Lấy Lại Được Tinh Thần Qua Nét Văn Hóa Ngày Tết.



 Lm. Trần Cao Tường

(Trích Hiệp Thông số 39, Bản Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

Đón Lộc Trời, ảnh của Lm. Trần Cao Tường
Người Việt bây giờ đã bung đi khắp thế giới. Ăn Tết Tây chưa xong đã bàn chuyện Tết Ta. Quà Giáng Sinh tính nhẩm đã khoét rỗng cả hầu bao, vậy mà lại sắp phải lì xì cho con cháu tới nơi. Rồi cũng phải lo đủ thủ tục nghi lễ ngày Tết cho ra vẻ có nguồn có gốc. Nhưng riết rồi chả lẽ chỉ thấy đây là chuyện thêm hoa hoè hoa sói, đang khi cứ phải đi “cầy” tối ngày, có được nghỉ mà ăn Tết đâu! Cái Tết Ta bây giờ có “ăn uống” gì với nhịp sống con cháu đang sống bên trời Tây không?!

Đang khi đó thì linh mục người Ý là Gildo Dominici (lấy tên Việt là Đỗ Minh Trí) lại nhận xét với đầy vẻ kinh ngạc:

“Những người ngoại quốc đã từng sống ở Việt Nam hẳn không thể nào quên được ngày Tết… Không một điều gì khác hơn có thể diễn đạt tinh thần của người Việt Nam bằng ngày Tết cả?”  (Việt Nam Quê Hương Tôi, trang 21- 23; www.dunglac.net/tusach)

CHỤP ĐƯỢC CÁI HỒN NGƯỜI VIỆT TRONG NGÀY TẾT

Nhà ảnh người Mỹ trắng là Mark Sindler ở vùng New Orleans rất mê lối sống người Việt. Một trong những bức nổi tiếng là cảnh “Dọn Tết”. Tuyệt lắm. Anh ta đã chụp được cái hồn của người Việt sau nhiều năm lặn lội tìm tòi, tập húp nước mắm và ăn chả giò. Chắc là phải tốn nhiều công sức thời giờ lắm.

Cả nhà đang cùng tham gia một “công tác” lớn: Bà mẹ đang cặm cụi gói bánh chưng bánh téc, mấy đứa nhỏ đứa thì đưa lá, đứa đưa lạt buộc. Cứ như là cảnh bác sĩ giải phẫu có mấy cô y tá đưa dao đưa kéo. Đứa bé nhất đang bò thì có bà coi, cảnh bà cháu ríu rít sao mà thân thương thế. Mấy đứa lớn thì lăng xăng chạy tới chạy lui đưa bánh cho bố bỏ vào nồi lớn để nấu.

Nhìn kỹ này, đây mới là điểm chú tâm của tấm hình: Ông bố đang nấu bánh với dáng điệu trang trọng như đang cử hành nghi lễ. Ánh sáng từ bếp lửa làm rạng lên khóe mắt long lanh hay từ một sức gì bên trong toát ra, khó mà phân biệt được. Hay là cả hai. Ông bố như đang mở tâm ra nhận lấy dòng sức sống từ bao đời qua mấy ngàn năm lịch sử với đầy vinh quang mà cũng nhiều tủi nhục của dân tộc. Bây giờ đến lượt ông là người dẫn đầu gia phong có trách nhiệm chuyển dòng sức sống này chảy tới cho đàn con cháu đã đưa sang Mỹ. Khói từ nồi bánh chưng tỏa lên nghi ngút tưởng chừng như khói hương rước hồn thiêng tiên tổ từ những mồ cao mả dài hằng bao thế hệ về hiện diện nơi đây, một Việt Nam thu hẹp.

Nấu bánh chưng thì cũng phải nấu bánh dầy. Vuông phải hòa nhập với tròn, đất phải hòa hợp với trời. Ông bảo chỉ nấu bánh chưng không, là nghe dại mấy đứa duy vật vô thần nghỉ chơi với Trời, cho ông Trời thất nghiệp “lây óp” là láo xà.  Nên ăn tết phải có đủ nghi lễ bánh chưng bánh dầy. Người miền Nam mình còn đơn giản hơn nữa, nét vuông nét tròn được cô đọng lại nơi đồng bánh téc. Trời cao đất thấp gặp nhau. Xa cách mấy rồi cũng nối liền được. Đối nghịch mấy rồi cũng dung hóa được. Mà có dung hóa như vậy được thì mới phát sinh điện lực, như cực âm cực dương nối kết. Người Việt lì lắm, gặp khốn khổ mấy cũng biết vậy đã. Rồi đâu cũng vào đó. Cũng có cách giải quyết chứ không điên mát như người Âu Mỹ đâu.

