Viết cho trong nước



Báo Tiền Phong ở trong nước số ngày Chủ Nhật 18.2.2007 có đăng bài phỏng vấn ông Nguyễn Phú Bình, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Chủ Nhiệm Ủy Ban về Người Việt Nam ở Nước Ngoài, về vấn đề thu hút Việt kiều trở về, trong đó có đề cập đến vấn đề song tịch của người Việt hải ngoại. Ông Bình cho biết như sau:

“Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều phản ánh của bà con về vấn đề hai quốc tịch . Vấn đề này cũng đang được xem xét, trong đó việc hồi hương sẽ thuận lợi hơn . Nếu trước đây qui định rằng người muốn hồi hương phải trở về quốc tịch VN, bây giờ vấn đề đó không đặt ra. Về kỹ thuật, các cơ quan hữu quan sẽ tính toán cụ thể hơn...

“Luật pháp Việt Nam chỉ công nhận một quốc tịch . Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc các cơ quan pháp luật phải nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài những vẫn có quyền được giữ quốc tịch VN, miễn là luật pháp nước đó không cấm việc mang hai quốc tịch . Nếu luật không cho phép, chúng ta cũng có thể đề nghị Chính phủ sửa đổi. Vấn đề này ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ.”


Đọc những lời phát biểu trên, chúng tôi thấy Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyển Phú Bình không nắm vững các nguyên tắc căn bản về luật quốc tịch được quốc tế công nhận, và cũng không nhận thấy được những rắc rối và phi lý do Luật Quốc Tịch Việt Nam đang gây ra cho những người Việt đã gia nhập các quốc tịch khác và những lời than phiền của họ.

Như chúng tôi đã đề cập trong bài “Những điểm bất thường trong Luật quốc tịch VN ”, được đăng trên Saigon Nhỏ số ra ngày 2.1.2007, người Việt hải ngoại đang có hai than phiền chính liên qua đến Luật Quốc Tịch Việt Nam:

Than phiền thứ nhất : Hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều công nhận chế độ song tịch hay đa quốc tịch (Úc có 25% dân số có hai quốc tịch), và khi có tranh chấp về quốc tịch, “Công Ước Hague ngày 12.4.1930 về một số vấn đề liên quan đến sự tranh chấp về luật quốc tịch” (Convention on Certain Questions relating to the Conflict of Nationality Laws), sẽ được áp dụng đề giải quyết. Trong khi đó, Luật Quốc Tịch Việt Nam hiện nay không chấp nhận chế độ song tịch hay đa tịch, và vẫn coi tất cả mọi người Việt đã có các quốc tịch khác như là người Việt Nam, phải bị chi phối bởi luật lệ và quyết định của chính quyền Việt Nam, kể cả khi đang ở ngoại quốc (như trường hợp cô Lisa Pham). Điều này hoàn toàn trái với các công ước, các án lệ, các học lý và các tập tục quốc tế về quốc tịch.

Than phiền thứ hai: Luật Quốc Tịch Việt Nam đã đặt ra những điều kiện và thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam một cách phi lý và rắc rối chưa từng thấy ở bất cứ nước nào trên thế giới: Xin thôi quốc tịch mà phải sưu tra và công bố lý lịch gióng như khi xin nhập quốc tịch!

Thứ Trưởng Nguyển Phú Bình chẳng những không thấy được những than phiền này mà còn nói ngược lại rằng người Việt hải ngoại đang than phiền vì không được giữ quốc tịch Việt Nam khi gia nhập các quốc tịch khác! Không thấy vấn đề làm sao tìm ra giải pháp đúng được?

Thật ra, vấn đề quốc tịch chỉ là một điểm nhỏ trong những bế tắc đã và đang gây rắc rối cho chế độ khi muốn hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Muốn khai thông phải có một chính sách toàn bộ.

