Bữa đại tiệc đầu năm.



Thằng bé thức giấc. Nó vén tay áo, giơ tay vào khe ánh sáng len qua kẽ hở cánh cửa bằng tre, nheo mắt nhìn đồng hồ, 9giờ 15. Nó trừ đi 12 phút vì mỗi ngày đồng hồ nó nhanh khoảng 12 phút. Nó gạt hai chiếc chiếu và chiếc chăn bông cũ sang một bên chiếc giường tre, ngồi dậy. Nó quơ chân tìm đôi giày bata. “Tết năm nay không lạnh lắm,” nó vừa ngáp vừa lẩm bẩm. Nó vươn vai, bước tới góc túp lều tranh, quẹt kem đánh răng lên bàn chải, múc một gáo nước từ trong chiếc vại, mở hé cánh cửa sau, ngồi đánh răng, và đổ nước vào lòng bàn tay khoát rửa mặt ngay bên ngoài cánh cửa. Nó đứng dậy, đưa mắt nhìn những ruộng lúa phía dưới những túp lều tranh như túp lều của nó. “Năm nay coi bộ không rét nên lúa phát triển khá tốt”, nó lẩm bẩm.

Lần đầu tiên trong đời nó, nó thực sự cô đơn, thực sự tự lập. Nó đang sống bên rìa của thủ đô ngàn năm văn vật, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Quả thực vậy, túp lều tranh mà nó đang ở trọ nằm sâu khoảng vài ba trăm mét bên kia đường xe điện dọc theo phố Hàng Bột, chạy tuyến Hà nội - Hà Đông và ngược lại. Đã mấy tháng nay, nó về đây mướn chung túp lều và sống với hai người khác, anh H, có vợ và một con, và em ruột anh ta, thằng D, chỉ hơn nó hai tuổi. Vợ chồng anh H cùng quê Hà Đông, cách Hà Nội chỉ mười mấy hai chục cây số nên vợ con anh ở quê, ít khi lên Hà nội vì anh H rất thường đạp xe hoặc đi xe điện về thăm vợ con. Mấy hôm trước Tết, anh H và thằng D đã đi mua sắm quà cáp và giờ này đang vui vẻ với gia đình ở Hà Đông, chỉ còn lại mình nó. Gia đình nó xa lắm, mà lại ở bên kia chiến tuyến.

Nó kễn chân, với tay rút chiếc quần kaki còn ‘mới’ trên chiếc kệ tre dựa vào vách đất của túp lều. Chiếc quần này nó mới mang đi may từ miếng vải bạt che xe mà anh họ nó, người con trai thứ hai của bác gái nó, chị ruột mẹ nó, đang đi lính lái xe trong Quân đội Liên hiệp Pháp đem về cho nó. Chiếc áo blu-dông mà nó đang mặc cũng do anh họ nó cho. Chiếc áo quá rộng và quá dài, nó phải vén lên một gấu rất to.

Nó sờ lại nắm tiền trong túi trong của chiếc áo blu-dông. Chưa bao giờ nó có nhiều tiền như vậy, và nó chưa bao giờ có thể ngờ được nó có nhiều tiền như vậy. Nó đếm đi đếm lại nhiều lần, gần hai trăm bạc nó kiếm được chỉ trong một ngày 30 Tết. Nó chợt nhớ tới mẹ nó, tới em gái nó, nhưng biết làm sao…,biết làm sao…. Mới hơn 13 tuổi đầu, nó đâu có quen ai, và có thể tin ai để mà gởi về giúp mẹ nó, đường xá xa xôi cách trở, lại thêm ranh giới chiến tranh. Gần hai trăm bạc. Nó mừng lắm, nhưng đâu phải ngày nào nó cũng kiếm được nhiều tiền như vậy. Có những ngày nó không kiếm đủ sáu đồng bạc để trả tiền hai đĩa cơm. Có những ngày nó phải ăn thiếu bà chủ quán cơm, và hiện nó cũng đang còn thiếu tiền cơm mà vì mải làm tối qua nên nó quên trả, mà bà chủ quán chắc thấy nó đang bận rộn nên cũng chẳng nỡ đòi nó.