Cảnh nấu bánh dầy bánh chưng bánh dầy mà linh thiêng vậy đấy, có nghi thức hẳn hòi chứ chả thường đâu. Cả nhà tham dự. Cả dòng họ tiên tổ tham dự. Cả trời đất tạo dựng, chuyển dòng sức sống cho từng người, cho từng công việc, cho cả năm. Mark Sindler không mê sao được.

TIẾT LIỆU THAO LUYỆN ĐƯỢC TINH THẦN

Hoàng Tử Tiết Liệu trong truyện thiêng bánh dầy bánh chưng, đã có thể lên ngôi sống đời hoàng vương giàu có nhờ biết linh thao: hòa nhịp vuông góc cạnh cuộc sống nhốt hộp của đất với dòng sinh khí của Trời tròn viên mãn mở rộng vô biên. Tiết Liệu đã biết cách liệu cho hòa nhịp được tiết điệu trời đất. 

Con trăng có nhịp, con nước có nhịp, con người cũng có nhịp. Cứ đóng kín ích kỷ cố giữ lấy nhịp riêng của cái tôi mà không đi được vào tiết điệu trời đất của cái Ta nhịp nhàng toàn mãn là loạn ngay, mát dây, chạm điện tứ tung. Leonardo da Vinci là một trong những người tiên phong cho nền khoa học và y học hiện đại, đã có lần vẽ lên hình ảnh một người sống lành mạnh cân bằng khi chân tay chạm được với hình vuông và tròn. Đúng với câu giáo khoa thư ngày xưa: “Người ta... đầu đội Trời, chân đạp đất, chẳng ngang như súc vật, chẳng ngược như loài cây.”

Ngày Tết là ngày người Việt tìm bắt lại nhịp trời đất. Một năm với bao đợt sóng nhồi xuống tung lên dễ làm cho lòng người chao động và say sóng. Thì đây là lúc linh thao, dừng chân nhìn kỹ để nhận ra đạo trời, để hòa nhập vào sức sống đất trời đang cựa mình đổi mới sang xuân. Dòng sinh lực ơn thánh đang tuôn chảy từng giây phút qua mọi sự. Từng động tác, từng cảm giác, từng ngụm khí thở, quí báu chừng nào. Và bỗng thấy phép lạ của cuộc hiện hữu, đang được sống, đang giang rộng tay để lãnh nhận. Vui như thế mới là vui thật. Vui như Tết là vậy.

THỰC HIỆN TOÀN MÃN BẮT LẠI ĐƯỢC NHỊP

Trời đã sẵn có đạo, có đường lối, có tiết nhịp như thế rồi, cứ việc hòa theo thôi là an vui hạnh  phúc, lấy lại thăng bằng. Những gì cũ đang qua đi, mình thở ra một hơi thật dài, xả buông mọi sự theo mây gió. Và hít một hơi cho đẫy, nhận lấy cả sinh lực đất trời. Giờ đây tất cả đều trở thành mới, từ trong ra ngoài. Hòa mình vào từng cây xanh bãi cỏ trong hội đạp thanh hái lộc. Hòa nhập vào thiên nhiên, vạn vật, vào những gì đang thấy trước mặt. Tất cả đều lạ lùng. Gạo và đậu làm nhân có ngay trong nhà. Lá gói có ngay trong vườn. Hạnh phúc vuông tròn toàn mãn ở ngay trong tầm tay chứ có phải chạy tìm mãi nơi xa tắp nào như những hoàng tử khác, giống người Mỹ nhớn nhác bây giờ.

Niềm vui chỉ toàn mãn khi đất vuông hòa nhập được vào với trời tròn. Trong thánh lễ, người tin đạo cũng linh thao khi linh mục pha chút nước vào chén rượu trong thánh lễ với tâm tình:

“Cũng như giọt nước này hòa chung với rượu, xin cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa của Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con.”

Đúng rồi. Từng bổn phận nhỏ bé thường ngày như việc dâng con theo phong tục, nuôi nấng dạy dỗ con được lớn lên trong mạnh khỏe hiền ngoan, từng việc nấu cơm dọn nhà, tất cả đều trở thành những tác động linh thao, biến đổi từ vuông cạnh ra tròn đầy sung mãn. Cuộc sống đầy những phép lạ kinh ngạc.

Tổ tiên mình cũng sống tinh thần linh thao từ lâu. Cấy lúa, tát nước, làm mùa, dệt chiếu là linh thao. Giã gạo, rửa chén là linh thao. Vừa làm vừa ca hát vừa thao luyện tinh thần đấy. Ăn Tết là linh thao. Bưng bát cơm đầy, ăn táo cũng là linh thao:

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề.

