Việc giáo dục con cái là một bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng của các bậc phụ huynh, và phải được coi là vấn đề quan tâm bậc nhất của người làm cha làm mẹ. Tại Hoa Kỳ, đất rộng, người nhiều, gia đình phân tán, kẻ còn kẹt lại Việt Nam, người thì định cư ở quốc gia khác hay tiểu bang khác, đại gia đình theo kiểu truyền thống khó có thể được duy trì. "Xẩy cha con chú, xẩy mẹ bú dì" và "họ hàng còn hơn nước lã", ông bà, cô bác khi xưa đều có thể đóng góp trong việc hướng dẫn và dạy dỗ con cái cháu chắt trong nhà. Vì nhu cầu sinh kế, đa số các bà mẹ cung phải lăn vào đời để phụ với chồng kiếm cơm. Thời gian được ở bên con cái để săn sóc và chỉ dạy rất ít. Con cái về nhà từ hai ba giờ chiều, chúng được hoàn toàn tự do không ai kiểm soát cho đến chiều tối bố mẹ mới về. Có những trường hợp khó khăn hơn là có người phải làm ca đêm, từ 3 giờ chiều đến mười một giờ tối. Những người này có lẽ trong tuần không thấy mặt con, vì khi về đến nhà thì con cái đã ngủ say. Những cặp vợ chồng trẻ nếu không được học qua các lớp dự bị hôn nhân, thì sẽ hoàn toàn ngỡ ngàng trước bổn phận dạy dỗ con cái. Xem sách Hoa Kỳ chăng? hay là hỏi mấy ông bà Hoa Kỳ bên hàng xóm? Mỗi gia đình đều phải từ tìm lấy một đường lối khả dĩ thích hợp để hướng dẫn con cái. Nếu may mắn, nhờ được phúc đức ông bà để lại, con cái ngoan ngoãn, học hành tấn tới, không đàn đúm với những lũ bạn cao bồi, sì-ke, băng đảng, thì cha mẹ được hãnh diện, nở mày nở mặt với bạn bè, làm vẻ vang cho cộng đồng. Không may thì con cái hư đốn, hút sách, ăn trộm, ăn cướp, dùng dao dùng súng, bị tù tội làm cho cha mẹ đau khổ. Việc dạy dỗ con cái thật là quan trọng, nhưng những nhà giáo dục Việt Nam lại không mấy khi viết lách về vấn đề này. Chúng ta cần có những buổi hội thảo, những buổi họp mặt của các phụ huynh để chia sẻ kinh nghiệm dạy dỗ con cái, cũng như cần có sách vở để quảng bá các phương pháp hữu ích và thành công.

Tại Sao Cần Dậy Việt Ngữ cho Con Em Chúng Ta?

1. Việc duy trì văn hóa Việt Nam là điều cần thiết. Đọc truyện cổ tích Việt Nam, hát tiếng Việt, ru con bằng tiếng Việt, hiểu được các thành ngữ, ca dao, và biết được các phong tục tập quán của Việt Nam là những điều quan trọng trong việc dạy dỗ và uốn nắn con em chúng ta thành một Việt kiều không mất gốc.

Tôi đã có một học sinh lớp 12 không thạo Việt Ngữ, em đã đổi tên và họ theo kiểu Mỹ, tóc quăn, và với khả năng nói thạo Anh ngữ, khó có thể biết em là người Việt Nam. Vì bị bắt buộc phải lo công việc nhà khi đi học về, thay vì ở lại trường để chơi thể thao, nhất là football, em đã đụng độ mạnh với bố mẹ, và đã bỏ nhà ra đi. Cha em đã từ em, và coi em như đã chết rồi. Em được một người Hoa Kỳ nhận làm con nuôi, và với sự hướng dẫn của người mẹ nuôi và của tôi, em đã dần dần ý thức được rằng em vẫn là người Việt Nam. Em đã nhờ tôi sửa một lá thư em viết bằng tiếng Việt cho cha em để xin lỗi. Vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, em đã nghe lời tôi và lên sân khấu cầm quốc kỳ trong lúc nhạc trổi bài quốc ca Việt Nam trong khi cộng đồng cử hành lễ tế Tổ. Em học sinh này sau đó đã đậu bằng Cao Học về Bang giao quốc tế tại Đại Học Oxford Anh Cát Lợi, và em đã nối lại được mối liên lạc mật thiết với gia đình cha mẹ ruột của em.