CHỈ NHAI LẠI CÁI CŨ

Nhật báo Nhân Dân số ngày 16.2.2007, có đưa ra một bài nhận định dưới đầu đề “Vận hội và tư duy”, đề cập đến những cơ hội và những thách thức khi Việt Nam gia nhập vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Chúng tôi xin trích lại dưới đây một số đoạn chính:

“Với việc chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới vào đầu năm 2007 này, những cơ hội và thách thức của thời kỳ hội nhập đã thật sự mở ra và hiện hữu trong đời sống của cả quốc gia, cũng như của mỗi người dân đất Việt.

“Tổng hòa của tất cả những cơ hội và những thách thức nói trên hợp thành vận hội mới của dân tộc. Vận hội mới đòi hỏi những cố gắng mới. Bởi vì rằng, vận hội mới chỉ là một lời hứa về tương lai. Tương lai đó sẽ tốt đẹp đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của chúng ta tận dụng những cơ hội và hóa giải những thách thức của thời đại như thế nào...

“Sẽ có rất nhiều việc cần phải làm ở đây, như cải cách hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực của hệ thống, đổi mới các thiết chế cơ bản của nền quản trị quốc gia, cải cách hệ thống tư pháp và cải cách hành chính... Tuy nhiên, để làm được tất cả những điều trên, trước hết chúng ta Phải Có Được Một Tư Duy Mới. ..


Tuy nhiên, đây không phải là một suy tư hay một chủ trương gì mới lạ. Từ năm 1986, khi bắt đầu đổi mới, trong bài diễn văn khai mạc đọc tại Đại hội Đảng kỳ VI vào ngày 15.12,1986, Ông Nguyễn Văn Linh cũng đã đưa ra luận điển tương tự như thế. Ông Linh nói:

"Muốn thấy đúng những sự thật về kinh tế xã hội của nước ta là phải đổi mới. Chỉ có đổi mới thì mới phát huy được những nhân tố mới để sửa chữa những sai lầm trầm trọng hiện nay. Và muốn đổi mới thắng lợi thì phải đấu tranh chống cái cũ, chống cái bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là một cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta.”

Sau đó, ông Nguyễn Văn Linh đã kêu gọi đổi mới tư duy”.

Lúc đó chúng tôi đã đặt câu hỏi: Đảng viên và cán bộ đã được đào tạo để trở thành những bánh xe trong một bộ máy, Đảng lắp vào chỗ nào và cho chạy như thế nào là do quyền của Đảng, họ làm gì có tư duy mà bảo đổi mới?

Từ khởi ông Linh khởi xướng đổi mới đến nay, quả thật đã có nhiều thay đổi diễn ra trên đất nước, nhưng tư quy của đảng viên và cán bộ vẫn không thay đổi. Tất cả những gì ông Nguyễn Văn Linh liệt kê trong bài diễn văn đọc hôm 15.12.1986 trước Đại Hội VI vẫn còn như cũ và có nhiều điểm còn trầm trọng hơn: bảo thủ, trì trệ, giáo điều rập khuôn, chủ quan nóng vội, tha hóa biến chất, những thói quen lỗi thời dai dẳng, v.v.

NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI

Trên Saigon Nhỏ số ra ngày 23.2.2007, chúng tôi có nhắc lại lời của cụ Phan Khôi viết trên tờ Trung Lập ở Sài Gòn năm 1930:

“Nhựt Bổn nhờ biết cải cách tận gốc, cải cách từ học thuật tư tưởng cho nên được thành công. Còn ta, không nhè chỗ gốc ấy mà đánh đổ, cứ toan bắt chước người Tây, làm theo cái ngọn, cho nên cuộc duy tân cải cách của ta không được thiệt hiện ra là phải lắm.”

“Cái óc của con người ta không có thể trong một lúc mà đựng được hai thứ mới và cũ. Vậy nên hễ muốn duy tân theo mới thì cần phải rửa cho sạch hết cái óc cũ ấy đi, rồi mới tiếp nhận những cái mới được.”