Nhìn gió, ngắm trăng sao là linh thao. Mục đích của linh thao là để thấy Chúa trong mọi sự mà. Tổ tiên thì thấy ông Trời bao trùm vạn vật. Như vậy đời sống là một chuỗi linh thao chứ không chỉ giới hạn trong nhà thờ hay phòng nguyện nào cả. Thi sĩ  Hàn Mặc Tử đã cảm nghiệm thấy như vậy:

Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió

Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao.

Một khi đã bắt lại được vào nhịp trời đất như hoàng tử Tiết Liệu rồi, thì dù mọi thăng trầm có xô đẩy tới trong năm, người Việt vẫn cảm thấy an nhiên bình thản. Như bánh dầy bánh chưng hòa nhập làm nên đạo sống, việc chấp nhận được cả các đối nghịch, dung hóa được hai cực âm dương thành điện lực, biến chế mọi sự thành vuông tròn tốt đẹp. Nhịp đạo Trời đã sẵn vậy mà, như niềm tin tưởng trong ca dao:

Dù ai nói ngược nói xuôi

Ta đây cứ vững đạo Trời khăng khăng.

NHỊP VŨ CỦA MAI

Ăn Tết thì trong nhà phải trưng cành đào hay cành mai. Thiếu là không ra Tết. Mà đào hay mai đều biết nhảy múa theo điệu theo nhịp. Người trồng mai thì biết đạo sống của mai. Trước Tết cả tháng đã phải vặt hết lá cho cành thật trơ trụi. Ai không thấy được "lẽ đạo" của mai thì cho chuyện vặt trụi lá như vậy là kỳ cục, đang tự nhiên tự lành đi làm cho "con nhà người ta" ra xơ xác, xem ra bị tước đoạt mất hết chả còn gì! Những cành đào thì biết điều hơn, không đợi cho người ta vặt lá, mà tự động để cho gió cuốn đi hết lá để trơ trụi cành trông thật tiêu điều. Vậy mà lạ lắm, gần đến ngày Tết thì những cành cây khô khẳng kia bỗng nẩy lộc nhú ra những mầm non mơn mởn, rồi đơm nụ nở rộ những bông hoa tươi thắm đầy sinh động.

Trời đất có lễ nghi "giao thừa" đúng điệu đấy chứ, vẫn cứ xoay vần theo nhịp theo điệu. Khi bị tước đoạt hết lá thì đào hay mai biết chữ thời mà nằm đợi, không giẫy giụa la hét như con người. Con trăng có nhịp, con nước thủy triều có nhịp lên nhịp xuống. Con tim cũng có nhịp. Có những lúc sau một thời gian u ám tối tăm như hết đường, thì tự nhiên một sức đột biến thật lạ. Khúc Hát Dâng Tình trong Kinh Thánh đã diễn tả sức đột biến này bằng một hình ảnh hết sức tình tứ, như lời Chúa Xuân nói với con người:

Lời chàng văng vẳng bên rào

Em ơi tỉnh dậy ra chào Chúa xuân.

Mưa ngớt tạnh đông tàn băng giá

Hoa đồng nhà muôn đóa khoe tươi

Nhạc xuân rộn rã nơi nơi

Ngàn chim đua hót vang trời líu lo.

Trái vả chín hồng tô rực rỡ

Nụ nho tươi thắm nở ngọt ngào

Lời chàng nồng ấm siết bao

Dậy mau mình tắm nắng đào đầu năm.

        (Diễm Tình Ca 2:10-13, Đào Mộng Nam chuyển thơ)

NGÀY KHAI MỞ MỘT NHÃN QUAN MỚI

Qui trình cuộc đột biến "giao thừa" rất giống nhau, như nhịp vũ của bánh dầy bánh chưng trong nét văn hóa gốc rễ của Việt tộc do hoàng tử Tiết Liệu đã thể hiện: cành mai hay cành đào phải xả trống cái hộp vuông vật chất ứ đọng là những chiếc lá cũ vốn làm dáng cho mình, để hòa nhập đón nhận sức sống mới của Trời tròn bánh dầy viên mãn làm bừng nở những nụ hoa xuân. Mọi sự bỗng trở thành mới, với trời mới và đất mới, trong một tiết nhịp mới.

Dân mình đúng là dân có đạo từ trong mạch máu, tin vào Nguồn Sinh Lực Vĩnh Hằng vẫn luôn tuôn chảy thành dòng thành nhịp. Nên dù có bị tung lên nhồi xuống "thất điên bát đảo" hay bị tước đoạt trơ trụi chẳng còn gì, người tin vào Đạo Trời vẫn anh nhiên mà hòa vào nhịp điệu đó. Hoàn cảnh nào cũng am hợp được.

Trời nắng tốt dưa

Trời mưa tốt lúa.