Đa số người lớn chúng ta không bao giờ quên những câu ca dao mà mẹ dùng để ru khi dỗ giấc ngủ của chúng ta khi con thơ dại. Tôi và nhà tôi đã dùng những câu này để ru ngủ cháu nội của chúng tôi mỗi khi chúng tôi giữ cháu dùm cho cha mẹ nó. "Cái ngủ mày ngủ cho ngoan, mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về. Mẹ mày bắt được con cá râu trê, năm cổ lôi về cho cái ngủ ăn." Còn những câu thông dụng nhất để răn dạy con như: "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chạy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới tròn đạo con." "Có công mai sắt có ngày nên kim," "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao," "Đi ngày đàng, học một sàng khôn." v..v.. Tôi không chắc con em chúng ta ngày nay con được nghe nói đến, hoặc có nghe nhưng không hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa của chúng.

Rồi những tục lệ ngày Tết, mặc áo mới, sắp hàng mừng tuổi ông bà cha mẹ, sông đất... Có mấy gia đình còn thực hiện những tục lệ này? Năm nay tôi đã đánh máy bài mừng tuổi cha mẹ khi xưa anh chị em tôi đã phải thuộc lòng, và in ra để phát cho các con tôi. Tôi muốn chúng sẽ đọc bài này như khi xưa mười anh chị em tôi cũng phải đọc mỗi sáng mồng một Tết: " Thưa thầy, thưa mẹ, năm mới tới đây. Trăm hoa đua nở, mở mặt tươi mày. Cành nêu tiếng pháo, cất gió tung bay. Tấm lòng hiếu thảo, con xin giãi bày. Chúc cao đường mọi sự mọi hay. Hứa lòng con, mỗi ngày một giỏi. Trước màn dưới gối. Mừng tuổi luôn luôn. Nhớ công sinh dưỡng, như nước như non. Thì khi khuya sớm miếng bùi ngon, xin sao cho trọn đạo làm con." Bài này thật hay, cố ý nghĩa và rất cảm động. Tôi hy vọng các con cháu tôi sẽ tiếp tục học và đọc bài này. Còn một bài chữ Hán khác mà bây giờ tôi không nhớ được hết là bài anh chị em tôi phải đọc vào ngày Tết trước bàn thờ tổ tiên. Đại khái như sau: "Ngô Hoàng mục mục đương thiên. Hải triều sơ kỷ đào nguyên ngũ tuần. Bát thiên thu bát thiên xuân. Sơn Xuyên cống phúc duyên anh tinh tường. Nam huân khúc bạc đầu trường. Thọ cao bái yến minh đường nhất thiên. Quốc gia thành tuệ thân truyền. Khơi khơi tam bách dư niên thái hòa..." Bài này tôi đọc từ khi mới ba tuổi cho đến khi 12, do đó đã thuộc lòng, mặc dầu hồi đó tôi không hiểu ý nghĩa gì cả. Từ năm 1946 vì tản cứ chạy loạn gia đình tôi không còn tiếp nối tục lệ này nữa.

Nói đến văn hóa, chúng ta phải nói đêm âm nhạc. Gần đây với sự phát minh ra máy Karaoke, thanh thiếu niên Việt Nam trên đắt Mỹ bắt đầu tập hát và ưa hát. Trừ một số thích và biết hát những bài hát ngoại quốc, Pháp và Anh, đa số thích hát nhạc Việt. Những bài hát của Đức Huy, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... đã được màn ảnh truyền hình màu giúp cho trở nên sống động trong các gia đình cũng như trong các phòng trà và quán ăn. Nhờ những giòng chữ in lời Việt được chiếu trên màn ảnh, các ca sĩ tập sự có thể hát theo một cách khá dễ dàng, nếu có năng khiếu về nhạc lý. Từ khi có Karaoke chúng tôi thấy xuất hiện rất nhiều ca sĩ mới. Họ sẵn sàng lên sân khấu hát trong các buổi văn nghệ liên hoan, hay các tiệc cưới. Dĩ nhiên trong số này, các em gái và trai nhỏ cũng tỏ ra hát rất vững về phương diện phát âm cũng như nhạc lý. Đây là một điều đáng mừng, vì tôi đã thấy các con tôi chuyển từ nhạc rock sang nhạc Việt., Trong bộ sưu tập các bằng cassette và compact disc, tôi đã thấy rất nhiều nhạc phẩm Việt Nam được trình bày bằng các ca sĩ chúng ưa thích, như Khánh Hà, Ỷ Lan, Don Hồ, Đức Huy,.. . Ngay trên xe hơi các con tôi cũng vặn nhạc Việt thay vì la ó phản đối và yêu cầu tôi vặn sang các đài FM của Mỹ như 101, hay 98.5.

