của lịch sử gia trong chất vấn về quá khứ.

Nhưng ký ức đó dẫn chúng ta đi xa hơn trong cái mà chúng ta gọi theo chế độ ki tô giáo là Truyền Thống. Vị chỉ huy của tôi trong quá trình làm nhiệm vụ quân sự một hôm nói về truyền thống như là « tinh hoa từ kinh nghiệm của bao nhiêu thế hệ đã đi trước chúng ta ». Nên chú ý rằng Truyền Thống ki tô giáo không phải là cái tinh hoa đó. Truyền Thống trong ki tô giáo là chính hành vi truyền lại kho tàng đức tin cho mọi thế hệ đón nhận thông điệp về sự Mạc Khải của Thiên Chúa, đó là nhận biết về Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ Tin Mừng của Ðức Ki Tô là Thiên Chúa Thật và Người thật, là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Truyền Thống với hành vì như vậy thì không bị lẫn lộn với cái mà chúng ta gọi là lịch sử. nhưng lịch sử, tức hành vi tưởng nhớ đến những gì Giáo Hội truyền lại, thì thuộc về Truyền Thống, là một yếu tố cấu thành nên Truyền Thống. Mọi cách sử dụng để phân biệt trong trí năng chúng ta nhằm tách biệt những yếu tố thuộc ký ức và Truyền Thống là do việc phẫu thuật với độ chính xác đến độ chỉ cần sơ suất tối thiểu có thể gây ra hậu quả đến chính sự sống…Như vậy, thần học không thể tách khỏi lịch sử và dàn bài cổ điển về thần học xuất phát từ nội dung Kinh Thánh, qua Truyền Thống, để lập ra một cách hiểu theo tính ngụy biện về một vấn đề cụ thể. Nói khác đi, nên nghiên cứu lịch sử, ít ra là lịch sử các học thuyết. Nhưng lịch sử về sự phát triển của một học thuyết có thể bị suy giảm một cách nguy hiểm kiểu như là một tuyển chọn các trích đoạn, đôi khi còn đối lập, hoặc như là một hộp dụng cụ, như là một pháo đài của những lập luận, mà hậu quả là không gì có thể tốt đẹp ngoài sự khô khan, hay tệ hơn nữa là sự cằn cỗi trong việc hiểu biết thần học về mầu nhiệm...Năm 1790, khi các đại biểu quốc hội phải bàn luận về việc cải tổ Giáo Hội Pháp nhằm soạn thảo Hiến Pháp Công Dân về Giới Giáo Sĩ, những phát biếu khác nhau cho thấy quá khứ của Giáo Hội, những cách sử dụng của Giáo Hội, những lối tư tưởng thần học của Giáo Hội, có thể hạn chế và có thể làm cho việc thiết lập một giáo hội học đích thật vốn rất cần thiết trong những viễn cảnh đó trở nên bất thành.

Quả thật, khi Truyền Thống và Lịch Sử kết cấu không tốt với nhau, thì nhiều căn bệnh có thể phát sinh trong đời sống của Giáo Hội :

-Trước tiên, ký ức về một số yếu tố tư tưởng và cuộc sống của Giáo Hội có thể xâm chiếm Truyền Thống và đối lập với Truyền Thống đến mức có thể khép kín Truyền Thống trong những công thức mang tính bảo thủ. Nội dung của đức tin được đồng hóa cách vụng về với những kiểu thuật ngữ của đức tin. Ở đây không phải là một vấn đề liên quan đến phụng vụ khi xét theo tính căn bản và tinh duy nhất của vấn đề, nhưng còn là một vấn đề thần học, vì kho tàng đức tin không ngừng lớn lên với thân mình Giáo Hội, và trọng tâm của thần học công đồng Vatican II : việc quay lại đằng sau là không thể, không kém gì việc chấp nhận một chủ nghĩa bất động để được an toàn, tức là chủ nghĩa bảo thủ không muốn sửa đổi, mà không mất đi một bản chất ý nghĩa. Hành vi Ðức tin của một người công giáo năm 2007 không thể tương đồng với hành vi Ðức tin của những người đã đi trước, trong khi Thiên Chúa vẫn là Một và không đổi thay. Tư tưởng ki tô giáo không phải cải cách thường xuyên, không phải là điều lặp lại thuần túy, nhưng nó là hơi thở của Thần Khí trong thế gian. Âu Tinh không phải là Grégoire, cũng không phải là Tô-Ma, lại càng không phải là Bonaventure, Bellarmin, Congar hay de Lubac, thế nhưng, các con người này làm đầy các thư viện của chúng ta từ những bài viết của họ mà không hề lặp lại nhau. Nếu họ lặp lại nhau, thì chúng ta tiết kiệm được biết bao chi tiêu và không gian thư viện ! Mỗi người là một chứng nhân thật sự về Truyền Thống công giáo mở chúng ta đến với mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vả lại, đừng cho rằng có thể nghiên cứu tư tưởng của họ như thể chúng ta có thể nắm bắt được hoàn toàn người này, người kia. Chúng ta cố gắng hiểu họ trong tính năng động của lí trí đương thời.