Cái cũ mà cụ Phan Khôi đòi phải “rửa cho sạch hết” thời đó để đưa đất nước đi lên là chế độ phong kiến với những tàn tích của nó. Cái cũ mà chúng ta cần phải “rửa cho sạch hết” ngày nay là chủ nghĩa cộng sản lỗi thời với những tàn tích của nó.

Một trong những trở ngại chính đưa đến sự bế tắc của mọi nỗ lực cải cách hiện nay là chủ trương “Đảng lãnh đạo”. Nhật báo Nhân Dân nói rằng “Sẽ có rất nhiều việc cần phải làm ở đây, như cải cách hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực của hệ thống, đổi mới các thiết chế cơ bản của nền quản trị quốc gia, cải cách hệ thống tư pháp và cải cách hành chính... Chuyện này Đảng CSVN đã nêu lên cách đây gần 20 năm, nhưng đến nay vẫn không làm được. Tại sao?

Tại vì có sự mâu thẩn giữa cái cũ và cái mới, và hai cái này không bao giờ dung nạp nhau đúng như cụ Phan Khôi đã nhận xét:

Canh tân theo hướng Đại Hội VI và nhật báo Nhân Dân đã đưa ra là canh tân theo chủ trương “thượng tôn luật pháp”. Nhưng khi đã coi luật pháp là trên hết, thì không thể có “Đảng lãnh đạo” đứng trên đầu trên cổ được, vì “Đảng lãnh đạo” có nghĩa là “Miệng tao là luật”, lúc đó luật pháp sẽ không còn nữa. Vậy phải chọn: Hoặc là “Đảng lãnh đạo” hoặc là “thượng tôn luật pháp”. Hai thứ đó không bao giờ dung nạp nhau. Vậy muốn thực hiện một chế độ “thượng tôn luật pháp” để hội nhập vào cộng đồng thế giới thì phải thủ tiêu chủ trương “Đảng lãnh đạo”. Chủ trương đánh đu giữa “Đảng lãnh đạo” và “thượng tôn luật pháp” như Đảng CSVN đã làm từ 1986 đến nay là nguyên nhân đưa đến những thất bại trong các nỗ lực cải cách, nhất là trong vấn đề chống tham nhũng. Những phân tích tiếp theo của chúng tơi sẽ xác định điều đó.

DĨ ĐẢNG TRỊ QUỐC

Chủ trương “Đảng lãnh đạo” đầu tiên không phải là sáng kiến của các nhà lãnh đạo Cộng Sản mà là sáng kiến của nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Dật Tiên (còn gọi là Tôn Văn), nhưng sau đó bị biến thể dần.

Năm 1892, Tôn Dật Tiên đến Áo Môn và thành lập Hưng Trung Hội với chủ trương “Đánh đổ giặc Thát, khôi phục Trung Hoa, lập chủ nghĩa hợp quần”, và giao Trịnh Sĩ Lương cầm đầu để kết nạp đảng viên và bắt đầu hoạt động. Năm 1905, Tôn Dật Tiên đến Nhật và đổi Hưng Trung Hội thành Trung Hoa Cách Mạng Đồng Minh Hội, khởi xướng Chủ Nghĩa Tam Dân: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Ông soạn “Cách mạng phương lược” quy định cách mạng được tiến hành theo ba thời kỳ: quân pháp, ước pháp và hiến pháp. Từ 1907 đến 1908 Tôn Dật Tiên đã lãnh đạo sáu cuộc khởi nghĩa vũ trang, nhưng thất bại.

Ngày 10.10.1911, cuộc cách mạng Tân Hợi bùng nổ, Tôn Dật Tiên trở về nước và được bầu làm Lâm Thời Đại Tổng Thống, ban hành “Ước pháp lâm thời”, thành lập Trung Hoa Dân Quốc, nhưng thành quả cách mạng này đã bị nhóm quân phiệt cướp mất. Năm 1912, Tôn Dật Tiên biến Trung Hoa Cách Mạng Đồng Minh Hội thành Quốc Dân Cách Mạng Đảng, sau đổi thành Trung Hoa Quốc Dân Đảng để tranh đấu bảo vệ “ước pháp” của cách mạng và thực hiện Chủ Nghĩa Tam Dân.