Trong các chương trình văn nghệ được các hiệp hội hay cộng đồng tổ chức, chúng ta đã thấy những màn múa và những vở kịch. Cô nhiều ban vũ có vũ sinh vừa hát những bản dân quê vừa múa. Đôi khi họ cũng mấp máy hát theo nhạc đã thâu băng sẵn, tuy nhiên các vũ sinh cũng phải hiểu được câu chuyện hay hoàn cảnh và tâm tình để diễn xuất cho đúng. Còn về kịch nghệ, tôi đã thấy các em thiếu nhi diễn xuất rất xuất sắc những vở kịch có tính cách lịch sử, hay huyền thoại và những vở hài kịch. Muốn thuộc kịch các em bắt buộc phải biết đọc vở kịch, trừ khi có băng thâu sẵn để vừa nghe vừa học thuộc lòng.

2. Nhu cầu truyền thống giữa các thế hệ trẻ và già. Các bậc lão thành trên đất Mỹ đang gặp rất nhiều trở ngại vì không thể trò truyền tâm sự với lũ cháu sinh trưởng trên đất Mỹ. Chúng ta không cần đề cập đến những sự thay đổi về cách trả lời người lớn, cũng như về các cử chỉ mà khi xưa các cụ cho là hỗn hào. Người già trên đất Mỹ càng ngày càng cảm thấy lẻ loi, vì khó có thể bầu bạn với những đưa cháu ở cỡ tuổi 10 tuổi giở lên, nếu chúng không còn biết nói thạo tiếng Việt. Các cụ mắt kém đâu có thể trông cậy ở lũ cháu đọc cho tờ báo hay cuốn truyện tiếng Việt?

3. Nhu cầu truyền thống giữa những người Việt định cư ở ở các quốc gia khác nhau. Hàng năm vào mùa hè tôi có những đưa cháu qua chơi từ Hòa Lan, và Pháp. Ngôn ngữ độc nhất mà chúng có thể dùng để nói chuyện với nhau là tiếng mẹ đẻ, tức là tiếng Việt. Nhưng chúng chỉ thông thạo tiếng Hòa Lan, tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, cho nên thật là buồn cười khi nghe lũ nhỏ nói chuyện với nhau. Một điều may mắn là tiếng Anh đang được dạy ở các trường trung học tại đa số các quốc gia trên thế giới. Do đó, mỗi khi gặp khó khăn chúng đành phải chuyển qua tiếng Anh, và dùng chân tay để diễn tả. Từ 1975 người Việt chúng ta đã tản mác trên khắp thế giới không kể những quốc gia chính đã thu nhận người Việt di cư, như Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Hòa Lan, Nhật Bản,, có gia đình đã định cư ở những xứ có ít người Việt đặt chân như Tây Ban Nha, Djibouti, Côte d'Ivoire, Tunisie, Algerie, Maroc...

Chúng ta phải công nhận khả năng hấp thụ văn hóa và ngoại ngữ của người Việt trên thế giới hết sức nhanh chóng, nhất là trong giới trẻ. Làm sao để những người Việt di cư này có ngày về gặp nhau tại quê hương xứ sở mà vẫn có thể sinh hoạt bình thường, cảm thấy y như ở nhà, thay vì có cảm giác là một người ngoại quốc về thăm quê mẹ. Người Do Thái và người Trung Hoa trên khắp thế giới đều mở trường dậy tiếng mẹ đẻ cho con em của họ. Tại trường trung học George C. Marshall nơi tôi đã phục vụ, mỗi chủ nhật đều có trường Đại Hàn và trường Trung Hoa. Hàng trăm học sinh người Đại Hàn và Trung Hoa vẫn hàng tuần được học đọc, viết ngôn ngữ của chúng. Tiếng Nhật đã được dậy trên chương trình truyền hình, và được giảng dạy tại trường trung học Thomas Jefferson, và nhiều trường tiểu học trong quận Fairfax.