- Ở phía ngược lại, bộ phận của lịch sử và ký ức có thể được bàn đến với sự trợ lực của khoa học làm giảm đi tính đích thực của Truyền Thống và qua đó ảnh hưởng đến cả hành vi Ðức tin nữa, qui về mọi « chủ nghĩa tân thời » của lịch sử. Ðức tin bị suy giảm tới một nòng cốt tự cho là nguyên sơ, Phao Lồ trở thành người tạo lập ra ki tô giáo. Từ Renan đến các chương trình truyền hình về Corpus Christi, chúng ta khám phá một nội dung cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trong đó không có gì đáng kể là thú vị và bổ ích. Tính khách quan lịch sử thuần khiết bị thúc đẩy đến cùng cực không chịu chấp nhận suy nghĩ lối vào sự thật như là sự gặp gỡ hay như quan hệ. Nó dẫn đến một « sự trừu tượng hóa phi lí »(2).

Ở phía trung tâm của hai thái cực trên, chúng ta thấy có nhiều dòng tư tưởng cuối cùng phải dùng một điểm của Truyền Thống để tạo ra một hệ thống với tham vọng chiếm vị trí của chính Truyền Thống. Giống như những chuyển động mà một điểm cá biệt của lịch sử, một sự kiện, một thái độ kiểu rôma, trở nên nguồn của các chọn lựa khác đè nặng lên cả đời sống của Ðức Tin. Những nét đẹp nguyên sơ của Giáo Hội Pháp trở thành Pháp giáo, sự tiếp nhận nếu thiếu sắc chỉ của giáo hoàng thì trở thành thuyết đạo lí khắc khổ của Jansenius, cái tổng thể bỏ mặc một suy tư thần học đúng đắn về Giáo Hội hoặc về ân sủng…Biết bao cái hệ thống (ismes) phân chia thân thể giáo hội thay vì xây dựng nó, bóp nghẹt đức tin ki tô giáo trên lương tri con người thay vì mở mang họ đến với cái đẹp vô tận của sự Mạc Khải. Những chuyển động có tính đối lập này cũng có tiện lợi là dẫn đi xa hơn trong suy tư thần học của toàn thể Giáo Hội.

Nhìn ngắm những căn bệnh ấy tác hại đến lịch sử và Truyền Thống, cha Henri de Lubac viết năm 1955 trong tác phẩm Những nghịch lý. Paradoxes: « chú giải một cách tầm thường theo hướng luân lí hóa của những người đã không nghiên cứu chủ đề một cách lịch sử; chú giải một cách chặt chẽ theo hướng lịch sử thuyết của những người đã không đào sâu chủ đề một cách thiêng liêng; thật hiếm có một chủ đề quan trọng mà không bị đề cập theo hai loại chú giải này : mỗi hướng đều có những tính tầm thường xen kẽ nhau » (3)

Lịch sử của Giáo Hội, đặc biệt hơn từ thế kỷ 18, đau khổ vì nhiều chú giải bán phần và suy giảm xung quanh những cuộc viễn chinh hoặc quanh Tòa Thẩm Tra, thậm chí bây giờ lại quanh chiến tranh thế giới thứ hai. Biết bao nhiêu điểm để người ta tấn công và bảo vệ, mà người ta tố cáo gian dối hoặc giả vờ, chúng thách đổ các lịch sử gia có khả năng quan tâm, nhưng thật không may là đóng góp của họ lại thường không được phổ biến rộng rãi đến quần chúng. Về từng điểm trên đây, việc nghiên cứu về những sự thật khách quan có thể bị sai lạc do ít nhiều hiểu sai lệch về Truyền Thống ki tô giáo, và vì vậy hiểu sai về sử mệnh của Giáo Hội trong thế gian. Biết sứ mệnh đó cho phép thoát khỏi những tính tầm thường xen kẽ nhau…

