Không Có Tuyết Rơi Đêm Giáng Sinh

trần thu miên

Tuyết không rơi chiều Giáng Sinh. Sau 5 năm di cư từ Boston đến Claremont một phố nhỏ miền cực Đông của Los Angeles, nơi mỗi mùa đông, tôi chỉ đứng trước sân nhà nhìn tuyết trắng trên đỉnh Baldy, năm nay hồi cư về Boston, cứ tưởng đêm Giáng Sinh tuyết sẽ rơi phủ trắng phố phường. Nhưng không có tuyết rơi đêm Giáng Sinh. Rặng đồi xanh, Blue Hills, gần nhà tôi, nơi có trung tâm trượt tuyết mùa đông, tuyết không đủ dày, nên cả cánh đồi chỉ thấy cây xám trơ cành buồn hiu hiu giữa chiều Giáng Sinh không có tuyết rơi. Không bù lại Denver, Colorado, nơi từ thứ Tư trước Giáng Sinh đã bị nhận chìm trong cơn bão tuyết dày đặc. Có tới khoảng ba ngàn chuyến bay đến và đi từ phi trường Denver đã bị đình chỉ. Hơn bốn ngàn hành khách bị kẹt lại phi trường, rất nhiều người đã nao nức được về nhà trước ngày Giáng Sinh, nhưng đã thất vọng não nề. Nếu mình là một trong những hành khách đó chắc mình đã không chờ tuyết rơi đêm Giáng Sinh như lúc này. Có những cái đẹp làm người ta thù hằn nổi đóa như tuyết rơi phủ kín phi trường Denver.

Cả nhà tôi nao nức chờ đi lễ Giáng Sinh tại nhà thờ Chính Tòa Holy Cross của Giáo Phận Boston. Người Công Giáo Việt Nam sống rải rác trong Giáo Phận Boston cả mấy chục năm nay vẫn tụ họp về nhà thờ Chính Tòa Holy Cross để tham dự lễ Giáng Sinh vào chiều 24 tháng mười hai. Thánh lễ Giáng Sinh cho người Việt do Hồng Y Bernard Francis Law khởi xướng khi ngài còn trụ trì tại Giáo Phận này. Từ mấy năm nay Hồng Y Sean P. O’Malley vẫn tiếp tục chủ tế thánh lễ truyền thống này cho cư dân Việt nam.

Từ nhà tôi đến nhà thờ chính tòa đường dài chưa đầy tám dặm, nhưng chúng tôi đã rời nhà lúc bốn giờ chiều để đến sớm tìm chỗ đậu xe và chỗ ngồi tốt trong nhà thờ. Chương trình thánh ca Giáng Sinh bắt đầu lúc 5:30 chiều và thánh lễ lúc 6:00. Tôi háo hức chờ chương trình Thánh Ca vọng Giáng Sinh. Trong đầu mình đã hát vang lên nhửng bài Thánh Ca Giáng Sinh hát thời thơ ấu. Nhớ những Giáng Sinh đầu đời tỵ nạn mình vẫn ôm đàn hát Thánh Ca một mình hay với vài đứa bạn lạc lõng trong những khu chung cư Đại Học vắng hoe chiều Giáng Sinh. Hát trong cơn say ngà ngà, hát trong tiếng cười, tiếng chử thề vô tội của bạn bè nhìn nhau tự thương mình trong nỗi cô độc và cô đơn đời xa xứ.