Người Ả Rập về viếng thăm Thánh Đô La Meca, hay người Do Thái viếng thăm Giêrusalem, chắc chắn là đọc và nói được chữ Do Thái hay Ả Rập để có thể đọc những kinh kệ bằng hai thứ tiếng đó. Khi đi du lịch tập thể, họ có thể có những người hướng dẫn là người xứ họ để giải thích các thắng cảnh và di tích lịch sử cho dễ dàng. Gần đây người Việt cũng tổ chức các chuyến du ngoạn đi Thánh Địa và có các linh mục Việt Nam hướng dẫn để cùng đọc kinh và suy ngẫm về cuộc đời Chúa Giêsu Kitô bằng tiếng Việt Nam. Các chuyến đi này dĩ nhiên được quảng cáo thật kỹ và có thể quy tụ Việt Kiều từ nhiều nơi. Điển hình là chuyến đi dự lễ Phong Thánh của 117 vì Anh Hùng Tủ Đạo Việt Nam tại La Mã vào tháng 6 năm 1988 đã quy tụ mấy ngàn Việt Kiều từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Làm sao để duy trì tiếng Việt nơi con em của chúng ta?

1. Cần có các lớp Việt Ngữ được giảng dạy tại các trường công lập, các lớp tráng niên và tại Đại Học. Nếu nhìn vào cuốn tài liệu công bố các khóa học tráng niên tại Fairfax, chúng ta có thể thấy mỗi tam cá nguyệt có hàng trăm các khóa học đầy đủ thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nga, Ý, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn. Hai khóa tiếng Việt có được tổ chức rồi sau đó có lẽ thiếu sự hưởng ứng đã bị vắng bóng. Tại các Đại Học trên nước Hoa Kỳ chúng ta cũng ít thấy có chương trình Việt Ngữ được tổ chức. Nếu có thì chỉ có các chương trình dậy về văn hóa Việt và Á Châu mà thôi.

Mới đây trong một buổi họp tại một trường trung học, tôi đã được nghe một tin mừng tứ chính miệng ba Marty Abbott, phối trí viên về các chương trình ngoại ngữ của Nha Học Chánh Quận Fairfax, Virginia. Tin mừng đó là, tại trường trung học J.E.B. Stuart, nơi tôi đã từng phục vụ được 11 năm, nói hiện giờ còn có tới trên 150 học sinh Việt Nam, sẽ có chương trình Việt Ngữ được giảng dạy như một ngoại ngữ. Các học sinh Việt Nam có thể học tiếng Việt và được coi như đủ tín chỉ thay cho một ngoại ngữ khác. Ước chi điều này sẽ xảy ra tại nhiều trường khác tại những vùng có đông người Việt di cư.

2. Cần có các lớp Việt Ngữ cuối tuần và mùa hè được các cộng đồng người Việt tổ chức. Hàng năm vào mùa hè chúng ta biết có các lớp tiếng Việt được Hội Giáo Dục Việt Nam tổ chức tại Arlington, Virginia, và Hội Ái Hưũ Người Việt tổ chức tại Maryland. Tại nhà thờ các Thánh Tử Đạo, Việt Nam ở Arlington, trong quá khứ đã có những lớp tiếng Việt mùa hè trong năm năm từ 1980 đến 1985. Sau đó kể từ năm 2002 giáo xứ đã mở các lớp Viêt Ngữ quanh năm với sự giảng dậy của khoảng 40 thầy cô và 250 em học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Hiện nay chương trình Việt Ngữ cũng được thực hiện bởi các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể song song với các sinh hoạt ngoài trời khác. Ngoài ra chương trình giáo lý bằng Việt Ngữ cũng đóng góp không nhỏ vào việc trau dồi tiếng Việt cho các em. Bên Maryland, Giáo Xứ Nữ Vương Việt Nam cũng có chương trình Việt Ngữ và giáo lý được tổ chức song hành từ nhiều năm qua.