2. Lịch sử, Bí Tích và Thần Khí.

Chúng ta đã bắt đầu bài thuyết trình này bằng việc đề cập đến lời gọi của Ðức Ki Tô : « Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy ». Ký ức của Mẹ Giáo Hội là ký ức bí tích, theo phần mở đầu quen biết trong hiến chế tín lý của công đồng Vatican II Lumen Gentium. Ánh sáng muôn dân : « Trong Ðức Ki Tô, Giaó Hội một cách nào đó là bí tích, có nghĩa Giáo Hội vừa là dấu chỉ, vừa là phương tiện của sự hiệp nhất với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của cả loài người » (Lumen Gentium 1). Nhắm đến sự hiệp nhất của loài người trong Ðức Ki Tô, phải chăng là một ý định điên rồ không sát thực tế của lịch sử thế gian ? Chúng ta có thể nối kết các bí tích như bí tích rửa tội, bí tích thánh thể, bí tích hòa giải với tiến trình của lịch sử ?

Ký ức của Mẹ Giáo Hội là ký ức bí tích với nghĩa đó là ký ức về hành động hữu hiệu của Thiên Chúa trong lịch sử con người chúng ta. Là kẻ tin, chúng ta có sự ưu tiên và có quyền nhìn lịch sử của nhân loại khi khám phá trong lịch sử đó, dò thấu trong lịch sử đó, những dấu chỉ về sự hiện diện và về hành động của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta biết rằng, trong tính hiệp nhất và trong giá trị không thể giảm suy, mỗi người ở trước Thiên Chúa trong lịch sử, trong một thời gian nhất định. Mỗi người tồn tại trong sự thật, hiện diện trước Thiên Chúa trong tự do. Không hề có sự vô danh nào trước mắt Thiên Chúa. Nếu quyết định thế tục hóa cái nhìn về lịch sử, điều này xét về mặt khoa học thì đúng, nhưng vẫn không làm mất đi sự quan phòng của Thiên Chúa, mà ngày nay quá bị quên lãng. Chúng ta hãy lấy lại định nghĩa mới đây trong sách tóm lược về giáo lí công giáo : « Sự quan phòng của Thiên Chúa », sách đưa ra định nghĩa thế này, « là những thiên hướng nhờ đó Thiên Chúa dẫn các tạo vật của Người đến sự hoàn thiện cuối cùng mà chúng được mời gọi. Thiên Chúa là tác giả tối cao của định mệnh của tạo vật. Nhưng, để làm việc này, Thiên Chúa cũng dùng sự cộng tác của các tạo vật. Ðồng thời, Thiên Chúa ban cho các tạo vật phẩm giá tự chúng hành động và tác động lẫn nhau ».(4)

Phải, Thiên Chúa thông qua những thiên hướng vì lợi ích tôi cao của chúng ta, Thiên Chúa gọi chúng ta. Thiên Chúa phó thác cho chúng ta một ơn gọi đặc biệt và ban cho chúng ta phẩm giá được cộng tác vào ơn gọi đó.

Nhắc nhở rằng Thiên Chúa là quan phòng không có nghĩa là bỏ qua lĩnh vực lịch sử, khoa học nhân văn vẫn được xem là những công cụ để hiểu biết được cung cấp nhờ phương pháp của nó. Không chỉ là đọc lại lịch sử và chú giải lịch sử như thể lịch sử gia là người tin Chúa chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa, hoặc ít ra nếu lịch sử gia có thể đưa ra những phương pháp đọc lịch sử được dựa theo những ý thức hệ ngay lập tức. Không, chúng ta không có quyền với ý thức hệ, và điều cấm kỵ này phải ở ngay trọng tâm của các phương pháp của chúng ta, đặc biệt hơn trong những lúc mà Giáo Hội có thể trở thành thiểu số và không ổn. Sẽ nguy hiểm cho rằng mọi phương tiện đều tốt để tự vệ. Nhưng ngay trong khung cảnh tôi luyện của lịch sử gia có sự can thiệp của vai trò thần học. Lịch sử gia không thể hiểu đời sống của Giáo Hội nếu ông làm việc trong sự trừu tượng hóa hoàn toàn về những cách suy nghĩ về đời sống của Giáo Hội. Vấn đề là phải luôn luôn thiết lập sự thật, vì sự thật giải thoát khi nó làm cho con người có lương tâm ngay thẳng tiến về lợi ích của nhân loại.