Trọn ngày 30 tết hôm qua, nó bận rộn thật, nhờ anh H và thằng D đã về quê ăn tết từ tối hôm 29. Cái ‘tiệm’ sửa xe gốc cây của nó hầu như luôn có khách, có khi khách phải chờ, đa số là xe xích lô, và công việc của nó đơn giản chỉ là bơm xe và vá vỏ ruột, chẳng ai sửa chữa gì nhiều. Có lúc nó bận, khách đến mượn bơm tự bơm lấy cũng cho nó một đồng. Xe xích lô hôm nay đông hơn mọi ngày, và xe bẹp bánh, nổ bánh cũng nhiều hơn mọi ngày. Dọc con đường nó ngồi sửa xe không còn ‘tiệm’ nào nữa, và hình như mấy con đường kế cận cũng không còn ‘tiệm’ nào nữa. ‘Chủ tiệm’ đã bỏ những gốc cây trống vắng mà về quê ăn tết, hoặc nghỉ sớm để xum họp với gia đình. Chỉ có nó quá xa quê nên mới còn ở lại kiếm tiền. Và dịp cuối năm này, dường như khách sộp quá. Một miếng vá ruột xích lô ba đồng thì anh xích lô cho nó năm đồng. Nó cám ơn rối rít. Có anh chờ lâu cũng phụ nó chà ruột xe, bôi keo, tự làm lấy, cũng cho nó năm đồng. Nó mừng lắm. Có lẽ các anh chở được nhiều khách mà khách cũng không kì kèo trả giá. Cũng có thể chỉ còn nó là ‘tiệm’ duy nhất còn lại để sửa xe cho các anh đi đạp tiếp. Cũng có thể các anh thông cảm, hay thương cho hoàn cảnh của nó giờ này mà vẫn còn bám gốc cây kiếm tiền. Cũng may, tết năm nay không lạnh lắm.

Đường xá vắng dần. Chiếc xích lô cuối cùng nó vừa vá ruột, vừa khâu vỏ cũng đã xong trước đó gần nửa giờ. “Chắc hết khách”, nó lẩm bẩm. Nó vén tay áo nhìn đồng hồ, gần 12 giờ, nó trừ đi 12 phút. Cũng vừa lúc anh xích lô quen chở một bà và một gánh hàng vút qua. Anh xích lô gọi lớn: “Về thôi em! Gần giao thừa rồi”. Nó ‘Dạ’ một tiếng thật to. Nó nắn nắn cái túi áo blu-dông căng phồng, vui vẻ sắp xếp đồ nghề vào chiếc thùng sữa Nes-tlê, đặt chiếc thùng đằng sau xe đạp, cột ống bơm vào thân xe đạp, đổ nước xuống đường rồi buộc cái thau đựng nước bên hông sau xe đạp. Hôm nay bà chủ quán cơm cũng về sớm mà nó lại làm khuya nên không gởi đồ nghề được.

Nó nhảy lên xe, rướn người đạp nhanh dọc phố Khâm Thiên, về hướng phố Hàng Bột. Chiếc xe không có thắng nhưng đường vắng, nó đạp vèo vèo. Nó nghĩ đạp nhanh như thế này mà có thắng cũng vô ích. Khi cần, nó thắng bằng chân, xe đứng lại ngay. Nó chỉ cần đưa chân trái của nó len vào giữa sườn xe thẳng đứng và bánh xe đằng sau, vì chiếc xe không có ‘dè’, hay gạc-đờ-bu, nó chỉ nghiêng gót chân vào bánh xe, là xe đứng lại liền. Chiếc xe này có quá nhiều kỷ niệm cùng với những kỷ niệm vào đời của nó. Nó muốn giữ chiếc xe này lắm nhưng không biết thằng D có chịu, vì chiếc xe này là do nó và thằng D cùng ra bãi rác ở cạnh hồ Bảy Mẫu kiếm được. Chiếc xe bị gỉ xét hoàn toàn. Hai đứa đem về chà sạch, đi rảo mua thêm những phụ tùng ở các ‘tiệm gốc cây’ khác, rồi quét lên sườn xe một lớp dầu nhớt, lấy giẻ chùi sạch giữ cho khỏi xét chứ không sơn. Nó nghĩ nếu làm được nhiều tiền thì nó cũng ráng tìm cách gởi về giúp mẹ và em nó, chứ nó cũng chưa dám tính tới chuyện mua xe.