Về tương quan với chính quyền, Tôn Dật Tiên chủ trương dĩ đảng trị quốc, tức lấy đảng trị nước. Tuy nhiên, Quốc Dân Đẳng không kiểm soát chính phủ chặt chẽ như Đảng Cộng Sản sau này. Giữa Đảng và Chính Phủ có Chánh Trị Hội Nghị để trao đổi. Các đảng bộ không trực tiếp can dự vào các công việc của chính quyền, nhưng có quyến giám sát, yêu cầu giải thích hay đưa ra những đề nghị thay đổi, và trình lên Chấp Hành Ủy Viên Hội cấp trên xin với cơ quan chính phủ cấp trên biện lý. Nhưng sự nghiệp chưa thành thì Tôn Dật Tiên qua đời ngày 12.3.1925. Tưởng Giới Thạch lên thay thế và tiếp nối công trình của ông.

Phải đến ngày 23.7.1921, với sự giúp đỡ của Cộng Sản Quốc Tế, Trung Quốc Cộng Sản Đảng mới ra đời và do Trần Độc Tú lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mark – Lénine để chỉ đạo hành động. Đến tháng 6 năm năm 1922, Đảng Cộng Sản Trung Quốc quyết định đặt trực thuộc Đệ Tam Quốc Tế (Komintern) và trở thành Phân Bộ Trung Quốc của Phòng Thông Tin Đệ Tam Quốc Tế.

Khi cướp được chánh quyền, các đảng cộng sản trên toàn thế giới đều bắt chước Tôn Dật Tiên, áp dụng chủ trương “Dĩ đảng trị quốc”, tức “Đảng lãnh đạo”. Nhưng chủ trương “Đảng lãnh đạo” của Tôn Dật Tiên hoàn toán khác với “Đảng lãnh đạo” của các đảng cộng sản.

1.- Chủ trương “Đảng lãnh đạo” của Tôn Dật Tiên vẫn chấp nhận sự tồn tại của các đảng đối lập. Ngoài Trung Hoa Quốc Dân Đảng còn có ba đảng khác vẫn tiếp tục hoạt động, đó là Đảng Cộng Hòa, Đảng Dân Chủ và Đảng Thống Nhất. Cả ba đảng về sau họp lại thành Đảng Tiến Bộ do Lương Khải Siêu lãnh đạo. Đảng Cộng Sản trái lại, không chấp nhận cảng đảng đối lập thật, chỉ dựng ra các đảng đối lập cuội.

2.- Chủ trương “Đảng lãnh đạo” của Tôn Dật Tiên không kiểm soát chính quyền chặt chẽ. Đảng chỉ quan sát và đưa ra khuyến cáo để chính quyền sửa đổi mà thôi. Còn chủ trương “Đảng lãnh đạo” của Đảng Cộng Sản là đảng nắm giữ chính quyền từ trên xuống dưới.

3.- Chủ trương “Đảng lãnh đạo” của Tôn Dật Tiên chỉ áp dụng trong thới kỳ quân pháp và ước pháp, tức chỉ áp dụng trong thời kỳ chuyển tiếp. Đến thời kỳ hiến pháp, quyền lãnh đạo được trao lại hoàn toàn cho những người được dân bầu. Trái lại, Đảng Cộng Sản đã ôm chặt chính quyền từ thời kỳ quân pháp, qua thời kỳ ước pháp, đến cả thời kỳ hiến pháp, và trở thành một đảng độc tài toàn trị với chiêu bài hoa mỹ là “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân lãm chủ. ” Tình trạng suy thoái và hư nát phát xuất từ đó và trở thanh hết phương cứu chửa.

MIỆNG TAO LÀ PHÁP LUẬT!