Sự hiểu biết đó về lịch sử trong tính bí tích của Giáo Hội chiếu sáng một phần đặc biệt cho chuyền động lớn đang linh hứng các nhà tư tưởng lớn công giáo trong những năm 50, khi Yves Congar, Jean Daniélou, Marie-Dominique Chenu, Gaston Fessard, Etienne Gilson, Jacques Maritain, Henri-Irénée Marou, Hans Urs von Balthasar lần lượt in bài về « thần học lịch sử » với ý muốn đưa người ki tô hữu đối diện lại với sử liệu học mác – xít thắng thế lúc bấy giờ. Họ chỉ có thể tìm kiếm một thứ từ vựng thích ứng nhất có thể được nhằm chứng thực rằng sự thật của lịch sử là sự thật về việc đấu tranh của tình yêu của Thiên Chúa trong thế gian này, trong Thành đô này, theo nghĩa ngôn từ thánh Âu Tinh dùng. Sứ mệnh của người tin Chúa không phải là mơ mộng một ki tô giáo hoàn hảo bắt nguồn từ một kiểu mẫu lịch sử nào đó được giả sử ra hoặc được hình thành lại, mà là sứ mệnh làm chứng cho Ðức Ki Tô, theo cái lô gích cuối cùng của Kinh Thánh trong sách Khải Huyền của thánh Gio an.

Trong lòng của mối quan hệ này giữa sự thật của con người và sự thật của Thiên Chúa, ký ức thì không thể tách khỏi sự tha thứ được cầu xin, được đón nhận hết mức khi có thể, được sống sâu lắng. Trước thế gian này, Giáo Hội có thể và phải cầu xin tha thứ vì những chuyện thuộc về quá khứ, và tẩy rửa ý thức tập thể trong Giáo Hội. Ðó là những bước cần làm trong việc hoán cải và tha thứ đã làm nổi bật triều đại Giáo Hoàng của Gio-an Phao Lồ II, và đặc biệt trong lời cầu nguyện trọng thể mùa chay tại toàn thánh Phê rô ở Rôma vào tháng 3 năm 2000, đúng vào thời điểm đang diễn ra nhiều thánh lễ mừng năm đại thánh(5). Giáo Hội có thể nhìn đối diện với quá khứ, đưa ra những hành vi phân định không phải về những người mà sự xét đoán chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa, nhưng là về những hành vi và những sự kiện khách quan không tương hợp với thông điệp của Tin Mừng. Giáo Hoàng Gio-an Phao Lô II không có quyền lên án Godefroy de Bouillon chiếm Giêrusalem, cũng không có quyền lên án thánh Piô V cải tổ Tòa Thẩm Tra rôma, và sự thật là bản văn lời cầu nguyện không lên án xét đoán ai cả. Nhưng Giáo Hoàng có thể xin lỗi vì mỗi lần mà người ki tô hữu đã không tôn trọng ý thức tôn giáo của những người đương thời của họ. Tự bản chất, sự nhận lỗi này không có ý nghĩa gì đối với lịch sử gia, người không hề lên án quá khứ mà ông ta nghiên cứu. Nhưng lịch sử đóng một vai trò thiết yếu trong ký ức sống động của các tập thể, và đặc biệt trong ký ức của Giáo Hội. Chúng ta vừa nêu ra những chuyện gây tai tiếng (xì căng đan) mà lịch sử đã vực dậy : những việc làm của Giáo Hoàng Gio-an Phao lồ II đã tẩy rửa các ký ức của chúng ta và cho phép chúng ta ở trong sự thật trong những cuộc bàn luận đương thời.

Vả lại, bởi vì công đồng kể đến sự hiệp nhất của loài người, công việc về sự thật về lịch sử chúng ta và về những nền tảng của cuộc Cách mạng làm cho việc tìm kiếm sự hiệp nhất giữa những người ki tô hữu trở nên có thể. Sự thật của Thiên Chúa thì mạnh hơn những chia rẽ là hoa trái của những tội lỗi chúng ta (6). Chúng ta hãy biết chiếu ánh sáng vào quá khứ chúng ta, và cũng hãy còn biết lật trang để mà tiến lên và không bị làm tù nhân của những xung đột xưa. Không ai trong chúng ta đã chiếm Constantinople năm 1204, và thật vô ích muốn phá hủy vương cung thánh đường thánh Phê rô ở Rôma nhằm làm quên đi việc bán ân xá cho Luther…