Tại Cali hai trung tâm Văn Lang và Hồng Bàng đã tổ chức các lớp Tiếng Việt từ nhiều năm qua và quy tụ được một số thầy cô cùng học sinh rất hùng hậu.

3. Cần soạn thảo, ấn hành và phổ biến nhiều tài liệu giảng huấn Việt Ngữ. Giáo sư Bùi Xuân Bào đã xuất bản những cuốn sách dậy Việt Ngữ ngay từ thập niên 70. Giáo sư Phạm Văn Hải, tiến sĩ ngôn ngữ học cũng đã ấn hành một cuốn sách chỉ dẫn phương pháp dậy tiếng Việt cấp tốc mà có kết quả mỹ mãn vào cuối thập niên này. Gần đây chúng ta thấy có nhiều sách vở được bày bán tại các tiệm sách được xuất bản từ Cali. Có lẽ cần có một Đại Hội quy tụ các giảng viên Việt Ngữ để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, cũng như để phổ biến các tài liệu hữu ích. Trung Tâm Văn Lang và Hồng Bàng bên Cali đã cho ấn hành các sách giáo khoa cho từ lớp 1 đến lớp 12.

4. Cần có những sách vở báo chí song ngữ để giúp cho nhiều lứa tuổi. Bên Cali, ông Quyên Di đã cho phát hành tờ báo Tuổi Hoa, trong báo này có một vài bài được đang bằng song ngữ. Một số các chuyện cổ tích Việt Nam cũng đã được xuất bản song ngữ. Tuy nhiên tôi thấy có lẽ trong tương lai cần có nhiều truyện ngắn, truyện dài nổi tiếng được dịch từ tiếng Anh, và Pháp, và in song ngữ, để giúp cho các em đã quen tiếng Việt có thể đọc để có thêm từ ngữ; đồng thời có thể giúp cho những người đang học tiếng Anh và tiếng Pháp có thể đối chiếu mà trau dồi các ngoại ngữ nói trên. Các tờ báo Công Giáo cũng có những phụ lục cho thiếu nhi, như báo Trái Tim Đức Mẹ. Có những báo có bài viết bằng tiếng Anh do các em chủ xứơng. Việc này khuyến khích các em viết và đọc, cũng như tâm tình với nhau, nhưng không giúp các em trau dồi Việt Ngữ.

5. Cần có các bằng cassette hay video để dậy tiếng Việt, dậy hát và kể chuyện cổ tích Việt Nam cho các thiếu nhi. Nhà xuất bản Thế Hệ và Hải Âu Tuổi Xanh bên Cali đã phát hành những băng Thế Hệ Trẻ từ số 1 đến số 25. Các băng Video này có những bài hát phổ thông cũng như mới lạ, những để hát theo. Tôi đã vặn băng này cho hai đứa cháu nội không biết tiếng Việt, chúng đã quen và ưa xem các chương trình Barney cho nên khi thấy các em Việt Nam múa hát chung rất thích thú và ngồi xem mê say. Nếu chúng ta có thể biến các băng này thành các bằng karaoke có ghi lời Việt của các bài hát, thì có lẽ đây cũng là một phương pháp hữu hiệu để dậy các em tiếng Việt.

6. Cha mẹ cần thúc đẩy và giúp đỡ con cái nói và đọc tiếng Việt.

Báo Thị Trường Tự Do ấn hành ngày 15/3/94 trong bài "Muốn cho con em học Việt Ngữ mà không có thì giờ đến trường thì phải làm sao?" Bà Thục Quyên đã để nghị các biện pháp sau đây:

a. Nói chuyện với con bằng tiếng Việt: Cần có những bữa cơm gia đình mỗi tối ít nhất một giờ mỗi ngày để cha mẹ con cái hàn huyên tìm hiểu về đời sống học đường và ở sở của mỗi thành phần trong gia đình. Tôi xin đề nghị thêm là tập cho con cái biết nói: "Mơì cha mẹ, anh chị sơi cơm" trước bữa ăn. Trước là tập nói những cậu để, sau là duy trì truyền thống Việt Nam. Trong các gia đình Công Giáo, tập cho con cái cháu chắt làm dấu Thánh Giá và đọc kinh "Lạy Cha" trước bữa ăn, cũng là một cách tập cho con cái cháu chắt biết học thuộc lòng những đoạn văn tiếng Việt ngắn ngủi mà chúng phải sử dụng hàng ngày.