Câu chuyện Công An thẩm vấn Luật sư Lê Chí Quang ngày 5.9.2001 được Tiến sĩ Nguyễn Thang Giang kể lại sau đây đã thể hiện một cách rõ nét nhất chế độ “Đảng lãnh đạo” của CSVN:

Cuộc thẩm vấn Lê Chí Quang chỉ xoay quanh lá đơn xin thành lập Hội Chống Tham Nhũng của các ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê, nhưng anh bị câu lưu suốt 3 tiếng đồng hồ nên rất bất bình. Càng bất bình hơn khi thái độ của công an Tâm tỏ ra xấc xược và vô văn hóa đến mức không tưởng tượng nổi. Đây là đoạn đối thoại lúc họ chia tay nhau:

- Tao tha cho mày vì mày ốm yếu chứ không, tao đã bắt mày rồi. Nhưng tao cấm mày ra khỏi nhà.

- Có văn bản pháp luật nào cấm tôi ra khỏi nhà không?

- Tao không cần văn bản nào cả

- Vậy là văn bản miệng à?

- Đúng. Miệng tao là pháp luật.

- Vậy thì tôi vẫn cứ ra khỏi nhà nếu tôi muốn.

- Tao sẽ bắt mày ngay nếu mày ra khỏi nhà, mày đừng thách tao!

Nói một cách vắn tắt, trong chế độ “Đảng lãnh đạo” hiện nay, lệnh của Đảng nằm trên hiến pháp và các văn bản luật pháp đã được nhà nước ban hành. Vì coi pháp luật là hàng thứ yếu, nên những hậu quả sau đây đã xẩy ra:

1.- Dùng nghị quyết của Đảng để quy định, sửa chữa hiến pháp và luật pháp quốc gia, mặc dầu Đảng không có quyền lập hiến, lập pháp hay lập quy. Những văn kiện như thế quá nhiều, không thể kể ra hết được.

2.- Không nắm vững hệ cấp pháp lý (legal hierachy) từ cao đến thấp nên dùng văn kiện cấp dưới để thay thế văn kiện cấp trên. Sau đây là một thí dụ cụ thể: Ngày 14.6.1955, Hồ Chí Minh ban hành Sắc Lệnh số 234/SL về tôn giáo. Sắc Lệnh gồm 5 chương, 16 điều, được áp dụng cho đến đầu năm 1991. Bỗng nhiên ngày ngày 21.3.1991 Hội Đồng Bộ Trưởng ban hành Nghị Định số 69/HĐBT, rồi sau đó là Nghị Định số 26/1999/CP ngày 19/04/1999 để thay thế và hủy bỏ Sắc Lệnh số 234/SL.

Như chúng ta biết, theo hệ cấp pháp lý, Nghi Định có giá trị thấp hơn Sắc Lệnh, vậy mà Hội Đồng Chính Phủ lại dám dùng Nghị Định để hủy bỏ và thay thế Sắc Lệnh. Mãi đến năm 2003 Quốc Hội mới ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo số 21/2004/PL.UBTVQH11 ngày 26/11/2003 để điều chỉnh. Những chuyện nghịch đời như vậy quá nhiều.

3.- Không phân biệt được quyền lập pháp và quyền lập quy. Quyền lập pháp và quyền lập quy là những khái niệm sơ đảng được dạy ở năm thứ nhất của trường luật. Quyền lập pháp là quyền làm ra luật, còn quyền lập quy là quyền ấn định thể thức thi hành luật. Văn kiện lập pháp được tiếng Anh gọi là Statute và văn kiện lập quy được gọi là Regulation. Văn kiện lập pháp ở Việt Nam thường được gọi là Dụ, Luật, Sắc Luật hay Pháp Lệnh. Văn kiện lập quy thường được thực hiện dưới hình thức Sắc Lệnh, Nghị Định hay Quyết Định. Học lý và án lệ xác định rõ phạm vi nào thuộc quyền lập pháp, phạm vi nào thuộc quyền lập quy, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam không cần biết những quy định đó, khi nào muốn ra Pháp Lệnh là ra, khi nào thích làm Nghị Định thì làm. Thí dụ vấn đề quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, là vấn đề thuộc quyền lập pháp, nhưng Hội Đồng Bộ Trưởng lại dùng Nghị Định để ấn định như đã nói trên.