Tóm lại, vì Thần Khí của Thiên Chúa hành động trong lịch sử của thế giới, chúng ta có thể dám khẳng định rằng Thần Khí ớ trong thế gian để chiếu sáng công việc của lịch sử gia, là người muốn biết, muốn hiểu những yếu tố quá khứ của sự Mạc Khải, những yếu tố quá khứ của lịch sử Giáo Hội, chúng ta có thể nói là của các Giáo Hội, nhằm phục vụ con người ngày nay tốt hơn trong hành trình Ðức tin. Dù lịch sử gia làm việc với vất vả về sự thật, điều đó không cản trở việc lịch sử gia được mời gọi mở mắt về cái có thể đem lại ý nghĩa cho biết bao sự sống của bao con người nam và bao người nữ và nhận ra được điều đó. Trong lịch phụng vụ của ki tô giáo, có sự kiện Chúa Giê Su sinh ra, rồi sự kiện Ngaì sống lại từ kẻ chết. Những sự kiện đậm mùi lịch sử mà thực tế vật chất chống cự lại một số phương pháp tìm tòi nghiên cứu, đồng thời mở ra nhiều phương pháp khác. Lịch sử gia biết rằng có một nhân vật chiếm tầm quan trong hàng đầu lúc bấy giờ ở Galilê và tại Giêrusalem. Lịch sử gia tin vào Thiên Chúa thì có thể nhận ra nơi nhân vật đó là người vẫn còn làm xôn xao biết bao người thời nay khi tỏ cho biết trong Thánh Kinh và bàn tiệc bẻ bánh. Sự kiện thật nhất của lịch sử giao kết với sự sống thật, cụ thể, chính lúc này, của một con người bị thương tích và tổn thương do sự dữ, nhưng con người đó lại được Ðấng Tạo Hóa (Thiên Chúa) mời gọi tới hạnh phúc. Lịch sử sẽ có ích lợi gì nếu chúng ta tất cả đều bị kết án ? Không phải thể, chúng ta được mời gọi đến ơn cứu độ, được mời gọi làm con cái Thiên Chúa, và điều đó là sự thật, tóm lại chúng ta được mời gọi đến đời sống thánh. Lịch sử ấn tưởng nhất của sự thật không phải là sự của hành động của các thánh trong thế gian này đó sao, của những người nam, người nữ cho những người đương thời chạm đến cái gì đó về sự hiện diện hữu hiệu của Thiên Chúa. Lịch sử đó đặt chúng ta ở trên cao, rất cao so với các qui tắc tính toan và các tranh luận gây chia rẽ.

Vì vậy chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta phải vun trồng khu vườn của ký ức ki tô giáo chúng ta. Chúng ta không phải mọi người đều đam mê lịch sử, chắc hẳn vậy, nhưng là người ki tô hữu, chúng ta sống trong Truyền Thống, điều này giả định phải có đạo xử thế đối với ông bà tổ tiên, phải hiểu biết đúng đắn về những quá khứ của họ. Mấu chốt là Thiên Chúa được nói lên trong lịch sử, Thiên Chúa không bảo chúng ta tìm kiếm Người trong mơ mộng vẩn vơ. Nghiên cứu học hỏi lịch sử, chính là tiếp cận mầu nhiệm của Thiên Chúa, mầu nhiệm về điều Thiên Chúa muốn. Như mọi cái nhìn về sự thật, sự thật của Thiên Chúa làm chúng ta nên tự do, mở cho chúng ta nhiều viễn cảnh, nhiều hy vọng, nhằm thuyên chuyển ý muốn chúng ta, nhằm biến chúng ta trở thành những người cộng tác thật sự và xứng đáng với những chương trình của Thiên Chúa.

---

Chú thích:

(1) Jean-Paul II, Mémoire et Identité, Paris, Flammarion, 2005, p. 175-182.

(2) Như hồng y Ratzinger nói trong buôỉ thuyết trình « Việc chú giải Kinh Thánh trong tranh luận », trong Khoa chú giải trong ki tô giáo ngày nay. L’Exégèse chrétienne aujourd’hui, Fayard, 2000, trang. 78.

(3) H. de LUBAC, Paradoxes. Những nghịch lí, Cerf, 1999, trang. 81.

(4) Tóm lược giáo lí Giáo Hội Công Giáo. Abrégé du Catéchisme de l’Eglise Catholique, Paris, Bayard-Cerf-Fleurus-Mame, 2005, Question 55.

(5) Documentation catholique. Tài liệu công giáo. Số 2223 ngày 2 tháng 4 năm 2000, trang. 328 tt.

(6) Gio-an Phao Lô II, xem tài liệu đã nêu, trang. 178 và thông điệp Ut unum sint.