Qua bao oan nghiệt, nghèo khổ, đắng cay, đầy đọa, dân mình kiên trì nhất định bám vào dòng sinh lực này, phát nguyên từ Nguồn Tình Miên Viễn làm nên Đạo Trời, mà cũng là căn bản của Đạo Hiếu. Cành cây còn bám vào thân cây, vào gốc rễ, thì còn xanh tươi. Thân cây là ông bà, dòng tộc. Gốc rễ tận cùng là chính Chúa Trời, Nguồn Sức Sống.

Con mắt thấy này chính là niềm tin chung của Việt tộc, rất hài hòa với niềm tin Đạo Chúa. Vì thế mà cái chiến lược cơ bản của người Việt để đối diện với cuộc sống thật là lạ lùng, ẩn mật: lấy nhu thắng cương, nhất định chọn sức mạnh của cõi trống chân không diệu hữu. Bị tước đoạt không có nghĩa là hết, mà là mở ra cho mùa xuân mới. Mọi sự đều có thời có nhịp. Cõi trống tận cùng trong Đạo Chúa là thập giá lại cũng là cõi đầy vinh quang. Cơn khổ nạn sinh thành.

Hoài hơi mà đấm bị bông

Nó xẹp bên nọ, nó phồng bên kia.

NIỀM TIN ĐẠO CHÚA HÒA NHỊP BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT

Một người Việt tin Đạo Chúa cũng chỉ có thể gặp được Chúa qua những cảm nghiệm đời mình, qua lịch sử dân tộc, đầy vinh quang nhưng cũng đầy tủi nhục, những gì đã xẩy ra liên hệ làm thành một di sản trải dài bao ngàn năm. Trong máu thịt tôi, nhiễm thể di truyền của tổ tiên qua không biết bao nhiêu đời vẫn đang hoạt động.

Thể hiện những phong tục, những nét văn hóa gốc rễ của người mình mới là cách khám phá ra căn tính của mình, triển dương giá trị đích thực của mình, góp phần độc đáo của mình vào vườn hoa nhân loại. Paul Valéry đã từng nói: Không có gì Pháp hơn là Racine, Anh hơn là Shakespeare, Đức hơn là Goethe, Ý hơn là Dante, Tây ban nha hơn là Cervantes, và không có gì có tính cách hoàn vũ cho bằng Racine, Shakespeare, Goethe, Dante, Cervantes v.v.

Chính Đức Giêsu đã là khuôn mẫu cho việc nhập thể và nhập thế này. Thiên Chúa đã nhập thế và nhập thể làm một người Do Thái, sinh trưởng trong một gia đình Do Thái, với bối cảnh lịch sử, với lối suy tư và tình cảm kiểu Do Thái, nói tiếng Do Thái, ăn đồ ăn Do Thái, giữ phong tục Do Thái. Ngài đã thể hiện đạo bằng chính truyền thống văn hóa đó.  Chính Ngài đã quả quyết: "Đừng tưởng rằng ta đến để xóa bỏ Lề Luật và Sách Các Tiên Tri. Ta đến không phải để xóa bỏ mà để kiện toàn các sách đó." (Mt 5:17).

THỰC HIỆN VŨ ĐIỆU VUÔNG TRÒN HÒA NHẬP SINH LỰC TRỜI ĐẤT

Niềm tin của tổ tiên đã hài hòa với niềm tin Đạo Chúa trong một chiều kích hết sức lạ lùng. Ngày Tết, người mình nổ pháo xua đuổi quỉ ma, xả bỏ con người cũ, để tưng bừng đón mừng tiết nhịp mới. Đi hái lộc đầu xuân, trưng cành mai cành đào, là để hòa nhập trở thành chính cành đào cành mai đó, cảm nhận được sức đột biến từ Trời, dù đang tàn tạ cách nào đi nữa.

Tôi thấy cơ thể mình rạng rỡ lên

khi được cả sinh lực đất trời tuôn nhập.

  (Tagore, Lời Dâng #69)

Ngày Tết mình mang nụ cười mới, mặc áo mới, cư xử như một con người mới. Mừng tuổi một phong thư đỏ với một đồng tiền mới, cũng là để cầu mong ơn Trời cho may mắn, chứ không cậy vào sức mình. Ơn Trời tượng trưng bằng đồng bánh dầy tròn. Sức đất là chiếc bánh chưng vuông. Ăn bánh chưng phải có bánh dầy thì mới phải đạo, cuộc sống mới vuông tròn toàn mãn được. Nếu không là ngược đạo, phản văn hóa. Như vậy ăn bánh dầy bánh chưng cũng là một lễ nghi trang trọng, cử hành giây phút hóa thân hòa nhập thành một thực thể mới bước vào tiết nhịp mới, cảm thấy tươi tắn lại khi được tắm mát trong dòng sông sinh lực và ánh sáng vĩnh hằng. Và đây là vũ điệu cho cả năm như câu công án của người mình:

      Trời cho hơn lo làm.

Lm. Trần Cao Tường