Nó chợt thấy hơi đói vì ăn cơm chiều từ lúc năm giờ, trước khi bà chủ quán đóng cửa. Cũng may, bà chủ quán cơm là người tốt bụng nên mở cửa cả ngày 30 để bán cho các anh xích lô, cho những người lao động như nó. Thế nhưng cái túi đầy tiền khiến nó như quên cơn đói. “Về ngủ một giấc rồi sáng mai mồng một sẽ ghé tiệm phở bên kia đường gần đầu hẻm, chén một đĩa phở sào mềm cho đã,” nó nghĩ bụng. Lần đầu tiên nó được hưởng món phở sào này là do anh họ nó mới lãnh lương, đưa nó đi thưởng thức. Nó muốn chảy nước miếng khi tưởng tượng đĩa phở sào với những sợi phở trắng ngần, những lát rau cải ngọt xanh xanh, những miếng thịt bò nâu nâu, rồi lớp sốt bột nóng hổi, rồi những miếng ớt đỏ vàng… Nó xuống xe, dắt qua đường xe điện, lại nhảy lên, băng qua cái hẻm nhỏ, về tới ‘túp lều lý tưởng’ của nó. Nó vào lều, dựng xe vào vách, múc nước, mở cửa sau thông ra các ruộng lúa phía dưới, rửa ráy sơ sơ, thay bộ quần áo sạch rồi nhảy lên chiếc giường tre, kéo chiếc chăn bông cũ, phủ thêm hai chiếc chiếu. Sau một ngày nó làm việc miệt mài, túi tiền đầy đưa nó vào giấc ngủ một cách dễ dàng.

Xxx

Nó vừa đạp xe qua cái hẻm nhỏ ra đường vừa huýt sáo. Mấy con chó ở mấy nhà hai bên hẻm từ bên trong hàng rào chạy theo nó sủa inh ỏi. Nó ra vào cái hẻm này đã mấy tháng rồi mà mấy con chó vẫn không chịu quen, vẫn chạy theo sủa khi thấy bóng nó. Nó dắt xe qua khỏi đường xe điện, vừa nhảy lên xe hướng về phố Khâm Thiên vừa nhìn qua bên kia đường xem tiệm phở đã mở cửa chưa. Trước cửa tiệm phở là một đám bầu cua cá cọp, ồn ào giữa những xác pháo, con nít có, người lớn có, mà cửa tiệm vẫn đóng im ỉm. Trên đường cũng ít xe qua lại. “Sao thế nhỉ?” nó tự hỏi. Làm sao nó biết tại sao. Đây là Tết đầu tiên của nó ở chốn kinh kỳ này. Nó tưởng rằng Thủ đô thì phải ăn tết rộn rã lắm chứ. Nó quẹo xe vào đường Khâm Thiên, hướng về phía đường Nguyễn Thượng Hiền, nơi nó có ‘tiệm’ sửa xe. Cửa nhà hai bên đường có cái đóng cái mở, nhưng tuyệt nhiên không có một tiệm ăn, ngay cả những xe bán bánh trái, bán thức uống lưu động cũng chẳng thấy. “Thôi rồi…”, nó chợt nhớ ra. Trong năm, nó lõm bõm nghe người ta nói năm nay mồng một Tết là ngày xấu, ngày kỵ buôn bán.