4.- Văn kiện luật pháp chỏi nhau: Tờ Thanh Niên ngày 18.8.2006 có viết: Chuyện "chỏi" nhau giữa luật, nghị định và các văn bản hướng dẫn không phải là hiếm và đã được nhắc nhở rất nhiều lần. Tuy nhiên hiện nay, việc "chỏi" nhau giữa Luật Nhà ở và Thông tư 04 của Liên bộ (Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường) đang gây ra tình trạng dở khóc dở cười cho cả doanh nghiệp (DN) kinh doanh nhà ở và các phòng công chứng.

Theo quy định tại điều 93, khoản 3, mục b Luật Nhà ở, trong trường hợp bên bán, bên cho thuê nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở thì hợp đồng về nhà ở không cần chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của UBND xã đối với nhà ở tại nông thôn. Tuy nhiên, tại Thông tư số 04 có hiệu lực từ ngày 3.8.2006 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường về "Hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng văn bản thực hiện quyền lợi của người sử dụng đất" lại quy định "Hợp đồng, văn bản về bất động sản mà bên có bất động sản là tổ chức trong nước, người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì công chứng tại phòng công chứng". Luật quy định một đằng, thông tư hướng dẫn một nẻo khiến cho các DN kinh doanh nhà ở và các phòng công chứng đang gặp khó khăn vì không biết nên làm theo luật hay theo thông tư.

4.- Không phân biệt được thẩm quyền và chức năng của cơ quan tư pháp: Điều 126 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự của Việt Nam cho phép Công An được quyền khởi tố các bị can. Điều này quy định như sau: “Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra có quyền ra quyết định khởi tố bị can.”

Như chúng ta đã biết, trên nguyên tắc, các công an hay cảnh sát tư pháp (có tuyên thệ trước tòa) chỉ là những người phụ tá pháp lý, tức giúp cơ quan tư pháp mở các cuộc điều tra và tìm bắt thủ phạm. Những tài liệu họ thu thập được cũng như những biên bản họ lập đều chỉ được coi là những tài liệu hay những thông tin để giúp tòa xử lý biến cố xẩy ra. Những tài liệu đó chỉ được coi là có giá trị cho đến khi có phản chứng. Khi điều tra, nếu phải thực hiện những hành vi xâm phạm quyền công dân, công an hay cảnh sát tư pháp phải xin lệnh tòa.

Trước khi quyết định có truy tố bị can hay không, và nếu truy tố, sẽ phải truy tố về tội danh gì, công tố viện hay thẩm phán phải lấy lời khai của bị can và nếu cần phải đưa bị can ra trước một phiên tòa điều trần để quyết định. Nói một cách vắn tắt, công an hay cảnh sát tư pháp chỉ là những viên chức phụ tá pháp lý, không thể trao quyền truy tố cho họ được. Trao quyền như vậy là thiết lập chế độ công an trị và biến công an thành một kẻ vừa đá bóng vừa thổi còi. Chuyện đó không thể chấp nhận được.

5.- Biến tòa án và thẩm phán thành công cụ bảo vệ chế độ chứ không phải bảo vệ công lý: Điều 1 Luật số 33/2002/QH10 ngày 2.4.2002 về tổ chức tòa án nhân dân đòi hỏi trong phạm vi chức năng của mình, Toà án có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Điều 23 của Luật số 02/2002/PL-UBTVQH11 ngày 4.10.2002 về thẩm phán và hội thẩm toà án nhân dân có quy định: Trong trường hợp cần thiết, người công tác trong ngành Toà án nhân dân hoặc người do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến công tác tại ngành Toà án nhân dân tuy chưa có đủ thời gian làm Thẩm phán Toà án nhân dân cấp dưới hoặc chưa có đủ thời gian làm công tác pháp luật, nhưng có đủ các tiêu chuẩn khác quy định tại Điều 20 hoặc Điều 21 hoặc Điều 22 của Pháp lệnh này, thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện hoặc Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.”