b. Viết tiếng Việt cho con mỗi ngày: Nếu cha mẹ giậy sớm không thể từ biệt con, nên viết một mảnh giấy dặn dò con cái rồi dán lên tủ lạnh. Nên viết bằng tiếng Việt để cho con cái tập đọc. Khi còn nhỏ, có thể nhờ các anh chị đọc cho nghe, khi đã lớn thì phải tự đọc lấy. Điều này sẽ khuyến khích chúng đọc tiếng Việt. Thục Quyên đề nghị viết những lời lẽ thương yêu hay nhắc nhở nhớ đến nhau mỗi ngày.

c. Chịu khó dùng chữ khó với con: Theo Thục Quyên đứa trẻ hai tuổi cũng có thể tập nói và hiểu những chữ khó như "kiên nhẫn". Thực sự như vậy, vấn đề là nếu chúng ta nói nhiều lần, con cái sẽ hiểu và nhớ lâu. Không nên cố gắng chi dùng những chữ giản dị, vì làm như thế chúng sẽ khó tiến bộ khi phải đọc sách, và nản chí khi gặp phải những chữ khó.

d. Tập cho con viết xuống những thứ phải mua ở chợ bằng tiếng Việt: Đây là một việc có thể trao cho con cái, vừa tập luyện tinh thần trách nhiệm vừa học tiếng Việt. Nếu có mảnh giấy hay cái bảng để sẵn hai chữ "ĐI CHỢ", và dặn con cái hàng ngày nếu thấy có món đồ gì đã hết trong tủ lạnh thì phải viết vào để nhắc mẹ hay chị đi chợ mua. Dĩ nhiên chúng phải biết viết bằng tiếng Việt những món chúng muốn được ăn hay uống. Nếu chúng viết sai chính tả thì có thể sửa chữa và bắt chúng viết theo vài lần cho đến khi viết cho đúng. Các em từ sáu tuổi trở lên có thể học viết cách này.

e. Lập tủ sách tiếng Việt cho con cái: Nên mua các sách song ngữ hoặc mua sách lời Mỹ rồi dịch sang tiếng Việt và cắt lời tiếng Việt dán vào sách và bắt con tập đọc với mình, sau khi chúng đã đọc câu chuyện bằng tiếng Anh. Dùng ngón tay chỉ từng chữ và tập cho chúng phát âm theo. Những chuyện chúng thích có thể được đọc nhiều lần cho đến khi chúng thuộc lòng, và chẳng bao lâu sẽ có thể đọc một mình. Theo Thục Quyên, từ ba bốn tuổi trở lên, cha mẹ có thể bắt đầu thực hiện các cuốn sách song ngữ theo kiểu này.

f. Viết tiếng Việt vào cuốn album hình ảnh gia đình: Nhà nào cũng có sẵn các cuốn album, nếu cha mẹ chịu khó bỏ thì giờ chua chữ bằng tiếng Việt bên các hình ảnh về sinh hoạt gia đình, tên của mỗi người thân thuộc, tên của bạn bè, tên của các nơi chốn, và sinh hoạt được trình bày trong hình. Nên để cuốn album nơi các em có thể lấy ra thường xuyên và tập đọc.

e. Mua băng nhạc thiếu nhi cho con: Điều đề nghị này của Thục Quyên đã được trình bày ở trên. Tôi chỉ muốn thêm ở đây là Trung Tâm Thế Hệ và Hải Âu Tuổi Xanh là cơ quan phát hành các băng thiếu nhi được giới thiệu ở trên.

Thục Quyên cũng có nhận xét rằng bà chỉ trình bày có 7 phương pháp, nhưng nếu tất cả các phụ huynh đều cố gắng tìm tòi, thì có thể phát minh ra 101 phương pháp khác. Và nếu một ngày mỗi gia đình không thể bỏ ra ít nhất nữa giờ để dậy con em tiếng Việt thì thật đáng buồn. Trong khuôn khổ của bài này chúng tôi có lẽ chưa đề cập hết đến các tài liệu, phương pháp, cũng như các tổ chức đã và đang đóng góp vào chương trình duy trì Việt Ngữ và văn hóa Việt Nam trong giới trẻ tai hại ngoại. Mong được sự góp ý của các độc giả xa gần.