Hai bên đường, những đám bầu cua cá cọp như dầy hơn, xen lẫn có vài đám xóc đĩa. Những tiếng ‘hai cua một bầu…’, ‘chẵn thừa…, lẻ thừa…’ sao vô duyên đối với nó quá. Thực ra, nó chưa từng biết đến cái món giải trí này. Nó nhìn người ta vừa vui chơi đỏ đen, vừa cầm miếng bánh, vừa cắn hạt dưa…, mà dạ dày nó như cồn cào hơn. Nó đạp xe tới Ngõ chợ Khâm Thiên, định rẽ vào nhưng lại thôi. Nó biết rằng bác nó, chị ruột của mẹ nó, đã dọn đi nơi khác mà nó không biết địa chỉ, chỉ nghe anh họ nó nói ở đường Triệu Việt Vương. Trong ngõ Chợ Khâm Thiên còn có gia đình ‘ân nhân’ của nó, nhưng nó cũng không thể vào ‘mừng tuổi’ như thế này được. Người ta kiêng kỵ ngày mồng một Tết xấu mà.

Nó nghĩ tới ân nhân của nó. Đó là gia đình ông bà chủ nhà mà anh chị T, ngưòi giúp đưa nó từ vùng kháng chiến về thành ở mướn một phòng phía sau. Thấy nó bị gia đình này, nhất là chị T ngược đãi quá mức, ông bà chủ nhà rất thương hại. Nó phải làm mọi việc, từ chợ búa, cơm nước, giặt giũ, đến coi đứa con anh chị T mới mấy tháng tuổi. Ngoài ra, nó còn phải làm những việc nặng nề, như chẻ củi thước ngoài hẻm sau nhà rồi trèo lên nắp bể nước mưa, chuyển lên mái bếp mặt bằng để phơi, hoặc chuyển than đá vụn và bùn lên mái bếp, nặn than, phơi rồi lại đem xuống. Bà chủ nhà biết nó thường bị đói lắm, nhất là kể từ lần tình cờ bà thấy chị T phát năm hào tiền quà sáng cho nó, trong khi đứa con gái năm tuổi của anh chị cũng được một đồng ăn xôi. Từ đó, mỗi sáng nó bưng thau quần áo đi giặt ở một cái ao nào đó sâu phía trong Ngõ Chợ, vì nhà không có nước máy, phải mua từng gánh, mà chị T lại muốn tiết kiệm, chỉ cho nó giũ lại nước sạch sau khi đã giặt nước ao, bà lại kín đáo dúi cho nó thêm cục xôi, trái chuối. Và mỗi lần nó trèo lên mái bếp phơi củi, phơi than, xôi và chuối cứ như trên trời rớt xuống. Nó cảm động lắm. Nó biết bà chủ nhà đang đứng đâu đó dưới sân, tung thức ăn cho nó. Thế rồi có một ngày, bà ngỏ ý nhận nó làm con nuôi ông bà để lo việc thờ cúng tổ tiên, vì ông bà đã lớn tuổi mà cũng chỉ mới sanh được một đứa con gái. Nó muốn bật khóc. Bác nó, chị ruột mẹ nó cũng đã già và nghèo, không thể giúp nó được. Hai người anh họ nó đã lớn, phải đi lính thợ trong quân đội Liên Hiệp Pháp để giúp đỡ gia đình. Nó muốn nhận lời làm con nuôi hai ông bà phúc đức này. Thế nhưng ông bà là người mộ đạo Phật, sáng tối ông đều đọc kinh gõ mõ, lâm râm cầu nguyện, mà nó lại là con nhà có đạo. Nó biết rằng nó không thể làm tròn bổn phận của một đứa con kế tự trong gia đình này được. Nó đành phải từ chối lòng tốt của ông bà chủ nhà, nói rằng nó phải nhắn tin hỏi ý mẹ nó. Và ngày anh họ nó đưa nó thoát ly khỏi sự đày đọa quá nghiệt ngã này, bà chủ nhà dặn nó là khi cần thì cứ quay trở lại. Bà bảo rằng bà sẽ giữ tên nó trong sổ gia đình của bà nếu anh chị T dọn đi nơi khác, và nếu nó ở đâu mà bị bố ráp xét sổ gia đình thì cứ nói ở địa chỉ của ông bà. Bà còn dặn rằng đến năm nó 15 tuổi mà cần phải xin thẻ căn cước thì cho bà biết, em trai bà đang làm việc tại sở Công an Thành phố sẽ bảo lãnh cho.