Như chúng tôi đã nói nhiều lần, luật là một ngành rất phức tạp và càng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Trong thời phong kiến, muốn được cử làm Án sát, phải đậu ít nhất cử nhân. Dưới thời Pháp thuộc và VNCH, muốn làm luật sư phải học 4 năm cử nhân rồi đi tập sự với một văn phòng luật sư ít nhất 3 năm mới được xin thi làm luật sư thiệt thọ. Thi ba lần mà không đậu, phải bỏ nghề. Ở Mỹ, sau khi học xong 4 năm cử nhân luật và thi vào đậu Luật Sư Đoàn thì chỉ có thể ra làm về đụng xe hay ly dị mà thôi. Muốn làm những vụ khó hơn, phải đi làm cho các Law Firm ít nhất là hai năm để học nghề mới có thể ra mở văn phòng độc lập được.

Ấy thế mà ở Việt Nam, chỉ cần có trình độ khoảng lớp 8, không cần học luật ngày nào, được đưa vào một trường pháp lý dạy qua loa về hỏi cung và gõ búa là được cho làm thẩm phán ngồi xét xử. Mọi việc trước đây đã do Ban Nội Chính và Ban Hướng Án lo hết rồi, chỉ cần biết đọc án là được. Với một chế đô tư pháp như thế, không cần những người có học thức và biết luật, chỉ cần những người biết tuân lệnh. Nói cách khác, người làm thẩm phán phải “Hồng” hơn “Chuyên”.

Ngày nay chế độ tư pháp có cải tiến, nhưng “Hồng” vẫn được coi trọng hơn “Chuyên”. Hàng ngàn người tốt nghiệp cử nhân luật ra phải đi buôn, đi làm áp-phe, làm cho các hãng ngoại quốc, còn cơ quan tư pháp vẫn tiếp tục tuyển chọn những người do tổ chức có thẩm quyền điều động đến công tác tại ngành Toà án nhân dân” mặc dầu “chưa có đủ thời gian làm công tác pháp luật” để làm “Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện hoặc Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao”!

Ban Bí Thư Trung Ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 34 - TC/TW ngày 18-3-1994 về "Sự lãnh đạo của Đảng đối với việc tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Toà án nhân dân, Thẩm phán Toà án quân sự các cấp" đã dành quyền tuyển chọn thẩm phán cho các Đảng bộ để bảo đảm có những thẩm phán “Hồng” hơn “Chuyên”.

Ngày 14.10.2006 vừa qua, trong cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm đòan Luật sư thành phố Sài Gòn đã cho biết như sau: “Thẩm phán mặc dù trong tay có những công cụ pháp luật rất rõ ràng nhưng những thư tay, những chỉ đạo của chính quyền làm cho thẩm phán xét xủ không đúng luật.”

Về vấn đề đào tạo luật sư, Luật sư Phạm Thị Vạn Thanh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng cho rằng có nhiều cử nhân luật ra trường không nắm vu7ng những khái niệm cơ bản của luật pháp. Nguyên do là do việc đào tạo tại trường Luật vẫn còn nhiều điều không hợp lý dẫn đến tình trạng kiến thức cũng như khả năng của sinh viên tốt nghiệp thấp.

Phải nắm được các quy định về tổ chức tòa án Việt Nam hiện nay như vậy chúng ta mới hiểu được tại sao ông Nguyễn Văn Hiện, Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, được cử ra điều trần trước Quốc Hội, lại có trình độ pháp lý yếu kém đến mức như vậy. Ông ta đã đòi buộc "Bị can bị cáo dưới góc độ của người công dân tốt thì dù có vi phạm pháp luật cũng phải thành khẩn khai báo!"