Tôi đưa Uyên-Sa và các con đến cổng nhà thờ để Uyên-Sa vào tìm chỗ ngồi trong khi tôi chạy lòng vòng tìm chỗ đâu xe. Boston là một trong những thành phố thiếu chỗ đậu xe. Gần đây có tay cự phú chơi ngông đã bỏ hai trăm năm chục ngàn đô để mua một chỗ đậu xe chật chội tại Boston. Trong khi có rất nhiều người ở đây không có tiền để mua một căn hộ nhỏ bé cho gia đình dung thân. Đời vẩn thế, vẫn là những nghịch cảnh đầy bi tráng khó hiểu. Chẳng hạn như đêm nay, đêm hàng tỷ người chờ đón Giáng Sinh bằng nhiều cách khác nhau, có người chờ trong cô đơn buồn chán, có người chờ trong dạ tiệc tưng bừng và cũng có người không nhà nằm ngủ co ro dười gầm cầu quên chờ Giáng Sinh về đêm nay. Lễ Giáng Sinh tự nó cũng mang đầy những mâu thuẫn bi tráng. Tại sao con độc nhất của Thượng Đế lại sinh ra mang kiếp người rồi chết cái chết cực kỳ man rợ? Tại sao một thiếu nữ đồng trinh lại mang thai con Thượng Đế? Chuyện Giáng Sinh là chuyện cực kỳ hoang đường và mâu thuẫn nếu chúng ta nghe và hiểu theo trí tuệ loài người. Thế nhưng theo thăm dò của CBS News Poll tháng Tư vừa qua hơn 80% dân chúng của Hoa Kỳ, một quốc gia văn minh tân tiến bực nhất thề giới, vẫn còn tin vào Thên Chúa và chỉ có khoảng 13% dân số Hoa Kỳ coi tôn giáo chẳng là gì trong đời sống mình. Những vấn nạn tôn giáo chỉ có thể gải thích bằng đức tin. Sự lý giải của luận lý học về tôn giáo có thể làm ta phát điên dễ dàng.

Tôi đang rình chờ chỗ đậu xe, điện thọai di động chợt reo lên, mở ra biết ngay là Uyên-Sa gọi. Vừa đưa điện thoại lên tai đã nghe, “Tìm ra chỗ đậu chưa anh? Nhà mình ngồi hàng ghế thứ 12 từ bàn thờ xuống, phía bên phải đấy, lẹ lên, chương trình sắp bắt đầu.” Tôi trả lời vội, “Sắp có chổ rồi, sẽ vào ngay.” Khi tôi ra khỏi xe, gió chiều se se lạnh. Mới hơn năm giờ chiều nhưng trời đã tối đen. Trăng thượng tuần mong manh như viền lông mày thiếu nữ dậy thì lênh đênh lẳng lơ giữa bầu trời cuối năm đen sâu thăm thẳm. Đi thật nhanh để vào nhà thờ cho kịp phút khai mạc chương trình Thánh Ca Giáng Sinh sau năm năm xa cách. Ca Đoàn quy hội các ca viên từ các ca đòan trong vùng. Có khoảng hơn ba chục ca viên đứng xếp hàng phía bên phải bàn thờ quay xuống cộng đòan. Tôi kính phục sự hăng hái của các ca trưởng và ca viên. Họ bỏ nhiều thời giờ và công sức tập dượt cho chương trình tối nay. Khen và chê là điều dễ làm. Việc tham gia vào ca đoàn để tập dượt và trình diễn mới là việc khó làm. Các nhà thờ Việt Nam tại Hoa Kỳ mà không có các ca đòan sinh họat Thánh Ca thì chắc chắn sẽ tẻ nhạt thiếu sức sống. Chiều Giáng Sinh này mình ngồi lặng yên hơn ba chục phút để lắng nghe ca đòan hát Thánh Ca sao vẫn thấy lòng mình dửng dưng hụt hẫng thế nào ấy. Có những bài ca mới mình chưa được nghe bao giờ và cũng có bài mình vẫn hát cả đời nhưng sao tiếng hát của ca đoàn tối nay không khơi lên trong tâm thức mình được một chút rung cảm nào? Đêm Giáng Sinh này tuyết không rơi nhưng tai sao các bài Thánh Ca mình yêu thích lại đông lạnh trong tâm hồn? Và ca đòan đêm nay không khơi lên được cảm giác linh thiêng huyền bí của Giáng Sinh trong tim mình.