Nó miên man nghĩ về ngày nó bắt đầu xa mẹ nó và em nó, xa quê hương nó. Ngày ấy cũng chưa xa gì, chưa tới một năm, một thời gian không dài lắm nhưng cuộc đời nó thay đổi quá nhanh. Sáng hôm ấy, mẹ nó ôm đầu nó khóc ròng. Mẹ nó nghẹn ngào, dặn nó: “Con ráng ngoan. Nhớ luôn cầu nguyện. Khi có dịp thì phải học. Đừng quên rằng con là con nhà dòng dõi”. Sáng nay, mẹ nó dặn nó nhiều quá. Thường mỗi khi muốn nó chăm học, mẹ nó chỉ nói: “Con là con nhà dòng dõi”. Nó cũng buồn khi sắp xa mẹ, xa em, xa quê hương, nhưng sự nôn nao sắp được ra Hà Nội khiến nó không khóc mà chỉ nói với mẹ nó: “Mẹ đừng khóc nữa. Con đi rồi con lại về mà”. Nhưng có lẽ mẹ nó linh cảm được những gian nan của nó khi buộc lòng mẹ nó phải cho nó đi theo vợ chồng anh chị T, con một người bạn rất thân với gia đình bà, nhất là khi chồng bà còn sống đã giúp đỡ gia đình anh T rất nhiều. Thế nhưng nhiều người biết tiếng cặp vợ chồng trẻ này. Họ chỉ mới trên dưới 30 tuổi. Người chồng thì hiền và tốt với mọi người, nhưng người vợ thì ‘khét tiếng’, nhất là đối với chồng. Giờ đây, họ đã có hai con, đứa lớn mới lên năm, đứa nhỏ mới mấy tháng. Và bỗng nhiên họ đã đến gặp mẹ nó ngỏ ý đưa nó đi theo ‘về thành’ thì không phải là không có chủ ý. Mẹ nó cũng biết vậy, nhưng cho nó ra Hà Nội thì còn có một cơ may, chứ giữ nó ở lại thì tương lai của nó có phần chắc là muôn vàn khó khăn. Mẹ nó cũng hy vọng nó sẽ tìm gặp được bác trai nó, anh ruột bà, nghe nói giàu lắm, hoặc bác gái nó, chị ruột bà, không giàu nhưng thương mẹ nó lắm. Mẹ nó có vẻ vững tin hơn khi chị T hứa với bà rằng sẽ cho nó đi học, sau khi chồng chị có công ăn việc làm và mướn được người giúp việc. “Mướn được người giúp việc”. Mẹ nó hiểu hàm ý của lời hứa này. Bà lại ôm đầu nó. Nước mắt bà làm ướt mặt nó. Bà lấy tay lau nước mắt trên mặt nó và kín đáo lấy ngón tay cái vẽ hình Thánh giá trên trán nó.

Điều linh cảm của mẹ nó đã đúng sự thật. Kể từ những giây phút bắt đầu cuộc hành trình vượt biên bằng đường bộ, nó đã đóng vai trò của một đứa tớ gái nhỏ đúng nghĩa. Nó cũng từng khổ, từng phải đi buôn lậu giúp mẹ nó khi nó mới mười một tuổi đầu, nhưng chưa bao giờ phải làm những công việc như thế này. Nó nhớ một hôm đi đón mấy người buôn lậu chuyến từ Phát Diệm vào, mua được hai bao thuốc lá Cotab để mẹ nó bán lẻ từng điếu. Trong lúc đang chơi quanh túp lều gia đình dưới gốc cây phượng, nó chợt thấy hai anh công an vào lều. Và trong lúc hai anh công an tra vấn mẹ nó thì nó lẻn vào chỗ dấu thuốc, bỏ hai bao thuốc lá Cotab vào túi, rồi chạy đi chơi mất tiêu. Giờ đây nó biết nó khổ nhưng nó luôn cầu nguyện và vẫn hy vọng sẽ khá hơn khi ra đến Hà Nội, gặp được bác trai nó hoặc bác gái nó. Thế nhưng khi ra đến Hà Nội và biết rằng hai bác nó cũng chẳng giúp gì được nó, gia đình này, nhất là người vợ, đối xử với nó còn tệ hơn.

Khi anh họ nó đưa nó đi học nghề sửa xe đạp ở một tiệm sửa xe và cho thuê xe đạp ở phố Cửa Nam, được nuôi ăn ngày hai bữa, nó tưởng đã thoát khỏi cơ cực. Anh họ nó cuối tuần ghé thăm nó và cho nó tiền quà sáng. Cho tới một hôm, tên em ruột người chủ dùng một chìa khóa tuýp gõ lên đầu nó, máu chảy ròng ròng, chỉ vì nó đã dám nhắc rằng tên này lắp sai một con ốc trên chiếc xe vê-lô-sô-lếch. Cuối tuần đó, anh họ nó ghé thăm, biết chuyện, và quyết định cho nó ra làm ăn riêng. Thế là ở một gốc cây trên đường Nguyễn Thượng Hiền có thêm một thằng bé 13 tuổi ngồi sửa xe đạp.

Sáng hôm ấy, anh họ nó trong bộ đồ lính đưa nó đến nói chuyện với anh H đang ngồi sửa xe ngay Ngã tư Khâm Thiên, trước cửa một quán cơm bình dân, để xin thông cảm cho nó ngồi cách khoảng mười gốc cây sâu vào đuờng Nguyễn Thượng Hiền. Thấy thái độ vui vẻ, cởi mở của anh H, anh nó có vẻ an tâm, bèn đưa nó vào gặp bà chủ quán cơm, xin cho nó ăn thiếu nếu nó không có tiền trả và anh nó hứa sẽ trả sau. Anh nó cũng xin với bà chủ quán cơm cho nó gởi thùng đồ nghề. Tối tối, nó đi bộ về ngủ nhà bác nó trong Ngõ chợ Khâm Thiên. Cùng sửa xe vói anh H là thằng D, em ruột anh H. Vài ngày sau khi nó ‘mở tiệm’, anh H cũng cho thằng D ‘ra riêng’. Thế là từ Ngã tư Khâm Thiên dọc đường Nguyễn Thượng Hiền, anh H đón đầu, rồi đến thằng D, rồi đến nó, nhưng không sao, những ngày nắng ráo nó cũng kiếm được mười mấy, hai chục đồng, thỉnh thoảng cũng có những ngày khá hơn. Đã khổ quen, nó biết dành dụm phòng những ngày mưa gió. Thằng D cũng vui tính nên hai đứa trở thành bạn thân, nhất là từ ngày anh H cho nó về thuê chung túp lều sâu trong hẻm đường Hàng Bột.

Xxx

Từ sáng đến giờ, mải nghĩ chuyện ăn uống, nó quên bẵng chuyện đi lễ. Lúc nãy đi qua ngã tư Khâm thiên, nó cũng chợt nhớ tới đi lễ nhưng đã quá trễ. Kể từ ngày đặt chân đến đất Hà thành này, mãi tới khi nó ‘ra riêng’ làm ăn, nó mới có dịp được đi lễ ở nhà thờ ‘tản cư’ gần ‘tiệm’ của nó. Nhà thờ chỉ là một căn phòng rộng của một căn nhà gần ga Hàng Cỏ. Giáo dân là những người lao động bình dân như nó và có lẽ vì vậy mà được gọi là nhà thờ ‘tản cư’. Mỗi tuần chỉ có một lễ ngày Chủ Nhật vào lúc sáng sớm để mọi người còn phải đi làm. Cha người Pháp nói tiếng Việt không có dấu. Lúc ban đầu nó cũng khó hiểu nhưng rồi cũng quen đi. Nó thích nhà thờ này lắm vì những người đến đi lễ cũng ăn mặc ‘xuềnh xoàng’ như nó vậy. Kể từ ngày nó và thằng D kiếm được chiếc xe đạp từ bãi rác cạnh hồ Bảy Mẫu và những khi ít việc, nó cũng đạp xe loanh quanh một số phố phường của Thủ đô ngàn năm văn vật và được biết một số nhà thờ. Nhà thờ Chánh tòa ở gần hồ Hoàn Kiếm thì chẳng bao giờ nó dám nghĩ đến chuyện đi lễ ở đây cả, người ta sang quá, lại còn lễ trễ cho các ông Tây bà Đầm nữa. Nhà thờ Hàm Long cũng còn sang đối với nó. Duy có nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế làm đơn giản theo kiểu mới gần Ngã Tư Sở trên đường đi Hà Đông thì nó còn có thể không ngại ngùng lắm, và từ ngày có xe đạp thỉnh thoảng nó cũng đi lễ ở đây.

Bụng nó có vẻ cồn cào hơn. Nó nghĩ chỉ còn cách đạp xe đến đường Triệu Việt Vương với hy vọng tìm được nhà bác gái nó, may ra hai anh họ nó về thăm nhà ăn Tết đi lang thang trên đường để rồi nó gặp được. Nó sẽ vào chúc tuổi bác nó, thế nào cũng được một bữa ăn ngon, rồi ‘đánh bạo’ ghé về nhà thờ Hàm Long đi lễ. Gần cuối đường Nguyễn Thượng Hiền, nó nhìn thấy trước cái miếu nhỏ ngay trên bờ hồ Ha-Le chắn ngang trước mặt, có một nhóm người đang kẻ đứng người ngồi. Thoạt đầu nó tưởng người ta đến cúng vái. Nó liền nghĩ đến những chiếc oản, những trái cây. Nhưng khi nó đến gần hơn thì ra đám người đang ngồi đánh bài cào ba lá. Nó định quẹo xe tìm đường về đường Triệu Việt Vương thì bỗng nhóm người nhảy xổ ra giữa đường la hét, chửi bới, đấm đá nhau túi bụi, chặn mất đường xe của nó. Nó hoảng quá. Tại sao người ta lại đánh nhau thế nhỉ? Một người đau - hai người đau - hay nhiều người cùng đau.

Nó quay xe trở lại, bỏ ý định đi tìm bác nó, mà chắc đâu đã tìm được. Chiếc xe đạp của nó đã hạ thấp yên nhưng vẫn hơi cao đối với nó. Phần thì đã thấm đói, phần phải kiễng chân để đạp xe, nó đã thấy hơi mệt. Nó nghĩ chỉ còn một hy vọng là trên đường hướng về Hà Đông, khoảng quanh quanh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, may ra nó có thể tìm được một chỗ bán thức ăn. Nó đạp nhanh hơn, bỏ khúc Khâm Thiên - Hàng Bột, hướng về Hà Đông. Hai mắt nó luôn đảo nhanh hai bên đường, nhưng chỉ thấy những đám bài bạc mà dường như nó vẫn có thể nghe rõ tiếng cắn hạt dưa lách tách xen lẫn với những tiếng cua cua, bầu bầu, chẵn chẵn, lẻ lẻ, chín nút, ba tây. Một nắm hạt dưa cũng giúp nó đỡ đói lòng lắm, nó nghĩ vậy.

Mải nghĩ, mải nhìn, mải đạp, nó đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế lúc nào không hay. Hết hy vọng tìm được chỗ bán thức ăn, nó quẹo vào cổng nhà thờ thì vừa đúng lúc nó nghe tiếng chuông reo - gần rước lễ. Nó đạp vội đến một cửa sổ gần cung thánh, dựng xe, nơi đây từ trong nhà thờ nó có thể trông thấy xe của nó. Nó nghĩ bụng kẻ gian có len lỏi vào nhà thờ cũng chẳng thèm lấy xe của nó vì xe của nó ‘không giống ai cả’, nhưng cẩn thận vẫn hơn. Nó đi vòng xuống cửa hông gần phía dưới nhà thờ, mở cửa bước vào. Lễ chót mà nhà thờ vẫn đông, nhưng còn vài hàng ghế trống phía dưới. Hôm nay là mồng một Tết, người lớn, trẻ con đều ăn mặc đẹp quá, tuy không sang trọng như các giáo dân đi lễ ở nhà thờ Chánh tòa hay nhà thờ Hàm Long mà nó có dịp trông thấy. Nó nhìn quần áo của nó - chiếc quần mới, may từ miếng vải bạt che xe ôtô nhà binh, và chiếc áo blu-dông quá khổ, gấp lên một gấu khá to - tất cả đều do anh họ nó cho nó, đương nhiên là không đẹp đẽ, nhưng sạch sẽ. Nó không thấy xấu hổ lắm vì bình thường, giáo dân ở đây cũng ăn mặc không sang trọng gì. Nhà thờ này mới được xây ở giữa những khu lao động không mấy giàu mà.

Nó quỳ gối ở đầu một ghế trống phía gần cửa sổ để có thể liếc nhìn xe của nó. Nó chắp tay, chống lên trán, lâm râm cầu nguyện, chuẩn bị lên rước lễ. “Lạy Chúa! Con mới ra đời mà đã gặp nhiều khó khăn. Đường đời con đi chắc sẽ còn nhiều khó khăn, nhiều chông gai. Con sợ con sẽ bị vấp ngã. Con không bao giờ dám oán trách Chúa, vì như Chúa đã phán ‘Một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng không ngoài ý Chúa Cha’. Nhưng con quá yếu đuối, quá cô đơn. Xin Chúa ban cho con một Thiên Thần để hướng dẫn con đi trên suốt con đường đời của con, để đỡ con dậy khi con vấp ngã, và nhất là để con biết sống đẹp lòng Chúa. Con cũng xin Chúa gìn giữ mẹ con, em con, đang gặp muôn vàn khó khăn ở quê hương xa xôi của con…”. Nó còn muốn cầu nguyện nhiều nữa nhưng chưa biết xin gì. Chợt cơn đói gợi ý cho nó. Nó cầu nguyện tiếp: “Lạy Chúa! Con chẳng xứng đáng được Chúa làm phép lạ để nuôi thân xác con. Nhưng như Chúa đã làm phép lạ để nuôi hơn năm ngàn người chỉ với năm cái bánh và hai con cá, mà còn dư hơn mười thúng đầy, xin Chúa cho con bớt cơn đói trong ngày hôm nay”.

Nó lên rước lễ sau cùng. Nó chợt nhớ tới lời dặn khi rước lễ lần đầu rằng không được nhai Mình thánh Chúa mà chỉ lựa lưỡi và nuốt. Hôm nay, nó sẽ không lựa lưỡi và nuốt Mình thánh Chúa, mà sẽ ngậm Mình thánh Chúa trong miệng để Mình thánh tự tan ra trong miệng nó. Nó tin rằng như vậy thì Mình thánh Chúa đích thật là của ăn, sẽ nuôi nó qua cơn đói ngày hôm nay, như Chúa đã nuôi hơn năm ngàn người qua cơn đói năm xưa.

Tan lễ, Cha làm phép lành xong, nó ra lấy xe rời khỏi nhà thờ trước mọi người. Và lạ kìa, suốt quãng đường đạp xe trở về túp lều tranh của nó, nó cảm thấy lâng lâng, không thấy đói nữa. Chúa đã làm phép lạ chăng? Chúa đã nhậm lời nó cầu nguyện chăng? Suốt từ sáng đến giờ, nó mải đi tìm một bữa ăn trần thế để nuôi thân xác bé nhỏ của nó mà không gặp. Người ta đã đóng cửa vì một niềm tin trần thế. Để rồi sau cùng, nó đã tìm đến cửa Nhà Chúa, được mở, và được cho ăn. Nó sẽ gìn giữ, sẽ trân trọng mãi bữa ăn này, vì nó tin rằng đó thật là bữa đại tiệc, sẽ nuôi sống linh hồn nó bây giờ, ngày hôm nay, và mãi mãi.

“Cảm tạ Chúa!” nó thì thầm, ngước nhìn bầu trời giữa trưa ngày đầu Xuân. Và nó nghe như có tiếng đáp lại từ trên khoảng không xa thẳm: “Ta chẳng bao giờ bỏ con. Thiên Thần của con đang đi cùng con”.