Tôi nhớ khi còn ở Việt Nam, mỗi khi có một vụ án khá lớn, tôi thường đến Tòa Sài Gòn nghe xem thiên hạn làm ăn như thế nào. Tôi thấy trên tòa giống hệt một màn tuồng cải lương, ở dưới mấy anh luật sư và người xem kháo nhau: Thằng cha đó biết gì mà xử? Chỉ đớp như máy!”

Ngày nay đọc báo trong nước thì được biết nhà chức trách đã phát hiện nhiều thẩm phán dùng chứng chỉ lớp 8 hay lớp 10 giả. Còn chuyện xử sai và ăn hối lộ thì hết biết. Chúng tôi chưa từng thấy tại quốc gia nào trên thế giới, cơ quan tư pháp phải lập ra “thủ tục giám đốc thẩm” để xét lại những sự vi phạm luật pháp nghiêm trọng trong việc xử án. Chỉ Việt Nam mới phải làm như vậy vì số vụ xử sai quá nhiều. Ông Nguyễn Văn Hiện cho Quốc Hội biết trong năm 2006 vẫn còn 2.584 bản án, quyết định bị hủy để giải quyết lại; 9.486 bản án, quyết định của tòa cấp sơ thẩm bị sửa, và 1.300 vụ án quá hạn luật định, chủ yếu là ở phía Nam, riêng Sài Gòn 800 vụ. Trong số bản án bị sai, sửa, nguyên nhân chủ quan chiếm đến 30%.

Mới đây, thông tấn xã AFP cho hay hôm 22.2.2007, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Thẩm phán Nguyễn Thanh Hải vì đã có hành vi nhận hối lộ. Ông này đã bị khởi tố cùng Luật sư Lưu Đình Nghĩa, sau khi hai ông bị bắt quả tang đang nhận tiền chạy án. Luật sư Nghĩa đã nhận tội, còn Thẩm phán Hải vẫn cho mình vô tội.

Khi làm Thẩm phán tại huyện Di Linh, Luật sư Nghĩa đã bị dân chúng tố cáo nhiều lần nên đã xin nghỉ việc, sau chuyển sang hành nghề Luật sư. Còn Thẩm phán Hải cũng cũng từng bị kỷ luật khi công tác ở tòa cấp huyện.

Ông Bùi Thanh Long Chánh án của Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, cho hay có nhiều thông tin cho biết có những vị Thẩm phán tòa Lâm Đồng liên hệ với Luật sư nhận tiền chạy án, nói có chia cho ông và bà Điệp, Phó chánh án.

Ông Chánh án Bùi Thanh Long khẳng định có lẽ bọn xấu mượn danh ông để trục lợi, và ông mong cơ quan điều tra làm rõ các vụ việc đó.

Có Luật sư đã cho đài BBC biết rằng thẩm phán không nắm vững về luật pháp và đa số chỉ lo kiếm ăn nên cãi chẳng ích lợi gì. Đa số các luật sư, thay vì tranh cãi về luật lý, lại chỉ làm trung gian giữ thân chủ và chánh án để lo chay án. Tin về vụ Luật sư Lưu Đình Nghĩa và Thẩm phán Nguyễn Thanh Hải bị bắt vì chạy án vừa nói là một trong những vụ điển hình.

CON ĐƯỜNG ĐỂ ĐI TỚI

Một vài phân tích sơ khởi trên đây cho thấy nguyên nhân chính đưa đến những bế tác hiện nay của chế độ, là chủ trương “dĩ đảng trị quốc” hay “Đảng lãnh đạo” hay “miệng tao là pháp luật”. Muốn mở một lối thông để đi tới, cái trước tiên là phải chấm dứt chủ trương “Đảng lãnh đạo. ” Phải nhổ cái chốt này mới có lối đi thông qua. Chưa nhổ cái chốt này, bế tắc vẫn còn tồn tại.