Việc hát Thánh Ca Giáng Sinh hay phụng vụ hàng tuần phải được đặt lại vấn đề. Nhà thờ có lẽ không phải là nơi sinh họat văn nghệ đoàn đội như những khi đi cắm trại. Thế nên việc “hát hay không bằng hay hát” có lẽ không thích hợp. Thánh ca có mục đích chính là giúp ta đến gần hơn với Thiên Chúa. Khi chúng ta hát hay nghe Thánh Ca, bài hát phải có tác động tâm linh, phải có hấp lực tình cảm để ta cảm nghiệm ra được lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta không thể nào ca ngợi được lòng nhân từ của Thiên Chúa nếu không cảm được sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn trong trái tim ta. Thánh Ca phải giúp ta làm việc này mỗi khi đến nhà thờ dâng lễ và khi cầu nguyện đoàn nhóm hay một mình. Các ca đòan Việt Nam thường không có đủ thời giờ và phương tiện tập dượt nên tôi đề nghị là chỉ nên hát khoảng ba bài cho thật hay mỗi Thánh Lễ. Bàt hát có lúc phải là tiếng sét đánh thẳng vào tâm hồn giáo dân để khơi lên trong họ niềm tin. Bài hát có khi phải êm như tiếng gió hay nhẹ như tuyết rơi để vỗ về an ủi những tâm hồn băn khoăn xao xuyến tìm đến giáo đường để được ủi an nâng đở. Bài hát phải như men rượu làm người nghe lâng lâng niềm hy vọng vào thiên thu vĩnh cửu. Rất tiếc là nền Thánh Nhạc Công Giáo Việt Nam vẫn chưa cống hiến cho giáo dân nhiều những bài ca tuyệt hảo như bài Đêm Thánh Vô Cùng. Nhạc Thánh Ca Giáng Sinh Việt Nam vẫn chưa có bài nào vượt qua bài Hang Bê Lem hay “Đêm Đông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Đời…” của Hải Linh. Bài Thánh ca này luôn luôn có tác động lúc như tiếng chuông trống dập dồn thôi thúc và lúc như tiếng gió man man vi vút mơn vuốt ve tâm hồn người nghe. Giáo dân phải tìm mọi cách để nuôi dưỡng những tài năng Thánh Nhạc và ủng hộ các ca đoàn Thánh Ca. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên tổ chức một đại nhạc hội Thánh Ca Công Giáo Việt Nam trên tòan cầu mỗi năm một lần để những tài năng Thánh Nhạc có cơ hội vươn lên cao hơn để nền Thánh Nhạc Việt Nam có cơ hội chuyên chở âm giai Thánh Nhạc dân tộc đến khắp nơi trên thế giới.

Đêm Giáng Sinh này tuyết không rơi. Năm năm rồi mình mới đi lễ Giáng sinh ở Boston sao tuyết không rơi để con đường đi lễ chiều nay phủ đầy tuyết trắng? Mình không thích mùa đông nhưng yêu nhìn tuyết rơi. Đời mình là những nghịch lý. Giáng sinh cũng bắt đầu từ một nghịch lý. Hơn hai ngàn năm rồi, nhân lọai vẫn nghe câu kinh “bình an dưới thế cho người thiện tâm,” sao vẫn chưa thấy bình an? Mới sáng nay nghe thêm tin tử vong từ Iraq, cuộc chiến ở đây và nhiều nơi khác trên thế giới nhắc ta mỗi giây phút là nhân loại vẫn chưa có bình an. Có lẽ tâm mình chưa “thiện” nên câu kinh bình an vẫn chỉ là câu kinh đọc mãi trên môi. Đêm Giáng Sinh này tuyết không rơi. Mình không thích mùa đông nhưng yêu nhìn tuyết trắng.

trần thu miên

Giáng Sinh 2006

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo